14 June 2016

ANH KHUI - Hồ Đình Nghiêm

Ngày… tháng…
Trước tiên, Thuỷ có tin tới chữ định mệnh? Tôi không định ca cẩm về thứ gì to tát, chỉ nói tới những chuyện cỏn con.
Thuỷ tin chứ anh, không tin không được, khẳng định thế, đóng đinh chẳng rút ra được ý nghĩ kia. Gia đình Thuỷ nhiều lần vượt biển đều thất bại, từ bãi bờ trong Nam đi dần ra và lần cuối vùng biển của địa phận Huế đã chế ngự tai ương, êm đẹp cho cuộc viễn du tạm gọi xuôi chèo mát mái.

Hèn gì giọng nói Thuỷ mang nặng âm hưởng người Sài Gòn, trong khi ở Hồng Kông đa phần chúng sinh đều gốc gác là dân miền Trung, tách riêng với đám người đến từ phương Bắc. Nghe Thuỷ nói và có khi tôi để cảm tình chạy xiêu lạc thất thoát vào trong ngữ điệu đó. Đừng cười, tôi thực lòng mà!
Thuỷ cười vì nhớ lại, ngay từ đầu, linh tính mình đã không sai trật về một dự cảm. Sự tử tế của anh khi đó làm người khác phải gợn lòng.

Tôi thực sự là đứa tử tế à?
Thì cứ tạm coi như vậy đi, không tử tế thì đã có sự thiên vị chen vào. Hoặc ga-lăng, hoặc nịnh đầm, giả dụ thế. Anh hẳn còn nhớ cái khui mở lon đồ hộp?
Nhớ như in. Vin vào chuyện ấy để nghi ngờ tới định mệnh. Để kể cho Thuỷ nghe đầu đuôi, tôi đi tay không khi vượt biển, nhẹ nhàng quá, tôi nghĩ nên mang một thứ gì theo để kỷ niệm. Anh tôi đã bị cải tạo ở rừng sâu, tôi tìm thấy sợi dây có tấm thẻ bài của anh xâu cùng với cái khui nhỏ bé của lính Mỹ. Buồn tay tôi đeo nó vào cổ và có ngờ đâu tháng ngày sau đó tôi sáng giá được bà con bu quanh thân thương gọi là Anh Khui.
Rất dễ tìm ra anh, người ngồi làm việc thiện nguyện giữa đám đông. Thuỷ nghĩ bọn người cứu trợ tị nạn cũng vụng tính, phát thực phẩm đồ hộp cho người ta mà quên không đưa vật khui mở. Lý ra anh đáng được bọn họ tuyên dương công trạng.
Ban đầu tôi tính cho bà con mượn nhưng người đàn ông đi chung ghe cùng tôi cảnh báo: Mất như chơi, họ chuyền tay nhau rồi cuối cùng vật đi không trở lại với người. Lạ lùng gì bản chất cái đám đông bát nháo ấy. Ăn quả mà chẳng nhớ kẻ trồng cây. Nghĩ có lý, tôi đành bỏ công ra khui mở lần lượt cho họ lon paté hộp cá mòi. Giải quyết xong xuôi khư khư đeo lại vào cổ thứ vật bất ly thân nọ.
Và anh thường ưu tiên khui mở cho Thuỷ. Kỷ niệm đó e quý hơn tất thảy những kỷ niệm khác? Nó còn lành lặn, nó có theo anh sang tới bên đây không?
Sau một tuần nằm phơi nắng gió trên xà-lan, tôi được gọi tên cho vào đất liền làm thủ tục với phái đoàn đặc trách người tị nạn. Có một bà nhanh miệng lại gần: Xem như em là hoa hậu năm rồi, hãy trao lại vương miện ấy cho chị, hồi nào chị theo em sang ngang chị sẽ bàn giao nó cho kẻ đến sau. Đã là dân tị nạn gửi thân đất lạ nên mở lòng chơi đẹp với nhau em nhớ. Bà ấy chị em ngọt xớt còn ôm siết thân tôi chúc lành trước khi bước xuống ca-nô. Tôi thực sự cảm động, chẳng ngại ngần đưa bà kỉ vật của người anh. Khi đó hẳn Thuỷ cũng đã rời xà-lan trước tôi, vì số thuyền Thuỷ nhỏ hơn.
Anh còn nhớ cả số thuyền nữa à?
Nhớ chứ Thuỷ. Họ không hơi đâu biết tên tuổi của đám người xa lạ, họ chỉ cần đọc lên một con số thì rõ trắng đen. Hình như tù nhân cũng vậy, mỗi mạng phải ăn nằm cùng số má ấy cho đến lúc hoàn lương.
Thuỷ “ở tù” được một năm thì bay sang Đức. Mình khai có thân nhân ở bên đó nên phái đoàn Đức vui vẻ tiếp kiến thu nhận. Hôm ra đi trời Hồng Kông xám xịt những mưa tuôn, Thuỷ nghĩ bên Đức e cũng chẳng sáng lạng gì. Tâm lý chung của người sống trong trại cứ mơ tưởng tới Hoa Kỳ, nghe nước Đức họ ngại đủ điều, nhất là vấn đề ngôn ngữ. Nói chung Thuỷ lên đường chỉ vì sợ điều kiện hỗn tạp, chung đụng ở trong trại ấy quá lâu.
Bữa đó tôi đi làm về muộn, vào trại mình xong tôi leo rào, vi phạm điều lệ để đột nhập lén lút, chạy tới dãy hut A2. Thuỷ đã chẳng để lại thứ ám hiệu nào cả. Một tờ giấy nhỏ cũng không, bà nằm cạnh giường Thuỷ nhìn tôi ái ngại: Cô ấy đi rồi, đi vào ban trưa. Ừ, tới chiều tối mịt mà mưa vẫn làm nhoè cảnh vật. Sân đất đọng vũng và tôi đã thầm gọi Thuỷ ơi.
Đến Dortmund Thuỷ có viết cho anh lá thư, anh nhận được không?
Thư chẳng đến tay, trong suốt cả tháng trời ám buồn nọ tôi không nhận bất kỳ một thứ gì cả và may phước Canada gọi tên tôi biểu ký giấy nợ tiền vé máy bay. Tôi đi cũng không một người đưa tiễn. Khi đã bình phi, ngó xuống Cảng Thơm tôi cám ơn vùng đất đã cho mình tạm trú, cám ơn cái khui đồ hộp và cám ơn câu thơ Kiều chợt nhớ: “Trời đông vừa rạng ngàn dâu, bơ vơ nào đã biết đâu là nhà”.
Anh vẫn thế, vẫn cái lối nói chuyện như xưa. Anh thấy Thuỷ ra sao, chúng ta ai nấy đã mòn hao già cỗi. Sau 4 năm tạm gọi là ổn định, người anh giới thiệu và Thuỷ đã lấy chồng hiện có hai con… Hình như sắp rớt mạng hay sao anh nhỉ? Anh nghe rõ Thuỷ nói không?
Màn ảnh máy vi tính chập choạng hình ảnh, đường nét mù mờ. Sóng ngưng tải những tâm sự vu vơ, thứ mà Thuỷ bảo bằng hai chữ: Rớt mạng. Hong Kong và đâu đó bên nước Đức được kéo về gần rồi thoáng chốc chạy dạt ra xa, mù tăm. Ngoài rớt mạng chúng ta bị rớt thêm điều gì? Mưa gió bão bùng rơi xuống triền hạn, khiến đột ngột cắt đứt một đầu mối vừa lần ra, vừa chạm được. Thuỷ đã lấy chồng hiện có hai con. Thôi, vậy cũng xong. Biết nhiêu đó đã vẹn toàn một cuộc trao đổi.
Ngày… tháng…
Bên đó, lịch nghỉ hè của Thuỷ rơi vào tháng mấy?
Anh biết để làm gì?
Cuối tháng bảy này anh lên xe bông, anh đổi đời, Thuỷ sang để làm người đại diện cho đàng trai thì sẽ khiến anh hạnh phúc hết biết. Dắt theo chồng con thăm thú chốn này luôn thể.
Lu bu quá mạng là hình ảnh của kẻ sắp làm chồng, thì giờ đâu mà đoái hoài tới khách phương xa. Thuỷ sợ nhất là chữ “mang con bỏ chợ”.
Chúng ta sẽ gần nhau suốt ngoại trừ đêm tân hôn, tin anh không? Nói láo hộc máu.
Vợ tương lai của anh như nào? Tả Thuỷ nghe.
Tên Nguyệt, nhỏ thua Thuỷ sáu tuổi. Đẹp xấu tuỳ người đối diện, cao một mét sáu bảy, nặng năm mươi mốt ký, tóc đen, mắt nâu và đã qua một đời chồng. Thuỷ muốn biết gì thêm?
Sao anh không nhắc tới chữ định mệnh?
Anh gặp Nguyệt trong “đêm nhớ Huế”. Có lẽ do sự mai mối ngầm của mấy người bạn vốn đã yên bề gia thất. Hai đứa ngồi gần nhau và anh có cảm tình với cái thật lòng của Nguyệt, cô ta không che đậy làm dáng vẻ như đa số các cô gái khác. Thêm điều nữa, Nguyệt nói giọng Nam, âm hao gần trùng như khi nghe Thuỷ nói. Thuỷ sang với anh rồi Thuỷ sẽ chứng thực là hoàn toàn anh chẳng đặt điều vẽ chuyện. Sang chia vui và giúp anh lần này, nhé. Nói theo kiểu người ta ưa sử dụng trong thiệp mời: Sự có mặt của quý vị là niềm vinh dự của chúng tôi.
Lần này không rớt mạng, thời tiết tốt nhưng Thuỷ phải dắt hai đứa con đi mua sắm. Tạm ngưng ở đây, Thuỷ không hứa, để thuyết phục ông xã trước mới tính được. Canada… để xem nơi anh ở có đúng là xứ lạnh tình nồng không!
Ngày… tháng…
Nguyệt cám ơn anh chị đã vượt bao gian khó để sang dự ngày vui của chúng em, đã thế còn mang theo quà tặng. Em luôn có cảm tình với những sản phẩm đặc thù của Germany.
Chúng tôi cũng mến chuộng xứ sở này, nơi được thế giới luôn ngợi ca về mặt an sinh xã hội. Luôn nuôi ý định sẽ đi thăm một lần và đây đúng là cái cớ nhất cử lưỡng tiện, hai đứa con chúng nó cũng thích thú vô cùng.
Trong quán ăn, cái bàn tròn kê sáu ghế. Tôi ngồi gần thằng con trai bảy tuổi, tới chị nó, tới Thuỷ, tới Lợi chồng Thuỷ và tới Nguyệt. Thuỷ vẫn còn mặn mà, những hư hao ngày cũ thời tạm trú trong trại tỵ nạn đã được bồi đắp khi thụ hưởng với cuộc sống văn minh no đủ. Ngồi đó, vẻ đẹp của Thuỷ khiến “hoa nhường Nguyệt thẹn”. Vợ tương lai của tôi chưa đủ hoả hầu để so bì cùng Thuỷ, y như bóng đá, ra sân Đức bao giờ cũng thắng đậm Canada. Chán thế! Được cái, Nguyệt biết cách ăn nói, lời phi lộ của cô làm mát bụng tôi. Lợi, chồng Thuỷ cũng thuộc dạng miệng mồm. Hai người ấy lời qua tiếng lại chừng tâm đắc. Chỉ có Thuỷ và tôi, hai đứa ngậm miệng hến vì chúng bận loay hoay tìm cách xua tan bao bồi hồi ở phút giây tương phùng hội ngộ.
Nguyệt lên chương trình, sẽ dắt gia đình anh Lợi đi vườn hoa nổi tiếng chốn này để thưởng lãm. Cô thêm thắt, có lắm cô dâu chú rể vào vườn hoa nọ để quây video có viết sẵn kịch bản rất mực tình tứ. Thuỷ hỏi, vậy cô dâu chú rể này thì sao? Tụi em đâu còn son trẻ mà đi đùa nghịch kiểu lạ thường ấy, thậm chí chiếc áo cưới của em cũng rất giản dị, đơn giản. Đi vào vườn hoa thuần chỉ để ngắm hoa chứ chẳng đủ sức để cỡi ngựa xem hoa.
Lợi tán thưởng, Nguyệt nói đúng quá và tui rất chịu chữ cỡi ngựa mà Nguyệt dùng. Tôi trộm ngó Thuỷ, cô vừa đá lông nheo sau câu nói của Lợi. Trước lạ sau quen, đứa con trai bảy tuổi của Thuỷ chừng như tỏ vẻ thân thiện với tôi. Nó chỉ biết nói tiếng Đức và như thế tôi với nó như đứa điếc tỏ bày tình cảm với kẻ câm. Tôi ý thức một chuyện, là có đôi khi lòng mình nổi sóng ba đào mà không cách gì để trút bỏ ra qua miệng lưỡi. Tôi nhìn Thuỷ, em có biết hồ nước ấy đang chứa ngập một tình yêu?

Như đã hứa trước với Thuỷ, hoạt cảnh đem con bỏ chợ chẳng hề xẩy tới. Bọn chúng tôi luôn kề cận bên nhau, vợ chồng Thuỷ do từng có kinh nghiệm đi trước, giờ này họ mang vốn kiến thức ra chỉ bày và giúp đỡ lắm việc trong ngày “trọng đại”. Hai đứa con họ thì rất vui thú khi ngồi ở bàn có đặt thùng “phước sương” thu nhận phong bao lì xì của khách khứa được trông chừng bởi quý bà quen biết với Nguyệt.
Lợi thì ngồi ở góc khuất cố viết và cố thuộc đoạn diễn văn sẽ đọc trước giờ nhập tiệc nâng ly rượu mừng. Thuỷ luôn di động vào ra căn phòng dùng trang điểm cô dâu và nhờ trời người ta tạm ngó lơ thằng tôi, thằng chú rể bơ vơ ngác ngơ khi chung đụng với thứ hoàn cảnh nằm mộng cũng chẳng ngờ.

Xớ rớ một đỗi thì Thuỷ đến sát bên lưng, cô như bà Trưng bà Triệu giỏi việc điều binh khiển tướng, sắc bén tầm nhìn khi nhận định thời cuộc. Vào đây. Thống soái ra lệnh. Thuỷ kéo lôi tôi đi vào một góc phòng tối mờ có tấm bình phong che chắn. Có lẽ đây là nơi mà nhà hàng dùng để chứa những thứ đổ vỡ sứt cọng gãy càng. Chúng tôi ôm siết thân, vòng tay như vòi bạch tuộc cuốn chặt từ dặm ngãi Hong Kong kéo về hiện tiền sắp có pháo đỏ rượu hồng. Thuỷ vén áo đầm lên, Thuỷ tụt nội y xuống và nói hụt hơi: Anh khui ơi, cho anh khui Thuỷ đó. Tôi hôn màu son môi đỏ, tôi liếm vị ngọt từ đó ứa ra. Chú rể ơi, cho chú làm nháp trước đó, cho chú ăn cơm trước kẻng, cho chú nhúc nhích trước buổi động phòng. Tôi đi vào người Thuỷ, êm thắm ngọt ngào, sau đó là chấn động của ngọn núi lửa dấu lòng bao phún xuất thạch, ẩm ướt và nóng bức. Thuỷ nhìn xuống “cái khui” vừa được tắm gội và cô giả giọng như ngày còn bên phương trời xao xác ấy: “Tố chề”. Tiếng Quảng Đông nghĩa là cám ơn. Tôi lập lại chữ đó sau khi Thuỷ vuốt lại tóc tôi, chùi môi tôi dính son hồng và sửa lại ngay ngắn cái cụm hoa giả gắn trên túi áo vest của tôi.
Thuỷ đọc hiệu lệnh: Anh đứng đây khoảng năm bảy phút sau khi Thuỷ rời bước. Cô quay lưng, hát nhỏ một khúc nhạc cũ có ca từ: Hôm nay ngày cưới em, vì sao nàng mời tôi đến… Không một ai hay biết ngày xưa chúng tôi có với nhau chút kỷ niệm dẫn dắt bởi một cái vật kim loại nhỏ dùng để khui mở bao nhiêu lon đồ hộp. Chẳng một ai hay sau chất chồng mùa thu lá bay, Thuỷ hiện ra để lấp đầy một ước nguyện không thành dạo ấy: Khui mở con người Thuỷ dù trái tim dấu trong đó đã thôi nguyên vẹn hình hài. Tôi chẳng chùi rửa cái khui ấy. Tôi cất nó trong quần. Tôi nhắm mắt hôn Nguyệt theo sự xúi dục của đám đông, của bao tiếng ly tách muỗng nĩa va chạm. Đám đông chúc chúng tôi hạnh phúc, kể cả Lợi, rất thực lòng có trong bài diễn văn cảm động. Tôi hạnh phúc, vì tôi vừa ăn mắm ăn muối giữa xác thân người tình cũ và đêm nay được cọ xát ăn nằm, hoặc chong đèn thức khuya đếm bạc lời nhiềi hơn lỗ với cô vợ mới.
Một quốc gia có tới hai giếng dầu, quốc gia ấy buộc phải giàu mạnh hạnh phúc. Tôi tên Gia, bí danh là anh Khui. Gia này sẽ tìm cách khui giếng dầu của Thuỷ thêm lần nữa trước khi nàng về lại Germany khô cạn nguồn cơn. Thuỷ ơi, em có hạnh phúc không?

Hồ Đình Nghiêm