Dẫn: Ông Trần Bình Nam, một bình luận gia, dịch giả vừa qua đời ngày
11/3/2016 tại San Diego, California USA, hưởng thọ 83 tuổi.
“Con trai, con gái” là chuyện ngắn phóng thuật từ chuyện ngắn “Boys and
Girls” của bà Alice Munro. Bà Munro, 82 tuổi, người Canada được giải Nobel văn
chương năm 2013 do toàn bộ công trình viết văn của bà gồm 14 tuyển tập chuyện
ngắn. Bà được xem là một nhà văn đương thời có biệt tài về chuyện ngắn. “Boys
and Girls ” là một trong hằng trăm chuyện ngắn của bà. (Trần Bình Nam)
Cha tôi nuôi chồn. Những con chồn bạch kim nuôi trong những dãy chuồng gỗ.
Đến mùa thu hay đầu mùa đông khi lông chồn đủ dày cha tôi giết chồn lột da bán
cho công ty Hudson hoặc các thương gia buôn da chồn ở Montréal. Sau cánh cửa
nhà bếp cha tôi treo đầy lịch quảng cáo của công ty Hudson và của các thương vụ
này. Vào tiết thu đông bầu trời Canada xanh ngắt, xa xa bên kia bờ một con sông
vắng bóng thuyền là rừng thông phủ một màu đen ảm đạm.
Vài tuần trước trước lễ Giáng sinh, sau bữa cơm chiều hôm nào cha tôi cũng làm
việc dưới “basement” điện thắp sáng choang. Có khi ông Henry Bailey, một người
giúp việc cùng làm với cha tôi. Em tôi, Laird và tôi thường ngồi nơi bậc cấp
dẫn xuống “basement” xem cha tôi làm việc. Cha tôi lột và lật da chồn trong ra
ngoài trông trắng hếu. Thân chồn còn lại nhỏ chỉ bằng một con chuột đồng không
còn vẻ dữ tợn như chồn còn sống được bỏ vào một bị lác sẽ được đem chôn. Có một
lần ông Henry mang bao chồn đi chôn, qua chỗ chúng tôi ngồi ông huơ huơ cái bị
thịt trước mặt tôi và nói đùa “quà sinh nhật của cô đây.” Mẹ tôi không thích
kiểu đùa đó. Mẹ tôi không thích cha tôi giết chồn trong nhà. Lột da xong cha
tôi trải da trên một tấm ván cẩn thận bào sạch mỡ và máu. Trong nhà phảng phất
mùi thịt. Mẹ tôi không thích mùi thịt tươi, nhưng với tôi là một mùi quen thuộc
hằng năm chẳng khác gì mùi cam mùa hè hay mùi lá thông mùa xuân.
Henry Bailey bị bệnh suyễn. Đang làm việc nhiều khi ông ho mặt đỏ tía, nước
mắt ứa ra không ngăn được. Những lúc đó ông không ngần ngại khạc đờm vào lò
sưởi đốt bằng củi. Thỉnh thoảng thấy khuya cha tôi bảo chúng tôi đi ngủ. Mùa
đông bên ngoài tối om, gió thổi rào rạt, mái nhà đầy tuyết đông cứng phủ xuống
như những ngón tay phù thủy nhưng không làm chúng tôi sợ bằng căn phòng nơi chị
em chúng tôi ngủ.
Phòng ngủ của chúng tôi ở ngay trên basement và rất luộm thuộm. Một ống khói
hình vuông bằng gạch bên tường. Giữa phòng là đầu cầu thang đi xuống basement
nơi cha tôi làm việc. Đối diện bên kia là một cuộn linoleum to bự dựng đứng, và
những thứ không còn dùng nữa: một cái xe bằng mây, một cái rá đan bằng thân
dương xỉ khô, một cái ché Tàu và một tấm hình vẽ trận thảm bại Bataclava trông
rất buồn. Khi Laird lớn hơn một chút tôi giải thích gốc gác các vật lỉnh kỉnh
đó và dọa Laird rằng có lần một tù nhân vượt ngục đã leo qua cửa sổ lẻn vào núp
sau cuộn linoleum.
Chị em tôi có một quy tắc an toàn. Vào giờ đi ngủ, khi còn đèn chúng tôi
không ra khỏi căn phòng. Và sau khi tắt đèn thì không ra khỏi chiếc giường ngủ.
Trong bóng tối chúng tôi hát để bớt sợ. Laird luôn luôn hát “Jingle Bells” dù
vào mùa Giáng sinh hay không. Tôi hát “Danny Boys.” Nghe giọng mình hát vang
trong bóng tối tôi yên tâm.
Hát một lúc, Laird ngủ say. Và bây giờ là thế giới của riêng tôi . Cuộn chặt
mình dưới tấm chăn tôi tự thuật lại câu chuyện đêm nào tôi cũng lượt qua như
một cuốn phim. Tôi tưởng tượng lớn lên, người chung quanh nhận ra sự hiện diện
của tôi, một cô gái can đảm, bạo dạn và biết hy sinh cho người khác. Tôi cứu
người bị bom chôn trong đống gạch. Tôi bắn chết hai con chó sói đến rình sau
lưng trường trong khi cô giáo sợ đứng núp sau lưng. Tôi tưởng tượng cỡi ngựa
chạy khắp xóm để mọi người có dịp cám ơn hành động anh hùng của tôi. Cỡi ngựa
và bắn súng là đề tài quen thuộc trong câu chuyện của tôi mặc dù trên thực tế
tôi chỉ leo lên lưng ngựa hai lần. Một lần quên lót yên đít còn đau, và một lần
leo lên chưa kịp thúc, ngựa đã quật tôi xuống tuyết. Bắn súng thì tôi có tập
nhưng chẳng bao giờ bắn trúng mấy cái lon treo trên hàng rào với tay cũng tới!
Trại chồn của cha tôi gồm nhiều dãy chuồng do tự tay ông đóng chạy dọc theo
lối vào cách nhau bởi những đường cỏ, nhìn vào như một cái thành thời trung cổ.
Bước qua cái cổng ban đêm đóng chặt, đi qua lối cỏ hai bên là những chiếc
chuồng hình hộp dài, mỗi chuồng dành cho một chú chồn. Ở đầu mỗi chuồng có ổ
sinh đẻ và chỗ ngủ ban đêm. Ban ngày chồn có thể chạy tới chạy lui trong
chuồng. Dọc theo chiều dài của chuồng có một sợi dây thép cha tôi treo dĩa để
thức ăn và nước uống, có chỗ luồn tay vào để rửa và thay thức ăn mới.
Vật liệu làm chuồng hầu hết do cha tôi dùng bất cứ gì ông có được. Hộp thiết
cũ cắt ra để làm dĩa thức ăn, gỗ lót chuồng là bất cứ loại ván nào trong nhà
không dùng cha tôi cưa cắt ra. Cha tôi làm như Robinson Crusoe ở hoang đảo! Mùa
hè tôi giúp cha tôi châm nước uống cho chồn mỗi ngày hai lần, sáng và chiều .
Cha tôi đặt cho mỗi chú chồn một cái tên và viết tên trên một tấm thiếc gắn
nơi cửa chuồng. Sinh ra chồn con phải chờ một năm, sau khi đủ lớn để có thể lột
da hay sinh đẻ mới được đặt tên. Cha tôi đặt tên Prince, Bob, Wally và Betty.
Tôi đặt tên Star, Turk, Maureen hay Diana. Laird đặt tên có xuất xứ: Maude là
tên một cô bé gái từng giúp việc trong nhà, Harold, tên một bạn trai ở trường.
Và có một chú được đặt tên Mexico thì Laird không giải thích tại sao.
Đặt tên cho các chú chồn không có nghĩa chúng tôi được chơi với chúng . Chỉ
có cha tôi mới được thò tay vào chuồng riêng của chồn khi cần, và cha tôi đã bị
chồn cắn máu nhiễm độc mấy lần. Khi tôi đứng ngoài chuồng đổ nước uống cho
chúng, chúng chạy tới chạy lui vừa rình rập vừa đề phòng, đôi mắt vàng rực
chòng chọc nhìn như muốn cắn. Ban đêm thỉnh thoảng chúng cùng hú lên như có
hẹn.
Ngoài khuôn mặt và đôi mắt ít thiện cảm, thân chồn có bộ lông mềm mại di
chuyển nhẹ nhàng uyển chuyển, cái đuôi ngoe nguẩy một cách quý phái.
Mùa hè tôi giúp cha tôi cắt cỏ trên những luống đường trong trại chồn. Cha
tôi cắt cỏ bằng một chiếc liềm lớn cán dài, cào lại thành đống rồi phủ lên
chuồng cho mát để cho lông chồn không biến thành màu nâu vì nắng. Cha tôi ít
nói chuyện này chuyện khác với tôi ngoại trừ những gì liên quan đến công việc
đang làm. Mẹ tôi thì khác, khi vui bà nói với tôi trăm thứ chuyện. Nào chuyện
về tên con chó bà nuôi hồi nhỏ, tên của những người bạn trai thời thơ ấu,
chuyện màu sắc những chiếc áo đã dùng. Tôi không dám hỏi cha tôi ông nghĩ gì về
thời trai trẻ như chuyện của mẹ, nhưng tôi rất tự hào làm việc dưới sự chỉ dẫn
của ông.
Một hôm cha tôi giới thiệu tôi với người mang thực phẩm tới giao hàng:
“Người giúp việc không thể thiếu của tôi kìa” làm tôi vừa tự hào vừa sung
sướng. Nguời giao hàng nói với cha tôi:
“Cô ta chỉ là một cô gái nhỏ thôi mà!”
Cỏ cắt xong, trời bắt đầu vào Thu. Chiều chiều bước qua những lối cỏ đã cắt
ngắn để châm nước cho chồn tôi có thể thấy những ráng mây đỏ nơi chân trời. Và
sau khi tôi đẩy thùng nước ra khỏi cổng mang bỏ vào kho vật liệu thì trời vừa
tối. Một buổi tối tôi thấy cha và mẹ tôi đứng trước cửa kho vật liệu thì thầm nói
chuyện với nhau, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn tôi. Cha tôi vừa ở tiệm bán thịt
về, áo choàng còn dính máu, trên tay cầm mấy cân thịt.
Tôi ngạc nhiên vì mẹ tôi thường làm việc trong nhà bếp, ít ra ngoài trừ khi
đi phơi áo quần hay đào khoai tây. Mẹ tôi chân trần nổi lên từng cục u vì ít ra
mặt trời, áo choàng rửa bát chén dính nước còn choàng trước ngực. Bà cột tóc
bằng một chiếc khăn. Mẹ tôi nói bà không có thì giờ trang điểm, cột vậy cho
tiện.
Mùa lạnh sắp tới, trong nhà đầy những rổ đào, bưởi và lê mua ở chợ về, những
rá hành, cà chua và dưa leo lấy trong vườn chờ làm mứt và dưa chua. Mẹ tôi làm
việc suốt ngày bên lò lửa trong nhà bếp. Bà giao tôi việc gọt đào, nhúng vào
nước sôi, và thái hành. Mắt tôi cay xè. Thái xong, tôi chạy nhanh ra ngoài hy
vọng mẹ không kịp sai làm việc khác. Tôi không thích ngồi làm việc trong nhà
bếp vừa nóng vừa tù túng. Tôi thích giúp việc cha tôi hơn. Vào mùa này mẹ tôi
bận không có thì giờ nói chuyện nhiều với tôi ngay cả những chuyện mẹ tôi rất
thích như chuyện bà nhảy dạ vũ vào đêm mãn khóa tại trường Sư Phạm hơn một chục
năm về trước.
Từ nhà kho tôi nghe mẹ nói với cha tôi: “Chờ thằng Laird lớn chút nữa để
giúp ông.” Tôi không nghe cha tôi trả lời, nhưng hình như cha tôi đồng ý.
Tôi tự hỏi tại sao mẹ nhắc đến Laird. Nó còn nhỏ chưa làm được việc gì cả.
Suốt ngày chơi, hết xích đu, thì đi bơi, hết bơi thì đi bắt châu chấu. Nó chỉ
đến gần tôi khi tôi hết việc làm rảnh để có thể chơi với nó .
“Khi đó tôi có thể nhờ nó nhiều việc ở trong nhà,” và bà nói tiếp, “Ỷ phải
giúp ông, nhờ làm gì trong nhà bếp hễ tôi quay lưng là nó biến mất, như thể nó
không phải là con gái trong nhà.”
Tôi ngồi một góc trong nhà kho, không muốn nghe những gì mẹ tôi nói. Mẹ tôi
dễ tính hơn cha tôi và ai nói gì cũng nghe, nhưng tôi không hiểu mẹ tôi nói vậy
là ý gì. Mẹ tôi thương tôi lắm. Bà có thể thức suốt đêm may chiếc áo theo kiểu
tôi thích để dùng trong ngày khai giảng sắp tới, nhưng bà cũng có những nhận
xét bất lợi cho tôi. Mẹ tôi muốn thuyết phục cha tôi để tôi giúp việc trong nhà
mặc dù mẹ tôi biết tôi không thích việc bếp núc. Tôi nghĩ mẹ tôi làm vậy để tỏ
với cha tôi bà cũng có quyền hành trong nhà. Tôi không nghĩ mẹ tôi cô đơn vì có
con gái mà không làm việc với bà. Ngồi im tôi đá nhẹ và đều đều vào bao thực
phẩm dành cho chồn trước mắt cho đỡ chán chờ mẹ tôi đi vào nhà bếp.
Tôi không nghĩ cha tôi quan tâm nhiều đến ý kiến của mẹ tôi. Laird còn nhỏ
và ham chơi không làm gì được. Ai tin Laird có thể kéo thùng nước từ trại chồn
vào nhà kho mà không té. Ai tưởng tượng được Laird có đủ kiên nhẫn lau chùi các
dĩa đựng thức ăn của chồn? Mẹ tôi hoàn toàn không biết gì ngoài cái nhà bếp của
bà.
Tôi chưa nói chuyện chồn ăn gì. Nhìn cái áo choàng dính máu của cha tôi mới
nhớ. Chúng ăn thịt ngựa tươi. Vào thời gian đó nông dân còn nuôi ngựa . Khi có
một con ngựa già hay bị thương không làm việc được nữa, họ gọi cha tôi. Cha tôi
và Henry lái xe đến bắn chết xẻ thịt mang về với giá từ 5 đến 12 đồng một con.
Nếu ở nhà còn thịt thì cha tôi dùng xe truck chở ngựa về nhốt vào chuồng năm ba
ngày hay một tuần khi nào cần thịt thì giết .
Mùa Đông năm tôi 11 tuổi, trong chuồng ngựa nhà tôi có hai con ngựa. Tôi đặt
tên Mack và Flora. Mack là ngựa cỡi, hiền lành, lông đen tuyền. Flora là một
con ngựa cái kéo xe màu nâu và khó tính. Một buổi sáng thức dậy tôi nghe mẹ tôi
nói chuyện với cha trước cửa nhà kho, vẫn với nội dung xa gần liên quan đến
tôi. Tôi cảm thấy khó chịu khi nhận ra rằng những người chung quanh tôi, ngay
cả cha mẹ có những ý nghĩ phân biệt con trai và con gái. Danh từ “con gái” từ
nhỏ đối với tôi là một danh từ vô can như một người, một đứa bé thì ra không
phải như vậy. Con gái lớn lên khác con trai. Và khi cha hay mẹ tôi nhắc đến tôi
ông bà tiếc tôi là con gái, đôi khi có chút châm biếm làm tôi rất buồn . Một
hôm tôi và Laird đánh lộn nhau. Tôi thường áp đảo nó, nhưng lần này tôi ráng
hết sức mới hơn nó. Có lúc nó bẻ quặt tay tôi tưởng chừng không gỡ ra được.
Henry cười và nói : “Cô phải coi chừng, không bắt nạt Laird được mãi đâu. Nó
lớn rồi.” Tôi thầm nghĩ “Nó lớn thì tôi cũng lớn chứ bộ !”
Bà nội tôi đến thăm ở lại mấy hôm. Tôi nghe loáng thoáng những nhận xét như
“con gái mà đóng cửa ầm ầm!” hay “con gái sao ngồi không để hai đầu gối sát vào
nhau.” Nhưng khó chịu nhất là nhiều khi tôi hỏi cái gì đó, người lớn trả lời
tỉnh bơ, “đó không phải chuyện của con gái.” Phản ứng bất mãn của tôi là cứ
đóng cửa mạnh, cứ ngồi theo cách nào tôi muốn, cứ hỏi những câu hỏi tôi muốn
hỏi để chứng tỏ tôi là một người tự do.
Mùa Xuân đến, tuyết tan dần. Hằng ngày cha tôi cho ngựa ra sân chuồng có
hàng rào bao quanh. Mack thường cọ cổ nơi hàng rào cho đã ngứa, trong khi Flora
đi quanh sân hiên ngang như nhớ lại những ngày kéo xe chạy tung tăng trên đường
phố.
Một sáng Thứ Bảy, tôi thấy cửa chuồng ngựa mở toang, ánh sáng ban mai và
không khí mát rượi chan hòa trong chuồng ngựa. Henry đang lật xem các tấm lịch
ông để dành mỗi năm một tấm trên một kệ gỗ khuất trong chuồng ngựa. Thấy Laird
bước vào chuồng, Henry bụm một nắm thóc đổ vào hai bàn tay của Laird và nói:
“đem thóc đến cho Mack ăn.”
Mack chậm rãi nhai, hàm răng đã hư day qua day lại để tìm vị trí nghiến
thóc. Henry nói, “Tội nghiệp Mack. Răng hư là hết.” Tôi hỏi, “Hôm nay ông giết
Mack hả ?”
Henry không trả lời. Ông hát một điệu hát buồn. Mack đang liếm mấy hạt thóc
cuối cùng trên đôi bàn tay của Laird.
Tôi chưa thấy bắn ngựa như thế nào, nhưng do một tình cờ tôi biết cha tôi và
Henry bắn ngựa ở đâu. Một hôm đi chơi với Laird nơi cánh đồng gần nhà không xa
chuồng ngựa bao nhiêu tôi thấy một đống ruột ngựa chưa chôn. Đống ruột đen như
một con trăn cuộn mình ngủ say giữa mùa Đông. Tôi nghĩ nếu núp trong nhà kho
chứa rơm nhìn qua khe hở tôi có thể thấy cha tôi và Henry làm gì. Tôi không
thích việc giết chóc, nhưng tò mò nghĩ nếu đó là việc thường xẩy ra quanh mình,
sao không xem cho biết!
Cha tôi mang súng bước khỏi nhà . Thấy tôi ông hỏi:
“Con làm gì quanh quẩn ở đây?”
Tôi trả lời: “Dạ không làm gì cả”
“Vào nhà mà chơi.” Ông bảo
Ông ta vào chuồng ngựa, bảo Laird ra ngoài .
Thấy Laird ra tôi nói, “mày có muốn xem cha và Henry bắn ngựa không? Không
chờ Laird trả lời, tôi kéo nó đi lẻn vào nhà kho để rơm. Tôi dặn Laird: “Đừng
gây tiếng động, nếu không cha biết chị em mình lẻn vào đây.”
Từ nhà kho tôi nghe cha tôi nói chuyện với Henry, rồi tiếng bước chân chậm
chạp của Mack ra khỏi chuồng .
Nền nhà kho đầy rơm và lạnh. Những tia sáng vàng rực len vào nhà kho qua các
khe hở gần mái kho. Một thanh gỗ lớn gối trên nhiều cột gỗ chạy quanh kho ở độ
cao chừng hơn một thước. Tôi dồn rơm lại đủ cao leo lên thanh gỗ rồi kéo Laird
lên theo. Tôi bò theo thanh gỗ cho đến lúc tìm được kẽ hở có thể quan sát bên
ngoài. Tôi thấy được một góc kho rơm, cánh cổng mở ra đồng và một phần cánh
đồng. Loay hoay mãi Laird chưa tìm ra khe hở nào càu nhàu. Tôi chỉ chỗ hở cho
Laird và dặn đừng làm ồn. Cha nghe tiếng là hỏng hết!
Tôi thấy cha tôi mang súng đi trước trên một lối nhỏ cạnh một bờ rào. Henry
cầm dây dẫn Mack theo sau. Bỏ dây ra, Henry vấn thuốc lá cho cha tôi và ông ta
mỗi người một điếu. Được tự do, Mack gặm những ngọn cỏ ươn ướt còn sót lại bên
bờ rào. Cha tôi mở cửa cánh đồng bước vào. Henry dẫn Mack đến giữa cánh đồng
nơi khoảng đất trống. Hai người nói nhau những gì tôi không nghe rõ. Mack tìm
cỏ ăn, nhưng ở chỗ trống trải đó không còn gì cả. Cha tôi bước xa ra một khoảng
cách vừa tầm súng. Henry nới dần dây và đi xa Mack, tay vẫn giữ dây. Cha tôi
nâng tầm súng. Mack ngẫng đầu chờ đợi. Cha tôi nổ súng.
Mack không khuỵa xuống ngay. Lằn đạn mạnh làm xoay mình nó, trước khi nó ngã
ngang xuống bên sườn, bốn chân còn động đậy chới với giữa khoảng không. Tôi
nghe Henry cười như ý nói, “chết rồi còn dọa sao?” Khi cha tôi nổ súng, Laird
ngạc nhiên kêu thành tiếng: “Mack chưa chết! Mack chưa chết!” Nhưng chân Mack
ngưng cử động, các bắp thịt giật giật rồi bất động.
Cha tôi và Henry đến gần quan sát xem Mack chết thật chưa. Hai người cúi
nhìn vết đạn vào đầu và tôi thấy máu của Mack chảy ra trên nền đất .
“Thôi đi về. Bây giờ chỉ còn việc lột da và xẻ thịt” Vừa nói tôi vừa nhảy
xuống đống rơm dưới chân, và bằng giọng bà chị tôi nói với Laird: “Mày đã thấy
bắn một con ngựa như thế nào rồi đấy nhé” như thể tôi đã thấy nhiều lần. Không
trả lời, Laird im lặng nhảy xuống. Thái độ ngoan ngoãn của Laird làm tôi nhớ
lại hồi hắn còn nhỏ có một lần tôi dẫn nó vào kho rơm bắt thang bảo nó leo lên
thanh gỗ làm dàn nhà kho cao nhất. Và khi không giúp nó trụt xuống được tôi
hoảng hốt đi tìm cha tôi nói, “thằng Laird leo thang lên gác thượng nhà kho.”
Cha tôi bình tĩnh vào nhà kho bảo nó đừng nhúc nhích và ông leo lên bậc thang
ẵm nó xuống. Mẹ tôi sợ đứng tựa mình nơi chiếc thang chỉ chực khóc. Cha tôi
mắng tôi sao không coi em để nó leo như vậy. Tôi không biết nên cười hay khóc.
Laird thì còn quá nhỏ để kể lại sự thật với cha mẹ tôi.
Tôi nhìn Laird da mặt hơi tái. Nó có vẻ suy nghĩ. Tôi nói “mày không mét với
cha chị em mình đã lén xem bắn ngựa chứ?”
Laird trả lời “Không” như không có gì quan trọng cả.
“Mầy hứa chứ?”Tôi nói
“Ừ thì hứa “ Laird trả lời
Để làm dịu cơn xúc động của Laird tôi lấy tiền để dành chiều hôm đó rủ Laird
đi xem tuồng do Judy và Canova diễn và cả hai chị em cười thoải mái.
Hai tuần sau tôi biết Flora sắp bị giết thịt. Đêm trước tôi nghe mẹ tôi hỏi
cha tôi khi nào thì đem rơm lót chuồng ngựa ra phơi được. Cha tôi nói “Ngày mốt
thì chỉ còn một con bò trong chuồng, và mình có thể thả cho nó ăn cỏ ngoài trời
một tuần”
Tôi không có ý định lén xem bắn Flora. Tôi không suy nghĩ nhiều sau khi thấy
Mack bị giết. Nhưng đôi khi ở trường học, hay đứng trước gương chải tóc chuẩn
bị đi học, suy nghĩ vẩn vơ, hình ảnh Mack ngã xuống bỗng hiện ra. Tôi thấy cha
tôi bắn vào đầu Mack một cách dễ dàng quá, và tiếng cười vô tâm của Henry khi
thấy Mack giật gân chân trước khi chết. Tôi không thấy sợ hay thắc mắc cha tôi
sao giết súc vật. Ở đồng quê hằng ngày tôi thấy súc vật bị giết chết và đối với
gia đình tôi đó là một cách sinh sống. Nhưng tôi không ngăn được một cảm nghĩ
bất an và tự hỏi cha mình có thể chọn cách khác để sinh sống và nuôi nấng chị
em mình không .
Hôm đó trời tốt, tôi và Laird được giao việc lượm cành gãy trong vườn vừa bị
một gió mạnh mùa đông làm gãy, và tôi có ý dùng các cành cây gãy xếp một cái
lều hình nón như lều của người mọi da đỏ để chơi. Tôi bỗng nghe tiếng hí của
Flora, rồi tiếng nói lớn của cha tôi và Henry. Tò mò, tôi và Laird cùng chạy
băng qua vườn vào sân chuồng ngựa.
Cửa chuồng mở. Henry cầm dây dẫn Flora ra thì Flora tung dây chạy dọc theo
chiều dài sân chuồng từ đầu này đến đầu kia về phía hai chị em tôi. Chúng tôi
leo qua hàng rào ra ngoài để tránh Flora vừa chạy vừa hí, chân sải dài trông
đẹp mắt giống như trong phim cao bồi. Cha tôi và Henry chạy theo sau cố chụp
sợi dây Flora kéo lòng thòng theo sau .
Chạy đến cuối sân Flora quay lại lách mình chạy giữa cha tôi và Henry đôi
mắt giận dữ rồi nhảy băng qua rào ra ngoài đồng. Cánh đồng của gia đình tôi còn
một chiếc cổng nữa dẫn vào xóm. Cổng đó thường đóng nhưng sáng nay Henry mở
mang xe truck ra chưa kịp đóng. Nếu Flora vượt qua cổng đó nó sẽ tự do như ngựa
hoang. Henry kêu lên: Flora ra đồng rồi! Thấy tôi ở ngoài rào cha tôi bảo :
“Con chạy lại đóng chiếc cổng nhanh lên!”
Tôi chạy như bay đến chiếc cổng còn mở, thấy Flora đang phi nước đại chạy
tới. Tôi nâng chiếc cửa bằng gỗ khá nặng định khép lại. Cửa khép nửa chừng
Flora chạy đến gần hơn tôi thấy đôi mắt Flora trừng trừng nhìn tôi. Tôi có thể
đóng cổng kịp không cho Flora chạy ra ngoài, nhưng không biết nghĩ sao thay vì
đóng tôi mở rộng cổng ra. Flora chạy vụt qua cổng. Tôi nghe Laird kêu ơi ới,
“đóng cổng lại, đóng cổng lại!”mặc dù Laird biết trễ rồi.
Cha tôi và Henry không thấy tôi đã làm gì. Khi cả hai chạy ra đến cổng thì
Flora đã chạy ra ngoài xóm và nghĩ là tôi không đóng cổng kịp.
Không để mất thì giờ, cha tôi và Henry lấy súng và dao nhảy lên xe rồ máy
chạy đi. Laird chạy theo kêu lên “Cho con đi với” . Cha tôi ngừng xe kéo Laird
lên rồi lái xe chạy vào xóm. Tôi đóng cổng rồi vào nhà .
Tôi nghĩ thế nào Laird cũng kể chuyện cho cha tôi biết và không biết cái gì
sẽ xảy đến cho tôi. Từ trước đến nay tôi chưa hề làm trái lời cha tôi. Tôi
không biết tại sao lần này tôi làm như vậy. Tôi đủ thông minh để biết chạy ra
ngoài xóm Flora cũng không thoát. Ngoài xóm không phải là rừng hoang. Trước sau
cha tôi cũng bắt được và giết thịt cho chồn ăn để nuôi sống chúng tôi .
Những gì tôi đã làm không thay đổi gì cả ngoại trừ thêm việc cho cha tôi vốn
đã quá bận rộn. Và cha tôi sẽ không tin cậy vào tôi nữa. Nhưng tự hỏi mình có
hối hận đã mở rộng chiếc cổng cho Flora chạy thoát không, tôi không thấy hối
hận. Trong thoáng chốc tôi đã làm một việc hợp với bản năng.
Vào nhà, mẹ tôi hỏi, cái gì mà ngoài đó ầm ĩ vậy. Tôi nói Flora phá cổng
chạy thoát ra ngoài xóm. Mẹ tôi nói “Tội nghiệp cha con, lại phải mất công đi
lùng bắt nó. Hôm nay chắc cả nhà ăn cơm trễ”. Tôi định nói cho mẹ tôi biết tại
sao Flora chạy thoát được ra ngoài, nhưng nghĩ sao tôi thôi, tôi lên phòng ngồi
trên giường ngủ , nhớ lại từng chi tiết của hôm nay chờ cha về mẹ tôi kêu xuống
ăn cơm .
***
Laird trở nên nghiêm chỉnh hơn không như thằng bé chỉ biết ham chơi. Tôi thì
biết chăm sóc chiếc giường ngủ của tôi hơn. Tôi trải thêm một tấm vải bông lên
trên và kê thêm một bàn chải tóc nhỏ và như một bản năng tôi cách dần phần chỗ
tôi ngủ với Laird. Đêm đến chúng tôi không cùng hát nữa. Một hôm nghe tôi hát,
Laird bảo: “Giọng hát của chị nghe như giọng người lớn không thấy hay nữa.” Tôi
vẫn tiếp tục hát hết bài, nhưng hôm sau tôi không hát nữa. Thật ra chúng tôi
cũng không cần hát vì không còn sợ bóng đêm.
Và sau khi Laird ngủ say tôi vẫn còn thức nằm tưởng tượng những câu chuyện
trong đầu như cũ. Tôi tưởng tượng tôi cứu chó hay mèo khi cháy nhà. Có khi bạn
trai cùng lớp hay thầy Campbell cứu tôi. Tôi tưởng tượng mái tóc tôi dài, chải
chuốt, mặc áo nhiều màu sắc cái hôm thầy Campbell kéo tôi ra khỏi một ngôi nhà
đang sụp . Tôi hồi hộp … và luồng tưởng tượng bỗng nhiên biến mất .
***
Hôm đó hơn một giờ chiều cha tôi và Henry mới lái xe truck trở về. Một tấm
vải lớn che kín phần chở hàng phía sau. Nhìn biết là che đống thịt ngựa. Mẹ tôi
hâm nóng thức ăn đã làm sẵn và kêu mọi người vào bàn ăn. Cha tôi và Henry đã
thay bộ đồ dính máu bằng bộ đồ làm việc đang rửa mặt và chải tóc. Laird đưa
cánh tay áo còn dính máu khoe với mẹ “Ba đã bắn chết Flora và con giúp Ba và ông
Henry xẻ ra làm 50 miếng thịt.” Mẹ tôi nói “Thôi đừng nói chuyện đó nữa. Con
thay áo quần rửa ráy để ăn cơm.”
Cả nhà ngồi vào bàn chuyền tay nhau dĩa xà lách mới hâm còn nóng. Laird ngồi
đối diện với tôi và nói tỉnh bơ: “Hôm nay Flora sổng chuồng là lỗi của chị
Jane.”
Cha tôi hỏi “Con nói cái gì?”
Laird trả lời: “Jane có thể đóng cổng khi cha bảo thì chị lại kéo rộng cổng
ra cho Flora chạy ra ngoài”
“Đúng vậy sao?” Cha tôi ngạc nhiên hỏi.
Cả mấy cặp mắt nhìn vào tôi chờ câu trả lời. Tôi im lặng gật đầu, cố nuốt
trôi miếng bánh mì còn trong miệng, nước mắt trào ra. Tôi bỏ chiếc nỉa đang cầm
trên tay xuống chờ cha tôi đuổi ra khỏi bàn ăn .
Nhưng không. Không ai nói gì cả. Chỉ có Laird nói “Jane khóc kìa!”
Cha tôi nói, “Thôi bỏ qua chuyện đó đi!”. Ngừng một chút cha tôi nói như vừa
để tha thứ tôi vừa xác định nguyên nhân: “Dù sao hắn chỉ là một đứa con gái!”
Trong thâm tâm tôi không phản đối nhận xét của cha. Biết đâu đúng là vậy./.
Alice Munro
© Trần Bình Nam phỏng thuật