Chúng tôi, hai mươi bốn đứa vừa trai vừa gái, lần đầu gặp
nhau trong ngày giỗ đầu của người được gọi là cha nhưng chưa bao giờ thấy mặt.
Chúng tôi đều là những đứa con tư sinh của những người đàn bà không có chồng mà
chửa. Không có chồng, nhưng hai mươi bốn bà đều có có cùng một người tình.
Có thể một năm, một tháng, một ngày. Và cũng có thể chỉ trong một vài giờ. Điều
bí mật ấy chỉ được sáng tỏ khi một vị luật sư theo sự ủy thác của người tình vĩ
đại là cha chúng tôi, phải mất hơn 300 ngày để tìm ra tông tích của từng đứa một.
Chúng tôi sống rải rác từ Nam chí Bắc, có nghĩa những hạt giống của cha tôi được
rơi vãi khắp nơi: hạt ở tận cao nguyên, hạt ở đồng bằng, hạt ở phố thị phồn
hoa, hạt ở miền quê heo hút. Đó là những hạt mầm mạnh khỏe cố sức bám chặt vào
hai mươi bốn cái dạ con tăm tối, chờ đúng hai trăm tám mươi ngày để được thấy
ánh sáng mặt trời. Còn có biết bao nhiêu hạt giống lép kẹp lặng lẽ rơi tuột thì
khó mà ai biết được.
Cuốn sổ nhật ký ghi lại kết quả hai mươi bốn cuộc tình là tài sản chung và duy
nhất của cha chúng tôi để lại. Đó là gia bảo và cũng có thể là kinh thánh của
hai mươi bốn tông đồ. Mỗi đứa chúng tôi được quyền và có bổn phận gìn giữ trong
một năm tùy theo tuổi tác.
Người đầu tiên được vinh dự lật từng trang nhật ký ướt đẫm mùi tình ái ấy gần
như gấp đôi tuổi tôi. Đó là một người đàn ông có một cái đầu dài và dẹp, hai
thái dương hóp lại như bị kẹp trong một cái ê tô. Cả người anh oằn oẹo, chỗ lồi
chỗ lõm như một củ khoai mài bị chèn ép giữa bao nhiêu sỏi đá của núi rừng.
Sau này tôi được biết anh ấy có một hình dáng dị kỳ như vậy, vì mẹ anh phải nịt
chặt bụng để giấu cái thai không mong đợi ấy. Suýt chút nữa tôi cũng bị như vậy!
Và chẳng riêng gì tôi, hai mươi mấy đứa kia cũng sẽ trở thành những củ khoai
mài, nếu mgười mẹ tội nghiệp của họ cứ phải dùng một tấm vải dài, một đầu buột
vào cây cột nhà, một đầu quấn vào mình, nín thở để giữ cho cái bụng khỏi phình
to ra.
Nhưng để cho những hạt mầm lớn lên một cách bình thường, mẹ tôi và nhiều bà
khác nữa đã phải đội trên đầu một tảng đá ô nhục. Tảng đá của gia tộc và của cả
xóm làng: chửa hoang! Trong khi đó, cha chúng tôi cứ như một hoàng tử cỡi một
con ngựa trắng thoải mái rong chơi trên những con đường rải đầy hoa tình ái.
Chúng tôi là những đứa con của tội lỗi, mặc dù các bà mẹ chúng tôi trước khi
sinh đều là những người con gái hoàn toàn trinh trắng. Nếu có thể ví von, thì
đó là những đóa hoa quỳnh lặng nở giữa đêm khuya. Không có một con ong cái bướm
nào lượn lờ, nhưng có một tao nhân âm thầm đang ngồi đợi. Giữa lúc những cánh
hoa nuột nà e ấp nở ra dưới trời đêm tinh khiết, thì người mặc khách nọ đã thò
tay ra bẻ lấy. Đóa hoa thảng thốt kêu lên một tiếng trước khi chảy dài những giọt
lệ thầm.
Các bà mẹ chúng tôi đã sống những ngày dài đầy tủi nhục. Nếu không bị cha dùng
gậy quất túi bụi lên lưng, thì cũng bị mẹ lôi xệch vào buồng riêng mà cấu véo
vào hai bắp vế non cho đến khi tươm máu. Ngày xưa còn bị cạo đầu bôi vôi dẫn đi
bêu rếu khắp làng sau khi đã phải nằm úp bụng lên một cái lỗ để cho tráng đinh
nện xuống hàng chục hèo.
Trong bọn anh chị em chúng tôi còn có đứa câm, đứa ngọng, đứa mắt lác, đứa sứt
môi. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu đó là chén đắng đầu đời mà những đứa
con vừa mới thành hình trong bụng mẹ phải uống lấy. Chúng đã phải vật vã chống
chọi với những thứ giết người mà người ta muốn tộng vào để tống chúng ra ngoài.
Chúng phải khốn đốn như thế vì người ta tin rằng đó là nghiệp báo oan gia. Rồi
khi bất đắc dĩ phải để chúng sinh ra, người ta liền quẳng chúng đi cho khuất mắt.
Vì vậy có đứa bị bỏ vào thùng rác, bỏ bên vệ đường. Khá hơn thì bỏ trước cổng
chùa hay trước tu viện của các bà xơ.
Quả thật chúng tôi là đồ bỏ. Dù có may mắn sống trong một gia đình thì chúng
tôi cũng chỉ là những đứa con hạng hai, thậm chí hạng ba. Như tôi, có bố mẹ, có
em. Nhưng mẹ tôi chưa bao giờ dám coi tôi ngang hàng với những đứa sinh sau.
Chưa bao giờ bà âu yếm tôi, lại càng không dám bênh vực tôi dù chỉ một lần trước
cơn thịnh nộ của bố. Tôi như cái bớt xấu xí trên khuôn ngực của bà.
Còn với bố tôi (sau này tôi mới biết là bố dượng) thì ông coi tôi như một cái
gai muốn nhổ đi mà không cách gì nhổ được. Ông chưa bao giờ đánh tôi, nhưng cái
nhìn lạnh lẽo của ông lúc nào cũng làm cho tôi lạnh mình. Dưới mắt ông, tôi là
một sự phỉ báng không lời, là cái cười vào mũi mà đi đâu đứng đâu ông cũng nghe
thấy. “Sờ sờ ra đấy mà còn lấp lửng nữa à, ông gào lên. Khốn nạn nhất là có một
thằng đàn ông không mời mà đến trong nhà này!” Rồi ông trút tất cả nỗi căm hận ấy
lên người mẹ tôi trong đêm tối với những trận đấm đá tàn bạo đến nỗi mẹ tôi phải
kêu lên: “anh giết tôi đi chứ đừng hành hạ tôi trước mặt các con như thế!”.
Mặc dù trước khi mất ông có xin lỗi mẹ tôi và ngay cả tôi, nhưng suốt mười sáu
năm sống bên ông là mười sáu năm của địa ngục. Sự trả thù của một người đàn ông
biết rằng mình bị dối lừa bỡi người đàn bà mình yêu là không bao giờ có giới hạn.
Mẹ tôi được bố dượng theo đuổi suốt một năm ròng, nhưng lại trao thân cho một
người chỉ mới quen nhau có một buổi tối. Và cái cay đắng, cái ô nhục của bố dượng
tôi vì vậy mỗi lúc một to dần theo năm tháng. Cứ như ông vớ phải đồ thừa, đồ thải,
đã lỡ nuốt vào muốn khạt ra mà khạt không được. Cái làm ông đau nhất là thấy
mình thua cuộc, trong khi trước đó ông tưởng mình là người thắng cuộc.
Một người hơn tôi năm tuổi, đẹp nhất trong số hơn mười đứa con gái của cha tôi,
sau này trong một lần ghé thăm tôi, chị đã khóc và kể cho tôi nghe cái số phận
bi thảm đã được báo trước của chị. Gần 30 tuổi mà chị vẫn chưa dám yêu ai và
đương nhiên cũng chưa có chồng. Cái trinh trắng của chị đã bị ông bố dượng cướp
mất trong một buổi trưa hè, lúc chị mười bốn tuổi. Ông ta bảo, ông ta lấy lại
cái lẽ ra ông ta được hưởng nếu không bị cha chúng tôi phổng tay trên. Mẹ làm mất
thì con phải đền! Đó là cách phán xử mà ông ta gọi là lẽ công bằng! Không biết
trong cuộc rong chơi trên cõi đời ngắn ngủi này, có khi nào cha tôi giật mình
nghĩ tới số phận hẩm hiu của những đứa con không mong đợi ấy?
Hai mươi bốn đứa con, già nhất trên 40, trẻ nhất trên 20 tụ tập trong một sảnh
lớn của khách sạn cha tôi thường trú. Cứ như một bộ sưu tập ngộ nghĩnh của một
tay suốt đời ưa xê dịch. Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn thấy nhau lần đầu. Không một
đứa nào có thể tin rằng mình lại có một số anh chị em đông đến như vậy. Một bức
ảnh chụp người cha chung lúc ông phong độ nhất, trông đĩnh đạc đường bệ cứ như
chân dung của tổng thống hay thủ tướng. Cả bọn nhìn bức ảnh đăm đăm, bốn mươi
tám con mắt cố lục tìm trên đó chút gì là của chính mình. Hơn một chục cái đầu
gục gặc khi tìm thấy cái sống mũi cao cao. Một phần ba tin rằng mình giống cái
miệng với hai cánh môi dày đã từng hôn ít nhất hai mươi bốn cái miệng đàn bà.
Hơn một nửa, trong đó có tôi, tìm thấy trong đôi mắt đen thẳm sáng ngời kia có
hình bóng của đôi mắt mình. Đôi mắt mà mẹ tôi sững sờ xao xuyến khi nhìn tôi và
bố dượng tôi thì mắng là trai lơ, đĩ đực.
Ông hiện diện trước chúng tôi cứ như Chúa xuất hiện trước nhân dân trong một bức
tranh thần thánh. Ông quá đỗi xa cách, không riêng gì khoảng cách thời gian mà
chính là vì cái ý nghĩ kinh hoàng rằng, một người với hai mươi bốn bà vợ như thế,
nếu sống cùng nhau chắc phải xây cả một ngôi nhà năm tầng như cái khách sạn
này. Và mỗi bà theo thứ tự trước sau đánh số phòng từ 1 đến 24. Rồi trong những
căn phòng đóng kín ấy, đêm đêm bốn mươi tám cái tai vểnh lên nghe ngóng và hồi
hộp chờ đợi từng tiếng động. Tiếng bước chân gõ trên cầu thang, tiếng gõ nhịp của
đồng hồ, sau cùng là tiếng gõ cữa khẽ thôi nhưng người bên trong nghe như gõ
vào tim, vì sau đó là người đàn ông quyền lực bước vào như hoàng đế Trung Hoa để
ban ơn mưa móc.
Vị luật sư thay mặt anh cả vì tiếng nói của anh từ lâu đã bị cái giải buột bụng
làm cho méo mó ngọng nghịu khó nghe, tuyên bố chúng tôi là anh em cùng một cha
chung, dĩ nhiên là khác mẹ. Sau buổi họp mặt kỳ lạ này, ông sẽ tiến hành làm
các thủ tục để ghi tên cha vào khai sinh của chúng tôi, tất cả đều mang họ Trần.
Ông cũng cho chúng tôi biết cái điều lo sợ duy nhất và cuối cùng của cha chúng
tôi, là nếu không nhận ra nhau có thể lấy nhau. Có lẽ vì vậy mà ông đã âm thầm
tìm hiểu chúng tôi từ lúc mới sinh ra: ngày tháng năm sinh, nơi sinh, cập nhật
địa chỉ từng đứa, để đến lúc biết mình không thể sống lâu hơn được nữa vì bệnh
ung thư, ông trao tất cả cho vị luật sư tín cẩn thay ông làm cái công việc thu
nhặt từng đứa con rơi rớt của ông về cùng một mối.
Đám giỗ đầu của ông không có nhang đèn, không vàng mã, chỉ có hai mươi bốn đóa
hoa hồng được nhân viên lễ tân khách sạn mang tới phát cho mỗi đứa một bông. Lần
lượt chúng tôi lên cắm vào chiếc độc bình đặt trên bàn phủ khăn đỏ như các vị
quan khách bỏ phong bì vào thùng cứu trợ bão lụt. Cũng có thể là bỏ phiếu công
nhận ông là cha chung. Mùi hoa hồng ngọt ngào quyến rủ thay cho nhang trầm khiến
cho linh hồn ông ở một cõi trời nào đó hẳn phải bồi hồi xúc động. Vị luật sự mỉm
cười giải thích với chúng tôi rằng, suốt đời cha chúng tôi chỉ yêu mỗi hoa hồng
và tuy không nói ra, nhưng trong cái cười ý nhị của ông ngụ ý rằng cha chúng
tôi đã từng yêu xiết bao hai mươi bốn cánh hoa ngát hương trinh đã từng nở cánh
đầu để cho con ong là ông sớm tỏ đường đi lối về.
Sau những phút đầu hơi ngỡ ngàng, chúng tôi bắt đầu nghĩ về ông một cách thân
thiết. Chúng tôi cố hình dung ra những năm tháng tươi vui của ông và chúng tôi
tuy có hơi chua xót nhưng cũng kịp nhận ra rằng, ông cũng đã đối xử chúng tôi
không đến nỗi quá tệ. Dù sao ông cũng hơn những người chủ vô danh của những ống
tinh trùng trong các phòng lạnh để dành cho những kẻ hiếm muộn hay những người
đàn bà muốn có con mà không có chồng. Ông vẫn chịu trách nhiệm việc mình làm,
dù rằng cái phần ông gánh chịu ấy quá bé nhỏ so với hậu quả ông để lại cho các
bà.
Nỗi mong ước có một người cha như bao đứa trẻ khác trên đời này khiến cho cổ
chúng tôi đứa nào cũng dài ra vì chờ đợi. Từ nay, chúng tôi không còn phải xấu
hổ vì hai chữ vô danh ghi trong cột tên họ người cha, nhưng chúng tôi cũng hụt
hẫng vì ngần ấy là quá ít đối với một đứa con. Chúng tôi không nói tới nhà cửa
tiền bạc, nếu có cũng chỉ là những bù sớt muộn màng cho những nỗi chịu đựng của
các bà mẹ trong lúc tuổi già. Chúng tôi muốn nói tới sự chông chênh như đi xiếc
trên dây trong suốt thời thơ ấu. Chúng tôi đã trơ trọi và lo sợ xiết bao khi phải
đi trên một sợi dây chăng qua những thác ghềnh, mà đầu bên kia co người đang đứng
lắc. Chúng tôi thèm biết mấy hình ảnh đứa bé một tay trong tay cha, một tay
trong tay mẹ bước đi núng nính trên những con phố đông vui chiều chủ nhật. Rồi
trong quán kem, mẹ thì đưa muổng lên tận miệng, còn cha thì chực hờ chiếc khăn
để lau. Chỉ cần ngã một chút là đã có bốn cánh tay vội vàng nâng đỡ. Chỉ cần
khóc một tiếng là đã có hai cái miệng ngon ngọt dỗ dành. Chúng tôi không có gì
cả. Chúng tôi tròn vo cứ như một viên bi thả trên đầu một con dốc, muốn lăn tới
đâu thì lăn.
Cuộc họp mặt kết thúc bằng một bữa tiệc khá thịnh soạn. Có những món ăn vương
giả mà lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức. Như món yến chưng đường phèn,
nhiều đứa ngơ ngẩn chẳng biết ăn ra làm sao. Chỉ mới đưa lên miệng nó đã chạy
tuột vào cổ họng lúc nào không biết. Vị luật sư còn cho chúng tôi biết, mỗi năm
cứ đến ngày giỗ là sẽ có người lo tàu xe để anh chị em chúng tôi đến đây gặp
nhau. Tôi không biết sự sắp đặt ấy là do chút tình phụ tử hay sự ân hận muộn
màng của của một người đàn ông đã có cuộc sống vượt ra khỏi lề thói thường
tình.
Cho đến cuối đời, trên danh nghĩa cha tôi vẫn là người độc thân. Ông không có một
ngôi nhà đúng nghĩa, một gia đình trọn vẹn. Ông là nhà thầu lục lộ và trên suốt
con đường nối liền ba miền, những nơi ông dừng chân là nơi ông trúng thầu. Tại
đó, ông đã làm quen, đã yêu một hay nhiều cô gái trẻ. Và khi công trình cắt
băng khánh thành, thì cũng là lúc ông cắt bỏ một cách lạnh lùng những sợi dây
tình ái. Ông để lại những đoạn đường, những cây cầu và những đứa con như những
cột mốc cây số.
Sau bữa tiệc ngon miệng, chúng tôi chụp hình kỷ niệm. Chụp chung một tấm hai
hàng nhỏ trước lớn sau. Rồi chụp riêng những chị em gái và những anh em trai. Từ
đây chúng tôi phải cố nhớ mặt nhau, để chẳng những chúng tôi mà con cháu không
được lấy nhau vì có thể sẽ sinh ra những đứa trẻ có cái đuôi heo.
Phải chi có một ngôi mộ thì bức ảnh của chúng tôi không cần giải thích, ai cũng
biết là con của một cha, dù rằng có hơi quá nhiều. Đằng này, nó lạnh lẽo và
nghiêm trang quá cứ như một chính phủ vừa mới thành lập đứng chụp chung dưới
chân dung lãnh tụ. Vị luật sư cho chúng tôi biết xác của ông đã được hỏa táng
và tro đã được rải xuống biển. Tại sao ông không để lại một nấm mồ? Phải chăng
ông sợ hai mươi bốn bà lúc này đã không còn trẻ trung gì nữa tới kêu gào đòi lại
cái phần trinh trắng?
Sống như ông và chết như ông, quả thật anh em chúng tôi khó mà bắt chước được.
Nhưng thôi, mỗi người tùy theo hoàn cảnh có cách sống riêng của mình. Là con,
chúng tôi không có quyền phê phán. Chỉ biết rằng, trên đời này nếu không có một
người đàn ông như thế thì đã không có chúng tôi.
Dù sao cũng xin cảm ơn ông, cảm ơn cuộc đời.
Khuất Đẩu
1990