Bãi biển Sầm Sơn. Ảnh: Tuấn Minh
Tình cảnh của họ đúng là tình cảnh lớp người tha hóa,
nhưng tha hóa không phải do quy luật đào thải tự nhiên – mà do chính kẻ cầm cân
nẩy mực đẩy họ đến bước đường cùng. (Bauxite Việt Nam)
“Một người đến Sầm Sơn trước và sau khi đọc Trống Mái
sẽ … nhìn Sầm Sơn khác đi. Bởi quyến vọng biển, núi, mây, nước trong tác phẩm
có khả năng thúc đẩy, chuyển biến, có khả năng thay đổi con người, mời gọi
viễn du, invitation au voyage, nói theo Bachelard. Và nói theo ngôn ngữ
hàng ngày, Trống Mái có khả năng sáng tạo lại môi sinh, tìm về một thế
giới nguyên thủy, ở đó có sự thăng hoa của con người đến bầu trời tự do sáng
tạo.”
Tôi chưa bao giờ có cơ hội được đặt chân đến Thanh
Hoá, và cũng chưa đọc tác phẩm Trống Mái nên không khỏi cảm
thấy xấu hổ (lẫn ngạc nhiên) khi xem đoạn văn thượng dẫn của nhà phê
bình văn học Thụy Khuê.
Tôi xấu hổ vì vốn kiến thức cùng vốn sống nghèo
nàn/hạn hẹp của mình, và ngạc nhiên về khả năng (“thay đổi con người, mời
gọi viễn du, invitation au voyage”) của thiên nhiên, qua ngòi bút Khái
Hưng.
Nếu nhà văn của chúng ta đừng bị thủ
tiêu vào năm 1947, và vẫn sống cho đến hôm nay – chắc chắn – ông
cũng kinh ngạc (không ít) khi biết ra rằng Sầm Sơn còn có khả năng
“khêu gợi lòng tham” nữa. Bãi biển này, trong những ngày qua, đã làm
xôn xao dư luận.
Xin ghi lại đây là vài nhận định – ở trong cũng như
ngoài nước, và của cả hai lề – để rộng đường dư luận.
– Bùi Thanh Hiếu: “Cướp lớn ở Sầm Sơn… Liên tiếp những
ngày đầu tháng 3 năm 2016, các ngư dân thuộc thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá đã
biểu tình để phản đối dự án khu ăn chơi nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC triển khai
ở bờ biển Sầm Sơn.”
– Thạch Lựu: “Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ thu thập
được, ngày 03/3/2016 cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã ra
quyết định khởi tố vụ án hình sự ‘gây rối trật tự công cộng’ và đang tiến hành
điều tra, củng cố chứng cứ về hành vi phạm tội của một số đối tượng để xử lý
nghiêm trước pháp luật.”
– Văn Thị Hương: “tôi thử hỏi, 100 triệu các đồng chí bồi
thường cho mỗi hộ dân, họ làm gì khi nguồn thực phẩm chính của họ bị mất, đất
đai ruộng vườn không còn, khu công nghiệp không có, giá đất tăng vọt, lạm phát
tăng, tệ tham nhũng chưa hết?”
– Hoàng Anh – Văn Hùng: “Điều bức xúc của người dân Sầm Sơn… Sau khi nhường hết đất
cho Cty CP Tập đoàn FLC xây dựng các đại dự án sân golf, resort, khách sạn nghỉ
dưỡng…, hàng nghìn người dân ở các xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, Trường Sơn,
Bắc Sơn… thuộc thị xã Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) chỉ còn sinh kế cuối cùng là bám
biển mưu sinh. Vậy mà cũng chẳng yên…
Theo quan sát của phóng viên, hàng trăm người dân các xã
Quảng Cư, phường Trung Sơn, Trường Sơn và Bắc Sơn đã tập trung trước cổng UBND
tỉnh Thanh Hóa. Họ mang theo mỳ tôm, bánh mỳ, nước uống và cả chăn chiếu để chờ
đợi gặp lãnh đạo tỉnh. Tuyến đường chính trước cổng UBND tỉnh phải lập hàng
rào, hàng chục công an, cảnh sát được huy động để giữ trật tự. Người dân kiên
trì chờ đợi. Chúng tôi sẽ sống bằng gì nếu mất bãi biển”?
Ảnh: Tuấn Minh
Nỗi băn khoăn về sinh kế của người dân Sầm Sơn, trong
những ngày tháng tới, khiến tôi chợt nhớ đến Đồ Sơn và sự “phồn
thịnh” ở nơi đây nhờ vào dịch vụ bán dâm:
“Bãi biển Đồ Sơn nằm trong những bãi biển du lịch nổi
tiếng. Nhưng nói không ngoa chút nào, nếu thiếu và yếu cái dịch vụ đi kèm thì
Đồ Sơn chẳng thu hút được mấy khách. Từ lâu, những cô gái chân dài tứ xứ đã đổ
về đây cư ngụ, mưu sinh bằng cái thứ mà ông trời ban phát. Hễ nói đi Đồ Sơn là
nhiều người lại nháy mắt nhìn nhau bí hiểm. Bởi đến đây, ngoài mục đích là tắm
biển thì cái thú vui duy nhất được khách du lịch quan
tâm tới đó là…chơi gái…
Ở Đồ Sơn người ta gọi cái nghề bán miền xuôi, nuôi miền
ngược này là ngành công nghiệp không khói hay còn nói hay ho là nghề làm giàu
không khó. Xây một cái nhà nghỉ, nuôi mấy ả cave, chăn thêm mấy đứa bảo kê là
ngồi một chỗ đếm tiền. Tiền vào như nước, mỗi ngày vài chục triệu đồng dễ ợt.
Trong khi nền kinh tế suy thoái chưa có hồi kết nhưng những tụ điểm mây mưa,
thác loạn như thế này thì vẫn ăn nên làm ra.” (Biên Thùy – “Những Cuộc Mua Vui Nhớp Nháp Ở Đồ Sơn”).
Số lần “nhớp nháp” của khách mua vui đều được ghi
chép cẩn thận trong nhật ký của người bán. Xin xem qua đôi dòng của
ký giả Anh Đào viết về một cuốn Nhật Ký Đồ Sơn:
Nguồn ảnh: báo Lao Động
“Đó là nhật ký ‘làm việc’ của một cô gái mại dâm gần như
kín các dấu ‘X’. Sở dĩ phải ghi chép là để cuối tháng, cuối tuần, cuối ngày ‘đọ
sổ’ với chủ mà thanh toán tiền, giống hệt với một dạng ‘chấm công’. Đây là một
đoạn trong bài viết: ‘Những ký hiệu dấu sao ‘*’ trong vòng tròn, đó là ‘đi qua
đêm’ và được tính bằng 3 ‘cuốc’ đi nhanh. ..Dấu ‘X’ có gạch dưới là những lần
đi một lần, tính với chủ là 1, nhưng em cho khách làm 2, được bo khá. Còn cái
dấu ‘X’ nằm trong ô vuông thì em không nói gì cả, nhất định không chịu nói ra.
Như vậy, đây là một dạng ‘văn vật’ có hồn. Có ngày em đánh dấu 16 ‘nhát’, nói
chung số ngày có trên 10 ‘nhát’ hơi nhiều. Ngày nhiều nhất là có tới đánh 21
cái dấu X’, lại có 3 gạch chân’. Nhưng 21 lần/ngày vẫn chưa phải là kỷ lục.
Cũng chính cô gái này kể lại: Ở Đồ Sơn có đứa dịp 30/4, đã ‘đi khách’ tính với
chủ là 50 lần.”
Số “nhát” hay số lần “nhớp nháp” được tính đủ và
chia đều, theo như tường thuật của nhà báo Biên Thùy: “Một cô cave ở Đồ Sơn kể rằng, đằng sau những
cô gái bán dâm, đằng sau những đêm mua vui dài dằng dặc là cuộc sống sung túc,
đủ đầy của tầng tầng, lớp lớp những tú ông, tú bà. 250 nghìn đồng tàu nhanh ấy
cũng phải chia năm, xẻ bảy ra thì mới yên thân, chứ đâu phải làm 10 đồng hưởng
cả 10 đồng.
Lại nói đến cái tầng tầng, lớp lớp tú ông, tú bà ở thiên
đường này cho rõ. Có những tú ông phơi mặt ngay cổng nhà nghỉ, đứng đón khách
tận cửa phòng. Nhưng có cái loại tú ông, tú bà cao cấp hơn, chẳng cần đón
khách, chẳng cần phơi mặt ra làm gì cũng có tiền. Những ‘tú ông cao cấp’ như
thế chỉ đạo bằng những cú điện thoại, bằng một thứ văn bản không có dấu. Và,
ngày ngày vẫn nghiễm nhiên hưởng lợi từ thân xác của gái bán dâm. Thế mới tài!”
Loại “tú ông cao cấp” này càng ngày càng xuất hiện
nhiều ở Việt Nam, riêng Thanh Hoá – tất nhiên – cũng không ít. Cứ theo
cách nói nước đôi của ông Bí Thư Tỉnh Ủy Thanh Hoá (“bà con nào đồng ý di dời
thì nhận tiền bồi thường trước ngày 15.4… bà con nào chưa đồng ý thì cứ làm
bình thường như lâu nay…”) trong cuộc đối thoại với dân – vào ngày 7
tháng 3 vừa qua – và theo chủ trương, đường lối, chính sách chung của
Nhà Nước hiện nay hiện nay thì sớm muộn gì Sầm Sơn cũng trở thành
Đồ Sơn thôi.
Bãi biển Đồ Sơn. Ảnh: vnexpress
Và nghĩ cho cùng thì đây là một điều may mắn, nếu
xét ở khía cạnh sinh kế – theo nhận định chung của tiến sĩ Vũ Minh Khương:
“Ông cha chúng ta để lại cho chúng ta đất đai ở vị thế
đẹp và nhiều tài nguyên quý giá. Thế giới lại thương cảm chúng ta đã trải qua
những cuộc chiến tranh khốc liệt. Thế hệ chúng ta chỉ cần cho nhượng thuê đất
trong các dự án đầu tư dễ dãi, bán tài nguyên, và vay nợ quốc tế cũng đủ sống
xênh xang được 20-30 năm nữa. Ta nhượng đất của ông cha làm sân golf và dân ta
sẽ không thể đói nhờ nghề nhặt bóng và đánh giày… Khó khăn trong quyết định của
mỗi người chúng ta hôm nay không phải là làm cách gì để đất nước tiến lên mà là
làm gì để chúng ta không lùi tiếp nữa, bởi đường lùi của chúng ta còn rộng rãi
thênh thang lắm.
Với con số nợ công đã vượt trần, chuyện vay mượn
quốc tế (e) khó có thể tiếp tục. Để bù vào khoản thiếu hụt này
thì bán biển, và bán thân – sau khi đã bán rừng, bán đảo, bán ruộng
– cũng là một bước lùi hợp lý thôi. Chớ còn lựa chọn nào khác,
ngoài chuyện tiếp tục lùi. May mà đường lùi của chúng ta còn rộng rãi
thênh thang lắm.
Tưởng Năng Tiến