Tác giả là một Dược Sĩ hồi hưu. Ông tốt nghiệp Đại
Học Dược Khoa Saigon 1968. Định cư tại Canada từ 9/1982, tốt
nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ
đầu tiên, một chuyện vui sống động trên một chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ.
“Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ
sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể.
* * *
- Gió đông gió tây, gió nào đã đưa cậu tới đây?
- Chẳng có gió đông, chẳng có gió tây, chỉ có
"gió chướng" thôi. Gió chướng đã mang tôi tới đây để gặp tên bạn
"khỉ gió" thuở còn tắm truồng đấy!
- Cậu lúc nào cũng ăn nói "khó tiêu". Dễ
có trên ba chục năm không gặp cậu. Thú thật đi, có phải cậu đến đây để thăm bà
bé không? Tôi không mách bà xã cậu đâu. Đừng lo.
- Cậu đoán đúng mới có một nửa. Đúng, tôi vừa đi
thăm viếng một người đàn bà.
- Ai thế? Tôi có biết người đó không?
- Có thể cậu biết. Bà mẹ tôi ấy mà.
- Cậu không đùa đấy chứ. Mẹ cậu đã mất ở VN. Tôi
cùng bạn bè đã gửi lời chia buồn từ ngày nảo ngày nào rồi. Hay là mẹ của mẹ bầy
trẻ? Nhưng mà bà xã của cậu mồ côi mẹ mà!
- Không, bà mẹ nuôi, bà Steinberg mà tôi đã có lần
nói với cậu khi mới tới thành phố này đó. Nhớ không? Đây là lần đầu tiên tôi đi
tảo mộ. Tôi ở bên bà suốt buổi sáng nay rồi đi ăn trưa với lão luật sư già của
bả.
- Nhớ, nhưng tôi chưa hề nghe nói cậu là con nuôi
của bà triệu phú từ tâm này. Ê, đừng thấy sang bắt quàng làm họ nhé. Khi cậu
rời khỏi nơi đây thì bả cũng đã qua đời. Tôi nhớ rất rõ.
- Hồi đó tụi mình chưa an cư nên tuy ở gần mà như
nghìn trùng xa cách, chả mấy khi được ngồi tâm sự như bây giờ nên cậu không
biết. Chuyện dài lắm, tôi sẽ kể cho cậu nghe. Bây giờ tụi mình đi kiếm cái gì
lót dạ đã.
Buổi tối hôm đó, đôi bạn tri kỷ đối ẩm, nói chuyện
"cổ tích".
*
Năm tôi đến đất nước này, chu kỳ suy thoái kinh tế
bắt đầu. Việc làm hiếm hoi, nhưng chính phủ vẫn mở rộng vòng tay nhân ái tiếp
nhận người tỵ nạn. Cậu có bà xã giỏi giang, đi làm nuôi chồng con. Cậu chỉ lo
nội trợ, đưa đón con cái đi học, có thì giờ rộng rãi dồi mài kinh sử. Còn tôi,
độc thân tại chỗ, vợ con còn kẹt lại VN, một cảnh hai quê. Vừa mong mau chóng
ổn định cuộc sống vừa mong đủ điều kiện tài chánh bảo lãnh gia đình.
Chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày phải đi ăn mày chính
phủ Canada. Mỗi tuần sắp hàng ngửa tay nhận chi phiếu bảy chục đô la, rồi còn
bị cô thư ký người Việt nói xỏ xiên, thúc giục tìm việc. Tôi đã cảm nhận tất cả
ê chề nhục nhã của kiếp tha hương.
Rất may mắn, tôi đã gặp cậu và được cố vấn nên sau
vài lần xin việc bị từ chối khéo, tôi điền đơn tại bệnh viện Montford theo đúng
lời cậu chỉ dẫn. Lý lịch khai rất gọn, phần học vấn bỏ trống, không ghi tốt
nghiệp đại học VN. Xin làm Pharmacy Attendant, công việc sai vặt trong khoa
dược.
Bà trưởng phòng nhân viên bệnh viện đọc hồ sơ,
ngước mắt nhìn tỏ vẻ thương hại rồi nói, được rồi, anh cứ về, khi nào có chỗ
trống sẽ gọi phỏng vấn.
Vừa định đứng dậy thì bà ra dấu cho tôi ngồi xuống,
ngập ngừng... Tôi biết bên hospice, nhà an dưỡng của bệnh nhân cận tử, đang cần
một orderly nam, tức y công đàn ông. Nếu anh không ngại tôi sẽ giới thiệu. Đang
đói việc, tôi bằng lòng ngay, bất cứ việc gì.
Y tá trưởng của hospice vui mừng đón nhận tôi.
Bà cho biết công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi
sự nhẫn nại hơn bình thường. Chỉ phục vụ một bệnh nhân đặc biệt và khó tính.
Gia đình bệnh nhân này là ân nhân của bệnh viện, đã hiến tặng toàn bộ xây cất
và các trang thiết bị cho hospice nên tên của người chồng quá cố, "J.D.
Steinberg" được vinh danh trên bảng đồng.
Bà thành thật cho biết đã có 2 nữ y công bị trả lại
vì bệnh nhân không hài lòng và thêm một nữ nữa bỏ việc vì không chịu nổi áp
lực.
Tuy nhiên lương bổng rất hậu hĩnh. Bệnh nhân này
sẵn sàng trả thêm tiền thưởng tương đương với tiền lương của bệnh viện.
Bà muốn thay đổi, đề nghị tuyển nhân viên nam, hy
vọng nam có sức chịu đựng tốt hơn nữ.
Bệnh nhân là bà Steinberg, khoảng gần bảy chục
tuổi, bị ung thư buồng trứng, đã di căn, giai đoạn cuối. Đẹp lão, mập mạp,
tướng mệnh phụ. Bà tiếp tôi lạnh lùng, sau khi cô chuyên viên trang điểm rút
lui. Hỏi vài câu vắn tắt lấy lệ, rồi cho tôi kiếu.
Quả thật công việc rất nhàn hạ, nhưng không thơm
tho. Bác sĩ, y tá thăm bệnh và cho thuốc men theo thời khoá biểu. Cô quản gia
kiêm thư ký công ty của gia đình trình diện vào buổi trưa mỗi ngày, đem thức ăn
khoái khẩu của bà và quần áo mới. Tôi chỉ giúp bà làm vệ sinh tiêu tiểu buổi
sáng, ngay trên giường và đổ phân vào cầu. Buổi chiều, sửa soạn bồn tắm, giúp
bà làm vệ sinh thân thể và đẩy xe đưa bà đi dạo. Ngoài ra, chùi rửa phòng, thay
bọc trải giường, mang quần áo chăn mền qua phòng giặt ủi...v...v... Thỉnh
thoảng ghé mắt xem bà có cần sai bảo gì không. Khẩn cấp thì phải chạy tìm y tá
bác sĩ trực.
Tôi được sắp xếp cho ở góc cuối phòng, ngăn bằng
chiếc màn kéo, đủ kê chiếc giường đơn, ghế nằm và bàn viết. Một ngày chỉ thật
sự làm việc độ 3 hoặc 4 tiếng, ăn uống ở câu lạc bộ. Thời giờ quá dư thừa nên
tôi mượn sách chuyên môn của thư viện đọc, mơ một ngày nào đó sẽ lấy lại được
bằng hành nghề.
Một buổi tối, bà rên khò khè đau đớn, tôi chạy lại
thì nghe bà quát, đi lấy cho ta cái "donut" ngay. Ta cảm thấy khó
chịu quá!
Tôi cuống quít nói, thưa bà giờ này quá khuya, e
không có tiệm bánh donut nào mở cửa, bà có thể chờ đến sáng sớm mai không?
Bà nổi quạu, phán, đồ ngu! Xuống bảo y tá trực đưa.
Tôi răm rắp chạy báo cáo bà y tá già. Bà cười ngặt
nghẽo, đưa cho tôi cái vòng cao su mầu cam trông giống như ruột xe vespa, bảo,
đấy, donut là cái này này.
Tôi vỡ lẽ, té ra donut cũng là tên gọi của cái vòng
đệm cao su, dùng để kê dưới bàn tọa cho êm.
Mấy ngày sau, khi đã hơi khoẻ, bà ngoắc tôi lại, ra
lệnh, ê thằng Tầu con, xuống kêu con nhỏ làm tóc lên chải đầu cho ta. Hôm nay
ta có khách lại thăm.
Bị chạm nọc nhưng tôi vẫn đủ bình tĩnh, khẽ thưa,
xin bà đừng gọi tôi là Tầu con. Tôi đã 36 tuổi rồi và là người Việt Nam không
phải Tầu.
Trái với sự mong đợi của tôi, bà tỏ vẻ thân thiện,
ngồi thẳng dậy, tròn mắt, hỏi lại, Việt Nam? Việt Nam? Con trai của ta chiến
đấu ở VN và đã mất tích từ năm 1970, cũng trạc tuổi của mi.
Tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Ngờ
ngợ có sự liên quan tới Bác sĩ John Steinberg mà tôi quen biết khi còn trong
quân đội.
Kể từ đó, mỗi khi có dịp, tôi gạ gẫm bà kể thêm về
người con trai. Bà rất hứng khởi.
Sự nghi ngờ ban đầu đã dần dần sáng tỏ. Gom góp các
chi tiết và đối chiếu các sự kiện, tôi đã chắc đến 99.99% John Steinberg, con
trai của bà, và BS John Steinberg, bạn tôi, là một người bạn quí.
*
Theo bà, John là một đứa trẻ có nhiều cá tính ngay
từ nhỏ. Thông minh, bướng bỉnh, tinh thần tự lập cao. Nhiều tự ái, nóng tính,
hơi cố chấp và đặc biệt xung khắc với cha.
Ông Steinberg muốn hướng chàng thành một doanh gia.
John, trái lại, thần tượng BS Albert Schweitzer. Ước vọng trở thành thầy thuốc
giỏi, từ bỏ thế giới văn minh, đến các xứ nghèo Phi châu, mang tài năng và
nhiệt tâm phục vụ không điều kiện.
Sau khi tốt nghiệp y khoa Mc Gill, lúc chuẩn bị nội
trú chuyên ngành tại bệnh viện Ottawa thì xảy ra một cuộc đấu khẩu dữ dội giữa
hai cha con. John giận cha, bỏ qua Mỹ, tình nguyện nhập ngũ. Được huấn luyện
quân sự tại Fort Bragg và tu nghiệp chuyên môn tại Womack Army Medical Center
NC. Y sĩ Đại uý John Steinberg sau đó được gửi qua Việt Nam, bổ sung toán quân
y thuộc liên đoàn 5 lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, đóng tại Nha Trang.
John vẫn thư từ liên lạc với bà mẹ đều đặn. Cho đến
một buổi chiều ảm đạm mùa thu năm 1970, ba sĩ quan đồng ngũ của binh chủng gõ
cửa báo tin con bà đã mất tích khi đang thi hành nhiệm vụ, được ghi vào danh
sách M.I.A.
Ông Steinberg bị nỗi hối hận dầy vò, tự đổ lỗi cho
chính mình, đã đưa đẩy con trai vào chỗ chết. Ông qua đời ba năm sau.
*
Thời gian John công tác, tôi đang làm việc tại bệnh
xá gia đình binh sĩ cũng đồn trú Nha Trang.
Chúng tôi cùng đi làm dân sự vụ thường xuyên tại
các bản thượng hẻo lánh nên quen biết rồi thân nhau. Thỉnh thoảng tụ tập ăn
uống nhậu nhẹt tại các quán bờ biển hoặc đi nghe nhạc phòng trà.
Khi tin John tử trận bay đến phòng làm việc, tất cả
ban quân y chúng tôi đều bàng hoàng. John và toán dân sự vụ Việt Mỹ chết bỏ xác
khi máy bay trực thăng trục trặc kỹ thuật, đáp tạm xuống bãi đất hẹp gần nhánh
sông chảy xiết. B40 bắn rớt ngay lúc vừa cất cánh trở lại. Duy có một y tá VN
tên Công thoát hiểm một cách kỳ diệu. Hắn ngụp lặn, bơi ngược dòng nước, băng
rừng suốt đêm đến được nơi an toàn.
Quá hoảng loạn trong nỗi kinh hoàng tột độ, y tá
Công bị hậu chấn thương nặng, chuyển về khoa tâm thần tổng y viện Cộng Hoà điều
trị vài tháng rồi được cho giải ngũ. Hắn vẫn đến xin thuốc an thần và thuốc ngủ
đều đặn nên từ đó anh em đổi biệt danh "Công ngủ" thành "Công
không ngủ".
Những năm cuối của thập niên 70 và đầu thập niên
80, tôi hay lang thang khắp chợ trời. Tình cờ gặp lại "Công không
ngủ". Hắn đã lột xác, trông bảnh bao, da dẻ hồng hào, ra dáng công tử
vườn. Hắn khoe buôn bán thuốc tây, thu nhập khấm khá. Hắn bỏ một buổi buôn bán,
mời tôi đi nhậu ở tiệm ăn sang trọng trên đường Nguyễn Huệ. Đãi rượu Martell và
thuốc thơm ba số. Lúc đã ngà ngà, hắn nhắc lại chuyện cũ. Bật mí tất cả những
gì chưa từng bật mí.
*
Chiếc trực thăng chao đảo vì phi công bị B40 xuyên
nát cổ. Đủ loại súng thi nhau nhả đạn, mọi người nhốn nháo chen nhau nhảy
xuống. Đạn đan tròng tréo, có người rớt lịch bịch, có người nằm xuống khi chân
chưa chạm đất. Bác sĩ Steinberg cùng hắn và vài người nữa chạy thẳng xuống
sông. Các người kia bơi theo dòng nước. Ông bác sĩ Mỹ to cồng kềnh, bơi hoặc
lặn cũng không ổn nên tìm chỗ ẩn nấp dưới đám lau sậy. Vốn là dân xóm Cồn, giỏi
bơi lội, lại nhỏ con nên "Công không ngủ" nhanh như chớp, phóng xuống
giữa dòng, vớ một ống sậy dài, ngậm thở, lặn ngược dòng, đánh lạc hướng của
nhóm du kích chạy xuôi trên bờ đang truy đuổi từng người. Nghe tiếng súng AK nổ
ròn rã, hắn biết những bờ bụi chắc chắn là những mục tiêu bị nhắm bắn. Hắn tự
khen mình thông minh, không trốn theo ông bác sĩ cũng không bơi xuôi giòng. Rất
có thể nhiều người đã lãnh đủ những tràng đạn vừa qua.
Đợi khi bóng dáng đám du kích đã hoàn toàn mất hút,
hắn bơi đến chỗ ông bác sĩ thăm dò. Vùng máu loang lổ đang lan rộng chứng tỏ
ông đã trúng đạn. Sờ mũi, vạch mắt, nghe tim, biết ông đã chết, hắn chỉ kịp mở
nút gài túi áo trên lấy chiếc ví dầy cộm, lột chiếc đồng hồ trên tay.
Tiếng đám du kích vui cười nghe rõ dần, có lẽ họ
trở lại thu nhặt chiến lợi phẩm. Hắn đẩy xác ông bác sĩ ra giữa dòng để gây sự
chú ý, giúp hắn có thêm thì giờ lặn ngược dòng trốn càng xa càng tốt.
Nằm ếm dưới nước, chờ trời tối, hắn bước nhanh vào
khu cây cối rậm rạp, nhắm hướng sao đi tới. Rạng sáng, hắn gặp một người đàn bà
thượng đeo gùi sau lưng, địu con phía trước đi làm rẫy. Hắn bập bẹ vài tiếng
thượng học được, xin chỉ đường đến đồn bót gần nhất.
Bài học mưu sinh thoát hiểm, cộng với may mắn cùng
sự giúp đỡ của người dân tốt bụng đã đưa hắn trở về bình yên.
Lợi dụng việc sống sót hy hữu sau tai nạn, hắn đã
đóng kịch rất khéo, giả bệnh, qua mặt được mọi người và giải ngũ.
Hắn cho biết trong chiếc ví của ông bác sĩ, ngoài
số tiền mặt khá lớn, đủ để hắn sửa sang nhà cửa và mua chiếc xe Honda 90 đời
mới, còn có một lá thư, một tấm hình, vài thứ giấy tờ linh tinh.
Hắn cho tôi địa chỉ nếu muốn đến xem. Tôi không có
dịp vì còn mải lo chuyện vượt biển.
Sự sống của bà Steinberg kéo dài hơn ước tính của
các bác sĩ. Bà cho là lời cầu nguyện của bà đã được lắng nghe và hy vọng phép
mầu nhiệm sẽ đến qua ơn cứu rỗi.
Một tuần trước sinh nhật, bà điện thoại cho hai cô
con gái lớn nhắc nhở. Năn nỉ các con cháu sẽ đến và ở chơi với bà một buổi. Bà
dặn tôi đến ngày đó phải thu dọn căn phòng trống kế bên sạch sẽ, kê thêm bàn
ghế và phụ giúp nhà hàng chăm lo phần ẩm thực.
Tôi chợt có ý nghĩ nhân dịp này sẽ tặng bà một món
quà sinh nhật bất ngờ. Đánh điện tín nhờ vợ tôi mang đến "Công không
ngủ", hẹn giờ ra bưu điện nói chuyện điện thoại viễn liên.
Tôi ngỏ ý muốn mua cái ví của BS Steinberg cùng tất
cả các thứ trong đó. Thỏa thuận xong giá cả, tôi yêu cầu hắn tạm thời fax ngay
cho tôi những thứ có trong chiếc ví.
Ngày hôm sau, chỉ nhận được bản fax của lá thư và
tấm ảnh, nhìn không rõ lắm nhưng chữ có thể đọc mò được.
Tiền thì hắn nhận đủ nhưng chiếc ví không bao giờ
được gửi. Về sau nghe chú hắn nói, hắn đang tìm đường vượt biên và cái ví sẽ là
lá bùa khi xét ưu tiên định cư Mỹ.
Sau nhiều năm không ai nhận được tin tức về chuyến
tầu của hắn. Có lẽ cái ví cũng theo hắn định cư dưới lòng đại dương.
Buổi sáng sinh nhật, bà dậy thật sớm tuy cả đêm
trằn trọc. Người làm tóc, người trang điểm bận tíu tít. Người ta thay cho bà
một bộ đầm sang trọng. Trông bà tươi tỉnh, cười nói huyên thuyên, không ai nghĩ
rằng đó là một bệnh nhân sắp từ giã cõi trần. Bà nói đã lâu lắm rồi, không thấy
mặt mấy đứa cháu ngoại, không biết chúng nó cao lớn thêm và xinh đẹp như thế
nào. Bà tưởng tượng sẽ ôm từng đứa, sẽ phủ mưa hôn trên từng phân vuông của
những khuôn mặt thiên thần. Sau đó nếu Chúa có bắt đi ngay bà cũng an lòng. Chỉ
tưởng tượng thôi mà cảm xúc đã dâng trào trên niềm hạnh phúc ảo.
Các tiếp viên nhà hàng mang thức ăn bầy biện đẹp
mắt, chiếc bánh sinh nhật hấp dẫn đặt giữa bàn. Tất cả kiên nhẫn chờ được phục
vụ.
Suốt từ sáng đến quá trưa, bà bồn chồn, đứng ngồi
không yên. Vẫn không thấy con cháu xuất hiện. Toàn thể nhân viên hospice không
chờ đợi được nữa, bàn nhau tụ tập vây quanh bà, vỗ tay hát bài mừng sinh nhật.
Bà gắng gượng ngồi nghe đến câu cuối, xua tay ra dấu mệt mỏi, để nguyên quần áo
nhờ tôi đỡ lên giường.
Cô thư ký lăng xăng lên xuống, liên tục điện thoại
khắp nơi, tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Buổi chiều, cô trở lại buồn bã báo tin,
cả hai gia đình của hai con gái bà đang vui chơi ở Disney World Orlando Florida
từ vài ngày nay.
Bà Steinberg suy sụp tinh thần thấy rõ. Không ăn
uống. Đóng cửa, không tiếp bất cứ ai. Tôi trở thành liên lạc viên duy nhất của
bà với bên ngoài. Rất khó khăn ép bà uống thuốc đúng giờ.
Tối hôm đó, cơn đói đánh thức, bà sai tôi mua một
tô súp gà và ly sữa. Tôi mua thêm một chiếc bánh chocolate donut và một cây đèn
cầy. Bà chỉ húp vài muỗng súp và một phần ly sữa. Tôi mở bao lấy chiếc donut để
trên đĩa giấy, thắp cây đèn cầy, bưng về phía bàn ngủ. Run run hát nho nhỏ,
happy birthday to you, happy birthday to you, happy birthday to Mrs
Steinberg...
Bà há hốc miệng ngạc nhiên, im lặng vài khoảnh khắc
rồi quay mặt vào tường. Tôi ngỡ bà phản ứng giống như khi nghe nhân viên bệnh
viện hát chúc mừng trước đó. Ngờ đâu bà quay lại với đôi mắt ướt, giơ hai tay
ôm chầm lấy tôi. Líu lưỡi cám ơn, cám ơn. Bà thổi đèn cầy rồi ăn hết chiếc bánh
bình dân một cách ngon lành, nói, đây mới chính là cái "donut" mà ta
muốn. Bà cám ơn tôi lần nữa, đã cho bà một sinh nhật tuyệt vời và độc đáo.
Bà vui vẻ trở lại nhanh chóng. Kể đủ mọi chuyện
ngày cũ, toàn những chuyện về John. Trong ba người con chỉ có John nhớ sinh
nhật của bà, dù đi đâu xa cũng quay về vào ngày ấy. Bà nhất định cho rằng, bằng
cách nào đó, chính John đã mượn tôi thực hiện sáng kiến sinh nhật donut.
Tôi nói có một món quà sinh nhật và trao cho bà
chiếc phong bì đựng bản fax của lá thư và tấm hình. Thêm một lần ngạc nhiên
thích thú, bà mở ra. Mới lướt qua tấm hình và đọc vài hàng của lá thư, bà thở hổn
hển. Những thứ này ở đâu ở đâu ra? Đúng là nét chữ của ta, đây là lá thư ta gửi
John cám ơn lời hỏi thăm sức khỏe khi ta bị té gẫy chân và cho biết tình trạng
đã ổn định. Làm sao mi có được? Nói ngay, nói ngay! Còn tấm hình mờ nhưng ta
biết đó là hình chụp ta và con chó Buddy.
Tôi cho bà biết chuyện thật đời tôi, tất cả những
gì tôi nghe về bạn quá cố của tôi, lúc còn sống, lúc lâm nạn và tại sao tôi có
được những thứ đó.
Bà nhờ tôi kê gối đẩy lưng cao lên. Đọc kinh tạ ơn
Chúa. Bà càng tin rằng John đã nhập vào tôi và mang thông điệp của tin mừng đến
cho bà.
Bà đã mệt lắm rồi. Linh tính những ngày giờ cuối
cùng đã điểm, tôi ở lại bên cạnh bà.
Thấy bà không ngủ, tôi hỏi có cần gọi y tá không?
Bà không trả lời, cầm tay tôi đặt lên ngực phía trái tim, cặp mắt lạc thần,
nhìn vào hư không, nói lẩm bẩm như người mộng du.
Baby John của mẹ, con có biết 12 năm nay không có
ngày nào mẹ ngưng thương nhớ con? Mẹ nhớ từ tiếng con khóc lúc chào đời..., mẹ
nhớ lúc con chập chững những bước đi.... Mẹ nhớ những ngày tuyết đổ mẹ dẫn con
vào lớp học giao cho cô giáo vườn trẻ, con níu áo mẹ không rời, mẹ phải ở với
con suốt buổi rồi đem con về.... Mẹ nhớ những đêm con ho cảm lạnh, mẹ thức
trắng đêm ôm ru con ngủ.... Mẹ nhớ...Mẹ nhớ.... Mẹ khóc mừng ngày con tốt
nghiệp đại học.... Mẹ tưởng con của mẹ sẽ mãi mãi êm ấm trong vòng tay mẹ.
Nhưng con, con... đã đi và đi không trở lại. Lúc sinh thời, cha con nếu có lỗi
với con thì cũng chỉ vì yêu con. Hai cha con bây giờ đã xum họp ở thế giới
khác, đâu còn giận hờn. Mẹ cũng sắp sửa gặp cha con và con đây. Con ngoan nhé.
Mẹ yêu của con.
Tôi lặng yên quỳ xuống đầu giường để bà vuốt tóc.
Ước gì thật sự là John để bà trút hết nỗi niềm chất chứa bấy lâu và để cho tình
mẫu tử thăng hoa.
Bà chợt tỉnh, nhận ra tôi nhưng vẫn tiếp tục xoa
đầu. Ta thấy hình ảnh của John qua con, con cũng là con ta. Bà dí ngón trỏ lên
trán tôi, mỉm cười, nụ cười nhân ái nhất nhận được trong đời, mắng yêu,
"THẰNG TẦU CON CỦA MẸ". Chúa ơi! Bà gọi tôi là con và xưng mẹ!
Không biết ai xúc động nhiều hơn ai. Có lẽ không
phải là bà mà là tôi. Tôi bỗng buột miệng vô thức...Mẹ, Mẹ... rồi á khẩu. Dòng
nước mắt tôi chảy, giọt nước mắt bà lăn dài. Cả hai ôm nhau hoà tan trong nước
mắt.
Trưa hôm sau bà lệnh cho cô thư ký mời luật sư gia
đình gặp bà thảo luận chuyện quan trọng. Ông đang có việc ở Âu châu nên chỉ nói
chuyện qua điện thoại và hứa sẽ đổi vé, bay về trên chuyến gần nhất.
Bác sĩ được triệu đến khẩn cấp.
Bà Steinberg yếu dần, bỏ ăn từ chiều hôm trước, môi
khô. Nuốt khó khăn. Mũi thuốc morphine giảm đau liều cao chỉ giúp bà thiếp đi
một chốc. Đắp thêm chăn, xoa bóp chân tay, vẫn còn lạnh. Bà đã bị ảo giác, mất
định hướng thời gian và không gian. Liên tục thì thào gọi tên John. Tôi nắm bàn
tay lạnh của bà vuốt nhẹ, khẽ gọi, mẹ ơi! mẹ ơi!.
Bà thở không bình thường nữa, hắt ra rồi bất động.
Bác sĩ vạch mắt, rọi đèn pin soi đồng tử, nhìn đồng hồ lắc đầu. Xong một kiếp
người!
Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ mọi người đã có
mặt trong phòng. Hai người con gái đi cùng hai luật sư của họ, luật sư gia
đình, giám đốc các công ty kinh doanh của gia đình, các đại diện và luật sư của
các hội từ thiện, một vài họ hàng thân cận.
Tất cả yêu cầu luật sư gia đình công bố di chúc. Họ
tranh cãi khá lâu, không ồn ào nhưng rất gay gắt. Không đi đến kết quả nên đồng
ý giải quyết sau tang lễ.
Nghe thoang thoáng có người đề cập đến tên mình
nhưng tôi để ngoài tai vì nghĩ không có gì liên hệ.
Luật sư yêu cầu giải tán để nhân viên nhà quàn làm
phận sự. Nhiều người trước khi bước ra khỏi cửa ném cho tôi cái nhìn khó chịu,
có người đi ngang tôi với vẻ thù hận ra mặt. Tôi không hiểu tại sao. Không lẽ
kỳ thị chủng tộc?
Những gì xảy ra trong những ngày vừa qua khiến cho
tôi chán ngán tình đời. Một quyết định xẹt trong đầu. Đi thật xa. Phải, sẽ đi
thật xa để khỏi nhìn thấy những con diều hâu bạc tình bạc nghĩa đang rỉa xác
một người đàn bà nhân hậu. Tôi bước vào phòng, đặt một nụ hôn trìu mến trên
trán bà mẹ nuôi. Nói nhỏ, lạy mẹ, con đi.
Tôi về nhà nhét vội vài bộ quần áo vào va li, bỏ
lại tất cả đồ đạc, ra bến xe đò Greyhound mua vé đi thẳng Toronto. Cuộc đời lưu
lạc bắt đầu từ đó.
*
Ông luật sư đãi tôi ăn trưa tại một nhà hàng ở khu
phố vắng. Chuyện xảy ra 32 năm trước được giải mật.
Khi ông đang ở Paris, bà Steinberg điện thoại, muốn
sửa di chúc. Ông chấp hành chỉ thị, thâu băng cuộc đối thoại, soạn thảo văn bản
ngay trên chuyến bay khứ hồi. Không may, bà đã không kịp duyệt ký trước khi ra
đi.
Các cuộc tranh cãi sau khi bà chết bùng nổ giữa các
luật sư.
Di chúc chính thức qui định rõ, gia tài được chia
làm 3 phần đồng đều, cho 3 người con. Riêng phần của John Steinberg có ghi chú
thêm. Vì đã được liệt kê trong danh sách quân nhân mất tích, nên nếu 5 năm sau
khi bà mất, vẫn không nhận được tin tức mới, phần này sẽ được chia 50/50. 50%
giành cho các cơ quan từ thiện đã chỉ định. 50% sẽ thuộc về 2 người con còn
lại.
Theo bản dự thảo di chúc mới, phần của John được
sửa lại, sau 5 năm phần này sẽ được trao cho tôi thay vì chia 50/50 cho các cơ
quan từ thiện và 2 người con gái.
Ông luật sư yếu thế, không thuyết phục được mọi
người chấp nhận lời di chúc phi văn bản. Nếu đưa ra toà án phân xử cũng không
hy vọng thắng. Kiện cáo có thể kéo dài, sẽ rất tốn kém. Điều quan trọng nhất,
người có quyền lợi là tôi thì biệt tích giang hồ, không tìm thấy địa chỉ liên
lạc. Bản di chúc cũ được thi hành. "Định mệnh đã an bài", không thể
thay đổi.
Ông trao cho tôi cuốn băng. Giữ lại như một kỷ
niệm, ghi nhận tình thương và lòng hào hiệp của bà mẹ nuôi đối với tôi.
*
- Là triệu phú hụt, cậu có tiếc không?
- Không, không bao giờ. Tôi vẫn nhớ chuyện tái ông
thất mã. Trong cái rủi luôn luôn có cái may đền bù. Trong cái may luôn luôn ẩn
nấp cái rủi. Nếu lúc đó là triệu phú, nhiều phần đã biến tôi hư hỏng. Tiền
không do công sức của mình làm ra là tiền...lèo. Xài tiền lèo thì mình cũng trở
thành lèo. Sẽ ỷ lại, không cầu tiến.
Vì đã không là triệu phú nên tôi mới là tôi như bây
giờ. Bằng lòng với hiện tại.
Tôi có hai bà mẹ. Bà mẹ da vàng để lại vết tích đậm
nét da vàng trên thân xác tôi. Bà mẹ da trắng để lại nhiều dấu ấn khắc sâu
trong tâm khảm tôi. Tôi yêu cả hai.
Nếu đến lễ Vu Lan hay Ngày Của Mẹ có ai hỏi tôi,
bông hồng hay bông trắng cài áo? Tôi sẽ bảo, vui lòng cài cho tôi hai bông
trắng.
- Xin cạn ly mừng cậu có hai bà mẹ trong đời. Chúc
cậu đêm nay ngủ thật ngon, sẽ mơ hội ngộ BÀ MẸ TÂY...có con là "thằng Tầu
con".
01 Tháng tư 2014
Nguyễn Cát Thịnh