Mùa đông, tuyết rơi, mưa đá rơi, mưa băng
rơi, làm đường sá trơn trượt. Thành phố có những xe gạt tuyết sang hai bên
đường, xe trải muối và chất chống trơn trên mặt đường cũng như trên lề đường
dành cho người đi bộ. Dù vậy, xe cộ vẫn cứ trơn trượt xoay ngang xoay dọc và
dân cuốc bộ vẫn cứ ngã xoành xoạch. Được cái là ông trời lo liệu cả nên đường
trơn trượt cặp kè với thời tiết giá lạnh, ra đường là phải áo quần lớp nọ lớp
kia kín mít từ đầu tới chân. Vậy nên có té cũng ít khi bị thương tích. Cái nệm
quần áo đỡ đần tất cả. Chuyện té là chuyện thường ngày ở thành phố rét mướt
Montreal chúng tôi. Nhưng khi một văn nhân té, chuyện lại khác. Té văng ra thơ.
Ông Hồ Đình Nghiêm, cái tên nghe ra đã nghiêm
chỉnh, đi đứng đàng hoàng, vậy mà cũng gia nhập vào làng đo đất. Dù là nhà văn,
có cây viết trong người, nhưng cây viết thì có ích gì cho cái té. Cây viết của
bạn bè vội đứng lên. Ông một cẳng rưỡi Luân Hoán, chuyên viên té, nguyên năm
nay đã hai lần hôn đất, đồng cảm với bạn, tự tình với mình.
lạng quạng rớt một bàn chân
còn một cẳng rưỡi gắng lần mò đi
cong thẳng cùng đường chữ chi
cuối cùng đến được xứ gì thần tiên
đất lành chỉ có chút phiền
mỗi năm ba tháng liên miên lạnh lùng
ra đường quen bước lung tung
cơ hội đo đất thẳng lưng chuyện thường.
Ông Hồ Đình Nghiêm, sau bốn ngày nằm bệnh
viện cho người ta khoét thịt, bắt vít vào cái xương chậu bị nứt gãy, thân vẫn
còn nằm trên giường, cặp nạng và cái rolling walker còn đứng chờ bên
cạnh, đã tìm ra chân lý: chưa té chưa phải là dân Canadiens! Ông khoe bi chừ
mới đúng là dân…điên có cầu chứng tại tòa tuy đã tuyên thệ nhập quốc tịch từ ba
chục năm trước. Cái giá ông trả cũng không đắt: thân xác ông có tí dao kéo vọc
vào nên mất gin. Nhưng cũng có điều an ủi là từ nay mỗi lần muốn lên máy bay,
máy dò tại phi trường sẽ reo hò chào mừng ông. Và có ông Luân Hoán mang thơ ra
cho ông vịn.
hôm qua nghe tin rùng mình
tác giả Nguyệt Thực thình lình ngã chơi
ông này vững bước cả đời
thanh niên phơi phới còn ngời nét xuân
sớm mai đủ bộ áo quần
cổ khăn mũ đội tưng bừng ra đi
chưa gặp gái đã tức thì
nằm nghiêng nhìn vọng nữ nhi mơ hồ.
Ngoài ông Luân Hoán, ông Hoàng Xuân Sơn, dân
cùng quê xứ Huế với ông Hồ Đình Nghiêm, cũng mang thơ ra té chơi với đồng hương
và đồng…nghiệp.
chỉ là xoạc cẳng đấy thôi
bắt chước bà chúa tới hồi xang ca
té chơi một cú đó mà
ếch mô nỏ chộ toàn là tuyết trơn
ba hồi để vuột da lươn
một hồi nắm cứng nỗi buồn khơi khơi
à thì chơi rồi thì chơi
chào nghiêm một thế đứng ngồi tuyệt luân
Bà chúa mà ông nhà thơ xứ Huế hài ra ở trên
là bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương. Bà này chắc thuộc loại xí xọn nên ra đường,
chẳng tuyết tiếc chi, cũng té chơi một phát. Con gái hơ hớ bỗng nằm phơi trên
đường, mắc cở chứ! Nhưng vốn là bà chúa thơ nôm nên mang thơ ra xí xóa. Giơ
tay với thử trời cao thấp / Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài.
Tôi phôn hỏi thăm ông bạn văn khi được tin
ông…xoạc cẳng. Ông đo đất ngay trên vỉa hè trước cửa nhà vào sáng sớm khi ông
khăn gói đi mần. Tuy là bạn nhưng ông này thuộc thế hệ sanh sau đẻ muộn nên vẫn
còn nặng nợ cơm áo. Các bạn văn của ông ở thành phố này, ông nào cũng lên chức
quý tộc từ lâu, ngồi chơi ở nhà mà tháng tháng vẫn được chính phủ trả lương.
Người cũng thuộc loại via nhưng vẫn cố bám trụ vào phòng mạch là ông tu bíp
Trang Châu vừa thông báo là ông dứt khoát rời kim chích ống nghe vào đầu tháng
3 vừa rồi. Ông này thơ văn hai tay nên về đuổi gà (nói bâng quơ vậy chứ không
biết nhà ông có gà không!) mà cũng thơ thẩn. Bài thơ được viết vào buổi sáng
đầu tiên không phải đi làm, có cái tựa rất hách: Ta Về.
Ta về, giữ một niềm vui
Bỏ ưu tư lại cho người lãng quên
Bỏ băn khoăn, bỏ muộn phiền
Một thời cơm áo bon chen bạc đầu
…….
Ta về, gác nghiệp làm dư
Gác cây về cội, gác từ về ngôn
Tưởng vui sao gợn chút buồn
Sao nghe thanh vắng trong hồn sáng nay?
Ông Hồ Đình Nghiêm vẫn phải nghiêm chỉnh ra
đi mỗi sáng, chưa được “ta về” như ông Trang Châu và các bạn văn của ông. Hỏi
coi ông ngã sấp hay ngã ngửa, ông thở dài: có biết chi mô, trời đất quay cuồng
biết mô là phương hướng!
Ông này không được tỉnh táo như tôi. Năm
ngoái, tôi cũng ngã một cái trên vỉa hè đường Saint Denis, ngay khu chợ Việt
Nam. Đang tung tăng, mặt nghếch lên kiếm coi cái xe đậu ở chỗ nào, bỗng như trò
ảo thuật, thấy mình nằm ngửa nhìn trời. Một bà Việt Nam đi bên cạnh vội cúi
xuống bên cạnh hỏi: “Chú có sao không?”. Tôi vội đứng lên, bụng hơi mắc cở, lắc
đầu và cám ơn bà. Lúc đó chỉ thấy thẹn thùng, vội đứng lên, chứ chẳng ý thức
được là mình đang làm chi. Cái lắc đầu lúc trẽn bỗng bay đi mất tiêu, nhường
chỗ cho cái lo lắng. Vội sờ lên ót coi có máu me chi không. May phước có trời
lo, ban cho cái rét mướt, nên mũ mãng đàng hoàng. Chiếc mũ dày cộm đã đỡ cho
cái ót. Chắc không sao. Nhưng lo vẫn lo. Vội phôn cho ông Trang Châu khai bệnh
nghiêm chỉnh. Ông này phán là trong vòng 48 tiếng, nếu thấy nhức đầu hoặc cảm
thấy đầu óc choáng váng thì phải vào cấp cứu làm scan ngay. Hai ngày
trời nghe ngóng bắt mệt, nghĩ là bà chúa thơ nôm phét lác, lo sốt vó chứ ở đó
mà giơ tay với xoạc cẳng!
Người ngoài thường sáng suốt hơn người trong
cuộc, tôi ngày đó mừng muốn chết khi thấy người ngợm vẫn đầy đủ sau cú vồ ếch,
đâu nghĩ tới chuyện kiện cáo chi. Nay thấy bạn vồ ếch (lạ nhỉ, tôi tưởng ếch ở
Montreal đã tuyệt chủng khi bị dân chúng vồ lia chia), làm tài khôn xúi đi kiện
thành phố. Xúi cho vui miệng thôi chứ đời nào xeo được ông Hồ Đình Nghiêm làm
đơn ra tòa kiện cáo. Nhưng dân chúng thành phố này khác. Hơi một chút là kiện.
Tôi vừa nói chuyện té với ông bạn văn thì đọc được trên tờ The Gazette ở
Montreal một bài báo nói tới chuyện kiện tụng khi ngã vì đường trơn trượt trong
mùa đông. Theo thống kê thì từ năm 2011 đến 2015, có tất cả 160 vụ kiện vì té
ngã trên đường phố, trong đó có 100 vụ do đường và vỉa hè trơn trượt trong mùa
đông. Kết quả có 25 vụ người kiện rút đơn, 58 vụ thành phố thắng, 15 vụ người
dân thắng và 62 vụ dàn xếp ngoài tòa. Như vậy, tổng cộng có 77 vụ, vừa thắng
kiện vừa dàn xếp ngoài tòa, người kiện được bồi thường, chiếm 48%. Người được
bồi thường ít nhất là 179,67 đô, nhiều nhất là 158.951,23 đô. Trong 77 ca được
đền có tới 48% nhận được dưới 5 ngàn đô.
Nhận được tiền đền bù như vậy cũng trần ai
khoai củ. Trong 5 năm từ 2011 đến 2015, thành phố chỉ tốn có 1.264.751 đô đền
bù, trung bình mỗi năm 252.950 đô. Vớ được một mẩu trong số tiền không nhiều
nhặn này cũng vất vả lắm.
Nếu cần theo dõi một vụ kiện điển hình, chúng
ta có thể nắm áo bà Gertrude Woschitz Fordtinger, ngụ tại LaSalle. Tháng giêng
năm 2012, bà ăn vận cẩn thận dắt chó đi dạo trên đường LaSalle. Trời đang đổ
tuyết, nhỏ thôi, cỡ từ 1 tới 2 phân. Bà gặp một người hàng xóm, đứng lại nói
chuyện một lát, tiếp tục đi chừng chục bước thì gặp một đoạn băng nằm kín dưới
lớp tuyết mới phủ, giăng ngang kín vỉa hè. Bà té bổ chửng, gãy cổ tay mặt. Vỉa
hè không được rắc muối hay chất chống trơn. Tấm hình chồng bà chụp và lời chứng
của người hàng xóm là những chứng cớ đệ trình trước tòa. Bà là một y tá và phải
nghỉ làm một năm. Bà kiện thành phố lơ là trong việc giữ cho vỉa hè an toàn làm
cho bà bị gãy cổ tay, chịu đau đớn và mất lợi tức. Phải mất tới ba năm vụ kiện
mới được xét xử. Bà chánh án Susanne Courchesne xử cho bà thắng với số tiền đền
bù được ấn định là 132.236 đô.
Điều cốt lõi để thắng thành phố trong vụ kiện
là chứng minh được sự bất cẩn của họ. Luật sư của bà Forstinger cho biết:
“Thành phố, cũng như các chủ nhân khác, có trách nhiệm giữ gìn sự an toàn cho
bộ hành trên đường. Dĩ nhiên đang khi trận tuyết đổ xuống, thành phố không thể
làm sạch lòng đường và vỉa hè ngay lập tức, nhưng khi trận bão tuyết đã xong,
họ phải trải muối và chất chống trơn ngay. Đó là trách nhiệm đương nhiên của
một chủ nhân trên tài sản của họ. Cũng như chủ các căn nhà trong thành phố, họ
cũng phải dọn tuyết, trải muối trên đoạn đường từ nhà ra tới vỉa hè. Nếu xảy ra
trường hợp có người bị té trên khúc đường này, chủ nhà phải đền. Nói tạt ngang
qua chuyện thời sự đang nóng hiện nay một chút. Bưu Điện đang thiết lập những
thùng thư công cộng để chấm dứt việc đưa thư riêng tới cửa nhà hầu có thể cắt
bớt chi tiêu trong lúc internet giết chết việc gửi thư tay. Mùa đông năm
nay, đường vào lấy thư tại các thùng thư công cộng này trơn trượt khiến dân
chúng kêu ca. Đã có người bị té khi lấy thư. Họ hỏi ngược lại Bưu Điện: tại sao
trước đây, nhằm giữ an toàn cho các bưu tá đi phát thư, nhà nào không xúc tuyết
và trải muối trước cửa thì bưu tá không vào đưa thư, nay, tại sao Bưu Điện
không xúc tuyết trải muối để giữ an toàn cho dân chúng tới lấy thư tại các
thùng thư công cộng? Ông Bưu Điện còn á khẩu chưa trả lời được!
Luật sư Olivia Pajani lý luận: “Có nhiều
người nói: “Này! Đây là Quebec, bạn trông mong gì hơn được?”. Đúng, đây là
Quebec, nhưng sau một trận băng tuyết mà thành phố không làm chi trong vòng 24
tiếng để vỉa hè trở thành trơn trượt thì đó là bất cẩn!”. Trong trường hợp bà
Forstinger, thành phố LaSalle có trải muối 48 tiếng trước khi bà này bị tai nạn
nhưng sau đó nhiệt độ bất thần hạ xuống. Bà tòa Courchesne phán quyết là trong
trường hợp này, chính sách của thành phố quy định là phải trải muối lại nhưng
họ không làm. Chánh án Courchesne viết trong án lệnh: “Có chứng cớ hiển nhiên
là đường bị trơn trượt và không có trải muối và chất chống trơn, được hiểu là
công nhân của thành phố không duy trì cũng như kiểm soát vỉa hè một cách đầy
đủ”.
Số tiền bồi thường bà Forstinger nhận được
tương đối cao so với các vụ khác, được chiết tính như sau: 60 ngàn đền bù cho
việc giải phẫu tay, chịu đau đớn và thiệt hại tinh thần, số còn lại là đền bù
cho số tiền lương bị mất khi phải nghỉ làm việc.
Mùa đông năm nay việc xúc tuyết lòng đường và
vỉa hè tương đối nhanh hơn các năm trước. Thành phố Montreal có nhiều kinh
nghiệm và dụng cụ xúc tuyết hơn các nơi khác vì tuyết là thổ sản năm nào chúng
tôi cũng được mùa bội thu! Coi những video xúc tuyết của các thành phố
Bắc Mỹ khác thấy mà nản, thiệt ầu ơ ví dầu! Nhưng năm nay, vì lý do ngân sách
dọn tuyết bị cắt giảm nên vỉa hè thiếu muối, nhạt phèo! Ông bạn văn Hồ Đình
Nghiêm có đo đất cũng là một điều dễ hiểu. Có điều ông gieo người xuống đất hơi
mạnh nên xương cốt mới nứt vỡ. Phải chi ông nhè nhẹ một chút thì cuộc đời đã đỡ
vất vả hơn.
Tới lúc tôi viết bài này thì trời đất đã sáng
sủa hơn. Nàng tuyết đã bỏ đi. Tàn dư của tuyết trên vỉa hè đã theo nhiệt độ
không có dấu trừ dẫn trước, tan ra hết cả. Chúng tôi như những con vật ngủ đông
đang thức tỉnh, chân cẳng lại ngứa ngáy, hô hoán nhau gặp mặt cà phê cà pháo.
Thương cho ông bạn mới làm cái oạch, hông mang vết thương, không lê bước tới
nói nói cười cười với nhau, cho bõ những ngày kéo kén cô đơn trong băng giá.
Ông Hồ Đình Nghiêm là người quả cảm. Nghe tiếng ới nhau, ông dọa sẽ chống nạng
tới. Ông này ít khi dọa suông lắm. Ngày trở về có anh thương binh chống nạng
cày bừa, vì thương yêu anh nên ngày trở về, có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ. Anh
thương binh của ông Phạm Duy chống nạng cày bừa được thì ông Hồ Đình Nghiêm
chống nạng đi uống cà phê là chuyện nhỏ. Xong ngay! Nói theo ngôn ngữ của ông
nhà văn họ Hồ: ba mươi giây!
Song Thao
03/2016