Tùy ở bán cầu nào, cuối tháng Tư là lúc trời đang ấm dần lên
hay đang lạnh dần xuống. Nhưng ở bán cầu nào người ta cũng làm lễ tưởng niệm
Tháng Tư Đen.
“Người ta” đây là một nhóm nhỏ những người Việt Nam lưu
vong, hay tự xem mình là lưu vong, từ hơn 40 năm về trước. “Nhỏ” là vì số người
quan tâm đến Tháng Tư Đen ngày nay, cũng như từ trước đến giờ, so với tổng số
những người Việt Nam bỏ nước ra đi từ lúc đó vẫn không đáng kể. Lần nào đến dự
lễ tưởng niệm được tổ chức tại thành phố ông đang có mặt, bất kể ở đâu, ông
không khỏi tự hỏi “Mọi người đâu hết rồi?” Mấy triệu người Việt Nam sinh sống ở
đây mà chỉ có chừng nầy người hiện diện sao?
Hội chợ Tết có nhiều người tham dự hơn lễ tưởng niệm ngày mất
nước. Đại nhạc hội của các “sao” ca sĩ và danh hài được mời từ Việt Nam qua có
nhiều người tham dự hơn lễ tưởng niệm những người đã hy sinh cho Việt Nam Cộng
Hòa và những người đã bỏ mình trên đường tìm tự do. Ban tổ chức lễ tưởng niệm
phải có nước nôi để khách uống, phải vận động xin xỏ mấy nhà hàng thân hữu cung
cấp mấy khay chả giò hay bánh trái gì đó để khách nhâm nhi sau buổi lễ. Nếu
không, ban tổ chức lo ngại người ta sẽ than phiền là không chu đáo và năm sau sẽ
không đến nữa. Trong khi đó đại nhạc hội vô cửa cả trăm bạc một vé thì người ta
ùn ùn nhau giành giực mà mua, thức ăn nước uống phải tự bỏ tiền ra mới có mà
không ai than phiền gì cả. Ông nghe hai vợ chồng khá lớn tuổi đang đứng dự lễ kế
bên ông than vãn với nhau. Nếu ông không nghe lầm thì người chồng lẩm bẩm “Bởi
vậy hèn chi mất nước cũng phải.”
Vợ ông kể tuần rồi có trò chuyện với mấy người quen về chuyện
cơm ăn áo mặc, sinh hoạt xã hội gia đình gì đó. Một trong những người quen,
cũng là “dân vượt biên”, hỏi cô ấy cuối tuần làm gì. (“Dân vượt biên” là chữ vợ
ông dùng để phân biệt với “dân qua sau”, hay “dân được bảo lãnh”, hay khi nói về
những người không được ưa thích lắm thì “dân ngồi máy bay”.) Vợ ông trả lời là
sẽ đi dự lễ tưởng niệm 30 Tháng Tư. Người đó nói “Vậy hả. Sáng đó ở đao-thao có
xeo nhiều đồ hiệu lắm. Có cái ví Gu-chì nầy 3000 còn có 600 thôi. Tui phải tới
sắp hàng từ sớm mới hy vọng chộp được một cái.” Vợ ông bèn phang một câu gì đó
đại loại là “nếu không có 30 Tháng Tư thì làm sao có mặt ở đây ngày nay để mua
Gu-chì rẻ được”. Chắc là người quen đó thuộc vào hàng “có cũng được mà không có
cũng chẳng sao”.
Vợ ông là một người tuy chỉ mới mười mấy tuổi đầu lúc Sài
Gòn thất thủ nhưng rất căm ghét Việt Cộng sau khi mấy năm phải sống chung với
chế độ. “Sài Gòn thất thủ” là chữ vợ ông dùng cho ngày 30 Tháng Tư. “Trước khi
Sài Gòn thất thủ” hay “sau khi Sài Gòn thất thủ”. Còn nếu không là “trước 75”
hay “sau 75”. Đừng ai dại dột dùng chữ “trước giải phóng” hay “sau giải phóng”
với cô ấy. Nhất là nếu người đó cũng là “dân vượt biên”. “Giải phóng ai? Giải
phóng cái gì?”, cô ấy sẽ hỏi gằn lại người đó bằng một cách ngọt ngào nhất (như
dao Thái Lan cứa vào cổ gà) cô ấy có thể. Và cô ấy cũng không dùng từ gì khác
hơn là “Việt Cộng” để nói về chính quyền Việt Nam. “Đảng cộng sản của nước Việt
Nam thì tôi gọi là Việt Cộng chớ không phải à?” Cô ấy tranh luận với một người
bạn cũ là đảng viên trong lần cô đi Việt Nam thăm gia đình.
Thật ra thì vợ ông kể là “trong lần về Việt Nam”. Cô ấy khác
ông ở chỗ đó. Từ lâu lắm rồi ông dùng chữ “đi” thay vì “về” Việt Nam. “Về” là về
nhà. Nhà ông không còn ở đó nữa, trên thực tế và trong đầu ông, nên ông không
còn cảm thấy là mình “về” nữa. Vợ ông thì có lẽ vẫn chưa đành lòng để đổi “về”
thành “đi”. Trong đầu cô ấy cái Sài Gòn ngày nào vẫn còn trở về níu tay kéo áo
cô trong những giấc mơ chập chờn nửa đêm. Có những lúc ban ngày bất chợt ông vẫn
bắt gặp một cái nhìn, một ánh mắt “đó” của vợ ông. Ông hỏi “Chuyện gì?” Cô luôn
luôn lắc đầu, “Không gì cả”. Nhưng ông biết, và thấy, bóng dáng Sài Gòn cũ lãng
đãng trong ba chữ “không gì cả” đó.
Ông gọi ông là “người Sài Gòn cũ”. Ông dùng tiếng Sài Gòn cũ
hàng ngày. Ông từ chối một cách ương ngạnh dùng những từ ngữ mà vợ ông gọi là
“tiếng Việt Cộng”. Ông cũng không xem mình là người lưu vong. (Ông lý luận,
“Cái xứ sở cưu mang tôi và gia đình tôi, mấy mươi năm nay đã là quê hương, đất
nước của tôi. Một người có quê hương, đất nước không phải là một người lưu
vong.”) Tuy vậy ông không quên, và không muốn ai cố tâm bôi xóa, một giai đoạn
lịch sử quan trọng như vậy. Đó là lịch sử của ông, của hàng triệu người Việt
Nam Hải Ngoại và hậu duệ của họ, trong đó có con cháu ông. Và có lẽ đó là lý do
lớn nhất tại sao ông tham dự các lễ tưởng niệm 30 Tháng Tư hàng năm.
Có vài thứ ông không thích về các lễ tưởng niệm nầy. Thí dụ,
như đã nói, tại sao không có nhiều người tham dự? Không nhiều đủ như ông nghĩ
có thể. Nhất là giới trẻ. Phải chăng ban tổ chức, các lãnh đạo đại diện Cộng Đồng
Người Việt Tự Do địa phương, không kêu gọi, quảng cáo, hô hào ì-xèo đủ để lôi
kéo người ta thêm? Lãnh đạo gì mà thiển cận vậy? Giới trẻ là tương lai của cộng
đồng. Nếu muốn một nền văn hóa hay truyền thống nào sống còn thì phải nỗ lực
giáo dục và khuyến khích lớp trẻ tham dự đông đảo. Không những chỉ tham dự như
quan khách một cách thụ động mà phải chủ động trong hàng lớp tổ chức nữa. Ông
không thấy đủ những chuyện đó xảy ra. Ông còn nhiều khi thấy những “chú, bác” lớn
tuổi công khai bài bác ý kiến cũng như việc làm của những phụ tá viên trẻ tuổi
nếu các ý kiến và việc làm của họ không đúng ý mấy ông ấy. Ông biết có một số
thanh niên (nam nữ) tuy lúc đầu rất nhiệt tình nhưng dần dần bỏ chạy hết chỉ vì
“mấy chú bác đó không thích ai sửa đổi lề lối làm việc của mấy ổng cả”, như lời
họ than vãn.
Lấy chuyện đọc diễn văn chẳng hạn. Điều mà ông ngao ngán nhất
là phải đứng chịu trận qua hết bài diễn văn nầy đến bài diễn văn khác. Mấy
“chú, bác” hình như không ai hiểu được 3 quy tắc cơ bản của một bài diễn văn
thành công: “ngắn gọn, ngắn gọn và ngắn gọn”. Vợ ông nói “Mấy ổng thường ngày
không được ăn nói với ai hết nên mỗi khi có dịp là làm luôn cho đáng một lần”.
Ông thì chỉ tội nghiệp mấy ông bà già lụm khụm đứng phơi nắng cả giờ đồng hồ
trong khi các viên chức phun châu nhả ngọc. Và ông cũng tội nghiệp các quan
khách “Tây” (tức là “Tây phương”, không phải Việt Nam). Họ phải chịu tra tấn bởi
những bài diễn văn tiếng Việt tràng giang đại hải (mà dĩ nhiên là họ không hiểu
gì hết) rồi lại phải lóng tai nghe để cố hiểu bài dịch bằng tiếng Anh, cũng dài
trùng trùng lớp lớp không kém, với cách phát âm tiêu biểu của những người Việt
Nam lớn tuổi không mấy khi sử dụng Anh ngữ trong đời sống hàng ngày của họ. Ông
biết có những đại diện chính phủ, những dân biểu người “Tây” vì nhiệm vụ của họ,
và nhiều người cũng chỉ vì muốn kiếm phiếu của cộng đồng người Việt nên phải có
mặt ở đây. Tuy vậy ông vẫn không giảm bớt lòng thương hại cho họ. Những lúc đó
ông tự hỏi “Tại sao không để mấy người trẻ trong ban tổ chức nói rành tiếng Anh
đọc phần dịch Anh ngữ cho mọi người đỡ khổ?” Và nhất là “Tại sao bao nhiêu năm
nay rồi mà vẫn không nhìn thấy và bắt chước được sự ngắn gọn của các bài diễn
văn của các khách ‘Tây’?”
Phần quan trọng nhất đối với ông trong những buổi lễ nầy là
phần chào cờ. Ông biết nhiều người nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ với nhiều ý nghĩa
khác nhau. Riêng đối với ông, nó là lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa. Ông
hiểu nó là kỷ niệm, là nỗi đau buồn của những người đã từng chiến đấu bên dưới
bóng cờ đó. Tuy nhiên đối với ông, nước Việt Nam Cộng Hòa đó của ông đã mất rồi.
Đối với ông, lá cờ đó là lá cờ của người Việt Nam Hải Ngoại ngày nay. Nó tượng
trưng, và là chứng tích, cho sự hiện diện của, và lý do tại sao, hàng triệu người
đã phải liều chết ra đi tìm tự do. Ông chào lá cờ nầy để truy niệm phần lịch sử
đã qua của nó và khẳng định vị thế của ông và của những thế hệ người Việt trên
mọi phần thế giới tự do mai sau.
Như lệ thường, nhiều người chung quanh ông và vợ chồng ông
hát lớn theo bài quốc ca Việt Nam “… Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy. Người
công dân luôn vững bền tâm trí. Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi.
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời…” Ông nhìn qua vợ ông. Nước mắt chảy
dài trên má cô ấy. Ông nghiêng đầu hỏi khẽ “Chuyện gì?” và biết rằng câu trả lời
vẫn sẽ là “Không gì cả.”
Nguyễn Nhân Trí