Lời dẫn: Tập
tuyện "Ngày tháng buồn hiu" của Ngọc Ánh hiện đang được chúng tôi giới
thiệu với quý vị qua đề mục 'Truyện nhiều kỳ' trên trang blog Góc
Sân Chơi. Chúng ta sẽ cùng tác giả đi trở lại những khoảng thời gian
khó khăn đầy tuyệt vọng trong quá khứ để giúp chúng ta bước hy vọng mãnh
liệt về tương lai tươi sáng trước mặt. Kinh nghiệm của tác giả chính là
chất liệu chúng tôi muốn gửi đến quý vị để chúng ta cùng bước qua 'ngày tháng buồn hiu' và nhìn lại nó với lòng can đảm và tự hào. Mời quý vị.
CÁT BỤI
Chiếc xe
ngừng lại ở cây số 19 của huyện Hàm Thuận trên quốc lộ 1A. Ngôi mộ
nằm dưới chân núi đất cách quốc lộ chưa tới một km, ngày đầu tiên ra
thăm anh, tôi hỏi người dân quanh vùng hầu như ai cũng biết về vụ xử
bắn mươi năm trước, họ còn tả rất chi tiết về cái chết của anh. Sau
ngày anh bị bắn thì một người quen đã vào Sàigòn báo tin, anh chị
Sáu vội vã đến chụp mấy tấm hình, ngôi mộ đắp sơ sài với tấm bia
bằng gỗ viết tên anh, cây cột trói anh vẫn để đó và mấy viên sỏi
dưới chân còn vướng máu được anh chị gói cẩn thận cất giữ như lưu
lại nỗi đau của gia đình. Lá thư được anh chị gởi vào trại có mấy
chữ “Bảy đã về với Má ngày
14/6/1982” như một
mật khẩu để tránh sự kiểm duyệt của trại mà đọc ra chỉ có mình
tôi hiểu. Vậy là anh đã bỏ chúng tôi ra đi thật rồi! Biết
trước thế nào cũng có ngày này. Nhưng sao tôi vẫn thấy lòng quặn
thắt nhói đau khi phải đối mặt với sự thật đau buồn.
Đêm đó
hai mẹ con vào mùng, tôi ôm thằng bé nghẹn ngào kể cho nó nghe chuyện
của Ba bay về trời như dũng sĩ trong truyện cổ tích bay đi giết con
quái vật hung ác. Nó còn quá nhỏ để đón nhận nỗi buồn quá lớn
này. Tôi không thể làm trái tim VyDân tan nát, đêm đó
sau khi dỗ thằng bé ngủ, tôi đã khóc như chưa bao giờ đau đớn đến như
vậy, biết là dù sớm hay muộn thì mình cũng xa nhau, nhưng mà Tài yêu
ơi, anh có thanh thản để về cõi vĩnh hằng khi bỏ lại mẹ con em?
Anh nằm
đây chắc cũng yên vì nghe đâu trước kia ngọn đồi này là nơi đóng quân
của một đơn vị lính VNCH, ít ra anh cũng có đồng đội ở cạnh để
cùng chia sẻ
nỗi đau đất nước điêu tàn..
Dù xa
nhưng tôi vẫn tới lui thăm anh, rủ rỉ chuyện này kia cho nỗi buồn nguôi
ngoai, khi đau khổ người ta thường kêu Trời ơi, còn tôi chỉ biết khấn
nguyện anh thôi,
“Hãy phù hộ cho mẹ con em Tài ơi! Phù hộ cho con dế mèn VyDân bé bỏng của chúng ta đang phiêu lưu nơi xa xăm nửa vòng trái đất được bình yên.”
mặc dù tôi biết bệnh tật của thằng bé khó mà
phục hồi.
Vùng anh
ở mùa mưa nước lầy lội, mùa nắng đất khô cằn nứt nẻ, ngôi mộ như
lún sâu thêm bên dưới, có lần con ông Thầy cũ theo tôi ra tận đây, hắn
cũng ái mộ anh quá nên hai chị em khiêng những hòn đá dựng lại ngôi
mộ cho tươm tất. Những tưởng anh sẽ yên nghỉ lâu dài nơi đây, nhưng
không ngờ họ có kế hoạch mở rộng quốc lộ trong vài năm nữa, có thể
sẽ đào tới chỗ anh nằm, Suy nghĩ mãi rồi mới tính chuyện hốt cốt, “Phải mang
anh về nhà thôi Tài à, em không muốn mộ anh bị vùi dập nát tan giữa
nơi xa lạ này, mặc dù em vẫn chưa biết anh thích ở chùa hay ở nhà
thờ, người như anh thì chỉ lên thiên đàng thôi, anh sẽ làm ngọn gíó
trời bay cao lồng lộng hay làm ánh sáng
trên một hành tinh xa xôi,rong chơi quên lãng...em tin thế cho lòng nguôi ngoai”
Tôi thuê
người ra mộ, một tay dân làng ở đây nhận bốc cốt với giá phải chăng
và thêm rượu thịt để hắn lấy can đảm, vì theo lời hắn kể thì
anh chết do hung khí như vậy nên linh thiêng lắm, đêm đêm từ trong nhà
ngó vô núi, hắn thấy bóng người ngồi trên mộ trong ánh lửa bập bùng,
dân trong vùng kháo nhau như huyền thoại về ngôi mộ duy nhất trong vùng
đất này.
Đất đá
xới tung lên cả một buổi chiều mà không thấy anh đâu, tôi cứ khấn
thầm “Tài ơi, giúp em”
mà lòng chỉ muốn điều ngược lại, nghĩa là không có anh trong huyệt
mộ này, nghĩa là anh thoát chết như phép lạ rồi bỏ đi đâu mất.. Cái hy
vọng mong manh như trẻ con chờ ông Bụt hiện lên cho bao điều ước
thần kỳ. Thấy tội nghiệp cho tôi vô cùng trong ảo tưởng mơ hồ ngay
lúc này, cả đời tôi cứ ngồi mơ phép lạ xảy ra!
Cuối
cùng thì cũng tìm thấy mấy sợi dây nylon cùng khúc xương ống chân, khiến
tôi hình dung mọi việc xảy ra trong ngày tang tóc đó, chắc chúng nó
đã trói anh, bịt mắt bịt miệng anh, kê súng bắn hàng loạt đạn vào
người và sau đó ném xuống hố như
người ta vất xác một con chó.
Nỗi đau
không thể diễn tả được, tôi nghĩ mình phải thật can đảm để đối
diện sự thật này. Lần đầu
tiên trong đời tôi làm một việc quá sức chịu đựng của mình, cứ
tưởng như trong phim khi mở nắp hòm ra, bộ xương khô nằm ngay ngắn trong
đó.
Nhưng đây
là cái chết của một tử tù, bọn Cộng sản đã bắn anh ấy bằng bảy
phát súng ghim bất kỳ chỗ nào trên thân thể anh như một mục tiêu cố
định, và phát ân huệ trên màng tang để kết liểu sự sống cuối cùng!
Những gì
tôi tìm thấy dưới đáy mồ mới là chứng tích của sự tàn ác dã man
mà luật pháp quốc tế chắc cũng không thể chấp nhận được khi thi
hành án tử hình. Anh là kẻ thù của cả chế độ nên bọn chúng phải
hành xử như vậy cho đáng tội hay sao?
Không còn
cái gì hết ngoài cát bụi thời gian, bộ xương nằm cong queo còn vướng víu dây nhợ của
người bị trói, đầu gục sang một bên với hộp sọ vở nát, chỉ có
chiếc dép nhựa duy nhất nằm trên phần bụng anh, và cục đá xanh quấn
giẻ nhét vào miệng vẫn còn nguyên màu vải, tôi cũng nhận ra tấm thẻ
nhựa lủng một lổ mà lúc chia tay tôi đã đưa anh ấy giữ, trong đó là
hình vợ con, tôi nghĩ nó đã nằm
trên túi áo trước ngực anh, bọn chúng đã bắn trúng tim anh, mấy tấm
ảnh đã hòa vào cát bụi, da thịt, quần áo, mọi thứ đã mục nát
không còn dấu tích vật dụng nào sót lại ngoài vài hột nút nhựa của bộ
đồ tù.
Sự đau
đớn uất hận trào dâng khi tôi hình dung ra những gì mà anh ấy đã
phải chịu đựng trước và sau khi chết. Nghĩa tử là nghĩa tận, có thể tôi không hiểu hết
ý nghĩa của điều này nhưng tôi biết anh ấy chết trong câm lặng vì
cục đá nhét vào miệng, anh cũng không đi được vì bị trói, anh không
nhìn thấy gì vì cặp kiếng cận của anh bị chúng lấy đâu mất rồi,
anh chỉ có một chiếc dép thôi, khi chúng kéo lê anh từ cột bắn đến
huyệt mộ nó đã rớt đâu mất và chiếc còn lại được đá xuống sau
cùng trên bụng của anh trước khi bọn chúng lấp đất lại.
Cái ác
của kẻ giết người không phải là phát súng mà là hành động thô bạo
bất nhân trong giờ phút cuối cùng, họ đã thi hành bản án bằng trái tim vô cảm của loài dã thú. Mãi mãi tôi sẽ không bao
giờ quên sự thật kinh tởm đáng nguyền rủa này.. Tôi mang
tất cả những gì được tìm thấy dưới huyệt mộ đem về như một chứng
tích của sự tàn ác. Tôi nghĩ đến bản cáo trạng dành cho Cộng sản,
chế độ bất nhân này sẽ phải sụp đổ, chỉ còn là thời gian sớm hay
muộn thôi.
Buổi chiều xám xịt màu mây, giữa vùng
núi non gió lộng này tôi không biết phải làm sao với mớ xương cốt
xếp lộn xộn trong nón lá, chưa bao giờ tôi làm việc này và cũng
không ai chỉ dạy tôi phải làm thế nào cho đúng nghi lễ, phải coi ngày
lành tháng tốt để mang anh về cho được giờ hoàng đạo kẻo xui rủi cả
nhà... Câu
chuyện tù đày của chúng tôi là cái xui tận cùng rồi, không còn gì
để sợ, để mất nữa.. Tôi tin ông Trời có mắt và có
lẽ công bằng!
Tôi chất
củi trước bia mộ để hỏa táng xương anh thành tro bụi, sau đó trịnh trọng
bỏ vào cái bình gốm nhỏ. Bóng chiều lãng
vãng khi mặt trời đang khuất dần sau núi, gió lạnh khiến tôi rùng mình, tôi nghĩ hồn thiêng
anh đang quanh quẩn bên tôi. Buồn ơi!
Ra đường
đón xe về Sàigòn mà lòng lo lo, xe mà biết mang hài cốt thì không ai
dám chở, họ cũng sợ xui như bao người, tôi cẩn thận gói cái hủ trong
chiếc khăn choàng, bỏ vào cái ba lô đeo ngược ra trước, gương mặt thật
bình tỉnh mà run khi bước lên xe, lúc sống tính anh cũng thích trêu
đùa nghịch ngợm, biết đâu được anh phá chuyến xe này, quả thật, tới ngã ba Dầu Giây xe bị “ban”, gần vô ngõ Saigòn xe chết máy lần nữa.
Tôi ngồi im trên xe mà cứ vái thầm “Xin cho đến nhà bình yên anh ơi!”
Tôi viết
thư hỏi ý những người thân của Tài bên Pháp nên để anh ấy ở đâu, anh Ba hỏi
vặn lại “Vậy em muốn để ở đâu?- “Em muốn để ở nhà” .
Tôi đặt
anh bên cạnh hình Ba má Sáu trên bàn thờ và mỗi ngày đốt nhang cho
hương linh anh ấm cúng, tôi vẫn tin rằng anh luôn ở bên tôi để chở che
tôi trong biển đời mênh mông đầy bất
trắc này.
Mỗi ngày
tôi dọn cơm đều có cái chén đôi đũa dành riêng cho anh. Khi con bé
lớn lên một chút, nó vẫn vô tư làm theo lời Má dạy, nó không biết
bác ấy là ai mà tôi yêu quý trân trọng như vậy, thỉnh thoảng trẻ con
loay hoay trên bàn ăn làm rơi chiếc đũa, con bé lại suýt xoa xin lỗi bác và đặt lại cho ngay ngắn.
Hơn chục năm trôi qua, cả nhà
tôi không ai biết điều đó, thật tình tôi cũng không muốn tâm sự kể lể
với người thân về mọi đau buồn trong quá khứ, tình cảm gia đình hàn
gắn được là tốt rồi, tuyệt đối không nhắc lại chuyện cũ để ray rức
thêm. Tôi có căn nhà nhỏ trên Thủ Đức. Không có bóng dáng người đàn ông trong cuộc sống
của hai mẹ con, chúng tôi bình yên hạnh phúc bên nhau, có chút chữ
nghĩa kiến thức và tấm chân tình để giúp hàng xóm khi họ cần, từ
chuyện nhỏ như đưa rước mấy đứa trẻ đến trường hay viết dùm đơn từ
này nọ, chạy qua giúp đở khi tối lửa tắt đèn, lâu dần bà con trong
xóm thương mến tin cậy bầu tôi làm tổ trưởng dân phố.
Chức vụ
cho vui vậy mà, dĩ nhiên tôi có lập trường riêng của mình, không ai
biết về dĩ vãng tù tội đen tối của tôi cho đến một hôm đi làm về
tôi nhận được thư mời của tên trưởng Công an phường với nội dung “có việc riêng”.Trực
giác cho tôi biết rầng bọn họ vẫn chưa để tôi yên.
Câu đầu
tiên hắn hỏi “Chồng chị sao chết vậy?” Tôi biết
là hắn đã biết mọi chuyện nên tôi cũng không cần che dấu, tôi kể một
hơi dài sự thật về bản án của mình và nhìn thẳng vào mặt hắn kết
luận “chuyện đã hơn hai chục năm
rồi, thời đó tôi còn trẻ như anh bây giờ, nếu anh là tôi sống trong
thời điểm khó khăn ấy thì anh cũng phải khó chịu và phản kháng vậy
thôi.”
Tên Công
an cúi đầu suy nghĩ, hắn cũng thú thật là bất ngờ khi biết về lý
lịch của tôi do cấp trên thông báo “Cả thời gian dài chị sống
trong khu vực do tôi quản lý mà tôi không biết chị là ai thì cũng
lạ”- “Nếu anh không cho ở thì tôi đi”
miệng nói cứng mà lòng tôi lo lắng không biết đi đâu bây giờ, nhưng
hắn làm như thông cảm vì rõ ràng suốt thời gian qua tôi luôn chứng tỏ
mình là một công dân sống tốt ở địa phương “Không có
gì đâu, chị cứ ở lại, miễn đừng
dính líu gì với bọn phản động chống phá nhà nước là được rồi”
tôi cười thầm thì ra hắn cũng ngán “bọn
phản động”.
Nói thì
có vẻ như chuyện của tôi không có gì đáng ngại nhưng chỉ tuần sau
trên phường lấy cớ là tôi bận đi làm không có thì giờ họp hành để
thay tên đảng viên về hưu lên làm tổ
trưởng, dân ai cũng thắc mắc sự thay đổi kỳ cục này, riêng tôi thì
quá biết nguyên nhân vì sao, Cộng sản nói một đằng làm một nẻo vốn
là bản chất gian xảo của bọn chúng. Thật ra tôi chỉ muốn yên thân!
Rồi Má tôi cũng biết chuyện tôi để
hủ cốt anh Tài trong nhà khi con bé về thủ thỉ với bà ngoại về cái
chén đôi đủa bên mâm cơm, cả nhà cũng ngạc nhiên y như tên Công an
phường biết tôi
“phản động”.
Má không nói gì chuyện đã qua nhưng bà khuyên tôi nên đem vô chùa “Ai đời
nhà có con nít mà để hủ cốt trong nhà để vong linh ám ảnh không tốt
cho đứa nhỏ”. Tôi cười làm thinh, anh ấy là người tốt
chớ đâu phải ma quỷ gì đâu mà sợ, cái đáng sợ là bọn ma vương lộng
hành bên ngoài húng hiếp áp bức người dân kia kìa. Xã hội
ngày càng phát sinh nhiều tệ nạn trộm cướp giết người, xì ke gái
điếm, quan chức thì tham nhũng
trắng trợn, làm gì đụng tới công quyền là phải có bao thư đút lót
mới xong việc. Mạnh ai nấy quơ quào đạp dẫm lên nhau để kiếm
sống bằng mọi thủ đoạn lưu manh. Ba tôi nếu còn sống chắc ông cũng
hối hận vì cái công cuộc giải phóng thần
thánh của mình chẳng còn tuyệt vời hay ho như lý tưởng mà ông bỏ cả
đời để theo đuổi phục vụ.
Biết
sống cũng không thoải mái trước đôi mắt cú vọ của tụi Công an địa
phương lâu lâu kêu lên phường để hỏi han vớ vẩn, nhất là những dịp lễ
30/4 hay 2/9 bọn
chúng gọi là “làm công tác tư tưởng”
như một hình thức răn đe, tôi bán nhà dọn về Củ Chi. Vùng quê
xa xôi này mà
dân chúng đa phần là “gia đình
cách mạng” nhưng còn rất nghèo, có thể trước đây là
vùng chiến khu, cái nôi của đất
thép thành đồng nên nhà nào cũng có con em tham gia vào biệt động
hay du kích để chiến đấu trong hàng ngũ Việt Cộng, nhưng khi hòa bình
rồi vinh quang lại thuộc về mấy tên đảng viên cao cấp
tiếp thu Sàigòn phồn hoa đô hội, hưởng giàu sang phú quý do cướp
chính quyền mà có được. Mấy o du kích nhỏ
bây giờ đã già, đất nước hoà bình, mấy o trở lại với mảnh vườn miếng ruộng, hay ôm lấy nghề
tráng bánh truyền thống để khi trái gió trở trời đau nhức từng cơn
vì mảnh bom miếng đạn còn vướng víu đâu đó trên cơ thể. Sở dĩ tôi
chọn Củ Chi vì tánh lương thiện chơn chất của họ chưa bị “nhiểm mặn” với xã hội trời thần
đất lở ở thành phố, dân chúng đa phần đều hiền lành dễ thương và
dĩ nhiên họ cũng không biết tôi là ai cho đến ngày tôi theo chồng qua
Mỹ.
Hủ cốt
để lại thì hương tàn khói lạnh cũng thương cho anh ấy, mà đem đi thì
chắc anh cũng không thích vậy đâu, bởi vì mục đích anh chiến đấu cho
Công Bằng Tự Do của đất nước Việt Nam nên dù chết thì anh cũng phải
chọn sự ở lại như một người lính đầy dũng khí.
Sau khi
bàn bạc với gia đình bên anh, tôi chọn ngày mang anh ra giữa sông Sàigòn để
tro cốt anh hoà với phù sa đất Mẹ. Cát bụi xin trả về cát bụi.
Hãy ra đi
thanh thản Tài ơi, mọi người sẽ luôn nhớ tới anh như một anh hùng đã
hy sinh vì Quê hương Đất nước và trong tận cùng sâu thẳm của trái tim
em thì anh vẫn luôn có một chỗ để nhớ để yêu.
Ngọc Ánh
Ngôi mộ của anh được đắp sơ sài dưới chân núi Đất - Bình Thuận năm 1982
Phía xa là cây cột mà bọn chúng đã trói anh trước khi bắn.
Trần Ngọc Ánh thương
phu trích lệ
Trần thắng Tài vị quốc vong thân
Phút sanh ly
tử biệt chẳng sờn lòng
Anh nằm xuống cho TỰ DO cả nước.