09 June 2016

VĂN CHƯƠNG THỜI QUỶ ÁM - Trịnh Y Thư


Từ lâu, việc đọc sách của tôi rất là tạp nham, hổ lốn. Qua bè bạn hoặc những nhà phê bình sáng giá, tôi tìm đọc những cuốn sách được đánh giá cao, có giá trị về mặt nghệ thuật, nhưng không phải vì thế tôi không mua về đọc những cuốn tiểu thuyết thuộc loại diễm tình, trinh thám, kinh dị, thần kì ma quỷ, khoa học viễn tưởng, vân vân. Nếu quan niệm đọc sách—hoặc thưởng ngoạn bất cứ loại thể nghệ thuật nào—giống như ăn uống thì những cuốn sách loại này là những cái bánh kem sô-cô-la ngon ngọt mà thi thoảng tôi trốn vợ, tạm quên lời khuyến cáo của bác sĩ, lén lút thưởng thức một mình.
Một trong những cuốn tôi yêu thích gần đây là cuốn “The da Vinci Code” của nhà văn Dan Brown. Tôi ngốn hết cuốn sách trong vòng hai hôm, không nhảy cóc một trang nào, bởi nó cực kì lôi cuốn. Tác giả không những nắm vững thủ pháp xây dựng truyện nghẹt thở mà còn chứng tỏ là người am tường thấu đáo đề tài của câu chuyện kể. Ông khéo léo pha trộn dữ kiện thật vào truyền thuyết và hư cấu khiến người đọc thưởng thức cuốn tiểu thuyết một cách tận tình mặc dù trong thâm tâm vẫn biết đấy chỉ là chuyện bịa. Những cuốn sách như thế—thu hút cả triệu độc giả khắp nơi trên thế giới—hiện nay là loại sách hư cấu duy nhất còn giúp thị trường tiểu thuyết Mĩ tồn tại và đứng vững. Không có chúng, tiểu thuyết có lẽ đã bị đưa vào bảo tàng viện như một di chỉ khảo cổ nhân chủng học, chứng tích của một nền văn minh đã qua của loài người!

Cuốn “The da Vinci Code” là sản phẩm của tưởng tượng (dĩ nhiên, có cuốn tiểu thuyết nào không là chuyện bịa đâu) nhưng nó chưa hẳn là tiêu biểu cho loại sách đại chúng ưa thích thời nay. Thời buổi này người ta thích đọc truyện ma quỷ thần kì. Chưa bao giờ ma quỷ xuất hiện trên mặt chữ nhiều như bây giờ. Đọc bất cứ bài tổng kết nào về tình hình thị trường sách của nước Mĩ năm 2009 cũng thấy bốn, năm tiểu thuyết gia sau đây được nhắc đến như những tác giả dẫn đầu về số lượng sách bán: J.K. Rowling, Stephen King, Dan Brown, Anne Rice và Stephenie Meyers, người nhập cuộc gần đây nhất với loạt truyện “Twilight.” Tất cả đều viết truyện thần kì, ma quỷ. Tất cả là những cục cưng của ngành công nghệ ấn loát, của Amazon.com, của Barns & Noble. Loạt truyện Harry Potter chinh phục từ người già đến em bé khắp nơi trên thế giới, cuốn nào cũng được dựng thành phim, và nhờ thế J.K. Rowling trở thành nhà tỉ phú. (Có lẽ bà là nhà văn tỉ phú duy nhất trong lịch sử.) Riêng nhà văn Stephen King, trong suốt sự nghiệp 40 năm cầm bút, người ta ước lượng công chúng tiêu thụ chừng 350 triệu cuốn của ông! Thật là một kỉ lục kinh khiếp.
Văn hoá đại chúng bao giờ cũng mạnh mẽ và xu hướng của người đọc ngày nay là thế. Phải chăng họ muốn thoát vào thế giới ảo tưởng để quên đi những điều tầm thường, vô vị của đời sống khó nhọc hằng ngày?  Phải chăng đọc sách, nói cho cùng, chỉ là trò giải trí hay thú vui tiêu khiển tinh thần với mục đích chính là tìm cho mình sự thư giãn, thú vị trong chốc lát? Bạn có thể đánh giá những cuốn tiểu thuyết loại này là sản phẩm của văn hoá đại chúng và tôi rất muốn đồng ý với bạn, mặc dù tôi khá e ngại bởi sẽ có người dán cho bạn và tôi cái nhãn hiệu “politically incorrect.” Chúng có được gọi là văn học hay không? Hay chúng mang nặng tính thương mại, chạy theo thị hiếu, phục vụ quần chúng như món hàng tiêu dùng trong đời sống bình nhật? A, vấn đề khá là gay go đấy, nó đã làm hao tốn khá nhiều giấy mực cho không biết bao nhiêu cuộc tranh cãi và tôi chẳng dại dột khơi lại ở đây làm gì. Một mặt, tôi đồ trong khoảng thời gian sắp tới sẽ chẳng ai đem những cuốn tiểu thuyết của các tác giả trên đặt bên cạnh những tác phẩm kinh điển của Herman Melville, Mark Twain, Ernest Hemingway, William Faulkner, John Steinbeck, và nhiều tên tuổi khác, trong giáo trình giảng dạy Ngữ Văn tại các trường Trung, Đại học khắp nước Mĩ. Nhưng mặt khác, không phải ai cũng có cái nhìn bỉ báng, dè bỉu đối với những tác giả ấy. Năm 2003 National Book Foundation quyết định trao tặng huy chương cho nhà văn Stephen King bởi những đóng góp của ông vào văn học Mĩ (mặc dù sự bình chọn này đã khiến nhiều vị khoa bảng, viện sĩ chau mày). Thật khó đi đến sự đồng thuận cho định nghĩa thế nào là một tác phẩm văn chương.
Cách đây nửa thế kỉ, nhà văn Thạch Trung Giả bảo tác phẩm văn học là tác phẩm “nặng trĩu triết lí nhân sinh.” Định nghĩa này bắt nguồn từ quan niệm “văn dĩ tải đạo” vốn ăn sâu vào nếp nghĩ cũng như cảm thụ của đa số người Việt, hoặc những dân tộc mà trong suốt chiều dài lịch sử đã phải tích cực phấn đấu cho sự sinh tồn của mình. Nhà văn trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời trước—và ngay cả bây giờ ở biên độ thu nhỏ hơn—là kẻ sĩ thời đại. Họ trăn trở với những vấn đề sinh tử, cấp bách của quốc gia, xã hội. Ngòi bút họ là ngọn đuốc soi sáng lương tâm dân tộc. Họ thường được mệnh danh là những kĩ sư tâm hồn. Người đọc đặt nhiều kì vọng vào tác phẩm của họ. Chữ nghĩa họ phải có trọng lượng đáng kể, chẳng thể nào là những điều nhăng nhít, tào lao. Tác phẩm họ vắt óc viết ra phải hàm chứa những vấn đề quốc gia đại sự, chuyện ma quỷ hút máu hãy để những nhà văn xoàng xoàng viết cho hạng bình dân đọc cho vui.
Thế rồi gần đây hơn, chính xác là hai mươi năm, nhà văn Võ Phiến lại cho chúng ta cái nhìn khang khác về diện mạo một tác phẩm nghệ thuật. Ông bảo “mỗi nghệ phẩm thành công có một linh hồn.” Nó phải đi vào tâm hồn người đọc, phải gây cảm xúc nơi người đọc. “Cái nhìn [lên sự vật] biểu thị tâm hồn của mỗi nghệ sĩ, cái nhìn là linh hồn của mỗi nghệ phẩm.”
Ông nhà văn Orhan Pamuk của Thổ Nhĩ Kì thì giản dị bảo các tác phẩm văn học (tiểu thuyết chẳng hạn, bởi ông là tiểu thuyết gia) phải nói lên được những trải nghiệm trong đời sống con người. Nó phải mang tính nhân bản.
Hai nhà văn tiền bối của Việt Nam, một nhà văn quốc tế đoạt giải Nobel đã nói thì tôi chỉ nên im lặng lắng nghe. Những điều ba ông phát biểu tôi có thể xem như là chân lí và thế giới không thiếu những tác phẩm tầm cỡ như thế. Chúng được lưu trữ trong kho tàng tri thức, nghệ thuật vô giá của nhân loại và mỗi thế hệ đều có những đóng góp vào kho tàng ấy. Biết đấy là chân lí, biết đấy là những viên ngọc quý, biết đấy là những món ăn tinh thần bổ dưỡng cho tâm hồn nhưng tại sao nghệ thuật càng ngày càng bị đại chúng lãng quên và vùng sinh hoạt của nghệ thuật mỗi lúc mỗi thu hẹp, co cụm vào những “túi” văn hoá nhỏ, rời rạc, yếu ớt mà sự sống còn chỉ còn biết tuỳ thuộc vào lòng hi sinh tuyệt đối của số ít người quyết tâm không chịu rời bỏ. Nhà văn Nga Alexandre Solzhenitsyn, khi còn tại thế và sống lưu vong ở Mĩ, đã nhiều lần tỏ vẻ bức bối, khó chịu về sự lấn át quá mạnh mẽ của nền văn hoá đại chúng ở các quốc gia Tây phương mà ông xem là không mấy tốt lành cho tâm hồn con người.
Không, đừng hiểu lầm tôi. Nghệ thuật không chết. Nó vẫn tồn tại và vẫn có người không ngừng tìm tòi, khai phá những miền đất mới lạ. Nhưng sức sống của nó ngày nay chẳng thể nào bì được với thời điểm cách đây ba bốn mươi năm. Tôi chợt nghĩ đến sinh hoạt sách báo văn học của người Việt ở hải ngoại ngày nay. Nó là tình trạng ngưng đọng đến đáng sợ, nếu không muốn nói là ngắc ngoải sắp tắt thở đến nơi. Trong lúc di dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài càng lúc càng đông, đời sống vật chất của họ cũng khá là bình ổn sung túc, thì các nhà xuất bản, nhà sách thi nhau sập tiệm, sách in ra không người mua phải chở đi đổ thùng bán kí lô. Ngày nay nếu bạn viết văn hoặc làm thơ và định tâm xuất bản một cuốn sách nào đó để góp mặt với đời thì sẽ gặp ngay những con mắt soi mói nhìn bạn, tưởng bạn là người điên hoặc mới từ hành tinh nào lạc xuống.
Tùy góc độ bạn nhìn vấn đề, có nhiều nguyên do dẫn đến tình trạng trên. Có thể người đọc ở hải ngoại càng ngày càng sút giảm, gần đến con số không; có thể người ta quen dần lối đọc sách trên mạng và chẳng ai nghĩ đến chuyện bỏ tiền ra mua sách nữa; có thể giới trẻ chẳng mấy ai quan tâm đến văn chương tiếng mẹ; có thể người viết mới không đủ sức tạo thành những làn sóng mới phủ lấp làn sóng cũ; có thể ngành xuất bản không biết tự tìm cho mình lối thoát ra khỏi những bế tắc khó khăn, các nhà sách vẫn làm ăn theo lối cò con; có thể báo chí và các cơ quan truyền thông không quan tâm đến sinh hoạt văn học vì nó không đem lại lợi ích tài chính nào đáng kể; và nhiều lí do khác nếu kể hết ra đây thì dài dòng, nhiếu nháo lắm. Tuy thế tôi chẳng thể nào không nói đến sự thờ ơ của chúng ta đối với văn chương nghệ thuật. Cái TV bóng loáng, màu sắc trung thực đến lạnh người, nằm chễm chệ trong nhà chiếm hết thời gian rảnh rỗi của chúng ta, còn tâm trí đâu nữa mà nghệ với chả thuật. Văn hoá đại chúng càng lúc càng tinh vi, hấp dẫn. Đi xem một buổi trình diễn nhạc Rock vẫn thấy khích động, tươi vui hơn là nghe giàn nhạc giao hưởng rỉ rả tuôn ra dòng nhạc tối giản trúc trắc, cực kì khó hiểu của John Adams chứ. (Ngoại trừ vài tín đồ trung thành, có mấy ai đủ can đảm ngồi xem hết vở operaDoctor Atomic” của ông mà không ngủ gục?) Vâng, đúng rồi. Nó chỉ tổ làm nhức đầu thôi. Hết hiện đại rồi đến hậu hiện đại, ngán ngẩm quá sức, hại điện quá sức, cuối cùng bà con ra tiệm nối đuôi nhau thuê phim bộ Hồng Kông, Hàn Quốc về xem. Riêng tôi, xin phép bạn nhé, tôi phải chạy ra tiệm sách để mua ngay cuốn tiểu thuyết quỷ hút máu mới nhất của Anne Rice, nghe nói vô cùng hấp dẫn và cuối tuần này nếu không đi xem Avatar thì tôi sẽ ở nhà trùm chăn đọc kì hết cuốn sách ấy.

Trịnh Y Thư