05 May 2016

NGỘ - Hồ Đình Nghiêm


Tôi đoán không lầm (?), chữ Ngộ là đặc sản của dân miền Nam. Giống như ở Huế chẳng thấy mọc cây Sầu riêng (?). Người trong Nam họ nói: Ngộ quá hén! Thì đứa sinh (sanh) ở Huế như tôi buộc phải hiểu: Lạ hè! Ngộ còn đại diện cho Vui mắt, Thích thú… Đi xa hơn, thoát khỏi tính cách địa phương, chữ Ngộ ấy lại hàm chứa ý nghĩa khác, giả như ngộ độc (thực phẩm) hoặc “bây giờ tôi đã ngộ ra”. Ngộ này có liên hệ tới sự giác ngộ? Thức tỉnh.

Người miền Trung ít ai dùng chữ ngộ, ở Sài Gòn mà nghe tới răng, rứa thì biết ngay “chuyên viên âm thanh” kia là đứa ở ngoải mới di tản (d)vào. Và họ bình luận: Nói nghe ngộ hén, thử nói lợi nghe coi! Chèn đét ơi, em nói gì mà qua hổng nghe ra! (Thiệt đã cái lỗ tai!).

Vì thế người Hà Nội (xa xưa) được các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ đánh giá là cách phát âm rất chuẩn mực, ít phạm lỗi. Đúng, chẳng ai chối cãi, nhưng răng rứa với ngộ hén, với mèn đét ơi thì luôn chứa đầy chất duyên dáng nó ngầm mang. Nó biểu trưng nét văn hoá đặc thù của từng cố quận. “Em về có hỏi răng ri rứa, nhắm mắt đưa chân có bận liều” (B.G). Tôi đang dấn liều để noái về thứ tôi chưa thông, chưa ngộ ra: Ngôn ngữ vùng miền.
Thử lan man thêm. Trong Nam có một chữ thậm đắc địa: Cà chớn. Nhớ lại năm 1975, kẻ bị phỏng dái đã dùng chữ ấy áp đặt cho mấy chú bộ đội. Bên thắng cuộc hỏi: Cà chớn là gì? Đứa láu cá hơi bị sợ, lấp liếm: Nghĩa của nó ám chỉ tới hàng độc, rất ấn tượng. Mấy chú tai bèo dép râu huênh hoang: Ối, tưởng gì! Ngoài ta thiếu gì đồ cà chớn!
Rất cà chớn nếu giờ này hỏi: Chú biết cô Trần Thị Lam không? Ai cơ? Cái Nam ngoài ta thiếu gì! Nói vậy mà hổng phải vậy đâu nghen. Cô Trần Thị Lam (chớ phát âm Lam thành Nam và ngược lại, khói lam chiều lại bảo khói nam chiều) quê ở Hà Tĩnh, sinh năm 1973 và là thạc sĩ đấy bố ạ. Thế cơ à? Vậy thì tớ đéo biết. Đồ cà chớn!
Mang tên cô Trần Thị Lam ra đây hẳn có lý do. Lý do nằm ở một chữ Ngộ. Cô là tác giả bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” đang được truyền lan rộng rãi trên “mặt trận văn hoá”. Có không ít người mãi tâm đắc ngợi ca bởi bài thơ hiện hữu sau vụ việc thuỷ triều đỏ làm cá chết (tạm tin là vậy đi nghen cô ba). Tôi chẳng có ý bàn tới chuyện hay, dở chất trong bài thơ gần là tiếng than van, một cái thở dài trước bi kịch. Tôi chỉ hoài nghi, người Hà Tĩnh có quen sử dụng chữ ngộ chăng? Tôi đồ rằng cô Tổ trưởng tổ Ngữ văn muốn gửi lòng tới, mong người trong Nam đón nghe chút bợn lòng trước hoàn cảnh khắc nghiệt mà cô đang “ngộ” ra trên đất cô dung thân. Khi cô dùng tiếng nói địa phương “Đất nước mềnh ngó lạ rứa đó phải không en?” thì cái hồn bài thơ đã chuyển tới một khí hậu khác.
Vì thế, theo tôi chữ sáng giá nhất trong bài thơ chỉ cô lại ở chữ ngộ. Như đã thưa ở trên, chữ ngộ có nhiều ẩn nghĩa. Mắc cười cũng ngộ. Lạ kỳ cũng ngộ. Quái gỡ cũng ngộ. Trúng độc cũng ngộ. Nhìn thấu suốt cũng ngộ. Tất cả có thể áp đặt lên đất nước mình, anh thấy không, chẳng sai trật chút nào cả. Chung cuộc, chữ ngộ này mang giá trị của thứ khôi hài đen. Vui tới độ muốn khóc.
Nhịp thơ đi rất bình thản, vẽ ra những sự kiện có thật và trình bày nó mà không gợn chút hằn học. Một sự cam chịu đi tới cuối đường để đụng phải dấu hỏi hoành tráng. Hỏi là hỏi vậy thôi chứ “em” nào ngộ ra ngày mai trời có sáng? Giản dị chẳng gào kêu, rất nữ tính. Không giận dỗi như nhà thơ Đỗ Trung Quân (đại để như) Suốt đời làm thơ tôi chỉ viết được bài thơ ngắn: ĐM. Thơ chỉ đê với em mờ. Ngộ hén!
Bây giờ tôi ngộ ra, có khi một bài thơ hay chỉ gom đủ ba yếu tố: Thành thật, dung dị và hoàn cảnh tác động nên. Đừng nói là người ở trong Nam, người Huế như tôi nếu được tiếp cận chuyện trò cùng người Hà Tĩnh e có khi phải vấp sai lạc, ú ớ chẳng thông hiểu chuyện nghe. Yêu một người khác vùng đất mình sinh trưởng, chuyện ấy có nhiêu khê?
Nghe đồn, sau khi đưa bài thơ rất ngộ ấy lên Facebook, cô Lam đã gặp khá là rắc rối căng thẳng chuyện đe nẹt trù dập. Chỉ một bài thơ chẳng có gì khiếp đảm cho lắm mà tác giả phải chịu đánh đổi những hàm oan. Tôi không khen bài thơ, tôi chỉ ngợi ca thái độ can đảm của cô khi chịu đối đầu với tất cả những gì rất cà chớn ở chốn đó. Trù dập một bài thơ, liệu cô Lam còn lòng dạ nào viết tiếp những chữ Ngộ khác.
Trú thân phương xa, mong cô ở chốn lạ ấy ngộ ra mọi lẽ và giả như tôi có hiểu sai vấn đề, xin cô đừng Ngộ nhận. Mong lắm thay!

Hồ Đình Nghiêm