Lời dẫn: Tập
tuyện "Ngày tháng buồn hiu" của Ngọc Ánh hiện đang được chúng tôi giới
thiệu với quý vị qua đề mục 'Truyện nhiều kỳ' trên trang blog Góc
Sân Chơi. Chúng ta sẽ cùng tác giả đi trở lại những khoảng thời gian
khó khăn đầy tuyệt vọng trong quá khứ để giúp chúng ta bước hy vọng mãnh
liệt về tương lai tươi sáng trước mặt. Kinh nghiệm của tác giả chính là
chất liệu chúng tôi muốn gửi đến quý vị để chúng ta cùng bước qua 'ngày tháng buồn hiu' và nhìn lại nó với lòng can đảm và tự hào. Mời quý vị.
NHẬT KÝ MỰC TÍM (tiếp theo và hết)
Ngày… tháng…
Có một điều rất đau đớn mà ta không biết phải nói với ai.
Chiều nay, khi ta tình cờ về nhà, lục tìm cặp hồ sơ của ba với ý định viết những
tên tuổi liên hệ với gia đình để điền vào sơ yếu lý lịch, nhưng ta đã tìm thấy một tờ cáo trạng chi chít chữ
Vâng, một tờ cáo trạng đã làm trái tim ta tan nát.
Đúng hơn
nó là một bản án dài dặc báo cáo lên
Thành Ủy về tên Trần Văn Tùng, thằng con trai duy nhất của Má Sáu:
“… Tên Tùng quá nguy
hiểm cho cách mạng. Khi tôi thấy không thể tuyên truyền được nó, tôi có đề nghị
với các đồng chí cho Ban Công Tác Thành bắn nó, nhưng các đồng chí vẫn còn do dự.
Tôi nghĩ rằng nó là một thằng nguy hiểm, việc làm của nó phương hại đến
cách mạng không nhỏ. Cần phải dứt khoát hạ nó…”
Bản cáo trạng làm ta hoa cả mắt, điếc cả tai. Sự thật làm ta
hởi ơi, thất vọng. Cộng sản là thế đó ư? Cậu ruột có thể tìm mọi cách để giết
thằng con trai duy nhất của em mình,
cháu của mình. Trời ơi! Ta đau đớn có thể chết được.
Những năm
ba đi làm cách mạng, hình ảnh mẹ Tùng là hình ảnh của ba, nhưng vì
“Đảng” ba lại nghĩ khác, ba “trung với đảng, hiếu với dân
và chuyên chính với kẻ thù” lẽ nào con cháu mình là kẻ thù chỉ vì nó
không cùng chiến tuyến với mình? Ba đã giết chết niềm tin ở ta. Con xin lỗi ba, con không thể ích kỷ
như ba; con càng muốn xa rời ba hơn sau khi phát giác chuyện này, thà con tìm việc khác mà tự lập, con từ chối ân huệ “gia
đình cách mạng” của ba, con phủ nhận
mọi ưu tiên từ chế độ đưa tới.
Con không bao giờ chấp nhận cộng sản dưới bất kỳ hình thức
nào. Một chế độ mị dân, một
chính quyền chuyên chế lừa dối, chỉ dùng vũ lực đàn áp khắc nghiệt, thà con đi học lại, thà con sống lây lất ở một chỗ nào đó,
không có ba. Giữa chúng ta tình cha con riêng rẽ “bất hợp tác, bất đồng quan điểm.”
Thôi thì con cố không làm hại đến ba và ba cũng nên tỏ thiện chí với con một
chút may ra cha con ta còn có
chuyện để nói với nhau lâu dài. Bằng ngược lại, thì con cũng rất tiếc, con xin
lỗi ba, con không thể phản bội, con không thể phụ lòng người đã nuôi con 20 năm
nay.
Ta đau lòng không biết thố lộ với ai, cả ngày đạp xe lang
thang ngoài đường với tâm trạng bi thảm thất vọng cùng cực, liệu ta phải làm gì với lá thư
đó, những dòng chữ do chính tay Ba đã
viết như con rắn độc cắn nát tim ta tê điếng, ta lẳng lặng rút nó ra khỏi tập hồ sơ của Ba và cất kỷ vào cái hộp,
dấu kín không cho Ba Má Sáu biết chuyện nồi da xáo thịt đáng ghê tởm này, có lẽ
ta sẽ đem nó về quê, chôn dưới
gốc cây xoài trong vườn, đợi một ngày yên bình sẽ mang ra hỏi Ba, chắc chắn như vậy!
Ta tin mình đã có quyết định đúng mặc dù phải nuốt nước mắt
vào lòng. Lần đầu tiên trong đời
ta phải đối diện với một sự thật kinh khiếp, ta ước gì mình chưa
từng thấy lá thư đó trong cặp của ba...
Ngày... tháng.
Giấc ngủ đầy, buổi sáng thức dậy khoan khoái, con đã về bình thường như một nhân viên nhà nước được nghỉ phép 7 ngày thong dong, con đã về với ba má, và nếu cần con sẽ ở lâu hơn nữa, những ngày lêu bêu trên Sài Gòn, con đã thật sự thấm mệt!
Trời mờ mờ sương
lạnh thấy nhớ buổi sáng nào sửa soạn vào trường, tóc dài áo trắng guốc gỗ khua vang, dẫy hành lang lớp học vắng hoe, thuở còn đi học, ta
luôn luôn là nhỏ học trò đi sớm nhất, đi sớm chẳng để làm gì nhưng thấy thú vị trong cái vắng lặng của buổi
sáng tinh khiết.
Thay đồ đi ăn
sáng với Ba Sáu, phố xá cũng bình thường, buồn hiu, đi thăm nhỏ Hạnh, thăm cô Tráng, thăm trường. Thấy tụi nhỏ lao xao liên hoan cuối năm, lòng mình chợt bàng
hoàng thế nào ấy thôi. Nhớ quá bạn bè ơi, lớp nầy ngày xưa ta học, bàn này ngày xưa ta ngồi, trên
bục giảng những người thầy
học cũ đứng đó. Bây giờ chỉ
có những tầng lớp tiên tiến lạ mặt, ta ngại ngùng trong cái gật đầu chào, đó là điều ray rứt
không nguôi trong ta. Ta hay thầy mặc cảm?
Đi uống cà phê với Võ, Long, nghe vài ba câu chuyện
não lòng. Cũng thế thôi, ước gì ta ngủ được một giấc dài 5 năm hay
10 năm, mở mắt ra mọi chuyện đã xong rồi, có lẽ mình thấy thoải mái hơn phải không Võ? Ước gì tai ta điếc,
mắt ta mù, để đừng nghe thấy gì hết, vì sự thật quá thê thảm. Tuổi trẻ vốn ồn
ào, mà lúc này ta ồn
ào thì chết!
Trưa lại thăm thầy
Hiếu, kể lể hết tâm sự của ta, từ gia đình, đời sống bản thân đến xã hội, kinh tế, lu bu trăm thứ chuyện.
Thầy trầm ngâm đốt thuốc:
- Tội nghiệp học
trò tôi, bánh xe xã hội sẽ nghiến nát em. Em đang
đánh bạc, trước khi em muốn rút lui khỏi sòng bạc với
một đống tiền, hãy khôn khéo một chút, những tên cháy túi
không để yên cho em đâu, đừng để bánh xe thời cuộc nghiến nhẹ một
ngón chân em, một ngón chân thôi cũng đủ đau điếng cả đời rồi.
- Dạ, cám ơn thầy đã cho em một lời khuyên, em đã hiểu ý thầy và em sẽ cố gắng hết sức, nhưng Thầy ơi, em nhỏ
bé và tuyệt vọng quá.
Ngày… tháng…
Thành phố thật lạ.
Cúp điện mới có hai đêm không có cà phê sinh tố, không có nước, chỉ có mặt trời là nguồn sống. 4 giờ chiều ăn cơm hối hả, chui vào mùng
tránh muỗi cắn, mở mắt nằm chờ trời sáng, thấy đêm thật dài.
Đó là lời thầy
Thiếp lúc trưa ghé thăm, quanh quẩn ở nhà nấu cơm, giặt quần áo cho vợ con, ông thầy Việt văn hách xì xằng dạo nào của
tôi giờ đã bệ rạc, xuống dốc. Ôi, thương!
Ra về, lòng ngậm
ngùi quá đỗi.
Chế độ càng ngày
càng khắc nghiệt, người dân kêu rêu than thở mãi cũng thế
thôi, ta thấy mình bất tài vô tướng. Ghé quán café Thanh Bạch với Lộc, Bảo, Minh, tuổi trẻ họp lại nhau có chuyện gì để nói ngoài chuyện chửi chế độ và chửi tất
cả những gì đã và đang xảy ra sau cái ngày 30/4 đáng chửi ấy, mọi danh từ nay đã
trở thành trừu tượng, như cái gì đó mơ hồ xa xăm: Dân Chủ, Giàu Mạnh, Xã Hội Chủ
Nghĩa Độc lập- Tự do- Hạnh Phúc.. tất
cả chỉ là ngụy ngữ, mỵ dân!
Một ông thầy vừa
đi học tập về, chợt dở dở ương ương, vào trường khóc khóc, cười cười với lũ học
trò, có những giáo sư phải chạy vào phòng vệ sinh để giấu
nước mắt, chỉ sợ bị chú ý kiểm điểm, lũ học trò xúc động, thương tâm. Nghe kể mà lòng ta xót xa, ngao ngán.
Thương cho thầy tôi làm người mất trí, mà cũng mừng cho thầy tôi từ nay sẽ quên
mất trần gian, quên mất chuyện thế sự thăng trầm… «Chồng tao có tội tình gì mà nó bắt đi học tập, đày đọa chồng tao? Giải
phóng gì mà nhà tao tan nát, con tao ốm đau, gia đình nghèo túng, đồ đạc bán đổ
bán tháo, thậm chí đến cái quần cái áo cũng bán. Hết nay đến mai, nó cứ hăm he
đi vùng kinh tế mới. Lấy cái gì mà sống? Lấy cái gì mà ăn? Đi thăm chồng một lần
đứt ruột đứt gan. Mong mỏi được nó sai khiến làm tôi mọi, đặng ra ngoài gánh nước,
chẻ củi, hầu thấy mặt vợ con đứng lấp ló ngoài rào như thằng ăn cắp, chực chờ
thảy vô một ống thuốc, một hộp kem đánh răng. Mồ tổ cha nó! Khốn nạn gì dữ vậy! »
Lời chửi rủa bằng
một thứ ngôn ngữ đay nghiến nỉ non, ta nghe mà ứa nước mắt, giọng kể lể uất nghẹn của những bà vợ có chồng đang “học tập” trong tù, mà học tập cái gì trong đó, có chăng là đòn
thù của những tên say máu chiến thắng dành cho kẻ bại trận, đói khổ bệnh tật,
đày ải nhục hình giữa rừng thiêng nước độc cũng đủ cho người ta chết dần mòn, độc kế của cộng sản là
vậy, ta căm giận chính sách
ác ôn này vô cùng, vô tận.
Ngày… tháng…
Tình cờ xem lại
cuốn «Người tình ngoài mặt trận” của Nhã Ca. Não lòng và thương lính quá đỗi…
Hỡi những người
lính đang nằm trong trại tù,
các anh thật dũng cảm và đáng
yêu. Suốt đời, bọn con gái chúng tôi chỉ nên yêu những người lính như các anh
thôi, nhớ quá thời vàng son cũ, ta muốn điên lên khi biết được sự thật mất mát hôm nay. Chúng ta không thua!
Chúng ta chỉ bại trận, trong chiến đấu, bại trận là lẽ thường, chỉ khi nào chúng ta chịu đầu hàng, ấy mới gọi là thua, phải không?
Cũng con đường này, cách đây hơn năm, ta đã đi
qua. Nhà cháy và những xác người chết ngổn ngang. Trước ngày ‘giải phóng,’ con đường Bùi Thị Xuân đầy lính Không Quân và thịt cầy Bắc Cờ…
Ta tìm Quan với
tay nắm ngại ngùng. Ta tìm Quan với tiếng khóc nức nở chiều ngày 30/4/75 trên vai hắn, mới nhập ngũ trong đợt quân sự học đường, tuổi đời
tuổi lính chưa bao lâu thì mọi thứ sụp đổ, khi mọi người đổ xô vào phi trường để
tháo chạy ra nước ngoài thì hắn lại hối hả cởi bỏ bộ đồ ka ki dầy cộm để trở về
làm anh học trò ngơ ngác giữa dòng người di tản. Hai đứa gặp nhau khi Sài gòn hổn độn với tâm trạng hụt hẫng bàng hoàng. Thấy hắn cầm hoài một bao nilon nhỏ trên
tay tần ngần, có cái gì trong đó? không biết, tự
nhiên lượm được, hai đứa đang buồn mà cũng bật cười khi mở gói giấy ra, chỉ là
cái máy đánh trứng gà, một dụng cụ nhà bếp còn rất mới! Thiệt ngớ ngẩn hết
biết, dù sao cũng là một kỹ niệm nhớ đời của Quan trong
những ngày chới với này.
Hai đứa ra bến xe
miền Tây đông nghẹt người, hình như chỉ có duy nhất một chuyến về
Sóc Trăng, không phải xe đò mà xe hàng, mọi người chui rúc trong
thùng xe chật cứng hết chỗ, hai đứa phải leo lên cabin.. Lần đầu tiên đi xe đêm mà không sợ Việt Cộng đắp mô gài mìn, cảm
nhận được ý nghĩa “hoà bình” có lẽ chỉ thấy trong đêm hôm ấy, không gian yên tỉnh, gió thổi lành lạnh, trăng mờ lẩn khuất. Có hai người lang bạt nắm chặt tay nhau về lại quê nhà.
Buổi sáng nay,
tình cờ đi ngang qua khu Lăng Cha Cả, con hẻm vắng hoe, những gã con trai biến mất. Những chàng lính ‘hào hoa’ biến mất, chỉ có bàn ghế, tủ giường, ti-vi, tủ lạnh xuống đường, chờ người đến mua.
Dân chúng bây giờ ai cũng thạo nghề buôn bán, bán nhà, bán xe, bán quần, bán áo, bán tình bán nghĩa. Ôi.. cám ơn cách mạng đã cho dân tôi một cái
nghề mới.
Ngày… tháng…
Nhờ ba chứng giùm
Sơ Yếu Lý Lịch nộp thi đại học. Ông chỉ chịu ký với điều kiện ghi thêm sơ sơ
vài hàng ‘thành thật’ có thằng anh sĩ
quan ngụy, lý do khai tên đổi họ…
“ Vì hoàn cảnh khổ đau của chiến tranh, cha con ly
tán. Tôi là nạn nhân của thời cuộc do Mỹ Ngụy gây ra. Nay nhờ cách mạng cứu sống
lại đời tôi nói riêng, thế hệ trẻ nói chung. Nay tôi nguyện trọn đời hy sinh
cho cách mạng v.v… và v.v…”
Trời ạ! Chèn ép
nhân dân phải không, đã thế không thèm đề gì hết, cùng lắm bỏ thi, tội gì phải đặt sự tiến thân của cá nhân mình vào dăm câu lếu láo nịnh bợ
đó. Ta nguyện trọn đời dâng con tim chai đá “không bao giờ biết đến nói dối” cho bồ ta thôi, ta hổng hưởn hy sinh ‘phi lý, vô lý’ cho cách mạng à nhe! Nãn quá, rút sơ yếu lý lịch về để nghĩ lại xem, cái lối dồn người ta vào chân tường của ‘đồng chí Ba’ này coi bộ không khá, hổng lẽ đời ta từ nay chỉ còn biết quỳ lụy
và dựa hơi thôi sao? Ông già vẫn không ngớt cằn nhằn:
‘Ba đã giới thiệu được nhiều người có việc làm, tại
sao ba lại ngần ngừ khi bảo đảm cho con? Ba và Đảng đã đánh giá tư tưởng con
như thế nào? Con không thật tâm phục vụ cách mạng,
con còn nặng về chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tư hữu,
con phải nhìn nhận sự thật như vậy,
nếu Ba bảo đảm cho con, nhưng con có bảo đảm cho sự
nghiệp cách mạng 30 năm của ba không? Nếu một lúc nào đó con phản Đảng, con phản
Ba thì Ba vẫn phải trừng phạt con như đối với
kẻ thù..’
Ta nhìn gương mặt
nghiêm khắc của một người hết lòng vì Chủ nghĩa Xã Hội, cái cảm giác xa lạ khi
đối diện với người cha ruột thịt của mình, hình như chỉ có Ba Sáu thân thương gắn
bó trong cuộc đời ta, còn người đàn ông này là một Đảng viên Cộng Sản!
Ngày… tháng…
Những con số báo
cáo từ bàn giấy thì không bao giờ chính xác cả. Ta hơi quê khi bị thằng nhỏ chỉ
mặt - Xạo!
- Ừ, có lẽ vậy. Lỗi
không phải tại ta…
Chỉ tiêu định mỗi
tháng phải có 200 người (tối thiểu) trong phường, giãn dân hồi hương hoặc đi kinh tế mới.
Tiên sư anh! Bắt
buộc thế, nhưng người ta không đi, chả lẽ lấy cần trục mà xúc à? Vô lý! Từ đây
đến tháng 6-1977 Sàigòn phải đi trên một triệu rưỡi dân, thiên hạ dùng danh từ nghe kêu to quá “Ra tiền tuyến hăng hái
đi vào mặt trận sản xuất thể hiện lòng yêu nước, thiết tha với sự nghiệp cách mạng, với nhiệt tình xây dựng
chủ nghĩa xã hội! v.v… v.v”…
Chán mớ đời! Rồi
bao giờ các đồng chí sẽ đi? Hay “vành đai xanh” sẽ bảo vệ
an toàn cho quý vị, để từ bên
trong quý vị cứ xỉa tay năm ngón và hưởng thụ dài dài?
Những căn biệt thự
mặt tiền, những nhà lầu xe hơi, những nguy nga tráng lệ
của thành phố Mỹ Ngụy lần lượt bị các
đồng chí tiếp thu và chia nhau quản
lý, để đuổi gia đình thân nhân của tay sai Đế quốc vào rừng bỏ chết vì đói
nghèo bệnh tật, chưa thấy
hột gạo nào từ Bắc chuyển vào Nam “cứu đói đồng bào” mà ngược lại
những hàng xa xỉ “phồn vinh giả tạo” của miền Nam thì theo đoàn xe
tải chở ra Bắc không biết bao nhiêu mà kể. Hòa bình thống nhất đất nước là như vậy ư?
Ngày… tháng…
Lúc này không phải
là lúc ngồi mơ mộng bên trong cửa sổ. Lúc này là lúc xông xáo đi vào một trò
chơi lắm nguy hiểm, đe dọa, ta cân nhắc suy tính liệu sức mình,
tuổi trẻ ta sẵn sàng dâng hết cho lý tưởng, nếu thật đó là một lý tưởng
hợp lý.
Ta đang có niềm tin vào công cuộc trọng
đại sắp tới, ta sẽ không
ân hận khi bắt tay vào việc,
đời sống chẳng còn vô nghĩa, ta cười cợt như một trò chơi lớn, không ngại ngùng và chùn bước.
Một tháng qua đi, một ngày thắm thoát, ta nghĩ nhiều về thời cuộc, về những xao động lung tung trong cái gọi là nhà nước cách mạng, liệu mọi việc có bình yên, huy hoàng rực rỡ như mọi cuộc họp báo cáo tình
hình công tác không? Một cán bộ ngoài Bắc vào đã phải buột miệng:
-Chúng tôi đã bị lừa. Chúng tôi đã lầm lỡ dại
dột khi chấp nhận Chủ nghĩa xã hội,
lúc còn ở ngoài Bắc nghe
tuyên truyền trong Nam là một lũ Mỹ Ngụy khát máu, dân chúng trong Nam sống
trong nghèo đói lầm than, thương đồng bào ruột thịt của
mình nên tình nguyện vào Nam đánh Mỹ,mang
theo mấy cái chén gốm Bát Tràng, vài ký gạo ngon tưởng là món quà quí báu tặng
họ hàng. Vào Nam thấy dân chúng sống nhởn nhơ, dư
ăn dư để gấp vạn lần ngoài nớ, mấy ký gạo mốc meo ném vào thùng rác ngượng
ngùng.
Thế đấy! Cả bè cả
lũ bị lừa thế đấy, còn gì để phải phủ nhận nữa không? Còn sự thật nào chua chát hơn thế không?
Những lý thuyết của họ bao giờ cũng đầy “chính nghĩa”, lập luận vững vàng và sắc bén, ta làm thế nào để có thể đánh đổ một chủ nghĩa được nuôi lớn từ hơn nửa thế
kỷ trước, đánh đổ một cách hợp lý và vững vàng hơn thế…
Ngày… tháng…
“Cho đồng bào tôi ngồi nghếch
mắt trông chờ… Nghe những ủy ban, hội đồng nói vu vơ…” Ta nãn đến phát khóc khi phải ngồi nghe
thiên hạ bàn ra tán vào câu chuyện vận động kinh tế mới và thanh niên xung
phong thủy lợi.
- Tôi chắc cũng dễ
thôi. Mỗi tổ chọn một người đi công tác 15 ngày, thay phiên nhau tự túc ăn công, cứ đào một mét sẽ được
200 đồng, đào nhiều ăn nhiều, đào ít ăn ít, tôi nghĩ cũng giải quyết nhanh được, buôn bán lần lượt vào
tay mình quản lý, tư thương bán hàng bơ mỏ, ế ẩm, rồi cũng phải dỡ nhà mà đi kinh
tế mới…
Ta ngồi nghe mà
buồn, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Xạo! Làm gì có mà hưởng, nhà nước cứ bắt chẹt bắt lỏng thì dân còn cục cựa đàng nào. Không đi công
tác thì không có giấy chứng nhận lao động mà không có giấy chứng
nhận lao động thì không được cung cấp gạo, thì thiệt thòi việc này, việc kia…
Khốn nạn, dân còn gì nữa mà dồn vào đường cùng đến thế!
Công tác thủy lợi,
một hình thức lợi dụng sức lao động, bóc lột sức người, sức của. Ăn cơm nhà, tự
túc mọi phương tiện để lên kinh tế mới đào kinh, một ngày, một tuần, một tháng, ba tháng, lấy danh nghĩa phục vụ ích lợi chung. Nhưng, cứ nghĩ bỏ ra một ngày công như
thế, liệu người ta có đủ một nguồn lợi để nuôi gia đình đang nheo nhóc?
Tội nghiệp mấy
người đi học tập về, bị dính không chạy đâu được. Giọng thằng cha tổ trưởng
nghe mà phát ghét.
- Anh phải sốt sắng tham gia công tác, càng
nhiều chừng nào, sự phục hồi quyền công dân của anh càng nhanh chừng đó…
Thiệt muốn chửi
thề hết sức! Anh là người Việt Nam từ hồi nào đến giờ, chẳng là công dân thì là gì? hổng lẽ trước đây những người bại trận kia là
người ngoại quốc? Chẳng qua vì bại trận mà trở thành ‘phó thường dân’, bị tước
đoạt hết, bị ruồng bỏ, rẻ khinh, đày đọa. Học tập cái quái gì ở đó, nhốt trong mấy cái thùng sắt, ngày nóng như lò nướng,
đêm lạnh cắt da, ra ngoài lao động làm như trâu cày, ăn uống thiếu thốn, bệnh tật chết dần mòn, lâu lâu cao hứng quăng lựu đạn vào giết tù rồi đổ thừa bọn phản động phá hoại hay chỉa súng vào mùng
bắn chơi, chết ai nấy chịu như trường hợp anh của thằng bạn học chung trường. Má nó xỉu lên xỉu xuống khi nhận xác con, so với ‘tắm máu’ trong
chế độ phát xít thì cách đối xử với người bại trận theo kiểu của chế độ này còn dã man hơn nhiều, ác có bài bản mà, càng nói càng thấy nóng gan!
Ngày… tháng…
Cái món hành
chánh bao giờ cũng lằng nhằng, nó luôn khệnh khạng như lão ký già. Quanh quẩn cứ báo cáo sổ sách linh
tinh. báo cáo tuần, báo cáo tháng, báo cáo định kỳ, chẳng công tác gì nhiều hơn những loại báo cáo ấy, cứ giấy tờ chất đống mà không giải quyết được gì . Đúng như một ‘đồng chí’ đã tự phê: ‘Văn thư đầy túi áo, báo cáo đầy túi quần!’
Ta ngồi loay hoay
như kẻ mắc ị mà táo bón cả tuần, thủ tục hành chánh luôn khắc nghiệt dù rêu rao là đã giản dị đến tối đa. Có một ông lão cyclo già,
đổ xăng công đoàn, chạy tới đâu phải trình phường đóng dấu tới đó, từ Chợ Lớn qua Phú Nhuận, đóng một dấu ở Phú Nhuận, từ Sài gòn sang cư xá Thanh Đa, đóng một cái dấu ở Thanh Đa. Nội chạy vòng
vòng tìm cho ra cái trụ sở phường để đóng dấu cũng mất cha nó biết bao nhiêu
xăng của nhà nước và sức lao động của nạn nhân, chưa kể gặp lúc đồng
chí chủ tịch đi vắng, ngồi chờ cả buổi, cũng hụt mất mấy cuốc xe. Nâng đỡ
lao động mà như thế à? Ông lão hằn học “Mồ tổ cha nó.’
Tội nghiệp đồng
bào tôi, nheo nhóc khổ sở trong chuyến đi kinh tế mới tội tình. Mấy ai trong số
hàng nghìn người rời thành phố hôm nay, đã ý thức được “lao động là vinh quang” là “hăng say sản xuất”? Hay chỉ vì không sống được ở đây nên phải đi
thôi, dù tình nguyện hay cưỡng bức cũng đồng nghĩa như nhau, suốt ngày chạy đôn chạy đáo lo cho đồng bào, ta thấm thía hơn cái tình nghĩa
con người: ‘Vì ta thương nhau là thương hết
đám dân khổ đau…’.
Hàng hàng lớp lớp
người chen chúc nhau trong khuôn viên Viện Hóa Đao. Ướt loi ngoi như chuột khi
cơn mưa quái ác đổ xuống, tụi thanh niên cởi trần ngồi phát gạo cho đồng
bào. Mấy tên to đầu biến mất hết. Chỉ còn ta với ta, thương đồng bào nhót cả ruột.
Cố lên! Chịu khó, chịu khó một chút rồi cũng một chuyến đi mà, thế nào rồi cũng có ngày ta lại gặp nhau…
Khúc đường đầu là
những ngôi nhà ngói đỏ, lẫn giữa vườn lá xanh um trên quốc lộ 13. Thủ
Dầu Một, đoạn đường kế đó là ruộng đồng ngút mắt,
tăm tắp xa ở Phú Giáo và cuối cùng là một con đường đất đỏ bụi mù
với những giao thông hào đầy kẽm gai xơ xác. Nước trũng hố bom, đồi chập chùng cỏ lau, và thung
lũng xám xịt, xuống xe giữa vùng kinh tế mới Bàu Ké hoang vu heo hút này đồng bào chúng ta nghĩ
gì?
Đoàn người vừa rời
bỏ thành phố, rời bỏ tiện nghi vật chất đô thị để ngơ ngác đặt chân đến đây, bao nhiêu là hoang mang ngại ngùng. Những ngôi nhà tranh thấp thoáng trong cỏ
rậm. Đời sống sẽ bắt đầu từ con số không ở đây. Dính líu và không thể quay về, ta ứa nước mắt khi vẫy tay từ giã, có lẽ ta sẽ đến đây sớm
hơn dự tính…
Ngày… tháng…
Ta đang bị ViCi
khủng bố và kềm kẹp, ngày nào không khí trong nhà cũng nặng nề, ngột ngạt, tối đứng đó với má và lũ nhỏ, sáng cãi nhau với ba và chị hai, quanh quẩn trong một
con hẻm chán phèo.
Ta không thể để đời
sống bị lệ thuộc và chi phối nhiều đến thế. Ba hăm dọa đủ điều. Ba bảo rằng, nếu
rời khỏi ông ra, đời sống chính trị của ta sẽ vô cùng đen đúa. Họ
sợ con của cách mạng có tương lai tối tăm ư?
Ta sẵn sàng chấp
nhận tất cả, lao tù nhà giam vốn đã phi lý từ bản chất đàn áp của nó, ta chỉ sợ tư tưởng bị đày đọa, nhốt kín thôi, ta là ngựa rừng chứ không phải là ngựa phố. Tại sao cứ
thích bịt mắt để ta kéo chiếc xe cách mạng kệch cỡm của ba?
Ngày… tháng…
- Chị có mặt
trong ngôi nhà này để làm xáo trộn tư tưởng lũ nhỏ, quấy rối đời sống đang đi
lên của gia đình.
Nhóc Hùng hung
hăng ‘đấu tố’ ta giống như cách mạng đấu tố địa
chủ trong cải cách ruộng đất. Mà có gì đâu khi nhỏ My cứ đi theo chị
tư than thở” Em chán quá, ba nói
giải phóng là ai cũng no cơm ấm áo, mà có thấy gì đâu, tụi bạn em
bỏ học vì nhà nó nghèo túng,vì ba nó đi cải tạo, má nó bán hết
đồ đạc trong nhà để chạy gạo từng bửa mà không biết cầm cự được bao lâu?”
Ta ngạc nhiên
khi thấy Hùng thay đổi nhanh chóng từ khi theo học lớp đối tượng
đoàn, nó tưởng thế giới trong tay
nó chắc, ta nghe cái từ ‘tẩy nảo’ của Cộng sản bây giờ mới biết, thật kinh
khủng quá, xã hội đã biến thằng nhóc dễ thương của ta thành một tên
kiêu căng phách lối, nó còn cao giọng phê bình ta là không có lập
trường chính trị vững vàng, tối ngày cứ nghêu ngao nhạc vàng và đọc
văn hóa phẩm đồi trụy..Trời đất! Mấy cuốn Tuổi Hoa mà hồi đi học ta
nhịn ăn hàng để mua đem lên Sài Gòn cho nó đọc, vậy mà bây giờ
nó”kiểm điểm” ta, tức chết đi được cái đảng Cộng sản đã làm hư
thằng nhóc, thiệt thất vọng quá “đau lòng ta muốn khóc!” Để rồi xem
mi phất tới cở nào, vô đoàn rồi lên đảng, vấn đề không phải mi là ai
mà mi làm được cái gì lợi ích cho đồng bào cho xã hội? Điều đó
mới quan trọng nhóc à!
Ngày ..tháng
Ra khỏi phòng
thi, buồn ngơ ngẩn. Một chút ân hận bâng khuâng, lỗi tại tớ hoàn toàn, tớ không thích đi thi, tớ không thích đậu, không thích làm học trò nữa! Tớ chỉ tắm được một lần trong một giòng sông, tuổi trẻ hồn nhiên của tớ trôi qua đi, mất hút. Tiếc thì có tiếc, buồn thì
có buồn nhưng chấp nhận. “Dứt khoát” thế thôi!
Đề thi có câu
hỏi mắc cười “cho biết sự khác nhau
giữa người và khỉ,” cậu biết tớ trả lời sao không? Tớ nhìn lên tường
thấy hình ông Hồ chí Minh và tớ ghi ngay ‘người có râu và khỉ không có râu’.
Nộp bài mà tớ cứ
tủm tỉm cười hoài.
Tớ không hy vọng
hay ao ước gì nữa, vì đời sống mình còn có gì để
ao ước nữa đâu! Tí Cồ sẽ mất
đi cái dịp nôn nao chờ nghe kết quả của tớ như tâm trạng gã bộ đội trong thơ ‘kách
mệnh’
Nghe tin em vào đại học,
Nửa tin nửa ngờ tên lại
trùng tên.
Tớ thấy mình tàn nhẫn hết sức khi bình thản bước ra khỏi cổng
trường thi mà lòng trống rỗng, tớ muốn phì cười khi có người hỏi
tớ “Đậu không?”. Chắc đậu.
Ừ! Nhờ 30 năm đời ba ta có Đảng!
Quê quá, phải không Tí Cồ? Tệ lắm thì tớ cũng được ‘bế’ vào
Đại học Dự Bị, nhưng mệt
quá. Tớ sợ sách vở lạ lùng. ‘Thôi thì
thôi, chẳng đành thì thôi, thôi thì thôi nhé…’
Giờ thì tớ tiếp tục đi làm, bình thường nhưng chẳng có vẻ gì là bình thường hết, vẫn ngành Vận Động Xây Dựng Kinh Tế Mới, mỗi tháng đi công tác hai lần, điều xe và đổ dân xuống vùng kinh
tế mới Đồng Xoài, Sông Bé.
Chen chúc đứng ngồi giữa đoàn người gói khăn lũ lượt hỗn độn
và bần cùng. Những buổi trưa nắng cháy và chiều xuống mưa dầm. Những ngôi nhà
tranh thấp tè (công trình của Thanh Niên Xung Phong), lô nhô giữa rừng lau sậy,
ngay ngắn, kiểu mẫu.
Đồng bào xuống xe với gương mặt ngơ ngác, bàng hoàng khi được
gọi tên nhận nhà mới, thuộc quyền làm chủ của mình từ đây, với nước ngập đầy
sân, cỏ tranh leo tận cửa. Chưa có vách che nên gió thổi luồn lạnh
buốt.
Những tiếng thở dài, những lời phàn nàn trách móc, hay tệ hơn nữa, sự gay gắt sẵn sàng chụp lên đầu các cán bộ điều
xe, đổ dân như tát nước vào mặt.
- Vùng “đất hứa” của
các người đó à?
Ở năm ba tháng, gặp bao nhiêu sự thật phũ phàng, gạo nước dầu lửa, nhu yếu phẩm, thuốc
men bệnh tật. Hàng trăm thứ
khó khăn thiết yếu, đành trốn
về Sài Gòn chửi rủa vung vít.
Những tiếng”phản ảnh” làm tớ đau
lòng.
Có thật tớ cũng đang đồng lõa tiếp tay với những tên đao phủ cố tình giết chết đồng bào mình không? Mỗi
chuyến đưa dân về, tớ buồn và nản lòng không tả được. Nảy ra ý định “được” thi rớt,“được” dẹp bỏ dứt khoát mọi bận bịu ở Sài
Gòn. Tớ sẽ đi kinh tế mới! Tớ sẽ sống với đồng bào của tớ!
Có thấy những gương mặt thảng thốt của người dân khi vừa đến
vùng Kinh Tế Mới, mới thấy thương dân
chúng mình. Người vợ trẻ với năm bẩy đứa con nheo nhóc đi kinh tế mới
làm gì? Phải chăng để mong mỏi chồng mình sớm được học tập trở về? Anh sinh
viên đen đúa kia tại sao có mặt ở đây trong khi bạn bè anh đang ở giảng đường đại
học? Vì điều đơn giản, anh là con
em của ngụy quân ngụy quyền, không
đủ tiêu chuẩn đi học, gia đình
không thể cưu mang mãi đời sống
bình yên cho anh. Rồi cũng phải đi thôi! Dứt khoát là như thế, không Thanh Niên Xung Phong thì cũng
nghĩa vụ quân sự. “Tầng lớp
tiên tiến” mà!
Tớ yêu đồng bào yêu
tuổi trẻ của mình, bây giờ
thì Tí Cồ đã hiểu tại sao tớ thi hỏng đại học, lý do này có gì đáng trách không Lộc? Tại tớ muốn thế mà.
Ngày xưa, đọc thơ
bạn bè, thấy không có gì hết. Nhưng bây giờ, lật lại trang báo học trò cũ, đọc
thơ Huy Giao, thấy thắm thía lạ lùng:
Còn gì vui bằng niềm
vui hôm nay,
Lấp kín đi anh, những
hố bom cày.
Mùa sau xới đất trồng
khoai sắn,
Khi lá xanh rồi, buồn
cũng nguôi ngoai…
Mùa sau đã hơn năm rồi mà sao lá chẳng xanh để lòng tớ nguôi ngoai? Lý tưởng tuyệt vời quá
đỗi với tuổi trẻ bọn mình. Hát đồng dao hòa bình và ngợi ca tự do hạnh phúc, bình đẳng và yêu
thương. Nỗi ao ước như một cái gì đó gắn bó không rời “ở một
nơi nào mà ai cũng yêu nhau”, có
thật bây giờ chúng ta đang sống trong một vùng đất mà “ai
cũng yêu nhau”? thật là
chuyện hoang tưởng khi sống trong chế độ này, vì người nào thương ta
cho bằng ta đâu.
Ngày ...tháng
Triển khai công tác trong tháng, tiếng quạt máy quay đều đều, mệt mỏi, một vài tiếng ho húng hắng những cái ngáp được che đậy vội
vàng. Mới 9 giờ sáng mà sao buồn ngủ lạ lùng. Mọi người đều uể oải trước câu “hạ quyết tâm” sôi nổi của đồng chí trưởng
ban, một chị trong đội tuyên
truyền xung kích của Quận đã
trề môi lắc đầu:
- Trời ơi! Bộ tưởng dễ
lắm hả? Nói gần gãy lưỡi ngày này qua ngày kia mà có ma nào thèm nghe đâu! Người
ta còn chửi cho là đằng khác, nói suông thì dễ lắm,
tới chừng xuống dân mới biết bị phản ánh tơi bời. Họ nói “nhà nước đem
con bỏ chợ, chưa đi thì nói ngon lành lắm nào là có gạo có nước, có thuốc, có
trường đầy đủ, bà con chỉ đi lao động thôi, còn mọi thứ đều có nhà nước cung cấp,
lo lắng chu toàn, nào là khỏi lo chạy cơm từng bữa, sống
chui rúc khổ sở ở Sài Gòn. Tưởng sao tới chừng lên đó, chẳng
có cái cóc khô gì hết. Lúc đầu, gạo phát cầm chừng, rồi từ từ xuống bột mì ăn cầm
hơi, nước nôi chẳng có, sanh ghẻ chóc, bệnh hoạn, chẳng thấy một viên thuốc nào
làm phước. Mấy cô mấy cậu xuống phường khóm họp dân lại nói những chuyện phong
thần, nhà nước thương dân, lo cho dân theo cái
điệu vẽ bánh bắt phải ăn no, thì dân cũng ngất ngư mà xá dài…”
Tôi cười cười sự
thật đã không thể bẻ quanh bẻ quẹo
được thì cũng đành thôi!!
Đến phần kiểm điểm công tác hầu hết các phường đều đứng lên nêu các khó khăn của ban mình trong
khi đi vận động.
- Chúng tôi đến nhà bà A, thì bà B bên cạnh trông thấy đã vội
đóng cửa…
- Mặc dầu chúng tôi đã có kiên trì giải thích chính sách
cũng như chế độ cấp phát dành cho Kinh Tế Mới, nhưng nhiều đồng bào vẫn thắc mắc
về những tin đồn còn sai sót, thiếu thốn trên
vùng Kinh Tế Mới…
- Đối với diện gia đình sĩ quan học tập thì đa số đều ngoan
cố, viện cớ chờ chồng về mới đi, chứ không chịu đi trước, vì họ không tin là chồng,
cha họ sẽ được về ngay. Còn giới tiểu thương buôn bán thì cho rằng còn làm ăn
được nên không chú ý lắm về kinh tế mới v.v… và v.v…
Buổi họp kéo lằng nhằng đến 11 giờ 30 vẫn chẳng đi tới đâu hết, không biết đây là lần họp thứ mấy
mươi của Ban Kinh Tế Mới, vẫn
cái không khí tẻ ngắt chán chường, vẫn
cái giọng làm ra vẻ hăng hái
sôi nổi của thằng cha trưởng ban Quận, đòi phải “đạt chỉ tiêu”, điệu
não nề của các phường khi báo cáo về con số thành
tích, biểu đồ tụt xuống dần dần như mạch của con bệnh đang hấp hối. Câu kết luận
bao giờ cũng “dứt khoát” Khó khăn nào cũng vượt qua! Chúng ta phải nỗ
lực để đạt chỉ tiêu cho bằng được, vì đó là yêu cầu cấp bách khẩn trương mà Đảng
đã giao phó cho chúng ta phải hoàn thành…
Tan họp mọi
người ra về mệt mỏi. Nắng buổi
trưa nhức đầu, hay tại ngồi nghe thiên hạ nói nhiều quá đâm ra váng vất? Họp với
hành sao mà chán thế không biết! Tôi sẽ phải nói gì với đồng bào của tôi, cái máy nói quay quá nhiều vòng,
đến nỗi người ta có thể thuộc cả từng dấu chấm, dấu phẩy trong bản văn kiện “trọng tâm hàng đầu của đảng” về Kinh Tế Mới. Và người ta cũng đã biết
hết cái sự thật bên trong của danh từ đó. Sự nói dối được truyền đi từ trên xuống
dưới rõ ràng và rập khuôn, làm
sao bây giờ?
Ngày… tháng…
Dứt khoát là phải thu
xếp đi thôi. Nhà cất bất hợp pháp. Không giải quyết được vấn đề mua bán
phải dời ngay để trả lại sự nề nếp khang trang cho thành phố, khi phải sống chui rúc khổ sở trong những
căn nhà ổ chuột, bà con càng nên căm thù chế độ Mỹ Ngụy đã bạc đãi đời sống đồng
bào nghèo khó. Mỹ Ngụy là thủ phạm gây nên tệ trạng hôm nay! Nhà nước cách mạng
chủ trương vì hạnh phúc của nhân dân, vì đời sống nheo nhóc của đồng bào.
Đi kinh tế mới không
phải là đẩy ai, là muốn tống khứ bà con rời khỏi thành phố, như một số bà con
đã hiểu sai lệch về chính sách tốt đẹp này. Đi kinh tế mới là tạo cơ sở cho bà
con đều có công ăn việc làm, giải quyết được tình trạng thất nghiệp hiện nay,
cân bằng về sự cung cầu kinh tế, phân bố sức lao động trên các vùng đất tươi tốt
còn bị bỏ hoang vì chiến tranh trước đây, tạo ra của cải và vật chất để xây dựng
lại đất nước sau bao nhiêu năm bị tàn phá trong bàn tay của Mỹ Ngụy đế quốc.
Đưa đồng bào đi kinh tế mới là một bổn phận tất yếu của nhà nước cách mạng, được
xem là một chính sách hàng đầu trong việc chăm lo cho đời sống nhân dân tận
tình, chu đáo.
Mỗi lần đưa đồng bào
đi kinh tế mới, phường khóm chúng tôi đã lo từng cây kinh sợi chỉ, từ manh quần
tấm áo, từ nồi niêu mùng chiếu đến tiền bạc thuốc men. Và khi đưa lên đến nơi đến
chốn, thì ở đó đồng bào đã có sẵn nhà ở, có sẵn gạo ăn, có sẵn một phần nào tiện
nghi tương đối mà nhà nước đã chuẩn bị đầy đủ để tiếp đón đồng bào định cư trên
vùng kinh tế mới mầu mỡ, trù phú…
Giọng bà chủ
tịch dẻo quẹo trơn tru, tôi
chán ngán khi phải ngồi câm miệng nghe thiên hạ lếu láo “lo cho từng cây kim sợi chỉ” Trời ơi! Hành động đâu phản ánh được bản
chất! Tôi biết chuyện này đã
xảy ra đối với một gia đình chị lao công quét chợ và 4 đứa con nhỏ. Tối ngủ
ngoài sạp cá, bị công an đuổi, không có chỗ ở phải đăng ký đi kinh tế mới.
Mà “cây kim sợi chỉ” đó là do bà chủ tịch “tiếp
thu” của một gia đình khác, lấy danh nghĩa “cách mạng” tặng lại.
Tôi xấu hổ khi nhớ những lần tổ chức lễ tiễn đưa đồng bảo đi
kinh tế mới trong phường. Bà chủ tịch đã nhờ tôi gói thật kỹ, thật đẹp, những bộ
quần áo cũ có cái đã rách, đã mục không biết lôi ở đâu ra, để lên micro hô hào quà tặng đồng bào nghĩa cử cao đẹp của Ủy Ban dành cho “những người đã ý thức được nghĩa vụ và quyền
lợi của gia đình mình cũng như của đất nước” mà tình nguyện ra đi.
Không có gì chua xót mỉa mai hơn khi về nhà, người ta mở những gói quà nham nhở đó ra, sự mị dân đã đến tột cùng!!
Ra về, trời mưa lất phất, nghe đồng bào bàn tán sau lưng:
Họp với hành! Chán quá! Giờ còn bán gạo, mai mốt cúp gạo, bán bột, bán
khoai. Từ từ cúp hết lương thực, nhu yếu phẩm. Không ký giấy bán nhà. Dọn dẹp
chợ búa. Không cho mua bán lặt vặt để hàng hóa phải vô quốc doanh, vô hợp tác
xã nhà nước. Họ làm tới cùng để mình sống hổng nổi nữa thì phải dỡ nhà đi. Tôi
biết quá mà! Chính sách cách mạng là vậy đó chị ơi!
-“ Thương dân, lo
cho dân”! Tôi hổng cần họ thương theo cái kiểu bắt đi kinh tế mới đó. Nói nghe
mà ham! Thiệt tình trên kinh tế mới “ngon lành” vậy đó hả? Tôi hỏi chị
mình còn ở Sài gòn này làm cái giống gì, đi phứt cho nó khỏe,
khỏi mắc công nay kêu đi họp, mai kêu đi họp để nghe họ nói này nói kia
nhức đầu. Kẹt nỗi kinh tế mới bà chủ tịch nói hổng giống như
kinh tế mới của thằng em tôi. Lúc đầu, hai vợ chồng nó nghe nói cũng hăng, đăng
ký đi, tôi cũng lên trển mới té ngửa! Cái “nhà” có chút xíu mà dột lên dột
xuống, gạo thì lãnh được hai ba ký gì đó, rồi nín luôn,
cứ ăn khoai lang, khoai mì riết thôi. Nói có giếng, mà có
thấy cái giếng nào đâu nước không có một giọt mà rửa ráy, chứ đừng
nói tưới rẫy, tưới nương. Thêm cái thứ sốt rét giết người nữa,
mấy miệt kinh tế mới toàn là chỗ rừng bụi không hà! Nó mới bỏ đứa con hồi
tháng trước, tôi mới nói cho chị nghe đó, còn mấy đứa dẫn về Sài Gòn, đứa
nào cũng ghẻ đầy mình, mà người thì ốm nhom, xanh le xanh lét thấy đứt
ruột hết sức! Nói thiệt với chị thấy vậy rồi thì thà ở đây ăn đất tôi cũng ở nữa,
chứ chẳng đời nào mà đi. Nghe nói mai kêu mấy đứa học sinh ra đuổi chợ, dọn dẹp
không cho mua bán nữa.“Chợ phải đâu ra đó, không có gióng
gánh bừa bãi, người ra kẻ vô ồn ào mất trật tự, không kiểm soát được hàng hóa
chợ đen chợ đỏ”. Nghe nói mà mắc cười,
cái chợ mà không ồn ào thì làm sao gọi là cái chợ được! Tưởng gì họ sai
con sai cháu mình ra đuổi mình. Tôi hỏi chị không cho mua bán thì lấy gì sống?
Không có bán gạo thì lấy gì ăn? Thì phải đi kinh tế mới theo ý của họ.
- Xí! Nói nghe dễ dữ!
Bộ tưởng người ta khùng hết chắc? Còn lâu!
- Nhưng biết đâu được
chị! Nhà nước cách mạng có nhiều chánh sách lắm. Chị không nghe nói là phải
“dứt khoát” thu xếp mà đi hay sao? Sớm muộn gì cũng vậy, mình là cá nằm
trên thớt chị ơi! Mình chết chứ họ đâu có chết!
Tiếng guốc
dép kéo lê trên những con hẻm tối. Tôi lặng lẽ nép mình vào một hàng hiên, chờ
mọi người đi khuất.
Nỗi buồn không gọi được tên, cá nhân tôi không giúp được gì cho mọi người. Chỉ có Đảng và Nhà
Nước “lãnh đạo”! Đành vậy
sao?
Kinh tế mới như một viễn tưởng hãi hùng của người dân thành
phố từ sau ngày giải phóng. Ở đâu cũng nghe nói về kinh tế mới, đi đâu cũng nghe bàn về kinh tế mới. Người
ta nói với nhau về danh từ này ở khắp nơi trong miền Nam. Thậm chí đến những đứa trẻ nhỏ lớp 1, lớp 2 cũng có
thể hiểu mang máng về kinh tế mới do cha mẹ chúng nó kể lại.
Người ta xem như đó là một vùng đất đày ải, nghèo đói và chết
chóc. Tôi nhớ đến gương mặt hợm hĩnh của Thạch khi kể cho tôi nghe một câu chuyện
khôi hài lúc người ta nhắc tới kinh tế mới
Có ba người đi trên một con tàu: một người Nga, một người Mỹ,
một người Việt Nam. Tàu ra đến giữa biển thì có một con khủng long dữ tợn nổi
lên, người Nga quát:
- Nếu mày không lặn xuống thì tao sẽ lấy hỏa tiễn Sam bắn
mày.
Con vật cười. Người Mỹ nói
- Nếu mày không lặn xuống thì tao đem B.52 dội mày.
Con khủng long vẫn trơ trơ, nhưng khi người Việt Nam chỉ tay nhẹ nhàng nói “Tao sẽ dắt mày đi kinh tế mới”, lập tức
con vật hoảng hồn lặn mất.
Tiếng cười Thạch kết thúc ở đó làm tôi se lòng, ái ngại. Người
ta đã khẳng định một điều gì, qua câu chuyện đùa mỉa mai đó? Kinh tế mới đã được
đánh giá ghê rợn hơn cả hỏa tiễn Sam lẫn B52, sống trong chế độ cộng sản còn bị đày ải, nghèo khổ hơn cả thời kỳ
bị đế quốc thống trị! Nên cười hay nên khóc trong cái vai trò của mình bây giờ?!
Ngày… tháng…
Ngày mai có chuyến đưa dân.
Suốt một ngày
lăng xăng chạy tới chạy lui, khiêng từng cái bàn gỗ mục, cái ghế gãy
chân. Xách từng chiếc chiếu
rách bươm, cái thúng móp méo ra xe tải để ngày mai lên đường.
Chị đàn bà bồng đứa con nhỏ xíu đang ngó mấy người hàng xóm
khiêng phụ cái thùng nhựa
đen xỉn, cáu bẩn, từ trong bếp
ra.
- Hết chỗ rồi! Gã tài xế lắc đầu từ chối.
Chị đàn bà quay sang tôi van nài:
- Cô làm ơn nói với mấy ổng cho lên dùm đi. Kệ! Có cái
thùng, lên trển đựng nước mà xài. Nước giếng chắc mát lắm hả cô?
Tôi nhìn vào thùng xe chật ních, đồ đạc của tất cả 7 gia đình gom lại chỉ
có một xe hàng.Tôi chưa thấy người nhà giàu nào đi kinh tế mới. Cũng may, đỡ phải tốn xăng nhà nước vận chuyển.
Tôi nói với người tài xế:
- Anh chịu khó thu lại cho gọn, để nhét thêm dùm chị này cái
thùng đi lên trển chị có mà đựng nước. Tội nghiệp, tài sản của một gia đình
nghèo…
- Nước giếng mát lắm hả cô?
- Vâng. Tôi cũng hy vọng là nó rất mát, để cho lòng chị khỏi
buồn.
Ngày… tháng…
Tôi thấm thía hơn cái tình nghĩa con người, khi mặc áo mưa
xuống thăm những gian nhà chờ đợi tối om, nhìn đồng bào nằm ngồi nheo nhóc
trong ánh sáng leo lét của những ngọn nến được thắp lên, rải rác, thỉnh thoảng một vài đầu thuốc lóe đỏ, tiếng đập muỗi chan chát vang lên
giữa tiếng khóc la của trẻ con. Sự náo động rời rạc, buồn thảm. Những bóng người
chập chờn, lố nhố trong mỗi lần tia chớp lóe lên như những bóng ma đang chờ đợi
giờ đền tội dưới hỏa ngục. Tôi đến ngồi bên cạnh một gia đình đang dùng cơm dưới
ngọn đèn dầu nhỏ. Họ ăn lặng lẽ như cái chép lưỡi của con thằn lằn trong khung
cảnh tranh tối tranh sáng. Món ăn duy nhất là chai nước tương dằn trên cái bọc
nylon có vài lát dưa lèo tèo.
- Gia đình bác đã lãnh gạo chưa bác?
- Mới xong đó cô.
- Đi mà gặp
trời mưa như vậy, cực quá hả bác? Gia đình bác đông không?
Người đàn ông ngước mắt nhìn tôi như có vẻ dò xét nghi kỵ rồi lại cúi xuống và nốt chén cơm,
trong khi người đàn bà thở dài, kể lể:
- Mưa nắng gì thì cũng phải đi chứ biết sao cô? Hai vợ chồng
tôi với tám đứa con, ổng chạy
xe ba gác chở than ngoài Ngã Bảy. Còn tôi thì bán rau ở chợ An Đông. Hai thằng
lớn thì vá xe đạp. Họ nói đó là mấy nghề tạm bợ, sống bấp bênh, nhà đông người
mà có sức lao động thì phải đi kinh tế mới, chứ ở thành phố, ai bán gạo hoài
cho mà ăn. Đã nghèo lại con
đông nữa, khổ lắm cô ơi! Đêm nào thằng cha tổ trưởng cũng bắt đi họp, rồi hết người này tới người kia lại
nhà kêu đi kinh tế mới, riết
rồi ổng giận quá, bán luôn cái xe ba gác. Đi thì đi. Cái số nghèo, số khổ, thì ở
đâu cũng vậy. Nhà nước thương thì mình nhờ, ghét thì mình chịu…
- Cái bà này! Gã đàn ông gắt lên buông đũa ra ngồi ngoài
hàng hiên vấn thuốc hút, cái dáng khắc khồ trầm ngâm như tượng đá.
Ngoài trời, mưa lâm râm. Tôi xót xa nhìn qua gian nhà gió lùa trống trước trống sau, bao nhiêu người đang tạm trú ở
đây để chờ đợi một chuyến đi, đêm
sẽ dài hay ngắn, và có mấy ai sẽ ngủ được một giấc ngon lành? Hay tất cả đều trằn
trọc, băn khoăn, suy nghĩ về cuộc sống ngày mai trên một vùng đất xa lạ mà mình
sắp đến?
Gom hết mớ tài sản èo uột nhỏ nhoi, vợ chồng con cái bồng bế
nhau rời bỏ thành phố. Có những nụ cười tin tưởng, hy vọng, có những ánh mắt ái ngại, lo âu. Ngày mai sẽ có một đoàn xe ra đi với cờ
xí rợp trời, sẽ có bà chủ tịch
Quận, ông Bí Thư huyện ủy ra đứng trước ống kính thu hình ngồi khen tinh thần
yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tích cực tham gia đi vào lao động sản xuất của
nhân dân và thân ái gởi tặng
đồng bào một ít hột giống cùng vài cái cuốc, cái liềm tượng trưng. Rồi thôi.
Đoàn xe sẽ lần lượt rời bỏ thành phố. Bà con hàng xóm từ giã
nhau bùi ngùi.
- Con Ba, mầy đi mạnh giỏi nhé!
- Bà Bẩy ở lại mạnh giỏi. Mai mốt cháu trồng được trái bầu,
trái bí, mang về làm quà cho bà mừng.
- Chú Năm lên trển có bắt được con nai con thỏ nhậu nhớ tui nhe.
- Ôi, nhậu nhẹt gì mày ơi! Tao sợ hổng có gạo mà ăn kia. Bộ
mày tưởng lên trển rảnh rang như thời
trước ngồi uống la-de trong Sở Thú chắc?
Suốt đêm tôi đã không ngủ được. Cái mền quá ẩm nên làm tôi cảm
thấy ray rứt, khó chịu thế nào... Tôi nhớ gian nhà chờ đợi trống trải trong Viện
Hóa Đạo, có hàng trăm người nằm ngồi chen chúc nhau. Trời mưa lạnh, và họ cũng
không ngủ được, vì mãi nghĩ
đến ngày mai và cuộc hành
trình quái gở trong đời.
Ngày ...tháng
Tiếng nấc nghẹn tuyệt vọng làm tôi bồi hồi.
Tôi có nên kể cho cô nghe một sự thật nữa
của chế độ không? Khi buổi sáng nay, tôi đã gặp một người quen vừa từ
kinh tế mới trở về thành phố, kể cho tôi nghe những chuyện não lòng. Gia đình
sĩ quan, tưởng khi học tập về, đi kinh tế mới sẽ yên thân cùng gia đình lao động
sản xuất. Chẳng ngờ đời sống bị kềm kẹp tù túng thêm hơn,
nói chuyện với ai năm ba người cũng bị dòm ngó, đi đâu cũng phải
xin phép, trình diện chầu chực,
hàng tháng phải vào rừng làm công tác lao động phá rừng, trồng lúa cho bộ
đội ăn. Mỗi lần đi là làm cả mười hôm hay nửa tháng. Vậy mà mỗi lần có cháy rừng
hay nổ đạn ở đâu, là mấy người sĩ quan thất thế ấy lại bị chửi bới vung vít,
hăm dọa đủ điều. Nào là “bản chất ngụy”, nào là
“thành phần phá hoại phản động”. Muốn được yên thân thì đừng ngo ngoe,
liệu hồn! Tưởng đi kinh tế mới là khỏi nghĩa vụ quân sự,
vậy mà những thằng con trai trụ cột trong nhà vẫn bị gọi đi đợt đầu, bỏ
lại vợ đang mang thai, bà già đang đau nặng. Nhà nước tận dụng sức lao động,
không chừa một người, lấy ai đâu mà canh tác?! Nước vẫn không có. Bệnh
tật vẫn ám ảnh. Sợ hãi, học tập và lao động mút mùa. Mỗi lần họp
hành, những tên cán bộ vẫn không ngớt ba hoa nào là tăng năng suất
lao động để vượt qua chỉ tiêu, hoàn thành kế hoạch, nào là thi đua lập
thành tích để chào mừng đại hội này, đại hội kia… Thử hỏi cô đàn
bà con nít mà làm được cái gì? Càng nói càng chán, có
sống ở đó mới biết, gặp bao nhiêu chuyện bực mình. Đi kinh tế
mới là chui đầu vào rọ, mặc
thiên hạ làm tình làm tội mình…”
Tôi đã ngồi ngơ ngẩn cả buổi trời để nghe cho xong câu chuyện, có thật tôi cũng đang tiếp tay
cho họ để đày ải đồng bào tôi không? Nãn hết muốn làm gì nữa!
Tôi mong mình được sống ở đó, chứng kiến mọi sự thật. Để chi vậy? tôi bất lực nhìn chế độ đã dồn dân đến bước đường cùng!
Ngày… tháng…
Đi xem triển lãm về kinh tế mới trên quận. Những hạt lúa
trĩu nặng. những khoai sắn to tướng, những trái bầu, trái bí ngon lành, những tranh ảnh sôi động, phô bày
một mùa thu hoạch đạt kết quả 100% trên vùng kinh tế mới. Tôi ngao ngán nhìn
công lao được tưới bằng mồ hôi và nước mắt của đồng bào suốt một năm nay, đang
được nằm trong bàn tay khép lại của nhà nước. Hàng biểu ngữ giăng mắc khắp nơi
- Tất cả cho sản xuất!
- Tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội!
- Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý và nhân dân làm chủ…
Quản lý có nghĩa là giữ giùm, một đồng
chí đã giải thích như vậy. Có ai tin được điều đó không, tất cả những hoa màu này tôi đã nhìn thấy trên kinh tế mới, do
chính bàn tay lao động của những người dân đang sống khổ sở ở đó trồng nên.
Nhưng điều chua chát là họ không bao giờ được hưởng trọn vẹn những sản phẩm tốt
tươi này. Đó là một sự thật. Mọi thứ thu hoạch được, đã có nhà nước “quản lý”, tức là giữ dùm. Cùng lắm
là họ sẽ được tiếng có đạt chỉ tiêu,
có tăng năng suất. Biểu dương một vài cá nhân hay tập thể đã tỏ ra xuất sắc
trong thành tích thi đua lao động. Rồi thì vẫn tay cuốc tay cầy, vẫn ăn khoai sắn thay cơm gạo, vẫn đói kém khổ sở và túng thiếu
mọi thứ nhu cầu cần thiết trong đời sống người dân trên vùng kinh tế mới. Chế độ
mang danh nghĩa “đấu tranh cho giai cấp lao động nghèo khó”,
nhưng thật ra chính những giai cấp đó
bị bóc lột nhiều nhất. Họ bị lợi dụng để đưa ra “mặt trận
lao động” như những công cụ phục vụ cho
chế độ, cho chủ nghĩa riêng tư của một thiểu số người lãnh đạo. Bằng những
chiêu bài mị dân sáng bóng, trò tiểu xảo mà ai cũng có thể
đoán biết được.
Theo chân đoàn đại biểu các phường, nghe một đồng chí thuyết
minh về sơ đồ xây dựng kinh tế mới đang sắp sửa tiến hành. Chỗ này là trường học, chỗ này là bệnh xá, chỗ này là trụ sở Ủy Ban Hành Chánh xã, chỗ này là chợ và khu giả trí tập
thể. Đây là phần đất sản xuất tập thể. Đây là phần đất thổ cư của mỗi hộ gia
đình để Công annh tác hoa màu phụ. Và đây là nghĩa địa, một khoảng đất nhỏ xíu ở
góc sơ đồ đã khiến tôi suýt buột miệng “Ủa! Sao ít vậy?” nhưng kịp
dằn lại cái óc khôi hài nhiều
khi không đúng chỗ của mình. Quả thật, nhà nước chu đáo vô cùng!! Đúng là một
vùng kinh tế mới kiểu mẫu chỉ có trên sơ đồ, trên những cửa miệng ba hoa bóng bẩy của tụi tuyên truyền
Kế đó là đến phần chiếu phim. Những hình ảnh “sinh động khí thế” của một vài gia đình.
Bà Năm, Bà Tám điển hình, đã tự động giở những căn nhà ổ chuột của mình ở thành
phố để hồ hởi phấn khởi đi xây dựng vùng kinh tế mới. Những nụ cười toe toét đứng
quanh mái tranh, bên cạnh các luống khoai xanh um, chạy dài, cái bắt tay thân mật của đồng chí trưởng
ban kinh tế mới Quận lên thăm viếng đồng bào.
Hình ảnh các cán bộ
đang hì hục khiêng đồ đạc từ trên xe tải xuống, phụ giúp đồng bào, tôi bắt gặp hình ảnh cô bạn đồng nghiệp
đang xách chiếc ghế mây xộc xệch nhìn về phía khán giả cười thật tươi, và tôi cũng thấy cái mặt mình
đang cúi xuống cho một gia đình hai ổ bánh mì mang theo để ăn trong chuyến đưa
dân. Bộ bà ba đen không thể biến tôi thành một cán bộ cốt cán của nhà nước và hành động của tôi trên khung vải không phải là
một nghĩa cử cao đẹp của
chính quyền đối với nhân dân. Trong vấn đề tuyên truyền để gây ưu thế cho cách
mạng, người ta đã không bỏ sót một chi tiết nhỏ nhoi nào để khai thác nó thành
một lợi điểm cho chế độ, cho chính sách. Tôi không ngờ hành động vô tình của
mình, xuất phát từ mặc cảm tội lỗi của mình đối với đồng bào, lại trở thành một
đề tài tuyên truyền của nhà nước và càng thấy mình “ăn ảnh” trên khung vải bao nhiêu, tôi lại
càng xấu hổ bấy nhiêu. Buồn thay!!!
Ngoài số đại biểu, quan khách đến tham dự, phòng triển lãm
chỉ lưa thưa vài đồng bào tò mò vào xem kinh tế mới ra làm sao. Một chị cán bộ
dẫn hai ba bà có lẽ là đối tượng vận động
đến bàn chưng bày sản phẩm hoa màu kinh tế mới chỉ trỏ
- Mấy bác thấy không? Đất trên kinh tế mới tốt lắm mới trồng
được mấy thứ cây như vầy, tha hồ mà ăn. Chứ đâu như ở Sài gòn, mỗi chút mỗi
mua, đắc đỏ.
Một bà lão vụt nói:
- Thiệt sao cô? Tui nghe nói làm bao nhiêu phải bán hết bấy nhiêu cho chính phủ mà! Bán hết
rồi lấy gì mà ăn?
- Đâu có bác. Chừng nào mình ăn không hết mới bán chứ, chẳng hạn như đậu phộng, đậu
xanh. Hổng lẽ bác ăn hết mấy chục, mấy trăm kí sao? Thì phải bán bớt…
Một bác khác cúi xuống vốc nắm đậu, nói trống:
- Bán cho nhà nước rẻ rề thì
cũng như cho không.
Tôi đứng nghe mà cười thầm, nhớ tới buổi họp dân tối hôm qua, khi mời đồng bào đi xem triển
lãm về kinh tế mới một người đã nói với tôi:
- Khỏi xem cũng biết hết rồi cô ơi! Dân bây giờ họ sáng mắt,
sáng dạ lắm. Nghe nói là biết liền hà!
- Vâng. Tôi cũng mong mọi người hiểu rõ như vậy.
Một chế độ mỵ dân và bóc lột trong cái gọi là “Nhà Nước Cộng Sản” mà ai bây giờ cũng biết
Ngày… tháng…
Quận vừa ra chỉ tiêu thi đua tới cuối tháng phải vận động
cho được 80 hộ dân đi kinh tế
mới, con số tưởng dễ dàng như
đếm hay sao ấy! Mặt ông Phó Ban của tôi chảy dài rầu rĩ.
- Làm sao bây giờ hả cháu?
Tôi cười trừ:
- Có lẽ phải tính cả gia đình bà Chủ Tịch, ông Bí Thư Chi Bộ,
ông Ủy Viên Thư Ký, bà Kinh Tài, gia đình mấy cô cậu bên Công Đoàn Phụ Nữ.. thì may ra mới đủ chỉ tiêu đã
định.
- Đừng giỡn cháu! Họ đâu phải là đối tượng để mình đưa đi
kinh tế mới.
-Thảo nào
mà đồng bào chẳng phân bì sao được,
họ nói không thấy ai trong nhà nước tình nguyện đưa cả
gia đình đi kinh tế mới, sao cứ bắt họ đi, chú nghĩ sao?
Ông Phó Ban bèn chống cằm lặng thinh, sự thật đã không thể chối cãi được, chính ông Chi Bộ hôm qua trong buổi họp kiểm điểm cũng phải thú nhận:
- Chúng ta ngồi đây, chưa chắc ai cũng hăng hái đi kinh tế mới,
bởi vì chúng ta đã quen hưởng thụ (!). Nên việc vận động đồng bào đi kinh tế mới,
chắc chắn phải gặp nhiều trở ngại khó khăn, nhưng, dứt khoát họ vẫn phải đi kinh tế mới. Vì đời sống họ ở
trong thành phố bấp bênh, tạm bợ.
Tôi ngồi nghe, vừa buồn mà vừa buồn cười. Bác dạy “Khó khăn nào cũng phải vượt qua”, nên các ông các bà cố mà vượt qua bằng mọi cách kể cả biện pháp hành chánh và quân sự, để
đẩy cho được từ một triệu rưỡi đến 2 triệu dân dời khỏi thành phố trong cuối
năm nay, một cuộc vận động
cách mạng lớn mà, các đồng chí nhiệt liệt tán thành chủ trương
của đảng chứ?”.Gã thanh niên đề nghị phát động liên tiếp
nhiều đợt thanh niên xung phong, chị phụ nữ hứa sẽ vận động các chị em phụ nữ đăng ký vào tổ hợp trên
kinh tế mới, ông công đoàn
tuyên bố sẽ không giải quyết những đơn xin mở tổ hợp, cơ xưởng của số người có
ý muốn nấn ná, viện cớ ở lại thành phố, phía công an sẽ dứt khoát không chịu chứng nhận lý lịch để bổ túc
hồ sơ xin việc làm và gia hạn thêm thời gian cho những người tạm trú quá lâu, bà thư ký thì chiếu theo văn thư
mới nhất của Sở Nhà Đất thành phố, sẽ không ký giấy chấp thuận cho mua bán nhà,
nếu đằng bán không chịu hồi hương hoặc đi kinh tế mới.
Một lô biện pháp hành chánh được nêu ra, để chấp hành cho được
cái chỉ thị hàng đầu của Đảng “Tất cả cho sản xuất” mà dân là công cụ chính yếu nhất để họ
thực hiện âm mưu này
Ngày… tháng…
Tôi khó chịu khi nhận một hàng danh sách do tên Bí Thư Chi
Đoàn đưa qua với lời dặn dò:
- Chị hãy cố gắng bằng mọi cách để bắt buộc họ phải chấp nhận
một trong hai điều: hoặc là chính họ phải đi thanh niên xung phong, hoặc là cả gia đình họ phải hồi
hương, hay đi kinh tế mới, nếu
phần chị xong, thì số người còn lại không chịu cam kết, chị lập lại một danh sách gởi qua tôi. Tôi sẽ cho giấy triệu
tập đến tận nhà họ.
Tôi nhìn cặp kiếng cận xệ đến mũi của tên nhãi mà phát ứa
gan, đằng nào thì cũng thế, thà cứ bảo cha nó là cưỡng bức
lao động đi còn hơn dùng
hoài cái điệp ngữ kệch cỡm “thi hành nghĩa vụ lao động”.
- Chúng tôi xin trân
trọng báo tin cho anh… đã đến tuổi thi hành nghĩa vụ lao động. Vậy mời anh đúng
ngày… giờ… đến đăng ký đợt Thanh Niên Xung Phong… xuất quân vào ngày… Đề nghị
anh chấp hành tốt đợt xuất quân trên…
Tôi hậm hực muốn xé bỏ những tờ thông báo
đáng ghét đó, cả một tương
lai tuổi trẻ đều nằm gọn trong hàng chữ cay nghiệt của chế độ.
- Đâu cần thanh niên
có, đâu khó có thanh niên!-
Bằng tay
ta làm nên tất cả! Với sức người sỏi
đá cũng thành cơm!
- Người thanh niên phải có lý tưởng cộng sản! phải
dâng tuổi trẻ, dâng nhiệt tình cách mạng cho lý tưởng, cho lá cờ vẻ vang của Đảng,
của Đoàn!
- Phải làm cây tùng cây bách xanh tươi cho thế hệ,
xứng đáng là thanh niên trong thế hệ Hồ Chí Minh quang vinh!
- Mình vì mọi người thì mọi người sẽ vì mình...
- Hăng hái thi hành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ lao
động, chứng tỏ mình là thanh niên sớm ý thức được vai trò rường cột của nước
nhà, biết yêu chủ nghĩa xã hội, yêu quê hương, yêu tổ quốc... Các em thiếu nhi
có 5 điều Bác Hồ dạy ; các anh chị thanh niên có 3 xung phong, có 4 sẵn
sàng...
Nói riết rồi
như con két lập đi lập
lại những lời vô nghĩa bấy
nhiêu bài học đã thuộc nằm lòng, tôi sẽ chỉ việc tuôn ra
như một cái máy hát. Công việc tưởng như dễ dàng nhưng thật khó biết bao, những nạn nhân đang ngồi sắp hàng chờ đợi. Những gương mặt trẻ thẫn thờ đang bị nhồi nhét mớ lý tưởng buồn
nôn- Sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại,
lợi dụng tuổi trẻ để
làm những nấc thang xây dựng
cái chủ nghĩa Cộng sản đầy
tham vọng, súc sinh và phi lý...
Im lặng để chấp nhận việc người ta đẩy dần tuổi trẻ của tôi,
của bạn bè tôi vào cái lò sát sinh quái gở của Cộng Sản đã
là một cái tội lớn .Tôi nghẹn
cứng trong cái vai trò của mình.
Ngày… tháng…
“… Trên bước đường đi
tìm sự thật, anh vừa sống qua những ngày trên vùng đất kinh tế mới của em. Mùa
mưa vừa về anh đã thấy gì trên một vùng đất phì nhiêu
của đất nước, mà tất cả mọi người đều hi vọng sẽ một ngày nào đó trở thành một
nguồn sống, một sinh lực mới, thật mạnh mẽ để đưa mọi người, mọi gia đình và cả
một quốc gia vươn lên sau bao nhiêu năm chiến tranh.
Anh đã thấy sức sống
vươn lên từng đọt cây ngọn cỏ. Những luống khoai mì, khoai lang. Những cánh đồng
đậu xanh, đậu phọng. Tất cả đều xanh mướt, báo hiệu cho một mùa gặt đầy kết quả.
Và kế đó, trên khía cạnh con người đã đổ mồ hôi và tài sản của mình trên những
mảnh đất này thì lại là hình ảnh cũa những nét ưu
tư, thất vọng và chán chường. Em thử tưởng tượng, có những nét chấm phá nào
linh động, mỉa mai hơn hình ảnh của từng dãy nhà xiêu vẹo, tróc nóc, bỏ hoang
trên cánh đồng hoa màu thật tươi tốt.
Mầm sống của thiên
nhiên đã vươn lên từ đó, nhưng con người đã lần
lượt dứt áo ra đi, bỏ lại tất cả mồ hôi và nước mắt của họ, để trở về
sống chui rúc trong những khu ổ chuột hay những vĩa
hè của thành phố. Từ những người thợ, những người nông dân, họ trở thành những
hành khất. Không có ai đuổi họ đi hết, nhưng họ vẫn đi mà không tiếc nuối sức
lao động của mình! Tại sao họ lại bỏ miền đất hứa? Có phải họ đi tìm thiên đường
chăng?
Trong khi đó thì cũng
có một số gia đình ở lại. Họ đã tử thủ trên miền đất hứa đó
và hình ảnh tiêu biểu để anh có thể nhận dạng ra họ là một người đàn bà
mặc cái quần đen mốc, chiếc áo
cánh vá víu tả tơi, đang bổ củi để bán cho khách qua đường.
Con người, khi đến tột
cùng của khổ đau hay hạnh phúc, đều có óc khôi hài rất tế nhị,
anh ghé lại mua củi (rất rẻ, chở về đến cầu Sông Bé, anh bị Công an tịch thu với
lý do thật buồn cười, phải có biện pháp
như thế, để họ (những người dân kinh tế mới) phải chịu lao động sản xuất,
họ tin như vậy à.
Hỏi thăm về đời sống về kết quả thu
hoạch của vùng kinh tế mới, nhất là khi anh khen mùa màng có vẻ tươi tốt, thì
chị mỉm cười, đượm vẻ mỉa mai:
Lần này là lần thứ ba rồi đấy cậu. Ở đây khỏe
lắm khỏi ăn độn như dân thành phố, chỉ ăn rặt một thứ khoai mì thôi à!
Lâu lâu bữa nào vui thì ăn độn một bữa, như đám giỗ chẳng hạn. Cậu hỏi kết quả
thu hoạch của tôi hả? (Chị chỉ đứa bé gái khoảng 6 tháng, ốm èo uột đang nằm
trên tấm đệm rách). Đó! Kết quả đó!!
Tại sao trong khi có
những người bỏ đi thì vẫn có những người ở lại? Họ ra đi để tìm cái gì? Họ ở lại
để làm gì? Hy vọng của họ ở đâu? Hình ảnh sau cùng đã làm cho anh bất nhẫn phẫn
uất nhất, là hình ảnh của những người Thanh Niên Xung Phong.
Trong một buổi sáng thật sớm, thật lạnh khi thức dậy từ trên xe bước xuống, anh
thấy họ ngồi dọc theo hàng hiên của dãy nhà tranh, trong đám đông mình
không thể nào nhận diện được một sắc thái cá biệt nào, nhưng hình ảnh
chung của họ không phải là một đoàn thể thanh niên khỏe mạnh rường cột của nước nhà, mà lại là hình ảnh của
sự tiều tụy chán chường và bệnh hoạn, đồng phục của họ
là bộ đồ xanh rách nhuộm đất đỏ, nón tai bèo lụp xụp bên tai. Cái nhìn
của họ không còn là cái nhìn trong sáng đầy tin tưởng ngạo mạn của tuổi trẻ, mà
lại là những ánh mắt lạc lõng, ngây dại. Sắc da của họ không phải là màu hung
xạm nắng phong sương mà là một màu bệt vàng với
vành môi tái mét của sốt rét rừng. Họ lên đường thật
mệt mỏi, kẻ rìu người cuốc tiến quân vào rừng để đốn
lồ-ô, chặt tre, khẩn đất xây dựng lại quê hương?!
Cuộc tiến quân của họ
thật lặng lẽ, hy sinh của họ thật vô bờ. Anh theo họ
vào khu vực khai thác. Anh thấy họ không còn là những con người nữa,
giữa hình ảnh của các cán bộ điều hành, phì phà điếu thuốc trên môi, tay
cầm gậy tre chỉ trỏ chửi thề, họ chỉ là hình ảnh của những tên nô lệ, mình trần
đầy ghẻ thẹo, đang làm việc theo lệnh của các cai ngục.
Cũng trong dịp đó, anh
có làm quen với một cô bé tên Yến, mới vào thanh niên xung phong được một
tháng, làm toán cứu thương. Cô bé có óc lãng mạn, thích
thú với cuộc sống giữa thiên nhiên, nhưng đồng thời lại có những nhận xét rất
chua cay về lý tưởng, cô bé đã ý thức được mang máng về
sự lợi dụng các danh từ, anh với cô bé đã nói chuyện cả một buổi
sáng trên công trường, trước cặp mắt soi mói của mấy tên cán bộ. Rồi
dần dần có một hai cậu mon men lại gần, hết gọi anh bằng
“ông thầy”, lại gọi là “đại ca”, để cuối cùng xin
một điếu thuốc!
Thật anh xót xa cho họ
quá! Mới hôm qua đây, họ là những chàng trai trẻ ngổ ngáo, ngang tàng, hôm nay
đã trở nên xác xơ thảm hại…
Tối đến, từ trong những
dãy nhà tranh của đoàn thanh niên xung phong, dưới ánh đèn dầu leo lét, vang
lên những bản nhạc của Trịnh Công Sơn. Tiếng đàn, giọng hát hòa lẫn tiếng mưa
lâm râm của núi rừng. Thật không có gì tả đúng tình cảm của anh
lúc đó, anh muốn sống chung với họ, chia xẻ những khổ nhục với họ
và đồng thời, anh giận họ, bực tức sự khổ nhục mà họ đang chịu
đựng.Suốt đêm anh không ngủ, đốt biết bao
nhiêu điếu thuốc trằn trọc,rồi những người thanh niên xung
phong còn phải chịu đựng bao lâu nữa?
Người dân đốn một cây
lồ-ô được 10 xu. Người thanh niên xung phong được tiếng “Anh hùng lao động”.
Nhiệt tình và lý tưởng cách mạng thật vô giá! Thiên đàng thật gần mà cũng thật
xa, chỉ cần nằm xuống là đến. Và còn bao nhiêu cô Yến nữa để đủ số
xây dựng thiên đường cộng sản?!
Trong lúc đó, anh cũng
vừa đọc được một bài trên báo Tin Sáng nói về kinh tế mới,
báo ngày thứ bảy hay chúa nhựt gì đó. Thật là hai hình ảnh đối chọi, mâu thuẫn
nhau.
Một, anh là thằng nói
dóc, nếu không, thì thằng nói dóc chính là tên “ký giả” trên
báo Tin Sáng.
Ngày… tháng…
Tí Cồ ạ,
Sao tớ mệt mỏi và lười biếng lạ lùng. Sự chờ đợi làm tớ chán
nản. Những ngày còn lại ở đây để chờ đợi một đổi thay, chôn chân trong thành phố
tẻ nhạt này, mỗi sáng đi làm băng ngang khu chợ
ồn ào, hít ngập hai lá phổi những bụi bẩn từ bồn rác trong chợ bốc lên giữa tiếng động cơ ầm ĩ của xe vệ
sinh, vào phường gặp mặt ông
trưởng ban đỏ gay, nồng rượu khai vị trong
ngày. Mặt ông phó ban chảy dài chống
cằm rầu rĩ, vì tới kỳ báo cáo mà không một ma nào đăng ký đi hồi hương hoặc
kinh tế mới.
Trời ơi! Tí Cồ thử tưởng tượng ra khung cảnh đều đặn mà ngày
nào tớ cũng phải chịu đựng, chán phèo! Tớ thèm thay đổi không khí, thay đổi nghề
nghiệp, đời sống, vì nếu tình
trạng này kéo dài lâu quá tớ e mình sẽ phát điên mất.
Nhớ Sóc Trăng mà không về được,Sài Gòn có ai đâu. Nhỏ Minh chán học, cúp
cua hoài và đòi đi Thanh Niên Xung Phong để cho sáng mắt ông già cách mạng của
nhỏ, tên Hương thì lu bù chuyện
áo cơm, nhà cửa, Kiệt cũng bận
học thi, tớ chẳng có chỗ nào
đi rong cuối tuần. Vả lại, tớ cũng đang bị ông bố giới nghiêm trầm trọng, lý do là đã nghỉ làm ba ngày liên
tiếp không báo cáo với thủ
trưởng, để theo anh Bảy và bạn
bè lên Long Khánh đi săn (?), xe lửa đỗ lại sân ga lúc nửa
khuya giữa rừng núi âm u, cả
bọn đạp xe cọc cạch ra tới đường nhựa để về rẫy. Sáng hôm sau, anh bạn thổ địa trong làng dẫn lên
núi thăm mấy chiến khu cũ của cách mạng, mệt ơi là mệt, nhưng cũng khuây khỏa
được phần nào nỗi buồn chất chứa bấy lâu.
Suối reo róc rách và lòng tớ hết muốn quay trở về thành phố.
Thèm cả bọn mình đều có mặt ở đây, quay con nai vàng ngậy mỡ trong ánh lửa bập
bùng, tưởng mình vừa trở lại thời đại nào hoang sơ, như chàng Robinson với râu
tóc bờm xờm của anh hippie cũ.
Đi xa, thấy mình sống thật với mình hơn, Ngọc Ánh của thuở nào mơ mộng chuyện hoang
đường “Aladin với cây đèn thần” cổ tích, giữa núi giữa rừng mông mênh, thấy mình
nhỏ nhoi nhưng thật ngang tàng.
Thời đại nào, tớ cũng ghét làm kẻ bon chen. Tại sao ta phải
lao đầu vào cuộc sống hì hục, khổ sở ở thành phố ồn ào, mà không nghĩ là nên lên
núi vào rừng, yên tịnh bát ngát như
thế này cho thoải mái, đất đó suối đó sao không được tự do phá rừng làm rẫy và
muốn sống ra sao thì ra theo ý mình muốn? Sao lại cứ phải để cho nhà nước lãnh đạo quản lý ?
Kinh tế Mới
của tớ cũng vào rừng, cũng làm rẫy
nhưng có điều nó tù túng khó chịu quá khi bị áp đặt cưởng bức những điều
người ta không muốn, dân chúng thì phát điên với hàng mớ danh từ nổ như pháo- Thi đua lập thành tích dâng Đảng! dâng Bác!- Đạt chỉ tiêu! Tăng năng suất!
Hội thảo. Kiểm điểm. Chấm công…
Cơm gạo mổi ngày một giảm bớt., cuộc sống ở đâu cũng chật vật khó
khăn làm mệt không được nghỉ, mặc dù có
câu cửa miệng “làm theo năng lực,
hưởng theo nhu cầu”. Nhu cầu gì cân gạo ký đường cũng tính theo
tem phiếu. Xạo ke, dóc tổ!! Lao động chưa thấy vinh quang mà đã thấy người càng gầy nhom bệnh tật do lao lực quá sức..
Mỗi lần đi họp
cháu ngoan bác Hồ, nghe mấy tên đoàn viên ba hoa với đàn em nhỏ rằng
Đất nước ta giàu đẹp, nhân dân ta anh hùng,
đã có quá trình cách mạng lâu đời, chống đế quốc xâm lược, chống thực dân phong
kiến. Thế giới có Marx-Lenin và Việt Nam ta có Hồ Chí Minh vĩ đại, có Đảng Cộng
Sản quang vinh, có lá cờ đỏ bách chiến bách thắng… và có
trăm thứ v.v…
Mấy đứa nhỏ
ngồi nghe cười khúc khích, không phải tụi nó hiểu những danh từ đao
to búa lớn kia mà thấy anh Đoàn múa tay chân như con khỉ.
Cứ nói hoài
giọng điệu củ rích “đất nước còn nghèo, đang ở thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, giai đoạn khôi phục kinh tế do hậu quả chiến
tranh xâm lược của đế quốc để lại.
Cố gắng khắc phục mọi gian khổ, khó khăn, để chừng bày tám cái kế hoạch ngũ
niên nữa thì lo gì mà chẳng bằng các nước xã hội chủ nghĩa anh em tiên tiến trên thế giới?”
Ừ, hãy đợi
đấy, không có gì chán bằng phải ngồi im nghe người ta nói dóc, mỵ
dân bằng những lời hoa mỹ, khôi hài nhất là họ cứ tưởng người dân luôn tin vào những
điều giả trá bịp bợm đó.
Coi chừng! sự chịu đựng đến
lúc nào đó sẽ vỡ òa phẫn nộ.
Nhưng dù có thế nào thì tớ cũng muốn nói với đằng ấy một điều, chúng ta là những người tuổi trẻ
mà tuổi trẻ thì có lý tưởng có nhiệt
tình, hãy đặt lý tưởng nhiệt
tình đó vào một mục đích CÓ
THẬT, cái gì CÓ THẬT thì chúng ta đeo đuổi hăng say để xây đắp, vun bồi
Thiên đường không phải là điều có thật và thiên đường Xã hội chủ nghĩa mà Cộng Sản thường rêu rao bằng mớ lý thuyết mơ hồ giả trá như những điều chúng ta đọc được ở
trong sách vở, từ chương của giảng đường cách
mạng thì lại càng không có
thật, bộ mặt xã hội hiện nay là một minh chứng hùng hồn nhất mà ai cũng thấy, hể nói tới Đảng là
người ta nghĩ ngay đến sự tham lam độc tài của chính quyền và sự
bần cùng hoá của nhân dân Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản.
Trò chơi đã bắt đầu và tớ đang nhập cuộc.
Còn đằng ấy thì sao?
Ngọc Ánh