Hồi đó, theo chú Vá đi đào vàng ở Suối Hến. Thím Vá trề môi xém rớt điếu
thuốc Cẩm Lệ, nói : “ Khéo làm chuyện bao đồng. Vàng bạc mô mà hiện
ngụy. Ông lo vạt bắp côi nương chưa xong còn mơ chuyện trên trời dưới đất ”.
Liếc xéo qua tôi một cái làm tôi thiệt nhột. Chú Vá kịp ngó thấy, e chừng cũng
cùng một nhột với tôi mà cố ráng cười, giả lả : “ Thì cầu may mà mạ mi !. Biết
đâu…”. Thím nguýt qua thêm cái nữa !. Nguýt liếc um sùm kiểu đó khiến tôi cũng
hồ nghi, hỏi chú: “ Nghe thím nói cũng đúng đó. Có chắc ăn không ?.”. Chú, chật
lưỡi, nói là may rủi mà, biết đâu. Đói quá rồi, cũng, biết đâu !. Nói kiểu huề
vốn tôi nghe ra cũng thấy không chừng, e, biết chừng đâu có thiệt. Chuyện rủi
may cũng có lộng giả, mà không chừng biết chừng đâu, thành chân. Ông Thạch
Sùng, hồi xưa, giàu đó rồi nghèo đó. Chú Vá với tôi, hồi nay, không chừng
nghèo đó rồi giàu đó…
Huống chi, cơn lốc tìm vàng cũng đang thời rộn ràng nóng bỏng.
Xóm tôi, trai trẻ lên đàng hết trơn. Lên đàng đây là lên đàng đi tìm vàng ứu
đói cứu khổ chớ đâu phải lên đàng tòng quân diệt giặc. Thống nhất rồi !. Bắc
Nam liền cõi bờ rồi đó !. Giặc ngụy chạy trơn tuột (dốc) !. Chỉ còn giặc đói
hoành hành nhắm chừng muôn năm trường trị. Đói tới mù con mắt. Đói ngặt thắt ruột
gan. Đói lan tràn thôn xóm. Đói đã nư, đòi la ỏm tỏi, cứu đói, cứu đói…
Nên chi, phải đường trường xa lên đàng kịp thời cứu đói không thôi thì không
theo kịp phong trào.
Xóa đói giảm nghèo là câu châm ngôn mổi đêm họp tổ dân phố ở nhà thờ Phổ
Hiếu. Bác Hai…, chú Năm…, chị Bảy…, thầy Ba rồi tới (đàn) em… thanh niên giải
phóng xung phong ( giú tên không thôi mắc cở) thảy nói thiệt giống y con
vẹt, đều nhau, dặn nhau đồng lòng đồng điệu cho bà con nghe không biết, không
xiết…Mà có thiệt hay không ?.
Lời vàng ngọc quý cán bộ phùng mang trợn mắt nói ra làm vậy thì bổn phận
người hồi đó nên, phải nên, rất nên, nương theo khí thế phong trào cách mạng
cách tân, như câu biểu ngữ dán tùm lum từ thành thị đến xó quê nên phải hoan hô
hoan hỉ. Xóa đói giảm nghèo. Nào có thấy xóa giảm gì !. Hoan hô thì cứ
hoan hô . Nghèo thì phải đói mới lần lựa tìm ra câu chữ đói nghèo !!!!.
Tôi với bà con chòm xóm đang lên cơn động kinh ( không phải động tình rồi
đồng tịnh ) đương trào (dâng) nạn đói buổi đổi đời . Đói ù lỗ tai đói mù con
mắt… Hoan hô rồi hoan hỉ hôn mê xin tình nguyện hưởng ứng phong trào. Không
hưởng ứng thì có mà trào nước mắt có mà thắt ruột thắt gan có mà gian nan mình
mình ráng chịu !. Riêng thậm thằng tôi, theo như bản kiểm thảo mổi buổi họp tổ
là có trồng mấy luống đậu, hai vồng cà chua, một vồng sà lách, thè thẹ ghé bên
là mảng rau húng quế rau răm rau thơm và, gầy (guộc) theo một đàn gà. Cây trồng
lớn nhờ phân xanh. Vật nuôi lớn nhờ sắn khoai bắp. Con người cũng được nuôi lớn
nhờ (kiểu) cách mạng đó.. Không có gì hơn không còn gì thua !. Người và vật
thảy đều nhớ lời ơn trên, xóa đói giảm nghèo.
Buổi họp tổ dân phố cả phòng hội im re thầm lặng lắng nghe mấy cha ngụy rặt
được thả về sau thời gian cải tạo. Trở về, tưởng là tự do, ai ngờ còn thêm vài
năm quản chế nữa !. Ra một ngục tù lại tra thêm một ngục tù. Thiệt là ngục tù
bao lớn bao la chưa từng thấy. Nay được đứng với quần chúng đọc lởi kiểm điểm.
Đọc xong. Không có ai đưa tay phát biểu. Không có ai hạch sách lời lẽ chi về
cái thằng tìm dáng đứng với nhân dân. Biên bản được viết và được chữ ký
kiểu cua bò của mấy ổng. Người bị kiểm điểm cứ ra về tiếp tục cứu đói bo
bo khoai bắp trộn. Người viết người ký biên bản, cũng cứ về tiếp tục cứu đói
khoai bắp trộn bo bo…
Chỉ còn, thầm lặng, níu-nhau hơn một chút, nỗi lòng !!!
Nào biết Bác Ba, chú Năm, thầy Ba Ninh, chị Bảy, các em thanh niên…..(e) giờ
đã thấm chưa, nỗi đau giống như hồi nỗi đau của một thời, người thua cuộc….Cuối
cùng, cũng chỉ là một thời để hành tỏi nhau đau đớn . Bà con dân phố cũng
thầm lặng nuốt lốn nuốt trọng nuốt quên nỗi lòng quặn đau quặn thắt với nhau đó
thôi !.
Ôi chao cái hồi chi mà tơi tả rã rời. Suối Hến thuở thanh bình chưa có cảnh
đổi đời bể dâu thương hải, chỉ nơi sản xuất rặt một loài Hến dày cơm thơm thịt.
Bà con xóm tôi lâu lâu thèm ăn Hến thì cứ thoải mái rủ nhau vô mà xúc Hến đem
về nấu cháo Hến, cơm Hến, gỏi Hến trộn trái Vả ( xin quý Thầy ở chùa Linh
Quang) rau răm đậu phụng xúc bánh mè. Là những món ăn vui chơi kiểu cách hoa
đồng cỏ nội, chớ hề có chen vô chi ba chuyện ba lơn ba trợn, cứu đói. Nghe lảng
nhách, dị òm…
Rồi tới khi “ kách mệnh” về, ai đời cái suối Hến xóm tôi cũng thi đua theo
phong trào người tốt việc tốt. Người hưởng ứng phong trào đầu tiên là chú Vá.
Tôi, hồi đó, nghe lời chú mà theo chú đi đào vàng ở suối Hến tại vì đói quá.
Hai chú cháu chổng mông cào lớp cát lớp đá bỏ vô mâm sàng qua sàng lại đã đời.
Rốt ráo chỉ còn lưa thưa đu đưa vài con Hến nằm trong mớ cát mịn màng. Đâu có
vàng cám li ti nói chi tới cục vàng như mơ như mộng…
Chú nói, rặt giọng, Huế quê mình : “ Mụ nội bây. Hến mà cũng chạy tuốt rồi
huống chi vàng mô mà đòi ở lại”. Câu nói đã đời rồi để tới giờ mổi khi nhớ về
chú Vá…
Rốt cuộc chuyện đãi vàng, chú còn nhớ không ?. Hai chú cháu ngồi bên hai
tảng đá, thầm lặng xúc từng miếng khoai bắp trộn ngoại tình chút muối. Giờ,
Thím đang chờ, vợ tôi đang chờ… Hai chú cháu mình về, hổ ngươi quá ốt dột quá,
cái lon gô trống trơn…
Chú Vá, chừ chắc đã run tay mắt mờ răng cỏ không có răng mô ngồi một chỗ,
trống trơn, nhớ đời xưa ngày cũ , không biết, nên buồn hay nên(giả
bộ)cười, vui !.
Tôi thì còn may mắn được ngồi với căn phòng khiêm nhượng mà hoài cố chuyện
hồi xưa hồi nay.
Chú Vá ngày nào chưa từng vàng đeo nặng bởi có đãi được vàng ở suối Hến đâu
mà đeo !.
Tôi ngày xưa, theo chú, cuối đường tìm rủng rỉnh vàng thau lẫn lộn.. Rốt
đàng, cũng bèo giạt huê trôi. Trớt quớt. Cũng in như chú, có vàng đâu, mà đeo.
Nếu như có muốn đòi đãi được vàng để “hoành tráng” đeo vàng thì, y
chang…Chắc chỉ có đeo vàng vọt một thời thôi, chú ơi…
Dâu bể tang thương đổi thời đổi thế, người chạy lên non kẻ xuôi ra biển rốt
cuộc chạy tìm về nơi khởi điểm cuộc chạy chưa từng thấy. Chú chạy không kịp
thời, ở lại. Tôi chạy kịp thời. mình xa nhau.
Buổi điểm danh tan đàn xẻ nghé hết trơn, và rồi, hết trọi. Tháng Tư !….
Ồ, còn nhớ nuối, viết thêm.
Ngày đó chú Vá có mời tôi ly rượu, từ hủ rượu đào rồi giú dưới đất trăm ngày
mới moi lên. Chú nói là rượu bách nhật. Nói thêm là chú mi uống vô một ly là
bách niên giai lão. Rồi ghé thầm, nhỏ nhẹ hết sức thầm thì từng tiếng tránh phụ
nữ (đầu tiên là thím Vá) chớ nghe, nói thêm, e là e là thím mi rồi tới vợ mi
cũng… Không chờ không đợi chú đặng nói hết câu tôi cũng thấu hiểu là
đó…đó….rứa… rứa…đã nưa. Hai chú cháu ngồi uống bên hông nhà. Miếng đưa cay chỉ
mấy con tôm khô đét dầm giấm thêm chút đường thô. Đó là buổi chiều, tôi còn nhớ
mà, chú Vá với tôi chia tay mùa vàng suối Hến.
Bốn-mươi-mốt năm rồi !.
Chú Vá hồi xưa, nói dại, e chừng đã thiêu tro cốt.. Tôi bây chừ cũng gần tới
miệng lò. Lâu lắm rồi lâu ly rượu chôn đất trăm ngày đào lên với người xưa vài
giờ tâm sự. Rượu xưa thì chôn đất rồi moi lên, nồng nàn thơm lựng. Người xưa
thì thiêu đốt cho tan cho không thấy không nghe không nhìn lại một thời đau
dắt….
Tôi bây giờ ! Nói thiệt nghen, chú Vá hồi xưa ơi !
Chỉ thấy…lung linh hoài lúng liếng hoài một thời thế đảo điên !
Và, thấy quá rõ ràng quá ngỡ ngàng hình ảnh ngày xưa, là đói quá mới đến bàn
tính chuyện cứu đói khiến cho thím Vá trề môi xém rớt điếu thuốc Cẩm Lệ…..
Phòng Văn, chiều 28/04/2016
Trần Huy Sao