Omran Daqneesh (Hình của Mahmoud Raslan-AP)
Nhân viên cứu thương lôi em ra từ đống gạch vụn nát, cả người
em phủ kín vôi vữa, giống như lớp bột kem phủ trên cái bánh.
Trời tối, tiếng kêu thất thanh của đám đàn ông cứu hộ. Em được
chuyền từ tay người này qua tay người kia trong hấp tấp vội vàng. Cả phía mặt
bên trái em đầy máu. Em im khe, không một tiếng khóc nào, không gọi bố mẹ.
Em ôm chặt lấy cổ người bế em. Người ta đặt em vào cái ghế to trong lòng
chiếc xe cứu thương.
Em ngồi đó, bất động nhìn chung quanh bằng con mắt bên phải.
Cái ghế mầu cam, mấy người đàn ông mặc áo màu cam, cái hộp cứu thương màu cam,
chung quanh em cái gì cũng màu cam, màu của toán cứu thương.
Người đàn ông đặt thằng bé vào ghế, cúi xuống nhặt cái
walkie talkie rồi bỏ đi.
Một người đàn ông khác cầm máy hình nhắm vào nó. Nó mặc một
cái quần cụt, cái áo thun có vẽ hình cạc-toon. Hai bàn tay bé của nó đặt yên
trên đùi mình. Mắt phải của nó mở to hơn mắt trái. Nó nhìn ra phía cửa xe cứu
thương, nhìn về phía có tiếng động. Nó chớp mắt một cái rồi nhìn đi nơi khác (*).
Em thấy ươn ướt trên mặt phía bên trái, em giơ tay sờ lên mặt,
máu dính ướt bàn tay, em nhìn xuống bàn tay dính máu đó, như tất cả những đứa
bé khác, em chùi chùi bàn tay dính máu vào ngay cái ghế em đang ngồi, rồi lại đặt
hai bàn tay nằm yên trong lòng.
Im lặng hoàn toàn!
Em mới lên năm, tên em là Omran Daqneesh.
Sự sợ hãi đã làm em câm nín, tê liệt.
Em vừa được cứu ra từ một chung cư bị dội bom ở
Aleppo-Syria. Với mái tóc cắt ngắn dựng đứng, rối tung trong vôi vữa, bụi bặm
và nhem nhuốc nhòe máu, trông em giống như một con búp bê bằng vải cũ kỹ vứt
lâu ngày ở đống rác, ai đó vừa nhặt lên để vào ghế. Khi em giơ tay lên sờ vào mặt
mình, động tác chậm chậm, lên xuống, xòe tay ra nhìn, không biết làm gì nữa, em
chùi tay vào ghế.
Không một xúc động nhỏ. Tất cả như có một người đứng sau
màn, kéo giây cho con búp bê vải cử động. Có ai thắc mắc hỏi: Thượng Đế ở
đâu sau bức màn đó, Ngài có đứng bên cạnh người kéo giây (Puppeteer) đó không?
Hình ảnh tang thương của nạn nhân chiến tranh bé tí này nhắc
nhở tới hình ảnh của em Aylan Kurdi chết nằm úp mặp bên bờ biển Turkish vào
tháng 9 năm ngoái. (Aylan chết cùng với anh và mẹ trong cuộc vượt biển trên hải
trình vào Hy Lạp (Greece.)
Hình Aylan Kurdi tạt vào bờ biển Turkish
Chiến tranh của người lớn đã đưa cả hai em trai bé bỏng
này, một mình đối diện với kinh hoàng, với đau thương, với sống còn của đời sống.
Trong một trạng huống không chờ đợi ập xuống trên phần số của hai đứa trẻ này
(và hàng trăm ngàn đứa bé khác trong những phần đất chiến tranh) chúng chỉ biết
đối diện với tan chẩy hoặc đông cứng.
Omran Dapneesh không khóc được như người ta mong muốn, em bị
đông cứng. Còn Aylan Kurdi thì tan chảy.
Chết hay sống cả hai cậu bé đều không biết sẽ như thế nào. Cả
hai cùng instant.
May mắn thay cha mẹ và anh em của Omran Dapneesh đều thoát
chết.
Theo UNICEF trong vòng 5 năm chiến tranh ở Syria có 470,000
người chết, hơn 1 triệu người bị thương và làm cho 11.3 triệu người mất gia
đình.
Trẻ em Syria trở thành nạn nhân đau thương trong chiến tranh
là 8.4 triệu, con số này chiếm 80% tổng số trẻ em của cả Syria.
Đau buồn hơn nữa là cứ 10 em sống sót thì 4 em bị thất lạc
gia đình. (*)
Tranh của Khalid Albaih
Trong 5 năm chiến tranh ở Syria, trên thế giới người ta nhìn
thấy rất nhiều hình ảnh ném bom, nhà cửa xập, toán cấp cứu lôi ra những trẻ
em đẫm máu trong đống gạch đổ nát hay lôi lên những cái xác từ lòng biển. Những
chiếc xe cứu thương đến trống rỗng ra về đầy ắp. Những cái xác chất chồng lên
nhau.
Người Syrian đi tìm đất sống, xác họ được lôi ra từ những
chiếc xe chở gia súc, hay đắm chìm, hoặc tạt vào bờ cùng những chiếc thuyền
mong manh quá tải (như trường hợp gia đình bé Aylan.)
Người ta nhìn thấy như thế mỗi ngày. Thế giới cầu nguyện xót
thương và thế giới lại quên ngay.
Chiến tranh vẫn mỗi ngày vẫn “hoạt động” ở Trung Đông. Bạo động
khủng bố vẫn rình rập mỗi ngày trên xứ sở hòa bình. Hoa cứ đặt xuống, lời cầu
nguyện vẫn vang lên và bom cứ rải, súng cứ nhả đạn.
Nhân loại hình như quen với chiến tranh Trung Đông rồi
Thượng Đế thật sự vắng mặt quá lâu
Bao giờ Người trở lại
Hàn gắn mọi thương đau.
Trần Mộng Tú
Tháng 8/19/2016
(*) Time Magazine 8/17/2016
(*) Trang mạng
FRONTLINE
(*) Chơi Đi Trốn Đi
Tìm- tmt (Bài viết về em bé Aylan Kirdi)