28 May 2016

XA RỒI B’LAO - Minh Nguyễn


Thiếu nữ B’lao
dinhcuong

Trên chuyến xe khách từ Sàigòn đi Đà Lạt, khi vừa qua khỏi đèo Chuối, một trong hai cô gái ngồi ở hàng ghế phía trước, quay sang hỏi nhau: “Em về Tân Thanh hay Lộc Phát?” Đang cố đánh lừa quãng đường còn lại bằng giấc ngủ, chợt nghe nhắc đến địa danh mà tôi từng có thời gian làm việc ở B’Lao, tự dưng bao kỷ niệm thuộc về N không hẹn cùng lúc ùa về trong tôi…

Ngày ấy cách nay bốn mươi năm.
Nhận lời mời tham dự lễ cưới người bạn diễn vào lúc bốn giờ sáng tại sân nhà thờ giáo xứ Tân Thanh, tôi buộc phải ngủ qua đêm tại nhà người bạn cũng là bạn thân với chú rể. Sở dĩ, tôi phải làm phiền bạn bè, vì từ B’Lao vào Lộc Thanh tuy chỉ xa nhau hơn bảy cây số đường; ngặt nỗi, vào giờ đó chẳng có phương tiện công cộng nào hoạt động ngoài xe cá nhân. Hơn thế, do nôn nóng muốn chứng kiến việc tiến hành lễ kết hôn theo nghi thức công giáo diễn ra như thế nào, nên việc đi lại dù có khó khăn đến mấy tôi cũng cố gắng có mặt để thỏa mãn sự hiếu kỳ.

Vì là địa phương tập trung nhiều họ đạo, nên hầu hết các buổi lễ quan trọng ở đây thường diễn ra cùng lúc với buổi lễ sớm nhất trong ngày. Do đó, theo thói quen của người có đạo, bạn tôi cũng đã thức dậy sớm hơn cả tiếng chuông giáo đường, vang lên đinh – đoong nhắc nhở con cái Chúa mau tới nhà thờ hành lễ, cho dù bên ngoài trời vẫn còn đang tối như mực công thêm cái lạnh khó chịu nơi phố núi.
Vừa đun nước châm cà phê bạn vừa lên tiếng hỏi:
– Thức chưa? Đêm qua ngủ thế nào?
Do lạ chỗ, suốt đêm hôm tôi chỉ nằm nhắm mắt chờ sáng, chứ có ngủ nghê được chút nào đâu, nhưng nghe bạn hỏi tôi cũng cố trả lời cho qua chuyện:
– Tàm tạm thôi.
Nhận tách cà phê do chính gia đình bạn canh tác trên nương rẫy mang về tự rang xay, tôi nhấp từng ngụm nhỏ chất gây nghiện màu hổ phách, tận hưởng thứ hương vị quyến rũ qua đầu lưỡi. Tuyệt! Bên thời tiết se lạnh nơi cao nguyên, lại còn được nhâm nhi loại cà phê không hề pha trộn các tạp chất giết người, quả không còn gì thú vị cho bằng. Ngược lại, để có được những hạt cà phê cho đời, người nông dân đã phải đổ không ít mồ hôi trên đất đai của mình.
Trong lúc đang mơ mộng, thả hồn trên những đồi cà phê nở hoa trắng xóa như tuyết, tôi chưa kịp uống hết tách cà phê đã nghe bạn nhắc:
– Đi thôi kẻo trễ giờ làm lễ?
Tôi lẳng lặng uống hết chỗ cà phê còn lại trong tách xong, đứng lên theo bạn bước ra đường, hòa vào đám phụ nữ lớn tuổi lầm lũi đi về phía nhà thờ nằm tận trên đồi thông. Lạnh. Đến bây giờ tôi mới có câu trả lời cho câu hỏi: “vì sao ở B’Lao mỗi khi bước đường ai nấy đều khoác lên người một chiếc áo ấm”, để rồi sau này sống ở đây một thời gian, tôi mới nghiệm ra cái lạnh đã thấm vào da thịt mình từ lúc nào không hay. Lạnh. Tôi đưa tay kéo cao cổ áo khoác, che bớt cơn gió làm run rẩy đám lá ven đường, cùng lúc thọc sâu đôi tay vào trong túi quần tìm hơi ấm, trước khi leo hết con dốc lên đứng ở rìa sân nhà thờ, chứng kiến đám đông thanh niên nam- nữ vây quanh lấy cô dâu chú rể chuyện trò. Bất ngờ, trong đám đông người lao xao dưới ánh đèn cao áp đó,  tôi bắt gặp ánh mắt người con gái đứng lẻ loi bên chiếc bóng của chính mình, nhìn tôi qua nỗi cô đơn ẩn dấu sau ánh mắt, nụ cười thánh thiện; gợi nhớ hình ảnh thiên thần mang đôi cánh mỏng, trang trí ở các bức tranh kính màu thay cho những vuông cửa vòm, thường thấy gắn quanh các vách tường nhà thờ. Khác chăng, ở đây cô gái lại măc trang phục áo dài màu hồng phấn, đội trên đầu vòng hoa kết từ những bông hoa dại. Cô gái, tôi hoàn toàn chưa nhớ có quen biết cô, hay chẳng qua chỉ là sự nhầm lẫn giữa người này qua người khác, nhưng qua ánh mắt cô để lại, đã khiến cho trái tim tôi cảm thấy như có ngọn lửa nào đó đang thiêu đốt?
Không thể để vuột mất cơ hội, tôi quay sang hỏi thăm người bạn về cô gái:
– Cậu có biết nhiều về người mang gương mặt thánh nữ kia?
Bạn cười dễ dãi:
– Lại bị sơn nữ mê hoặc rồi chứ gì?
– Giúp mình quen với cô ấy đi.
– Con gái người ta chưa học hết bậc phổ thông đâu nhé..
– Thì đã sao?
Bạn khuyên:
– Nếu muốn cậu thử đi tìm cô dâu mà hỏi cho khéo vào.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đến đây tạm gián đoạn, do chẳng ai nghe được gì ngoài tiếng nhạc biểu diễn ồn ào của ban kèn Tây.
Trước tình hình đó, tôi chỉ còn biết đứng ngắm người nhạc trưởng trổ tài trên chiếc gậy điều khiển, bắt nhịp cho các nhạc công biểu diễn các nhạc phẩm nổi tiếng của Chopin, Beethoven, Bach . . . qua đó, tôi kịp phát hiện ra màu trắng tương đồng nơi các bộ đồng phục của những tân sinh viên sĩ quan, mặc trong các buổi lễ duyệt binh. Khác chăng, ở đây các nhạc công sử dụng nhạc cụ được làm từ kim loại bóng loáng thay cho vũ khí xấu xí, tạo ra sự phản chiếu ánh sáng chói lòa khiến cho không ít người có mặt bị hoa mắt. Và ngay sau đó, trong sự im lặng tưởng chừng không còn nơi nào yên lặng nào hơn giáo đường, người nhạc trưởng lệnh cho ban nhạc trổi lên bài “Ngày Tân Hôn” (Oui Devant Dieu), đón chào cô dâu chú rể tay trong tay dắt nhau đi từ cửa chính tiến vào bên trong làm lễ.

“Em bên mình anh lặng im dưới ban thờ
Và quanh chúng ta là vui sướng chan hòa
Tình duyên nhỏ bé thành đôi ước mơ già
Bao nhiêu tóc tơ, giờ đây đã kết se… (*)

Đến gần sáng hôn lễ cũng đã kịp kết thúc tốt đẹp.
Tôi theo bạn đứng lên, cùng mọi người rời khỏi nhà thờ, định bụng sẽ chờ cô phù dâu xinh đẹp như thiên thần xuất hiện, nhìn mặt lần cuối trước khi quay ra đón xe về lại thị trấn B’Lao. Trong lúc đang còn đứng xớ rớ ở khoảng sân, tôi được người thân của gia đình chú rể, bước đến chào hỏi, bắt tay, cảm ơn, trước khi mời ghé về nhà tham dự tiệc rượu đã được dọn sẵn.
Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên bạn cười giải thích:
– Đám cưới ở các xứ đạo thường như vây. Nghĩa là, sau lễ cưới ở nhà thờ ra, mọi người được mời về nhà ca hát, nhảy nhót, tiệc tùng thoải mái.
Biết khó lòng từ chối, tôi lẳng lặng đi theo sau bạn; suy nghĩ, biết đâu lần này chẳng là cơ hội giúp tôi được ở bên cạnh cô gái tôi thích?
Trong lúc ngồi vào bàn, chờ cho mọi người có mặt đông đủ, bạn nói nhỏ bên tai tôi:
– Hãy tận dụng thời gian vui chơi này mà tiếp cận cô gái đấy nhé.
Nhân lúc mọi người ăn uống chuyện trò rôm rả, tôi đưa mắt nhìn lên sân khấu dã chiến đặt trước hiên nhà, bắt gặp nụ cười quyến rũ kèm theo ánh mắt tình tứ nơi cô phù dâu dành cho tôi. Những tưởng, qua cử chỉ dấu yêu thương ấy chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận hết nỗi vui sướng, không ngờ hành động kín đáo đó lại không dễ dàng lọt qua mắt người bạn từng trải đang ngồi kề ngay bên cạnh.
Bạn cười khích lệ nói:
– Mình đã thấy hết cảnh hai anh chị “tình trong như đã” rồi nha. Mau mau đến với nhau cho người ta nhờ, còn bằng cách nào thì tùy vào sự ăn nói khéo léo của phia nhà trai.
Nghe bạn nói tôi thật tình không biết làm gì khác, ngoài việc ngồi chôn chân một chỗ, nhìn bâng quơ lên sân khấu, dõi theo bóng cô phù dâu đang bận làm nền cho cặp đôi cô dâu chú rể đứng chụp ảnh cùng bạn bè.
Bẵng đi một năm sau . . .
Vào một sáng sớm tại bến xe, sau khi tiễn chân người quen về lại B’Lao, trên đường quay ra bãi lấy xe, tôi tình cờ gặp cô gái đứng cạnh quày sách báo, nhìn tôi với ánh mắt nửa quen nửa ngờ. Lạ. Tôi cố nhớ xem khuôn mặt kia tôi đã từng gặp hay quen biết ở đâu hay chưa? Ồ! Ra cô chính là N, cô phù dâu có gương mặt thánh nữ, cô gái mà tôi có lần tìm cách làm quen trong đám cưới người bạn ở Lộc Thanh trước đây. Sau đó, do bận rộn với khá nhiều công việc ở cơ quan vào thời điểm cuối năm, kể luôn chuyện bị thuyên chuyển về dưới thành phố đột ngột, làm tôi quên bén đi mất việc phải đi tìm cô nói lời từ biêt.
Mừng rỡ, tôi quyết không để cơ hội lại vuột khỏi tầm tay lần nữa, nên chủ động bước tới đứng trước mặt N, hỏi như bạn bè từng quen biết lâu ngày:
– Em xuống đây từ khi nào?
Tỏ ra e thẹn, N cúi nhìn trên những ngón tay búp măng đan xen vào nhau, đáp lí nhí:
– Dạ! Từ ngay đầu đầu mùa hè.
– Lâu thế à?
– Dạ!
– Sáng nay em đến đây có việc gì?
Chìa tấm vé xe đã mua ra trước mặt cho tôi nhìn, N đáp:
– Ngày mai em phải trở về nhà rồi, hơn nữa, cũng sắp đến ngày tựu trường.
– Tiếc thật.
– Sao thế ạ?
– Đã lâu anh không trở lên B’Lao, chẳng biết bây giờ trên ấy có thay đổi gì nhiều không?
– Muốn vậy, hôm nào anh thử bớt chút thời gian trở lên đó một chuyến, biết đâu chẳng khám phá ra nhiều điều mới lạ?
– Tới khi đó em có chào đón anh không?
– Chừng nào anh lên hẳn hay.
– Nghe kể người ta vừa mở con đường từ thị trấn B’Lao xuyên qua đồi trà Hà Giang về đến Lộc Phát?
– Chưa đâu anh! Bằng chứng bọn em mỗi ngày vẫn đi học trên con đường đã có từ xưa đến giờ.
Con đường. Con đường từ ngã ba Lộc Sơn vào đến Lộc Phát, mỗi khi có dịp nhắc nhớ là mỗi lần tôi như được sống lại những năm tháng lưu lạc trên cao nguyên. Thời gian tuy không dài, nhưng đủ ghi lại bao kỷ niệm nhớ đời; nhất là vào dịp cuối mùa thu chuyển sang đầu đông, con đường cứ như một dải lụa mềm mại dưới mù sương sớm mai, hay có lúc biến thành một vườn treo Babylon ngập tràn bên sắc xanh, của bao la đồi trà, của bạt ngàn đồi cà phê, của mùa dã quỳ vàng ươm nơi ven đường. Dã quỳ. Loài hoa hoang dã, không mang hương vị thơm tho như bao loài hoa khác, nhưng lưu lại nơi những chiều màu vàng óng mượt nhung tơ, đủ làm say đắm bao tâm hồn người nghệ sĩ. Và. Cứ vào thời gian tuyệt vời đến thế, tôi tự cho phép tôi lội bộ bảy cây số đường xa, chỉ để được thả hồn bên thứ màu vàng óng không lẫn vào đâu được so với tên gọi dã quỳ.
Mãi bận tâm về con đường, tôi quên là tôi đang đứng chuyện trò với N, tới khi kịp nhớ ra tôi vội vàng chữa lỗi bằng cách thốt lên:
– Ồ! Thật vậy sao?
Có lẽ N đã phát hiện ra sự đãng trí nơi tôi nên chỉ cười dễ dãi hỏi:
– Lâu nay anh làm gì dưới này?
Tôi ngượng ngùng đáp:
– Vũ như cẩn nghĩa là vẫn như cũ.
– Anh thú vị thật.
Tôi giải thích:
– Lần gặp em ở đám cưới về, anh định sẽ nhờ vợ chồng L giới thiệu cho anh được làm quen với em, nhưng sau đó bất ngờ bị điều chuyển công tác về thành phố, nên anh không có dịp gặp lại em.
– Tưởng sau lần đó anh quên mất em.
Để tránh nhắc lại chuyện cũ tôi liền chuyển sang đề tài khác:
– Có phải năm nay là năm học cuối cấp của em?
– Sao anh biết?
– Nghe bạn kể.
– Anh còn biết gì về em nữa?
– Bí mật.
– Xấu quá, không quen với anh nữa.
– Tốt nghiệp xong em sẽ về dưới này học đại học chứ?
– Gia đình em nói con gái học bao nhiêu đó đủ rồi.
– Riêng em thế nào?
– Dĩ nhiên là em thích làm điều mình thích, thích được tiếp tục việc học, thích được thỏa mãn ước mơ.
– Thử giải bày với gia đình?
– Cuộc sống ở nông thôn vốn lệ thuộc vào phong tục, tập quán, nên là con gái em khó thoát ra những lề lối xưa cũ đó.
– Em chấp nhận từ bỏ đam mê?
– …
Sau lần gặp gỡ, tình cảm giữa tôi và N ngày càng trở nên thắm thiết, nhờ những lá thư qua lại…
Cho đến một ngày, khi đã trải qua hơn hai mùa hè hạnh phúc bên nhau, N cắt đứt mọi liên hệ với tôi ngay sau khi trở về lại B’Lao. Điều gì đã khiến cô hành động một cách tuyệt tình đến vậy? Buồn. Tôi không hy vọng nhận được từ N những lá thư như trước đây, nhưng sao trong tôi cứ luôn thấp thỏm đợi chờ sự bất ngờ nào đó xảy ra, cho dù mỗi ngày vẫn nhìn thấy bóng người đưa thư đi ngang nhà.
Một tuần rồi hai tuần qua đi, tôi ngồi nhớ nhung kỷ niệm một thời tình tứ đi bên nhau qua từng con đường đêm ngập tràn ánh trăng; nhớ mùi hương da thịt quyến rũ hít hà nơi N, khiến tôi quyết đinh trở lên B’Lao đi tìm N.
Sau một hồi dò hỏi khắp bạn bè thân quen, tôi đã tìm ra đúng ngõ vào nhà N, ngạc nhiên khi đứng bên chiếc cổng vòm được trang trí với hàng trăm đóa hoa hồng, bên trên treo bảng “Vu Qui”, báo hiệu bên trong có nhà cô gái sắp lên xe hoa về nhà chồng. Chuyện gì đang xảy ra ở đây. Tôi cảm thấy vô cùng hồi hộp, nghe rõ tiếng con tim đang đập dồn dập trong lồng ngực. Chúa ơi! Xin đừng ai nói với tôi hôm nay là đám cưới của N. Vừa hồi hộp tôi vừa lo sợ bước đi vào ngõ nhà N, đứng chen chân giữa đám đông phụ nữ hiếu kỳ, đang dán mắt nhìn qua hàng rào dâm bụt. Kia rồi, hiện ra trước mắt tôi là hình ảnh cô dâu chú rể ăn mặc theo lối truyền thống, đang quay lưng chấp tay vái lạy trước bàn thờ gia tiên, kế đến được vị chủ hôn dẫn đi ra mắt họ hàng hai bên. Chúa ơi! Kịp khi cô dâu quay mặt lại, tôi suýt phải ngất đi vì không thể tin vào mắt mình, khi nhận ra người đứng trước mặt tôi chẳng phải ai xa lạ, mà chính là N mà tôi đang đi tìm…
Xế trưa, xe chạy ngang thị trấn B’Lao, ghé vào trạm nghỉ chân ở Lộc Sơn nhận thêm khách, trước khi di chuyển tiếp lên Đà Lạt. Để thư giãn, tôi theo hai cô gái xuống xe, không phải muốn theo về Lộc Thanh, mà nhân cơ hội này hoài niệm về mối tình xảy ra cách nay hơn bốn mươi năm giữa tôi với N. Mối tình cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa hiểu vì sao chỉ trong một sớm một chiều, cô đã rời bỏ tôi ra đi không một lời từ biệt?
Người ta há chẳng đã từng khuyên: “Một bức tranh đẹp chỉ nên đứng nhìn từ xa” hay sao. Cho nên, chuyện tình ngày ấy đến nay không còn là một vết thương, mà đã trở thành một vết sẹo nằm sâu trong tâm hồn tôi. Và. Cho dù hôm nay tôi có gặp lại N đi chăng nữa, chưa chắc gì tôi đã yêu cô như thuở ban đầu.
Thôi thì, hãy cứ giữ lấy trong tim hình ảnh đẹp đẽ thuộc về nhau, còn hơn phải ngỡ ngàng khi gặp lại nhau ở tuổi xế chiều./.

Minh Nguyễn
(*) Bản dịch của NS Phạm Duy qua bài Oui Devant Dieu của tác giả Ginette Reno.