17 May 2016

DẤU TAY TRUNG QUỐC HAY VẾT BẨN TRUNG HOA - Tưởng Năng Tiến

Có thể nói mà không sợ sai lầm Don Sahong sẽ là một con đập Made in China. (Ngô Thế Vinh)
Hễ cứ vô mạng là tôi lại nghe blogger Lê Anh Hùng đang la làng về một vụ gì đó, và toàn là những vụ động Trời:

“Chuyện chỉ có ở VN: Dự án nhiệt điện hàng tỷ USD được giao cho một công ty chuyên doanh…mực in!!! Suốt bao năm qua, người Việt Nam đã quá bội thực với những thông tin lặp đi lặp lại như tập đoàn X của Trung Quốc được chọn làm tổng thầu dự án nhiệt điện A, công ty Y của Trung Quốc ký hợp đồng làm tổng thầu dự án thuỷ điện B hay liên danh nhà thầu Trung Quốc Z làm tổng thầu dự án nhà máy xi-măng C, v.v. và v.v. Vì thế, dường như bất kỳ tin tức gì về việc một công ty nước ngoài nào đó không phải của ‘nước lạ’ được giao thực hiện một dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia cũng đều đem đến cho công chúng Việt Nam ít nhiều cảm giác phấn chấn.

Tuy nhiên, cũng đã không ít lần, khi chưa kịp tiêu hoá hết cái sự phấn chấn hiếm hoi đó, dư luận đã phải ngã ngửa vì những sự thật trần trụi về những công ty nước ngoài kia bị phơi bày. Và lần này cũng y như vậy.

Theo phần giới thiệu trên website công ty thì Toyo Ink được thành lập ngày 7/2/1979. Và từ đó đến nay, công ty này chỉ chủ yếu sản xuất mực in, vật liệu in và phẩm màu; buôn bán, xuất nhập khẩu mực in và thiết bị in… Nghĩa là, trong suốt thời gian tồn tại 37 năm của mình, Toyo Ink chưa hề có bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào liên quan đến ngành điện lực nói chung và nhiệt điện than nói riêng. Danh sách đối tác của Toyo Ink cũng toàn những công ty chuyên về mực in và thiết bị in ấn. (Ink trong Tiếng Anh có nghĩa là mực.) …
Một công ty chuyên về mực in, doanh số mỗi năm vỏn vẹn vài chục triệu USD, lợi nhuận hơn một triệu USD, mà lại được giao thực hiện một dự án thuộc một lĩnh vực hoàn toàn lạ lẫm với họ là nhiệt điện than, với tổng mức đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD, tức hơn… 160 lần doanh thu hàng năm của chủ đầu tư. Xem ra trên thế gian này, những chuyện lạ đời như vậy chỉ có thể xẩy ra ở Việt Nam.”
Quả nhiên đây là “chuyện lạ đời” nhưng không “chỉ có thể xẩy ra ở Việt Nam” đâu. Bên Lào cũng y như vậy đó:
“Theo tạp chí The Diplomat [Sep 04, 2015] Quốc Hội Lào đã chính thức thông qua Dự án Đập Don Sahong, một dự án từ bấy lâu gây rất nhiều tranh cãi. Dự trù ban đầu con đập được Công ty Xây dựng Mã Lai MegaFirst khởi công vào cuối năm nay 2015…
Trong một bức thư ngày 2 tháng 2, 2015 của International Rivers Network / IRN Mạng Lưới Sông Quốc Tế gửi tới Sinohydro International Corporation bày tỏ quan điểm của tổ chức IRN chống lại Dự án Đập Thuỷ điện Don Sahong do những ảnh hưởng tác hại môi trường và xã hội trên dòng chính Sông Mekong.
Đoạn thư viết tiếp: “Chúng tôi được biết Sinohydro International được đấu thầu phần EPC/ Engineering Procurement Construction / thiết kế, quản lý và xây dựng cho Dự án Don Sahong, sự kiện ấy khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm về mối liên hệ của Trung Quốc tới Dự án này. Chúng tôi nhận định rằng Sinohydro, một tổ hợp của Nhà nước Trung Quốc khi ký một hợp đồng liên quan tới triển khai dự án, điều ấy sẽ can thiệp vào tiến trình thương thảo. Đây chính là thời điểm vô cùng nhậy cảm cho toàn vùng đối với cái giá phải trả cho việc phát triển thuỷ điện trên Sông Mekong. Chúng tôi hy vọng Sinohydro sẽ hỗ trợ cho những cuộc thảo luận về sự cần thiết có thêm những cuộc nghiên cứu khoa học, và trên hết là sự tôn trọng những quyết định và các yêu cầu chính thức từ các chính phủ Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam”. (hết trích dẫn.)
Như vậy bức màn của sự thật đã được vén lên: MegaFirst của Mã Lai chỉ là nhóm chủ thầu đầu tư/ Investor vào Don Sahong, một công ty không có kinh nghiệm xây dựng hay điều hành nào về thuỷ điện nên rõ ràng họ làm một bình phong / một lá chắn cho Sinohydro đứng phía sau, thực hiện phần kỹ thuật xây đập bất chấp tác hại ra sao đối với dân cư trong lưu vực.
Ai cũng biết Sinohydro International là một công ty quốc doanh khổng lồ xây đập trên toàn cầu của Trung Quốc, được xem là lớn nhất thế giới nhưng cũng đã từng mang rất nhiều tai tiếng về những con đập gây ra những tác hại môi sinh. Và có thể nói mà không sợ sai lầm Don Sahong sẽ là một con đập Made in China…” (Ngô Thế Vinh, “Đập Thủy Điện Don Sahong In Đậm Dấu Tay Trung Quốc” – VOA Jan. 10, 2015.)
Tôi chưa bao giờ có hân hạnh được gặp mặt nhà văn Ngô Thế Vinh. Giữa tôi và ông cũng không có giao tình đậm/lạt gì ráo trọi. Chúng tôi chả qua (và chả may) cùng phải lòng một thiếu phụ – một người đàn bà đã có tuổi, có chồng, và có rất nhiều con – nên cả hai đều đau khổ (triền miên) vì một mối tình vô vọng. Đồng bệnh tương lân. Bởi vậy, nên thỉnh thoảng chúng tôi cũng có lai rai email qua lại để an ủi nhau (chút đỉnh) trong những lúc cô quạnh thôi mà.
Tháng rồi hay tin tôi đang lông bông ở Phnom Penh nên ông anh nhắn nhủ: Đã thất tình rồi mà còn ở không thì buồn chịu sao cho thấu, và rượu đâu mà giải sầu cho đủ. Rảnh chạy tới chỗ tụi nó vừa khởi công xây cái đập Don Sahong chụp dùm mấy tấm hình, làm bằng chứng là có “dấu tay của tụi Tầu” nha.
Cái ông Ngô Thế Vinh này thiệt là quá rảnh và bao la hết biết luôn. Suốt đời chỉ bận tâm về những chuyện biển rộng sông dài không hà. Tui cũng rảnh luôn và rảnh lắm nhưng đi Lào thì nói nào ngay là có thấy hơi lạnh cẳng. Qua thủ đô Vientiane uống vài thùng bia chơi thì được, chớ xuống tuốt Hạ Lào sao tôi ngại quá chừng.
Nam Lào núi rừng trùng điệp và hoang vu lắm. Voi/cọp, beo/báo, rắn/rít, muỗi/mòng … (tùm lum) thấy ghê chết mẹ. Đã vậy, tui lại không biết nói và không biết viết chữ Lào. Nửa chữ cũng không.
Còn phân vân chưa biết tính sao thì may thay gặp ngay một ông bạn đồng nghiệp trẻ, thông tín viên thường trú của RFA tại Bangkok, đang đi làm phóng sự về cuộc sống của những người Việt bán vé số ở Cambodia. Thằng cha này (nghe đâu) rành tiếng Thái và tiếng Lào dữ lắm nên tôi liền nhào tới, tay bắt mặt mừng.
Anh Vũ – rõ ràng – là một tên rất ham đi/ham vui và dễ dụ nên tôi chưa nói dứt lời mà đương sự gật đầu lia lịa. Thế là hai thằng hăm hở (và hớn hở) đi liền.

Thác Khone Phapheng. Ảnh chụp ngày 19 tháng 3 năm 2016

Từ Miên, chúng tôi băng qua Lào bằng cửa khẩu Stung Treng. Tới địa phận Pakse, theo đường 13, đi khỏi thác Khone Phapheng chút xíu là thấy mũi tên rẽ trái vào bản VeunKham.

Ảnh chụp ngày 19 tháng 3 năm 2016

Chúng tôi nhờ may, chớ không phải hay, nên được một người dân địa phương chỉ lối vào nơi đang làm con đập Don Sahong. Đây là một con dốc rộng, mới khai phá chưa lâu, có chỗ rải sỏi chỗ không, đường đất gập ghềnh và bụi đỏ đóng dầy dưới ánh nắng chói chang.
Thêm một điều may nữa là chúng tôi đến nơi vào ngày trưa cuối tuần, công nhân nghỉ việc, và lịch nổ mìn ghi là từ 4:30 đến 6:00 chiều … nên công trường vắng vẻ.

Thời biểu nổ mìn. Ảnh chụp ngày 19 tháng 3 năm 2016

Don Sahong mới khởi công hồi đầu năm nên chung cư của công nhân vẫn còn thấy dán những câu đối Tết tiếng … Tầu.
– Mấy chữ này nghĩa là gì hả anh? Anh Vũ hỏi với đôi chút nghi ngại.

Ảnh chụp ngày 19 tháng 3 năm 2016

Tôi hơi đỏ mặt nhưng may là trời đang nóng hừng hực nên thằng chả không hay. Hồi đêm, nằm ở Muong Khone, tôi mới “nổ” là mình tốt nghiệp cao học văn khoa (ban Việt Hán) và là học trò ruột của danh sư Trần Trọng San. Tôi “nổ” quá lớn khiến chính mình cũng bị ù tai và hơi choáng váng nên đành phải quấy quá cho qua chuyện:
– Thì đại khái là “vui xuân không quên nhiệm vụ” và “mừng xuân tăng gia sản xuất” thôi chớ có mẹ gì đâu…mà cũng hỏi (*).

Ảnh chụp ngày 19 tháng 3 năm 2016

Lần dò hồi lâu rồi chúng tôi cũng tìm được đúng cái mà anh Ngô Thế Vinh muốn có trong tay: Tấm bảng cảnh báo với tên SINOHYDRO ghi rành rành bên góc phải, cùng những hàng chữ – tiếng Lào, tiếng Anh, và tiếng Hoa – viết bằng cái thứ ngôn từ (thô lỗ và đe nẹt) chỉ thấy ở những nơi mà quyền sống, cũng như mạng sống, của người dân chả có nghĩa lý gì:

– Entering Without Permission Will Be Punished And Prosecuted.
– Tresspassers will Take All Responsibilities And Losses.

Tấm bảng này khiến tôi chợt nhớ đến lời lẽ “nhã nhặn” trong bức thư của Mạng Lưới Sông Ngòi Quốc Tế, cùng với một tiếng thở dài – cố nén: “Chúng tôi hy vọng Sinohydro sẽ hỗ trợ cho những cuộc thảo luận về sự cần thiết có thêm những cuộc nghiên cứu khoa học, và trên hết là sự tôn trọng những quyết định và các yêu cầu chính thức từ các chính phủ Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam.”

Ảnh chụp ngày 19 tháng 3 năm 2016

Còn “hy vọng” với “thảo luận” cái mẹ gì nữa, hả Giời? Tụi nó đã đè con người ta ra, đâm thọc cho tan nát hết trơn rồi kìa. Người Trung Hoa đủ “nhẫn tâm” để biến đất nước của chính mình thành một cơ xưởng sản xuất hàng hoá rẻ tiền cho toàn thể nhân loại, bất chấp mọi tác hại về môi sinh. Nói với họ về những thảm hoạ môi sinh xẩy ra ở những nơi xa xôi, tận đâu đâu đó, làm chi cho nó phí thời giờ.
Nhắm đã đủ số ảnh cần thiết theo yêu cầu của anh Ngô Thế Vinh, và sợ trước sau gì cũng bị an ninh công trường phát hiện nên tôi lấy cái sim trong máy hình ra dấu kỹ. Tôi muốn “rút” lẹ nhưng Anh Vũ vẫn còn cứ nấn ná, cố phỏng vấn cho bằng được ba mẹ con bà chủ quán (cái quán nước duy nhất) bên đường để thực hiện bài phóng sự (“Kẻ Dấu Mặt Tại Đập Thủy Điện Don Sahong”) theo dự tính của anh.
Rõ ràng là là thằng cha điếc không sợ súng. Cũng phần lỗi do tôi. Đáng lẽ tôi nên báo cho ông bạn đồng hành hay rằng mới cách đây hai tháng, vào hôm 24 tháng Giêng, Lào đã bắt giữ hai nhà hoạt động môi sinh Cambodia – hai anh em sinh đôi Chum Huot và Chum Hour – khi mon men đến Don Sahong để chụp mấy tấm hình. Họ là người địa phương nên dù gì cũng còn có gia đình, dân làng, và chính phủ của mình bênh vực. Còn chúng tôi chỉ là hai thằng ma cà bông, khi khổng khi không, như từ trên trời rơi xuống cái chỗ (lành ít dữ nhiều) này.

Huot and his brother were detained on Sunday
while attempting to photograph the dam’s construction.
Note and photo: RFA

Tôi lại bị bệnh suyễn kinh niên, đi đâu cũng phải thủ cái ống xịt thuốc (inhaler) trong túi. Sáng nay loay hoay sao đó nên quên mẹ nó ở khách sạn rồi. Tui vốn nhát nên nóng như hơ. Tụi nó mà túm được thì nếu không lôi thôi lớn (e) cũng lôi thôi lắm.
May quá, cuối cùng, Anh Vũ cũng “tác nghiệp” xong. Tôi thở phào nhẹ nhõm:
– Nói cái đéo gì lắm thế?
– Người ta than thở nghe tội lắm anh ơi nên em bỏ đi liền không tiện. Họ nói sự yên tĩnh thanh bình của cả vùng này đang bị phá vỡ bởi tiếng mìn phá đá, và tiếng máy móc thi công… Không chỉ con người ở đây cảm thấy bất ổn, mà kể cả con cá dưới sông hay con chim trên cây cũng dần bỏ đi nơi khác…
– Ủa, bộ vẫn còn có nơi nào khác để đi sao?
– !!!

Tưởng Năng Tiến
(*) Mấy hôm sau, Tiến Sĩ Trần Huy Bích cho chúng tôi biết hai câu đối này có nghĩa như sau:
Nghênh xuân tiếp phúc nhân tài vượng
Hòa mục gia đình sự nghiệp hưng