Tháng 7/75, khi mọi người vẫn còn đang ngơ ngác, chưa kịp hoàn hồn trước bao
thù hận, mất mát chia lìa, thì ở khu làng biển nghèo Bá Hà, một cậu bé 15 tuổi
lại ngỡ ngàng trước một tin vui – có mẹ. Khi bà ngoại dắt Hưng vào nhà và chỉ
một người đàn bà xa lạ, bảo đó là mẹ mình. Hưng bất ngờ đến sững sờ, cứ ngỡ như
bà mẹ này vừa mới từ trên trời rơi xuống.
Từ khi sinh ra, rồi cả một thời tuổi thơ Hưng chỉ sống với bà ngoại. Ngoại
nghèo khổ, một thân một mình vất vả làm thuê, gánh mướn, chắt chiu nuôi đứa
cháu duy nhất của mình. Hưng lớn lên bằng tấm lòng bao la của ngoại và sóng gió
của biển khơi mênh mông. Trò chơi chỉ là rượt theo các chú dã tràng trên bờ
biển vắng hoặc nhặt những chiếc vỏ ốc, vỏ sò sau mỗi lần thủy triều lên xuống.
Càng lớn Hưng càng khôi ngô, khỏe mạnh. Có lẽ nhờ tiếng hát ru hời của ngoại
cùng âm thanh rạt rào của biển luôn an ủi vỗ về mà Hưng gần như quên hẳn nỗi
bất hạnh mồ côi và hun đúc Hưng thành một đứa bé khôn ngoan, thánh thiện, sớm
biết nhìn bầu trời xanh bao la mà khát khao bao điều ước vọng.
Năm mới lên tám tuổi, vừa hết lớp ba, dù rất say mê học hành nhưng không
đành nhìn ngoại ngày một còng lưng, Hưng phải xin nghỉ học để đi làm phụ ngoại.
Theo ghe lưới cá của mấy người hàng xóm. Thời gian nghỉ ngơi, ở nhà tự học, đọc
sách vở mà Hưng mượn được hoặc mua lại từ những bạn bè hay các anh chị học sinh
lớn tuổi trong làng. Hưng ít khi hỏi ngoại về cha mẹ mình, vì Hưng không hề
biết mặt họ, và trong ký ức non nớt cũng như trong cả những giấc mơ của Hưng
cũng không bao giờ có hình ảnh cha mẹ. Chỉ nghe bà ngoại kể là cả hai người đều
bị bạo bệnh qua đời lúc Hưng mới sinh ra. Có lẽ thấy tội nghiệp đứa cháu côi
cút của mình, bà không muốn Hưng phải suy nghĩ hay nhớ đến chuyện buồn này, nên
chỉ kể vội một đôi lần, lúc Hưng mới lớn lên và bắt đầu nhận hiểu đôi điều ở
quanh mình. Rồi không bao giờ bà nhắc lại nữa.
Hưng có hai ông cậu, em của mẹ, nhưng ít khi gặp mặt. Ông cậu nhỏ đi làm xa
ở đâu đó, còn ông cậu lớn thì đi lính quân dịch, một năm chỉ về phép đôi ba
lần. Ông có vợ, nhưng gởi vợ lại cho ngoại. Bà mợ thì hiền lành, nhưng ông cậu
lần nào về cũng ghen tương, gây gổ với mợ, với ngoại, mặc dù ông rất thương và
lo lắng cho ngoại. Có lần ngoại buồn, hờn cậu, dắt Hưng theo ra tận vùng quê
Xuân Tự, ngoài Vạn Giã ở với gia đình người em của ngoại. Sau hơn nửa tháng,
nguôi ngoai và nhớ nhà, nhớ biển, nhớ cả đôi gánh tần tảo của mình, bà cháu lại
dắt díu trở về làng cũ. Đó là kỷ niệm một lần đi xa độc nhất trong tuổi thơ của
Hưng.
Mười lăm năm sống bên cạnh ngoại, trừ chuyến đi xa duy nhất ấy, Hưng chỉ
quanh quẩn ở làng quê Bá Hà hay trong khu vực Hòn Khói. Một khu làng nghèo
thuộc huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nằm bên bờ một cái vịnh nhỏ xa xôi, cách
biệt thị tứ. Thời Pháp thuộc, chưa có nhiều phương tiện giao thông, nơi này
chẳng khác nào một ốc đảo. Muốn đến nơi khác phải di chuyển bằng ghe thuyền.
Dân chúng đa số sống bằng nghề đánh cá, làm muối, một ít làm ruộng. Nghèo,
nhưng để bù lại, ông trời đã ban cho họ sự kiên nhẫn, trí thông minh, lòng hiếu
học, cùng những cô con gái mặn mà nhan sắc.
Đầu thập niên 60, Bá Hà, Hòn Khói có khá nhiều người trẻ vươn lên, thành đạt
bằng con đường chữ nghĩa, tốt nghiệp bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, đã tạo một làn
sóng đưa con cái vào các thành phố lớn Nha Trang, Sài Gòn theo học. Nhà nào
cũng hy vọng con cháu mình sẽ bước ra khỏi cái nghiệp nghèo khổ, ít học, quanh
năm chỉ soi mặt dưới biển, trên đồng từ mấy đời của dòng họ, cha ông. Điều đáng
buồn là cùng với cái đà vươn lên ấy cũng là lúc xảy ra nhiều biến động đau
thương của đất nước. Bá Hà, Hòn Khói lại là nơi có nhiều anh em ruột thịt và
bạn bè thân thiết, kẻ đứng bên này, người đứng bên kia, trong cuộc chiến huynh
đệ tương tàn. Chủ nghĩa Mác-Lê một thời đã hấp dẫn một số người trí thức trẻ,
vươn lên từ những tầng lớp nghèo khổ, khi “đấu tranh giai cấp” trở thành mục
tiêu và lý tưởng của họ. Họ không hiểu là người ta đã lợi dụng điều này, dẫn
dắt họ vào con đường lầm lạc để cuối cùng chỉ phục vụ cho một nhóm người ác
độc, chẳng hề có lý tưởng mà chỉ khát khao quyền lực, bạc tiền.
Hương là một trong số những người đi theo con đường cam go đầy bất trắc ấy.
Có điều không nổi đình, nổi đám như nhà họ Đỗ cùng xóm. Một anh giáo sư có vợ
bác sĩ và mấy người cháu ruột đều có bằng cấp cao, kẻ vào bưng, người hoạt động
nội thành, sau 75 làm nhiều chức rất lớn trong đảng. (Nhưng cũng chỉ vài năm
sau thì giật mình thấy “lạc đường” nên quay lại chống đảng để bị tù tội và mất
hết bổng lộc) (*). Việc ra đi của cô gái tên Hương này kín đáo, thầm lặng và từ
một lý do đặc biệt hơn, không ai biết được.
Hưởng ứng phong trào cho con cái tiến thân theo con đường sách vở, cha mẹ
Hương chắt chiu tiền bạc cho cô con gái của mình vào Sài gòn học. Thương cha mẹ
nghèo mà phải vất vả lo lắng cho mình, sau khi vào Sài Gòn một thời gian, Hương
kiếm việc làm thêm; vừa làm vừa học. Công việc chỉ là phụ giúp trong một nhà
máy dệt, nhưng sau một tháng, ông chủ thấy Hương vừa hiền lành thật thà, vừa có
chí học hành nên cho Hương làm sổ sách, kế toán. Biết Hương thuê phòng trọ
trong khu lao động nghèo, sống một mình giữa Sài Gòn ồn ào đầy bất trắc, ông
chủ tốt bụng động lòng thương cho về ở chung với đám con cái trong ngôi nhà
rộng lớn của mình. Vừa làm cho xưởng dệt vừa phụ giúp những chuyện lặt vặt
trong nhà.
Ông Bùi Văn Trụ, chủ xưởng dệt Bắc Hà là một kiến trúc sư tài ba, từng thiết
kế nhiều khu đô thị và nhận lãnh công trình xây cất khu chợ Hòa Bình Đà Lạt.
Gia đình trước ở Hà Nội và đã mấy đời làm chủ nhiều xưởng dệt. Năm 1954, cả nhà
di cư vào Nam, sống ở khu Phùng Hưng, Chợ Lớn. Sau khi tạm ổn định đời sống và
việc học hành cho con cái, ông gầy dựng lại Xưởng dệt Bắc Hà này. Được sự giúp
đỡ của chính quyền trong bước đầu, nhưng chính yếu là nhờ vốn liếng và nhiều
kinh nghiệm của ông, xưởng dệt ngày càng phát triển, không bị thất thế giữa
những xưởng dệt lớn khác ở chung quanh mà hầu hết do Hoa kiều làm chủ.
Biết ông Trụ là người có khả năng và tâm huyết, chính phủ Ngô Đình Diệm đã
yêu cầu ông cộng tác trong chương trình tái định cư và kiếm công ăn việc làm
cho hơn một triệu người đồng cảnh với ông. Xưởng dệt Bắc Hà cũng là nơi quy tụ
nhiều người di cư có kinh nghiệm trong nghề dệt.
Vợ mất, để lại cho ông bốn người con, ba trai một gái. Ông tục huyền với bà
vợ mới, là bạn thân của vợ ông và cũng chính là người quản lý mấy xưởng dệt của
ông ngoài Hà Nội. Khi di cư vào Nam, gia đình ông, ngoài vợ chồng và cậu con
trai nhỏ của bà vợ sau, còn có cả bốn đứa con của bà vợ trước. Vào Sài Gòn ông
bà có thêm một cô con gái út. Các con đều theo học các trường Tây: Jean Jacques
Rousseau hay Marie Curie. Ông Trụ rất cưng con, nhưng thường bận đi xa trong
nghề kiến trúc, hay giúp việc định cư cho những bà con khác, nên giao cho vợ
chăm sóc, dạy dỗ đàn con, ngoài việc quản lý xưởng dệt Bắc Hà. Có lẽ một phần
do ảnh hưởng nghề nghiệp, nhiều năm với cương vị quản lý mấy xưởng dệt lớn,
nhân viên lên đến mấy trăm người, nên bà khá nghiêm khắc với con cái.
Trong mấy cậu con trai có Hoành, con út của đời vợ trước, rất giống bố, khá
đẹp trai, hiền lành, học hành chăm chỉ và luôn vâng lời cha mẹ. Hoành không những
giống bố về khuôn mặt, dáng đi mà còn ở đức tính rộng lượng, thương người. Thấy
Hương con nhà nghèo, nhưng xinh xắn, nhu mì và hiếu học, Hoành rất quí mến,
thương yêu lo lắng cho Hương như cô em gái. Hoành thường dạy kèm thêm cho
Hương. Những ngày nghỉ, khi đưa các em gái đi chơi, Hoành luôn rủ Hương cùng
đi. Thường chỉ đi dạo trong Sở Thú, ăn kem hoặc xem ciné. Sự gần gũi, thân tình
và hợp tính nhau dần dần đã làm tình yêu nẩy nở.
Cuộc tình đẹp nhưng thầm lặng kéo dài gần hai năm, càng lúc càng say đắm,
nồng nàn với kết quả là Hương mang thai. Hoành đem sự việc thưa cùng cha mẹ và
xin được cưới Hương làm vợ. Lúc ấy Hoành đang học năm cuối trường Jean Jacques
Rousseau và chuẩn bị thi BAC II. Cha của Hoành, sau khi la rầy rồi cũng đồng ý.
Ông bảo Hương là đứa con gái hiền hậu dễ thương, lỗi là ở con trai mình. Cha mẹ
phải có trách nhiệm, nhất là trong bụng Hương đang có giọt máu của họ Bùi.
Nhưng bà kế mẫu của Hoành thì vừa nghiêm khắc, vừa bảo vệ nếp nhà “môn đăng hộ
đối”, quyết liệt khước từ. Sau nhiều lần bàn cãi, cha của Hoành phải tạm thời
nhượng bộ để giữ hòa khí gia đình. Cuối cùng ông bà đi tới quyết định: Thuê chỗ
ở khác cho Hương sống để chờ sinh đẻ. Sau khi sinh xong, ông bà sẽ bắt đứa con
và chu cấp tiền bạc như một đền bù để Hương về quê sinh sống, cắt đứt mọi liên
lạc với gia đình cũng như với Hoành. Thực ra, trong thâm tâm ông Trụ, cha
Hoành, đây chỉ là kế hoãn binh với bà vợ kế, chờ sau này, mọi việc lắng xuống,
ông sẽ mua nhà riêng cho Hoành và tìm cách đưa Hương trở về sống với Hoành và con.
Tiếc là ông không nói sớm điều ấy với Hoành. Hoành quá thật thà đem hết mọi
việc kể cho Hương nghe, và khuyên Hương cứ ở lại sinh đẻ rồi sau này sẽ tính.
Vừa bất bình trước sự khinh miệt giai cấp của gia đình Hoành, vừa giận thái độ
khiếp nhược của Hoành, và nhất là sợ bị mất đứa con, hôm sau Hương viết để lại
cho Hoành một lá thư từ biệt, trút bao đớn đau trách móc, rồi lặng lẽ ra đi. Để
đánh lạc hướng gia đình Hoành, ngừa việc sau này họ đi tìm để bắt đứa con,
Hương bảo sẽ về quê ở Diên Khánh (Thành) thay vì về Hòn Khói. Vì xưa nay, mọi
người chỉ biết Hương là người từ Nha Trang vào học, thế thôi.
***
Mười lăm năm chưa biết mặt mẹ, chưa hề biết cảm giác của một đứa con có mẹ.
Bây giờ bỗng dưng gặp một người bảo là mẹ mình, Hưng không có cảm xúc. Ngồi nghe
mẹ kể lại cuộc đời bà và nguyên nhân sự có mặt của mình trên thế gian này, Hưng
ngậm ngùi nhưng vẫn không hiểu hết được những điều đã xảy ra. Sao giống chuyện
trong mấy cuốn tiểu thuyết mà mình đã đọc. Hưng thầm nghĩ như thế rồi hỏi mẹ:
– Vậy tại sao mẹ lại bỏ con lại cho bà ngoại khi con chỉ mới lên ba?
– Đó là điều đau xót và ân hận nhất của mẹ, đã dằn vặt mẹ bao nhiêu năm nay.
Nhưng xin con hãy hiểu và tha thứ cho mẹ. Lúc ấy mẹ không có con đường nào
khác. Phụ lòng bà ngoại, xấu hổ với bà con láng giềng vốn còn rất đậm nề nếp
cũ, con gái không chồng mà có con là cái tội xấu xa, cái án vô hình nhưng nặng
nề lắm, con ạ.
– Đã bao nhiêu năm, sao mẹ không tìm cách liên lạc với bà ngoại và với con,
để bà ngoại vừa một mình khốn khổ nuôi con vừa buồn vì tưởng mẹ đã chết thật
rồi.
– Thực ra thì lúc ấy mẹ cũng muốn chết lắm. Viết lá thư để lại cho ngoại,
bảo là mẹ xuống biển tự tử. Khuya hôm ấy mẹ có ra biển, nhưng khi lội xuống
biển, nhìn thấy biển mênh mông, đen sẫm, nghe tiếng sóng thét gào, mẹ bỗng giật
mình sợ hãi, không còn một chút can đảm. Mẹ bước lên bờ với ý nghĩ bỏ đi, nhưng
chưa biết đi đâu, mẹ ra trốn ngoài ghềnh đá bên động cát, thì bất ngờ gặp mấy
người du kích trong xã, trong đó có cô Tám, bạn học của mẹ lúc nhỏ, rủ vào bưng
theo kháng chiến. Mẹ đi theo cô ấy.
– Sao mẹ không ở trong đội du kích cho gần nhà mà lại đi ra tận ngoài Bắc?
– Mẹ được cô Tám dắt lên núi để học tập. Nghe nói cách mạng là thực hiện
triệt để cuộc đấu tranh giai cấp, mẹ thấy rất hợp với ước nguyện của mẹ nên đã
xin tình nguyện để được kết nạp vào đảng. Hơn nữa, mẹ cũng muốn rời xa quê
hương, để không ai còn biết đến mình. Mẹ được đưa ra Liên Khu 5, ba năm sau
chuyển ra Bắc. Và cũng ở tại Liên Khu 5 này mẹ đã gặp cha của con bây giờ.
Đưa tay chỉ người đàn ông cao lớn, mặc bộ áo quần bằng vải kaki Nam Định,
vai mang xắc-cốt, nãy giờ ngồi yên lặng trên bộ phản, bên cạnh bà ngoại, và hai
đứa trẻ lạ, mẹ Hưng tiếp tục:
– Chú Ba đây là chồng của mẹ. Và con Hồng, thằng Hà đây là em của con. Trước
khi vào Nam, chú Ba nhất quyết bảo mẹ phải nói với con, chính chú ấy là cha
ruột để cho con vui, nhưng mẹ không chịu. Mẹ muốn con biết rõ sự thật, vì
chuyện cha con là chuyện máu mủ thiêng liêng. Con có nghĩ về mẹ thế nào cũng
được, nhưng mẹ muốn con biết rõ lai lịch của mình.
Ông Ba đứng dậy, bước lại ôm vai Hưng thân mật :
– Mặc dù trước đây chưa được gặp con, nhưng mẹ con đã kể cho chú nghe về con
từ khi mẹ và chú mới quen nhau. Chú rất thương con, và mong là con luôn xem chú
như là ba của con. Nếu được, xin con cho chú cái vinh dự làm cha của con trong
giấy khai sinh. Chú thực lòng không muốn trong khai sanh của con đề cha là vô
danh, như mẹ đã kể cho chú nghe.
Nói xong ông Ba gọi hai đứa con lại, bảo anh Hưng đây là anh hai của hai đứa
con. Từ nay phải gọi là anh hai và thương yêu, vâng lời anh ấy. Hai đứa nhỏ
bước đến vòng tay, bẽn lẽn chào Hưng.
Cái giọng Bình Định lai Bắc kỳ của ông Ba hơi khó nghe. Nhưng Hưng hiểu được
những điều ông muốn nói và tin những tình cảm ấy là chân thật. Mặc dù sau tháng
4/75, Hưng nghe người trong làng kháo nhau: Đừng nghe những gì Cộng Sản nói.
Sum họp được hai ngày, thời gian chưa đủ để Hưng cảm giác có mẹ, có em, thì
mẹ Hưng cùng chồng và hai con phải vào Cam Ranh để nhận nhiệm sở mới. Nghe nói
ông Ba làm ở Phòng Địa Chính còn mẹ Hưng thì làm hiệu trưởng một trường phổ
thông cấp 1. Trước khi đi ông bà để lại cho bà cháu Hưng mấy bao gạo, một số
tiền và ít áo quần.
Sự thay đổi qua bất ngờ và khá lớn lao đó vẫn chưa đủ làm cho Hưng mất đi
cái cảm giác mồ côi. Mười lăm năm, đã quen và yêu cuộc sống tuy vất vả nhưng
rất yên ả với ngoại, với biển cùng đám bạn bè ở cái làng nghèo Bá Hà này nên
Hưng không muốn có một sự đổi thay nào nữa. Từ ngày người mẹ xuất hiện, với một
lai lịch khá mơ hồ về cha, cùng với sự xáo trộn từ đầu tháng Tư, kéo theo bao
âu lo của bà con trong xóm, đầu óc Hưng lúc nào cũng căng thẳng, chẳng khác nào
những đêm biển lặng, theo thuyền đi lưới cá ngoải khơi, đột nhiên bị dông tố
bất ngờ. Bao nhiêu năm sống với ngoại, Hưng ví ngoại như cây cổ thụ đầu làng,
quanh năm phủ bóng che mưa, che nắng cho mình. Hưng không muốn có ngày bị người
ta kéo ra khỏi cái bóng thần tiên ấy, cho dù người ấy là ai. Bỗng dưng Hưng
thấy thương ngoại hơn. Tối tối, Hưng chui vào nằm bên ngoại, ôm ngoại thật chặt
như sợ bà sắp tuột mất khỏi vòng tay bé nhỏ của mình. Còn ngoại thì khác, bà tỏ
ra phấn chấn, vui mừng, thường nắm tay Hưng bảo nhỏ:
– Hãy vui lên nghe con, bây giờ thì con đã có mẹ. Trước đây ngoại rất lo sợ,
vì ngoại đã già rồi, nếu có bề gì biết có ai lo lắng cho con. Bây giờ con có
mẹ, ngoại yên lòng.
Ngoại nói là ngoại mừng, nhưng nhìn vào mắt ngoại, Hưng thấy ngoại đang
khóc.
Hơn một tháng sau, mẹ và chú Ba đưa xe con về đón ngoại và Hưng vào Cam
Ranh. Gia đình ông bà được cấp ngôi nhà khá rộng trong khu cư xá, nghe nói của
một công chức VNCH bị tịch thu. Mới làm việc chỉ hơn một tháng, nhưng ông bà tỏ
ra chán ngán. Ông bảo làm trong ngành địa chính nên biết rõ nhiều điều bất
công, khuất tất. Từ việc tịch thu tài sản của nhiều người dân vô tội đến việc
giành giật chia chác từ chức tước đến nhà cửa, đất đai giữa những cán bộ trong
các ban quân quản và guồng máy chính quyền mới vừa “biên chế”. Mẹ Hưng thì dễ
dàng nhận ra hệ thống giáo dục và trình độ của các giáo chức miền Nam, hơn hẳn
bây giờ và cả ngoài Bắc. Tuy phải chấp hành cấp trên, nhưng với chức vụ hiệu
trưởng, bà cảm thấy e thẹn, nhất là những khi phải họp hành “giao ban” với các
giáo chức cũ. Hưng nghe mẹ thường buồn bã tâm sự với ngoại :
– Điều buồn nhất sau bao nhiêu năm trở lại quê nhà là con cảm thấy thật cô
đơn. Láng giềng, bạn bè cùng lớp cùng trường ngày xưa dường như đều muốn xa
lánh con. Có ai bất ngờ gặp con giữa đường, họ giả vờ vồn vã nhưng con nhìn
thấy rõ sự dè dặt trong mắt họ.
Ông bà luôn chăm sóc ngoại, vỗ về an ủi Hưng. Nhiều đêm bà ngủ cùng phòng
với Hưng để mẹ con tâm sự. Nước mắt của mẹ dần dà đã thấm đẫm trong lòng Hưng,
làm Hưng xúc động. Nằm trong vòng tay, với những cái nhìn âu yếm, cùng những
giọt nước mắt ấy của mẹ đã làm Hưng thấy gần gũi, thấu hiểu được nỗi lòng và
ước mơ của mẹ. Nhiều lúc, thấy mẹ ngồi thẫn thờ nhìn xa xăm, Hưng biết là cả
một quá khứ đau buồn đang trở về với mẹ, nhưng không hiểu là hình bóng của cha
Hưng đã hiện lên như thế nào trước mắt mẹ. Mẹ có còn thương cha, có dành một
ngăn nhỏ nào trong trái tim của bà cho người tình xưa, hay chỉ có oán trách,
hận thù? Còn chú Ba, chồng của mẹ bây giờ, thực ra cũng là một người tốt, chân
chất hiền lành, thường tâm tình khuyên bảo, năn nỉ Hưng ở lại với ông bà và hai
em. Ông sẽ lo cho Hưng đi học trở lại, có mẹ kèm thêm để Hưng học nhanh hơn.
Ông cũng tỏ ý muốn thay mặt cho cha Hưng để bù đắp những gì mà hơn 15 năm qua
Hưng bị mất mát quá nhiều. Ông tha thiết mong được Hưng gọi mình là ba như hai
đứa em của Hưng.
Hai tuần ở đây, tình cảm trong Hưng có nhiều biến chuyển. Hưng bắt đầu gọi
ông Ba bằng cha, và cũng là lần đầu tiên Hưng cảm giác mình có mẹ. Hưng thấy
hạnh phúc và cũng có chút hãnh diện về mẹ, một người đàn bà lớn tuổi nhưng còn
nhan sắc và hiểu biết. Có một điều Hưng vẫn mơ hồ, không biết con đường gai góc
mà mẹ đã đi trong gần mười lăm năm, bỏ Hưng côi cút với ngoại, có phải mẹ đã
thực sự tìm đúng lý tưởng của mẹ ? Hưng thấy cái làng Bá Hà này vốn cũng đã
nghèo, giờ lại càng nghèo khổ xơ xác hơn. Các chủ ghe mà Hưng đã từng đi theo
phụ lưới, giờ phải đem ghe thuyền giao nộp hết cho hợp tác xã. Các anh chị từng
vươn lên trong học hành, có cả ông thầy trẻ từng dạy Hưng, một thời làm hãnh
diện cho Bá Hà, giờ một số bị tù đày, số còn lại thì quay về nghiệp cũ; đánh
cá, làm muối, làm ruộng. Chẳng lẽ học hành, giỏi giang chữ nghĩa lại có tội ?
Mọi người ai cũng ngờ vực, sợ sệt lo âu.
***
Tháng 5/78, một chiếc thuyền nhỏ vượt biển tắp vào một hoang đảo ở Nam
Dương. Trên thuyền gồm có 18 người, đa số là thanh, thiếu niên. Tất cả được Cơ
Quan Cao Ủy Tị Nạn LHQ đón nhận đưa về tạm trú tại trại tị nạn Tandungpinang.
Trong số 18 người này có Hưng, cậu bé đánh cá vùng biển Hòn Khói năm nào, bây
giờ đã 18 tuổi. Được phái đoàn Mỹ nhận, Hưng đến định cư tại Tiểu bang Florida
vào đầu tháng 10/79 với sự bảo trợ của một gia đình người Mỹ tốt bụng.
Nhờ có sẵn đức tính cần cù chăm chỉ, từng trải qua cả một thời tuổi thơ cơ
cực, và cũng nhờ vào trí thông minh của ông trời ban cho người dân nghèo Hòn
Khói, Hưng vừa đi làm giúp đỡ gia đình, nhất là bà ngoại ở Việt Nam, vừa theo
học tại một trường Cộng Đồng dành cho người lớn tuổi. Hưng học rất nhanh và
luôn đạt điểm cao, được khích lệ của các thầy cô giáo. Hưng theo gương Nguyễn
Xuân Nam, một người bạn nghèo cùng làng Bá Hà, sang Mỹ trước Hưng một năm, nổi
danh hiếu học (**). Trong chuyến đi của Hưng có cậu em ruột của Nguyễn Xuân
Nam.
Khi được Cao Ủy Tị Nạn và Phái Đoàn Mỹ phỏng vấn, hỏi do động cơ nào mà Hưng
vượt biển ra đi. Hưng trả lời là chính bà ngoại đã khuyên và giúp Hưng tìm mọi
cách, bà bảo :
– Chỉ mới sau mấy năm “giải phóng” mà coi bộ dân chúng khốn khổ quá chừng.
Ai cũng lo sợ, oán than cách mạng. Ngoại già rồi, nhưng con còn trẻ phải tìm
mọi cách ra đi. Ở lại coi bộ khó sống lắm con ạ.
Đó là lời khai hoàn toàn thành thật, vì xưa nay Hưng không hề biết nói dối.
Có điều Hưng hơi ngạc nhiên khi nghe ngoại bất ngờ nói ra điều này, mà trước đó
Hưng chưa bao giờ nghe bà nói tới. Sau này, Hưng mới biết đó là quyết định của
mẹ và ông cha kế. Cả số tiền để Hưng trả cho chủ ghe cũng do ông bà đưa cho
ngoại.
Lá thư đầu tiên nhận được của mẹ, có cả ông Ba, người cha kế viết chung
trong đó, Ông bà chúc mừng Hưng đã đến xứ tự do, nơi bảo đảm tìm thấy tương
lai, nếu ở lại, giờ này Hưng đã bị đi nghĩa vụ quân sự và có thể bỏ xác oan
uổng ở chiến trường Campuchia trong cuộc tranh giành quyền lực giữa những người
Cộng Sản. Hai năm sau, tháng 12/81, Hưng được tin ông xin phục viên, viện cớ
chứng đau nhức đến buốt óc do một mảnh đạn còn nằm trong đầu, bị thương trong
trận tấn công Quảng Trị 1972, không thể giải phẫu lấy ra được. Mẹ Hưng còn dạy
học thêm vài năm nữa, sau này xin nghỉ vào Bình Dương làm nghề trồng cây ăn
trái.
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp đại học và đã có công việc làm ổn định, được
tin ngoại ốm nặng, Hưng vội vã về Việt nam thăm ngoại. Xin bảo lãnh ngoại sang
Mỹ để chữa bệnh và sống với Hưng, nhưng ngoại nhất quyết chối từ, bảo là bà đã
sống ở làng quê Bá Hà cả một đời người, như cây đa mọc rễ không dễ gì mà bứt ra
được. Không ngờ đó là lần cuối cùng Hưng gặp ngoại. Bà qua đời vào năm 1998.
Được tin ngoại mất, Hưng có cảm giác như cả bầu trời sập xuống. Hưng tưởng
tượng cái cây cổ thụ xum xuê to lớn ở đầu làng Bá Hà vừa bị bật gốc. Dù bây giờ
Hưng đã thực sự trưởng thành, có một gia đình hạnh phúc với vợ con, công ăn
việc làm ổn định, nhưng Hưng vẫn cảm thấy như vừa mất đi cái bóng mát vĩ đại để
tâm hồn mình trú ẩn. Bởi mỗi khi buồn, cảm thấy cô đơn lạc lõng trên xứ lạ quê
người, nghĩ tới ngoại là tinh thần Hưng phấn chấn. Nhớ những ngày mình còn bé,
ngoại thường dắt lên chùa lễ Phật. Hưng chấp tay trước ngực, đứng nép bên ngoại
trước tượng Phật, nghe ngoại chỉ cầu xin bao điều may mắn tốt đẹp cho đứa cháu
côi cút của mình. Có lẽ nhớ những lời cầu xin này của ngoại mà cuộc đời mình
mới được như hôm nay. Bây giờ trang sách cuộc đời như vừa bị ai đó xé đi mất
nửa trang đầu, để nửa sau không còn ý nghĩa gì nữa. Hưng khóc hết nước mắt và hụt
hẫng đến suy sụp cả tinh thần.
Ông Ba, người chồng sau của mẹ cũng qua đời mấy năm sau đó. Hưng dắt vợ con
về Việt Nam để chịu tang ông như người cha ruột của mình. Hưng xin xây mộ phần
cho ông, an ủi mẹ và hai em. Trước khi rời Việt Nam, Hưng gởi lại cho mẹ một số
tiền và hứa mỗi tháng sẽ gởi thêm về để phụ cho hai em ăn học đến nơi đến chốn.
Trong lần về Việt Nam lo đám tang cho ngoại, Hưng có dịp tâm tình riêng với
mẹ. Mấy ngày hai mẹ con nằm trong khách sạn Hải Yến ở Nha Trang, khi ngoài trời
gió mưa tầm tã, mẹ đã kể lại tỉ mỉ hơn về cha ruột của Hưng, về cuộc tình thật
đẹp, thật lãng mạn nhưng kết cục quá đau đớn của ông bà. Mẹ cũng không còn
trách cha. Bảo ông ấy là người tốt, hiểu biết, thương người, nhưng lúc ấy còn
đang đi học, lệ thuộc nhiều vào gia đình, hơn nữa lại là đứa con luôn vâng lời
cha mẹ. Hôm ấy, lần đầu tiên mẹ ngỏ ý muốn Hưng đi tìm cha, dù điều ấy bây giờ
rất nhiêu khê, nhất là sau tháng 4/75, những người giàu có đã phải bỏ nhà cửa,
bỏ Sài gòn ra nước ngoài hay đến một vùng quê xa xôi nào đó để mong còn giữ
được cái thân.
Nghe lời mẹ, trước khi trở lại Mỹ, Hưng thuê xe đến khu Phùng Hưng trong Chợ
Lớn. Đúng như lời mẹ nói, tất cả đã đổi thay, không ai biết gì về gia đình ông
chủ xưởng dệt Bắc Hà ngày trước. Vừa thất vọng, vừa nghĩ là nếu có tìm được ai
đó trong gia đình cha, chắc gì họ đã đón nhận mình. Bởi trong mười lăm năm Hưng
sống côi cút khổ cực, cũng không hề thấy có ai đi tìm đứa con, đứa cháu lạc
loài bất hạnh. Hưng quyết định bỏ hết, cố quên đi cái quá khứ đau buồn và phiền
muộn ấy để cho lòng thanh thản. Hưng nhủ thầm “không ai thay đổi được quá khứ,
mình nên dồn hết trí óc và thời gian còn lại để xây dựng tương lai”. Hôm ấy,
khi máy bay lấy cao độ để rời khỏi không phận Sài gòn, Hưng nhìn xuống, qua
khung cửa kiến nhỏ, nhận ra khu vực Chợ Lớn nằm xa xa phía dưới, bất giác Hưng
đưa tay lên chào. Hưng nghĩ đó không chỉ là cái vẫy tay từ biệt khu phố Phùng
Hưng, mà còn từ biệt luôn một quá khứ mơ hồ. bất hạnh với một người cha chỉ
nghe như huyền thoại.
***
Cách đây hai tuần, khi đang say ngủ Hưng giật mình bởi chuông điện thoại
reo. Xem đồng hồ, đã hơn hai giờ sáng. Giờ này mà ai gọi chắc là có điều khẩn
cấp lắm. Hưng bốc ống nghe. Bên kia đầu dây là Hà, đứa em trai cùng mẹ khác cha
đang gọi từ Sài gòn. Hà gọi từ một trạm internet, nên hiện lên trên khung điện
thoại của Hưng một dãy số lạ hoắc. Hà báo tin đã tìm được một người biết gia
đình ông bà Bùi văn Trụ, chủ xưởng dệt Bắc Hà. Việc đi tìm tin tức về người cha
ruột của Hưng hy vọng có nhiều manh mối. Cái tin bất ngờ đó làm cho Hưng lo
lắng hơn là vui mừng. Không biết khi tìm được rồi họ có nhận mình không?
Cái vẫy tay từ biệt hôm nào trên máy bay, Hưng tưởng đã bỏ lại cho khu phố
Phùng Hưng tất cả quá khứ buồn thảm. Hưng muốn xóa sạch hết tất cả, như cái
xưởng dệt Bắc Hà giờ cũng chẳng còn một dấu tích nào. Nhưng rồi một giấc mơ đã
làm Hưng thay đổi. Một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, có tiếng điện thoại reo,
Hưng bốc máy lên nghe. Giọng một người đàn ông :
– Có phải Hưng đó không con ? Ba là Hoành, cha của con đây. Bao nhiêu năm đi
tìm con khắp nơi mà không gặp. Ba rất thương nhớ con. Hãy tha thứ cho ba nghe
Hưng!
Hưng giật mình tỉnh giấc, trong tai vẫn còn văng vẳng tiếng người vừa nhận
là cha mình. Giọng nói trầm ấm, hiền lành, xúc động. Giấc mơ đã làm Hưng nhớ
lại câu nói “cha con là máu mủ thiêng liêng” của mẹ trong ngày đầu tiên khi hai
mẹ con gặp nhau tại căn nhà tranh của ngoại ở làng quê Bá Hà hơn 36 năm trước.
Chính giấc mơ đã thôi thúc Hưng đi tìm lại cha mình
Hưng nghĩ ngay tới Hà, đứa em trai một mẹ khác cha, nhưng rất giống Hưng và
luôn kính trọng, thương yêu, giữ tình nghĩa với Hưng chẳng khác nào anh em
ruột. Từ hơn mười năm nay, Hà làm việc cho một công ty xuất nhập cảng lớn tại
Sài Gòn, chắc chắn quen biết nhiều người. Hưng liền gọi điện thoại về Việt Nam,
bảo Hà hỏi mẹ rõ ràng chi tiết về gia đình ông bà chủ xưởng dệt Bắc Hà để tìm
ra tông tích của cha Hưng. Hà hết lòng ủng hộ mẹ và Hưng về việc này. Ngày nào,
sau khi đi làm về, Hà cũng chạy ngay xuống khu phố Phùng Hưng.
Qua bao biến cố, thăng trầm, Sài Gòn – Chợ Lớn bây giờ đổi thay nhiều quá.
Cả khu xưởng dệt Bắc Hà không còn lại một dấu tích gì. Người ta đã phá hết để
xây khu chung cư mới. Hầu hết dân chúng ở khu vực này từ ngoài Bắc mới vào sau
75. Dường như chẳng còn ai biết có một xưởng dệt tên Bắc Hà từng hiện diện ở
nơi này. Hơn nữa, mọi người đang tất bật rượt đuổi theo thời gian để tìm cơ may
trong cơn sốt đổi đời, thì còn đầu óc và thời giờ đâu mà nhớ tới ngày xưa, ngay
cả cái thời đẹp đẽ hạnh phúc mà họ đã mất. Sau mấy ngày, Hà may mắn gặp được
một ông già tốt bụng. Ông thuê lại căn nhà của một người Bắc 54 đã ở đây hơn 30
năm kể từ ngày di cư vào Nam. Hy vọng ông ấy biết nhiều về gia đình chủ nhân
xưởng dệt Bắc Hà. Ông tìm địa chỉ đưa cho Hà. Hà chạy ngay lên tận Biên Hòa và
gặp được người chủ nhà gốc Bắc 54 ấy. Ông cụ đã trên 85 tuổi, nhưng trí nhớ còn
rất tốt. Ông biết rất rõ về gia đình ông bà kiến trúc sư Bùi văn Trụ và xưởng
dệt Bắc Hà nhưng ông bảo sau 75, cả nhà cửa và xưởng dệt đều bị tịch thu. Có lẽ
tất cả đã ra nước ngoài. Vì từ ngày ấy ông không còn gặp và cũng chẳng nghe ai
nói tới gia đình ấy nữa. Tuy nhiên, ông có biết một bà bác sĩ hiện ở bên Pháp,
là bà con với gia đình ông bà chủ Bắc Hà. Bà có về Việt nam thăm thân nhân và
bạn bè một đôi lần. Ông hứa sẽ tìm một người quen, là bạn thân của bà bác sĩ
ấy, để hỏi giùm tin tức. Hà mừng quá, xin số điện thoại của ông cụ rồi chạy
ngay đến một trạm internet ở gần đó để gọi cho Hưng, mặc dù biết ông anh của
mình giờ này đang ngủ say. Hà bảo :
– Em báo tin để cho anh “phấn khởi” và tốt nhất là em cho anh số phôn của
ông cụ, để anh gọi về trực tiếp nói chuyện. Sẽ hấp dẫn, hồi hộp và chính xác
hơn là em.
Sáng hôm sau, Hưng gọi về và gặp được ông già Bắc Kỳ 54 khả kính. Nhưng ông
bảo phải chờ ông hỏi thăm, vì chưa gặp được người ấy. Ông hẹn Hưng tuần sau gọi
lại. Trong một tuần ấy, lòng Hưng rối như tơ vò. Không biết người cha ấy như
thế nào, vợ con ra sao. Nhà giàu và học hành như thế đối với mẹ con Hưng họ là
giai cấp thượng lưu. Hơn nữa còn bà vợ. Liệu bà có cho chồng nhận Hưng là con,
khi sợ bị chia mất một phần gia tài, và nhất là tình cảm của mẹ con bà? Hưng
tâm tình với vợ. Là một người hiểu rõ tính tình, suy nghĩ và cả một quá khứ bất
hạnh buồn thảm của chồng, vợ Hưng luôn an ủi, khích lệ và chia sẻ cùng chồng
mọi tâm sự, nỗi niềm:
– Em nghĩ anh nên vui và nắm lấy cơ hội này để tìm gặp lại cha. Vì hoàn cảnh
của anh, của chúng mình hiện nay, em không sợ gia đình cha sẽ hiểu lầm. Mình
không cần bất cứ tài sản gì nữa, còn tình cảm, đó là sự thiêng liêng như mẹ đã
nói, không ai có thể nhẫn tâm chia cách được. Hơn nữa nếu còn sống, cha cũng đã
già rồi. Em tin là dù trước kia có thế nào, bây giờ bất ngờ gặp được anh, chắc
là cha sẽ vui mừng ghê lắm. Hơn nữa, đó chính là điều ước mong của mẹ.
Những lời nói của vợ làm cho Hưng bớt căng thẳng và vui vẻ hơn, nhưng chưa
hết hẳn lo âu. Sau một tuần lễ dài nhất trong đời, Hưng gọi điện thoại về Biên
Hòa gặp ông cụ Bắc Kỳ 54. Rất may mắn ông đã có số điện thoại của bà bác sĩ ở
bên Pháp. Đó là bà bác sĩ Tuyết, trước kia là học trò của ông bác sĩ Bùi Huy
Lâm hiện ở bên Mỹ. Hưng rụt rè gọi cho bà Tuyết. Một người đàn ông bốc phôn.
Nhưng mới nói vài câu, Hưng nghe bên kia đầu dây im lặng, rồi cúp máy. Hưng
đoán có lẽ ông là chồng của bác sĩ Tuyết, tưởng ai gọi nhầm số. Cũng có thể ông
không muốn nghe, ngại dính vào câu chuyện phiền toái của Hưng. Suy nghĩ mãi,
cuối cùng Hưng hỏi vài người quen ở Cali, xin số phôn của bác sĩ Bùi Huy Lâm.
Ông này khá nổi tiếng ở đây. Ông Lâm thật nhân từ, tốt bụng, vui vẻ và chịu khó
nghe Hưng trình bày một câu chuyện khá dài. Ông tỏ ra xúc động. Khi đang khóc
trong điện thoại, Hưng nghe bên kia đầu dây có tiếng sụt sùi. Ông hứa sẽ liên
lạc ngay với bà Tuyết để kể lại đầy đủ sự việc và bảo đảm bà sẽ sốt sắng trong
việc này. Ông còn an ủi Hưng:
– Cháu yên tâm. Bây giờ không phải chỉ có cháu, mà còn có cả bác nữa, chúng
ta nhất định sẽ tìm ra bố của con.
Tấm lòng của bác sĩ Lâm làm Hưng thực sự cảm kích. Hưng nghĩ mình đã may mắn
gặp một người nhân từ, nên hy vọng mọi điều sẽ tốt đẹp.
Cuối cùng thì Hưng cũng gặp được bà bác sĩ Tuyết. Lần này bà lắng tai, thăm
hỏi an ủi và cho Hưng số điện thoại của người cô út, em cùng cha khác mẹ với
cha Hưng. Bà sống ở Thụy Sĩ.
Hôm nói chuyện với cô, tự dưng Hưng xúc động đến nghẹn ngào. Bà chỉ lớn hơn
Hưng có bốn tuổi. Tuy hoàn toàn không biết gì về Hưng, không hề được nghe người
anh tên Bùi văn Hoành của bà đã từng có một đứa con như thế, nhưng bà rất vui
vẻ, thân thiện và dành cho Hưng những lời thương yêu, quí mến. Chính tấm lòng
và giọng nói của bà đã làm cho Hưng có cảm giác người này thực sự có liên hệ máu
thịt với mình.
Hưng gởi ngay cho bà vài tấm ảnh của Hưng qua email và ngược lại bà cũng gởi
cho Hưng tấm ảnh của người anh, mà Hưng bảo là cha. Xem ảnh xong, bà bảo là
Hưng giống cha Hoành như đúc. Còn Hưng, khi nhận tấm ảnh của cha, tấm ảnh lúc
ông còn trẻ, nên cả vợ chồng Hưng đều giật mình tưởng người trong ảnh chính là
Hưng bây giờ. Bà cũng báo tin cho người chị cả của bố, bác Hương, hiện định cư
ở Canada gọi sang Mỹ thăm và vui mừng đón nhận Hưng. Tối hôm ấy, Hưng rất xúc
động nhận được một email ngắn của cô út :
– Hưng đã quậy trời, quậy đất đi tìm bố, từ bác sĩ Lâm ở Cali, đến cô Tuyết,
bác Túc ở Pháp. Tất cả đã biết và cùng chia sẻ niềm hạnh phúc. Cô ở Suisse và
bác Hương ở Toronto đã mở rộng vòng tay đón Hưng vào gia đình họ Bùi. Cô rất
vui vì Hưng tìm được dòng suối trong, và Hưng sẽ như dòng thác đổ, như sông Cửu
Long chẩy về ôm hết những người Hưng muốn thương yêu
Có một điều không phải như Hưng nghe mẹ và ông cụ Bắc Kỳ 54 ở Phùng Hưng ước
đoán trước đây, cha của Hưng không định cư ở Pháp sau 75, mà vẫn còn ở Sài Gòn.
Điều ngạc nhiên hơn ông từng là đại úy phi công VNCH. Bị tù 7 năm sau tháng
4/75. Ông đủ điều kiện đi Mỹ theo diện HO, nhưng bà vợ, nhờ chôn giấu được một
số vàng của cha mẹ để lại sau 75, nên còn vốn để buôn bán làm ăn, điều quan
trọng hơn là cả cha mẹ bà đều bị bệnh nặng nằm một chỗ cần đến sự săn sóc của
bà, nên bà không thể bỏ đi. Cuối cùng bố Hưng phải đành ở lại. Bà cô út rất tế
nhị, vừa muốn tránh việc phiền muộn có thể ảnh hưởng tới cuộc kỳ ngộ, và cũng
muốn dành trọn cảm giác ngạc nhiên cho ông anh, nên bà bảo sẽ không trực tiếp
cho cha Hưng biết, mà chỉ cho Hưng số điện thoại và địa chỉ của ông, đề nghị
Hưng nhờ đứa em ở Sài gòn tìm cách hẹn ông ra ngoài, kể chuyện về Hưng, rồi sau
đó gọi điện thoại để hai cha con nói chuyện.
Hưng nghe theo lời cô, nhờ Hà giúp mình mọi việc. Chiều hôm sau, từ một quán
cà phê trong giờ vắng khách, ông Hoành lần đầu tiên nghe tiếng nói của đứa con
hơn 51 năm chưa hề biết mặt.
Giọng nói đôn hậu pha lẫn chút đùa cợt, có lúc lại nghẹn ngào đứt đoạn của
ông đã gây cho Hưng cảm giác gần gũi, thân thiết ngay từ phút ban đầu. Ông kể
chuyện về bố ông và ông, đau buồn thế nào khi biết mẹ Hưng bỏ đi, vã đã vất vả
kiên nhẫn đi khắp nơi tìm mẹ con Hưng mà không gặp. Khi nghĩ là mẹ Hưng đã tự
tử mang theo dòng máu của mình, cha con ông đã ân hận đau đớn như thế nào.
Trong phòng riêng ông có để tấm ảnh nhỏ của mẹ Hưng trên kệ thờ. Thấy ông đau
buồn tiều tụy, bố ông xin giấy tờ cho ông sang Pháp du học. Nhưng khi ông chuẩn
bị lên đường thì bố ông đột ngột qua đời do một tai nạn ở Lâm Đồng. Ông phải ở
lại, phụ bà kế mẫu lo cho xưởng dệt và mấy đứa em. Khi đến tuổi động viên, xin
vào trường Không Quân ở Nha Trang và làm phi công quan sát (L19) cho đến ngày
mất nước. Thời gian biệt phái công tác ở Trà Nóc, ông quen cô con gái của một
thương gia ở thành phố Cần Thơ. Sau này trở thành vợ của ông. Bây giờ ông bà có
bốn người con, hai trai hai gái. Tất cả đều đã trưởng thành và có gia đình
riêng. Những điều ông kể, nhiều lần bị gián đoạn. Không phải ông quên, hay ái ngại,
mà vì phải dừng lại để lau nước mắt. Bên kia đầu dây, Hưng cũng sụt sùi.
Ông nhờ Hà về thưa lại với mẹ xin cho ông được đến thăm mẹ. Được bà đồng ý,
sáng hôm sau ông lái xe lên Bình Dương. Vợ chồng Hà giúp trang điểm, thay áo
quần mới cho mẹ. Vừa vui mừng, vừa xúc động khi nép vào cánh cửa nhà sau, nhìn
lén cuộc trùng phùng kỳ diệu của mẹ mình với người tình xưa, Cả hai đều bạc
tóc. Ông nắm tay bà :
– Bà còn giận tôi không ?
Mẹ Hưng không trả lời mà bật khóc. Đôi mắt của bà đã bị mờ từ hơn bốn năm
nay, bây giờ càng mờ hơn qua làn nước mắt. Nhưng dường như bà đã nhận ra ông,
nhìn thấy ông rất rõ qua ký ức và cả tâm hồn bà. Ông ôm lưng, dìu bà ngồi vào
chiếc ghế bành bên cửa sổ. Khi thấy bà ngồi bỏ hai chân trên ghế, ông đùa :
– Bà ngồi cái kiểu này, hèn gì Thái Lan đang bị một trận lụt kinh hoàng bên
ấy.
Bà hiểu ý, vội bỏ thòng hai chân xuống, đưa tay lau nước mắt rồi nhoẻn miệng
cười. Vợ Hà véo nhẹ tay chồng khi thấy mẹ đã trên 70 nhưng vẫn còn giữ chút
thẹn thùng của thời con gái.
Ông nói tiếp :
– Chắc bà thương tôi lắm hay sao mà đặt tên cho mấy đứa con sau này cũng
bằng vần H, và cháu Hà trông cũng giống tôi lắm?
Bà lảng sang chuyện khác:
– Nghe nói ông là sĩ quan Cộng Hòa, khi biết tôi theo Việt Cộng ông có thù
ghét tôi không?
Ông cười thật to :
– Nhiều lần bay trên trời, tôi phát hiện mấy cô du kích tắm truồng dưới
suối. Tôi sà xuống thật thấp định phóng mấy trái hỏa tiễn, nhưng bỗng nhận ra
có bà dưới đó, nên tôi vội vã bay đi. Chứ hồi đó tôi bắn một phát thì làm sao
bây giờ hai đứa còn gặp nhau đây.
Không biết vì giọng bông đùa rất tự nhiên hay vì chữ “hai đứa” của ông vừa
nói, bà bỗng im lặng, đưa đôi mắt đục mờ nhìn xa xăm. Trong ký ức của bà, hình
ảnh anh học trò Hoành 19, 20 tuổi tuấn tú ngày xưa vừa sống dậy, tạo cảm giác
trẻ trung, cùng một chút lãng mạn trong lòng bà.
Dường như ông đã đoán trước và chờ đợi thời điểm kỳ diệu này, bước ra xe lấy
bó hoa vào trao cho bà :
– Xin bà nhận cho tôi vui. Đây là bó hoa đáng lẽ tôi trao cho bà trong ngày
đám cưới, giờ lại trở thành bó hoa xin tạ tội, dù rất muộn màng. Cái lỗi lớn
nhất của tôi là đã đẩy bà đi lạc vào một con đường, để đến cuối đời bà vẫn mãi
ăn năn.
Khi thấy bà ôm chặt bó hoa vào lòng, rưng rưng nước mắt, ông bỗng trầm
xuống:
– Tôi xin cám ơn bà. Dù bà không nói ra, nhưng tôi biết là bà đã tha thứ cho
tôi. Thằng Hưng, đứa con bất hạnh của chúng ta, dù ở thật xa, nhưng tôi đang
nhìn thấy nó mỉm cười. Tôi mong chờ để đón vợ chồng nó và hai đứa cháu nội của
mình. Nay mai tụi nó sẽ về đây để cùng với bà và tôi ôm nhau mừng cho cuộc
trùng phùng kỳ diệu này.
Trước khi chia tay, ông xin phép bà được thắp một nén hương trên bàn thờ ông
Ba, chồng của bà.
Khi tôi ngồi viết lại câu chuyện này theo lời kể của Hưng, thì Hưng cùng vợ
và hai cô con gái đang có mặt tai phi trường Tampa, bắt đầu cuộc hành trình về
Việt Nam để tìm lại nguồn cội và quá khứ của mình. Cầu mong cuộc trùng phùng sẽ
làm lành được những vết thương trong lòng mỗi người, trải qua bao đổi thay, tan
thương dâu bể.
Đồi Hacienda Heights, Mùa Thanksgiving 2011
Phạm Tín An Ninh
(*) Gs Đỗ Trung Hiếu, sau 75 làm Ủy Viên Liên Lạc Các Tôn Giáo của Trung
Ương Đảng CSVN, vợ là bác sĩ Văn và cháu là Đỗ Hữu Ưng. Cả ba đều là đảng viên
Cộng sản. Riêng Hiếu gia nhập đảng CS (1956) trước khi hoạt động trong phong
trào sinh viên Phật Tử Sài gòn. Sau này (1986) phản tỉnh, cùng với Nguyễn Hộ và
các đảng viên kỳ cựu trong Câu Lạc Bộ Kháng Chiến Cũ, chống lại đảng nên (1992)
đã bị tù và tước hết đảng tịch cùng các chức vụ.
(**) Nguyễn Xuân Nam, vượt biên trước Hưng một năm, lúc 19 tuổi. Ở Việt nam,
Nam mồ côi mẹ, cha bị thương tật, chỉ học đến lớp ba, rồi nghỉ, theo cha làm
nghề đánh cá. Vậy mà sau hơn mười năm sang Mỹ đã trở thành một bác sĩ nổi danh,
được Hội Đồng Giáo dục Y Khoa trường đại học Harvard bình chọn là một trong
những bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ(2010), hiện là Trưởng Khoa Nhi Đồng bệnh viện
Los Angeles, California và cũng là giáo sư tại một số trường Đại Học của Hoa Kỳ