Người dân thu gom ốc biển chết ở Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hôm
27/4/2016. AFP
Chỉ trong vòng một tuần lễ sau vụ cá chết trắng ở 4 tỉnh miền
Trung, trên hệ thống mạng xã hội xuất hiện hàng chục bài thơ của những cây bút
không chuyên viết những dòng tự sự về tình trạng hoi hóp này và liên tưởng đến
những cái chết trắng khác đang dần dần trở thành hiện thực.
“Đất nước mình ngộ quá phải không anh?”
Từ Hà Tĩnh, nơi có Vũng Áng và Formosa khi mọi con mắt đổ dồn
vào nó với những bức xúc không cần che dấu đã xuất hiện bài thơ của một cô giáo
trường chuyên. Bài thơ ngay lập tức được tải rộng khắp trên mạng xã hội, bài
thơ được share hàng ngàn lần và người chơi Facebook gần như đi đâu cũng gặp bài
thơ này.
Bài thơ hay mặc dù nó rất bình thường, nó nói ra những điều
mà mọi người đều thấy. Nó nhắc tới nỗi ngây thơ đến dại dột của người dân khi bị
chèn ép, ngược đãi thậm chí lừa dối nhưng vẫn bình chân như vại và cảm thấy đấy
không phải là việc của mình. Sự ngây thơ ấy được tác giả bài thơ là cô giáo Trần
Thị Lam nén lại trong hình ảnh của một em bé bốn ngàn tuổi rồi mà vẫn thích bú
mớm không chịu đứng dậy trên đôi chân của mình.
Em bé Việt Nam khập khểnh và bệnh tật trên khắp cơ thể. Hình
ảnh cá chết đầy mặt biển là một tiếng chuông gọi hồn cuối cùng cho những chiếc
thuyền nhớ biển khơi và người ngư dân nhớ sóng. Cô giáo Lam không khóc mà nước
mắt lưng tròng. Cô viết những dòng chữ mang nỗi ngậm ngùi cay đắng của tất cả
chúng ta, những người nói tiếng Việt trên khắp thế giới.
Người trong nước bất lực, người bên ngoài lại càng bất lực
hơn. Bài thơ của cô diễn tả sự bất lực ấy bằng một câu cũng bất lực không kém: “Đất
nước mình ngộ quá phải không anh?”
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...
Câu hỏi “Đất nước mình rồi sẽ về đâu” được một cây bút nghiệp
dư từ Oregon trả lời vài giờ sau khi bài thơ được cô giáo Lam post trên
Facebook của mình. Bài thơ mang tên: “Anh trả lời liền…”
Anh trả lời liền. . .
Anh trả lời liền đất nước sẽ về sau
Khi thế giới đã về từ lâu lắm
Bởi cả nước được đảng bồng, đảng ẳm
Nên nhân dân hạnh phúc quá còn gì?
Đất nước mình vì thế chẳng chịu đi
Bởi đôi chân đã trở thành đất sét
Tiến sĩ giấy ngồi nhìn nhau lấm lét
Sợ đảng không tin nên phải viết điều thừa
Đất nước mình biển vẫn bạc như xưa
Chỉ có điều là bạc mầu cá chết
Rừng còn đó không bao giờ cháy hết
Dù đảng ta vẫn nhiệt liệt phá rừng
Em đừng hỏi chiếc bánh chưng to thế
Để làm gì khi dân chúng đói meo
Nhưng em ơi đấy chỉ là bánh vẽ
Thì dẫu to hay bé có hết nghèo?
Em đừng buồn khi dân không chịu lớn
Bởi lớn lên dân sẽ bị đảng “đì”
Dân khôn lắm họ núp sau bóng đảng
Giả ngu si cho đảng khỏi tự ti
Đảng yêu dân nên làm điều sai quấy
Cũng chẳng qua sợ dân chọn sai đường
Dân cõng nợ là yêu thương cõng đảng
Xét cho cùng thì cũng chỉ trơ xương
Đất nước mình tuy có ngộ đấy em
Nhưng nghĩ lại không có gì khó hiểu
Dân vẫn thấy nồi cơm to hơn văn miếu
Thì em ơi mấy ngàn năm nữa vẫn bị đảng lừa…
Bài thơ chấm dứt bằng câu khẳng định: sự lừa dối của đảng vẫn
thế nếu dân mình cứ xem nồi cơm hơn mọi thứ khác, trong đó có văn hóa, lịch sử,
chính trị cũng như ý niệm về tự do dân chủ. Ý nghĩa của bài thơ lồng chéo đan
nhau làm thành chiếc võng chắc chắn cho người đọc nó nằm lên tha hồ suy gẫm.
Cũng viết về đảng khi trả lời cho cô giáo Lam, một tác giả
không nêu tên khẳng định đảng là ánh sáng soi đường, soi cả đường đi lối về của
dân chúng. Soi như con cò cần mẫn soi mồi cho đàn cò con đang lóp ngóp chờ cò mẹ
ở nhà. Có điều là giống với nhiều tác giả khác, bài thơ kết lại với sự hối hận
âm ỉ và tiếng than cháy bỏng của người viết về những câu hỏi đáng ra mọi người
đều phải trằn trọc với những cách trả lời khác nhau.
Bài thơ mà cô giáo Lam đưa ra, lại nhận được từ những tác giả
khác với những câu trả lời mà chính cô cũng không ngờ tới.
Đảng ta ánh sáng soi đường.
Đất nước mình chẳng có ngộ đâu em
Năm ngàn năm dân cũng không cần lớn
Bởi ngày ngày đảng chăm lo bú mớm
Dân đói dài, đảng nhà nước phải “no”
Đất nước mình chẳng có lạ đâu em
Nồi lẩu, bánh chưng…hay tượng đài nghìn tỷ
Từ biển rộng, sông dài và non sông hùng vĩ
Cả 90 triệu con người là của “đảng” mà em
Đất nước mình vui quá chứ em
Biển giao “bạn vàng”, rừng cho Tàu thuê nốt
Rừng chẳng cần, biển chết thì cứ chết
Khẩu hiệu bây giờ là “còn đảng, còn ta”
Đất nước mình sao em lại phải thương
Lũ trẻ kia làm mầm non của đảng
Một số đứa sẽ được sang tư bản
Cứ cúi đầu. . . tiếp bước đảng quang vinh
Đừng hỏi anh, đất nước sẽ về đâu?
Mỗi lời em, như một đường dao cắt
Lưỡi dao ấy không bằng đồng, sắt
Mà thấu tận tim mình. . .
Hãy hỏi “đảng”
. . . Nghe em
“Đất nước mình không ngộ quá đâu em”
Và rồi một bài thơ khác lại xuất hiện, trả lời cho cô giáo
Lam với cái tựa khá hấp dẫn: “Đất nước mình không ngộ quá đâu em”.
Cá chết ở bờ biển huyện Quảng Trạch, Quảng Bình hôm
20/4/2016.
Tác giả Baron Trịnh tỏ ra nghiêm túc khi dùng những điển
tích được lịch sử hóa thành rồng thành tiên trong suốt một chặng dài của lịch sử
dân tộc. Bài thơ họa lại ý chính của cô giáo Lam ở từ “ngộ”. Ngộ có thể được
xem là ngộ nghĩnh hay một trạng từ chỉ sự ngạc nhiên. Không ngạc nhiên sao được
khi chúng ta cùng ngồi chung con thuyền của thế kỷ 21 nhưng tâm thế thì cứ như
người của thế kỷ thứ nhất khi mà con người còn tiếp cận với nhau như các siêu
nhân để từ đó mọi biến động nhân quần đều đổ vấy cho lịch sử. Đất nước mình
cũng thế, từ thời chúng ta còn là những chiếc trứng đã nảy sinh chuyện chia đôi
cũng như huyền thoại thánh Gióng chưa bao giờ được chúng ta xem là tâm lý AQ đầy
trắc ẩn.
Một đất nước quá nhiều huyền thoại thì sản sinh ra những kẻ
hoạt đầu là điều không nên hối tiếc than van. Baron Trịnh thẳng thắn trả lời
cái mấu chốt ấy cho cô giáo Lam bằng 4 câu kết đầy sức hút: Em hỏi đất nước
mình rồi sẽ về đâu? / Anh chưa biết nhưng có một điều rất tuyệt / Chưa biết về
đâu nhưng cứ đi tắt đón đầu là duyệt / Chưa biết về đâu nhưng cứ phải tiến
lên đầu!
Đất nước mình không ngộ quá đâu em
Dù bốn nghìn năm dân vẫn không chịu lớn
Bởi tổ tiên ta sinh ra không là con mà là trứng
Khi cha mẹ ly hôn nào có dám kêu đòi
Đất nước mình không lạ quá đâu em
Thánh Gióng lên ba đã ăn cơm nong cà thúng
Chử Đồng Tử úp nón thành cung điện nguy nga sừng sững
Cùng một cha, Tấm làm mắm Cám rất bình thường
Đất nước mình không buồn quá đâu em
Dù biển bạc rừng vàng giờ đây đang cạn kiệt
Nhưng có nồi cơm Thạch Sanh ăn mãi không bao giờ hết
Nàng Tô Thị chờ chồng nghìn năm lẻ có gì đâu
Đất nước mình có gì mà phải thương đau
Vì đến tiều phu cũng mơ làm hoàng đế
Nên chút nợ nần là chuyện nhỏ như con dế
Đánh thắng ba siêu cường sợ gì đám năm châu
Em hỏi đất nước mình rồi sẽ về đâu?
Anh chưa biết nhưng có một điều rất tuyệt
Chưa biết về đâu nhưng cứ đi tắt đón đầu là duyệt
Chưa biết về đâu nhưng cứ phải tiến lên đầu!
Một tác giả khác, Cương Biên, viết những dòng thơ nhẹ nhàng
hơn gửi cho cô gáo Lam, và tác giả biết rằng cô giáo ấy hôm nay không thể ngủ.
Với tựa bài thơ: “Uất hận quá rồi nước mắt chảy vào tim”
Cương Biên thay cô giáo Lam viết tiếp những trăn trở quanh mình. Những hình ảnh
tan nát của quê hương chập chờn trong giấc ngủ của cô cũng như nỗi ám ảnh của
hàng loạt cá tôm chết trắng bờ biển đã làm tác giả phải thảng thốt:
Cô không thể soạn tiếp bài
Bởi hồn lạc về Hà Tĩnh
Nơi nước mắt nhân dân đang chảy dài về phía biển
Và biển chiều ứa máu oan khiên
Có lẽ đêm nay cô lại trắng đêm
Chập chờn bãi bờ phủ đầy tôm cá chết
Chập chờn tiếng thở dài thấu đêm đen những con thuyền cắm sào trên bến
Chẳng dám ra khơi ngay giữa biển quê mình
Có lẽ đêm nay cô lại trắng đêm
Chập chờn lúa chết khô giữa thì con gái
Chập chờn ruộng đồng nứt nẻ hoang bờ bãi
Những đàn bò ăn cả bao nilon
Có lẽ đên nay cô lại trắng đêm
Bởi giật mình Đền Hùng thất thủ
Bao nhiêu tượng đài ngổn ngang đổ vỡ
Xoang xoảng nứt niềm tin
Có lẽ đêm nay cô lại trắng đêm
Bởi bóng ma những chợ trời hóa chất
Cứ lượn dọc lượn ngang giữa những đàn gia súc
Toác miệng cười trên những cánh đồng xanh
Có lẽ đêm nay cô lại trắng đêm
Mơ thấy con cháu mình biến đổi gen mang hình thù kỳ quái
Thấy dải đất chữ S co rúm lại
Rồi bay ra khỏi bản đồ…
Đêm đã khuya rồi căm phẫn chẳng thành thơ
Chắc nhiều người cũng như cô thêm một đêm khó ngủ
Học trò ơi đất nước này là của ai hãy nhìn cho tỏ
Uất hận quá rồi, nước mắt ngược vào tim…
Chỉ một bài thơ ngắn lại có sức mạnh lay động hàng triệu con
tim trên mạng xã hội cho chúng ta thấy được nhiều điều, đó là niềm tuyệt vọng
nào cũng có giới hạn của nó. Chảy tới đâu thì nước cũng vẫn là nước, chỉ có con
người là tồn tại và ngay cả tồn tại trong nỗi đau đớn bất lực nhất mà thượng đế
đã ban cho.
Cô giáo Lam mới đây có tin bị công an mời làm việc để yêu cầu
gỡ bỏ bài thơ khỏi trang Facebook của cô. Cộng đồng mạng lại một phen bàn ra
tán vào trước cách hành xử kỳ lạ này, bởi, không một thế lực nào có thể làm
thay đổi dòng chảy của thơ khi nó được viết với tâm thế của sự trăn trở chứ
không phải theo đơn đặt hàng như các nhà thơ lớn nhỏ đang xếp hàng chờ để được
ghi tên vào Hội nhà thơ các loại…
Mặc Lâm