Đã lâu, vào thế kỷ trước, thi sĩ Bùi Giáng có phát biểu: “Con chim thì ta
biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội, thi sĩ thì ta biết là làm thơ; nhưng
thơ là gì thì đó là điều mà chúng ta không thể biết được!”
Đến nay, mấy mươi năm nước chảy mòn hao qua cầu, có ngờ được chăng, điều Bùi
Giáng nói đã vấp phải ít nhiều sai lạc, ấy là ta biết con chim đã thôi bay, ta
biết con cá đã chết, hết lội và sự phi lý ấy khó giải hơn vạn lần niềm bí mật
của thơ.
Cá thôi lội, cá phơi thây trên sóng nước đục ngầu và cá giạt vào cõi bờ thi ca.
Lúc này, thơ, dung dị là tiếng nói, một phát ngôn thay cá. Cá chết hàng loạt,
chẳng ai vô tâm quay mặt đi huống hồ kẻ tự nhận là thi sĩ, hạng người vốn nhạy
cảm trước những nguyên cớ không đâu. Ngọn gió heo may đi qua, lá cây rùng mình
cũng khiến xui lòng dại khờ đánh mất phương hướng “trăng ngày cũ còn nguyên màu
ấy không?” Câu thơ hôm nay mọc ra lắm dấu hỏi. Hết phải không anh? Đến buồn
không anh? Tới nhục không anh? Hỏi, tra vấn, hòn đá ném xuống giếng ước mà
chẳng nghe vọng âm hao, bằng bặt một khoảng lặng.
Tại sao chúng ta lại là cá? Chúng ta là cá bởi vì cá chết thì cái chết cũng
sẽ đến gần với chúng ta. (Trinh Kim Tiến). Đây không là trích đoạn của bài thơ
nhưng nó gần thơ ở cái chỗ: Chúng ta chẳng hiểu được. Không hiểu vì sao cá
chết, do đâu người dân rồi sẽ chết. Ngộ chưa thông vì chẳng ai giải thích tường
tận, họ mãi giấu diếm. Họ lọt vào nằm trong hai câu lục bát mà dân ngoại đạo
sẵn lòng ngứa miệng cà kê thi ca vần điệu máng nơi tấm bìa vác đi xuống đường:
“Miền Trung đang rất nguy nan
Bốn vị lãnh đạo lang thang chỗ nào?”
Lại đặt nghi vấn. Không hiểu được vì sao hai chữ lang thang nó hay tới
nhường ấy. Giặc đến nhà đàn bà cầm biểu ngữ đổ mồ hôi sôi nước mắt đứng dưới
nắng nôi trong khi tứ trụ bề trên đang lang thang (đầu đường xó chợ?) không
thấy không nghe không biết không nói, không biểu cảm. Ôi chao, khó hiểu và sững
sờ cho hai chữ lang thang nọ biết bao!
Thi sĩ người nước lạ ở phương Bắc ngày xưa mãi cưu mang ba (3) giấc mộng:
Giấc mộng minh quân. Giấc mộng thanh quan. Giấc mộng hiệp khách. Có được minh
quân, tự khắc đất nước sẽ giàu mạnh, tiến bộ. Có được thanh quan, xã hội ổn
định trật tự nề nếp. Có được hiệp khách, ắt sẽ liều thân che chắn dân, khai trừ
và diệt đi bớt bọn tham quan vô lại. Mộng cuồng về điều thứ nhất không toàn vẹn
thì mơ mòng sang điều thứ hai. Nhiễu nhương quá thì đâm ước ao điều còn lại.
Sống thì phải nuôi dưỡng ước mơ hy vọng. Con chim thì ta biết nó bay, và quan
trọng hơn, loài thú lông vũ kia còn biết tự chọn lựa, ý thức về nơi hung hiểm
để vỗ cánh tìm chốn bình yên “đất lành chim đậu”. Con cá thì ta biết nó lội,
biết bơi theo “lề trái” để ngược dòng tìm về nơi sanh đẻ.
Phương Nam, người bốn ngàn năm chưa chịu lớn nằm ngủ suốt canh trường vẫn
chẳng hề đơm đặt một giấc mơ con. Họ không ngủ xuống, họ tỉnh rụi, họ nhìn bóng
mình gãy đổ in vào vách, biết mười mươi: Ba điều ước cổ xưa kia tuyệt chẳng
hiện hữu chốn này. Nói theo ngôn ngữ nhà hiền triết, vị thiền giả Tuệ Sỹ:
“Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi”.
Thấy cuộc chơi hôm nay quá đỗi bi thảm, cán cân nghiêng lệch chẳng công bằng
để mơ hồ nghe tràn dâng chút tiếc muộn ngày cũ. Hoài Khanh hồi ức:
“Có người nhớ mãi ngàn xưa
Cớ sao nhân tánh như vừa mất tăm”.
Thi sĩ Hoài Khanh mất trước khi dấy lên đại nạn cá chết. Người ta xuống
đường và người ta đã đối mặt với một bọn người “nhân chi sơ tánh bổn ác”. Một
sự hung hiểm có nơi loài dã thú quen sống trong rừng sâu. Mang cọp beo rắn rít
từ một gánh xiệc, từ sở thú ra ngăn chận loài người, hậu quả ắt sẽ chẳng đến
nỗi máu đổ thịt rơi, rơi cho thấm vào những trang facebook luôn hiển thị cảnh
xót lòng.
Con chim thì ta biết nó bay qua vùng trời khác, con cá thì ta biết vắng xa
để nhịn thèm bấy lâu, còn thằng đi hai chân không dưng tới đánh ta, nó là ai thì
đó là điều chúng ta không thể biết được.
Giọng hợp ca của loài ve sầu luôn là biểu tượng cho lời oán than. Tháng Tư
tháng Năm ve chưa kịp cất tiếng trên cây cao bóng cả nhưng phía dưới những con
lộ đưa người về tụ điểm, đồng bào cả nước đồng khan giọng cất lời kinh khổ nhịp
cùng bước đi rêu rao tới mộng ước bình thường nhỏ nhoi thấp cổ bé miệng.
Nhà thơ là một kẻ tiên tri. Vị tỳ khưu Tuệ Sỹ năm xưa từng viết:
“Tiếng ve dội lăn tăn nốt nhỏ
Khóc mùa hè mà khô cả đại dương”.
Thơ là gì, đó là điều chúng ta không thể hiểu được. Huyền hoặc quá, sang cả
quá, diệu vợi quá.
Thành phố nhốn nháo khi đi biểu tình ôn hoà bị bọn ác nhân hành hung không
khoan nhượng. Máu đổ và mồ hôi tuôn. Tất cả những tờ báo của nhà nước Việt Nam
im thin thít chẳng hé môi, không đưa tin, quay lưng với nỗi đau đồng loại. Nhà
văn nhà thơ xứ con rồng cháu tiên là hạng người nào? Đó là điều chúng ta không
tài nào hiểu được. Bậc cao minh có thể mù mờ thấy ra: Họ là những con cá lỡ bị
ngâm tẩm hoá chất độc hại kể từ mùa Xuân đại thắng. Cá mè một lứa!
Kẻ viết ra mấy dòng này lòng những muốn “khăn gói” thiền đạo tu tập theo lời
Tuệ Sỹ:
“Phủi tay kinh nỗi đảo điên
Tôi theo con kiến quanh triền đỉnh hoang”.
Kiến không dẫn đường thì dại khờ theo ong bướm vui chân vào ngồi trong góc
xó quán cà phê đèn mờ nghe nhạc dặt dìu: “Buồn vào hồn không tên. Thức giấc nửa
đêm…”. Thức giấc nửa đêm ngó về quê mẹ ruột đau như lỡ ăn hải sản miền Trung
“chơ đi mô cũng nhớ về Hà Tịnh”. Cá ơi, bao giờ mày biết tung tăng nhởn nhơ để
chứng thực lời nói của Bùi tiên sinh ngày nào là cả một sự thật!
Sự thật là gì? Đó là điều con dân Việt Nam chẳng tài nào hiểu được.
Máu còn đổ, thấm vào lòng đường trong ngày 15 tháng 5 tới đây không?
Hồ Đình Nghiêm