Tôi gặp lại anh
trong một dịp rất tình cờ. Mùa hè năm 2008, vợ chồng tôi cùng mấy người bạn
trên đường từ thác Niagra trở lại New York bằng chiếc mini-van, ghé lại thành
phố Buffalo để tìm mua một hộp thuốc nhỏ mắt. Đến quày Pharmacy trong một cửa
hàng Target, tôi may mắn gặp một dược tá người Việt. Nếu không nhìn kỹ
cái bản tên trên nắp túi áo, và với cái tên khá đặc biệt, chắc chắn tôi không
thể nào nhận ra anh, người tù binh, đã bị Đại Đội Trinh Sát của đơn vị tôi bắt
trong một cuộc hành quân thám sát bên bờ sông Ba, nằm trong địa phận quận An
Túc (An Khê) vào giữa tháng 2 năm 1972.
oOo
Đúng vào sáng ngày
30 Tết Nhâm Tý (1972) khi chuẩn bị cho buổi tiệc khao quân tất niên tại bản
doanh Sông Mao, Trung Đoàn 44 nhận lệnh phải di chuyển gấp lên An Khê để cùng
Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh tăng phái, thành lập một chiến đoàn, thay thế vị trí của một
Lữ Đoàn thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ vừa rút quân về nước, làm lực lượng trừ
bị cho Quân Đoàn. Giai đoạn đầu, Chiến Đoàn phối họp với Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại
Hàn, hành quân tảo thanh tiêu diệt các lực lượng địch dọc theo hai bên QL-19 và
đảm trách giữ an ninh lộ trình 24/24 con đường huyết mạch này từ Bình Khê đến
Pleiku, để kịp thời cho các nhu cầu chuyển quân, tiếp tế lên chiến trường
Pleiku và Kontum. Thời gian này Sư Đoàn 22BB đang bổ sung quân số quân dụng,
chuẩn bị di chuyển lên Tân Cảnh để đối phó với tình hình đột biến. Một lực lượng
lớn Cộng quân từ miền Bắc và Lào ào ạt xâm nhập qua biên giới, tăng cường cho Mặt
Trận B-3 của Tướng CS Hoàng Minh Thảo, trong ý đồ đánh chiếm Tây Nguyên.
Buổi tiệc khao quân
tất niên bị hủy bỏ, thực phẩm phân phát cho binh sĩ và trại gia binh. Chúng tôi
rời bản doanh Sông Mao lúc 12 giờ trưa. Chi Đoàn 2/ 8 TK tăng phái hộ tống lực
lượng bộ binh đến Đèo Cả, ranh giới tỉnh Phú Yên. Sau đó được lực lượng Thiết Kỵ
của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn mở đường và đón đơn vị chúng tôi từ Đèo Cả đến Đèo
Cù Mông, Bình Định. Nghỉ đêm và đón giao thừa tại Vạn Giã, sáng hôm sau
tiếp tục di chuyển. Chúng tôi đến căn cứ An Khê lúc 4 giờ chiều ngày mồng một Tết.
Một Bộ Chỉ Huy “Chiến
Đoàn 44” được nhanh chóng thành hình. Trung Tá Trần Quang Tiến, Trung Đoàn Trưởng
44BB là Chiến Đoàn Trưởng, Trung Tá Trần Lý Hưng, Thiết Đoàn Trưởng TĐ 3KB là
Chiến Đoàn Phó. Cá nhân tôi đảm trách Trưởng Ban 3 Chiến Đoàn. Một toán liên lạc
của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn, do một vị Đại Tá chỉ huy, được đặt bên cạnh BCH
Chiến Đoàn. Ngoài Thiết Đoàn 3 KB, Chi Khu An Túc và một tiểu đoàn Địa Phương
Quân của TK Bình Định cũng được đặt dưới quyền chỉ huy, điều động của Chiến
Đoàn.
Hai hôm sau, Chiến
Đoàn được lệnh tổ chức một một cuộc hành quân khẩn cấp, giải tỏa hai căn cứ cấp
đại đội thuộc Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn nằm trên Đèo An Khê, vừa bị một lực lượng
Công quân bất ngờ tấn công và đang vây hãm. Sư Đoàn Mãnh Hổ đã phái một lực lượng
tiếp ứng, nhưng bị phục kích, thiệt hại khá nặng. Lực lượng địch được uớc tính
gồm một tiểu đoàn và một đại đội đặc công của Sư Đoàn 2 Sao Vàng.
Nhờ hỏa lực hùng hậu
và những kỵ binh dũng cảm trên các chiến xa M-113 của Thiết Đoàn 3KB, cùng các
phi công tài ba gan dạ thuộc Phi Đoàn Mãnh Sư 243, sau những kế hoạch nghi
binh, tạo các bãi đáp giả, lừa địch rất hiệu quả, từng đại đội bộ binh được tuyển
lựa các binh sĩ trẻ, trang bị nhẹ, đổ xuống, vừa khép vòng vây vừa ngăn chặn lực
lượng tăng viện của địch. Đại Đội 44 Trinh Sát nổi danh thiện chiến, với hai
toán Viễn Thám được trang bị mặt nạ chống hơi ngạt, chia làm hai cánh bất ngờ
nhảy xuống ngay sau lưng địch, từng toán nhỏ lao vào tấn công bằng hơi cay, lựu
đạn, và cả M-72, dưới sự yểm trợ chính xác hữu hiệu của các trực thăng võ
trang, nhanh chóng tiêu diệt hai cái chốt chặn của địch ở hai bên dốc đèo, làm
đầu cầu cho lực lượng Thiết Giáp có bộ binh tùng thiết, đồng loạt tấn công,
nhanh chóng làm chủ chiến trường. Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai căn
cứ đã được giải tỏa, địch quân tháo chạy, bị các đơn vị bao vây tiêu diệt, có mấy
tên bị ta bắt sống. Chiến Đoàn đã ghi một chiến tích vẻ vang cho đầu năm mới.
Sáng hôm sau Đại Tướng
Cao Văn Viên TTMT và Tưóng Tư Lệnh Lực Lượng Đại Hàn tại Việt Nam từ Sài gòn bất
ngờ bay ra An Khê quan sát chiến trường và ngợi khen các đơn vị tham chiến.
Ngay chiều hôm ấy,
qua hệ thống siêu tần số, Tướng Lam Sơn, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn II cho biết,
theo tin tức không ảnh của Mỹ ghi nhận, có dấu hiệu địch xuất hiện trong khu vực
bên kia bờ sông Ba, khu này nằm tiếp giáp “Vùng Oanh Kích Tự Do”, lệnh Chiến
Đoàn cho một đơn vị cấp đại đội thâm nhập, thám sát tình hình. Ông Chiến Đoàn
Trưởng bảo tôi và Đại Úy Trần Công Lâm, Đại Đội Trưởng 44 Trinh Sát, dùng CNC
bay dọc theo bờ sông, thám sát địa thế, tìm một khúc sông thuận lợi và an toàn
nhất để vượt sông. Sáng sớm hôm sau, sau khi thông báo cho TTHQ/Quân Đoàn và Sư
Đoàn Mãnh Hổ, yêu cầu tạm ngưng mọi cuộc tác xạ hay oanh kích trong vùng,
đúng 5 giờ sáng, hai toán Viễn Thám vượt sông trước làm đầu cầu để toàn bộ
Đại Đội Trinh Sát sang sông. Nhiệm vụ hành quân lục soát trong khu vực được ấn
định 16 cây số vuông, theo đề nghị của Quân Đoàn.
Sau hai tiếng đồng hồ,
không có cuộc đụng độ nào, Chiến Đoàn nhận được báo cáo của Đại Đội Trinh Sát bắt
được 2 tù binh, một nam một nữ, và cả hai xin được hồi chánh
Theo trình bày của
anh Đại Đội Trưởng Trinh Sát. Người đàn ông bị phát giác trước, khi đang trên
đường xuống sông lấy nước. Anh ta khai là y sĩ thuộc một tiểu đoàn chính quy
CS, đã đào ngũ hơn một tuần. Anh xin được hồi chánh cùng với người vợ mới gặp,
cô là người Thượng, dân ở vùng này, không phải đồng chí của anh. Sau đó, anh hướng
dẫn đến một hốc đá, chỉ người con gái, và cây súng K-54 được chôn trong một bụi
rậm gần đó.
Vì cuộc hành quân
đang tiếp diễn, nên tôi yêu cầu Đại Đội Trinh Sát an ninh bãi đáp để tôi dùng
CNC bốc về khai thác. Khi trực thăng đáp xuống, đích thân Đại Úy Lâm “dẫn giải”
đến giao cho tôi cùng giấy chứng nhận “y sĩ” và mấy tấm ảnh. Hai người được giữ
lại BCH Chiến Đoàn để tiếp tục khai thác trước khi chuyển giao cho Ty TT Chiêu
Hồi Bình Định. Khi cô con gái bước lên trực thăng, chúng tôi đã khá bất
ngờ, ngạc nhiên về sắc đẹp kỳ lạ của cô. Thấy áo quần rách rưới, chúng
tôi mua cho cô mấy bộ bà ba. Khi mặc vào, trông cô thích thú lắm.
Vì cả hai đang bị bệnh,
người đàn ông thỉnh thoảng lên cơn sốt, nên chúng tôi sắp xếp cho ở tạm trong
trạm xá (đang trống) của Đại Đội Quân Y để điều trị. Tất nhiên có sự canh gác đề
phòng. Anh Bác sĩ Quân Y lại là bạn thân đồng hương, nên tôi thường ghé lại đây
thăm và nhân tiện có nhiều dịp nói chuyện với vợ chồng anh tù binh hồi chánh. Mặc
dù đã được Ban 2 (Tình Báo) cho chúng tôi biết khá đầy đủ chi tiết sau khi khai
thác, nhưng qua những cuộc tâm tình riêng, tôi biết thêm nhiều điều lý thú
khác.
Anh tên Trúc Bạch, họ
Hồ. Làm tôi nhớ tới cái hồ có tên Trúc Bạch mà người phi công Mỹ nổi danh John
McCain đã nhảy dù xuống và bị bắt, khi phi cơ của ông bị bắn rơi, lúc ấy ông
còn ở trong nhà tù Hilton Hà Nội. Tôi hỏi anh có biết sự việc này không, hay là
anh đã có công trạng gì, nên được mang tên cái hồ đặc biệt này kể cả họ Hồ? Anh
cười ngượng ngùng, bảo là, bố mẹ anh gặp nhau lần đầu tiên bên bờ hồ này, rồi
sau đó nên duyên và đặt tên cho anh, thằng cu đầu lòng để làm kỷ niệm. Ông bà đều
là giáo viên. Trước dạy ở Hà Nội, nhưng vì lý lịch nên sau này phải đổi lên
“vùng sâu vùng xa” mới giữ được nghề cũ. Bố anh gốc người Phát Diệm. Gia đình
theo đạo Công Giáo từ mấy đời trước đó. Bố anh chỉ có một bà chị, nhưng đã theo
chồng di cư vào Nam từ 1954. Ngày ấy cả xứ họ đạo đều đi, nhưng vì mẹ mang thai
anh gần đến ngày sinh, nên bố đành ở lại. Bà cô anh vào Nam, một thời gian ở
Ngã Ba Ông Tạ, nhưng sau đó mất liên lạc, không biết đã chuyển đi đâu. Bố anh bảo
người bà con trong làng vào Nam rất đông, nên nếu tìm bà cô cũng không khó lắm.
Tôi cho anh biết là tôi có quen nhiều bạn bè ở vùng Công Giáo Hố Nai, đa số là
người Bùi Chu Phát Diệm, tôi có thể hỏi thăm tin tức cho anh. Đang học trường
Trung Học Y tế thì anh bị động viên chuyển sang Quân Y, và được đưa vào B (chiến
trường miền Nam) bổ sung cho Sư Đoàn 2 Sao Vàng. Dù học chưa xong, anh vẫn được
cho làm y sĩ. Anh bảo chỉ biết cứu thương và học được một số thuốc Nam, trị bệnh
bằng các loại lá cây. Hơn nữa đơn vị cũng chẳng có thuốc men gì, ngoài một ít
thuốc ký ninh của Trung Cộng viện trợ.
Anh cũng kể về sự
nghèo nàn khốn khổ của dân chúng miền Bắc, chính sách hộ khẩu như một hình thức
nắm cái bao tử để tạo áp lực với dân, đặc biệt là ép buộc thanh thiếu niên phải
vào Nam chiến đấu. Anh cũng kể về mối tình đầu của anh với một cô bạn học, khá
xinh. Khi biết cô là con của một đảng viên trong ban bí thư thành phố, anh ngại.
Chưa kịp lùi bước, thì cô cũng kịp khám phá anh ta gốc Công giáo, gia đình lại
có đông người di cư vào Nam, nên cô bảo thẳng thừng rồi chia tay. Anh biết trước
nên chẳng bất ngờ, cũng chỉ buồn buồn một chút rồi thôi..
Cô con gái đang ngồi
với anh, anh gọi là vợ, người sắc tộc, có cái tên rất khó nhớ. Điều đặc biệt là
cô khá đẹp. Cái đẹp man dại của một cô gái núi rừng có một ma lực hấp dẫn đến kỳ
lạ. Chính vì điều này đã làm anh có thêm dũng khí để trốn khỏi đơn vị, thực hiện
ý định hồi chánh, mà anh đã ấp ủ từ lúc bị chuyển vào miền Nam.
Tiểu đoàn đang ẩn
quân ở vùng núi Cheo Reo, nhiều bộ đội bị sốt rét, nên anh cùng một người lính
trong tổ Quân y “tranh thủ” đi vào rừng để tìm lá cây làm thuốc. Khi đến bờ một
con suối nhỏ bên triền núi, anh bắt gặp một cô gái đang trồng khoai bên cái
chòi tranh sơ sài trong hốc đá. Anh ngạc nhiên, sao lại có một người con gái
dám sống lẻ loi giữa núi rừng quạnh vắng. Đến gần anh giật mình ngạc nhiên hơn,
không tin vào đôi mắt của chính mình. Không thể giữa núi non hẻo lánh này lại
có một cô con gái đẹp đến lạ lùng, một nét đẹp hoang dã, cuốn hút anh ngay từ
cái nhìn đầu tiên. Da ngâm đen với đôi mắt thật to, chiếc mũi cao, đôi môi mọng
đỏ. Cô khác hẳn với những cô gái Thượng mà anh đã gặp trong các vùng hành quân.
Anh mơ hồ nhớ đến chuyện ngày xưa, khi còn bé, anh thường nghe mẹ kể về những
cô tiên mắc phải lỗi lầm bị đọa xuống trần gian. Người bạn lính đi theo
anh cũng ngẩn ngơ trước điều bất ngờ kỳ lạ này. Cô gái chỉ nói một ít tiếng Việt,
nhưng cũng đủ để hai người hiểu được. Cô bảo cô bị người trong buôn cho là ma,
nhiều lần đòi giết cô, nên ông trưởng làng đày ra sống ở đây. Cha mẹ thỉnh thoảng
được đến thăm, nhưng cô không được phép về buôn. Anh bực dọc cảm thấy có điều
gì bất nhẫn. Sau khi được cô gái chỉ đường đến buôn, anh và người bạn lính tìm
đến gặp ông trưởng làng để cố thuyết phục xin được thả cô ra, nhưng không những
bị từ chối, mà ông trưởng làng còn cho biết là chờ đến mùa lũ, họ sẽ trói cô lại
và bỏ trôi sông để cúng thánh thần, tránh tai họa cho buôn.
Sau khi về đơn vị,
anh suy nghĩ bằng cách nào để cứu được cô con gái. Ý muốn đào ngũ để hồi chánh
bao nhiêu lần lóe lên trong đầu, bây giờ càng thôi thúc anh thực hiện. Hai ngày
sau, anh báo cáo riêng với tay thủ trưởng, xin đi lấy lá thuốc Anh đi một mình,
thật sớm. Để tránh nghi ngờ, nhất là người bạn “đồng chí” Quân Y hôm trước, anh
để lại balô, chỉ mang theo ít lương khô và khẩu súng K-54 phòng thân. Anh tìm đến
giải cứu cô gái Thượng, kể lại cho cô nghe lời của ông trưởng làng, sẽ thả cô
trôi sông. Cô gật đầu, mang theo cái gùi chứa ít bắp, khoai và hai cái bình chứa
nước làm bằng vỏ trái bầu.. Anh dắt cô gái đi thật nhanh. Buổi chiều khi gặp
con sông Ba, hai người tiếp tục đi dọc theo bờ sông cho đến tối. Nghĩ đã hơn một
ngày đường, đơn vị không thể nào đuổi theo, anh dừng lại và ẩn trốn trong một hốc
đá an toàn. Ăn bắp khoai sống tạm, chờ tìm đường ra hồi chánh. Không ngờ một tuần
sau thì bị đơn vị tôi bắt.
Tin tức đơn vị Cộng
quân do anh tù hồi chánh cung cấp được kịp thời báo cáo lên Quân Đoàn. Một lực
lượng Biệt Động Quân đang hoạt đông trong khu vực Hàm Rồng được tung vào khu vực,
nhưng địch quân đã di chuyển đi nơi khác mấy ngày trước. (Sau này được biết đơn
vị này bị thiệt hại nặng nề bởi hỏa lực Không Quân của ta oanh kích, khi bọn
chúng bao vây tấn công một căn cứ tại Thuần Mẫn, do một đơn vị đia phương quân
trú đóng).
Mấy hôm sau, khi sức
khỏe tạm hồi phục, vợ chồng anh được chuyển giao cho Ty Chiêu Hồi Tỉnh Bình Định.
Qua nhiều lần nói chuyện, nhìn thấy ở anh có sự chân thành, nhất là việc Sư
Đoàn 2 Sao Vàng của anh bị thiệt hại nặng nề, bộ đội chết quá nhiều không kịp bổ
sung quân số, chúng tôi thấy tội nghiệp cho người dân miền Bắc, nhất là những
thanh thiếu niên bị cưỡng bách, tuyên truyền “xẻ dọc Trường Sơn cứu nước”,
để rồi có biết bao người phải “sinh Bắc tử Nam!”
Ngày 24.4.72, Tân Cảnh
thất thủ, khi BTL/SĐ22BB bị địch quân tràn ngập, vị Tư Lệnh liêm sĩ và khí
phách đã cùng đồng đội chiến đấu tới giây phút cuối cùng, và vùi thây nơi chiến
địa, Trung Đoàn 44 chúng tôi có lệnh di chuyển khẩn cấp lên phi trường Cù Hanh,
Pleiku để được không vận lên Kontum. Chỉ sau một ngày đến Kontum, thay thế cho
một Liên Đoàn Biệt Động Quân ở tuyến Tây Bắc, đơn vị tôi đã đánh một trận lẫy lừng,
tiêu diệt cả một trung đoàn của Sư Đoàn 320 CS và một đại đội chiến xa T-54,
khi bọn chúng từ Tân Cảnh tràn xuống tấn công, trong ý đồ chiếm lấy Kontum. Chiến
thắng này đã mở màn cho nhiều chiến thắng sau đó để giữ vững Kontum trong suốt
Mùa Hè Đỏ Lửa. Và thành phố địa đầu Tam Biên này chỉ rơi vào tay CS, khi Quân
Đoàn 2 có lệnh “triệt thoái”vào giữa tháng 3/75, tạo nên cuộc di tản đẫm máu
kinh hoàng trên con đưởng tử lộ 7-B.
oOo
Đã hơn 36 năm, bất
ngờ gặp lại anh giữa một nơi xa lạ. Chỉ mới nhắc lại một vài chi tiết bên bờ
sông Ba ở An Khê năm nào là anh nhớ ra tôi ngay. Tôi không dám vồn vã vì đang
đo lường phản ứng của anh. Nhưng bất ngờ anh ôm chầm lấy tôi, gọi tên tôi trong
nỗi vui mừng pha chút cảm động. Anh lễ phép xưng em với tôi, bảo là vợ chồng
luôn nhớ đến tôi, nhớ anh bác sĩ quân y bạn tôi và nhớ mấy ngày đặc biệt ở căn
cứ An Khê. Anh ca ngợi khả năng và lòng nhân đạo của những người lính VNCH. Anh
bảo làm sao anh có thể quên được một kỷ niệm lớn lao đã làm thay đổi cả cuộc đời
anh vả cả vợ anh. Anh khẩn khoản mời chúng tôi ở lại một vài ngày với gia đình
anh. Tôi ra xe kể qua câu chuyện cho mấy người bạn. Ai cũng thích
thú, nhất là muốn xem dung nhan của cô tiên nữ người Thượng bây giờ ra sao. Tôi
vào báo cho anh biết là chúng tôi chỉ có thể ở chơi với vợ chồng anh đến sáng
ngày mai, nhưng xin anh tìm giúp một hotel ở gần nhà để chúng tôi ngủ qua đêm,
vì đông người quá, ngại làm phiền. Anh cười, bảo một đêm thì quá ít để anh có
thể kể bao nhiêu chuyện về cuộc đời của vợ chồng anh. Anh gọi điện thoại về nhà
báo tin cho vợ biết và vào xin boss nghỉ sớm để đưa chúng tôi về nhà. Anh cho
biết đã đặt giùm khách sạn, nhưng muốn mời chúng tôi về nhà anh chơi, đến khi
nào ngủ anh sẽ đưa ra khách sạn. Anh lái xe chạy trước và bảo chúng tôi cứ chạy
theo anh. Đường lạ nhưng không nhiều xe lắm, bọn tôi ai cũng nôn nao, mong sớm
đến nhà để nhìn dung nhan cô gái Thượng ngày xưa.
Ngôi nhà khá đẹp nằm
trong khu vườn rộng, trồng đủ các loại hoa. Điều đặc biệt là trước nhà có cả một
khóm dã quỳ. Loại hoa màu vàng tôi thường thấy ở Vùng Pleiku, An Khê ngày trước.
Khi chúng tôi vừa xuống xe, một người đàn bà mở cửa bước ra chấp hai tay trước
ngực và cúi đầu chào. Anh chồng chưa kịp giới thiệu thì chúng tôi
đã ồ lên. Chị cười thật tươi và đưa tay bắt từng người. Có lẽ đã nghe chồng
kể qua về chuyện bất ngờ gặp lại tôi, nên chị nhìn từng người để cố nhận ra
tôi. Và chị đã nhận ra khi tôi là người cuối cùng bắt tay chị. Điều làm tôi bất
ngờ là chị chào hỏi bằng tiếng Việt rất sõi. Mấy người bạn và cả vợ tôi
ai cũng trầm trồ trước nhan sắc của chị. Riêng tôi lại có một chút thất vọng.
Đúng là với tuổi bây giờ, chị là một người đàn bà đẹp, nhưng là cái đẹp của một
“hoa hậu phu nhân”, mang nét quí phái với chút phấn son. Không còn cái đẹp man
dại núi rừng của cô ngày trước. Cái đẹp đặc biệt và hiếm hoi ấy dễ làm mê hoặc
người ta hơn.
Anh chị mời chúng
tôi ra vườn sau, ngồi quanh cái bàn tròn dưới gốc một cây bơ phủ bóng. Chúng
tôi phụ anh chị làm một bữa BBQ.
Tôi bảo là hồi đó
tên chị khó đọc quá, nên tôi không còn nhớ. Chị cười bảo là H’ Niê. Sợ không hiểu
chị lấy một que cây viết xuống đất. Vừa viết chị vừa nói:
- Sau này ông xã em
đặt tên cho em là H’ An Khê. Sang Mỹ lấy họ chồng, bây giờ em là An Khê Hồ.
Nói xong, chị nhìn
sang tôi cười:
- Cái chỗ An Khê mà
các anh đã cứu vợ chồng em đấy!
Tôi đùa:
- Bọn tôi phải cám
ơn chị. Sắc đẹp của chị đã giúp bọn tôi bớt đi một kẻ thù, và anh Bạch cũng phải
mang ơn chị, vì nhờ chị mà anh mới quyết tâm thực hiện giấc mơ hồi chánh của
mình, nếu không thì chắc đã trở thành liệt sĩ vô danh từ lâu rồi!
Suốt buổi chiều hôm ấy,
anh ngồi kể say sưa cho chúng tôi nghe về cuộc đời của anh và đời sống của vợ
chồng sau ngày hồi chánh.
- “Em chỉ có một cô
em gái, Mãi đến năm 1985 em mới liên lạc được và sau này đã bão lãnh sang Mỹ
cùng với chồng và một đứa con trai. Bố mẹ em đã chết từ lâu, và vẫn cứ tưởng
em là liệt sĩ. Sau ngày được chuyển về Bộ Chiệu Hồi, vợ chồng em đều được đối xử
rất tốt và giúp đỡ tận tình. Đáng mừng và cảm động nhất là họ đã cố gắng bỏ nhiều
công sức để tìm đươc bà cô ruột của em. Bà có hai người con trai đều là sĩ quan
VNCH, một anh ở Biệt Động Quân, nghe nói đánh giặc có tiếng, tiếc là anh đã tử
trận trong Tết Mậu Thân, hình như lúc mang “hàm” trung úy, và một anh là Thiếu
tá Hải Quân. Cũng nhờ anh này mà cả nhà và vợ chồng em mới được rời khỏi Sài
gòn vào sáng sớm ngày 30.4.75. Năm 1974 vợ em sinh con trai đầu lòng, sang đây
thì có thêm cô con gái. Hai cháu đều đã lập gia đình. Lúc trước gia đình em ở
Philadelphia, nhưng từ khi vợ chồng thằng con trai nhận việc làm ở đây, bọn em
chuyển lên đây sống gần các cháu.”
Buổi chiều, cả vợ chồng
cậu con trai và cô con gái chạy xe đến, mang theo mấy chai rượu đỏ và nhiều thức
ăn dành cho buổi tối. Các cháu rất lễ phép, dễ thương, nói được tiếng Việt
nhưng không giỏi lắm. Đặc biệt cô con gái, chắc nhờ thừa hưởng sắc đẹp của mẹ,
nên rất xinh xắn. Nhìn đôi mắt của cháu tôi nhớ lại đôi mắt ngây dại của mẹ
cháu ngày xưa, khi còn là cô gái Thượng hoang dã. Đôi măt to, đen láy, mang cả
hình bóng núi rừng và mây trời cao nguyên thưở ấy. Điều làm chúng tôi bất ngờ
và thích thú hơn. Cháu gái đang là một dược sĩ và cậu con trai là Thiếu Tá Bác
sĩ của một đơn vị trú đóng ở đây. Cô vợ người Mỹ cũng là một bác sĩ quân y cùng
đơn vị. Bọn tôi nâng cốc ca ngợi anh chị và chúc mừng cho sự thành đạt của các
cháu.
Sáng hôm sau, hai vợ
chồng đến khách sạn rất sớm, mời chúng tôi ăn điểm tâm trước khi chia tay. Khi
tôi đến quày check out, người thu ngân của khách sạn cho biết có người đã thanh
toán tiền phòng rồi. Tôi phàn nàn trách, anh cười, ôm vai tôi nói nhỏ:
- Biết trả bao nhiêu
cho đủ so với tấm lòng và sự giúp đỡ của các anh.
Cả vợ chồng ôm từng
người chúng tôi và mong có ngày tái ngộ. Khi bắt tay từ giã anh, một người bạn
của tôi hỏi đùa:
- Thế Hổ Trúc Bạch
có gặp “giặc lái” John McCain chưa?
Anh cười, nói lớn:
- Em đã gặp ông
trong một cuộc vận động bầu cử. Em bảo với ông là, tôi và gia đình sẽ bỏ phiếu
cho ông, vì ông đã nói một câu rất đúng: “Điều đáng buồn là trong cuộc chiến
Việt Nam, kẻ man rợ đã thắng!”
Anh chị lái xe hướng
dẫn chúng tôi đi một đoạn đường. Đến ngã rẽ qua xa lộ, anh dừng lại, đưa tay ra
cửa vẫy chào tiễn biệt. Chia tay vợ chồng anh, suốt cả đoạn đường dài, tôi miên
man hồi tưởng về những ngày tháng cũ và hình dung lại từng khuôn mặt đồng đội bạn
bè, một số đã chết tại các chiến trường khốc liệt An Khê Cheo Reo, Pleiku,
Kontum, số còn lại sau những năm tháng tù đày nghiệt ngã, giờ đang lưu lạc bốn
phương trời, mang theo những vết thương chưa thể lành được trong lòng. Đặc biệt,
tôi nhớ tới Trần Công Lâm, người Đại Đội Trưởng Trinh Sát lừng danh, đã chỉ huy
cuộc hành quân bên bờ sông Ba ngày ấy. Lâm là bạn chí thân, cùng khóa Thủ Đức,
cùng Trung đội SVSQ, và nằm giường trên tôi, lúc còn ở quân trường. Hai thằng
đã rủ nhau về cùng đơn vị. Lâm đã hy sinh vào cuối tháng 3/73 trên đỉnh núi
Ngok Wang, Kontum khi đang là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3/44. Và cuối cùng,
tôi cũng nhớ đến đôi mắt đẹp man dại của cô gái Thượng, cùng hình ảnh người tù
hồi chánh ở An Khê lúc trước, khi Lâm “dẫn giải” đến trực thăng giao lại
cho tôi.
Phạm Tín An Ninh