Cây dầu đôi DK
Ảnh: Thanh Sơn HP
Kể cũng khá lâu tôi không có dịp gặp
Mây, cô gái H’Mông cười với hai chiếc răng vàng lấp lánh, được khách du lịch họ
Giang bọc cho với giá ba mươi ngàn, trong dịp cô hướng dẫn đoàn đi thăm bản Cát
Cát ở Sapa [1]. Và, cũng vì hai chiếc răng vàng đó, tôi đã hát đùa với cô “cười
lên đi cho răng vàng sáng chói”. Tưởng nghe qua cô gái sẽ giận tím mặt tím mũi;
ngược lại, cô chỉ cười thân thiện đáp “Anh trai người Kinh vui tính quá”. Vậy
là tôi và cô trở nên thân thiết, với một kẻ trong miền Nam người kia biên giới
Đông Bắc. Hàng tuần có khi hàng tháng, bọn tôi liên lạc với nhau qua điện thoại
hay gửi email hỏi thăm công việc
Bỗng dưng, sáng nay khi đang làm việc trên mạng, tôi nhận được tín hiệu của Mây
trên “inbox chat” .
– Anh khỏe không, độ vài ngày nữa em
sẽ bay vào Xứ Trầm Hương.
– Em đi du lịch hay công việc?
– Công ty giao em đi khảo sát nơi
này để sắp tới mở tour tuyến mới.
– Đó là điểm du lich hấp dẫn nhất
miền Trung Nam Bộ hiện nay.
– Anh có thể nói cho em biết cụ thể
không?
– Nơi ấy được mệnh danh: “Miền quê
hương cát trắng, miền thùy dương cát trắng hay còn gọi là xứ Trầm Hương”. Bởi
nó là một vịnh biển được báo chí du lịch xếp vào hàng đẹp nhất- nhì thế giới,
gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ hội đủ các yếu tố núi- non, sông- biển, đầm- phá, hải-
đảo, đồng- ruộng; đặc biệt, có thành phố Nha Trang vừa non trẻ, xinh đẹp hướng
ra biển Đông vừa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch thuộc tỉnh
Khánh Hòa.
Không cần giải thích thêm, tôi gởi
cho Mây nhạc phẩm Nha Trang: “Nha Trang là miền quê hương cát trắng/ Có những
đêm nghe vọng lại/ Ầm ầm tiếng sóng xa đưa/ Nha Trang cánh đồng bao la bát
ngát/ Hương quê dâng lên ngào ngạt/ Hòa cùng sức sống yên vui . . .” [2]
– Ồ! Nhờ có anh giải thích mới biết
xứ Trầm Hương là Nha Trang đấy.
– Khi nào em vào?
– Theo lịch, tám giờ sáng thứ bảy
này em có mặt ở sân bay Cam Ranh, anh không định để em bơ vơ nơi xứ lạ quê
người đấy chứ?
Tôi mơ hồ ngửi thấy mùi hương thảo
quả của rượu táo mèo, quyện lẫn trong mùi thịt da thanh tân con gái vùng cao
phả lên tận mũi, khiến cho tim tôi nhớ quay quắt ánh mắt của Mây trong lần chia
tay nhau bên ngôi nhà thờ đá Sapa.
Tôi dấu đi sự xúc động trả lời Mây:
– Bất cứ giá nào anh cũng phải có
mặt để đón em.
Đúng hẹn, tôi đã có mặt ở căn tin
cảng hàng không Cam Ranh rất sớm, ngồi với tách cà phê nóng chờ chuyến bay từ
Hà Nội đáp xuống. Trong lúc nhàn rỗi, tôi bắt chuyện với một vị khách lớn tuổi
ngồi chung bàn, tỏ ra khá hiểu biết về phi trường Cam Ranh. Theo ông, khác với
cảng hàng không Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài, cảng hàng không Cam Ranh trước
đây là sân bay quân sự do quân đội Mỹ xây dựng, nhằm phục vụ cho cuộc chiến
tranh VN. Sau 75, chính xác vào năm 2004, sân bay Cam Ranh mới đón chuyến bay
đầu tiên từ Hà Nội vào, mở đầu cho việc thay thế sân bay nằm trong nội thị, vốn
bị hạn chế về diện tích và sự an toàn. Tiếp đến năm 2007, cảng hàng không một
lần nữa được nâng cấp lên thành cảng hàng không quốc tế, nhằm đón khách cả
trong lẫn ngoài nước. Nhờ đó, cung đường ven biển cũng được hình thành với
chiều dài 22 cây số, rộng 17,5 mét – 60 mét, trải dài từ phường Cam Nghĩa,
huyện Cam Lâm, vượt qua những đèo núi, đồi cát trắng mịn màng, nắng gió, vị mặn
của biển, về tới Bãi Dài, Golden Bay, Diamond Bay, đường Nguyễn Tất Thành; thay
vì đi theo đường QL1A cũ, ngang qua huyện Diên Khánh xa đến vài chục cây số.
Đang vui chuyện, tôi chợt nghe nhiều
người í ới gọi nhau. Đồ chừng máy bay vừa hạ cánh xuống đường băng, nên cũng
vội đứng lên theo mọi người tiến về phía cổng ra của phi trường.
Sau vài phút chờ đợi, tôi chợt bị
hoa mắt trước sự xuất hiện của cô gái ăn mặc thổ cẩm, vai vác ba lô, đi tung
tẩy giữa đám đông khách Tây, khách ta tiến ra cửa. Trông cô gái quen lắm, nhất
là khi cô mặc bộ áo váy thêu hoa văn, tóc dấu trong khăn, chân quấn xà cạp,
lưng thắt đai màu đỏ rộng bản, làm tôn vinh vẻ đẹp vốn có từ chiếc eo thon chắc
nơi cô. Mây. Thì ra là cô, cô gái vùng cao bản Cát Cát, đang dáo dác hướng tầm
mắt tìm kiếm xung quanh.
Tôi vội khoát tay làm hiêu cho Mây
thấy:
– Mây! Anh ở đây.
Mây quay lại, mừng rỡ nhận ra người
quen, vội chạy đến ôm chầm lấy tôi, cười nói líu lo trước cái nhìn thích thú
của nhiều người có mặt tại sảnh sân bay lúc bấy giờ.
Mây hỏi:
– Anh đợi em có lâu không?
Tôi đùa:
– Không sớm cũng không lâu, chỉ bằng
thời gian ngồi uống hết cốc rượu táo mèo ở Sapa hôm nào.
Nghe nhắc đến kỷ niệm, Mây cười đỏ
mặt, nhớ buổi chiều cô đã cùng tôi ngồi uống rượu táo mèo nơi bà cụ bán món
trứng nướng, khoai nướn, cạnh nhà thờ Sapa năm nào.
Mây nói:
– Trí nhớ anh quả không tồi.
Chưa kịp hàn huyên, ô tô do tôi thuê
đã trờ tới, đón tôi và Mây chạy dọc theo cung đường ven biển, về lại trung tâm
thành phố. Vốn đã quen thuộc với phong cảnh trên cung đường biển này , tôi
nhường cô ngồi bên cửa xe cho dễ quan sát cả vùng biển không chỉ được bầu chọn
là đẹp nhất Đông Nam Á, mà còn được xếp ngang hàng với bãi biển Haiwai của Mỹ.
Đúng lúc đó Mây hỏi tôi:
– Tại sao nơi đây lại có tên Nha
Trang hở anh?
Tôi giải thích:
– Theo các nhà nghiên cứu, Nha Trang
là thổ âm tiếng Chăm, đọc chệch từ 2 từ Ea Trang hay Ja Trang. Ea hay Ja đều là
con sông, Trang là lau sậy, vì xưa kia hai bên bờ sông Cái đổ ra cửa biển Cù
Huân mọc đầy lau sậy. Đến năm 1653 khi người Việt đặt chân lên xóm chài hay còn
gọi là xóm Cồn, nơi này chỉ có lác đát mươi mái nhà tranh, nhưng sau năm 1891
khi bác sĩ người Thụy Sĩ tên Alexandre Yersin đến đây sinh sống và cống hiến
đời mình cho khoa học, thì dân chúng dần dần hội tụ về đây ngày một đông [3].
Ngoài ra, có giả thuyết nói, gần Viện Hải Dương Học – Cầu Đá, có một ngôi nhà
sơn toàn màu trắng, xây dựng trên một ngọn đồi cao ngay sát biển. Mỗi khi tàu
bè qua lại vùng vịnh biển này, các lái tàu thường dựa vào ngôi nhà màu trắng đó
mà định hướng cho hướng đi của tàu. Lâu dần,,từ nhà trắng được ngư dân đọc trại
ra thành Nha Trang?
– Theo anh giả thuyết nào đúng?
Chưa kịp trả lời Mây, thoáng nhìn
bên đường tôi thấy quán hải sản nằm lọt thỏm giữa những rặng dừa xanh mướt, nay
có bán thêm món cháo mực vào buổi sáng. Cảm thấy bụng đói và đồ chừng Mây cũng
chưa ăn gì trên suốt chuyến bay, tôi bèn nhờ lái xe rẽ vào Bãi Dài nằm phía sau
lưng khu nghỉ dưỡng Diamond Bay, ăn sáng.
Trong lúc chờ nấu món cháo mực, tôi
đưa Mây đi dạo trên bãi biển đầy cát trắng mịn màng dưới chân. Đây là bãi tắm
mới được phát hiện trong thời gian gần đây, đẹp, an toàn, nhờ vẫn giữ nguyên vẻ
hoang sơ; nhất là khi thủy triều xuống người ta có thể lội ra thật xa, nhặt
những sinh vật biển còn sót lại trên cát rất vui.
Trên đường đi dạo, tình cờ tôi gặp
một chị là người địa phương, chỉ cho cách đào một cái hố nhỏ trên cát để lấy
nước uống. Chưa mấy tin, Mây mượn ngay chiếc xẻng chị đang giữ trong tay, đào
sâu xuống cát khoảng nửa thước; quả nhiên, chỉ vài giây sau đó trong hố đã thấy
đầy nước vừa ngọt vừa trong xanh, trông chẳng khác chi nước suối lấy trên rừng
về.
Món cháo mực được dọn ra, chủ quán
cho mời tôi và Mây quay trở lại dùng bữa.
Trong lúc ăn uống tôi hỏi Mây:
– Cháo mực ngon không?
– Ngon bá cháy luôn!.
– Chắc tại em đang đói thôi.
– Em khen thực lòng mà.
– Chưa hẳn nơi đây đã là nơi bán món
cháo mực ngon nhất Nha Trang đâu.
– ? ? ?
– Mai mốt ra Đại Lãnh em sẽ được
thưởng thức.
Giống như một phóng viên chuyên
nghiệp, Mây mang bút ra tác nghiệp bằng cách ghi- ghi, chép- chép vào cuốn sổ
tay mang theo.
Tôi cười nói với cô:
– Cứ nhẩn nha thưởng thức món cháo
mực Nha Trang đi đã, tí nữa ghé tiệm sách anh mua tặng em cuốn Địa Chí Nha
Trang và cuốn Xứ Trầm Hương, tha hồ mang về ngoài đó “ngâm cứu”.
– Xứ Trầm Hương, tôi nói, đó là câu
hỏi mà em muốn hỏi anh, nhưng chưa kịp nhớ ra.
Tôi nói theo sách:
– Tỉnh Khánh Hòa nói chung hay Nha
Trang nói riêng, sở dĩ được gọi là xứ Trầm Hương, bởi từ rất xưa vùng này đã có
nhiều phẩm vật quí hiếm như: trầm hương, yến sào., từng lưu lại qua thơ ca:
“Khánh Hòa là xứ Trầm Hương/ Non cao biển rộng người thương đi về/ Yến sào mang
đậm tình quê/ Sông sâu đá tạc lời thề nước non”. Không chỉ vậy, nhà thơ Quách
Tấn còn có lời thưa khi ông đặt bút viết về cuốn Xứ Trầm Hương: “Viết Xứ Trầm
Hương tôi chỉ làm một việc mà nhiều người có thể làm được, nên muốn là ghi chép
lại những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm trong mấy mươi năm sống cùng non nước
Khánh Hòa”.
– Wòa! Hay quá.
Vào tới thành phố Nha Trang, để
tránh làm mất thời giờ của Mây, tôi đưa cô ghé thăm Viện Hải Dương Học, tọa lạc
tại khu Cầu Đá trước. Đây là điểm du lịch hấp dẫn mà bất kỳ ai lần đầu đặt chân
đến Nha Trang đều không thể bỏ qua. Bởi nơi đây lưu giữ, trưng bày hơn 20.000
mẫu vật của hơn 4000 cá thể sinh vật biển, động thực vật biển Đông, vịnh Thái
Lan, Biển Hồ – Campuchia. . . trong đó, chỉ riêng tại khu trưng bày ngoài trời,
tôi đã chỉ cho Mây thấy tận mắt nhiều loại rắn biển, rùa biển, cá mập, cho đến
các loài nhuyễn thể . . .được trưng bày trong các bể lớn hoặc bể kính.
Vào sâu bên trong, Mây thích thú
chứng kiến hằng hà sa số mẫu sinh vật biển đựng trong các bình, lọ thủy tinh,
bên cạnh các chú cá heo, cá mập trắng nhồi bông, trưng bày cạnh bộ xương cá voi
gù, khai quật được trong lúc đào mương làm thủy lợi ở tận vùng biển Hải Hậu năm
1994, dài 18 mét, cao 3 mét, nặng 10 tấn, với 48 đốt xương cột sống phục chế
lại.
Kết thúc chuyến tham quan Viện Hải
Dương Học, xe đưa tôi và Mậy chạy về hướng Đông Bắc ghé đếnHòn Chồng, trước khi
khám phá Tháp Chàm Ponagar nằm bên dòng sông Cái.
Ngồi bên cửa xe, một lần nữa Mây lại
được ngắm con đường Trần Phú, chạy dọc ven biển đẹp như vầng trăng khuyết, ôm
lấy thành phố trẻ Nha Trang tràn đầy sức sống, với một bên là biển xanh màu lục
bảo cùng với cát trắng, nắng vàng, những rặng phi lao xao trong gió; đối diện
bên kia là những cơ sở vật chất với hạ tầng hoàn chỉnh cùng hàng loạt kiến trúc
cực kỳ sang trọng, nhà hàng, khách sạn, vũ trường, bar, cửa hàng cà phê, quán
ăn . . .
Chạy tiếp qua cầu Trần Phú, nhìn
sang phía bên trái dòng sông Cái, đã thấy thấp thoáng nơi trần mây bóng Tháp
Chàm, hiện rõ sau hàng chữ Ponagar mang màu đất nung..Lạ. Đã vào đến khu vực
Hòn Chồng rồi, mà sao tôi vẫn chưa nhìn thấy quần thể đá nằm ở đâu cả.Thì ra
quần thể gồm nhiều đá tảng lớn nhỏ, cái chồng lên nhau cái nhô ra ngoài biển,
đã bị che khuất bởi một nhà hàng xây dựng theo lối kiến trúc cổ nhà rường,
thoạt nhìn cứ giống như một thiền viện.
Khác với những gì tôi từng nghe kể
trước đây, muốn tới Hòn Chồng, ngày xưa người ta chỉ có con đường duy nhất đi
qua lối cầu Xóm Bóng, sau đó vượt dốc đồi La San đầy sỏi đá, giây leo, cây cối
rậm rạp, mà đối với những ai ưa mạo hiểm, ưa khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang
sơ, thường tỏ ra thích thú khi được trải nghiệm, hít thở không khí trong lành
nơi đây; nhất là khi được xắn quần lội bì bõm quanh những khe đá, đuổi bắt
những con cá, con tôm mắc kẹt lại, do không kịp theo thủy triều thoát ra.
Đứng ngắm cảnh Hòn Chồng từ trên bờ
một lúc, Mây tỏ vẻ thất vọng lắc đầu cho biết “cảnh đẹp và thơ mộng đến vậy,
sao người ta nở lòng nào biến nó thành một đống gỗ không hơn không kém”. Tôi vờ
không nghe thấy những lời than phiền của cô, vì thừa biết cô đang bị hụt hẩng
trước cảnh quang Hòn Chồng bị phá vỡ, biến thành nơi chốn kinh doanh nhà hàng
này nọ.
Không còn cách nào khác, tôi đành
trở ra xe ngồi chờ, đợi cô quay lại là hối tài xế chạy nhanh qua khu di tích
lịch sử văn hóa Chăm – Po Nagar cho đở ngượng.
Tháp Chàm hay tháp Bà – Po Nagar là
một quần thể đền thờ xây dựng theo lối kiến trúc tiêu biểu Chăm, do vua Hoàn
Vương Quốc – Harivaman xây dựng từ thế kỷ thứ 7 qua đến thế kỷ thứ 12. Gồm cả
thảy ba tầng: tầng thấp nằm ngay mặt đất mà trước đây dùng làm cổng vào nhưng
nay không còn thấy. Muốn lên tầng giữa, phải leo mấy bậc thang lên gặp hai dãy
cột lớn, mỗi dãy có 5 cột xây bằng gạch hình bát giác và ở 2 bên các dãy cột
lớn còn có 12 cột nhỏ thấp hơn. Dựa vào cấu trúc đó, người ta cho trước đây nơi
này có nhiều dãy nhà dùng làm nơi nghỉ giải lao, sắm sửa lễ vật dành cho khách
hành hương. Cuối cùng, ở tầng trên thấy các tháp phụ xây dựng ngay trước tháp
chính. cao 22,48 mét, là tháp Po Nagar hay tháp Bà, thờ thần Po Nagar hay vợ
của thần Siva mà nguyên thủy thờ thần Parvati, vợ của Shiva. Tháp có 4 tầng,
mỗi tầng có cửa, tượng thần, các linh vật bằng đá . . . đi sâu vào bên trong,
thấy tượng nữ thần cao 2,60 mét bằng đá hoa cương đen, ngồi uy nghiêm trên bệ
đá hình đài sen, lưng dựa vào phiến đá hình lá bồ đề; ngoài ra, rải rác đây đó
hiện diện nhiều tượng người, tượng thú v.v.
Đi qua cửa chính có mặt quay về
hướng Đông, tôi và Mây bước vào tiền sảnh, thấy hai bên cửa thấy có 2 trụ đá đở
lấy một phiến đá tạc hình nữ thần Durga nhảy múa giữa 2 nhạc công. Càng đi vào
sâu vào bên trong, tháp càng tối và lạnh, đến cuối đường thấy một bệ thờ đá,
trên đó đặt tương thờ bà Ponagar với mười cánh tay, với hai bàn tay phía trước
đặt trên hai gối, các tay bên mặt cầm các vật dụng đoãn kiếm, mũi tên, chùy,
cây lao, các tay bên trái cầm chuông, dĩa, cung, tù và.
Đứng trò chuyện với người bảo vệ
tháp, tôi được biết hàng năm vào cuối tháng 3 âm lịch, chính xác từ ngày 20 đến
23 tháng 3, là thời gian tổ chức lễ hội vía Bà. Du khách đến đây vào thời gian
này sẽ được chứng kiến nhiều nhóm người Chăm từ các ngã đường đổ về đây, bày
biện lễ vật dưới chân các tháp cúng tế, cảm tạ công đức người mẹ xứ sở. Sau đó,
xem các nghệ sĩ trong đoàn nghệ thuật Chăm biểu diễn các màn dân ca, dân vũ,
rộn ràng bên tiếng trống Ghinăng, Paranưng, đàn Kanhi, hòa cùng vũ điệu Apsara,
điệu múa bông, múa quạt, múa lu truyền thống trên sân khấu ngoài trời.
Tạm biệt Po Nagar, xe đưa tôi và Mây
đi tiếp vào khu du lịch suối khoáng, tọa lạc sâu trong con hẽm gần đó.
Đang trên đường đi Mây ghé sát đầu
vào tai tôi hỏi:
– Mình đi đâu vậy anh?
– Tắm bùn.
Giọng Mây thánh thót kêu lên trong
sự mừng rở:
– Ô! Thích quá, lần này về Sapa em
tha hồ “nổ” cho thiên hạ lé mắt chơi.
Đường đi tương đối hẹp lại ngoằng
nghoèo, với hai bên nhà cửa cái xô ra cái thụt vào, gây khó khăn cho việc di
chuyển. Nghe kể, năm 1994 Liên Đoàn Địa Chất miền Trung đã khoan trúng mõ nước
mặn nên không thể khai thác đóng chai được, bèn phải dùng hơn 13 tân xi măng
lấp kín miệng lỗ lại, tránh làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Đến năm
1995, cứ mỗi mùa mưa, lại thấy hiện tượng bùn khoáng chảy tràn ra che lấp hết
cả vườn tược, hoa màu làm ảnh hưởng tới cuộc sống người nghèo quanh vùng rất
nhiều. Từ đó, các nhà đầu tư đã nghĩ ra cách kết hợp loại bùn khoáng nóng, với
bùn khoáng vô cơ vào mục đích phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng, chửa bệnh.
Mua vé tắm bùn, đi thay đồ tắm, tôi
và Mây được hướng dẫn đến đứng dưới vòi nước nóng tắm cho sạch, trước khi bước
vào bồn chứa bùn. Vì là lần đầu được biết đến chuyện tắm bùn, cô không chỉ ngạc
nhiên mà còn tỏ ra thích thú khi được ngâm mình dưới lớp bùn khoáng màu nâu
nhơn nhớt, bao trùm lên khắp thân thể. Cứ thế, cô khép hờ mắt lại, tận hưởng
cảm giác sảng khoái cho đến khi mọi sự mỏi mệt tan biến.
Nhân lúc nhìn thấy Mây lim dim mắt,
tận hưởng cảm giác thích thú, tôi múc gáo bùn xối lên người cô đùa:
– Tặng em món này mang về Cát Cát
khoe với mọi người.
Chưa kịp mở mắt ra xem tôi tặng gì,
Mây lảnh ngay gáo bùn xối lên người, khiến cô không kịp né tránh nên vừa la oai
oái vừa lo vuốt bùn dính đầy trên tóc.
Mây thắc mắc hỏi tôi;
– Bùn khoáng nóng này lấy từ đâu ra
vậy anh?
– Bùn khoáng là loại bùn thiên nhiên
được hóa thành từ biến đổi địa chất, hoặc có nguồn gốc thực vật như cây, lá,
hoa, cỏ bị chôn vùi lâu ngày mà thành.
– Công dụng của nó?
– Theo các nhà khoa học, bùn khoáng
gồm các chất hữu cơ, vô cơ, các chất chứa carbon . . . có tác dụng chữa một số
bệnh viêm khớp, bệnh mãn tính, bệnh về da . . .
Chưa rõ lợi ích tức thì của bùn
khoáng ra sao, nhưng trước mắt tôi và Mây mình mẩy, đầu tóc dính đầy bùn nhão,
trông vừa buồn cười lại không giống ai. Nhân thấy thời gian vui chơi đã lâu,
tôi bàn với Mây rời hồ đi tắm lại nước sạch cho thoải mái. Nghe có lý, cô ngoan
ngoản đưa tay cho tôi dìu lên khỏi hồ, đi tiếp qua 2 bức tường bố trí bằng những
tia nước bắn ra từ 2 bên, tạo cảm giác mơ hồ như thể có bàn tay vô hình nào đó
vuốt ve, mơn trớn trên từng thớ thịt, kế đó chuyển qua hồ khoáng nóng ngâm mình
thư giản, chờ xế chiều về lại trung tâm thành phố ăn tối, trước khi về khách
sạn nghỉ ngơi lấy sức cho ngày mai khám phá tiếp các di tích cùng những bãi
biển đẹp tuyệt vời nằm trong tỉnh Khánh Hòa.
Sáng ra, như đã dặn dò với Mây từ
tối hôm trước, tôi chờ cô ở nhà hàng nằm dưới tầng trệt khách sạn ăn sáng,
nhưng đợi mãi chẳng thấy bóng dáng cô đâu cả, đành phải đi thang máy trở lên
tầng tám gỏ cửa phòng cô:
– Mây, em sửa soạn xong chưa, xuống
ăn sáng kẻo trể?
Bên trong có tiếng Mây vọng ra:
– Xin lỗi! Hôm qua đi chơi cả ngày
mệt quá nên em ngủ say như chết. Cho em 5 phút nữa thôi.
Tôi thừa biết con gái nói 5 phút là
phải trừ hao thêm một khoảng thời gian đủ để ngủ gục đến mòn mỏi. Không biết
làm gì hơn, tôi bước tới đứng sau vuông cửa kinh, nhìn ra bầu trời bên ngoài,
ngắm từng cụm mây trắng in hình xuống mặt biển xanh biên biếc. Lạ. Cũng bãi
biển đó, cũng bờ cát trắng trãi dài tít tắp, cũng những rặng dừa, rặng phi lao
ấy, nhưng sao trong buổi sáng hôm nay trông nó lạ lẫm, hấp dẫn, quyến rũ biết
chừng nào.
Vừa lúc đó cửa phòng Mây xịch mở, cô
bước ra trong trang phục quần jean áo sơ mi bỏ trong quần, nhìn thật trẻ trung
tươi mát.
Tôi ngạc nhiên nhìn Mây xuýt xoa:
– Woa! Ai mà đẹp dữ vậy ta. Ăn mặc
thế này ra đường ai dám bảo em là dân miền núi?
Mây cười rạng rỡ:
– Anh chỉ được khéo nói.
– Anh nói thực lòng mà.
Thang máy cũng vừa lên tới và dừng
lại ngay trước mặt bọn tôi.
Tôi hối Mây:
– Mình mau xuống dưới nhà ăn sáng
rồi còn đi thăm các di tích, sau đó tiết kiệm thời gian chạy luôn ra ngoại
thành thăm qua các bãi biển.
Vào đứng trong thang máy, vô tình
tôi bắt gặp ánh mắt có đuôi của Mây, nhìn tôi với cái nhìn lạ lẫm, cộng thêm
hai má ửng hồng chứa đựng bao điều bí mật được cất giữ trong tâm trí nơi cô.
Tôi cảm thấy nóng ran người, loay hoay chưa biết xử trí ra sao đã thấy đầu cô
dựa sát vào ngực tôi, sực nức mùi hương da thịt con gái đưa lên mũi. Ôi! Mùi
hương thật quyến rũ, nhắc nhớ trong tôi kỷ niệm lần đi bên cô về thăm bản Cát
Cát. Mùi hương ngai ngái thanh tân, lạ lẫm, rất khác với mùi son phấn con gái
thị thành, càng khiến cho tôi thêm ngây ngất. Tôi cúi xuống, muốn được ôm thật
chặt cô từ phía sau, đặt lên đôi môi sơn nữ nụ hôn nồng cháy, nhưng chưa kịp
thực hiện đã thấy thang máy dừng lại và cửa mở ra. May quá, nhờ vậy tôi tỉnh
hẳn người ra, vì chỉ cần chậm vài giây thôi, tôi có thể trở thành kẻ háo sắc
trước mặt cô chẳng chơi. Cảm giác tội lỗi biến tôi trở nên vụng về không kém,
chỉ còn biết im lặng đi theo sau cô đến với phòng ăn.
Ăn sáng ra, tôi hỏi thuê một chiếc
xe máy của khách sạn để dễ dàng di chuyển, thay vì đi ô tô vừa bị động vừa mất
thời gian. Được cái giá thuê xe máy ở Nha Trang rẻ, đẹp hơn so với nhiều địa
phương khác.
Từ đường Trần Phú tôi chở Mây tới
nhà thờ Núi hay còn gọi nhà thờ Đá, nhà thờ Kito Vua, nhà thờ chánh tòa Nha
Trang, tọa lạc ngay trong trung tâm thành phố. Đây là công trình kiến trúc
Gothic, được coi là tiêu biểu của phương Tây, với bố cục chắc, khỏe, giống kiểu
nhà thờ đá trên Sapa. Nhà thờ được xây dựng năm 1928 do Louis Vallet, giám mục
người Pháp, đã cho xẻ ngọn núi Bông ra làm đôi bằng 500 quả mìn, sau đó san
bằng một nửa phía Tây để có được diện tích 4.500 mét vuông đất xây dựng nhà
thờ.
Quan sát từ xa, tôi thấy nhà thờ
được phân ra thành 3 phần rõ rêt. Phần dưới cùng là con đường đi với bờ tường
đặt nhiều hộc đựng di cốt người quá cố; phần giữa, ngoài những ô cửa tròn gắn
kính màu được tô điểm bằng những bông hồng ra, không còn gì đáng xem; phần trên
cùng là hành lang và tháp chuông có bốn mặt đều được gắn đồng hồ lớn nhìn ra
bốn hướng.
Tôi đưa Mây bước vào trong thánh
đường, nơi duy nhất có được không gian rộng mênh mông, ngập tràn ánh sáng qua
các cửa vòm được lắp kính màu xanh đỏ. Chưa kể khi nhìn lên trần nhà thờ còn
thấy nhiều hình múi vòm uốn cong lên trên, cùng với những hoa văn trang trí tuy
giản dị nhưng không thiếu phần trang nghiêm, bên cạnh những bức họa mô phỏng
cuộc khổ nạn của Chúa Giê-Su, treo trên những bức tường còn lai.
Đang loay hoay chưa biết điểm khám
phá tiếp theo là đâu, tôi bỗng tôi nhớ câu “từ nhà Chúa đến nhà Chùa là con
đường ngắn nhất”. Thật vậy, từ đây chạy đến Long Sơn Tự hay còn gọi là chùa
Phật trắng, nằm ngay dưới chân núi Trại Thủy cách đây không xa. Thế là tôi ra
lấy xe, chở Mây trên con đường hướng về phía nhà ga xe lửa, vì chùa Phật trắng
nằm ngay ở phía đối diện.
Được biết, Long Sơn tự là một đại
danh thắng cổ kính, hoành tráng, của vùng Nam Trung Bộ, được hoàng đế Bảo Đại
sắc phong “Sắc Tứ Long Sơn Tự”, một trong những biểu tượng của xứ Trầm Hương.
Ai muốn dâng hương trước kim thân
đức Phật tổ, phải leo 153 bậc thang từ đưới chân núi lên tới đỉnh Trại Thủy.
Tôi và Mây cũng không ngoại lệ, nhưng vừa leo đến bậc thứ 44, đã tới đứng trước
tượng đức Phật nhập Niết Bàn, dài 12 mét, cao 5 mét, phía sau là phù điêu mô tả
49 chư vị tỳ kheo đang niệm Phật. Thắp nhang quay ra, bọn tôi leo tiếp một số
bậc cấp nữa, đã thấy hiện ra trước mắt một tháp chuông, trong đó có treo một
quả đại hồng chung cao 2, 2 mét, nặng 1 tấn rưởi. Mệt. Mây lấy nước mang theo
ra uống, nghỉ ngơi lấy lại sức để tiếp tục leo lên đỉnh núi, nơi đặt tượng Phật
Thích Ca hay còn gọi là Phật Trắng, cao 24 mét, trong tư thế tọa thiền trên một
đế hình tòa sen cao 7 mét, cùng với chân dung 7 vị thánh tử đạo vây quanh.
Lễ Phật xong tôi cùng Mậy trở xuống
núi, ngược đường chạy về thị trấn Diên Khánh, bắt gặp bên đường quốc lộ 1 một
quần thể thành cổ, xây dựng cách nay 216 năm, dưới thời chúa Nguyễn, rộng 36
ngàn mét vuông. Đến nơi, tôi lái xe quẹo vào đường Mã Xá, con đường ngày xưa
đắp bằng đất, dùng vào việc tuần tra, vận chuyển hay còn gọi là đường quan
phòng. Từ đây, Mây đứng quan sát một hào nước sâu khoảng 3 đến 5 mét, rộng 30
mét, nối từ cổng phía Đông đến cổng thành phía Tây, luôn đầy nước do sông Cái
đổ vào. Cổng thành gồm 2 tầng: tầng trên có công sự, pháo đài đặt súng thần
công; tầng dưới nối với tường thành hình lục giác 6 cạnh không đều, chia nhiều
đoạn nhỏ, uốn lươn bên các góc nhô ra nhưng vẫn quan sát được xung quanh. Tường
dài 2693 mét, cao 3, 5 mét, đắp bằng đất, trên trồng tre gai ken dày nhằm giữ
độ bền cũng như làm hàng rào phòng thủ. Theo tư liệu, mới đầu thành có 6 cửa,
xây theo hình vòng cung, cao 4,5 mét, rộng 17 mét, nhưng sau quá trình trùng tu
tôn tạo nhiều lần, đến nay chỉ còn lại các cừa Đông, Tây, Nam, Bắc.
Dắt tay Mây bước qua cổng thành phía
Đông, tôi quan sát thấy mặt ngoài bức tường dựng đứng, mặt trong thoai thoải
chia thành 2 bậc, tao ra con đường ở giũa rộng 10 mét, giúp việc vận chuyển
thêm thuận lợi; đặc biệt, với phần diện tích đất còn lại người ta trồng xen kẻ
trên đó nhiều cây xanh để vừa bảo vệ chân thành vừa tạo cảnh quan. Tiếp tục
theo con đường nhựa đi vào bên trong, gặp nhiều nhà cửa xây dựng hoàn toàn mới,
trong đó gồm các cơ quan hành chính, ngân hàng, thuế vụ, công an . . . đã thay
thế toàn bộ di tích từng có mặt ở đây cách hai trăm năm trước, hoàng cung, cột
cờ, dinh Tuần Vũ, dinh Án Sát, dinh Lãnh Binh, dinh Tham Tri, nhà lao, nhà kho.
. .
Ngậm ngùi trước sự thay đổi lớn lao
đó, tôi nuốt vào lòng nỗi buồn riêng, tôi đưa Mây quay ra hỏi thăm đường đến
với di tích Cây Dầu Đôi, chùa Hoa Tiên, nơi lưu truyền nhiều huyền tích ly kỳ,
cách đây chừng 2 cây số.
Trên đường chạy về ngã ba Thành, tới
một ngã ba nhìn sang bên kia đường, thấy một cây dầu cổ thụ mọc ra 2 thân đồ sộ
cành lá xum xuê. Cây dầu tọa lạc trước ngôi miếu khang trang, bên trong thờ vị
tướng công trong phong trào Cần Vương tên Trịnh Phong. Theo truyền tụng, cây
dầu thoạt đầu có 2 gốc mọc cạnh nhau, lâu ngày dính vào nhau làm một, song cũng
có giả thiết nói rằng, vào một đêm mưa gió bão bùng, sấm sét đã giáng trúng cây
dầu làm cho nó gãy ngọn. Tưởng cây dầu sẽ chết, nhưng chỉ một thời gian sau, từ
chỗ gãy thấy mọc ra 2 cành mới, lâu ngày rất xum xuê cành lá.
Thấy ngộ, Mây thử chạy vào đứng trên
những chiếc rể sần sùi mọc trồi lên mặt đất, hỏi một bác sống tại địa phương:
– Bác ơi! Cây này bao nhiêu tuổi rồi
ạ?
Người đàn ông lớn tuổi đáp:
– Cho đến hôm nay vẫn chưa ai dám
xác định chính xác tuổi của nó, chỉ biết từ khi thành Diên Khánh ra đời( 1793),
đã thấy cây dầu này vượt trội lên trên thảm rừng già. Tương truyền, thành Diên
Khánh trước đây là nơi Trịnh Phong , vị tướng quân trong phong trào Cần Vương,
được vua Hàm Nghi sắc phong là Bình Tây đại tướng, đã dùng thành làm tổng hành
dinh trong cuộc kháng Pháp. Sau khi bị bắt, giặc mang ông ra chém tại đồi Chết
Chém, đồng thời treo đầu trên cây Dầu Đôi này. Thương tiếc vị tướng công yêu
nước, dân chúng vùng Khánh Hòa đã chung tay dựng nên ngôi miếu thờ ngay dưới
cây dầu thờ ông.
Mây đưa tay chỉ ngôi miếu gần đấy
hỏi:
– Có phải ngôi miếu ông kể kia
không?
– Trước đây, miếu cây Dầu Đôi nằm ở
tận ngoài này, nhưng do nhiều lần mở rộng đường, dân chúng đã dời ngôi miếu vào
trong đó.
Không bỏ được tính trẻ con, Mây tinh
ngịch dang hai tay ra ôm thử cây dầu xem nó lớn chừng nào, nhưng với vòng tay
nhỏ bé của cô xem ra chả thấm tháp gì so với gốc cây to cở 8-9 người ôm không
xuể. Cô rụt đầu thè lưỡi chịu thua nói:
– Ôi! Cây dầu to cở này cả họ nhà
cháu ôm chưa chắc đã hết.
Trước lời nói đầy vẻ hài hước của
Mây khiến nhiều người cười ồ lên, sau đó khuyên tôi nên chở cô ghé đến chùa Hoa
Tiên nghe kể về những huyền tích, cách xa đây chỉ hơn ngàn bước chân.
Làm theo sự chỉ dẫn, tôi chở Mây
băng qua đường, ngược lên phía trên một đoạn, nhập vào đoàn người đứng quan sát
cây Cốc đại thụ, nghe kể về kho vàng Hời ẩn giấu dưới gốc linh mộc, chuyện
những hồn ma trinh nữ bị các nhà quyền quí Chăm chôn sống nhằm bảo vệ kho tàng,
chuyện vào ban đêm thường xuất hiện hiện tượng vàng đi ăn với những ánh sáng
vàng rực, di chuyển quanh thân mộc và khuôn viên nhà chùa?
Nói về kho vàng ở chùa Hoa Tiên, nhà
văn Quách Tấn có kể trong tác phẩm Xứ Trầm Hương. “ Hơn một nửa thế kỷ trước,
khi phong trào tìm vàng rộ lên, rất nhiều ngôi mộ cổ lẫn các cổ tự. . . đều bị
kẻ xấu đào bới và chùa Hoa Tiên cũng không ngoại lệ; ngoài ra, cũng có chuyện
người Hời ở Phan Rang đã tìm đến chùa, trưng đủ giấy tờ của ông bà để lại, xin
phép được đào bới gốc cây Cốc tìm của. May sao, các thầy trong chùa cùng dân
chúng quanh vùng đã khước từ và ra sức bảo vệ nghiêm ngặt cây Cốc, nhờ vậy kho
báu mới được giữ nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay”.
Rời linh mộc, tôi và Mây đến với
ngôi chùa cổ Hoa Tiên, cách đó vài bước chân. Nghe kể, tiền thân chùa là nơi
lui tới của các quan nên còn gọi là quan tự, sau này được giao lại cho làng
dùng làm nơi thờ phượng.
Bước vào bên trong chánh điện, tôi
quan sát thấy bên trái là gian thờ Phật, bên phải thờ Nữ Thiên Y A Na, gian
giữa thờ đức Quan Thánh. Nghe nhiều người lao xao bàn tán, trong chùa còn lưu
giữ nhiều tượng cổ, nhưng quí nhất vẫn là tượng lồi bằng đá xanh có gương mặt
giống phụ nữ, phát hiện trong quá trình đào giếng xây chùa. Nhiều người tin đó
là chân dung của nữ thần Po Nagar, khuyên thầy trụ trì mang vào chùa thờ
phượng. Việc này, trong sách “Xứ Trầm Hương” cũng thấy mô tả ”Không biết đây là
một tác phẩm điêu khắc bị dở dang hay là hinh tướng một vị quái thần Bà La Môn.
Tượng chỉ khắc một nửa thân phía trước, có đủ mặt, mũi, mắt, miệng; riêng hai
tay chắp nơi ngực, đầu đội một chiếc mũ nhọn như ngọn tháp Cao Miên, phía sau
lưng và khúc mình thì để nguyên dạng đá”. Tuy nhiên, theo một số người đồn
đoán, đây là pho tượng dùng để trấn ếm của người Chăm giàu có nhằm bảo vệ kho
báu; ngược lại, cũng có người cho đó là tượng thờ người nữ Chăm có nhiều quyền
năng, ban phước, nâng đở, cứu giúp những ai tin tưởng bà. Chưa hết, nghe kể
trong mật thất nhà chùa còn cất giữ một pho tượng cao 0,6 mét, mất đầu, không
rõ là tượng nam thần hay nữ thần vì những đường nét khắc họa đã bị bào mòn theo
thời gian. Mang điều bí mật này ra hỏi một vị chức sắc trong chùa, tôi được cho
biết, ngày xưa dưới gốc cây Cốc bỗng trồi lên một pho tượng. Nghi là vật
thiêng, thầy trụ trì đã mang pho tương vào trong chùa thờ, không ngờ giữa đêm
tượng bị rơi xuống đất, đầu lìa khỏi cổ. Mọi người tin là pho tượng không muốn
rời khỏi cây Cốc, nên thầy trụ trì đành phải nghe theo, mang trả pho tượng về
chỗ cũ..
Đi loanh quanh trong khuôn viên chùa
thêm một lúc, tôi và Mây mau chóng lên xe quay về thành phố, bỏ qua ý định đi
thác Yang Bay, suối Thạch Lâm, đảo Trứng. . . để có đủ thời gian đi Dốc Lết,
Đại Lãnh, vịnh Vân Phong, làng chài Khải Lương, nơi được cho là ánh mặt trời
mọc sớm nhất ở cực Đông nước ta, thay vì mũi Điện – Tuy Hòa như nhiều người lầm
tưởng tước đây.
Tạm biệt chùa Hoa Tiên, theo quốc lộ
1 tôi chạy xe qua thị xã Ninh Hòa, qua đèo Bánh Ít, qua nhà máy đóng tàu
Huyndai Vinashin, qua những cánh đồng lúa, qua những cánh đồng muối bạt ngàn,
xuôi về phía Bắc tới Dốc Lết. Nơi có nhiều cồn cát trắng cao hàng chục mét chắn
ngang tầm mắt, trên đó mọc lên những hàng dương xanh biết, ngăn đôi bên này với
bên kia biển. Theo người dân địa phương, sở dĩ có tên Dốc Lết, vì mỗi khi có
việc cần đi ra biển, người ta phải vượt qua các cồn cát cao tận trời, đi không
nổi phải bò phải lết, bò lết đến khi nào ra tới biển mới thôi.
Đứng trước biển Dốc Lết, tự dưng tôi
nhớ tới những bãi cát trắng muốt ở Côn Đảo, song để so sánh với màu trắng của
cát ở đảo KohRong Samloem xứ chùa Tháp, chắc không thể nào bằng được; ngược
lại, biển Dốc Lết với ưu điếm, xinh đẹp, gần gủi, thân thiện, qua cách người ta
mời chào mua bán những phẩm vật đánh bắt từ dưới biển lên tươi rót, giá cả phải
chăng. Nhờ vậy, tôi và Mây có dịp thưởng thức một bữa ăn hải sản tưng bừng mà
không tốn nhiều tiền so với nhiều vùng biển khác.
Nạp năng lượng xong, tôi chở Mây
chạy tiếp tới chân đèo Cổ Mã, chạy thêm vài cây số nữa tới Vân Phong, nơi tập
hợp nhiều hòn đảo lớn nhỏ, hình thành nên vịnh biển cực kỳ xinh đẹp, hoang sơ,
với bãi cát trắng trải dài mênh mông, làn nước trong xanh, rặng san hô đa dạng
sắc màu. Vì thế, các tạp chí du lịch trong và ngoài nước đua nhau bình chọn là
một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, là kỳ quan thiên nhiên với khí hậu ôn
hòa, cát trắng mịn màng, núi đồi, rừng nguyên sinh ngập mặn vây quanh. . .
Tôi dừng xe ở Bãi Môn cho Mây chiêm
ngưỡng quần thể du lịch sinh thái rừng nguyên sinh cùng với bãi biển xếp hình
cánh cung xinh đẹp đến ngỡ ngàng; nhất là với lợi thế xa bờ, có nhiều rạng san
hô quí hiếm, nhiều loài tôm cá, nhiều hang động kỳ bí, nhiều bãi tắm tự nhiên
như: bãi Lách, bãi Búa, bãi Xuân Đừng hay Sơn Đừng.
Rời vịnh Vân Phong tôi đổ đèo Cổ Mã,
ghé địa danh từng được vua Minh Mạng ( 1836) cho thợ chạm hình phong cảnh biển
Đại Lãnh lên một trong 9 chiếc đỉnh đồng, hiện đang được đặt trong sân Thế Miếu
ở Huế.
Gửi xe vào bãi, tôi dìu Mây đi trên
chiếc cầu gỗ bắt qua con suối nước ngọt quanh năm không hề cạn, đi vào thiên
đường biển Đại Lãnh. Thật vậy, bãi biển Đại Lãnh đẹp, hấp dẫn không chỉ nhờ có
bãi biển uốn cong hình trăng mùng sáu, những rặng phi lao xanh thắm, những lạch
nước ngọt quanh năm hòa vào biển cả; mà còn nổi tiếng nhờ nằm lọt thỏm giữa 2
ngọn đèo Cổ Mã, đèo Cả và 3 phía núi vây quanh, nên vẫn giữ được dáng vẻ hoang
sơ vì ít bị tác động của con người. Tiếc rằng, ngoài vẻ đẹp do thiên nhiên ưu
ái ban tặng, thì việc cung ứng sản phẩm du lịch ở đây xem ra còn quá đơn điêu
với những dãy kios, hàng quán, nhà nghỉ dưỡng . . . chưa thực xứng tầm với một
địa danh du lịch nghỉ dưỡng, từng được xem là một trong 10 điểm đến đẹp nhật
thế giới; trong khi, ai đã một lần đặt chân đến với khu du lịch Đại Lãnh, không
khỏi ngỡ ngàng trước hàng loat công trình xây dựng hoành tráng, nghe nói của
nhạc sĩ Thanh Tùng, nhạc sĩ ăn nên làm ra và nổi tiếng qua các nhạc phẩm “Một
Mình, Giọt Nắng Bên Thềm”, đang từng ngày bị bỏ quên trong hoang phế?
Mang sự nuối tiếc ấy tôi và Mây rời
Đại Lãnh, quay về thành phố Nha Trang nghỉ ngơi, để sáng sớm hôm sau có mặt ở
tour bốn đảo.
Đúng hẹn, sau khi dùng buffet sáng ở
khách sạn, xe công ty tổ chức tuor bốn đảo được điều tới, đón tôi và Mây đưa ra
Cầu Đá. Ở đây, bọn tôi được nhập chung vào đoàn khách tây lẫn ta, gồm khoảng 20
người cùng xuống tàu lênh đênh trên biển. Độ nữa giờ sau, ngó lên đã thấy trước
mắt hình ảnh con tàu cướp biển Caribe hóa thạch mang tên: Hồ cá Trí Nguyên. Gọi
là hồ, vì hình dáng con thuyền được xây dựng bởi nhiều kè đá ngăn biển, tạo
thành nhiều hồ nhỏ để nước có thể dẽ dàng thông nhau qua những khe hở của đá,
từ đó nhiều loài sinh vật biển có thể ra vào sinh sống và phát triển.
Tàu cặp bến, tôi và Mây cùng đoàn
khách được hướng dẫn đi sâu vào lòng con tàu, tham quan, rửa mắt, trước hàng
ngàn sinh vật biển. Tại hồ cá lộ thiên khá rộng, bọn tôi chứng kiến nhiều loài
cá thu, cá ngừ, cá nục, cá đuối, bơi lượn nhởn nhơ . . . đi tiếp vào hồ cá nằm
trong nhà, tuy có diện tích khiêm tốn hơn so với hồ lộ thiên, nhưng lại thấy đủ
loài cá cảnh màu sắc sặc sỡ mà ngày thường ít người được biết; hồ kế tiếp là hồ
nuôi sinh vật đồi mồi, rùa biển; hồ cuối cùng kéo dài từ chân đồi ra biển là hồ
nuôi các sinh vật từ nhỏ cho tới nặng vài chục kí lô. . .
Hết giờ mặc định tham quan, mọi
người lần lượt trở lại tàu, trực chỉ Hòn Mun lặn biển, khám phá khu bảo tồn
sinh vật đầu tiên của nước ta, với các thảm san hô đa dạng được đánh giá đẹp
nhất nhì thế giới.
Tàu chưa kịp ghé vào Hòn Mun, Mây đã
kéo tay tôi rũ đi thay đồ tắm, mượn kính lặn, ống thở Knorkel, chuẩn bị lặn
biển. Lặn biển? Tôi không khỏi bất ngờ trước lời rủ rê nơi cô, tròn xoe mắt
ngạc nhiên hỏi:
– Em là dân miền núi cũng biết bơi
sao?
– Ư! Giỏi là đàng khác, không tin cứ
xuống biển với em, sẽ biết thế nào là lễ độ.
– Trên đó em thường đi bơi ở đâu?
– Ở các hồ thiên nhiên vào mùa hè.
Rõ rồi nhé, tôi cảm thấy mình vô
duyên quá thể, đành lủi thủi làm theo lời Mây, sau đó cùng lao xuống biển vùng
vẫy, lặn hụp trong nước, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng hà sa số sinh vật biển
cùng với thảm san hô trải dài vô tận.
Đến trưa, tàu thông báo nhổ neo di
chuyển đến Hòn Một dùng cơm trưa, nghỉ ngơi, ngay trên tàu. Không rõ, do vùng
vẫy trong nước quá lâu hay sao, khi dùng cơm trưa dù theo kiểu dã chiến với các
món ăn đơn giản gồm: tôm rang, cá kho, trứng rán, trái cây . . . vậy mà ai cũng
khen ngon. Song để lại ấn tượng trong lòng mọi người, có lẽ là chương trình
live show bỏ túi, do chính các thành viên trên tàu – The Funky Monkey, vừa trẻ
trung lại có vốn liếng tiếng Anh giỏi, nên đã làm say mê các khách Nhật Bản,
Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Mỹ, VN . . . qua các ca khúc nổi tiếng tại bản xứ của họ,
hợp cùng tiếng đàn điện, tiếng nồi- niêu, soong- chảo; thay cho tiếng trống,
tiếng tambourin . . . biến không khí ca nhạc cây nhà lá vườn trở nên thật hấp
dẫn và vui nhộn. Chưa kể, trong giờ nghỉ ngơi, mọi người được tư vấn mặc áo
phao, lao xuống biển tham dự tiệc rượu cocktail tại quày bar được tổ chức ngay
trên mặt biển vui ơi là vui.
Xế trưa, tàu di chuyển tới Bãi Tranh
cho mọi người xuống thư giản, chơi các trò chơi cảm giác mạnh trên biển. Tận
dụng lúc trời còn nắng, tôi nhờ người lái tàu thuê hộ một chiếc cano đưa lên
đảo Hòn Tre, khám phá nơi mà bất kỳ ai ghé đến Nha Trang đều không muốn bỏ qua
khu vui chơi tổng hợp Vipearl Land, được ví như thiên đường ở hạ giới.
Lên đảo, để Mây không bị cái nắng
gay gắt làm khó chịu, tôi đưa cô ghé khu vui chơi trong nhà, nghỉ ngơi, chơi
trò chơi điện tử, xe điện đụng, thăm vườn cổ tích, đi thang cuốn qua đường hầm
bằng kính vào lòng đại dương, đứng chiêm ngưỡng các loài cá quí hiếm, đẹp chẳng
thua gì thủy cung lớn nhất thế giới Sentosa ở Singapore.
Hết nắng. Bọn tôi quay ra bên ngoài,
ghé khu trò chơi cảm giác mạnh, chơi tàu lượn siêu tốc Roller Coaster, thử trải
nghiệm trò chơi xe trượt núi – Alpine Coaster, nghe quảng cáo là loại hình vui
chơi cảm giác mạnh đang được ưa thích trên thế giới hiện giờ.
Đầu tiên, tại dưới chân núi Vinpearl
Alpine Coaster, tôi và Mây được hệ thống kéo lôi trên đoạn đường dài 540 mét,
đến một nhà ga nằm ở tận trên đỉnh núi cao 140 mét so với mực nước biển. Tại
đây, ai muốn dành thời gian dạo chơi, ngắm cảnh, chiêm ngưỡng toàn vịnh Nha
Trang, chụp ảnh kỷ niệm . . . đều không bị hạn chế. Kế đó tham gia trượt Alpine
trên một chiếc xe đôi dành cho 2 người, gồm một hệ thống điều khiển tốc độ
nhanh – chậm, một thắng tay giữ khoảng cách an toàn giữa xe trước cùng với xe
sau. Và, cứ thế trượt xuống bên dưới qua một đường uốn lượn dài 1.220 mét,
trong cảm giác vừa hồi hộp vừa thích thú.
Nhìn đồng hồ thấy đã năm giờ hơn,
tôi hối Mây chạy đến xếp hàng mua vé xem cá heo biểu diễn; bởi, chỉ chậm chân
năm-mười phút sẽ không còn chỗ ngồi, tới lúc đó chỉ có nước chịu tốn tiền du
lịch sang Thái, mò vào Safari xem biểu diễn cá heo vừa mất thời gian vừa tốn
tiền?
Kể cho vui vậy thôi, bởi sau đó tôi
và Mây mỗi người đã cầm trên tay một chiếc vé, hiên ngang bước vào nhà biễu
diễn. Ngồi chưa kịp nóng chỗ, đã nghe trên sân khấu giới thiệu màn biểu
diễn.bắt đầu. Trước tiên, huấn luyện viên cùng 2 chú cá heo Michail và Yulia
làm động tác ngộ nghĩnh chào khán giả, tiếp sau là những màn biểu diễn vô cùng
ngoạn mục như: bơi trên cạn, nhảy qua vòng, tung hứng bóng . . . giữa những tràng
pháo tay tán thưởng ồn ào của đông đảo người xem.
Rời nhà xiếc, do được truyền đạt
kinh nghiệm của bạn bè từ trước, tôi vôi đi mua thức ăn nhanh cho kịp giờ trình
diễn lúc 20 giờ, để vừa có cái ăn dằn bụng vừa thưởng thức công trình kết hợp
tuyệt vời giữa hiệu ứng ánh sáng cùng sự chuyển động của nó bên nền nhạc sang
trọng trên sân khấu. Tuy vậy, tôi vẫn luôn nhớ lời dặn, phải rời sân khấu sớm
hơn dăm phút, tránh rơi vào tình trạng chờ đợi mất thời gian ở cáp treo, do số
lượng người trở về đất liền lúc ấy khá đông .Nhờ vậy, tôi và Mây đã về đến đất
liền trên chuyến cáp treo sớm nhất, để có thời gian tìm tới các khu ẩm thực
chuyên bán các món ăn đặc sản về đêm ở Nha Trang, ăn mừng chuyến đi khám phá xứ
Trầm Hương sắp kết thúc vào trưa mai.
Nhân lúc đi bên Mây trên phố tôi hỏi
cô:
– Em thích ăn gì nào?
– Ngoài trừ một số hải sản quen
thuộc ra, đêm nay em chỉ muôn thưởng thức các món ăn được cho là độc đáo nhất
của Nha Trang này thôi.
Tôi kể sơ qua thực đơn mà tôi biết
cho Mây nghe:
– Bánh căn mực, bánh xèo mực, bánh
canh chả cá, nem nướng, bún sứa, gỏi cá mai, gỏi ốc, bò Lạc Cảnh . . .
– Ôi! Món nào nghe qua em cũng đều
muốn thử hết.
– Thì cứ việc đi nếm từng món, cho
đến khi nào em cảm thấy cứng bụng mới thôi.
– Ý kiến hay đây.
Đi bộ dọc theo đường Trần Phú một
đoạn, đập vào mắt tôi và Mây đủ loại hàng quán ăn uống hấp dẫn, cái bày ra trên
vĩa hè cái trong nhà; đặc biệt, ở khu chợ đêm tấp nập người đi kẻ lại, ăn uống
nói cười vui vẻ. Song, đối với những ai từng đi ăn đêm ở NhaTrang, ít ai chịu
dừng chân ăn uống ở nơi này, mà thường tìm tới các địa chỉ quen thuộc, cho dù
có nằm sâu trong những con hẽm, tuy đông khách nhưng được cái ăn rất ngon
miệng.
Tôi đề nghị với Mây:
– Trước hết, anh đưa em đi ăn món
bánh căn, vì bất kỳ khách du lịch nào lần đầu tiên ghé Nha Trang đều được giới
thiệu món ăn chơi đầy hấp dẫn này, sau là món bún cá, hay bánh canh cá, bún sứa
. . . chưa đủ no, mình sẽ đi ăn thêm món nem lụi hay bò Lạc Cảnh, tôi hỏi, em
thấy sao?
– Bánh căn như thế nào ạ, nghe thú
vị quá?.
Thay vì trả lời Mây, tôi gọi xe bảo
đưa tới khu Tháp Chàm, nơi không chỉ có hàng bán bánh căn đêm, mà còn thấy trên
đường nằm dọc theo phía biển, còn rất nhiều hàng quán bày bán các loại hải sản,
phục vụ các thượng đế chuyên đi ăn uống về đêm.
Để Mây có thể nhìn tận mắt cách chế biến
món bánh căn, tôi chọn bàn ngồi đối diện với bếp lửa, theo dõi từng thao tác
chuyên nghiệp như một nghệ sĩ múa nơi chị phụ nữ, thoa dầu, đổ bột vô khuôn,
đặt con tôm (hay miếng mực) lên mặt bánh, đây nắp, đợi bánh chin vàng rộm, lấy
ra từng cái đặt lên chiếc tràng bằng tre có đặt sẳn chén nước chấm, dĩa rau
thơm, ít đu đủ bào sợi, sau đó mang ra cho khách.
Nhận lấy tràng bánh, tôi làm nháp
cho Mây thấy cách ăn món bánh căn như thế nào, sau đó nhìn cô vừa ăn vừa hít hà
với món nước chấm cay xé trong miệng.
Tôi hỏi:
– Cảm nhận của em về món bánh căn ra
sao?
– Ngon và lạ miệng hơn bánh tôm hồ
Tây.
Tôi giải thích cho Mậy rõ: Đây là
loại bánh làm từ bột gạo, được nướng trên một cái khuôn bằng đất nung có nhiều
lỗ trên mặt. Là loại bánh phổ biến của người Chăm ở vùng Nam Trung Bộ, từ Khánh
Hòa, Ninh Thuận trở vào Bình Thuận. Thoạt nhìn, bánh căn có hình dáng giống với
bánh khọt của miền Tây, nhưng khác ở chỗ không dùng dầu mỡ để chiên. Bánh nhỏ,
chế biến với nhiều loại nhân, tùy theo sở thích mà bánh được chế biến bằng mực,
bằng tôm, bằng trứng, hến, thịt bò . . . do bánh nhỏ nên bánh thường bán theo cặp.
Khi ăn, chấm vào nước chấm pha loãng ( có nơi nước chấm kèm theo xíu mại, mỡ
hành, nước cá nục kho) với hỗn hợp, nước, tỏi, ớt, đường, dấm, chanh, cùng với
ít rau hay đu đủ thái sợi.
Chén xong món bánh căn tôi hỏi Mây:
– Giờ mình đi ăn bún sứa..
– Sứa? Món này ăn vào có bị ngứa?
– Cam đoan với em, món này cũng nằm
trong danh sách các món ăn được gọi là đặc sản ở Nha Trang, nhờ những con sứa
to lắm cũng chỉ bằng đầu ngón tay trỏ, được ngư dân vớt tận ngoài các đảo xa,
mình dày, ăn có vị thơm mát, giòn nghe sần sật.
– Ôi! Chỉ nghe anh diễn tả thôi em
thèm chảy cả nước miếng rồi .
Ghé về đường Bà Triêu, tôi và Mây
vào quán bún sứa mà mỗi lần ra Nha Trang, tôi đều không thể không ghé lại. Nhận
ra khách quen, cô chủ quán không phải hỏi han hay mời chào, mà trụn ngay hai tô
bún, bỏ thêm chả, sứa lên mặt, chan nước dùng nóng hổi lên, mang ra mời khách
ăn kèm với chả cá cùng với rau sống..
Muốn giúp cho Mây hiểu thế nào là tô
bún sứa ngon, tôi làm ngay cuộc phỏng vấn với cô chủ quán về thành phần tô bún
sứa .
Cô vui vẻ cho biết:
– Thành phần chính của tô bún sứa
ngon dĩ nhiên phải là sứa được chọn lọc kỷ, sau mới đến nước dùng nấu bằng cá
liệt, không xương, thịt ngọt, ăn kèm với chả cá thu hay chả cá nhồng, chả cá
đối, do trước đó đã lóc xương lấy thịt, quết nhuyễn cho đến khi có độ dai rồi
mang vo viên và hấp chin.
Thưởng thức xong món bún sứa tôi hỏi
Mây:
– Giờ thì ăn gì nữa?
– Đọc trên Lonely Planet thấy giới
thiệu món bò ở Lạc Cảnh nên thèm lắm, nhưng phải lát nữa cơ, vì bây giờ em hãy
còn no.
Tạm biệt cô chủ quán bún sứa, tôi
dắt Mây đi tản bộ để cho cô có thời gian tiêu hóa hết mấy món nước còn đang
lỏng bỏng trong bụng; hơn nữa, theo kinh ngiệm, mò đến quán bò nướng vào vào
dịp cuối tuần, chưa chắc đã có bàn. Chi bằng, cứ hòa vào đám đông vui chơi, đơi
muộn một chút thẳng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tới đó cũng vừa.
Đứng tại một ngã ba, Mây quan sát
quán bò Lạc Cảnh một lúc rồi nói:
– Thấy quán cũng bình thường như bao
quán ăn khác thôi mà.
– Nhưng được nhiều người biết đến
nhờ có món bò được tẩm ướp theo bí quyết gia truyền của gia đình người Hoa.
Ngồi vào bàn, tôi gọi hai phần bò,
một dĩa rau salad trôn dầu dấm, một dĩa bánh mì có tẩm ướp nước bò, xong ngồi
chờ. Chỉ một lát sau đã thấy nhà hàng mang đến một lò than cháy hồng cùng với
các thứ tôi đã gọi. Trước tiên, tôi hướng dẫn Mây cách gắp thịt bò đặt lên vỉ
nướng, trở qua trở lại số thịt vài lần trên bếp, cho tới khi thịt kêu sèo sèo
chín tới bốc mùi thơm điếc mũi, thì cũng là lúc tôi sẳn sàng gắp miếng thịt
tươm dầu mỡ, bỏ vào chén cho cô ăn kèm với salad, hay bánh mì đã nướng trên lửa
không kém phần thú vị.
Nhìn Mây ăn ngon lành món bò nướng
tôi hỏi:
– Cảm giác thế nào?
Cô cười đáp:
– Quả không chê vào đâu được.
– Vì vậy công thức tẩm ướp tuyệt đối
không thể để lộ ra bên ngoài, ngoại trừ những người thân trong gia đình.
Mây đùa:
– Họ còn con trai không anh?
– Làm dâu họ không được đâu.
– Sao lại không hở anh?
– Phong tục người Hoa chỉ gã con cho
người Hoa thôi.
– Chứ không phải họ sợ em mang
thương hiệu bò Lạc Cảnh về Sapa kinh doanh à?
Bữa ăn tối của tôi và Mây tạm kết
thúc sau trận cười thỏa mãn nơi cô.
Rời quán ăn, tôi hỏi Mây có muốn đi
bar hay uống cà phê nghe nhạc không, cô tỏ ra mệt mỏi muốn được về sớm đánh một
giấc, để sáng chạy ra chợ Đầm quơ vội ít đồ khô mang về làm quà cho các sêp và
gia đình ngoài đó. Tôi nghĩ có lẽ nên làm theo lời cô, vì suốt mấy ngày qua tôi
đã đưa cô đi thăm thú gần hết tỉnh Khánh Hòa, ngoại trừ một vài thắng cảnh mới
đưa vào sử dụng hoặc do không đủ thời gian đến đó.
Tôi nói:
– Mình về thôi em.
Bước ra đường, Mây luồn tay qua cánh
tay tôi, vừa âu yếm vùa nhí nhảnh nói:
– Cho em mượn đở tay anh một xíu nha
không mai chia tay lại nhớ.
Đêm ở biển bình yên lạ, chỉ nghe
tiếng gió, tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng con tim đập loạn xạ, quyện lấy mùi thịt
da thơm tho con gái. Cứ thế, tôi im lặng đi bên Mây, tận hưởng thứ hạnh phúc
tuyệt vời , mơ hồ nghe trái tim mình treo lơ lửng giữa những mù sương phố núi.
Tiếc thay, ngày mai, chính xác là
trưa mai, tôi sẽ lại tiễn Mây về lại bản làng của cô, không biết đến bao giờ
mới gặp lại./.
Minh Nguyễn
[1] Năm 1987
[2] Nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Minh Kỳ
[3] Ông là người sáng lập ra viện
Pasteur Đông Dương (1895), viện Pasteur Hà Nội, Đà Lạt, Viện vi trùng học Huế,
trường Đại Học Y Khoa Hà Nội, phát hiện ra cao nguyên Lang Biang, thành phố Đà
Lạt, trồng và thuần hóa cây cao su, cây Canh-ki-na đầu tiên ở Việt Nam