Trong khai
sanh nó tên là Loan. Ở nhà gọi nó là con Mén, vì hồi sanh nó ra nó chỉ cân được
có hai kí lô tư. Bà nội nó bồng nó trên tay, nhỏ xíu như một con mèo. Bà cười
văng cốt trầu : "Đu họ nó ! Thứ gì mà như con chí mén !" Từ đó, gọi
nó là con Mén luôn.
Nó bú sữa mẹ,
nhưng vì nhà nghèo nên má nó không đủ sữa, dặm thêm cho nó bằng nước cháo, cho
nên nó không mụ mẫm như phần đông các trẻ nít khác. Nó cứ đèo đèo, lớn chậm và ốm
tong ốm teo.
Bà nội nó
cưng nó lắm. Bởi vì ba má nó chỉ sanh có con trai, một dọc ba đứa, phá phách
đánh lộn tối ngày. Bà nội nó thèm có một đứa cháu gái, nhẹ nhàng dễ sai dễ bảo
hơn. Bà thường nói : "Có đứa cháu gái để tao có đi đâu nó theo nó xách giỏ
trầu". Một ước mơ rất tầm thường nói lên nét bình dị mộc mạc của tâm hồn
các bà mẹ quê. Giống như mái nhà tranh chỉ cần có bụi chuối sau hè, có ao bèo
trước ngõ… Giống như con rạch nhỏ, chỉ cần đều đặn có nước lớn nước ròng…
Con Mén có
thân hình óm o xấu xí nhưng lại có đôi mắt sáng, linh động, với cái miệng nhỏ
chu-chu cũng dễ thương. Bà nội nó nói : "Cái ngữ này lớn lên rồi phải biết.
Nó hỗn dàng trời !". Nói như vậy chớ bà ưa nhìn nó ngủ sau khi bú, nhả vú
ra rồi mà miệng vẫn còn nút nút.
Quê con Mén
ở miệt Hậu giang một làng nhỏ nằm xa tỉnh lỵ, xẻ đôi bởi một con kinh đào. Vùng
này chưa có đường xe chạy, nhưng có nhiều sông rạch nên thiên hạ đi lại bằng
ghe to xuồng nhỏ. Hoặc đi bộ dọc theo bờ nước hay băng ngang đồng vào mùa ruộng
khô. Xa xa, có những chiếc cầu gỗ bắc ngang kinh rạch, nối xóm này qua xóm nọ.
Cầu gỗ cao lêu-nghêu, chân dài cắm sâu vào lòng nước như sợ nước lên làm ướt
thân cầu. Người ta qua lại không cần lan can.
Xóm con Mén
tên là xóm Cầu Ngang, một cái tên nghe rất thật thà, làm như trên đời này còn
có những cái cầu dọc vậy ! Xóm nhỏ đó cũng có chợ nhà lồng lợp tôn đơn-sơ. Vây
quanh chợ là quán cà phê, tiệm chạp-phô, tạp hóa, hàng vải… và một tiệm sách, gọi
là tiệm sách nhưng chỉ chuyên cho thuê tiểu thuyết, truyện tàu.
Con Mén
sanh ra ở đó. Khi nó biết đi biết chạy, bà nội nó lúc nào cũng kè một bên, sợ
nó té sông. Vậy mà chẳng mấy lâu sau, nó biết lội hồi nào bà nó cũng không hay,
nó học lội với ai bà nó cũng không biết. Mãi đến một hôm, trời nóng bức, con
Mén nhảy ùm xuống kinh làm bà nội nó la làng chói-lói. Đến khi nhìn lại thấy nó
lội như rái, bà mừng chảy nước mắt. Lòng bà vui lắm nhưng bà cũng chưởi đổng :
"Mồ tổ cha mày !". Từ đó, con Mén đi đâu một mình bà cũng yên tâm. Bà
nói : "Nó giống hệt thằng cha nó hồi nhỏ".
Lớn lên một
chút, con Mén lúc nào cũng ở trần, đi chân đất, chỉ mặc có cái quần xà-lỏn ka
ki. Nó vẫn ốm tong ốm teo, nhưng không thấy nó bịnh bao giờ. Nó chơi với lũ trẻ
hàng xóm, chơi trò con trai như con trai. Vậy mà bà nội nó vẫn ưa nó hơn là ba
thằng anh của nó, bởi vì đêm nào nó cũng chui vào ngủ với bà. Bà thích vuốt tóc
cho nó ngủ và thích nghe mùi thơm hơi thở của con Mén, như ngày xưa, hồi còn trẻ,
bà thích nghe mùi thơm của lúa chín, gió ruộng đưa thoang thoảng vào nhà về
đêm…
Má con Mén
mua đầu chợ bán cuối chợ. Kiếm đủ nuôi mấy miệng ăn. Nghèo nhưng không đói. Ba
nó trốn lính một dạo, nhưng rồi cũng bị bắt. Đi quân dịch, làm binh nhì, rồi đi
luôn không biết chừng nào giải-ngũ !
Ba nó đóng ở
đâu miệt Sài-Gòn. Lâu lâu về phép, ở nhà được vài hôm. Những hôm đó, con
Mén khoái lắm, bởi vì ba nó cũng cưng nó như bà nội nó vậy. Sáng nào, ba nó
cũng cõng nó ra tiệm cà-phê. Nó ngồi trên ghế đẩu cạnh ba nó, đôi mắt chỉ cao
hơn mặt bàn một chút. Người lớn hay vò đầu nó, làm rối bồng mái tóc bom-bê. Lúc
nào nó cũng được ba nó gọi riêng cho một tách sữa nhỏ. Sợ sữa nóng, ba nó thường
sớt ra dĩa cho mau nguội. Nó kê miệng vào thành dĩa, hớp từng hớp nhỏ. Hai bên
mép, sữa đóng thành hai đường trắng hếu, nhưng mắt nó ngời lên sung sướng. Những
lúc đó, con Mén đong đưa hai chân như người ta đuổi ruồi…
Rồi một
hôm, Việt Cộng về xóm Cầu Ngang, bắn phá tơi bời suốt một đêm, sáng bữa sau rút
đi mất. Thiên hạ bắt đầu bàn tán. Trời vừa sụp tối đã đóng cửa cài then. Đêm
đêm nằm ngủ phập phồng. Sáng ra nhìn nhau lơ-láo. Nét thanh bình xóm nhỏ làng
quê mất dạng lần lần. Người ta bắt đầu tản cư…
Ba nó về,
đưa mẹ con nó lên Sài-Gòn. Bà nội nó ở lại. Bà nói : "Tao già rồi, đi đâu
chi ? Tụi bây lo cho sắp nhỏ đi, đừng lo cho tao". Bà nói cứng như vậy chớ
lòng bà đau như dao cắt. Bà biết : bầy vịt nhỏ và mấy gốc mận gốc xoài không
giúp được bà thường xuyên lên thăm bầy cháu. Nhứt là con Mén, rứt nó đi y như
là cắt đi một núm ruột của bà. Hôm đó, bà nội con Mén ăn trầu nhiều hơn mọi
ngày, hết miếng này là têm ngay miếng nọ, mắt nhìn mãi bờ kinh, không nói. Đến
khi đưa bầy cháu xuống ghe, bà ôm con Mén vào lòng, hôn nó mà bà khóc ngất. Bà
dúi vào tay nó tờ giấy năm chục đồng xếp nhỏ, nói trong nước mắt : "Nội
cho con lên trển mua bánh ăn". Nó nghe nồng lên mùi cốt trầu, mùi bà nội
nó, cái mùi mà nó đã quen thở đêm đêm khi gối đầu lên tay bà để đi vào giấc ngủ.
Nó ôm bà mà khóc như mưa…
Ghe đã đi
xa, ghe máy nên đi nhanh hơn ghe chèo. Bà nội con Mén còn đứng ở bờ kinh, mắt
rõi theo ghe mà nghe như người bà bị tê dại. Kinh đào dài tun hút. Ghe đã mất dạng
từ lâu mà bà vẫn nhìn mãi về phía đầu kinh. Tuốt ở đầu kinh - xa lắm - có
một lằn dài gạch ngang, người ta gọi là chân trời…
--oOo--
Ba con Mén
hốt hụi vay nợ mua một căn nhà nhỏ vách ván lợp tôn ở xóm Bộng, bên kia sông
Khánh Hội. Gọi là xóm Bộng bởi vì ở đó có cái ống cống thật to để nước ruộng
vào ra khi nước lớn nước ròng. Dân nghèo tứ xứ tản cư về đây, ngày một nhiều,
nhà nho nhỏ cất dọc cất ngang, mọc lên như nấm. Cứ có chỗ trống là cất chen
vào. Ngoài mặt lộ hết đất, họ cất tràn ra ruộng. Nhà này tựa vào nhà kia như sợ
ngã, sát nhau đến độ không còn chỗ để làm đường đi ! Muốn vào xóm, có đoạn đi
trên bờ đê – gọi là đê nhưng là bờ ruộng cũ bây giờ người ta bồi rộng ra thêm một
chút – có đoạn đi trên mấy tấm ván gập gềnh bắc ngang đường nước, có đoạn phải
bước hẳn vào nhà người ta để đi qua. Nhà lụp-xụp thấp lè-tè nên cứ phải cúi
lom-khom, có khi bước cạnh vợ chồng người ta đang nằm ngủ trong nhà, dưới đất !
Mái nhà con
Mén thuộc vào hạng cũng khá cao trong xóm. Ba nó phải đưa tay thẳng lên mới đụng.
Nhà nó được lót gạch bông phần nền đất, còn nửa phần sau là đóng cừ lót ván.
Ông chủ cũ nói với ba con Mén : "Làm tới đó tôi hết tiền. Thôi thì tạm một
khúc nhà sàn, chừng nào cậu muốn, cậu đắp nền thêm". Rồi ông đứng trên sàn
nhún-nhún : "Ván còn tốt, còn chịu được năm ba mùa lận". Năm ba mùa
đây có nghĩa là năm ba mùa nước ngập. Những hôm mưa nhiều, nước không chảy kịp
ra sông, nước lên lé-đé mặt sàn. Có nơi nước tràn vào nhà, ngập mấy hôm mới
rút. Những hôm đó, người ta treo hết đồ lên nóc, treo vài cái võng để ngủ tòn
ten giữa vời…
Nhà con Mén
không có đồ đạc gì nhiều : một vài cái rương chất trong một góc, một cái tủ nhỏ
kê sát vào vách, quần áo máng trên mấy cây đinh đóng trên vách đối diện, bếp dầu
hôi sóng chén dồn vào một góc phía sau. Cái gì cũng tấn vào vách vào góc để chừa
khoảng trống giữa nhà dùng làm chỗ ăn chỗ ngủ. Phía sau nhà là sàn nước lộ
thiên. Nước chứa trong hai thùng phi nhà binh màu cứt ngựa mà ba con Mén xin từ
đơn vị đem về. Tắm rửa giặt giũ ở đó, và về đêm, phóng uế cũng ở đó luôn.
Khu này
không có điện nước. Cho nên nhà nào cũng có vài cây đèn dầu hôi và đôi ba thùng
phi. Mỗi ngày, có xe xi-tẹt đến bán nước- người ta gọi là "đổi nước"
– Họ kéo ống cao-su nhỏ bằng cườm tay, chắp nối thật nhiều khúc mới đủ dài để
vào sâu trong xóm. Tiếng máy bơm của họ kêu thật lớn, xành xạch xành xạch điếc
tai. Nhưng cũng nhờ nó mà người trong xóm biết là xi-tẹt nước đến rồi ! Xi-tẹt
nước chỉ "làm ăn" trong mùa nắng thôi…
Về đây, con
Mén ngủ với ba nó, ngủ trên võng. Má nó và ba thằng con trai ngủ dưới gạch. Đêm
đầu, con Mén không chịu ngủ, cứ đòi về bà nội. Nó ngồi bẹp dưới đất, khóc ư-ử.
Lâu lâu gọi một cách thảm não : "Bà nội ơi !" Tiếng "ơi" của
nó kéo dài ra, làm má nó cũng nhớ nhà nhớ đất, nước mắt chảy quanh. Ba nó thổi
tắt đèn, vói tay ôm nó vào lòng, nằm trên võng đong đưa dỗ : "Nín đi con,
nín. Ngủ với ba cũng giống như ngủ với bà nội chớ gì. Rồi mai mốt bà nội con
lên ở với con nghen". Tiếng "nghen" bỗng nghẹn ngang nơi cổ, ba
nó kềm lắm mới khỏi phải nấc lên. Tuy nhiên, trong bóng đêm, nước mắt cũng âm
thầm chảy dài trên má…
--oOo--
Mỗi ngày,
ba con Mén đi làm trong đơn vị, sáng đi chiều về, đi bằng xe buýt. Má nó chưa
quen nước quen cái nên ở nhà vá áo nấu cơm. Anh em tụi nó lân la làm quen lũ nhỏ
trong xóm. Dù ở giữa lòng thành phố, trò chơi của tụi nó vẫn mộc-mạc thô-sơ như
thuở còn dưới ruộng : bắn bi, búng dây thun, lấy nút khoén làm mề-đai hay in
cát giả làm bánh.
Ít lâu sau,
má con Mén được người hàng xóm giới thiệu vào làm phu trong nhà máy ve chai bên
kia sông. Mới đầu còn bỡ ngỡ, làm sai làm trật. Chiều nào về, má nó cũng buồn
thiu, ra ngồi trên sàn nước, nhìn khoảng trời mở ngỏ trên cao, lâu lâu thở dài.
Nhưng lần hồi má nó cũng quen tay, thêm tánh siêng-năng cần-cù, nên mấy thầy
giám thị cũng thương tình nâng đỡ. Nhờ vậy má nó mới vững lòng tin ở ngày mai.
Ngày mai, đối với ba má con Mén, thật là giản dị : "Chừng yên, mình về dưới
bà nội tụi nhỏ, lảnh mấy công ruộng mà làm cũng dư sống". Cái hình ảnh của
ngày mai đó, người tản cư nào cũng nghĩ giống như nhau : yên rồi về quê làm lại
cuộc đời. Họ đã rời làng bỏ xóm ra đi, đi để còn sống mà trở về, nhưng họ vẫn
mang theo trong lòng gốc dừa cây cau chậu kiểng. Họ không bám được đất, nhưng họ
không để mất được gốc. Chính tình cảm quê hương sâu đậm đó đã giúp họ can-đảm
nhận chịu cuộc sống tạm bợ ngày hôm nay. Ngày qua ngày, họ mớm niềm tin bằng hy
vọng. Và ngày qua ngày họ nuôi hy vọng bằng niềm tin ! Cứ lẩn-quẩn loanh-quanh
như vậy cho đến một ngày nào đó - chưa phải là cái ngày mai chờ đợi - người già
tắt thở với niềm tin và trẻ con lớn lên không biết phải hy vọng ở cái gì… Chỉ
còn thế hệ của ba má con Mén là lây lất sống trong lòng đô thị, ví mình như cây
chùm gởi, còn biết thế nào là niềm đau quê hương nhưng vẫn mỏi mòn chờ đợi :
"Ngày mai… Ngày mai, rồi trời sẽ lại sáng".
--oOo--
Mấy anh con
Mén đều được đi học, chỉ có nó là chưa. Có lẽ tại vì nó gầy còm nhỏ thó nên ba
má nó quên tuổi thật của nó đi, cứ nghĩ : "Sang năm là đến phiên con
Mén". Nhưng rồi nó vẫn còi-còi như vậy hoài, có lẽ còn lâu mới đi học !
Buổi sáng,
ăn cháo xong là cả nhà đi hết. Con Mén ở lại coi nhà. Tiếng là coi nhà chớ lúc
nào cũng thấy nó la-cà ở hàng xóm, làm bánh giả, búng dây thun. Nó búng dây
thun giỏi nhứt xóm. Đã khéo tay lại biết tính toán nên ngày nào nó cũng ăn của
trẻ con cùng lứa rất nhiều dây thun. Về nhà, nó cho vào túi ni-long cất kỹ, bởi
vì vòng dây thun là "tiền" của tụi nhỏ. Năm vòng thun "mua"
được cái nút khoén lô-canh (la-ve, nước ngọt) mười vòng thun một nút khoén ngoại
quốc (các loại chai nhập cảng) và phải tới hai chục vòng thun mới có được lon
cô-ca không, thật hấp dẫn với nền đỏ tươi in chữ trắng… Vòng thun có giá trị
như vậy cho nên đứa nào cũng ráng kiếm cho thật nhiều. Rồi cũng giấu kỹ. Rồi
cũng đếm tới đếm lui, y như người lớn đếm tiền thật.
Một buổi
mai, con Mén mang bọc dây thun ra đầu ngõ tìm bạn. Ở đây, có một quán cà-phê hủ
tiếu và vài hàng quà bánh điểm tâm. Một bà già bán xôi thấy bọc ni-long dây
thun con Mén nhét tòn ten ở lưng quần, bèn hỏi :"Dây thun đâu nhiều vậy
cháu ?". Nó trả lời là dây thun của nó. Bà ta cười hiền hòa : "Vậy
hà. Chớ cháu có bán dây thun hôn, bà mua cho. Để cột mấy bọc xôi ý mà". Ở
đây, mấy người đi làm sớm không có thì giờ ăn sáng, ghé qua mua gói xôi mang
theo để lúc nào tiện thì mở ra ăn. Xôi vẫn được gói bằng lá chuối, nhưng sau đó
được cho vào bọc ni-long có sợi thun thắt lại. Vừa sạch vừa gọn.
Nghe hỏi,
con Mén phân vân. Tới tuổi này, nó chưa biết đi mua một cái gì bằng tiền
thiệt hết. Huống chi nói đến chuyện bán ! Nó chỉ biết giả mua giả bán nút
khoén, hộp lon, trong thế giới trẻ con nhiều tưởng tượng của nó thôi. Tiền
thiệt thì nó chỉ biết có tờ giấy năm chục đồng mà bà nội nó cho nó hồi đó. Nó
đưa má nó cất rồi nó quên luôn tới giờ. Thật ra, nó chỉ biết tờ giấy đó là tiền
nhưng chẳng biết giá trị là bao nhiêu và cũng không biết dùng tiền đó để làm
gì. Bởi vì, trong xã hội trẻ con của nó, chỉ có dây thun là có giá !
Thấy nó đứng
ngớ ra mà miệng cười mỉm mỉm, bà bán xôi hiểu ngay, nên đề nghị : "Như vầy
nghen : cháu cho bà túi dây thun, bà cho cháu cục xôi bự này nè". Nó nhìn
theo tay bà chỉ : mèng ơi ! cục xôi bằng "bắp đùi" nằm trong lá chuối
xanh láng mướt, ló ra hai đầu vàng hực có mấy miếng dừa lòi ra trắng hếu. Nó nuốt
nước miếng, gật đầu. Vậy là lần đầu tiên con Mén biết thế nào là buôn bán trong
xã hội của người lớn .
Từ đó, nó
thường đem túi ni-long dây thun ra ngõ "mua" xôi. Bà bán xôi thương
nó lắm, bởi vì lần nào nó mở hàng bà cũng đều bán đắt. Nhiều hôm vắng nó bà
cũng nhớ. Những hôm đó, con Mén "hết tiền". Nhưng thèm xôi, có khi nó
cũng mò ra đầu ngõ, đứng xa xa nhìn thau xôi của bà lão. Thau xôi được phủ kín
lá chuối, nhưng trong tưởng tượng nó cũng thấy được màu xôi vàng hực ! Thấy tội
nghiệp, một hôm bà bán xôi gọi nó lại, đưa nó tờ giấy bạc : "Nè ! Lấy tiền
này mua xôi mở hàng cho bà đi cháu". Nó làm theo như cái máy. Bà bán xôi cảm
động, kéo nó ngồi xuống cạnh bà. Nó ăn xôi, mắt ngời lên sung sướng. Nó ốm nhom
nhưng gương mặt nó thật kháu khỉnh. Mái tóc bom-bê cắt ngắn làm cho cổ nó dài
ra. Bà vuốt tóc nó, nghĩ : "Con nhà ai mà dễ thương quá !". Được
bàn tay khẳng khiu của bà già vuốt tóc, bỗng nhiên con Mén nghe nhơ-nhớ một cái
gì. Một cái gì không rõ lắm nhưng là một cái gì thật quen thuộc. Hình như là một
cảm giác êm êm, khoái khoái, một cảm giác mà từ lâu- rất lâu - nó không nghe thấy
nữa. Nó mang máng nhớ một cái gì xa thật xa, một hình ảnh, một cái tên, một người…
Nó ngừng nhai, miếng xôi trong miệng đội phồng một bên má. Nó nhìn lên mặt bà
bán xôi : má hóp, trán nhăn, tóc lưa thưa bạc. Đúng lúc đó, từ tiềm thức của nó
bật lên hình ảnh của bà nội nó. Chỉ trong có một giây mà nó nhớ lại hết : từ
bàn tay vuốt tóc, từ cánh tay gối đầu, từ mùi cốt trầu hăng-hăng mà nó ghiền thở
đêm đêm để ngủ. Nó nghe nghẹn ở ngực. Nó nghe như muốn khóc. Môi dưới nó trề
ra. Miệng nó méo xệch. Nó buông cục xôi, đứng lên chạy ù vào ngõ. Vừa chạy, vừa
kêu từng tiếng thật rã-rời : "Bà…nội…ơi… !" Tiếng "ơi " của
nó kéo dài ra trong xóm, nức nở như một đường cày trên mặt ruộng…
--oOo--
Việt Cộng về
chiếm hết mấy làng, trong đó có xóm Cầu Ngang của con Mén. Ít lâu sau, có tin
bà nội nó chết. Ba má nó không dám về chịu tang, chôn cất, phần vì không có tiền,
phần vì sợ Việt Cộng. Ba nó lấy một cái rương kê vào giữa vách, đặt lên đó một
chén gạo và hai cây đèn cầy. Đốt đèn, đốt nhang cắm vào chén gạo, xong, ba má
nó vừa lạy vừa khóc. Lần đầu tiên con Mén thấy ba nó khóc. Không biết gì, nhưng
sao nó cũng muốn khóc theo. Mấy thằng anh nó ngồi xếp bằng một hàng, im thin
thít. Sau đó, ba nó ôm nó vào lòng, ngồi nhìn khói nhan và hoa đèn lâu thật
lâu. Nó hết nhìn cái rương lại nhìn mặt ba nó.Tự nhiên nó thấy thương ba nó vô
cùng.
Mãi sau này
con Mén mới biết cái rương đó là bàn thờ bà nội nó.
--oOo--
Bây giờ,
con Mén cũng được đi học. Bây giờ, ba nó cũng sắm được chiếc xe đạp để đi làm.
Má nó thì vẫn đi đò ngang để qua nhà máy ve chai. Mấy anh nó, vì trường cũ hết
lớp phải qua trường khác xa hơn, vẫn đi bộ.
Má nó đã
lên cấp thợ, nhờ vậy mà trong nhà thấy dễ thở hơn, sắm thêm một số đồ đạc và má
nó có đeo một sợi dây chuyền… Chớ ba nó thì vẫn còn lẹt-đẹt ở cấp binh nhì, loại
binh nhì dùng sai vặt trong văn phòng, đơn vị.
Nhờ đi học,
con Mén mới biết nó tên thật là Loan. Hôm đưa nó vào trường, ba nó dặn : "
Khi nào cô giáo điểm danh, kêu Lê-thị-Loan thì con hô lớn lên có mặt. Nghe con
! "Nó ngạc nhiên : "Ủa ? Con tên là Mén mà !" Ba nó phải giải
nghĩa rằng Loan là tên trong còn Mén là tên ngoài, ra đường mình lấy tên ngoài
chớ vào trường là phải lấy tên trong vân vân… Đối với nó, ngoài trong gì lộn xộn
quá. Nó chỉ biết rằng tên Loan nghe thật dễ thương nhưng lạ hoắc, còn Mén thì
thật là quen tai. Tuy nhiên, có cái tên dễ thương, nó cũng nghe lòng phơi-phới.
Nhờ đi học,
con Mén hết ở trần, hết đi chân đất, nhưng tóc vẫn hớt bom-bê cao. Nó đội nón vải
có bo như tai bèo, mặc áo trắng tay phùng quần dài đen, chân mang dép Nhựt. Bây
giờ, thật sự nó mới có nét con gái ! Ba nó nhìn nó trìu mến : "Mẹ họ ! Con
gái của ba coi cũng đặng ớn !" Rồi ba nó hôn nó đầy mặt. Nó rút cổ lại vì
nhột, cười khúc-khích. Tình thương đâu đó bỗng trào dâng miên man. Giống như nước
triều lên ôm xóm Bộng, âm-thầm nhưng thật là chan-chứa.
Con Mén
càng lớn, ba nó càng cưng nó nhiều. Bởi vì nó thông minh, học giỏi. Và bởi vì
nó mang nhiều nét của bà nội nó. Ba nó thường nhìn nó, nói : "Thứ gì mà giống
bà nội như in !" Điều mà ba nó không để ý là con Mén còn giống bà nội nó ở
chỗ hay chửi đổng "Mồ tổ cha nó !" mỗi khi nó bực mình chuyện gì. Có
lẽ tại vì nó chửi lầm-bầm nên ba nó không nghe.
Mấy anh con
Mén đi học buổi sáng, nó đi học buổi chiều. Thành ra lúc nào trong nhà cũng có
đứa học ê a, đứa nằm sấp xuống gạch nắn-nót làm bài. Hầu hết tụi nhỏ
trong xóm đều học chung một trường, nên đi và về cùng một lúc, đứa trước đứa
sau đi thành một hàng dài. Đến khi tụi nó học bài cũng nghe uềnh-oang như tiếng
ễnh-ương vào mùa nước nổi.
Trưa, con
Mén cuốc bộ đi học. Chiều ba nó đi làm về, đạp xe ghé ngang trường rước nó. Những
lúc đó nó thấy hãnh-diện vô-cùng. Ngồi trên bọt-ba-ga, cặp táp đeo lủng lẳng ở
cổ, hai bàn tay nhỏ nắm lấy dây nịt của ba nó để giữ thăng-bằng, nó nói chuyện
huyên-thuyên, hỏi ba nó đủ thứ. Ba nó lúc nào cũng có câu trả lời, cũng góp vào
câu chuyện rất hào hứng chớ không phải ậm-à ậm-ừ. Cho nên, đối với nó, trên đời
này chỉ có ba nó là nhứt !
Vậy mà thời
gian sau này, ba nó bị cấm-trại liên-miên. Nó đành đi học một mình và về một
mình. Tối, nó ngủ một mình ên trên võng. Bây giờ nó lớn, nên không gào khóc
như thuở nó mới xa bà nội nó. Nó biết xấu hổ, nên úp mặt vào chiếc áo nhà
binh của ba nó âm thầm khóc rấm-rứt. Rồi một lúc nó cũng ngủ thiếp đi, ôm chiếc
áo như ôm lưng ba nó vậy.
--oOo--
Việt Cộng
tràn về chiếm hết miền Nam. Mấy ngày cuối cùng của tháng tư 75 thật là kinh
hoàng. Thiên hạ rần-rần, nhốn-nha nhốn-nháo. Ba con Mén chạy bộ về đến nhà, mồ
hôi mồ kê, mặt xanh như tàu lá, chỉ mặc có cái quần đùi. Ba nó hổn-hển nói với
má nó : "Mẹ họ ! Trong khi lộn-xộn, thằng nào nó đớp cha nó chiếc xe đạp của
anh, làm anh chạy bộ về muốn tắt thở ". Má nó lo lắng : "Còn quần áo
của anh đâu ?" Ba nó nhăn nhó : "Cởi liệng cha nó rồi. Mặc để Việt Cộng
nó bắn thấy tiên tổ à !". Rồi ba nó phun nước miếng cái phụt như phun một
cái gì thật đắng. Má nó vội đưa cho ly nước, ba nó cầm lấy, uống ừng-ực như người
bị mắc xương, mắt lồi ra căm phẫn. Không biết Việt Cộng ra sao, nhưng thấy ba
nó tả-tơi như vậy con Mén cũng phát tức. Nó lầm-bầm chưởi đổng : "Mồ tổ
cha nó !"
--oOo--
Ít lâu sau,
con Mén đã biết Việt Cộng là gì. Nó cũng bắt chước người lớn, gọi trổng là
"họ", chớ không hiểu rằng tiếng "họ" mà người lớn dùng có ý
nghĩa mỉa-mai cay đắng, bởi vì bây giờ mới thấy giữa "họ" và
"mình" có quá nhiều dị-biệt.
"Họ"
bây giờ tên là "cách-mạng". Ba con Mén bây giờ bị "họ" gọi
là "ngụy quân". Má con Mén bây giờ lúc nào cũng tự xưng là "vợ
ngụy" mặc dù thuộc thành phần công nhân lao động.
Xóm Bộng
bây giờ cũng đổi thay bề mặt. Vựa gạo của chú Chành -người Tàu- bị tịch thu để
biến thành trụ sở "Ủy ban nhân dân". Người lạ ở đâu về đó làm chủ tịch,
thơ-ký. Chú Năm hớt tóc đầu ngõ bỗng thành ông "tổ trưởng", còn bác Bảy
thợ hồ được thiên hạ gọi bằng "tổ phó an ninh". Chỉ có dân trong xóm
vẫn còn là dân trong xóm ! Thiên hạ "nhong nhóng" đợi một thời gian
coi tình hình ra sao, nhưng rồi ít lâu sau cũng chẳng thấy ai rục rịch dọn về
quê về làng. Mong ước bình dị "yên rồi, về quê sanh sống" - một mong
ước được chắt chiu nuôi dưỡng từ bao nhiêu năm - bây giờ giống như bọt nước bờ
sông từ từ tan rã. Cái "Ngày mai trời lại sáng" bây giờ thật sự chỉ
là một giấc mộng ! Thiên hạ thường chép miệng : "Ở dưới quê họ cũng tịch
thâu hết rồi. Về làm cái khỉ gì ? Ở đâu cũng vậy thôi !". Dân tản cư bỗng
thấy mình như bị mồ côi, vĩnh-viễn bị cắt đứt với gốc dừa cây cau chậu kiểng. Từ
thân chùm gởi họ đã trở thành đám lục-bình. Xóm Bộng mặc-nhiên thành điểm tựa để
đám lục bình bám vào đó làm một quê hương , đất đứng.
Người trong
xóm bây giờ thấy gần gũi nhau hơn. Làm như là không phải dân tứ xứ đến đây, mà
như là tất cả đều sanh trưởng ở xóm Bộng. Bây giờ họ mới nhận thấy rằng họ giống
nhau từ suy-tư đến nếp sống, từ cách ăn mặc đến lời lẽ nói năng. Họ không biết
rằng biến thiên của thời cuộc đã cho họ có một đối tượng - thế giới cộng sản và
con người cộng sản - để nhận-xét và so-sánh. Đối tượng đó bây giờ thật rõ nét,
không còn được ngụy-trang bởi những mỹ-từ. Cho nên họ nhìn thấy không điểm nào
giống họ hết, từ con người đến phong tục tập quán. Tự nhiên, họ cùng đứng về một
phía và họ còn thấy cần tựa vào nhau để sinh tồn. Cũng giống như nhà của họ ở :
phải xây cất bám vào nhau, kèo cột câu vào nhau, phên vách nối vào nhau để đứng
vững. Xóm Bộng chưa bao giờ biết bão lụt, nhưng trong nội tâm người xóm Bộng
bây giờ đang bão lụt tơi-bời…
--oOo--
Ba con Mén
đi học tập ba hôm rồi về nằm nhà gác tay lên trán. Má nó vẫn đi làm. Anh em nó
vẫn đi học.
Thời gian
sau, ba nó cũng kiếm được việc làm ở bến tàu Khánh-Hội, sáng đi chiều về. Đêm
đêm, ba má nó thay phiên nhau đi họp phường hoặc họp tổ. Lâu lâu, thằng anh lớn
của nó đại-diện ba má ra phòng họp ngồi cho có mặt. Những lúc đó, thấy nó mang
theo hoặc quyển sách hoặc cuốn tập để thừa dịp có đèn sáng mà học bài cho ngày
hôm sau…
Bỗng một
đêm, công an khu-vực cầm đèn bấm đưa bộ đội đến bắt ba con Mén dẫn đi. Cả xóm
nhốn-nháo trong bóng tối. Má nó chạy theo kêu khóc, trợt bờ đê té lên té xuống.
Đến đầu ngõ có đèn sáng, ba nó nói với má nó : "Chắc họ bắt lầm, chớ anh
không có làm gì hết. Em yên tâm."
Ở nhà, mấy
anh em nó thắp đèn rồi ngồi nhìn nhau mếu-máo. Hàng xóm thay nhau đến ngồi với
tụi nó cho đến khi má nó trở về, đầu cổ bơ phờ quần áo lấm lem bùn đất. Họ an ủi
má nó, xì-xầm bàn-tán cho tới khuya mới ra về.
Đóng cửa tắt
đèn từ lâu mà con Mén nằm trên võng còn nghe má nó khóc thút-thít. Nó cảm thấy
thương má nó, thương ba nó. Rồi nó đâm tức giận mấy thằng công-an bộ-đội. Kềm
không được, nó buột miệng chửi lớn :"Mồ tổ cha nó !". Tiếng của nó
lanh-lảnh, sắc bén, rạch bóng đêm như một lưỡi dao lam. Má nó giật mình, ngừng
khóc, vói tay mò-mẫm rờ đầu nó. Nó nắm lấy bàn tay áp vào một bên má như muốn
chia sớt niềm đau. Má nó bỗng nghe bàn tay mình ươn-ướt.
Mấy hôm
sau, vẫn không thấy ba nó về. Trái lại, công an khu vực đến thăm má nó thường
hơn. Và lần nào cũng khuyên : "Chị cứ yên tâm. Nếu nhà nước xét thấy anh ấy
không có nợ máu với nhân-dân, anh ấy sẽ được thả về thôi. Ta sáng suốt chớ
không ác-ôn như ngụy đâu, chị ạ !"
Ít lâu sau,
có tin ba con Mén bị đưa đi học tập cải-tạo ở đâu ngoài Trung. Má nó khóc hết
nước mắt. Tên công-an khu-vực lại đến nhà khuyên : "Đi học tập chớ đi tù
đâu mà chị sợ. Cứ học tập tốt là được về ngay thôi. Yên chí !" Thoáng nghe
như vậy, con Mén tức cành hông. Nó nhìn tên công-an chỉ có nửa con mắt !
--oOo--
Má con Mén
bị "họ" cho nghỉ việc. Gọn như liệng một món đồ vô dụng vào sọt rát !
Tên thủ-trưởng gọi má nó vào văn phòng, nói bằng một giọng trắng nhách như vôi
: "Tập thể đã nhất trí cho chị nghỉ việc ngay từ bây giờ, bởi vì chị không
còn đủ điều-kiện để phục-vụ nhân-dân nữa. Chị lấy hết đồ đạc của chị rồi đi về
đi."Đồ đạc là cái áo, cái khăn lông, cái nón lá và đôi dép cao su đúc. Một
tên an-ninh đi theo đến cổng, dặn : "Chị đừng trở lại đây làm gì nữa.
Không tốt đâu". Má nó lầm lủi đi, chẳng nói chẳng rằng. Cũng chẳng nhỏ một
giọt nước mắt. Bởi vì má nó đã chuẩn bị tinh thần từ ngày biết tin ba nó đi học
tập cải tạo. Dưới chế-độ cộng-sản, đã là vợ con của "ngụy " là phải
biết dọn mình chịu đựng sự kỳ-thị của kẻ cầm quyền…
Khi má con
Mén về đến nhà thì tụi nhỏ đã đi hết, đứa đi học, đứa đi lao-động trong trường.
Má nó bèn dọn dẹp đồ đạc rồi nấu cơm một cách thản nhiên như chẳng có gì xảy ra
hết. Bình thường, má nó không về giờ này, nên hàng xóm để ý. Vài người chạy
sang hỏi han như trong gia đình : "Bộ có chuyện gì sao mà má con Mén về
nhà giờ này vậy ?" Hỏi, nhưng trong lòng họ đã đoán ra câu trả lời hết
chín phần mười. Má nó cũng nghe an-ủi : "Dạ thì họ đuổi chớ sao ! Ngụy
mà ! Kể số gì ?" Rồi má nó cười thật mỉa mai. Một bà già phát tức, phun cốt
trầu cái phẹt : "Hứ ! Cái giống gì mà thiệt vô nhân đạo. Người ta đã
nghèo, một thân một mình làm nuôi bầy con mà cũng đuổi cho đành !" Một bà
khác thêm vào : "Thôi đi ! Nói gì cái thứ đó ! Mồ ông mả cha của tụi
nó mà tụi nó còn coi không ra gì thì nói chi tới bà con mình". Nghe mấy tiếng
"bà con mình" bỗng nhiên má con Mén mủi lòng, chảy nước mắt. Từ ngày
bỏ xóm Cầu Ngang tạm cư ở xóm Bộng này, mặc dù có chồng con ở một bên, má nó vẫn
nghe bơ-vơ lạ-lùng. Má nó thấy thiếu con kinh đào bờ đê thẳng tấp, thiếu chiếc
cầu gỗ nhón cao chân dài, thiếu màu vàng ruộng lúa, thiếu mùi thơm bông cau,
thiếu họ-hàng ruột thịt… Những thứ mà má nó đã thở từ những hơi thở đầu đời. Những
thứ mà má nó đã nhìn từ khi nụ nhìn biết phân biệt. Tất cả, tất cả đã trở thành
nhịp sống của chính bản thân của má con Mén. Mất đi những thứ đó, má nó cảm thấy
như bị tách biệt ra khỏi cuộc đời này… Xóm Bộng tuy hiền, nhưng trước đây người
cùng xóm đối xử với nhau còn nhiều dè-dặt, ít qua lại với nhau, gặp nhau chào hỏi
xã-giao lấy lệ. Do đó, mặc dù sống trong xóm nhỏ đông người, má con Mén vẫn thấy
như mình sống lẻ loi giữa đồng giữa ruộng. Niềm đau đó má nó dìm sâu trong nội
tâm từ bao lâu nay, bây giờ mấy tiếng "bà con mình" thật chất-phác
nhưng thật gần gũi, thật đậm đà tình lân lý, đã mở ngỏ khơi nguồn. Má nó khóc
mà nghe lòng thật ấm-cúng và cũng thật là thênh thang trải rộng. Giống như ruộng
lúa xóm Cầu Ngang được ươm vàng dưới nắng, cuối mùa mưa…
--oOo--
Biết thân
phận mình không làm sao tìm được việc làm ổn định, dù làm phu quét đường đổ phẩn,
má con Mén cầm thế một mớ nữ trang quần áo rồi đi buôn đầu chợ bán cuối
chợ. Tưởng giống như ngày xưa ở dưới quê, té ra thật là chật vật. Ở đây và bây
giờ, có một trăm người bán nhưng không có một vạn người mua. Quá nhiều người
bán bởi vì những người này một số không chịu đi làm cho chế độ, một số bị chế độ
sa thải đành buôn bán lắt nhắt để kiếm sống. Quá ít người mua bởi vì thiên hạ
không còn tiền…
Anh em con
Mén cũng đã nghỉ học, ở nhà giúp má tụi nó bằng cách đi bươi đống rác lượm ve
chai, giấy vụn, bao ni lông… Má con Mén cắt bao bố tời may lại thành túi nhỏ cỡ
bằng ba giỏ đi chợ, có hai quai để tụi nó mang vào vai vào cổ. Mấy đứa lớn mang
ba túi mỗi đứa, mấy đứa nhỏ tùy bữa mà đeo khi một khi hai. Đứa nào cũng cầm một
que sắt đầu uốn cong như cái móc. Thằng lớn hay đùa : "Tụi mình bây giờ
thành Cái Bang hết. Tao là trưởng lão ba túi, còn tụi bây là đệ tử. Mỗi ngày tủa
ra đi hành hiệp trên mấy đống rác thành phố Hồ Chí Minh quang vinh !" Rồi
tụi nó cười vui như chẳng biết phiền lụy là gì.
Má con Mén
thì khác. Ưu tư nằm ngay trong ánh mắt nụ cười. Những đêm trằn trọc đã đào sâu
đôi má. Càng ngày, con người càng héo hon. Tuy nhiên, chẳng bao giờ nghe má nó
mở miệng than một lời. Thấy tội nghiệp, hàng xóm thừơng qua thăm mẹ con con Mén
để phụ tụi nhỏ lựa ra và xếp riêng thành đống miểng chai theo miểng chai, ni
long theo ni long, giấy theo giấy v.v… Lâu lâu họ cũng mang cho vài khúc mía,
trái dừa hoặc mấy nhúm tôm khô. Có gì cho nấy, không còn nề hà dở ngon hay nhiều
ít. Má con Mén đều nhận hết, không bao giờ từ chối đẩy đưa. Bây giờ, làm như là
người ta sống thật tình với nhau hơn hồi trước. Làm như là thiên hạ cần có nhau
như hơi thở cần cho cuộc đời. Có lẽ bởi vì họ đã mất tất cả những gì họ đã có,
bây giờ họ chỉ còn lại có nhau thôi…
Lần hồi rồi
má con Mén cũng phải bán đi chút đỉnh đồ đạc trong nhà để đủ có miếng ăn cho lũ
nhỏ. Lúc này tụi nó lớn thấy rõ, mặc dù ăn uống kham khổ. Mấy bà hàng xóm thường
nói : "Trời sanh, trời nuôi". Mà thật, tới con Mén cũng cao lên, tuy
vẫn còn gầy. Tay chân hơi ghẻ lở nhưng gương mặt vẫn kháu khỉnh nhờ mái tóc vẫn
hớt bom-bê cao. Nó không chịu để tóc dài. Mỗi lần má nó đề nghị "Để tóc
dài đi con cho nó thành con gái" nó lắc đầu nguầy nguậy, tóc bom-bê xòe ra
như rẻ quạt : "Nực thấy mồ…" Mấy hôm đầu đi bươi rác, nó còn mang dép
Nhựt. Sau đó, nó lượm một mớ giày Bata rách mũi, chọn được hai chiếc vừa chân
thì một xanh một vàng. Nó mang vào, hí hửng : "Kệ nó ! Khác màu như vậy khỏi
sợ chúng nó ăn cắp". Rồi nó đem đôi dép Nhựt rửa sạch, cất kỹ. Không ai hỏi,
nhưng nó vẫn giải thích : "Để giành mai mốt có đi học lại, có mà
mang" Nghe nó nói, thằng anh hai nó nhìn nó rất lâu, bồi hồi xúc động. Anh
nó nhận thấy con Mén không còn là con nít nữa.
--oOo--
Má con Mén
có một người chị ruột tên Ánh -Nguyễn Thị Ánh- hồi đó nấu bếp cho vợ chồng một
ông Tây. Khi gia đình ông này dọn về xứ, chị Ánh cũng đi theo họ rồi ở luôn bên
đó. Ít lâu sau, có tin chỉ lấy chồng người Pháp rồi hai vợ chồng đưa nhau qua
làm ăn ở Phi-Châu. Chỉ cũng đã vào quốc tịch Pháp và đổi tên là Anne – bà Anne
Brioude.
Khi má con
Mén bắt đầu cạy gạch bông nền nhà lên bán để độ nhựt – thằng anh con Mén
nói "hết ăn tủ tới ăn rương, bây giờ tụi mình ăn tới gạch !" thì chị
Ánh ở bên tây về kiếm thăm. Ông chồng khuyên không nên về sợ gặp khó khăn,
nhưng chỉ vẩn quyết định : "Tôi phải về kiếm tụi nó coi ra sao. Nghe nói
bây giờ bên Việt Nam dân chúng đói khổ lắm". Rồi chị mua thật nhiều hàng vải
quà cáp làm như gia đình chị bên nhà còn rất đông. Thật ra, chị Ánh chỉ còn có
má con Mén là ruột thịt, nhưng mười mấy năm xa cách đã làm cho tình thương
trong lòng chị thật mênh-mông, không bờ không bến, đến độ chị không đo lường được
nữa không phân biệt được nữa đâu là tình thương em đâu là tình thương quê
hương…
Về Sàigòn –
chị Ánh vẫn gọi là Sàigòn vì thói quen – chị ở khách sạn Hữu-Nghị. Ngày ngày chị
đi dò hỏi tin tức má con Mén, từ những người quen xa xa chỉ qua những người
cùng gốc ở Cầu Ngang nhưng đã lên làm ăn ở thành thị từ trước… Cứ phăn lần phăn
lần rồi chị Ánh cũng tìm ra xóm Bộng. Đến đây, chị gặp một trở ngại lớn : người
trong xóm không biết ai tên là Nguyễn thị Hoa hết. Chị giải thích dài dài :
"Nó nhỏ nhỏ con, người tròn trịa trắng trẻo, năm nay chừng băm mấy chớ
chưa già lắm" Chị tả hình dáng của người em gái cách đây đã mười mấy năm,
cái thời mà hai chị em còn ở dưới quê, trưa trưa hay ra ngồi trên cây dừa bắt
ngang đường nước, thọc chân trong nước mát, đong đưa kể chuyện tâm tình… Hình ảnh
đó, chị đã mang đi và giữ vẹn cho đến bây giờ, quên mất là thời gian đã đi qua
và nét đời đã bị bôi đi vẽ lại ! Không ngã lòng, chị tìm cách nói với mấy bà
già trong xóm : "Cháu tên là Nguyễn thị Ánh, con em cháu tên Nguyễn thị
Hoa. Tụi cháu dân ở Cầu Ngang, miệt dưới…" Địa danh Cầu Ngang đã giúp mấy
bà nghĩ ra má con Mén. Một bà hỏi : "Có phải cô đó có bốn đứa con không
?" Chị Ánh mừng rỡ : "Đúng rồi ! Người ta nói nó có bốn đứa con, ba
trai một gái !" Bà già gật đầu : "Vậy là má con Mén rồi !" Trước
khi chỉ đường, bà trách nhẹ : "Kiếm má con Mén thì nói kiếm má con Mén !
Cô cứ nói Nguyễn thị Hoa hoài, ai mà biết ai !"
Vậy là hai
chị em gặp nhau. Gặp nhau thật là ngỡ-ngàng. Quá nhiều thay đổi để nhìn ra nhau
ngay và xa cách đã quá lâu nên tình cảm bị chìm sâu trong tìm thức. Phải một
vài giây im lặng để tìm lại những nét cũ trên gương mặt bây giờ và để những
tình cảm bị bỏ quên từ ngày xưa được trả về với hiện tại. Sau phút ngỡ ngàng
hai chị em ôm chầm lấy nhau, khóc nức-nở.
--oOo--
Chị Ánh đã
quyết định : gia đình con Mén phải qua Phi Châu ở với chỉ. Nhìn tay chân ghẻ lở
của bầy cháu, nhìn gương mặt già trước tuổi của đứa em, chị nghe bất nhẫn vô
cùng. Chị nói : "Không được ! Ở lại đây tụi bây cùi luôn, ngu luôn. Qua bển tao lo cho hết. Còn ba tụi
bây, từ từ rồi tính sau“ Rồi chị sắp đặt : ”Chị để lại một mớ tiền, em lo liệu
cho mấy đứa nhỏ và đi thăm nuôi chồng em. Chừng chị về bên đó, chị sẽ gởi tiếp
thêm để em chạy lo giấy tờ. Tốn bao nhiêu thì tốn, nhưng phải đi khỏi xứ này gấp”.
Má con Mén như người không biết lội vừa chìm xuống nước ngoi lên ôm được cái
phao, nhìn trời cao lồng lộng bên trên mà cảm nhận cuộc sống này vẫn còn có lối
thoát.
Chị Ánh trở về Pháp. Tụi nhỏ vẫn tiếp tục bươi đống rác ngày ngày để đừng ai để
ý. Má con Mén chạy chọt dò dẫm rồi cũng tìm ra trại học tập của chồng.
Lần đi thăm nuôi đầu tiên, con Mén có đi theo. Thấy ba nó gầy nhom, nó rớt nước
mắt. Má nó kể chuyện dì Ánh cho ba nó nghe, ba nó vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ.
Nhưng khi nghe hỏi ý kiến về vụ cho mấy đứa nhỏ sang Phi Châu, ba nó bỗng im lặng
nhìn ra bìa rừng làm như câu trả lời nằm ở đâu ngoài đó. Một lúc sau, ba nó
nói, thật trầm tĩnh : ”Ờ… tính như vậy cũng được. Cho mấy đứa nhỏ nó có tương
lai…” Rồi ba nó cầm lấy hai bàn tay nhỏ của nó, vừa bóp nhẹ vừa nhìn nó thật
lâu. Nó cũng nhìn ba nó : chưa đầy một năm mà ba nó già đi nhiều, mắt sâu xuống,
gò má nhô lên, râu tóc rối bời… Ba nó đã làm tội tình gì mà “tụi nó”đày đọa ba
nó ra như vậy ? Rồi nó nhìn ra mấy thằng bộ đội đứng lớ-ngớ ngoài kia, môi nó
mím lại,mắt nó lồi ra : nó muốn lấy que sắt cào bươi "tụi nó” tả
tơi như nó nó đã cào bươi mấy đống rác ! Từ đó, con Mén biết thế nào là hận
thù…
--oOo--
Dì Ánh đã gởi về đầy đủ giấy tờ, má con Mén cũng đã nạp hồ sơ xin xuất cảnh qua
Côte d’Ivoire (Phi Châu). Nhờ có tiền gởi về, má nó chạy chọt đút lót nên cũng
không gặp nhiều khó khăn. Cho đến ba con Mén bây giờ cũng được các cán bộ dành
nhiều dễ-dãi.
Thời gian qua mau, mới đó mà đã hai năm mấy. Khi ba con Mén được thả về thì mẹ
con tụi nó chỉ còn chờ ngày lên máy bay. Ba nó về mà có cảm tưởng như được đặc-cách
cho về để đưa vợ con đi vậy. Bởi vì, sau đó, ba nó vẫn sẽ phải sống chật-vật một
mình trong một vùng kinh-tế mới nào đó, và tuy không còn ở trong trại nhưng vẫn
ở lại trong xứ thì cũng giống như bị giam trong một trại tập trung khổng-lồ.
Ngày ba nó trở về, căn nhà nhỏ bỗng trở nên quá nhỏ để tiếp những người hàng
xóm. Ai cũng mừng cho gia đình con Mén, mừng thật sự, bởi vì đối với họ, ba con
Mén là người của đại gia đình xóm Bộng. Vậy mà cái đại gia đình đó vẫn chưa ai
hay rằng tụi con Mén sẽ bay đi tìm sống tự do ở một chân trời khác. Bởi vì má
con nó luôn luôn giữ kín chuyện này, cũng như mọi người đang lo xuất cảnh hay
toan tính vượt biên, chẳng một ai dám hé răng.
Bây giờ con Mén lớn rồi, nên nó để cái võng cho ba nó nằm. Nó săn sóc ba nó từng
chút : lấy khăn lông nhúng nước cho ba nó lau mặt, nấu trà cho ba nó uống, bới
cơm cho ba nó ăn. Mẹ con nó ngồi dưới đất vây quanh võng để nghe ba nó kể chuyện
cải tạo đầy khổ nhục. Ba nó bây giờ hút thuốc rê như ống khói. Ba nó thấy bầy
nhỏ nhìn mình châm-chú, nên mỉm cười phân trần như tự bào chữa : “Hồi đó ba đâu
biết hút thuốc. Rồi trong trại, phần vì lạnh, phần vì buồn, bạn tù chia nhau điếu
thuốc rê. Riết rồi ghiền luôn, bỏ không được”. Con Mén nghe thương ba nó vô
cùng. Nó muốn nhào lại ôm ba nó để chia sớt ngần đó tháng năm chồng chất bằng đói
lạnh buồn đau. Nó muốn nhào lại cầm tay ba nó đặt lên một bên má của nó, rồi an
ủi ba nó bằng những lời lẽ thật là dịu thật là ngọt. Nó muốn… nó muốn… Nhưng,
không hiểu sao nó vẫn ngồi yên nhìn ba nó mà nghẹn-ngào chảy nước mắt. Có lẽ nó
tự nhận thấy bây giờ nó không còn là con nít nữa.
--oOo--
Bữa đi phi-trường thật là tội nghiệp. Cả nhà len-lén đi, không dám chào ai hết.
Gọi là đi chánh-thức nhưng giống như là đi trốn, đi chui. Má con Mén dặn dò mấy
đứa nhỏ thật kỹ lưỡng, rồi kết luận : “Sợ bà con biết rồi ba con buồn, hiểu
chưa ?”
Nếu bà con biết thì có lẽ bà con sẽ buồn thật. Không phải chỉ buồn vì xa tụi
con Mén, mà còn buồn vì số phận hẩm hiu của mình, bởi vì không phải ai cũng được
may mắn như gia đình con Mén. Điều mà má nó không nói ra là trong thâm tâm má
nó rất ái nái khi phải bỏ xóm Bộng ra đi. Má nó thấy mình giống như lính đào ngủ
trong khi bạn đồng đội đang gan lỳ chịu đựng. Ngồi trên xe đi phi trường mà má
con Mén cứ lâu lâu lại thở dài…
Phi-trường đông thật đông, Người đi không có bao nhiêu mà người tiễn đưa thì thật
là nhiều. Kẻ đi người tiễn nào mắt cũng mọng đỏ. Họ đã khóc đâu từ hồi còn ở
nhà hay từ hồi còn trên xe, đến đây còn thấy có người khóc tiếp. Dĩ nhiên buổi
tiễn đưa nào cũng buồn, nhưng tiễn đưa mà biết rằng vĩnh viễn không gặp lại
nhau nữa thì buổi tiễn đưa đó mới thật là đau đớn. Nó cũng giống như đi chôn
người thân, cho nên có nhiều người ôm nhau khóc thật thảm thiết. Người đi cũng
như kẻ ở đều chết điếng trong lòng. Lời nói chỉ còn là nước mắt.
Mấy anh em con Mén lần lượt ôm ba tụi nó, khóc như mưa bấc. Con Mén được ba nó
ôm sau cùng, ôm thật lâu… Ba nó siết chặt nó vào lòng mà nghe như có cái gì trạo
trực từ lồng ngực đưa lên cổ. Ba nó nhắm nghiền mắt lại, nuốt xuống như
nuốt liều thuốc đắng.
Đến khi ba nó hôn nó lần cuối thì nước mắt ở đâu bỗng trào ra như suối. Trong một
khoảnh khắc, người đàn ông quê mùa cục mịch đó bỗng nghe thân xác của mình tan
ra thành nước, bỗng thấy tất cả đều nhòe nhoẹt tối đen mà mình thì đã chết đi,
chết hẳn. Thời gian như ngừng lại rất lâu…
Rồi cũng phải buông rời nhau ra để thực sự nhìn nhau lần cuối. Những người tiễn
đứng thành hàng dài, còn rán chồm qua hàng rào ngăn cách để núm níu người đi.
Chỉ trong vài giây ngắn ngủi đó, tất cả đau thương cô đọng lại thành tiếng nấc,
rồi người ta khóc to lên không còn cần giữ ý tứ gì nữa. Giống như lúc liệng nắm
đất lên mặt quan tài nằm sâu dưới huyệt. Ở đây, đúng là “người đi” đi vào một
thế giới khác.
Ba con Mén nhìn theo vợ con bước vào bên trong, khoảng cách không có bao nhiêu
nhưng sao thấy xa mút như đầu con kinh đào ở xóm Cầu Ngang. Con kinh đào mà thuở
ấu thơ ba nó đã từng nô đùa tắm mát bây giờ cũng xa lắm nhưng còn có ngày ba nó
nhìn thấy lại, chớ vợ con thì… Ba nó ngừng suy tư ở đó để vẫy tay lần cuối trước
khi vợ con bước qua khuôn cửa kiếng. Cánh cửa đóng lại khô khan như gương mặt mấy
thằng công an đứng gần quanh đó, dửng dưng như chẳng có chuyện gì xảy ra !
Trong phòng đợi, con Mén lẩm nhẩm đánh vần khẫu hiệu được vẽ to trên tường bằng
sơn đỏ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
--oOo--
Tôi quen con Mén ở Abidjan, thủ đô xứ Côte d’Ivoire. Má nó đưa anh em nó lại để
học Pháp văn với tôi, cùng với những đứa con của mấy gia đình tỵ nạn khác.
Con Mén bây giờ không còn “mén” nữa. Nó tròn-trịa ra, đôi má phinh-phính hồng.
Tóc bây giờ đã để dài chấm vai, đuôi tóc quớt quớt.
Khi đã quen thân, con Mén tỉ-tê kể cho tôi nghe từng mẫu chuyện nhỏ trong cuộc
đời của nó, nhớ đâu kể đó, không thứ tự lớp lang. Nhưng phần lớn, chính má nó kể
lại, tỉ mỉ hơn, nhứt là đoạn nó còn nhỏ.
Những lúc con Mén kể chuyện, mặt nó tươi ra, rạng rỡ, mắt nó ngời lên tinh-anh.
Và khi nó nói về ba nó, nó không thiếu một chi tiết. Lâu lâu nó ngừng lại để
chêm vào : “Cũng tại tụi Việt Cộng hết !” Đến những đoạn bi-thảm của ba nó, có
khi nó ngừng kể, mắt nó đầy căm thù, tiếng nó bị nghiến lại trong răng. Tôi
đoán nó đang chửi thầm : “Mồ tổ cha nó !”
Một hôm, nó nói với tôi :
- Bác Hai nè ! Bác đừng nói với ai hết nghen. Con muốn nhờ bác dạy con
chữ quốc-ngữ nữa. Hồi đó con mới học hết lớp một rồi nghỉ học luôn tới giờ nên
con còn dốt lắm !
Rồi nó chớp
chớp mắt, giọng nói bỗng trở nên trìu mến :
- Con muốn
học quốc ngữ để con viết thơ cho ba con…
Câu nói đó
đã làm tôi xúc động đến ứa nước mắt !
Từ bao lâu
nay, người tỵ nạn chỉ nhờ tôi dạy Anh văn hay Pháp văn. Đây là lần đầu tiên
trong đời lưu vong, tôi được người nhờ dạy quốc-ngữ. Lại là một cô gái nhỏ. Và
cô học chỉ để viết thơ về cho cha cô ở Việt Nam ! Giản dị như vậy. Vậy mà sao
tôi có cảm tưởng như tôi vừa được nhắc đến quê hương, nhắc bằng chữ i, chữ tờ…
Và được thấy lại một nét quê hương qua hình ảnh người con muốn viết thơ về cho
cha vì vẫn không muốn cắt lìa cuống rún !
Tôi nhìn
con Mén mà thấy thương thấy quí nó vô cùng. Nó không hiểu cái nhìn của tôi nên
gật gật đầu, lập lại :
- Con muốn viết thơ cho ba con.
Tôi cầm hai bàn tay nó bóp nhẹ :
- Ờ… Bác sẽ dạy con… Bác sẽ dạy con…
Trên gương mặt phinh phính của con Mén, nở ra một nụ cười rạng rỡ. Chắc nó đang
nghĩ đến ba nó, đến cái ngày mà nó có đủ chữ đủ câu để nắn nót viết cho ba nó
những bức thơ dài…
Ở Abidjan không có sách giáo khoa Việt Nam. Tôi phải nhờ một người bạn ở Paris
mua gởi sang. Từ đó, ngày ngày tôi dạy riêng con Mén mà có cảm tưởng như chính
tôi đang đi học lại.
Bây giờ, tôi thấy quí vô cùng những chữ la-tinh mang móc câu, để trở thành chữ
ư chữ ơ, đội nón úp nón ngửa để trở thành chữ â chữ ă, kéo theo mấy dấu lăn
quăn nằm dưới nằm trên… Bởi vì nhờ có chúng nó mà cha con con Mén vẫn thấy được
gần nhau mặc dầu ở xa nhau cách nửa địa cầu. Bởi vì nhờ có chúng nó mà tôi đã
khám phá ra con Mén : một đứa gái nhỏ tuy tỵ nạn bao năm ở xứ người mà trong
lòng vẫn còn giữ nguyên hình ảnh của xóm Bộng, của Sàigòn, của Việt Nam…
Tiểu Tử