16 June 2016

ĐÀ LẠT - Nguyễn Lệ Uyên

Mỗi lần trở lại Đà Lạt, lại thấy có sự thay đổi rất bệnh hoạn. Bầu trời Đà Lạt trên đầu vẫn là bầu trời muôn thuở, vẫn mây, vẫn khói, vẫn một chút lạnh đủ để các thiếu nữ làm duyên; nhưng dưới nó, trên mặt đất lại có một Đà Lạt thoi thóp, ngắc ngoải. Bạn đồng hành than thở: “Con người đã giết chết Đà Lạt!”. Tôi lắc đầu: “Không, chính xác thì, chủ nghĩa xã hội thổ tả kia đã và đang liên tục hãm hiếp Đà Lạt”. Một Đà Lạt đẹp như nàng tiên đang ngủ trong rừng thông bị những tên bạo chúa lật ngửa, đè ra hãm hiếp đến toe máu đầm đìa. Đó là những vồng đất, gốc thông, những căn biệt thự cổ bị lật tung lên theo đủ cách khác nhau. Chúng cứ từng ngày từng giờ, biến thành phố “mộng mơ” thành khu Ngã năm chuồng chó, Ngã ba chú Ía thời đệ nhị Cộng hòa, khác chăng, một bên mưu sinh bằng xác thịt; một bên câu kết thành bè nhóm, cướp giật tài nguyên môi trường, để Đà Lạt ngày một xơ xác hơn, thành một cái xác bị chứng giang mai, lở loét cùng mình!

Cả một không gian thoáng rộng ngày trước với những tòa biệt thự, những cây thông, hồ nước nay bị lũ người khốn nạn, những tên mafia đè ngửa ra, bóp nát những bộ ngực trinh trắng: Thông đồi Cù bị chặt cho sân golf, quanh hồ Tuyền Lâm máy ủi, máy xúc cạo sạch lông những thảm cỏ, đồi thông để xây biệt thự cao cấp…
Đứng ở đầu dốc phía nhà thờ con Gà nhìn ngang, khu Hòa Bình lúc này vừa là khu ổ chuột vừa là những hộp bê tông chen chúc nhau đứng ngồi lộn xộn, cào nát không gian đẹp, khiến tôi liên tưởng ngay đến những đám đất cày mùa tháng Ba. Không, như thế vẫn còn thơ mộng. Không. Đà Lạt bây giờ giống như một bãi rác điện tử thì đúng hơn.
Lúc này, nếu như nhạc Sĩ Hoàng Nguyên (1932-1973) nhìn thấy Đà Lạt, tôi nghĩ ông sẽ buồn không ít về những gì ông đã thả hồn mình đến tận cùng trong ca khúc Ai lên xứ hoa đào năm nào, giờ vẫn giữ nguyên giá trị nhân văn, tính lãng mạn trong giai đoạn “tang thương ngẫu lục” này.
May mà Đà Lạt còn có tình người. Những người bạn muôn năm cũ vẫn cam chịu những đè nén ngột ngạt nhưng không hề thỏa hiệp, đầu hàng; họ không quay lưng lại với bè bạn xưa vì cái danh, cái lợi đã từng làm nhiều người biến thành những con sói hung dữ. Nguyễn Dương Quang và Nguyễn Sông Ba ra tận bến xe đón tôi, lại còn cho nằm nguyên một gian phòng rộng ấm áp, vốn dĩ xưa kia là phòng của hai vợ chồng trẻ Võ Hồng sau khi cưới nhau. Quang chỉ cho tôi sàn gỗ bị cháy sém một mảng lớn, nói: “Hai ông bà Võ Hồng kê ông táo nấu nướng, sức nóng làm cho sàn gỗ bị cháy áp”. Âu cũng là duyên may để hình dung thời trai trẻ của một nhà văn từng có những tháng ngày hạnh phúc trong căn phòng này, cách đây gần 60 năm.

Trước khi đi, tôi gọi điện hỏi Đỗ Hồng Ngọc, anh có lên không? Ảnh nói: “Trời ơi, các bạn ùn ùn lên Đà Lạt làm mình nôn nao quá!… Mình kẹt các buổi giao lưu về tập thơ Thư cho bé sơ sinh và tập Thiền & Sức khỏe ở Phương Nam Book và Đại học KHXH và NV… Tiếc lắm!”.
Nghe kể lại, xem những tấm ảnh và vài đoạn clip, ĐHN tiếc hùi hụi. Vắng anh, nhưng nhóm Ý Thức vẫn đông đủ, có cả vợ chồng anh KĐ.

Điều mà ĐHN tiếc hùi hụi bởi hiện tượng “các bạn ùn ùn lên Đà Lạt”, chỉ vì hai nguyên nhân: Anh Đinh Cường từ Virginia (HK) mang tranh về triển lãm tại Gallery Đào Nguyên từ 29.11 đến 3.12 với chủ đề Đà Lạt nỗi nhớ. Tôi chẳng hiểu mấy về hội họa. Song nhìn những bức tranh của Đinh Cường, Thân Trọng Minh có chút gì đó rất ấm áp giữa cảnh đời xô bồ, bợt nhạt. Nói ấm áp bởi Đà Lạt được vẽ trong trí nhớ, từ một góc trời xa thổn thức, với những thiếu nữ bên nhà thờ, những ngôi biệt thự ẩn mình bên quả đồi quả đồi xanh lơ, những con đường nhỏ, những khuôn mặt bạn bè nồng ấm thời trai trẻ…
Một chút khói sương, một chút lãng đãng pha đậm trong sắc màu trí nhớ bạc trên đầu và nhòe trong đôi mắt. Nhìn những bức tranh được treo trang trọng trên tường, nỗi niềm đầu tiên là bùi ngùi tiếc nuối một thời đã qua vừa được nối lại bởi màu sắc và đường nét. Hội hoạ dễ kéo xích gần tâm hồn con người như cái cầm tay lần đầu với cô thiếu nữ!
Trong Gallery Đào Nguyên nhỏ nhưng ấm cúng này, khách đến với các họa sĩ khá đông. Đến để thưởng ngoạn và chia sẻ. Những Bửu Ý, Nguyễn Quốc Thái (TK tạp chí Trình Bày), Khuất Đẩu, Huyền Chiêu, Dân & Elena, Lữ Quỳnh, Lê Ký Thương & Kim Qui, Châu Văn Thuận, Nguyên Minh & Lan… hầu hết tóc điểm sương, nhưng đôi mắt và tâm hồn như những chàng trai trẻ yêu đời. Bắt tay nhau, ôm chặt nhau. Không cần đại ngôn, chẳng hề có đẳng cấp kiểu đấm bốc, nhưng tình cảm thì chan hòa.
Buổi tối, tất cả đều kéo nhau đến “biệt thự” của chàng nho sĩ Lữ Kiều. Kinh khủng. Từ mặt lộ xuống nhà là một con dốc dựng đứng, đến nỗi Nguyên Minh phát sợ. Nguyễn Dương Quang giữ tay Đinh Cường, tôi một bên Lữ Quỳnh chầm chậm sên bò. Đến sân mồ hôi tứa ra vì sợ. Đúng là một nơi ở bão táp “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Chưa tới, nhưng ít lắm cũng gần 300 mét. 300 mét cho một đời thơ, hội họa, một đời văn chương tiếp nối.
Thức ăn bày biện sẵn, có cả chai Chivas Regal 18 và chai Johnnie Walker Bửu Ý mang từ Huế vào. Ăn uống thoải mái, chuyện tuôn ra như người nhà lưu lạc lâu ngày gặp nhau. Trùng phùng.
Cuối bữa, Lữ Kiều mời mọi người ra sân đốt lửa. Những cành thông khô ẩm nước bốc khói mù mịt. Tất cả vây quanh đống lửa và anh tuyên bố hôm nay là ngày sinh nhật thứ 70 của mình. Hóa ra Lữ Kiều một công hai việc, vừa triển lãm tranh, vừa tổ chức sinh nhật. Chắc sẽ là một ngày sinh nhật đáng nhớ trong đời bởi có mặt đông đủ bạn bè từ khắp nơi, trong và ngoài nước.
Vẫn còn một góc Đà Lạt như thế ẩn sâu trong lòng mỗi người. Ấm áp. Rất ấm áp.

Hôm sau đoàn xuống Bảo Lộc thăm Sơn núi (Nguyễn Đức Sơn). Tôi quay về để kịp cày cuốc. Và, giữ mãi những hình ảnh đẹp tuyệt vời này.

Nguyễn Lệ Uyên