Tranh họa sĩ Đinh Cường
Sau buổi họp đột xuất, sau nhiều tiếng ong ve, ông nói gà bà nói vịt, cuối
cùng cuộc mổ bò chấm dứt lúc 5 giờ chiều. Nắng chưa tắt ngoài cửa nhưng tiếc
cái là bia đã hết, đậu phộng rang sạch nhẵn và bốn vỏ bao thuốc lá đã vo viên
phơi xác trên bàn nguội lạnh. Cơ quan thống nhất chỉ định ra ba nhân mạng đại
diện đi miền Trung để góp chất xám vào cái dự án đình đám nâng cấp chỉnh trang
phù hợp với tư duy thời đại.
Ông A trưởng phòng nhân lực và kế toán đến tìm tôi. Cậu chở tớ đi nhậu là vừa,
mẹ, nói rát cả cổ. À mà này, không ấy cậu đến đằng Ngọc Nữ ngồi trước bảo nó
làm mồi, cái gì cho thật bắt, bia ngoại các thứ, như vậy tiện hơn là chúng ta
xuất quân cùng lần. Mẹ, bọn thối mồm thì rất sung chuyện làm rách việc. Tớ đi
đái cái đã, lý do mà cậu phải khao tớ thì chốc nữa hẳn biết sau. Mẹ, họp hành
đấu tranh rất căng chứ không vừa đâu nhé!
Thủ trưởng nói như sấm, nhân viên như tôi thì làm con vịt đã nhiều lần. Muốn
chạy việc thì thi hành trước khiếu nại sau. Mà nói nào ngay hình như trước sau
tôi chưa hề khiếu nại điều gì với sếp cả, chỉ tự nhủ lòng: Đừng nghe những gì
sếp nói, đừng nhìn những gì sếp làm. Chưa tới giờ tan việc, dù ý thức làm chủ
tập thể rất cao, nhưng sếp đã bật đèn xanh thì tôi nên tranh thủ ăn cắp giờ của
nhà nước để tìm quán nhậu sương sương lai rai ba sợi.
Tôi chẳng mấy ưa quán Ngọc Nữ bởi thực đơn chốn ấy rất nghèo, “vô ra cũng
thằng cha khi nãy”. Không rắn thì ếch, không chim cút thì cánh gà, không lẫu
thập cẩm thì canh chua cá lóc. Thằng Út làm bảo vệ nói: Anh Hai biết hôn, có
khi em nhậu đẳng, nhai gần hết mới phát hiện đó là con chuột vượt biên dính
chấu vô nồi lẫu. Em tính cự nự nhưng nhìn vô hai trái bưởi lộ hàng của em Nữ
thì giận hờn tiêu tan, hoá ra thịt chuột cũng lành anh Hai ạ!
Ăn cỗ đi trước lội nước theo sau, tôi vừa chống chân chiếc xe tay ga sản
xuất ở Trung Quốc lên thì sếp cũng vừa thắng đứng chiếc xe cồng kềnh nhiều phân
khối của chính hãng Nhật Bản. Lạ, hình như từ cơ quan tới chốn này đã có một
con đường mòn nào đó mà tôi chưa biết. Chim bay hẳn phải tránh dây điện như
mạng nhện bủa vây, phải chao đảo khi bay qua biết bao cơ man là băng rôn biểu
ngữ cờ quạt bảng hiệu mắc cửi, phải lòn lách cột đèn nhà cao tầng khách sạn bê
tông các thứ, có nghĩa là chim phải bay hình chữ chi mất thời gian tính. Đường
mòn thì không, chướng ngại nào cũng thông qua, hố tử thần nào cũng đánh thắng
và hệ quả, nó nhanh gấp hai kẻ đi trên lộ nhiều ùn tắc giao thông như tôi.
Thiệt là thủ trưởng, có nhiều thứ đàn em cần phải học hỏi đả thông tư tưởng.
Mẹ, cả cơ quan chỉ nhặt ra được ba mống mà cậu là một trong cái kiềng ba
chân vững chải ấy. Tớ bảo rằng thì là đồng chí ấy dẫu sao cũng từng là hoạ sĩ
có tranh treo ở viện bảo tàng mỹ thuật tận Hà Nội, dự án đầu tư xây cất một vẻ
đẹp văn hoá lại cắm dùi trên quê cũ của đồng chí ấy. Một người am hiểu vấn đề
nghệ thuật, am tường thổ ngơi văn hoá cảm tính của dân địa phương, thì rõ là
đồng chí ấy có nhiều lợi thế hơn ta. Có nghĩa là sao ạ? Có nghĩa là cậu được
suất đi dã ngoại, về thăm nhà suốt tuần mà chả tốn tiền vé xe, tiền ăn ở nhà
nghỉ các thứ. Một tuần được giải toả ẩn ức tâm sinh lý, được đi mây về gió, mẹ,
chơi cha thiên hạ cũng tới cỡ ấy thôi chứ đòi gì hơn?
Nữ đi ra, vẫn bộ dạng chính chuyên con nhà nghèo bị bóc lột, áo quần thiếu
vải và đôi chỗ như bị rách bươm. Thời trang kiểu gì ngó cực hai con mắt quá.
Thằng bảo vệ nói Nữ gốc Biên Hoà, hèn gì hai trái bưởi làm đứng tròng ông sếp.
Một thứ giọng Nam ngọt ngào rất phù hợp với tân cổ giao duyên, Nữ xuống sáu câu
đời thường ra khỏi bài bản có trên sân khấu: Xời, nhiêu rồi em mới được thấy
lại bóng hình đại ca? Sếp cười tít mắt: Dễ giận không, tuần trước mới ôm eo đó,
mới véo mông đó mà nỡ bội bạc quên đi. Ừ, lâu thật đó, lại đây cho thơm cái
coi. Tôi chen vô: Bảng hiệu nắn nót hai chữ Ngọc Nữ, Nữ đứng đây vậy Ngọc trốn
đâu? Dạ, má em đang bận động dao động thớt ở sau bếp. Chết mẹ mày chưa. Thủ
trưởng phán. Rồi cười lớn: Má em chim sa cá lặn cỡ em không? Cái này em hổng
biết, nhưng em biết những người trọng tuổi thì ưa nghịch em trong khi những anh
ít tuổi lại mết má em hơn. Từ ngữ đương đại gọi là phi công trẻ ưa lái máy bay
bà già. Tôi ho khan: Hổng dám đâu! Kính lão đắc thọ. Sếp chửi: Đồ dở hơi, ăn
nói cứ linh tinh, mày chả nghe lời các cụ dạy: Gừng càng già càng cay, buộc
phải hít hà xuýt xoa thôi con ạ!
Buổi nhậu gọi là trả công sếp làm bay của tôi gần 5 triệu. Tôi nói cám ơn
sếp đã lưu tình đề cử tôi đi mần chuyện đại sự mà trong bụng hiện mọc những bất
bình không tiện thổ lộ. Thôi thì thiên lôi chỉ đâu đánh đó, cứ vô tư tới bến
bởi cách biệt đã bộn tháng ngày nay mới có cơ hội về ngó lại miền đất từng nuôi
dưỡng mình lớn lên, dù trước khi bái biệt song thân lòng hoài nghi chuyện một
đi không trở lại. Kinh Kha còn biết lận truỷ thủ khi sang sông trong khi tôi
lên đàng mà lòng sôi bao phẫn hận chẳng biết giải bày. Con đi xa mần ăn chỉ
nhằm cho ba má đỡ chật vật lo toan miếng ăn, lưng dài vai rộng này sợ nói chẳng
thành câu có ngày báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục. Bao nhiêu tiền cắc củm dành
dụm mãi bị người ta tìm cách moi họng moi hầu. 5 triệu mỗi bữa nhậu thế dầu
nhớt bôi trơn chốn đây liệu chốn đó ba má ăn tiêu được bao ngày?
Đoàn chúng tôi lên xe đò chạy suốt ra miền Trung đất cày lên sỏi đá. Theo
thông tin của hai đồng chí luôn mang vẻ mặt buồn nhiều hơn vui đi cùng, tôi
biết được cơ quan chúng tôi có phần hùn với tập đoàn người nước ngoài vừa đệ
trình một dự án làm thay đổi cảnh quang nhằm thu hút khách du lịch. Mọi thứ đã
duyệt, trên đà thuận lợi, người nước ngoài họ bảo: Các anh cứ mãi tự hào về quá
khứ để bảo tồn di tích chiến tranh, điều đó làm khung cảnh chốn ấy mang vẻ sầu
thảm chẳng mỏi mệt. Cái mà du khách cần là họ ưa nhìn ra vẻ tươi mát, một sự
thư giãn, một chút đổi thay, quét qua một lớp sơn màu xanh thay vì ngạt thở một
màu đỏ. Bản vẽ rất hợp tình hợp lý được thông qua, nhưng muốn thành phố thay da
đổi thịt cần có sự đồng thuận cuối cùng của lãnh đạo các ban ngành ngoài đó.
Đúc kết mới khởi công xây dựng. Thành phố thuở niên thiếu của tôi luôn bị quở:
Quá buồn lặng, hơi bị ảm đạm rêu phong mấy lớp. Tôi về quê cũ với chút bất an,
chẳng biết mai này nó có vui thú hân hoan khi được giải phóng dù chỉ một mảng
nhỏ diện tích. Những kẻ ưa bảo tồn bảo tàng rất dị ứng với bê tông cốt sắt nằm
trong kiến trúc hiện đại, họ bảo làm thế là phá hỏng thứ “nền cũ lâu đài bóng
tịch dương”. Con sông hiền hoà với cỏ dại mọc lan đôi bờ mà bây chừ nỡ lòng nào
đào xới hiện đại hoá một lối đi bộ uốn lượn tuyệt mỹ e làm động long mạch
chăng, dù biết việc “phá hoại” kia sẽ giúp thành phố có khối công ăn việc làm,
tương lai sẽ hốt bạc nhờ vào tụ điểm văn hoá tân cổ giao duyên, đông tây kết
hợp hài hoà.
Trời nóng phỏng da khi xe dừng ở nhà nghỉ được đặt phòng trước bằng máy vi
tính ở cơ quan. Có gắn máy lạnh nhưng khi cửa mở để chui vào phòng khách thì ta
sẽ được hoán đổi từ lò nướng bánh mì sang canh củi lửa ở nồi nấu bánh tét bánh
chưng. Nóng bám đít, mát chút đỉnh và mồ hôi vẫn mãi hồ hởi tuôn ra. Cô nhân
viên ngồi sau quầy, sau chậu bông bằng nhựa sum suê có gắn hàng chữ “Nhiệt liệt
chào mừng quý khách”, sau chùm dây nhợ, sau cái màn hình Samsung khá lớn. Cô
nhiệt liệt chào mừng bằng năm sáu ngón gõ thăm dò trên bàn phím một đỗi và cô
nói với quý khách: Mấy chú nói sao a chứ, có thay đổi phương án hoặc trở ngại
sự cố gì không chứ máy cho ra kết quả là cơ quan các chú chỉ mướn có một phòng
với hai giường. Các chú đi ba người, chà, cái này hơi nghiệt à nghe!
Quen đối đầu với những tình huống nan giải, hai đồng chí chung đoàn tìm ngay
ra một đáp án. Họ xây mặt ngó tôi: Quê cậu ở đây mà, giời, tranh thủ về thăm bố
mẹ chứ chần chờ gì nữa. Bọn tớ đành khắc phục chịu ở chung một phòng vậy. Cậu
nắm vững thông tin giờ giấc sinh hoạt rồi chứ gì. Ngày mai có phiên họp sơ khởi
ở nhà hàng Hoa Sen lúc 10 giờ, cố gắng tìm đâu ra bộ đồ lớn để diện thì oách
hơn, nhớ?
Trời đổ lửa như muốn lột da, vậy chứ tôi không nề hà để đứng yên bên thềm
thắp thuốc hút. Phượng ra hoa nhức nhối, màu hoa chừng như góp phần tăng nhiệt;
may phước là ve chưa kêu, cất giọng râm ran thì người nghe thêm bần thần rã
rượi. Tôi đứng ngây người, nếu bắt xe ôm, không quá nửa giờ tôi sẽ đặt chân bên
hiên nhà cũ. Sao tôi chẳng nghe ra bồn chồn háo hức, liệu ba má có mừng tủi khi
“nhiệt liệt đón chào” ngày trở về của đứa con hư. Hút xong điếu thuốc cho lại
thần hồn, tôi nghĩ cách hay hơn cả là tìm tới quán Hương Xưa nốc cạn một ly cà
phê sữa đá. Hương Xưa chẳng biết có như xưa? Hương đẻ đái ra được mấy đứa con
rồi? Hương có lối lập luận chắc nịch: Nghèo, rõ ràng là một cái tội. Ngu cũng
là thứ tội danh khác. Hương sẽ không ngu ngốc để ngó lơ đứa có tiền của luôn bỏ
công săn đón. Tôi chẳng có sức lực để đối kháng và tôi nghĩ thứ chân lý kia
không hẳn là điều đáng nguyền rủa. Tôi thưa với ba má, nhà mình nghèo quá, con
thử xuôi Nam xem hậu vận có khả quan và tôi lầm lũi đi bụi từ dạo ấy. Đi như
một đứa ưa làm cách mạng tự hành hạ bản thân.
Hương Xưa vũ như cẩn ở bề mặt. Cà phê nhà vườn và ngần ấy cây cối tuồng như
chẳng chịu phát triển thêm ra, nhưng dẫu sao cũng chớ nên bóc lột nó quá, nó
vẫn chung tình để tạo ra bóng dâm mát và nó biết chế ngự phần nào thứ nhiệt
lượng tự cao xanh đổ ập xuống. Mát mẻ, chả cần bắt máy lạnh nhưng hiện tại có
bốn cái quạt máy đặt ở bốn góc rù rì chuyên cần tráo trở qua về. Tóc Hương bay
chút đỉnh mà tóc tôi cũng làm rối mắt ít nhiều, khó chịu khi ngó trông cái nhân
dáng đẫy đà kia. Gái một con trông mòn con mắt, vậy gái ba con thì sao? Chưa
nghe ai quỡn để lập ngôn về vấn nạn ấy. Ủa, sao khi không lại hiện tới vậy, cứ
tưởng rằng đương sự đã vượt biển đi mất đất rồi chứ! Tôi nghe Hương nói mà
chẳng phản ứng, trí óc tôi bận bịu với bao kỷ niệm vây bủa: “Người chi mô là lạ
rứa hí, giờ ra chơi cứ ngó miết người ta, và reo lên khi thoáng thấy đi qua,
tụi bạn tưởng có răng rồi mới rứa”.
Có răng không? Có, thằng chồng bạc tình dắt bồ nhí lặn một lèo qua sống tận
bên Thái Lan. Mặt Hương tỉnh rụi khi báo cáo những tổn thất. Tôi tính hỏi: Lấy
chồng giàu có phải là một tội danh? Nhưng kịp thời Hương mang tới ly cà phê sữa
đá khuấy tới tan nát bọt bèo. “Bướm vàng đậu ngọn mù u, lấy chồng càng sớm lời
ru càng buồn”. Nói nghe coi, bấy chầy đi tu tập ở hang động nào mà chẳng nghe
vọng động, vợ con chi chưa? Tôi cầm ly cà phê lên nốc một hơi làm hụt đi phân
nửa. Đã khát quá chừng quá đỗi. Mình chưa có vợ, vì một người con gái có tiền
của hẳn sẽ không thèm dòm mình. Hương nói đúng, nghèo là một cái tội. Nay mang
thân đi mần ăn xa cũng có chút đồng ra đồng vào nhưng thoát khỏi thứ tội trạng
kia không phải là điều dễ. Hai bác ra sao? Mình chưa tạt qua nhà cũ, mình ưa
nhìn mặt Hương hơn, chuyện gì cũng còn có đó. Ừ, chuyện gì cũng còn có đó, khi
nào thấy chán cảnh cơm hàng cháo chợ một mình thui thủi chốn xa thì về đây liệu
cơm gắp mắm cùng Hương. Tôi tính ôm Hương vào lòng nhưng ở nhà sau có tiếng trẻ
con khóc thét như ngủ trưa bị ma đè. Tôi làm sạch ly cà phê sữa đá. Đừng trả
tiền, thế lời đón mừng ngày gặp gỡ. Cà phê uống đặng không? Hương đích thân pha
chế thì buộc phải ngon thôi. Cà phê thì Trung Nguyên nhưng sữa thì của Hương.
Đứa bé vẫn gào thét, chắc đang tới giờ để ngậm lấy vú mẹ. Mẹ có dư sữa không mà
hào hiệp nặn ra cho chú ấy uống?
Như tợp xong cốc rượu nồng, tôi dật dờ gọi xe ôm về nhà. Mưu sinh chốn lạ
nước lạ cái, thằng tôi thường bị điểm mặt có nhiệm vụ đãi đằng sếp đi giao lưu
tình cảm với các quan chức tai to mặt lớn ở những ban ngành khác và thằng tôi
thỉnh thoảng vẫn nghe các quan lớn bàn chuyện về những món hàng độc, trong đó
có cà phê sữa người. Lạc hậu cũng chừng mực nào đó thôi, có ai dè hôm nay trời
xui đất khiến rộng lòng đãi kẻ khù khờ. Bây-bi ạ, hiểu ở một nghĩa nào đó chú
đây cũng được mẹ con mớm cho đôi chút dinh dưỡng đặng nuôi cái thây trôi sông
lạc chợ này.
Ba má tôi già đi trông thấy, nhà cửa tối tăm nhìn rõ, mái tôn vách vôi xác
xơ hiện ra mòn một. Họ ngạc nhiên hơn Hương thập phần khi nhìn ra tôi tần ngần
đứng ở bậc cửa. Tôi mang gói trà Hương biếu bày ra trên bàn cùng những tờ bạc
nhét liền khúc ruột tôi để dành tằn tiện tiêu pha trong suốt những ngày đi công
tác. Má tôi kho cá, thứ ngày xưa tôi thích ăn, những con cá cong queo nức nẻ
thấm đậm lòng bao dung mà không hẳn ai rành chuyện củi lửa cũng làm được. Căn
nhà quạnh quẽ bỗng chốc chộn rộn bao sinh khí. Không thành thân cũng thành
nhân, tôi ngồi thu bé người lại trả lời cặn kẽ bao chất vấn từ đấng sinh thành
và tôi thú thật, lần này con về e chỉ mong cầu sớm tối vui vầy cùng mẹ cha
phòng khi tối lửa tắc đèn gió máy độc hại, giúp được chút chi hay chút đó. Ba
tôi nói: Tuỳ ở mi cả, thế việc ở công ty, mi nhắm bỏ ngang có đặng chăng. Mi đã
già đầu, ba nói cái gì hợp bụng thì nên lưu tâm, ráng làm người tử tế.
Tôi ngó lên ba tôi, người đàn ông suốt đời cam phận sống trong thanh bần.
Lời ông khuyên nhủ làm tôi nhớ tới Nguyễn Tấn Dũng đang gây ì xèo, bao mỉa mai
từ phía quần chúng: “Ráng giữ sức khoẻ và làm đảng viên tốt, ráng làm người tử
tế.” Tôi tự ý mình thanh thản về hưu. Tôi không là đảng viên và vì vậy tôi tử
tế từ hồi bé cắp sách tới trường trau dồi môn công dân giáo dục. Tôi bỏ nhiệm
sở, thôi làm công nhân viên sớm tối làm những việc “không phải”. Tôi về đầu
quân cho quán bán cà phê Hương Xưa làm đứa phục vụ viên tử tế dâng cà phê rót
nước cho khách dừng chân. Hương biết rồi đó, có răng rồi mới rứa cho thứ quyết
định kia.
Hồ Đình Nghiêm