Nhà tôi ở gần khu Little Sàigòn, quận Orange, tiểu bang
California. Chợ búa, hàng quán thời gian sau này mọc lên như nấm. Hầu như tất cả
những món ăn nổi tiếng của 3 miền đều được cung cấp cho thực khách với giá phải
chăng và nhanh chóng. Chỉ cần vài phút lái xe là có ngay một đĩa cơm tấm bì chả
thịt nướng, một tô bún bò Huế, một đĩa bánh nậm, một khay nem nướng Khánh Hòa tự
cuốn hoặc một tô bún giả cầy đậm đà hương vị miền Bắc.
Mấy hôm nay, trời California bỗng trở lạnh vì ảnh hưởng mấy
cơn bão từ miền bắc kéo xuống. Trên đường về, bỗng dưng tôi chợt thèm một tô phở
tái, chín, nạm, gầu, gân, sách cộng thêm ít bò viên gân. Tưởng tượng trời lạnh,
ngồi trong nhà hàng ấm cúng, trước mặt là tô phở còn bốc khói nghi ngút, trên mặt
điểm ít hành ngò xanh ngát. Tự dưng theo thói quen tôi quẹo vào một tiệm phở gần
nhà.
Không biết tôi đọc được ở đâu đó một đoạn văn mô tả cách ‘ăn’ phở của những người
sành điệu, từ đó nhập tâm. Tôi từ tốn lấy muỗng múc từng thìa súp để hương vị của
nước dùng thấm từ từ ở đầu lưỡi, trôi xuống cổ họng chứ không vắt chanh, khuấy
tương ớt rồi thả vào tô phở nào là rau hung quế, ngò gai, giá trụng như ta thường
thấy thực khách hay làm. Theo tác giả bài viết, có như thế, chúng ta mới thưởng
thức được vị ngon, ngọt, béo, tinh túy của nước dùng, để rồi thầm cảm phục công
phu chế biến của người đầu bếp. Khoảng mười phút sau tô phở béo ngậy, nồng
hương hun hút khói biến mất, nhường chỗ cho chiếc tô sành nằm phơi bụng trắng
phau. Tự nhiên tôi nhớ đến câu đố vui hồi còn niên thiếu:
”Một đàn cò trắng phau phau, ăn no, tắm mát, rủ nhau đi nằm.”
Đố là gì?
Dạ thưa, chúng là mấy chiếc bát ăn cơm, sau khi được rửa sạch
sẽ, xếp hàng nằm ngay ngắn bên nhau trong rổ bát. Tôi nhìn con ‘cò’ trắng trước
mặt, mỉm cười rồi đứng dậy trả tiền.
Chiều hôm đó tôi khát nước như chưa từng. Càng uống càng
khát vì ‘dư âm’ của bột ngọt, hoa hồi, quế, tiêu, tương, gừng, nưóc mắm chờ bao
tử an vị mới bắt đầu quay lại trả đũa. Trước khi đi ngủ, tôi đã cẩn thận mang
lên phòng một ly đá không. Nghĩ bụng, mỗi khi khát nước lấy một viên ngậm trong
miệng thì cơn khát sẽ bớt hành hạ. Và như thế, tôi chập chờn thiếp đi lúc nào
không biết.
Có điều kỳ lạ là tuy ngủ đó nhưng trong đầu vẫn nghĩ miên
man đến ly đá lạnh đang nằm ở góc bàn. Rồi cứ tiếc hùi hụi, nếu không ngậm ngay
thì nó sẽ tan thành nước, uổng mất mấy viên đá trắng trẻo, trong veo như mấy hạt
pha lê. Bỗng dưng tôi ngồi bật dậy trong bóng tối chụp lấy ly nước đá, lấy tay
khều khều xem có còn viên đá nào không. Tôi mừng rỡ vì thấy còn một viên đá cuối
cùng. Tôi nhặt lấy nó bỏ vào miệng. Ôi cái cảm giác khoan khoái không biết diễn
tả làm sao. Tôi nhắm mắt lại tận hưởng nỗi thống khoái, đê mê của cái lạnh toát
ra từ viên đá. Hơi lạnh tỏa ra từ miệng, xuống cổ, lan dần đến tứ chi khiến tôi
rung mình vì nỗi khoái lạc.
Ngồi như thế khá lâu, đến lúc quay nhìn đồng hồ thấy đã gần
4 giờ sáng. Bất giác tôi nhớ đến câu chuyện Con Sâu Trong Đốt Miá của nhà Phật.
Một vị cao tăng xuất gia từ thuở ấu thơ, được học và tu tập
Phật pháp với các bậc đạo sư danh tiếng, cho nên đã thông đạt Tam Tạng Giáo Điển
và hành trì giới luật thật nghiêm minh, không xao lãng kinh kệ, tụng niệm đầy đủ
trong sáu thời một ngày.
Về việc phụng trì chánh pháp, ngài đã dâng hiến bản thân
mình cho Đạo pháp trên vận hành hóa độ thế gian, phiên dịch tạng kinh, giảng luận
Phật pháp để lưu truyền cho hậu thế. Ngài sống cuộc đời thanh bạch nơi chốn
thiền môn, lấy cỏ, cây, hoa, trái trong vườn làm bạn đạo. Vì vậy mà ngài đã trồng
trọt các thứ rau màu, hoa và cây ăn trái, trong đó có trồng một loại mía, loại
mía mềm, thân vàng, đốt dài và mập.
Khi bụi mía trên đà phát triển thân cao cả thước đang cho
chất ngọt, có thể ăn được, thì ngài ngã bệnh. Đang trên giường bệnh, tâm ý ngài
cứ nghĩ đến bụi mía, sinh khởi ý niệm: “Bụi mía ta trồng, nó đã lên cao, nếu ta
chết, chắc chắn ta không được ăn.”
Do vì khởi tâm luyến tiếc bụi mía, cho nên sau khi tắt thở,
thức A Lại Da của ngài đã bị thác sinh làm con sâu trong đốt mía. Chính ý
nghĩ luyến tiếc bụi mía là cận tử nghiệp trong giờ phút lâm chung, là cái lực dẫn
dắt thức A Lại Da đi thác sinh một sinh mệnh mới ở một cõi mới.
Vì mơ tưởng đến một viên đá lạnh, tôi chập chờn thâu đêm. Chỉ
vì một bụi mía, vị thiền sư đạo hạnh kia phải đầu thai làm con sâu trong đọt
mía uổng công một đời tu tập. Chúng ta chắc ai cũng đều nghe qua câu chuyện người
giầu có vào nước Trời khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim trong kinh thánh, và
ai cũng rắp tâm tu tập để buông bỏ, xả kỷ tùng nhân. Nhưng làm thế nào để bỏ?
Có những điều hiển hiện trước mắt như của cải, quyền bính, danh vọng chúng ta
còn chưa sẵn lòng nhường bớt cho những người kém may mắn hơn mình, thì những điều
vi tế hơn như tham, sân, si, hận như cơn lửa lòng chỉ chờ chúng ta thiếu tỉnh
thức là tấn công chúng ta tới tấp không nương tay.
Bảo Thiên kinh của Phật giáo Đại Thừa có nhận xét như sau: Vạn
pháp khởi từ Tâm. Hiểu được Tâm thì hiểu được vạn sự. Tâm có thể bốc như lửa, đốt
cháy rừng núi. Tâm có thể dâng cao như thủy triều, lôi cuốn mọi vật theo giòng
nước lũ. Bồ tát là những vị đã thông hiểu vạn sự phải cảnh giác, luôn luôn đề
phòng những phát động bất ngờ của Tâm để khỏi bị nó sai khiến và ngược lại, phải
thường xuyên chế ngự Tâm. Hễ chế ngự được Tâm thì chế ngự được vạn sự.
Đối với bồ tát là những vị đã thông hiểu được vạn sự mà còn
phải thường xuyên đề cao cảnh giác trước những phát động bất ngờ của Tâm, thì đối
với chúng ta, những người bình thường còn đang trên đường tu tập thì chế ngự
Tâm là điều thật nan giải, đòi hỏi nhiều công năng luyện tập. Riêng đối với
người viết, một bài học vỡ lòng mà cũng không kém sâu sắc của luật nhân quả là:
nếu không muốn khát nước thì đừng ăn mặn.
Khổng Trung Linh