26 May 2016

SỐ KIẾP - Trương Đình Phượng

Phố nhỏ chiều đông. Con đường gầy mòn ngập ngụa lá vàng. Hai bên phố những ngôi nhà chìm trong im lặng. Gió trườn qua vỉa hè vắng. Một người đàn ông trung niên khật khờ ngồi ôm chai rượu cạn dưới gốc cây ngô đồng già. Một toán nhỏ chừng gần chục đứa hùa nhau đứng xa xa đưa ánh mắt vừa sợ sệt vừa tò mò nhìn người đàn ông.

Một đứa trong bọn hạ giọng nói, chừng như sợ người đàn ông nghe thấy lời mình :
– Chúng mày này, tao nghe mẹ tao nói lão say này tên là Bình đó. Con trai lão chết rồi, vợ lão thì bỏ lão theo trai.
Một thằng răng sún chen vào:

– Thật hả? Chả trách gì lão say suốt. Tội nghiệp.

Lời của thằng bé sún răng lọt vào tai người đàn ông, gã ngẩng đầu lên, cố nhướng hai con mắt, nhưng cố mấy cũng chỉ he hé, gã làm nhàm:

– Tội, tội, cái mả cha chúng mày.

Rồi gã chống tay xuống đất định đứng dậy. Oạch gã ngã phệt xuống. Gã khóc oà lên như một đứa bé vừa bị đòn.
Một thằng bé mặt đen mon men lại gần gã, nó định đặt tay lên vai gã an ủi nhưng nó sợ, mắt nhìn chằm chằm vào gã quan sát, chỉ cần gã có biểu hiện khác lạ là nó quay đầu chạy thục mạng ngay.

– Chú ơi, chú đừng khóc nữa. Nó run run nói.
Gã đàn ông ngưng khóc. Gã ngước nhìn thằng bé. Gã cười. Thằng bé cười đáp lại. Gã giơ chiếc chai ra trước mặt, ý chừng bảo thằng bé kiếm cho gã ít rượu.
Thằng bé lắc đầu:
– Cháu không, cháu không…
Gã đàn ông cười man dại:
– Cháu không, cháu không cái gì? Và gã lẩm bẩm như nói cho chính mình nghe.
– Đi hết rồi, chỉ còn cái thằng thân tàn ma dại này ở lại một mình cô độc thôi. Rượu, rượu đâu rồi. Say, phải say. Có say mới quên được nỗi đau, còn tỉnh thì còn đau, say là hết.
Bất ngờ gã vung chai lên gầm ghè:
– Cút, cút hết. Tao chỉ cần rượu thôi, chúng mày có không?
Bọn trẻ đồng loạt lắc đầu. Gã ném cái chai. Chiếc chai vỡ. Những mảnh vụn bắn tung tóe ra đường. Ánh nắng cuối chiều chiếu vào loang loáng. Gã quờ tay. Tay chạm phải mảnh chai, máu tứa ra. Gã cười. Tiếng cười rờn rợn như tiếng loài yêu ma đêm nghĩa trang.
– Máu, máu chó đâu. Tao muốn uống máu chó. Ha, ha…
Bọn nhỏ đứa nào đứa nấy mặt xanh lè như đít nhái. Muốn chạy nhưng tính tò mò của trẻ con níu giữ chúng.
Gã đưa bàn tay đứt lên miệng nút chùn chụt. Gã khen :
– Ngọt, ngọt quá.
Bọn nhỏ nhìn nhau lè lưỡi.
Chiều chìm nhanh. Những cơn gió mùa đông càng lúc càng thổi dữ. Cái lạnh cắt da cắt thịt cũng theo đó mà tăng dần. Mấy thằng bé đã về. Chỉ còn mình gã đàn ông ngồi giữa khoảng không gian quạnh vắng. Rượu ngấm dần vào máu. Gã gục xuống, gối đầu lên thân cây. Gã ngủ. Hơi thở lúc đứt lúc nối.
Phố nhỏ về đêm. Không một ánh đèn đường. Chỉ có ánh sáng hắt ra từ những ngôi nhà lem nhem rọi lên gã đàn ông nằm bơ vơ nơi vỉa hè,nếu không có hơi thở hẳn người ta sẽ nghĩ đó là một cái xác vô chủ. Giá lạnh khiến gã run lên từng chặp. Men rượu chừng như đã tan. Gã gượng dậy. Xung quanh gã bao trùm một màn cô đơn thăm thẳm. Gã đứng dậy, thất thểu lê đi. Đâu đó từ một ngôi nhà trong phố tiếng nhạc sến tràn ra lan man theo làn gió phụ họa cùng dáng đi xiêu vẹo của gã.

Bỗng từ đâu một con chó lao ra sủa inh ỏi. Gã quay phắt lại vung tay hù dọa con chó. Con chó càng sủa tợn.
Gã nước nhanh hơn, bỏ lại sau lưng tiếng chó hùa nhau sủa theo làn.

– Tổ cha mày, sủa gì mà sủa lắm thế.
Hình như có ai đó không chịu nổi vác gậy ra nện con chó nhà mình. Con chó bị đòn oăng oẳng kêu. Tiếng chó thảm thiết như nhát búa nện vào màng tai gã, quá khứ ào ạt tràn về trong tâm trí gã…
Ông Việt, cha Bình là một quân nhân đi gần trọn hai cuộc chiến đầy gian lao thăng trầm của dân tộc. Lấy vợ giữa thời chết sống chỉ cách nhau gang tấc, cưới nhau xong chưa đầy một tháng đã phải lên đường tòng chinh. Cũng may trời còn thương, vợ ông mang bầu trước ngày ông nhập ngũ. Chín tháng sau giữa khói lửa mịt mùng, xác người và máu ngập ngụa, tương lai xa vời vô định, ông nhận được tin vợ hạ sinh hai đứa con trai. Ông gửi thư về bảo vợ đặt tên con là Hòa, Bình.
Bố của ông Việt đã chết trong thời cải cách ruộng đất, mẹ ông cũng tự tử sau đó ít lâu bởi sự khinh miệt của xóm làng. Trong ý thức hệ của người Việt Nam, sự căm ghét hầu như được hình thành theo định kiến số đông chứ ít khi xuất phát từ tư duy độc lập. Họ dường như không phân biệt nổi đâu là tốt đâu là xấu. Thấy người ta bảo thằng kia là đứa ăn cắp, y như rằng họ hùa nhau ném đá hành hung kẻ đó, chứ họ không chịu động não suy nghĩ nguyên lý sâu xa cấu thành hành vi của đối tượng.
Nửa tháng sau ngày vợ ông Việt sinh trong một đêm máy bay giặc rải thảm, nhà neo người một thân một mình, nhà mẹ đẻ lại cách xa, xoay sở không kip vợ ông Việt đã để đứa con trai đầu chết mất xác dưới mưa bom. Hai tháng sau trong một trận càn của địch vào khu vực cắm quân của bộ đội bên mình, ông Việt bị bắn trúng chân xuyên thấu xương, không còn khả năng chiến đấu đành về quê với vợ.
Năm 1972, Bình đang học dở đại học y thì cả nước cần gấp binh lính chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Sài Gòn, giải phóng dân tộc, vậy là Bình phải bảo lưu kết quả lên đường đấu tranh cho sự nghiệp thiêng của tổ quốc.
Năm 1975 đại thắng mùa xuân toàn cõi non sông sạch bóng quân thù, Bình trở về quê. Ông Việt bố Bình đã chết cách đó hai năm do bị giam cầm và hứng chịu những trận hành hạ tra tấn của chính quyền vì bị nghi là trong thời gian ở chiến trường ông ta đã làm tay trong cho địch.
Chính vì tiểu sử không mấy tốt đẹp của cha mà giấc mở trở thành bác sỹ của Bình bị sụp đổ.  Hai năm sau trải qua nhiều cuộc sàng lọc kỹ lưỡng Bình mới được chiêu nạp vào ban quản lý hợp tác nông nghiệp của xã. Nhờ có tý kiến thức về y Bình nghiễm nhiên trở thành quản lý bên trại chăn nuôi gia súc gia cầm. Ở  đây Bình gặp Loan, một cô gái thôn quê hiền thục. Họ nảy sinh tình cảm và cuối năm đám cưới diễn ra. Thời đất nước vừa qua cơn binh lửa lễ thành hôn được tổ  chức khá sơ sài, vài ba cái bàn sụt chân hở mặt, một ấm nước chè, mười thỏi lương khô, một bó hoa dại… và sự chứng kiến của ban điều hành hợp tác xã.
Gần mười năm  sau đó trầy trật mãi vợ chồng Bình  mới đẻ được một đứa con trai. Nghe đâu nguyên nhân khiến vợ Bình chậm thụ thai vì nàng thường xuyên tiếp xúc với phân đạm, nàng là công nhân canh kho của hợp tác.
Năm 1986 đất nước xóa bỏ thời  bao cấp, vợ chồng Bình rời hợp tác xã. Bình trở thành người chuyên đi hoạn lợn thuê. Cuộc sống gia đình gã bắt đầu  trải qua những ngày thậm cùng vất vả gian lao. Con đói vợ khát. Tư tưởng túng quẫn Bình đâm ra rượu chè be bét. Mỗi lần say về nhà gã lại đánh đuổi vợ con, phá ném đồ đạc. Phá chán gã ngồi thụp xuống ôm mặt khóc rưng rức:
– Tại sao cái thân tôi lại khốn nạn thế này hở trời. Tưởng hết thời tem phiếu thì cuộc sống khá khấm hơn ai dè kiếp trâu chó suốt đời cứ phải nhai cỏ ăn cứt.
Mỗi lần như vậy vợ Bình chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán dẫn con chạy sang nấp bên nhà hàng xóm chờ chồng ngàn cơn rồi mới dám mò về.
Có một hôm gã về rất muộn. Chân tay bê bết máu. Vợ gã hoảng hồn hỏi:
– Kìa anh, sao ra nông nỗi này.
Gã cười chua chát:
– Mẹ nó chứ, tao hoạn hỏng con lợn nhà thằng chủ tịch xã hắn gọi người “ xử” tao. Đéo mẹ, đời thằng hoạn đúng là khốn khổ hơn con vật. Mà trời nó hành tao cũng đúng thôi, cái kiếp con đực được cái của nợ sung sướng tao cắt mẹ nó nguồn viện trợ rồi lấy gì mà hưởng lạc thú.
Vợ Bình nhìn gã lắc đầu ái ngại. Nàng lầm lũi rời nhà. Ra bờ sông, ngồi đờ đẫn nhìn dòng nước chảy. Vầng trăng giữa tháng chiếu vào khuôn mặt của nàng, còn đâu vẻ đẹp kiêu sa của cô gái quê ngày xưa. Trải qua bao nhiêu ngày tháng  thăng trầm đã hiện lên trong đôi mắt thẳm sâu của nàng những  ảnh hình khắc khổ.  Nàng thấy cuộc đời nàng và Bình sao giống như cánh bèo bập bềnh trên dòng sông, không biết rồi sẽ dạt trôi về đâu. Nàng khóc. Nàng khóc cho sự khốn nạn của kiếp người.
Nàng về nhà khi vạn vật đã chìm vào im lặng. Bình đã ngủ. Gã  phanh bộ ngực trần, chỉ mặc độc chiếc quần cộc nằm giữa mảnh sân lởm chởm đá móng ngựa, ngáy pho pho. Loan thất thểu bước vào nhà. Thằng bé con nàng cũng đã say giấc. Nàng ngồi xuống giường thẩn thơ nhìn con. Khuôn mặt nó sao mà hồn nhiên đến thế. Trên đôi cánh môi non dại đang hiện diện nụ cười. Có lẽ nó đang gặp giấc mơ đẹp. Loan chợt cảm thấy trái tim quặn lên từng đợt, hai dòng lệ chát thi nhau tuôn ra. Nàng khe khẽ vuốt má con. Bàn tay thô ráp của mẹ làm thằng bé chập chờn như muốn tỉnh dậy. Loan vội rụt tay. Nàng bước ra ngoài. Se sẽ nàng ngồi xuống chiếc chõng che. Chiếc chõng lâu ngày đã yếu kêu lên từng tiếng khô khốc. Loan lại ngẩng nhìn trăng. Trăng và người lặng lẽ chia xớt nỗi u hoài. Làn gió đêm ve vuốt cơ thể Loan, chầm chậm nàng đi vào giấc ngủ muộn. Cả căn nhà ngập chìm sự cô đơn….
Từ sau hôm đó Bình càng sa vào vũng lầy. Gã la cà hết quán này quán nọ từ  sáng tới tận tối mịt. Rượu đã trở thành tri kỷ của Bình, chỉ có say mới khiến gã tạm nguôi quên số kiếp chó đẻ của mình. Ban đầu gã bán thóc, hết thóc trong nhà có cái gì giá trị gã cho đi tuốt, cuối cùng chỉ còn trơ lại căn nhà và hai con người khốn khổ là vợ và con trai gã. Gã không thể bán. Vậy là gã quay qua uống chịu. Chỉ cần có rượu để tống đầy vào bụng gã bất chấp mọi tiếng chửi bới xỉ vả của người đời. Từ một người đàn ông lực lưỡng chẳng mấy chốc Bình trở thành một kẻ thân tàn ma dại, đầu tóc bơ phờ, mặt mày hốc hác…
Đã bao lần Loan cắn răng cắn lợi nín nhịn, và cũng không ít lần nàng định đưa con bỏ đi nhưng rồi nghĩ lại  nàng đành thôi. Bình tiếp tục say, tiếp tục đánh vợ đuổi con, quấy phá trong nhà. Và Loan vẫn cam phận làm con hầu đứa ở, sau mỗi lần tung hoành chán Bình lại nôn thốc nôn tháo rồi ngã gục luôn vào đống xú uế mình vừa xổ ra ngập vào giấc ngủ. Dìu chồng vào nhà, quay ra quét dọn, nước mắt nghẹn ngụa rơi theo từng nhát chổi của Loan. Nàng cay đắng nghĩ, giá như những nỗi khổ của gia đình nàng cũng như bụi rác hay thậm chí như những thứ mà Bình vừa tống ra đây có thể dễ dàng dùng chổi mà quét đi thì tốt biết mấy. Nàng không mơ gì cuộc sống xung túc đủ đầy, nàng chỉ ước ao gia đình nàng không còn phải vật vờ đi qua chuỗi ngày tăm tối nghẹn đặc sự bế tắc cùng cực như thế này. Nhưng cái mơ ước nhỏ nhoi ấy của nàng sao càng lúc càng cứ xa vợi xa vời….
Cuối năm đó một sự việc xảy ra đã thay đổi cuộc sống tăm tối của gia đình Loan.
Long Ba Nhát là một gã du côn trên thành phố. Có một thời gian gã từng là lính cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa, năm 1975 quân đội miền Bắc giải phóng Sài Gòn gã bị bắt và đưa đi trải cải tạo. Nhờ biết nhận sai và chịu khó lao động năm năm sau Long được trả tự do. Về thành phố gã lao vào giang hồ cùng với một số kẻ du thủ du thực tụ tập thành hội bảo kê cho các khu chợ.Từ đâm thuê chém mướn tới đòi nợ thuê…không việc ác nào gã không làm. Sau này trong một vụ thanh trừng lẫn nhau giữa các bang hội Long bị một tay anh chị chém cho ba nhát thiếu sống thừa chết, danh xưng Long Ba Nhát ra đời từ độ ấy. Sau bận đó gã rửa tay gác kiếm. Gom số tiền dành dụm sau những năm tháng làm du đãng Long mua một lô đất và mở quán bán thịt chó. Công việc làm ăn của gã phất lên như diều gặp gió, có ngày gã bán hết gần chục con chó. Thói đời thấy thơm ăn ai cũng thèm, những kẻ khác nhìn vào quán của Long mà nhỏ dãi, rồi đó hơn mười kẻ hùa nhau mở quán bán thịt chó theo. Phân một bãi chó cả trung đoàn. Cửa hàng Long bắt đầu tan mùa bội thu  sa vào ế ẩm triền miên. Gã mất đi cái sự độc quyền món Mộc Tồn. Chán nản Long đóng của hàng. Sau nhiều ngày ăn không ngồi rồi gã quyết định tìm về miền quê mong cày xới sự sống mới.
Và như một sự dun dủi của số phận nơi mà Long tìm tới bắt đầu khởi sự  lại là nơi mà Bình đang trải qua những ngày sống “dịch hạch”.
Quán Long mở buổi sáng buổi chiều Bình đã mò tới. Bình nghĩ quán mới kiểu gì cũng dễ cù truầy hơn các quán cũ. Nhưng gã đã vuốt nhầm dái ngựa. Gọi ra xử hết ba chai rượu đế, một đĩa luộc, một tô dựa mận…Bình no nê như chó rắt giếng. Gượng mãi mới đứng dậy nổi, Bình quay lưng định rời quán. Long vội vã chạy ra nhã nhặn nói:
– Này anh bạn, cho tớ xin tiền cái!
Bình lè nhè:
– Tiền, tiền cái gì? Ngày đầu khai cuộc phải  chiêu đãi anh em chứ.
Long nắm cổ áo Bình văng tục:
– Đm mày tính ăn quỵt hả, ông đánh bỏ mẹ mày bây giờ.
Nói là làm Long thoi vào giữa mặt Bình một cú như trời giáng, máu mũi máu mồm Bình trào ra, phút chốc hơi men bay biến. Biết là đụng vào tay ghê gớm Bình cười hề hề nói:
– Kìa ông anh sao nóng tính dữ, thú thật thằng em quên đem theo tiền, sáng sớm mai em đến gửi anh ngay.
Long cười khỉnh, gã nghĩ, dù gì cũng chân ướt chân ráo về đây, trước mắt cứ nhũn nhặn rồi sau hẵng tình, gã cười dịu giọng:
– Ngày đầu gặp chú mi coi như anh đen. Rồi gã vỗ vai Bình nói. Chú mày xem chừng say rồi, ngồi nghỉ một lát cho tỉnh hẵng về.
Qủa thật Bình đã ngoắc cần câu. Gã uể oải ngồi xuống, gục đầu lên bàn đánh luôn một giấc. Chiều đổ xuống nhanh. Thực khách lũ lượt kéo nhau vào, gọi giục ỏm tỏi. Long vội vàng dìu Bình vào phía sau cho gã ngủ. Quần quật phục vụ tới tận khuya Long mới được nghỉ tay. Quét dọn lau chùi xong cắt đĩa dồi chó cùng chai rượu đế Long ngồi độc ẩm. Gần bốn mươi tuổi đầu gã chưa hề một lần biết mùi gia đình. Có mấy cô gái đã từng giao lưu với gã nhưng rồi mọi chuyện chả đi đến đâu, rốt lại gã mãi chỉ là tay giang hồ cô độc.
– Ông anh, xin lỗi đã làm phiền, anh bỏ quá cho.
Long buông chén quay lại, Bình đã tỉnh.
– Lại đây, ngồi xuống uống với nhau một vài chén anh bạn. Long niềm nở.
Bình bước lại ngồi đối diện Long, không khách sáo gã tự rót một chén dốc cạn.
– Anh trông chú mày hẳn cũng là kẻ bất chí cùng thời thì phải? Long hỏi.
Bình cúi đầu, ngậm ngùi:
– Chả giấu gì ông anh, cái thân thằng em đây cũng muôn vàn đắng cay sóng gió lắm.
Và Bình chậm rãi kể về cuộc đời gã cho Long nghe. Nghe xong Long thở dài cái thượt:
– Số kiếp chú mày cũng chó đói quá nhỉ. Gã rót đầy chén Bình nhe hàm răng ám khói thuốc cười giả lả. Thôi thế này, anh mới về đây làm ăn, chân tay chưa ráo, công việc bề bộn không ai giúp phụ cả, hay là chú mày đến đây cùng anh buôn bán, vốn anh bỏ chú mày phụ công thôi. Anh đảm bảo không để chú mày thiệt.
Những lời của Long chả khác gì ánh sáng lóe lên cuối con ngõ tăm tối. Bình ngồi đờ ra mất mấy phút mới ấp úng nói, gã như không tin vào tai mình.
– Thật hả anh, anh cho thằng em đến đây làm cùng hả?
– Thật với giả cái gì, chú cần tiền anh cần người hợp tác cả hai cùng có lợi mà. Long cười ha hả. Nào uống đi, chúc cho công việc làm ăn của anh em mình ngày càng phát đạt.
Bình nâng chén uống cạn. Cả hai cười ngả nghiêng sảng khoái vô cùng.
Từ buổi đó Bình trở thành trợ thủ đắc lực của Long. Quán cầy tơ bảy món của Long ngày nào cũng nghìn nghịt người đến ăn nhậu. Bình dần dần đã bỏ thói quen say xỉn. Cuộc sống ấm êm dường như đang dần mỉm cười với gia đình Loan.
Sau nửa năm chung lưng làm ăn với Long, Bình đã có đồng vô đồng ra. Thằng con trai độc nhất của gã được gã chăm sóc hết mực, gã sẵn sàng đầu tư cho nó đi học ở ngôi trường tốt nhất huyện. Gã muốn ký thác giấc mơ tuổi trẻ mà gã từng bị cướp mất vào tay đứa con. Thằng bé  càng lớn càng thông tuệ khác thường.
Sự phụ thuộc vào người khác quá nhiều dễ  khiến con người ta cảm thấy bức bối và ở một góc khuất nào đó còn gây cho người ta cảm giác mình hèn hạ. Sau nhiều lần đắn đo Bình quyết định cắt đứt mối hợp tác với Long. Gã quay sang hành nghề buôn chó, gã nghĩ đi buôn chó ngoài cung cấp hàng cho quán Long gã còn có thể mở rộng địa bàn cung ứng cho cả trên phố huyện. Xã hội ngày một phát triển nhu cầu ăn thịt chó cũng theo đó mà bùng lên thành cao trào. Từ thành thị tới nông thôn người ta đổ xô mở quán thịt cầy, để câu khách những tay chủ quán nghĩ ra cơ man nào những cái tên quái dị.
Đúng như Bình dự đoán, sau hai tháng buôn chó số tiền thu lãi của gã đã tăng lên trông thấy.  Gã đập căn nhà tềnh toàng được chính quyền cấp cho từ những ngày cha gã còn sống, và xây lên căn nhà hai gian kiên cố.
Thời gian trôi qua như chuyến tàu tốc hành, hơn mười năm cuộc sống gia đình Bình diễn ra rất phẳng lặng. Con trai Bình lên mười tám tuổi. Nhờ sức học vượt trội lũ bạn cùng trang lứa, nó đã thi đậu đại hoc y khoa. Vậy là giấc mơ ngày xưa của Bình đã trở thành hiện thực thông qua thằng con của gã.
Ngày liên hoan cho con vào đại học Bình mời Long tới chung vui. Trong buổi nhậu rất nhiều lần Bình để ý thấy ánh mắt Long cứ nhìn Loan một  cách thèm thuồng. Điều đó khiến Bình rất khó chịu, nhưng gã nín nhịn không phát tác ra. Gã tin vào sự thủy chung của Loan. Dầu cho Long có dở đủ mọi chiêu trò thì cũng chả làm trái tim vợ Bình xiêu đổ.
Thế nhưng người tính không bằng trời tính, kể từ sau hôm gặp Loan, ánh mắt dịu dàng, vẻ đẹp mặn mà của người đàn bà ấy đã làm bùng cháy ngọn núi lửa ngủ quên trong lòng Long. Chờ những buổi sáng Bình rời nhà đi tìm mối mua chó, Long lại mò tới nhà mon men gậm gả Loan. Ban đầu Loan còn tỏ ý giữ gìn khoảng cách nhưng dần dà bằng những cử chỉ đường mật và mánh khóe của tay giang hồ lão luyện Long đã chế ngự được tâm hồn Loan. Hai người lén lút đi lại với nhau… Bình suốt ngày say sưa lao đầu vào công việc mà không thể ngờ rằng gã anh kết nghĩa lại đâm sau lưng mình. Gã càng không thể biết được việc người vợ đã cùng gã trải qua bao tháng năm khốn khổ lại phụ bạc gã.
Mùa đông như con ngựa bất kham lao về phũ phàng vả   xuống nhân gian. Thịt chó nhờ vào giá lạnh mà đắt như tôm tươi. Người người nhà nhà ăn chó.
Công việc làm ăn của Bình cũng theo đó mà bù đầu tối mặt. Từ sáng tới tối mịt gã đi hết huyện trong huyện ngoài tìm mối thu mua chó.
Chừng như cuộc sống này ít khi ưu ái ai quá nhiều, cho dù sau bao cuộc dập vùi hành hạ tưởng có thể nhấn chìm người ta vào đầm lầy ông trời lại lôi người ta ra và đặt lên con đường sáng sủa hơn, thế nhưng rốt lại ngày vui chẳng kéo dài. Đời Bình đã trôi nổi qua bao ngày gió dập sóng dồi mới gặp được mùa biển lặng. Gã cứ ngỡ gió dữ đã thôi tràn qua số kiếp khốn nạn của gã thế nhưng những sự đớn đau không dễ dàng buông tha cho gã, chúng chỉ tạm thời tìm chốn nghỉ ngơi, cho gã thảnh thơi một thời gian rồi lại quay về “dày vò” gã.
Con trai Bình về thăm nhà. Vừa về quê nó đã lao vào phụ giúp bố đưa lũ chó đi giao cho các quán hàng. Rồi một buổi tối ngày  thứ ba  một sự việc đã xảy ra, và đó cũng là nguyên nhân xô đẩy cuộc đời Bình vào ngõ cụt.
Đang ngồi nhâm nhi chén rượu với đĩa chó luộc Bình bỗng giật nảy mình  đánh rơi chén rượu khi nghe một âm thanh thảm thiết vang lên từ phía sau nhà.
– Bố bố ơi, cứu con.
Đó là tiếng của Hoàng thằng con Bình. Nó đang giúp gã nhốt mấy con chó vào chuồng chứa để ngày mai đưa chúng về cõi chết. Ngay lập tức Bình hoảng hốt chạy ra sau nhà. Dưới ành đèn mờ mờ thằng Hoàng ngồi thu lu nơi xó tường run lẩy bẩy. Một tay này nó ôm tay kia, máu từ cổ tay rỉ ra nhểu xuống cả nên giếng.
Bình lao về phía con trai hỏi dồn :
– Sao, sao vậy con. Tại sao ra nông nổi này?
Thằng Hoàng hồn chưa nhập lại xác, run run nói:
– Con, con bị chó cắn.
– Tại sao con lại… bị chó cắn. Thế con chó… đâu rồi. Bình không còn giữ được bình tĩnh, giọng gã rung lên như người vừa rơi xuống ao mùa đông.
Hoàng kể:
– Con đang nhốt mấy con chó vào chuồng thì bỗng có một con lồng lộn lên, hai mắt nó trợn ngược nhìn con như kẻ thù, miệng nó sùi bọt mép, nhe hai hàm răng  như chực nhai nghiến con. Con sợ quá, buông luôn chiếc thòng lọng, vậy là… nó… nó lao vào cắn xé con, sau đó nó vượt qua hàng rào chạy đi đâu mất rồi.
Bình cười trấn an con:
– Không sao đâu con, chắc nó bị giam cầm nên hung dữ vậy thôi. Xổng con đó thì mai bố mua con khác, gã đưa tay nâng con trai dậy, vào nhà trong bố băng bó cho.
Năm hôm sau thằng Hoàng lên cơn sốt. Loan giục Bình đưa con đến trạm xá, nàng ngờ đứa con trai của mình đang bị bệnh dại của con chó phát tác. Tuy nhiên bất chấp lời vợ, Bình nhất quyết không đưa con đi, gã cho rằng thằng bé chỉ bị cảm sốt thông thường. Chiều hôm ấy Hoàng hả nhiệt. Bình cười bảo vợ:
– Đấy anh đã nói mà, dại đâu mà dại, anh đi chọn mua chó cứ là nhất, làm sao mà mua nhầm chó bệnh được.
Loan không thèm đôi co với chồng, nàng dịu giọng nói:
– Anh ở nhà trông con em đi đây có chút việc.
Bình gật đầu. Loan vội vàng rời nhà. Giờ này quán Long đã đóng cửa…
Đêm khuya dần, căn nhà chìm vào câm lặng. Vợ đi mãi chưa về, Bình buồn bã lôi chai rượu mật chó ra độc ẩm. Thằng Hoàng mê sảng nói lảm nhảm. Bình bước vội lại giường. Hai mắt thằng con trai gã đang trợn trừng, bọt mép đã sùi ra đầy mồm. Hai hàm răng nó nghiến chặt. Bình hoảng hồn đỡ con dậy. Thằng Hoàng bất ngờ vung chân múa tay, gầm gừ lên như loài thú dữ, rồi từ cuống họng nó từng tiếng hú dần bật ra… Thôi rồi, nó bị nhiễm dại thật rồi. Khi phát tác bệnh chó dại con người ta mất hẳn tự chủ và sẵn sàng cắn xé bất kỳ người nào xuất hiện trước mặt. Và kẻ bị cắn cũng sẽ bị lây truyền luôn cái bệnh ghê rợn đó. Bình nhanh chóng tìm dây xoay xở mãi cuối cùng cũng trói gô được thằng con lại. Liền đó gã chạy đi tìm vợ. Tâm trí gã lúc đó ngập đầy bấn loạn, gã không còn biết làm gì khác ngoài việc tìm sự giúp đỡ từ vợ gã. Nhưng vợ gã đã đi đâu.  Làng xóm chìm trong màn đêm khắm đặc. Khắp các con đường nghèn  nghẹn gió lạnh mùa đông. Bình đứng chết trân nhìn ngang ngó dọc không biết nên đi lối nào.
– Loan ơi, Loan ơi… Tiếng kêu của Bình lan  theo gió khuya vang đi thật xa, rồi tan loãng vào thinh lặng.  Hay là… gần đây gã có nghe phong thanh thiên hạ đồn thổi việc vợ gã có  mối quan hệ bất chính với Long, tuy nhiên gã không tin đó là sự thật.  Bao nhiêu ngày cộng tác làm ăn với Long, bấy nhiêu năm chung sống dưới một mái nhà với Loan gã hiểu họ là những người như thế nào, không thể có chuyện “khốn kiếp” ấy. Thế nhưng đêm nay, trong tình huống dầu sôi lửa bỏng này, điều ấy lại hiện ra trong tâm trí gã và gã chợt nhận thấy khả năng mối quan hệ kia là sự thật. Bình nhắm hướng quán thịt chó của Long chạy, gã dồn hết sức lực lao đi trong đêm như kẻ bị ma đuổi giữa khu nghĩa trang quạnh quẽ.
Quán của Long đèn đóm tắt ngỏm từ bao giờ. Xung quang lạnh tanh, chỉ có những đợt gió quất vào những hàng cây sắp trụi lá gây nên những thanh âm như ma khóc. Bình tiến lại gần, gã định gọi cửa. Một loạt tiếng động bên trong vọng ra, những nhát búa nện tận lực vào trái tim Bình. Đó là tiếng ót ét của những chiếc nan  giường, tiếng rên rỉ, tiếng thầm thào của người vợ rất mực thủy chung của gã, tiếng đường mật ân tình của Long, thằng anh kết nghĩa chó đều của Bình….
Hết rồi, tan nát hết rồi. Không nổi cơn khí xung thiên, không hò hét, không hùng hổ đạp cửa lao vào thanh toán đôi gian phu dâm phụ, Bình ngồi gục xuống. Gã khóc. Tiếng khóc uất nghẹn như chó bị thọc tiết. Bình vụt đứng dậy nhắm hướng nhà mình gã chạy, tiếng hò hét, tiếng khóc tức tưởi hòa theo gió đêm…
Bình về đến nhà thì thằng Hoàng cũng vừa trút hơi thở cuối cùng. Nó nằm chết ngoài sân. Hai hàm răng cắn gần đứt cả lưỡi, hai tròng mắt gần như lòi hẳn ra ngoài…
– Con, con trai của bố ơi. Hu hu…
Bình ôm chầm lấy xác con gầm rú như loài thú bị thương. Bị động mấy con chó phía sau nhà hùa nhau sủa rộn lên. Tiếng chó sủa như bản nhạc đưa tang cho số phận ngắn ngủi của thằng Hoàng, và cũng như tiếng báo tử cho chuỗi ngày hạnh phúc của Bình, một tay buôn bán chó chuyên nghiệp…

Trương Đình Phượng