16 April 2016

HAI NGƯỜI BẠN - Trương Đình Phượng

Nguyễn Túc làm quan đầu triều. Trịnh Cấm là tên đạo chích.
Xưa hai người cùng ở một làng, cùng học một thầy. Cấm thường được thầy giáo khen là thông tuệ khác thường, bạn bè ai cũng nể phục. Nhà bần hàn, ngoài giờ học Cấm thường lên rừng lấy măng về đổi gạo. Túc nhà giàu, lười học, ham ăn chơi, vung tiền như rác, sáng sòng bài tối kỹ viện.

Năm ấy triều đình tổ chức thi, Túc thuê người thi hộ. giám quan biết nhưng ăn tiền ngậm miệng. Cấm bài làm xuất chúng, chỉ tội nhà nghèo, không có tiền đút, quan chấm thi ém nhẻm mất bài.

Làm quan Túc đối nhân xử thế càng tệ, hễ ai đút lót nhiều Túc bao che kẻ đó. Túc lại có cái bệnh máu gái, hễ thấy cô gái nào hạp nhãn Túc cho quân nửa đêm bắt về, thõa mãn thói dâm ô rồi giết chôn xác sau vườn. Nhờ hấp thụ dưỡng chất từ người chết mà vườn cây nhà Túc phát triển nhất kinh thành.

Cấm thi hỏng, tức uất về quê, đốt sách. Thề suốt đời không đi thi nữa. Mười năm sau mẹ Cấm chết vì bị sét đánh do đi bắt cua ngoài đồng vào ngày trời mưa.
Cấm nghĩ, quan khốn thì dân nạn, trên gian thì dưới loạn cũng là lẽ thường tình ngàn xưa. Cấm bỏ nghề đào măng, sáng ngao du sông suối, chiều lên núi nằm nghe chim hót. Tối xuống, Cấm mặc áo dạ hành vượt tường vào nhà các tên quan lấy vàng bạc, giở mái ngói những nhà bần hàn ném của vào. Sáng sớm ngủ dậy, tự dưng thấy của nạ, ban đầu còn sợ hãi, sau nghĩ có lẽ trời cao thương tình cảnh khốn khó cử thần tài xuống cứu giúp, nhà nào nhà nấy mang số tiền vàng đấy làm kế sinh nhai. Sau một thời gian khắp nơi đồn thổi sự kiện lạ.
Triều đình phái Túc làm khâm sai đi điều tra hư thực… Cấm bị bắt. Túc mở công đường xét xử Cấm. Nhận ra bạn cũ Túc làm mặt lạnh, như không quen, đập án quát:
– Tên kia biết tội chưa hả?
Cấm cười, nhổ toẹt bãi nước bọt:
– Tên hôn quan nhà ngươi đã biết tội chưa hả?
Túc đỏ mặt tía tai thét:
– Khốn kiếp, bay đâu nọc cổ nện bảy mươi hèo.
Cấm bị đánh tan xương nát thịt, gượng đứng thẳng dậy cười ha hả:
– Đánh rất hay.
Túc nghiến răng:
– Khá khen cho nhà ngươi gan lỳ. Nghe ta hỏi đây.Vì cớ gì ngươi hành nghề đạo chích. Sống trong đất nước an bình như thế này mà ngươi không chịu lo làm ăn chân chính là sao hả?
Cấm trừng mắt:
– Đất nước này mà ngươi dám mở miệng bảo là thanh bình hả?
Túc vuốt cằm:
– Trên thì vua sáng dưới quan hiền, như vậy chưa đủ để gọi là giang san mẫu mực hay sao?
Cấm cười, cười như điên dại, giọng Cấm chứa đầy bi phẫn:
– Vua sáng mà suốt năm suốt tháng chui rúc trong váy bọn phi tần hưởng thủ dục thú, nghe lời xàm tấu giết người hiền, trong dụng phường ô lại. Quan tốt mà ngày hai bữa ăn xương uống máu nhân dân. Xã hội mẫu mực mà kỹ viện nhà tù nhiều hơn trường học. Thử hỏi có cái đất nước nào khốn nạn hơn đất nước này không? Muôn dân than oán chẳng màng tai cường quyền, kẻ nông dân thì một bông lúa gánh hàng trăm loại thuế má, mất mùa nheo nhóc tang thương. Kẻ sỹ bao năm dùi mài kinh sử đến trường thi không có của đút thì bị đánh hỏng.
Đạo đức gia phong suy đồi trầm trọng, con giết cha vợ giết chồng, em hiếp chị, trò khinh thầy, bạn bè quay mũi giáo đâm nhau…Ta hỏi ngươi sống trong hoàn cảnh đó ta còn biết làm gì ngoài nghề đạo chích? Năm tháng tung hoành lấy của kẻ cường quyền cứu giúp người dân khốn khổ, chả thống khoái sao, sống như thế mới không uổng kiếp người.
Túc nghe Cấm nói, trán toát mồ hôi. Cấm nói xong Túc ngồi chết trân nửa giờ sau mới run run nói:
– Như vậy là ngươi nhận tội?
Cấm hiên ngang đáp:
– Kẻ trượng phu dám làm dám chịu, ta chả việc gì phải chối.
Túc ra lệnh cho quân nhốt Cấm vào cũi áp giải tới kinh thành. Hôm Cấm bị chém đầu trời đang quang đãng bỗng nổi giông tố, rồi mưa liền ba ngày…
Tan mưa nơi pháp trường người ta thấy xuất hiện một con mãnh hổ, cắp lấy đầu Cấm chạy phăng về phía rừng…Xác Cấm bị treo lên cổng thành làm gương suốt một tuần, có kẻ cảm thương trộm mang đi chôn. Thời gian sau trong kinh thành lưu truyền bài ca như sau:

Nguyễn Túc đại nhân
Trí tuệ phi thường
Dào dạt tình thương
Vì dân trừ họa

Có gã ăn mày mỗi lần nghe bọn trẻ con hát bài đồng dao ấy, lấy tay bưng mặt khóc mà hát rằng:

Than ôi
Chó lên bàn thờ
Rồng sa đầm cạn
Tiểu nhân đắc trí
Anh hùng lầm than
Non non nước nước
Máu lệ chan hòa
Chân lý chảy ngược
Hung tàn trôi xuôi…


Trương Đình Phượng