![](https://vanhocnghethuat.files.wordpress.com/2016/07/eder_portugal-france-euro_2016.jpg)
Khi bạn vô tình (hay cố ý) phạm lỗi lầm, chúng sinh đua nhau mắng chửi bạn
và người ta đẻ ra một từ thật dễ chịu để chỉ tới thảm hoạ nọ: Bị ném gạch đá.
Bạn cũng như tôi, đi trong cuộc lữ phiền muộn này, thế nào cũng hơn một lần bị
hứng chịu gạch đá, không khỏi.
Ngày 7 tháng 7 (song thất mà không lục bát) tôi đã lục chén lục nồi ngồi ăn
cơm nguội cục vắt thành hòn mà lệ ứa trong tim. Hậu sự do bởi thằng Đức đã
không thắng nổi thằng Pháp. Đức gạt lệ thua buồn và tôi thua cá độ bay mất một
nạm tiền. Chẳng do cảm tính, tôi nhảy vào cuộc chơi lành ít dữ nhiều sau lắm
đêm đọc báo để minh định thực tài của đội Đức, dẫu sao họ cũng là nhà đương kim
vô địch và theo từ điển bóng đá, họ là hình ảnh của một cỗ xe tăng. Chí ít họ
sẽ thắng 1 bàn, đó là theo dự đoán của đám đông, trong đó có tôi sốt sắng làm
chú du kích bồng súng đi theo đường mòn đã mở. Mặt trận miền Tây vẫn không yên
tĩnh. E.M. Remarque có sống dậy cũng sẽ hậm hực viết sang một cuốn tiểu thuyết
khác.
Thời sự của báo đài cũng đẻ ra chữ mới: GERFRA khi mà đèn thắp ở tháp Eiffel
liên tục chuyển màu từ cờ Đức đổi ra sắc tam tài của Pháp. Chiếc xe tăng kiên
cố của vị tướng Erwin Rommel (The Desert Fox) huyền thoại ngày xưa bá chủ trên
khắp mặt trận, hôm nay đã tuột xích hỏng pháo tháp trên sân cỏ một thời từng bị
xâm lăng. Con gà trống đã cất tiếng gáy (tiếng gáy át tiếng bom). Một mình
Antoine Griezmann, người hùng chỉ cao 1m76, tiền đạo nhỏ thó mặt mày sáng sủa
khoác áo số 7 đã đơn thân ghi được 2 bàn thắng khiến 11 con tim của đối phương
thôi đập, gục đổ. Chàng Antoine sau chiến công hiển hách đã được xem là thế hệ
vàng thừa kế Zidane và xếp sau Platini ở tỷ số ghi bàn. Chưa chính thức lên
ngai vàng làm vua bộ môn bóng tròn nhưng dân Pháp mặc nhiên xem đó là thứ mùa
hè đỏ lửa. Đỏ hân hoan reo vui trên lửa hạnh phúc rực rỡ thắp cùng kinh thành
ánh sáng. Nếu được, bọn cuồng tín có thế viết nên ca từ “Như có bác Antoine
trong ngày vui đại thắng” để hát vụng dại cùng bia rượu lai láng chảy bên bờ
sông Seine.
Tương truyền ở thành phố hoa lệ này từng rộng vòng tay đón nhận một anh An
nam mít phu phen lao động dưới hầm tàu đi chui lên bờ. Anh ta sống trải qua một
mùa đông khắc nghiệt trên xứ người, nuôi mộng mần chuyện lớn anh đã giao lưu
tình cảm với một bác làm việc ở lò nướng bánh mì. Anh cạy đâu ra được hai cục
gạch, lén lút lội tuyết đến gõ cửa tiệm bánh mì của bọn thực dân. Bác ấy cũng
là người tử tế nhỉ, bác thuận lòng cho anh mít đun hai cục gạch vào lò nướng
sau phút han hỏi lý do: Chơ do cớ sự gì thế hở? Dạ, chẳng dấu gì bác, cháu trọ
ở nơi cực kỳ giá rét chẳng có lò sưởi, cháu sẽ mang hai cục gạch nóng hổi mới
ra lò này về để chêm dưới lưng đặng kinh qua giấc cơ hàn. Nghe chảy nước mắt,
không phải thằng thực dân nào cũng đều xấu bụng, nếu nó ác nó có cả vạn lý do
để đuổi cổ cái bộ mặt thường trực lấm lét của ta ra khỏi ngõ ngay. Chuyện ngang
đó thì dừng, giống như trọng tài đã thổi súp-lê, chẳng biết thằng thực dân nọ
có động lòng dúi vào tay thằng cộng sản trẻ tuổi kia khúc bánh mì nào chăng?
Thế kỷ sau, câu chuyện ấy đẻ ra một hậu vận, là nhà nước Việt Nam đã cho người
cất công sang Ba Lê cố truy tìm cho ra hai cục gạch ngày cũ để mang về chưng
trong viện bảo tàng lịch sử, bởi đó là báu vật giúp “người” kinh qua bao gian
khó trong suốt chặng đường đi làm kách mệnh!
Pháp vừa ném hai cục gạch vào mặt thằng Đức, ủ uê, nhức nhối, tái xanh mặt
máu. Không biết liên đoàn football của Pháp (FFF) có chùng vụng mang trái banh
Adidas từng làm cháy lưới đội Đức về dấu thu trong viện bảo tàng, kẻo mai này
nó sẽ làm bóng chim tăm cá, biết đường mô mà mò sau bao dâu bể con tạo xoay vần
trắng đổi ra đen!
Tôi cũng vừa mới bị thân bằng quyến thuộc ném cả chục cục gạch đá vì tội vất
tiền qua cửa sổ. Để trấn an dư luận tôi đã mở máy vi tính mà chỉ cho quý vị ấy
xem hình ảnh chụp lại phút quyên sinh của mấy ông nội nhảy cầu từ Bắc vô Nam,
nhan nhãn. Ở đâu có cầu có sông, ở đó có đứa muốn gặp mặt tử thần. Thi thoảng
có bóng dáng công an dừng xe lại để can ngăn: Con người vốn quý nhất, sao lại
vác thân một hai ôm cục gạch để trầm mình? Thua keo này bày keo khác. Còn một
trận chung kết nữa mà, bán hết nhà cửa đi thử thời vận lần nữa hẳn hay, nhớ.
Chết như vậy là hơi bị sớm đấy! Ùm, đương sự giả nhời bằng tiếng kêu nghe thậm
bức xúc. Sóng mãi loang ra, sông mùa Euro toàn xác người mà thôi còn xác cá.
“Người cần nước sạch, cá cần minh bạch”. Ai có đi biểu tình chống cá độ bóng đá
thì nhớ viết câu ấy lên biểu ngữ.
Tôi còn chút bổi trong trương mục ngân hàng, trận chung kết tới đây tôi bảo
thằng Pháp sẽ đá bại thằng Bồ Đào Nha. Có “đồng chí” nào dám tôm độ, mực độ,
cua độ, hến độ với tôi không? Bây chừ thời tiết chốn đây cực nóng, nhằm giải
hạn tôi nghe theo điều một bác dạy: Chạy lơ ngơ đi đâu đó, nhanh tay lẹ mắt ăn
cắp cho được hai cục gạch. Xong công đoạn đó tôi sẽ cạo sửa di chúc của người,
tôi đun nó vào tủ lạnh, ngăn đá rồi cuối cùng chêm sau lưng nằm nhắm mắt riu
riu cố an dưỡng tấm thân đang vào độ tuổi cổ lai hy. Mẹ rượt, bác với cháu,
bóng với đá, cá với tôm. Làm sao được ngủ với cơn mộng: Tuyển Việt sẽ ném vào
mặt tuyển Trung quốc hai cục gạch nóng hổi. Tôi thoi thóp đợi ánh dương quang
sáng soi hình hài chữ S. Đừng bảo tôi người ngoài hành tinh. Bạn nên nhớ cho,
một giấc mơ muôn đời không tốn tiền mua, khỏi đóng thuế. Xin hãy vô tư.
Bồ lay tôi ra cơn mê sảng. Tôi thương bồ (tèo) cũng như bồ (bịch) nhưng tôi
ghét cay ghét đắng anh Bồ Đào Nha. Những cảm tình viên của tuyển Pháp sau phút
20 đã mở cờ trong bụng vì chàng Ronaldo áo số 7 (CR7) bỗng chấn thương ở chân
trái. Chàng ta khóc trước khi leo lên băng-ca cho chuyên viên y tế mang ra khỏi
sân kéo theo biết bao ánh mắt tuyệt vọng của con dân xứ Bồ bỏ công ăn việc làm
nơi quê mẹ lặn lội sang Pháp reo hò cổ vũ cho đội nhà. Nước mắt đổ ra thế cho
niềm ăn năn thầm lặng, rằng tôi tự lượng sức chẳng thể đổ mồ hôi cùng đồng đội
chạy cho tới cuối cuộc chơi. Bồ có thua trận e món nợ đau thương ấy có tôi gánh
ở đầu nặng nhất. Nói có vẻ nhỏ nhen, hơn bốn mươi ngàn kẻ mặc áo có in logo con
gà trống bên ngực trái ngồi sát cánh trên khán đài đã lòng như thầm mở hội, bác
Antoine Griezmann ơi, đường ra trận mùa này đẹp lắm, đường thênh thang sẽ dẫn
tới gần Khải hoàn môn. Hãy kéo sơn pháo, cối cũng như hoả tiển vào vùng cấm địa
mà tiền pháo hậu xung.
Bồ lay tôi ra giấc mê muội thua sạch nhẵn, hết tiền hết bạc hết ông tôi. Gần
cuối hai hiệp phụ, phút 109 tiền đạo Éder áo số 9 vừa vào thay người đã vung
mạnh đường Tuyệt mệnh đao khiến sân cỏ Saint-Denis phải co lạnh tợ có ngọn gió
thu trái khuấy thổi ngược. Bồ ném một cục gạch không khoan nhượng khiến 11 con
gà trống thôi ưỡn ngực, xác xơ lông, thôi gáy, thôi đạp mái, thẫn thờ như thể
bị mắc mưa. Thiên thời, địa lợi, nhân hoà anh có đủ vậy mà anh chẳng làm nên
trò trống gì. Tan hàng mà chẳng nghe ai gióng tiếng: Cố gắng. Và như thế, mùa
Euro sôi động đang như con sóng cuốn dạt xa dần, nhường lại một bãi bờ quạnh
vắng. Chẳng biết phố đêm có đèn vàng suy tư không? Chẳng rõ còn xảy ra cảnh cổ
động viên ném gạch đá vào nhau nữa thôi. Rồi nhắc lại thắc mắc của Trịnh Công
Sơn: Làm sao em biết bia đá không đau?
Tôi có một người bồ tèo, bạn ấy trao tay thứ kỷ vật thuộc loại hàng độc: Một
cục gạch lấy được từ bức tường Bá Linh ở phía Đông. Bồ rỉ tai, biết đâu chừng
một ngày kia anh sẽ giàu to khi nó lọt vào tay con buôn di tích lịch sử. Dĩ
nhiên đã là gạch đá thì chúng thảy đều tựa nhau, vô tri, thô kệch, nặng nề, xấu
xí. Bảo rằng nó được moi ra từ cổ thành Quảng Trị thì ắt có giá trị hơn, tôi
nghĩ vậy, nơi từng diễn ra trận quần thảo khốc liệt 81 ngày đêm và chôn vùi
theo gạch đá biết bao oan hồn của chiến binh hai phía, than van cao ngất trời
xanh để mây phải dồn cục trên dãy Trường Sơn u ám.
Tôi dùng cục gạch ô nhục bồ trao để chèn vào kệ sách cho văn chương xếp hàng
trên đó khỏi té lăn chiên đổ đèn xuống sàn nhà lắm bụi. Nó không mấy lớn nhưng
có thể buồn tay ném ai đó đến vỡ đầu như chơi. Tôi sẽ vỡ đầu nếu chụp hình cục
đá nọ rêu rao trên mạng bán giá phải chăng: “Nó moi ra từ hầm mộ cổ bên Ai Cập
với số tuổi được phỏng đoán là hơn 4000 năm”. Vỡ đầu vì tội lừa đảo. Cũng có
thể giống như trò chơi dính dáng tới cá độ, tôi được mời về nước có xe hụ còi
dẫn đường tới viện bảo tàng, các đồng chí lãnh đạo phán: Cục này là cục thứ ba
của “người” thời lưu lạc gầy còm nếm mật nằm gai mới phát hiện thấy, từng đun
vô rút ra cả mươi bận trong lò nướng bánh mì ở bển, đêm trường ấp ủ cho tới tàn
canh gió lạnh. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ vận dụng chất xám nhằm khiến cho cục ấy
bị mòn khuyết, thay hình đổi dạng và lên nước chút đỉnh cho phù hợp với nạn bể
dâu. 500 triệu cho cục này, chú Hồ tính sao?
Hồ Đình Nghiêm