26 July 2016

CÁI CUỐC - Hà Việt Hùng

Thằng Nham lùa cho xong miếng cơm cuối cùng, rồi lững thững đi ra bờ ao rửa tay chân. Mặc dù trời có trăng sớm, bóng tối đã che khá nhiều cảnh vật. Trời hơi lạnh. Nó thoáng thấy bóng ai đi đằng sau. Cái bóng quen quen, hơi gầy làm nó khựng lại. Ánh trăng đổ trên mặt gã, loang lổ, khi sáng khi mờ. Nó cất tiếng hỏi:
– Ai đấy? Anh Quyền phải không?
Gã kia trả lời:

– Phải, anh đây. Quyền đây. Em ăn cơm xong rồi hả?
Nó gật đầu trong bóng tối.

– Gớm, tìm em khó quá. Anh phải đến vào giờ này mới gặp.
Thằng Nham lai gật đầu:
– Đúng thế. em đi họp liên miên. Nào là Chi Đội Thiếu Niên Tiền Phong, nào là Tổ Dân Công Ấp. Không có thì giờ đi học nữa. Mệt muốn lả người.
Gã hỏi:
– Em còn đi học cái gì nũa?
– Thì…học chữ. Bình dân học vụ. Có cô giáo “tuyệt cú mèo”. Anh gặp là…mê luôn.
Gã như vỡ lẽ, cười:
– Ồ, cần gì học. Em thấy đó, Hồ Chủ Tịch có học bao nhiêu mà làm đến Chủ Tịch Nước. Oai không? Có một dạo bác phải làm Bồi Phòng mà vẫn tìm ra được đưòng cứu nước đấy.
Thằng Nham cũng bắt chước, cười theo.
– Bác chúng ta giỏi nhỉ? À, anh tìm tôi có chuyện gì vậy?
Quyền vẫn chưa dứt tiếng cười:
– Ừ. Làm gì mà vội vậy, thủng thẳng rồi nói.
Câu trả lời của Quyền làm thằng Nham càng thắc mắc hơn, không biết gã Quyền tìm mình làm gì. Thở một hơi, gã Quyền hỏi nó:
– Ở làng này em có biết con mụ Na không?
Thằng Nham sáng mắt ra.
– Tưởng gì. Có phài gia đình bà Na ở cuối thôn không?
Gã Quyền khoa tay:
– Đúng đấy. Nhưng em đừng gọi con mụ ấy là bà nhé. Nó là địa chủ ác ôn đấy, phải luôn “đề cao cảnh giác” mới được. Con mụ ấy nhiều chiêu trò lắm.
Ai còn lạ gì gia đình bà Na ở cuối thôn. Người đàn bà răng đen, tử tế, luôn giúp đỡ những người cơ nhỡ. Mấy tháng trước. thằng Nham ôm thúng sang “giật” tạm bà mấy đấu gao, bà vui vẻ cho mượn ngay, không đòi hỏi gì cả. Đến giờ nhà thằng Nham vẫn chưa trả. Bà ấy cũng không đòi. Người ta tốt như vậy là cùng.
Nghe người lớn nói bà Năm Cát Hanh Long [1] cũng có công đối với cách mạng. Nhưng bà lại là người bị xử bắn đầu tiên khi cuộc cách mạng cải cách ruộng đất “long trời lở đất” hay những vụ đấu tố “đào tận gốc, trốc tận rễ” xẩy ra. Tại sao vậy?
– Em tư duy [2] gì mà thừ người ra thế?
– Không.
Gã biết thằng Nham nói dối, nhưng không muốn tra hỏi. Thằng Nham vuốt mặt, cố chống chế.
– Đâu có. Đâu có gì.
Gió ở bờ ao hắt ra hơi lạnh. Hình như ánh trăng đang đè nặng lên vai hai người. Một lúc, Quyền nói:
– Hay là…Hay à…Em tố con mụ Na đi. Anh yểm trợ cho.
Nghe đến đây thằng Nham trố mắt, hỏi lại:
– Tôi…tôi ấy hả?
Gã lặng lẽ gật đầu:
– Chứ còn ai vào đây?
Thằng Nham thoái thác một cách yếu ớt:
– Nhưng tôi…nhưng tôi mới học tới lớp Ba mà.
Quyền hơi mỉm cười:
– Lớp Ba là giỏi rồi. Có nhiều người còn mù chữ thì sao?
Thằng Nham lưỡng lự:
– Nhưng bà ấy tốt quá.
Quyền bật cười thành tiếng:
– Xem ra đống chí còn “nặng nợ” với bọn tư sản địa chủ lắm. Nó “đóng kịch” đấy, chẳng tốt đâu.
Nghe gã nói “bọn tư sản địa chủ”, thằng Nham nổi máu “anh hùng vặt”. Nó không muốn ai nói mình “nặng nợ” với “bọn tư sản địa chủ” cả. “Bọn tư sản địa chủ” ác ôn. bóc lột lắm, dù nó không hiểu rõ ý nghĩa của từ “tư sản”. Nó đã đọc bài “Tư sản ác ghê” của tác giả CB [3] in trên Báo Cứu Quốc. Tiếc là nó chỉ hiểu một phần. Nó chỉ biết bọn tư sản ác lắm đối với dân ta. Nó thấy thù ghét bọn tư sản ghê lắm. Bọn ấy có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo trá, y như bài báo nêu ra. Phải thanh trừng bọn đó không còn một mống mới đuợc. Không để chúng nó bóc lột mãi được.
Thằng Nham thấy khí thế dâng cao, nhất là khi nghe tên Xã Trưởng Quyền gọi nó là “đồng chí”, đồng chí Đội Trưởng Đội Thiếu Niên Tiền Phong. Chẳng gì cũng là “đồng chí”của tên Xã Trưởng “hét ra lửa” này.
Thằng Nham tỏ ra nhanh nhẩu ngay.
– Thế anh có tài liệu về mụ đó không?
Quyền hơi mỉm cười, vừa móc túi quần sau, vừa nói:
– Có chứ. Những địa chủ ác ôn phải có tên trong sổ bìa đen.
Quyền rút ra một xấp giấy, đưa cho thằng Nham:
– Đây…Tài liệu có cả. Đầy đủ.
Thằng Nham đỡ lấy xấp giấy từ tay Quyền:
– Được rồi. Tôi sẽ học thuộc từ trong này. Ai viết đó?
Quyền lắc đầu:
– Không biết. Chắc là từ trên Đoàn [4].
Thằng Nham lật qua những trang giấy đánh máy hơi bị cong ở góc, có chỗ viết tay nguệc ngoạc thêm vào. Xấp tài liệu có đến mười trang. Nó chỉ đọc một loáng là thuộc lòng. nhằm nhò gì.
Tiếng trống “thùng thùng” inh ỏi vang lên như nhắc nhở mọi người.
Thằng Nham rẽ lối đi. Trước mặt nó, khu đình làng đông nghẹt dân trong làng và những vùng, phụ cận. Mọi người đứng, ngồi lố nhố, đông như ngày hội. Người ta xô đẩy nhau, ồn ào như chợ vỡ. Tiếng trẻ con đuổi nhau, chửi nhau, chen lẫn với tiếng cười hồn nhiên. Tiếng người lớn gọi nhau ơi ới. Cảnh tượng thật là ồn ào, náo nhiệt Nó nhìn thấy những chiếc nón mỏ quạ [5] mầu đen đang đợi gió. Buổi trưa gió đi đâu mất. Nóng muốn khô người, mệt lả…
Có những bộ ngực gầy đét, hôi hám, thản nhiên vạch yếm [6] cho con bú.
– Chị kia, ngồi xích vào.
Thằng Nham nghe tiếng gã Quyền đang cố giữ trật tự. Hôm nay, gã Quyền mặc một bộ cánh mầu đen bằng vải thô, đeo xà cột [7] bằng da đỏ, bên cạnh là cây súng K54 [8]. Chân gã mang đôi dép đen bằng cao su [9]. Ngày thường trông gã đã mất sinh khí giống như anh chàng nghiện, hôm nay trông lại càng thảm hại hơn, chẳng “oai phong” chút nào cả. Gã đi tới, đi lui, bảo đảm trât tự an ninh cùng với mấy tay “bộ đội cụ Hồ” tay ôm súng garand [10], mặc quần áo cũng bằng loại vải thô, mầu vàng, đi chân đất, đang la hét om xòm.
Phía trước đình làng, có một tấm vải mầu đỏ thật to, căng từ cột đình bên này qua bên kia, với hàng chữ bằng sơn trắng nguệch ngoạc chắn cả lối đi “Hoan Nghênh Đội CCRĐ Về Làng”, Tích Cực Thu Gom Ruộng Đất Về Cho Bần Cố Nông”, “Đả Đảo Bọn Địa Chủ Ác Ôn Bóc Lột”.
Hai cái bàn đâu đầu vào nhau cho thêm dài, ở đó Ban Chủ Tịch ngồi. Ông Chủ Tịch ngồi giữa theo dõi và điều hành cuộc đấu tố. Cũng có một tấm vải đỏ lói căng dưới bàn với hàng chữ “Toà Án Nhân Dân Đặc Biệt” như đang thách thức mọi người.
Thằng Nham đi lên. Chợt có tiếng gọi:
– Nham. Đồng chí Nham. Đi lối này cơ mà.
Thằng Nham vênh váo giữa đám đông. Chẳng mấy khi được Chủ Tịch Xã gọi trước mặt mọi người, mà lại gọị là “đồng chí” nữa. Thế mới oai chứ.
Quyền nói, nửa như đe dọa:
– Tưởng đồng chí quên rồi chứ. Tôi đang lo. Nhưng không sao. Không có “đồng chí” thì phải nhờ người khác thay thế vậy. Hơi phiền một chút.
Thằng Nham mỉm cười:
– Quên sao được mà quên, ngày quan trọng này.
Thằng Nham lấp lửng.
Bà Na là người bị mang ra đấu tố đầu tiên vì giầu có nhất làng.
Tên Chủ Tịch “Tòa án Nhân dân” đứng lên, nói vài ba câu khai mạc:
– Kính thưa đồng bào, cuộc cách mạng “long trời lở đất” của chúng ta hôm nay có môt ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại. Chúng ta phải “bóc tận gốc, tróc tận rễ” bọn “địa chủ ác ôn” có nhiều
”nợ máu” với nhân dân. Tôi long trọng tuyên bố khai mạc “Tòa án Nhân dân”này, và mong nhân dân làm đúng lời Bác dậy. Trước hết là con mẹ địa chủ ác ôn Nguyễn Thị Na. Con mẹ này bóc lột ra sao, nhân dân cứ thay phiên nhau đấu tố, không sợ gì cả.
Có nhiều tiếng vỗ tay trước khi tên Chủ tịch ngồi xuống. Hắn “hồ hởi, phấn khởi” ra mặt vì nghi mình đã nói được mấy lời hay ho. Sau khi tên Chủ tịch giới thiệu, lại có tiếng ồn ào từ trong đám đông:
– Sao lại là bà Na? Bà ấy đâu phải địa chủ.
– Có sai lầm rồi chăng?
Hai tên bảo vệ dẫn bà Na vào. Bà ta gầy nhom như con mắm. Tóc tai rũ rượi như đã bị bắt từ lâu. Phía sau bà ta có một cái hố sâu không biết ai đã đào sẵn từ hồi nào.
Tên Chủ tịch nói oang oang:
– Danh sách địa chủ là do làng trình lên. Quận cứ theo đó mà làm, không thay .
Mặt gã Quyền câng câng tự đắc. Gã đi lại trong đám đông.
– Vâng, xin mời đồng chí.
Tiếng tên Chủ tịch vang lên. Đám đông lại ồn ào. Có lẫn cả tiếng cười:
– A, tưởng ai. Ra lão Phèn điên.
– Lão Phèn tâm thần. Nói đi.
– Nói mau đi.
Lão Phèn đứng lên nhìn mọi người khắp lượt. Quần áo của lão rách bươm, bốc mùi hôi hám. Chỉ tay vào gần mặt bà Na, lão vừa nói vừa khoa tay:
– Đây là địa chủ ác ôn. Đây là địa chủ ác ôn…
– Yêu cầu đồng chí nói cụ thể hơn.
Đám đông có tiếng xì xào nghe không rõ.
– Xuống đi. Lão Phèn, xuống đi.
Lão Phèn ngồi xuống. Có những cái lắc đầu thương hại.Thằng Nham đứng lên, giơ tay:
– Thưa…có tôi.
Tên Chủ tịch gật đầu:
– Mời đồng chí nói.
Mặt gã Quyền tươi lên, chờ đợi.
Thằng Nham lấy giọng:
– Thưa ban chủ tịch, đây là bà địa chủ ác ôn, xảo trá trong làng này. Bà ta…
– Đồng chí để ý đến cách xưng hô. Ta không tôn trọng bọn địa chủ bóc lột.
Nhưng không hiểu sao, trước măt người đàn bà đang rũ rượi giữa sân đình, nó lại khúm núm:
– Thưa bà, bà còn nhớ con không? Con là thằng Na đây.
Bà Na chỉ vắn tắt:
– Có phải cậu là thằng Na, con của Xã Hèo ở làng này không?
– Thưa, đúng đấy. Mấy tháng trước con có sang nhà bà mượn ít gạo đấy.
Bà Na như người sắp chết đuối bắt được phao, bà gật đầu, hy vọng.
Có tiếng húng hắng ho của gã Quyền trong đám đông nhốn nháo, thằng Nham nghe rõ mồn một.
Chỉ vào mặt bà Na, thằng Nham nói to:
– À, mày còn nhớ tao hả? Nghe đây…Mấy tháng trước, tao có sang nhà mày mượn mấy đấu gạo. Về nhà thì mới biết gạo bị mốc hết, không ăn được, phải đổ đi. Mày có nghĩ là mày ác ôn không, con mụ Na kia?
Bà Na cúi gầm mặt xuống như muốn nhận tội cho xong. Bà đã mệt mỏi vì cảnh đấu tố. Có tự biện hộ đến mấy thì cũng chết. Bà im lặng. Thằng “bé con” chỉ đáng con cháu bà, nó dám chỉ vào mặt bà, nói bà là địa chủ ác ôn. Mấy tháng trước, nó còn vác thúng sang nhà bà, mượn tạm mấy đấu gạo về ăn. Không có bà, cả nhà nó chết rồi. Thật là “làm ơn mắc oán”.
Bà Na im lặng nghe thằng Nham chỉ trỏ nhiếc móc. Những gì viết trong tài liệu gã Quyền đưa nó, nó đều học thuộc lòng, và sử dụng cả.
Gã Quyền hoan hỉ ra mặt. Gã đi tới đi lui, hai tay chắp vào nhau, chờ “con dê tế thần” kế tiếp. Tên Chủ tịch Tòa Án ra hiệu cho mấy người phu đẩy bà Na xuống cái hố sau lưng, rồi lấp đất đến tận cổ.
Thằng Nham “hăng tiết vịt”, nó yêu cầu gã Quyền:
– Đồng chí cho tôi mượn cái cuốc.
Giật phăng cái cuốc từ một “bần cố nông” đang đong đưa làm ghế ngồi, gã Quyền đưa cho thằng Nham.
– Đây.
Đỡ lấy cái cuốc từ tay gã Quyền, thằng Nham liên tiếp bửa vào đầu bà Na.
– Này, địa chủ này. Này, địa chủ này.
Bà Na không đỡ kịp, nhận đủ những nhát cuốc, rồi nghẻo đầu sang một bên, hai con mắt nhắm lại. Máu đỏ loang khắp mặt đất.

Hà Việt Hùng
[1] Trước khi có đấu tố, Hồ Chí Minh xin chỉ thị của Stalin, rồi cử Hồ Viết Thắng sang Tầu học theo phương pháp Thổ Địa Cải Cách (土地 改革) ở đây. Khi về nước (1953), Thắng bí mật cho mở các trường huấn luyện về CCRĐ ở Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Sơn và Lạng Sơn), rồi tung ra những cán bộ tốt nghiệp, thành lập các đoàn CCRD ở tỉnh, đội CCRĐ ở làng. Những đội CC này tư tung tự tác, coi thường các cấp Đảng Ủy địa phương (theo GS Nguyễn Văn Canh-Viện Nghiên Cứu Hoover/ĐH Stanford, CCRĐ, Tập 2, VFC). Kế hoạch CCRĐ ở miền bắc kéo dài ba năm, từ 1953 đến cuối 56, phải ngừng lại vì những sai lầm không tránh khỏi. Cứ 10 người bị đem ra đấu tố, có tới 7-8 người bị oan.
Bà Nguyễn Thị Năm, còn có tên gọi là Bà Cát Hanh Long (tên hiệu buôn của Bà), ghép tên hai cậu con trai (Nguyễn Hanh và N.Cát) là người đầu tiên bị xử theo lối này. Bà bị bắn bằng súng tiểu liên từ đằng sau. Vì áo quan của bà Năm thuộc loạị rẻ tiền và quá nhỏ, nên: “mấy người du kích bèn đặt bà ta nằm trên miệng áo quan, rồi nhảy lên, vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, còn ngoan cố với các ông nông dân này?”…Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy… cuối cùng bà ta cũng lọt vào, nằm vẹo vọ trong áo quan…” (Trần Đĩnh- Đèn Cù).
Không những bà Năm đã ân cần giúp đỡ cho các cá nhân lãnh tụ, mà đến cho cả Phong Trào Việt Minh lúc bấy giờ bà cũng cổ động tuyên truyền. Những tay cách mang “gộc” như “bác” Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương… đều là những người đôi ba lần nhận ơn của bà. Không những bà đã ân cần giúp đỡ cho các cá nhân lãnh tụ, mà còn cho cả cho Phong Trào Việt Minh lúc bấy giờ. Vậy mà, bà vẫn bị mang ra đấu tố đến chết. Bà chết đi, để lại bốn con thơ, có đứa trai sau này trở thành Trung Đoàn Trưởng (N.Cát) Việt Cộng.
Cuộc CCRĐ ở VN đã đem lại những sai lầm tầy trời, để lại những hệ lụy không thể tránh khỏi, và những vết nhơ trong lịch sử không bao giờ gột rửa sach. Hồ Chí Minh đã khóc. Ngưòi ta nói đó là ”nước mắt cá sấu” của lãnh tụ CS. Câu thơ sau xuất hiện trong dân chúng Hà Nội thời đó:

“Bác Hồ nói chuyện sửa sai
Sai thì cứ sửa, sửa hoài cứ sai.
Đảng ta có lắm anh tài
Sai hoài, sai mãi; sửa hoài, cứ sai”.
(Nguyễn Minh Cần – Nguyên Phó Chủ Tịch Hà Nội – Tập 9 – Ban Việt Ngữ/Đài Á Châu Tự Do RFA, VFC).

[2] Suy nghĩ.
[3] Người ta suy đoán CB là Bút Danh của Hồ Chí Minh.
[4] Đoàn. Đội CCRĐ (xem 1)
[5] Khăn vải của phụ nữ ở nông thôn ngày xưa, thường mầu đen, dùng để che nắng hay gió. Vì khi đội lên đầu, nó có hình mỏ quạ nên gọi là khăn mỏ quạ.
[6] Miếng vải hình thoi hoặc vuông, có dây quàng vào cổ và buộc ra sau, dùng để che ngực. thường được mặc trong áo cánh (áo bà ba ở miền Nam), coi như áo lót kín đáo của phụ nữ ngày xưa.
[7] Còn goi là xắc cốt: Túi làm bằng vải dầy hay bằng da, đeo ở bên hông, đựng giấy tờ, sổ sách, v.v. Cán bộ VC thường đeo túi này, bên cạnh súng K54.
[8] Súng K54 (hay Súng Lục) là loại súng ngắn bán tư động, sản xuất tại Nga năm 1941. Súng ngắn Tokarev TT-33 (bản copy).
[9] Dép lốp còn được gọi là dép Bình Trị Thiên, dép râu, dép cao su do “quân đội bác Hồ” sử dụng, làm từ vỏ xe cũ, rất tiện lợi trên mọi địa hình.
[10] Súng trường M1 Garand, bán tự động, bắn từng phát, sản xuất taị Mỹ, vào thế chiến thứ 2.