Hết tháng 4 vì tờ lịch 30 ai đã xé.
Hú hồn, bạn tôi nói khi thồ được tôi vào nhà thương.
Mọi chuyện sẽ ổn, bác sĩ bảo thế khi vỗ vai má tôi.
Hiền hữu. Bác sĩ. Má. Ba khuôn mặt nhập nhằng trông chẳng rõ nét. Má lặng câm mà tôi vêu mỏ không nói được gì. Gọi bạn là hiền hữu vì chỉ mình hắn tả xung hữu đột ứng xử với bao vấn nạn: Khai báo, điền đơn, ký tên, lo hết mọi thủ tục khi nhập viện.
Má nói, cám ơn cậu Quý nhe. Hắn nói, đâu có sao, bác. Giọng má tôi nhỏ, chừng hụt hơi, đầu đuôi cớ sự ra sao? Dạ thì hai đứa ngồi uống cà phê bình thường, khi không có một thằng từ ngoài đường chạy vào uýnh nguội nó.
Y tá khiêng tôi vào căn phòng cách ly. Đèn đóm, băng bông, thuốc khử trùng, kim chỉ. Mắt trái cậu có thể bị hỏng, trật xương quai hàm và mất đi ba cái răng. Uống hai viên thuốc trụ sinh chống đau. Hôm sau sẽ biết cụ thể, giám định là dính bao nhiêu phần trăm thương tật. Cậu đang hành nghề gì? Quý trả lời thế: Lặt vặt.
Băng bông trắng bồi đắp che choáng gần nửa mặt, một con mắt lành lặn lại trông thấy má. Má ngồi bên giường, co thân. Hình như trời sinh ra má để chịu đựng những cuộc hành xác như vậy, chẳng thể làm khác được. Nhỏ nhít không nói gì, già đầu cũng nương nhờ vào tấm lòng bền bỉ của từ mẫu. Thằng Quý nó đi hỏi han quanh quất đâu đó, má hỏi chứ hai đứa bây có gây oán thù với một ai không?
Tôi nắm bàn tay da nhăn lạnh lẽo của má. Bất ngờ quá, hối hả quá khiến má đi mà không kịp thay chiếc áo dài. Trên người má vẫn là bộ đồ chỉ mặc ở trong nhà. Áo có may hai túi lớn, túi bên phải ghim chặt cái kim băng. Hẳn cái “kho bạc” ấy đã vơi nhiều khi xuất trả tiền viện phí.
Quý đi vào, vòng tay ngó xuống tôi: Mày chỉ được phép ngủ qua đêm thôi, vào dịp lễ bệnh viện quá tải những đứa đui què mẻ sứt trầm trọng cần chỗ nằm. Mày thấy sao? Tôi ú ớ, ngầm cho hắn biết là chưa mở miệng được. Khi bạn đi nha sĩ để cho họ chích thuốc tê và nhổ đi ba cái răng hẳn bạn sẽ thua con nít đang tập nói. Chỉ việc đưa cái mặt trân tráo cứng nhắc ra trước. Mặt dày mày dạn. Áo Quý mặc vấy đầy máu từ khuôn mặt “nhừ tử” của tôi cạ vào, hoen ố, bẩn thỉu. Nếu có giấy viết trong tay tôi sẽ viết: Mày có nhớ mặt thằng ấy không, đứa đánh lén làm tao đổ máu? Và lật phía sau tờ giấy: Làm ơn chở má tao về nghỉ ngơi. Bác sĩ nói mọi chuyện sẽ ổn!
Má tôi về lúc ba giờ, tới sáu giờ bà bắt xe ôm vô thăm tôi. Từ 3 tới 6 má đủ thời gian để nấu cho tôi tô cháo trắng. Một cái lon nhôm có nắp đậy kín “made in france” đang chứa cái món ăn hẩm hiu hay nóng sốt kia. Hẩm hiu vì nó mình ên, không được đi chung cùng một khoanh cá để già lửa cho rục rã. Lóng rày chả ai dại xơi cá và tôi buồn đứt ruột khi sực nhớ câu “cơm với cá như mạ với con”. Biểu tượng của con (hay mạ) đã chết đầy trên mặt biển, bức xúc trôi dạt lềnh bềnh. Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình. Thế còn cá? Cá hao hụt thất thoát có nhẹ đi phân nao lòng biển bạc? Cháo trắng có phải là cháo đang chịu tang giùm? Cháo chay. Sạch ruột, lỏng bỏng tựa khuấy hồ, trôi tham sân si.
Cái túi may phía bên tay trái có đựng một cục đường phèn, má nói má đem phòng hờ bởi sợ con lạt miệng, đợi cháo nguội chút hẳn húp vì răng rụng lỗ hổng ấy chịu chi thấu với thức nóng. Má có mua thêm cho con ly nước mía xay với đá vụn… Không biết con mắt kia ra sao chứ con mắt “lộ thiên” của tôi đang ứa nước. Tôi chẳng biết mắc cỡ, trong đời má đã bao phen nhìn ra cảnh tôi khóc? Hối lỗi, ăn năn, vụng về, dại dột gây tội vạ. Gom lại, dằn vặt tựa niềm đau: Quýt làm cam chịu!
Quýt nhìn cam chẳng nói nên lời. Muôn đời, chôn cùng một mảnh đất mà cam ngọt trong khi quýt vẫn chua lét le. Giả dụ má nằm trên giường bệnh, tôi vào thăm sẽ biết đút cho má ăn thức gì? Mọi thứ đều có ngâm tẩm hoá chất e tôi phải tự xẻo thịt mình bồi dưỡng cho má có chút chất đạm như thằng người trong điển tích Nhị thập tứ hiếu xa xưa sống ở nước lạ. Hàng độc đó má. Chữ độc này má nên hiểu là độc nhất vô nhị, chả bày bán ngoài cuộc đời đầy gió tanh mưa máu kia.
Gần hết giờ thăm nuôi Quý mới vác mặt vô, một khuôn mặt nhàu như chiếc áo bẩn chưa kịp thay. Tao mới đi làm việc với an ninh, họ bảo cậu nên lấy xuống hết những gì rao rêu trên facebook làm tổn hại đến đất nước, khi chạy xe ra thì đụng mặt thằng đánh nguội mày. May mà ngồi trong chỗ khuất tất kia chúng chưa uýnh nóng tao. Vậy đó, hết thắc mắc, mọi chuyện đã rõ như ban ngày.
Tôi nhớ lại bài thơ “Con cá đối nằm trong cối đá” đưa lên facebook đã ba hôm. Hạnh phúc thay cho Đối được ở trong Cối. Tôm cá giờ này trối trăn cùng sắt thép, chẳng được chọn đá để nát thây. Đá nát vàng phai và biển hết mặn. Biển giờ lạ như cây ngã trống phố phường hết bóng dim.
Má hỏi chớ phây bút là cái giống chi? Thực sự thì tụi bây làm trò gì mờ ám? Không CIA thì cũng thuộc dạng CIB. A bê xê dắt dê đi ỉa, a á ớ dắt vợ đi đê. Thằng Quý nói, tụi con có bày trò gì đâu bác, chỉ minh bạch làm thơ. Người đàn bà bạc tóc lệch lạc đường ngôi ngó tôi với đôi mắt hoài nghi: Vậy mà lâu nay má tưởng con chong đèn thức khuya học làm người tử tế, mồ tổ mày ai dè lại dở trò bán trời không văn tự! Không cơm với cá gì nữa. Bạc phước cũng chừng mực nào đó thôi. Má với con!
Tôi nắm lấy bàn tay má, bàn tay tần tảo bán buôn ngoài chợ đầy bọn tráo trở. Bà thực tế và coi thường những thứ vô bổ lừa phỉnh dối gạt văn hoa khác. Dạ, từ rày con làm thơ tả nhật nguyệt nắng mưa, con đưa lên phây bút hình gái gú hở hang và ngợi ca xác thịt. Món ăn tinh thần kia không chừng lại được nhà nước cổ xuý động viên. Làm cho hay vào để chúng thôi nghĩ tới chuyện dầu sôi lửa bỏng, nhé! Như thế má mày đâu phải chịu cực thân vào bệnh viện ngó cái cối đá đang chứa con cá đối.
Tôi lại chảy nước mắt ở phía lành lặn. Chỉ một mắt mà tôi ngó thấu suốt vào mông lung bụi trần. Tôi thương những nhà thơ chẳng nói được điều cần nói, sợ đụng chạm sự thật. Và tôi thương má mình, người đàn bà kém cỏi vốn học thức chỉ mưu sinh với một lòng thành. Mấy vạn tiến sĩ tật nguyền kia có khi chẳng bằng một con cá tươi vẫy vùng trong biển cả không bị nhiễm độc.
Ngày mai tôi xuất viện mặt sưng mày sỉa tôi sẽ bắt xe ôm đi tìm kẻ uýnh lén tôi. Cám ơn anh đã xử đẹp, bàn tay anh đã cho tôi biết nỗi sợ hãi anh đang mang. Tháng năm rồi đó má, con về nhà với má tịnh khẩu như bình cho má khỏi phải rụng tóc thêm. Giờ này mà nói cơm với cá như mạ với con thì e rằng thứ ấy chỉ là ngoa ngôn. Tôi nốc cạn ly nước mía. Uống hết giọt ngọt ngào riêng tình má trao tôi.
Hồ Đình Nghiêm