10 March 2016

NÀNG CÔNG CHÚA GIỮA RỪNG LÀO - Tưởng Năng Tiến

Lào, dường như, là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không có nhật báo tiếng Hoa. (Patrick Boehler – New York Times)

Cùng lúc với thời gian đồng tiền Đông Dương còn lưu hành ở Việt/ Miên/ Lào, chuyện (vui) sau đây cũng được lưu truyền quanh bàn nhậu:
Có một kỹ sư nông nghiệp của nước Pháp kết bạn với một ông nông dân Lào. Ông này hỏi ông kia:

Vậy chớ với ba mẫu đất này thì mỗi năm sản xuất được bao nhiêu tấn lúa?
Ba
Sao ít xịt vậy, cha nội? Để tui bầy cho, canh tác theo đúng kỹ thuật thì hàng năm sẽ thu hoạch được chín tấn là giá chót.

Vài ba năm sau, họ lại có dịp hàn huyên:


Chớ năm rồi, thu được mấy tấn?
Ba
Trời, bộ không làm theo phương pháp tui chỉ sao? 
Làm đúng y chang vậy chớ nhưng bây giờ tui chỉ còn cầy cấy có một mẫu thôi. 
Sao vậy ?
Ba tấn đủ sống rồi. Làm chi cho nhiều. Mệt!

Người Lào, rõ ràng, không tha thiết gì lắm với chuyện làm ăn. Họ cũng chả bận tâm gì mấy tới việc dành dụm, hay tích lũy.
Những khẩu hiệu quen thuộc (“Một người làm việc bằng hai / Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm Làm thêm giờ nghỉ”) ở nước CHXCNVN – chắc chắn – không cách chi lọt được vào tai của dân xứ Lào. Hổng tin, thử ghé qua thủ đô Vạn Tượng coi chơi (vài bữa, hay vài tuần) cho biết.
Ở đây, du khách có thể thưởng thức hương vị thức ăn của rất nhiều chủng tộc (Hương Việt Vietnamese Food, Parisien Cafe, Kiku Japanese Restaurant, Korean BBQ, Indian Buffet, Ban Mai Restaurant, Antica Spaghetteria Italiana, Salana International Cuisines, Best Thai Restaurant, Quán Ăn Sài Gòn, Scandinavian Bakery) duy chỉ có nhà hàng của dân bản xứ là tìm hoài không thấy!

Ảnh chụp năm 2015

Dân số ở thủ đô Vientiane ước chừng non triệu. Gần mười phần trăm là Việt Nam, nếu tính luôn số sinh trưởng tại Lào – thường được gọi là người Việt cũ. Tuy thế, trên bất cứ con đường lớn/nhỏ nào ở Viêng cũng đều có những bảng hiệu (chỉ) ghi bằng Việt ngữ:
Phở Bò Tái Chín, Cơm Rang Mì Xào Gia Truyền Nam Định, Quán Cơm Chị Gái, Cơm Tấm Bún Bò, Sài Gòn Bê Thui, Cháo Gà Đà Nẵng, Beauty Salon Khải Băng, Kim Dung Coffee, Sửa Chữa Xe Máy, Nhuộm Tóc Làm Móng Gội Đầu, Quán Thịt Dê, Bánh Mì Đặc Biệt, Hớt Tóc Nam Nữ … Đó là chưa kể hàng trăm xe kem, xe trái cây, xe xôi chè, xe nước giải khát … (cũng) của người Việt len lỏi khắp nơi.

Ảnh chụp năm 2015

Thiên hạ chăm chỉ làm ăn, và tận tình khai thác xứ sở của mình ra sao – dường như – cũng không phải là nỗi bận tâm của người Lào. Khoáng sản, lâm sản, đồn điền cà phê, cao xu … họ cũng đều vui vẻ nhường hết cho bá tánh mặc tình thao túng.
Dân của đất nước Triệu Voi hoàn toàn hờ hững trong việc mưu sinh, và rất trầm tĩnh khi lưu hành trên đường phố. Tôi thề có trời là không hề thấy một anh cảnh sát, và cũng không hề nghe một tiếng kèn xe nào ráo, trong suốt hai tuần lễ ở Viêng Chăn. Một khuôn mặt giận dữ, hay một nét mặt nhăn nhó/cau có cũng không luôn.
Trên những con đường ở ven đô – đôi lúc – tôi còn bắt gặp những người lái xe bình thản ngồi chờ vài con bò, đủng đỉnh qua đường, với ánh mắt cùng thái độ an nhiên của một triết nhân!

Ảnh chụp năm 2015

Cũng dọc theo những nẻo đường quê, loa phường được giăng đều đặn theo cột điện. Ngủ lại đây vài đêm, có sáng tôi nằm lắng nghe tiếng loa và vô cùng ngạc nhiên vì cái âm điệu khoan thai hiền hoà của những xướng ngôn viên. Hỏi ra mới biết hệ thống phát thanh này chỉ dùng để cho những nhà sư đọc kinh hay giảng kinh Phật vào những ngày rằm (và cũng là ngày nghỉ việc) thôi.
Người Lào, kể cả đám cán bộ tuyên huấn Lào Cộng chắc vẫn còn giữ được phần nào bản tính chất phác nên không thể nói dối (xoen xoét) suốt ngày – như Việt Cộng. Thảo nào mà nhạc sĩ Tô Hải đã không tiếc lời khen: “Nước Lào rồi đây sẽ vượt VN về nhiều mặt… mà cái mình thấy họ vượt hơn hẳn là: Không muốn bẻ quẹo sự thật!”
Cập rập, lật đật, hối hả, vội vã, hấp tấp, khẩn trương … là những hạn từ (dám) không có trong tự điển tiếng Lào. Nhiều người cứ ngỡ Chủ Nghĩa Marxism Leninism Bách Chiến Bách Thắng Vô Địch Muôn Năm đã trói chân được dân Lào; ai dè nó lại nằm (dài) giữa thủ đô Vạn Tượng – nơi mà phần lớn những lá cờ búa liềm của Đảng Cộng Sản Lào đều treo ủ rũ, và đều đã bạc hết mầu.

Ảnh chụp năm 2015

Chú dân phòng, ông công an khu vực, bà tổ trưởng dân phố, và những cuốn sổ hộ khẩu cũng không có mặt ở Viêng Chăn. Bởi thế, những người Việt tôi gặp ở nơi đây đều không ngớt ca tụng phần đất này (“sống thoải mái hơn ở bên mình nhiều lắm”) dù phần lớn họ đều là những di dân không hợp pháp.
Vientiane an bình thiệt. Thành phố này không có ăn xin, không có trộm cắp, không có những căn nhà kín kẽ rào sắt (hoặc dầy đặc kẽm gai bao quanh khung cửa) như ở Phnom Penh. Cũng không dầy đặc xe cộ, cùng những toà nhà cao tầng như thủ đô Bangkok.
Ký giả Ngọc Hoà ví von rằng : “ … xứ sở Triệu Voi tựa như cô công chúa ngủ quên trong rừng vừa được đánh thức!” Tôi (trộm) nghĩ thêm rằng nàng hiện đang rất bối rối vì chợt mở mắt ra đã thấy có quá nhiều chàng trai đang xun xoe bên cạnh.
Kẻ có ưu thế đến trước, chắc chắn, là cái anh người Pháp. Ở Thủ Đô Vạn Tượng vẫn còn thấy nhan nhản những bảng hiệu “Adam Tailleur,” “Boulangerie à Vientiane,” và luôn cả “Lycée Vientiane” nữa.
Những cơ quan cấp bộ vẫn giữ nguyên tên của thời thuộc địa: MINISTÈRE DE L’ENERGIE ET DES MINES, MINISTÈRE DE LA JUSTICE, MINISTÈRE DE LA SANTÉ … Riêng bộ Thông Tin, Văn Hoá & Du Lịch (lại) tỉnh queo “chơi” một hàng chữ tiếng Anh: MINISTRY OF INFORMATION, CULTURE & TOURIST!

Ảnh chụp tháng năm 2015

Ảnh hưởng của cả Pháp lẫn Anh – tuy thế – không rõ nét, cũng không sinh động, và quyến rũ bằng những chiếc xe xinh sắn với đủ loại sắc màu (Kia Soul, Hyundai Elanta, Toyota Camry, Honda Civic…) đang chạy quanh trên khắp mọi nẻo đường của Xứ Sở Triệu Voi. Hai chàng trai Nam Hàn và Nhật Bản, rõ ràng, đã để lại ấn tượng khó quên trong trái tim của cô công chúa vừa thức giấc.

Ảnh:NgyThanh

Ai cũng biết là rất nhiều tỷ Mỹ Kim, cùng hàng trăm ngàn người Trung Hoa đã “đổ” vào Lào trong hai thập niên qua. Tuy thế, theo phóng viên thường trú của New York Times (tại Hồng Kông) Patrick Boehler: “ Lào, dường như, là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không có nhật báo tiếng Hoa.” (Laos, it seems, is the only Southeast Asian nation without a Chinese language daily newspaper.)
Vẫn ví von mà nói thì nàng công chúa Lào, xem ra, chả mặn mà gì với cái gã Tầu già nua, thô lỗ và có quá nhiều tai tiếng (về tính đểu cán) này. Năm 2010, Viện Khổng Tử đầu tiên được thiết lập tại Trường Đại Học Quốc Gia Lào. Qua năm sau, tại đây lại khai giảng thêm lớp học tiếng Tầu – giảng dậy vào cuối tuần – do những giáo viên Trung Hoa phụ trách. Ban giảng huấn phát biểu:
“Chúng tôi hy vọng rằng họ có thể dùng cơ may này để mang tiếng Hoa vào chương trình trung học ở Viêng Chăn, và càng ngày sẽ càng có thêm học sinh cấp trung học hiểu được ngôn ngữ và văn hoá Trung Hoa.” (We hope that they can make use of this good chance to bring Chinese into the middle school in Vientiane, and more and more middle school students can understand Chinese language and Chinese cultures.)
Niềm hy vọng này, ngó bộ, có hơi phi phỏng. Ngoài cái Viện Khổng Tử, và ngôi nhà vô cùng khiêm tốn dùng làm văn phòng của Hội Ái Hữu Người Hoa ở Vạn Tượng ra, tôi không thấy dấu vết “văn hoá” gì rõ nét của Trung Hoa ở đây cả. Bước ra khỏi khu phố này thì tiệm ăn Tầu cũng biến mất luôn. Thảo nào mà Patrick Boehler còn gọi khu phố Tầu ở thủ đô của Lào là một nơi trì trệ hay tù đọng (a stagnating Chinatown).


Soft Power của Trung Cộng, nếu có, e cũng chả tác dụng chi nhiều ở xứ Lào. Khổng Tử (xem chừng) không đứng được giữa núi rừng thiên nhiên nơi mà phép tắc và lễ giáo hoàn toàn không cần thiết, nhất là cái thứ lễ giáo và đạo đức (chuyên nói một đằng làm một nẻo) của … nền Văn Hoá Búa Liềm.
Cái “tạng” của người Lào, rõ ràng, không hợp với loại công việc luôn nhễ nhại mồ hôi, cắm cúi suốt ngày vào chảo lửa, nấu nướng, bưng bê, và rửa chén cho thiên hạ. Họ ưa rảnh rỗi và chỉ thích những sinh hoạt tâm linh, chiêm bái, lễ lạc thôi.
Nét nổi bật của Vientiane là những ngôi chùa u mặc và thần bí. Phải nhìn thấy thái độ hết sức nghiêm trang và thành khẩn của người Lào, khi cúng dường thực phẩm cho những vị sư đi khất thực, tôi mới “ngộ” ra tại sao chủ trương vô thần của người cộng sản không thể “trụ” được ở xứ sở của họ.

Ảnh: NgyThanh


Ảnh: NgyThanh

Đã thế, hôm 31 tháng 1 vừa qua, nhà báo Lê Phan lại vừa ái ngại cho hay:
“… Đảng Cộng Sản Lào đã có một quyết định làm Bắc Kinh choáng váng khi họ lật đổ toàn bộ hàng lãnh tụ thân Bắc Kinh và đưa một nhân vật vốn lâu nay bị gạt sang một bên chờ về hưu lên cầm quyền.”
Năm 2012, ngoại tưởng Hillary Rodham Clinton đã thực hiện một cuộc thăm viếng lịch sử ở Lào. Theo AP, năm nay (năm 2016) Obama sẽ là vị tổng thống Mỹ đầu tiên đến Lào trong chuyến công du Đông Nam Á.
Lại thêm một chàng trai nữa đến từ Châu Mỹ. Công chúa Lào, hẳn nhiên, có thêm đối tượng để mà lựa chọn.
Tôi không rành về bói toán và chính trị nên không thể đoán trước được hậu vận của nàng công chúa (vừa thức giấc) giữa rừng này. Chỉ cầu mong cô sẽ luôn luôn được an bình và gặp nhiều may mắn. Sự an bình và may mắn của đất nước Triệu Voi, chắc chắn, có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của hàng trăm ngàn đồng hương của tôi đang đang tha phương cầu thực nơi đây.

Tưởng Năng Tiến