01 May 2016

NỖI ĐAU CHƯA NGUÔI, VẾT THƯƠNG CHƯA LÀNH - Lê Hữu

Ngày xưa tôi khóc trong niềm vui chiến thắng,
ngày nay tôi khóc trong nỗi đau thời cuộc.
(Nữ “nghệ sĩ ưu tú” Kim Chi)

     “Về ngày 30 tháng Tư, tôi chỉ biết diễn tả cảm giác duy nhất của tôi ngày hôm đó, là họ (công an trại tù Phong Quang, Lào Cai) cho tôi xem một tờ báo có đăng một tấm ảnh rất lớn, chụp cầu Tràng Tiền, trên cầu có chiếc xe Jeep còn mang cờ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và trên xe có mấy anh Việt Cộng đội mũ tai bèo, xe cắm cái cờ mà họ gọi là cờ giải phóng. Tôi cảm thấy đau nhói trong lòng và có cảm giác như nhìn thấy vợ mình đang nằm trong tay một người đàn ông khác.”

     Người thốt ra những lời trên là ông Nguyễn Hữu Luyện, cựu sĩ quan Biệt Kích Dù QL/VNCH, trong cuộc phỏng vấn của đài Little Saigon Radio vào tháng Tư năm 2001, 26 năm sau ngày 30/4/1975.
     Trong số những cách diễn tả cảm xúc về ngày 30 tháng Tư mà tôi nghe được, đọc được, đến nay tôi vẫn chịu cách diễn tả trên nhất.

Những trái tim vỡ vụn

     “Cảm giác như nhìn thấy vợ mình đang nằm trong tay một người đàn ông khác” là cảm giác thật đau đớn trước một thực tế phũ phàng đập vào mắt mình, mà đành “bó tay” vì bất lực. Tôi cho là không có cách ví von, diễn tả nào “thật” hơn và đúng hơn. Còn nỗi đau nào hơn trông thấy sờ sờ trước mắt người vợ yêu quý của mình bị cưỡng đoạt, vùi dập trong tay gã đàn ông xa lạ. Những ai ngày ấy còn độc thân thì có thể hình dung người mình yêu nằm gọn trong vòng tay của tình địch. Giá mà kẻ tình địch ấy bảnh trai hơn, văn minh lịch sự hơn mình thì cái đau ấy còn ít, đằng này thì lại… “tiếc thay cây quế giữa rừng…”
     Phải thương nước thương nòi ghê lắm, phải đau và hận ghê lắm mới diễn tả được nên lời cảm xúc như thế. Cách ví von ấy rất tượng hình, và tôi tin rằng không ít người có cùng một cảm giác như ông Luyện vào cái ngày thương tâm ấy. Riêng tôi, mãi đến nay cứ mỗi lần hồi tưởng lại cái “biến cố” đó là mỗi lần “đau nhói” trong lồng ngực đến mấy giây vì cảm giác ấy.
     Tôi vẫn chuộng những cách ví von tượng hình như thế, chẳng hạn như cách nói “như đàn kiến loi ngoi bò trong lòng chảo nóng” để diễn tả cảnh hoảng loạn của người dân Saigon đang nháo nhào, cuống cuồng tìm lối thoát thân trong những cố gắng tuyệt vọng vào những ngày cuối tháng Tư. Tôi cũng là một chú kiến nhỏ trong lòng chảo tháng Tư ấy, cũng nháo nhào tìm một lối thoát và sau cùng tuyệt vọng, đành chờ bức màn đen của số phận phủ chụp xuống đời mình.
     Cái lòng chảo khổng lồ ấy là số phận của cả một dân tộc.
     Ông Nguyễn Hữu Luyện nằm bẹp trong một trại tù ở ngoài Bắc (ông bị bắt năm 1966), chỉ xem ảnh trong một tờ báo thôi mà đã “cảm thấy đau nhói trong lòng” như thế, tôi và những bạn bè tôi còn “đau” đến mức nào khi phải chứng kiến tận mắt những chiến xa hung hãn của lính Bắc Việt chạy ngờ ngờ giữa lòng thành phố, nghe rõ tiếng gầm gừ thô bạo và tiếng xích sắt khô khốc nghiến rào rạo trên những mặt đường tráng nhựa phẳng phiu, như nghiền nát mọi cố gắng chống chọi cuối cùng của quân dân miền Nam.
     Ông Luyện nói thêm, “Sự đau đớn đã làm tôi khóc nhiều ngày, mắt tôi sưng lên. Trong tù rất đói, mà những ngày đó tôi không ăn được nữa.” Cũng phải thôi, làm sao mà ăn cho nổi, làm sao mà nuốt cho trôi nỗi đau và hận ấy.
     Việc ông Luyện khóc đến sưng cả mắt, không ăn uống gì cả trong những ngày sau đó như để mặc niệm hay để tang cho số phận của một dân tộc bất hạnh làm tôi nhớ tới bức ảnh mà tôi vẫn cho là một trong những ảnh gợi nhiều cảm xúc nhất về những ngày cuối tháng Tư ấy. Ảnh chụp một đoàn người chậm rãi đếm bước tuần hành giữa lòng thành phố Paris và giữa bầu trời xám xịt. Đường phố vắng lặng, và đoàn người lặng lẽ đi như đi trong một đám táng. Và đúng là một đám táng thật, tất cả đều chít trên đầu vành khăn tang trắng. Họ là các nam, nữ sinh viên người Việt du học tại Pháp. Người đi đầu hai tay bưng chiếc khay phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ, bên trên đặt một bát nhang. Theo sau là bốn cô gái căng rộng bốn góc tấm đại kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Lá cờ chùng xuống. Theo sau nữa là những biểu ngữ lớn viết bằng tiếng Pháp, chữ trắng trên nền vải đen, “Ngày đại tang”, “Miền Nam tự do bất diệt”, và những hàng chữ vinh danh, tưởng nhớ các chiến sĩ đã nằm xuống ở quê nhà cho tự do, cho sự tồn vong của đất nước. Ảnh chụp khá rõ từng khuôn mặt, nét mặt. Những ánh mắt buồn bã, những vẻ mặt thẫn thờ. Họ, những chàng trai, những cô gái trẻ, rất trẻ, nhưng đã sớm phải để tang cho quê mẹ. Họ biết rằng từ đây họ không còn ngày về, không còn một nơi chốn để tìm về.
     Cuộc tuần hành có đến gần ba trăm người, lặng lẽ đi qua các đường phố lớn. Đám đông câm lặng, trật tự, không có hoan hô, đả đảo, chỉ có những vẻ mặt thành kính và cam chịu. Bức ảnh cho thấy không gian màu xám ngắt của một buổi chiều ảm đạm. Hậu cảnh là khu phố vắng im lìm, lạnh lẽo, trông như một thành phố chết. Màu xám của những dãy phố, những bức tường và những tòa nhà kín cửa hai bên đường. Màu trắng của những vành khăn tang, của những hàng chữ lớn trên những biểu ngữ nền đen. Tất cả, nhuốm một màu tang. Bức ảnh mang đến cho tôi và nhiều người cảm giác thật nặng nề.
     Những sinh viên này như thấy trước số phận nghiệt ngã của quê hương miền Nam trong những ngày hấp hối. Họ bảo nhau phải làm cái gì đó, nhưng còn làm gì được nữa bây giờ, ngoài việc tìm đến với nhau để vỗ về, để chia sớt nỗi đau và cùng trông vời về quê mẹ để dâng lời nguyện cầu cho quê hương tội tình. Ôi những trái tim vỡ vụn của những đứa con xa nhà!
     Cuộc xuống đường tuần hành thầm lặng ấy được gọi là “Ngày để tang cho chiến sĩ”. Bên dưới bức ảnh có dòng chữ ghi chú viết tay cho biết ảnh chụp trên đại lộ Gay Lussac, lúc 3 giờ chiều ngày 27/4/75, và dòng chữ cuối: “3 ngày sau, Saigon thất thủ”.

Sự lừa dối ngọt ngào

     Viết về ngày 30 tháng Tư là viết về những gì không vui, những gì nặng nề. Thật không may cho tháng Tư, trở thành tháng ít được thiện cảm nhất trong số mười hai tháng của một năm,  cũng vì gợi lên những cảm giác nặng nề ấy. “Tháng Tư đen”, trong cái nghĩa đó, là tháng của số phận đen tối phủ trùm lên đất nước, dân tộc. Những ai có muốn quên cũng không dễ gì quên được những ngày ấy, tháng ấy khi mà tấm lịch nào giở ra hoặc treo lên cũng có nguyên tờ lịch tháng Tư và cũng trông thấy rành rành con số cuối cùng của cái tháng oan nghiệt ấy.  
     Có những tên gọi khác nhau ở trong nước và ngoài nước cho ngày 30 tháng Tư năm 1975. Những cách gọi và tên gọi khác nhau ấy đẩy người Việt ra xa ở hai phía đối nghịch. Phía này trang trọng cử hành lễ truy điệu anh hùng tử sĩ và “tưởng niệm 41 năm Ngày Quốc Hận”; phía kia rầm rộ tổ chức diễu hành diễu binh “kỷ niệm 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, trong lúc vẫn tiếp tục kêu gọi… thực hiện “hòa giải, hòa hợp dân tộc”.
     Người cộng sản vẫn tỏ ra xuất sắc trong những chiêu lừa gạt. Đã từng là nạn nhân của những vố lừa đau điếng đến “thân tàn ma dại”, người ta không còn cho phép mình tiếp tục ngây thơ, ngu dại thêm nữa. Nạn nhân của những quả lừa ngoạn mục ấy không chỉ là người miền Nam mà cả người miền Bắc, và người miền Bắc còn “đau” hơn nhiều. Mãi đến lúc đặt chân lên vỉa hè của thành phố lớn vừa được “giải phóng” thì mới ngã ngửa ra, “Thôi chết rồi, mình bị lừa mất rồi!”  “Mất rồi” là đánh mất cả tuổi thanh xuân, cả những năm tháng tươi đẹp nhất của một đời người, hoặc hơn thế nữa, cả một đời đi làm “cách mạng”. Thế là khóc như mưa. Thế là tình yêu biến thành tình hận. Ôi, những giọt nước mắt đớn đau và muộn màng.
     “Ngày 30 tháng Tư tôi còn khóc vì một lý do khác nữa là vì chúng tôi bị lừa. Chúng tôi đi không nghĩ ngày về, chúng tôi tưởng đấy là chiến thắng quân ngoại xâm nhưng thực sự hoàn toàn là không phải. Và tất cả tuổi trẻ của chúng tôi đã bị tiêu hủy đi hoang phí. Và vì vậy mà tôi khóc. Trong những giọt nước mắt của tôi có cái phần chung cho dân tộc và có phần riêng của chúng tôi, của những người bạn tôi đã chết và của bản thân tôi đã hy sinh tuổi xuân một cách vô ích.
     Người thốt lên những lời lẽ chua xót trên là nhà văn miền Bắc Dương Thu Hương, trong cuộc nói chuyện với đài Á Châu Tự Do.
     Một nạn nhân người miền Bắc khác, nữ “nghệ sĩ ưu tú” Kim Chi (người có lần khiêm tốn từ chối bằng khen thưởng của ông Thủ Tướng và “nói thẳng nói thật” rằng chỉ vì không muốn trong nhà mình “có chữ ký của kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân”), cũng bày tỏ những “cảm xúc tháng Tư” của mình với phóng viên đài VOA như sau:

     “Bây giờ trong lòng tôi nó lạ lắm. Ngày 30 tháng Tư thì tôi thương nhớ đồng đội của tôi vô cùng, nhưng mà tôi cũng thương những người lính Việt Nam Cộng Hòa, và tôi nhận ra rằng trong cái cuộc chiến này người thắng người thua cũng đều đau, đều mất mát, đều đổ máu hết, cho nên thật lòng mà nói thì tôi cảm thấy nó rưng rưng mà xót xa lắm chị à.” 

     Nói thêm về “những người lính Việt Nam Cộng Hòa”, bà Kim Chi bộc lộ, “Với tôi, những ai sẵn sàng đem tính mạng của mình ra để bảo vệ đất nước thì tôi đều coi tất cả là anh hùng. Vinh danh những người lính VNCH ở trận chiến Hoàng Sa năm 1974 là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Nó biểu hiện lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân và đất nước đối với những người con ưu tú của tổ quốc Việt Nam.”

     Và những bộc bạch trong lá thư bà Kim Chi gửi ra từ Hà Nội, 40 năm sau ngày 30/4/1975:
     “Bây giờ tôi mới thấy đó là niềm vui ngộ nhận. Hóa ra, niềm vui, niềm tin và những hy vọng cứ sáng lên trong tôi suốt thời chiến trường khói lửa ấy là do ‘nghệ thuật tuyên truyền’… Những năm bom đạn ‘đi theo lý tưởng’ thì quả là ‘lớn rồi mà còn ngây thơ’. Tôi cũng như biết bao đồng đội đã ‘ngây thơ’.
     Bây giờ mỗi lần 30 tháng Tư, tâm trạng tôi rất đau đớn, vì niềm tin vào đảng CSVN và chế độ XHCN hoàn toàn đổ vỡ. Nỗi đau buồn không diễn tả được bằng lời. Ngày xưa tôi khóc trong niềm vui chiến thắng, nay tôi lại phải khóc trong nỗi đau thời cuộc, trong những nỗi buồn da diết.” 
     Những “sự lừa dối ngọt ngào” ấy khủng khiếp đến mức nào khiến cho những kẻ bị lừa khi chạm mặt với sự thật đều phải bật khóc, phải đớn đau, phải thốt ra những lời lẽ đắng cay, chua xót đến như thế.
     Tên gọi “Ngày Quốc Hận”, vì vậy không chỉ có ý nghĩa đối với “bên thua cuộc” ở miền Nam mà cả người trong Nam ngoài Bắc, cả những ai từng là nạn nhân, từng say mê “lý tưởng cách mạng” và theo đuổi cái “chiến thắng vĩ đại” ngày 30 tháng Tư mà bà Dương Thu Hương gọi là  một “ảo ảnh”, để rồi phải cười đau khóc hận và “sáng mắt sáng lòng” khi nhìn thấy cái ảo ảnh óng ánh, lung linh ấy vỡ tan như những bong bóng xà-phòng.
     Đối với rất nhiều gia đình ở miền Nam, ngày 30 tháng Tư là ngày khơi dậy những kỷ niệm đau buồn, là ngày gợi lên những nỗi đau tột cùng và những tiếc thương vô hạn. Nhiều gia đình lấy ngày này là ngày giỗ cho người thân yêu mình, những người đã chết tức tưởi hoặc xem như đã chết vì mất tích và đến nay vẫn biệt vô âm tín sau những năm chờ tháng đợi mỏi mòn. Đối với nhiều người chạy thoát ra được nước ngoài trước, trong và sau ngày Saigon hấp hối ấy thì ngày 30 tháng Tư là ngày nước mất nhà tan, ngày sinh ly tử biệt. Tháng Tư vì thế được xem như tháng của tưởng niệm, của tưởng tiếc những nỗi mất mát, tang tóc và chia lìa.
     Trước nỗi thống khổ của người khác, người ta chỉ có nghiêng mình và… thinh lặng. Reo hò, nhảy nhót, cười cợt để tỏ sự hả hê, vui sướng trên nỗi đau của đồng loại là việc làm chỉ có ở những kẻ mất nhân tính, thiếu lương tri, và chỉ khoét sâu thêm cái vết thương mà ông cựu Thủ Tướng CSVN Võ Văn Kiệt gọi là “vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”, và chắc chắn đấy không phải là cách thể hiện tốt nhất để tỏ thiện chí “hòa giải, hòa hợp”.
     Kể từ tháng Tư oan nghiệt ấy, bao nhiêu tháng Tư đã đi qua, nỗi đau ấy vẫn chưa nguôi, vết thương ấy vẫn chưa lành.


Lê Hữu