(Tranh: The end of the world, của họa sĩ Jose Gutierrez
Solana)
Những năm gần đây, số lượng phim có
đề tài về ngày tận thế của trái đất ngày càng nhiều. Đi xa hơn, là những kịch
bản mô tả – như một cách nhằm hướng dẫn cách tồn tại – nơi một thế giới đã sụp
đổ.
Trong Walking Dead, loạt phim truyền
hình kéo dài nhiều năm về chủ đề thế giới đã tận cùng, loài người diệt vong,
những vấn đề về đạo đức, nhân tâm… luôn được đặt ra rằng ở giai đoạn đã vào hỗn
mang, con người có cần gìn giữ nhân tính của mình hay không, niềm tin và sự tốt
đẹp có cần thiết không?
Giết người hay chấp nhận phải giết
người, được coi là điều buộc phải làm khi cần thiết. Viên cảnh sát Rick đã phải
chặt tay người phụ nữ mà anh yêu mến để bứt ra, tháo chạy khi cô ta (Jessie –
Season 6) bị đám đông zombie vây chặt.
Nhẫn tâm để tồn tại, để được, bất
chấp lý lẽ là điều phải chọn lựa dứt khoát và nhanh chóng mà trong hầu hết các
bộ phim có chủ đề như vậy trong The 100, Z for Zachariah, The Survivalist…
Nếu tận thế là điều có thật, có đúng
là chúng ta sẽ phải chứng kiến những nghịch cảnh đó? Chúng ta phải chấp nhận
nhìn thấy sự sụp đổ của các nền pháp trị bằng bản năng thú tính, chấp nhận lọc
lừa và quy lệ mới phục vụ cho bóng tối và sinh tồn bầy đàn?
Đó quả là câu hỏi mà thế giới đặt ra
qua các phương tiện nghệ thuật. Và nếu bước qua giai đoạn diệt vong đó, liệu
loài người có khả năng hồi phục được nhân tính và nền văn minh của mình không?
Những câu chuyện phiếm điện ảnh có
lẽ còn phải bàn hàng giờ, cùng với trí tưởng tượng hết sức tự do, viễn mộng.
Nhưng trong cuộc sống hàng ngày hôm nay, “tận thế” có thể được nhìn thấy bằng
những câu chuyện ngang trái, giày xéo lên lẽ phải mà vẫn tồn tại một cách ung
dung.
“Tận thế” có thể nhìn thấy qua những
đứa bé Syria theo đạo Công giáo bị ISIS thiêu sống và chặt đầu. Vùng đất linh
thiêng ở Ấn Độ tràn ngập tội phạm hãm hiếp bởi không còn niềm tin vào tương
lai, theo thuyết tận thế.
Đất nước tràn ngập tượng Phật và
chùa chiền như Đài Loan thì không dám đón Phật sống Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, bởi
sợ mua bán khó khăn với Trung Quốc.
Tận thế có nhiều hình dạng. Tận thế
đến từ lúc con người tự hoại điều tốt đẹp nhất của mình. Tận thế đến khi chúng
ta cố gắng gìn giữ sự tử tế trong mình nhưng hoàn toàn cảm thấy cô đơn và sợ
hãi.
Ở một xã hội mà mọi giá trị bị đảo
lộn, con người sẽ co cụm trong hang sâu của chính mình, không còn niềm tin vào
bất cứ điều gì nữa. Một công an viên khi quay hình sếp của mình mở sòng bạc
ngay tại trụ sở, tố cáo trên trang mạng thì sau đó bị săn đuổi và bị tuyên bố sẽ
đưa ra khỏi ngành vì một tội vu vơ gì đó.
Trong khi những kẻ ăn tiền thuế của
nhân dân và hủ bại rành rành thì được cấp trên doạ dẫm báo chí đưa tin, còn nói
là phải tìm cho ra và đuổi khỏi ngành.
Những điều đó làm người dân Việt Nam
ngẫm nghĩ về động cơ thật sự của hàng loạt các vụ rượt đuổi trường gà, chiếu
bạc địa phương… nóng bỏng đến mất mạng người có mặt tại hiện trường mà dân đen
không ai dám kêu la.
Từ năm 2013 –2015, ông Tô Minh
Vương, giáo viên trường tiểu học Phú Long (xã Phú Long, Phú Tân, An Giang) sau
khi cung cấp bằng chứng cho đồng nghiệp để tố cáo sai phạm ở trường, đã bị khai
trừ Đảng và buộc thôi việc.
An Giang là một tỉnh rất nhiều học
sinh nghèo, ông Vương không chịu nổi tình trạng nhà trường mượn cớ tổ chức lớp
bồi dưỡng, ép học sinh đóng tiền nên lên tiếng.
Cả một hệ thống nhà trường cho đến
Đảng uỷ bức ép ông Vương mọi điều, cho đến khi bị công luận soi chiếu. Mà chống
tham nhũng thì đó là mệnh lệnh, kêu gọi của tổ chức Đảng mà ông Vương tham gia.
Mới đây, phó Chủ tịch Quốc hội Tòng
Thị Phóng có giới thiệu trường hợp bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã bị tạm giam tới
800 ngày, nhưng cho tới giờ viện KSND TPHCM không tìm được chứng cứ buộc tội.
Nhưng dù không buộc tội gì, cơ quan này vẫn không trả tự do cho bà, cứ giam để
đó.
Phó viện trưởng viện KSND Dương Ngọc
Hải được động viên là hãy “dũng cảm” đình chỉ vụ án. Quả thật là một loại “dũng
cảm” chỉ có trong điện ảnh ngày tận thế.
Đã hơn ba năm rưỡi kêu oan cho con,
đôi vợ chồng già Hoàng Xuân Tiến, ở Nghệ An, nhớ lại như in chuyện họ đột nhiên
đón tiếp hai chiến sĩ công an ở thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc đến nhà, mang
theo lời đề nghị nộp 25 triệu thì con trai của họ sẽ được trả tự do.
Anh Hoàng Trưng, con trai của hai
người đột nhiên bị kết án cướp giật rồi công an đến nhà gạ đổi tiền lấy mạng.
Nếu có một kịch bản mới về “tận thế”, người ta có thể viết về công lý bị chà
đạp. Bất an chủ đích như trái bom nguyên tử có thể ập xuống duy một mái nhà,
chứ không cần là diệt vong cả thế giới.
Đôi khi, chúng ta đọc những câu
chuyện như vậy, nhưng lại chỉ có thể cảm thấy sự nhạt nhẽo và tầm thường của
từng câu chuyện. “Chỉ là một vài câu chuyện oan ức bình thường trong xã hội
mà?”, rõ là có ai đó sẽ nói như vậy.
Những bản tin, những điều ngang trái
ngày một nhiều hơn, trôi qua nhanh hơn và khiến chúng ta cũng mệt mỏi và thờ ơ
hơn khi tiếp nhận.
Những nỗi đau trong cuộc sống này
đang co rút lại trong từng hang động nhỏ, lẩn khuất và không còn được chia sẻ
nữa. Nó chỉ còn lưu lại trong ánh mắt thăm thẳm cam chịu hay giận dữ của ai đó,
truyền đời. Nó lưu lại như trong lời kể thì thầm của người vừa sống sót qua bầy
zombie.
Tất cả những chia sẻ của loài người
thiếu niềm vui tương lai, mà chỉ là run rẩy nối kết với nhau với kinh nghiệm
sinh tồn chưa bao giờ được dạy, chưa bao giờ được biết trong nhà trường hay
trong một cuộc đời tử tế.
Nhưng bạn cũng có thể nhìn thấy
chồng chất những mệt mỏi và thờ ơ mà chúng ta trải qua từng ngày, những cam
chịu và lãng quên phận người chung quanh trong xã hội hôm nay, mặc cho lẽ phải
bị giày vò, nhân tính bị hoán đổi… đó chính là những dữ liệu hấp dẫn cho những
kịch bản đón chờ một loại ngày tận thế. Đôi khi không phải cho thế giới, mà
dành cho chính bản thân chúng ta.