17 March 2016

HOÀI NIỆM VỀ BẢN TÌNH CA MƯA TRÊN THÀNH PHỐ CŨ - Hoàng Quốc Bảo


Đàlạt nostalgia
sơn dầu trên giấy 16 x 20 in
dinhcuong 5/2011


Mưa Trên Thành Phố Cũ, đích thực là một bản tình ca trong số những bản tình ca thuở thanh xuân của Hoàng Quốc Bảo. Ðâu khoảng 1972 hay 73, được phổ nhạc từ bài thơ ngũ ngôn của thi sĩ Ðào Trường Phúc. Bài thơ về một nơi chốn, người Việt Nam nào cũng mơ ước được ghé chân một lần. Nơi có núi đồi chập chùng, có lũng thác, có suối, có hồ, mang những cái tên nghe như réo gọi những cuộc tình. Hạnh phúc lẫn nát tan, nhầu thống khổ. Hồ Than thở, Thung lũng tình yêu, Rừng ái ân… Nơi còn có Ðồi Thông Hai Mộ… Nhất là rừng thông, xanh hút bạt ngàn. Giống thông người Pháp mang sang cấy trồng ở Ðà Lạt, thân thẳng tắp, gầy guộc như dáng các nàng thiếu nữ cao vút tới trời xanh, mặc áo dài màu lục đậm nhạt thả tóc gió bay phơ phất vào mây trời. Hình ảnh ấy phảng phất trong tranh Ðinh Cường, Nguyên Khai, và nhiều hoạ sĩ trẻ VN trường phái Lãng mạn, siêu thực. Không nơi nào ở VN có nhiều giống thông này, duy Ðà lạt. Bạn là kẻ giang hồ lãng tử, một mình hay vớiù người yêu, chỉ cần leo lên một lưng đồi, xuống ngồi bên một giòng suối, đứng im và thở nhẹ, là nghe ra gió reo trên cao, về đùa trên vừng tóc rối. Là tóc người yêu bay lẫn vào hương rừng, là hồn bạn chới với. Hãy nói cho thiên hạ biết đi, bạn tan như sương, nồng nàn như vạt nắng và lãng mạn nhất trên cõi đời này, hạnh phúc chỉ giản đơn chừng ấy. Ðó có phải là cõi thiên thai không?

Ðà lạt không chỉ ngần ấy, còn có mùa màng, khí hậu. Mùa Xuân, mùa cuả hoa Anh Ðào. Giống hoa đặc biệt này là cái cớ cho lễ hội truyền thống của Nhật Bản, Hội hoa anh đào. Nét văn hoá hoà minh với thiên nhiên diễm tuyệt trong cái rét ngọt của mùa Xuân, khởi phát từ Nhật Bản, Không cần phải đao to búa lớn rêu rao khẩu hiệu Tự do, hoà bình, mà Hoà bình tự do hiển hiện. Những cô gái phô diễn tuổi xuân thì và sắc đẹp kiều mị trong chiếc áo truyền thống màu sắc, làm nên cái màu nguyên xuân. Tươi tắn như đoá hoa đào trong nắng xuân sang. Hồn du khách xoá tan dị biệt, nhập vào nét thanh bình trầm mặïc của hồn hoa truyền thống giữa xứ sỡ Phù tang. Ðó có phải là sự tự do trong bản chất không? Thứ Tự Do và Hoà Bình mà dân Nhật muốn hiến dâng cho nhân loại không? Người Nhật đem tặng nét đẹp ấy cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Người Hoa Kỳ trân trọng đón nhận và giữ gìn. Hàng năm hội hoa Anh đào phô sắc rực rỡ và đón chào du khách về thủ đô – Washington D.C. thưởng lãm vào thàng 3 khi muà xuân bắt đầu. Việt Nam cũng được người Nhật đem tặng biểu tượng cao quý của dân tộc họ. Trong quá khứ hoa anh đào được trồng quanh bờ hồ Xuân Hương, và nhất là 2 bên con đường dốc từ hồ lên đến trung tâm thành phố, khu Hoà Bình. Ngẫu nhiên hay sao mà khu trung tâm có tên Hoà Bình. Ngẫu nhiên hay sao mà truyền thống văn hoá vô nhị của dân tộc Phù Tang lại đem sang gieo trồng ở một thổ ngơi không ngớt điêu linh tang tóc? Cho đến nay, hoa Anh đào không được gìn giữ, bị chặt đốn bỏ bê, xác xơ hay còn sót lại lưa thưa, tủi thân quanh hồ Xuân Hương, tấm gương lấp lánh như khuôn mặt cuả thành phố phảng phất nét ủ ê, và nhất là con dốc trơ trẽn đến thế nào từ khi những gốc anh đào đã không được trân trọng, hất hủi hay đốn bỏ. Cứ tượng tượng, nếu hoa Anh đào được trân qúi, muà xuân về, mặt gương cuả thành phố sáng rực rỡ dưới màu hoa soi bóng, toả hương vị và sắc màu rồi la đà bay theo con dốc, 2 bên đường, lướt thướt đầy hoa, dẫn đến khu trung tâm biểu tượng của Hoà Bình, như cái tên ấp ủ, thì đẹp biết bao, ý nghĩa biết bao. Hoà Bình trong Tự Do, bay đầy hương ngát trong gió, trong sương, trong cả lòng người. Chỉ có hương trong lòng người mới bay toả ra được thế giới. Việt Nam 40 năm nay chỉ chuộng khẩu hiệu, giăng quanh bờ hồ Xuân Hương, Khẩu hiệu và khẩu hiệu, như chứng bịnh Ung thư không tài nào cứu chữa.

Màu đỏ và màu đỏ, màu của máu xương tang tóc. Màu của Hán tộc ngoại lai, luôn manh tâm dòm ngó, xâm chiếm. Cho nên hoa Ðào phải chết, phải nhợt nhạt. Khu Hoà Bình trong ý nghĩa, phải héo mòn, xác xơ. Lòng người còn chút lương tri, ý thức phải ngậm ngùi.

Mưa trên thành phố cũ
Mưa trên đỉnh đồi cao
Hôm nay thu về nhiều
Hồn anh đầy lá uá
Hôm nay thu về nhiều…

Bản nhạc Mưa Trên Thành Phố Cũ, không nhắc đến tên Dalat, mà ai cũng thấy ra núi đồi mộng mơ. Chỉ nhắc đến mùa thu, thu thê lương quạnh quẽ mà mơ về muà xuân thắm tươi.
Cái tên tựa đề bản nhạc, Mưa Trên Thành Phố Cũ, là một khẳng định của hoài niệm. Thành phố cũ cuả mùa xuân chỉ có trong hoài niệm. Mùa thu hiển hiện, mà anh nhớ về muà xuân, thời hoa mộng.

Em phương trời có nhớ
Mưa trên đỉnh đồi cao
Một sớm có mưa nhiều
Trên viả hè ân ái
Một sớm có mưa nhiều…

Em bây giờ đã già cỗi, cuộc tình chúng ta đã già cỗi với tháng năm của một đời người. Nhưng nỗi nhớ thì khôn nguôi. Muà màng cũng lạc điệu. Mưa rả rich, mưa chán chường, lê thê. Mây xám nặng nề khiến tóc em ủ dột, thôi bay. Nhưng hẹn hò ân ái thì sáng rỡ. Soi tỏ cho nhau lối về, tìm ra vùng trời thơ dại cũ.

Mưa trên vùng thơ ấu
Mưa trên đỉnh đồi cao
Mưa ướt mấy mươi năm
Không nhủ hồn nương náu
Mưa ướt mấy mươi năm…

Những thành phố anh đã đi qua, phương nào em dừng lại,
Những con dốc tuyệt mù, những lũng sương bàng bạc.
Nơi nào cũng thế, cũng nhạt nhoà. Nhất là những cơn mưa tí tách hiếm hoi bên này một đại dương, mấy mươi năm chỉ làm anh thêm thổn thức. Vọng cố nhân hề thiên nhất phương, anh chỉ quay quắt nhớ về một phương, có phố nhỏ có đồi cao, có sương bay trong tóc. Có cả ngàn thông réo gọi… cho cuộc tình nương náu đôi ta. Cái giấc mơ dìu nhau đi dưới màu hoa rực rỡ giữa mùa xuân, quanh bờ hồ soi bóng nụ hôn đầu tha thiết ấy, hẹn hết một vòng hồ sẽ dìu nhau lên đến đỉnh yêu thương chất ngất. Nhưng hẹn ước chỉ là hẹn ước…

Ôi, một lần yêu nhau
Một lần yêu nhau… giữa đời,
Nụ sầu rơi xuống đời.. chẳng biết
Mưa trên đỉnh đồi cao
Chiều mưa trên đỉnh đồi cao
Bước chân, bước chân ta về thành phố cũ…
Nhưng có cuộc tình, vẫn cuộc tình… trôi theo…

Hôm nay, những bước chân tha phương trở về, vậy mà vẫn ngàn năm lạc lõng, Cuộc tình đã lỡ dở, đã chia tan.
Giấc mơ nhỏ nhoi của thành phố thanh bình, không đưa nhau đến được. Con dốc Hoà Bình trông ngắn ngủi là thế mà hun hút, không dìu nổi nhau đến nơi. Màu hoa đào đã chết. Màu áo em đã nhạt. Em ở phương trời, lòng có còn rưng rưng.

Phố núi
Oil on cavas 24 x 30 in
dinhcuong 2/2008



Mưa trên tà áo biếc
Mưa trên đỉnh đồi cao
Mai đây anh phương nào
Còn xui lòng nhớ tiếc
Mai anh phương trời nào
Mai đây anh phương nào…

Bài hát cũ tưởng đã quên cùng năm tháng, Bốn mươi năm rồi sao. Hơn thế nữa! Bài hát chỉ thấy mưa là mưa, đầy nỗi nhớ. Mưa trên đỉnh đồi cao. Mưa âm thầm trong lòng những người tri âm cũ. Bài hát rất giản đơn, vậy mà bạn hữu lại mê mải thuộc nằm lòng. Ðám bạn sinh viên Luật ngày ấy, vào lứa đã xấp xỉ thất thập hôm nay, có những thằng bỏ ngang Luật, dở dang vào lính, ra tiền đồn Phú Quốc, nếm mật nằm sương, rồi hoà bình, trở về thành phố ngác ngơ, ngơ ngác. Có thằng học lại thành bác sĩ, vỗ về phủ dụ lấy lương tri, Ðã già rụi cùng thời gian, vậy mà chỉ vì mộït bài hát, hồn còn ủõ được giấc mơ. Bùi Huy Phụng, nguyên bác sĩ phó giám đốc trung tâm Chấn Thương Chỉnh Hình, đã về hưu, đã từng theo học Quốc Gia Âm Nhạc trước khi vào Luật Khoa, đàn guitar classic đã ngọt, mải mê, thời quâân trường Sinh Viên Quân Sự học đường, theo nhau ăn cá mối, vậây mà 40 năm nay quên hết, Nhưng mỗi lần say tuý luý, hắn lại thuộc, chỉ thuộc độc một bài Mưa Trên Thành Phố Cũ. Và uốn môi cong queo, vẹo vọ, nhắm mắt hát. Nhưng cũng chỉ hát được duy nhất một câu đầu: Mưa.. trên thành phố cũ…rất lạc điệu, rất sái giọng. Rồi thôi, rồi dục những đứa khác hát. Ðểà nó ngồi hát theo cong môi uốn lưỡi không thành tiếng. Trông cái mặt nghệt của Phụng lúc ấy dễ thương vô cùng. Kiệt Luật sư cũng thế, bặm môi, nuốt khô rưng rưng vào lòng. Tuấn xì ke, có giọng trầm khuất, thuộc được hết bài. Nhờ những người bạn này, giúp tôi nhớ lại bài hát thưở đầu đời, thuở lòng trong như giấy mới.
Giấc mơ ẩn hiện của chúng ta, hát lại cho tình bạn, vì tình yêu, gửi về Ðà Lạt, gửi cho những đôi tình nhân trọn vẹn, hôm nay và mai sau.

Hát lời mùa thu, mà mơ đến mùa Xuân đích thực của văn hoá lễ hội Anh đào, lan nhập cùng thế giới.
Giữa gíó xuân hồng hôm nay, em có ngậm ngùi những ngày mưa trên thành phố cũ?


1/12/2016
Hoàng Quốc Bảo