
Có đám cháy lớn ở góc đường 13. Không nhìn ra lửa nhưng nóng bức lùa thổi
vào đêm nực gió. Đường 13 nhỏ, có căn nhà ba tầng tôi từng mướn ở tầng trệt
cách đây hai năm. Tôi nói với bạn đang cau mày ngó quanh, ông khỏi cất công đưa
tôi về tận cửa, có lối đi gần, tôi cuốc bộ và chỉ mất khoảng mười phút thôi.
Những đốm đèn luôn quay mòng trên xe cứu hoả màu đỏ, xe cứu thương màu vàng, xe
cảnh sát màu xanh sọc trắng và tất cả chúng đã khiến những chiếc xe khác biệt
phải thúc thủ dồn cục. Chúng không ngớt quét màu vằn vện lên khuôn mặt bạn. Tôi
nói lời từ giã bằng hai chữ ngủ ngon.
Tôi chống gậy bước lên lề đường 12, lý ra đường này phải nên mang tên Cây Xanh
bởi nó được sự biệt đãi đến lộ liễu qua cái thâm u do bóng lá rậm đan cài như
lọng tán. Những bóng đèn vàng trồng cách khoảng không đủ sáng, như để nhìn nhận
thêm ra sự phồn thịnh của lá che trên đầu. Đi bộ giờ này dưới lòng đường là một
quyết định sáng suốt dẫu bộ hành khi cất bước phải nương nhờ vào một cây gậy.
Nhà nằm trên đường này cho thuê với giá cao nhất trong khu vực vì vậy tuy
thích, tôi cũng phải đành lòng mướn căn hộ bên đường 10. Vì việc chữa lửa khiến
xe cộ phải dồn cục và tôi đã dối gạt người bạn, thực ra khoảng cách xa hơn mười
phút dành cho một kẻ bình thường chân đi, nhẫn nha kiểu tôi e phải mất nửa
tiếng. Nửa tiếng trong bóng tối, ba mươi phút lẻ bóng dưới cả triệu chiếc lá
đang ra sức hát hò trên cao, đó không phải là cách thư giãn lành mạnh cuối ngày
sao? Lá cây, con đường giam giữ bóng tối, ánh điện vàng, gió mát lân la, gửi
thân vào đó để chẳng mấy lâu khung cảnh ấy sẽ dẫn dắt trí tưởng đi về một vùng
trời cũ. Đi ở đây mà thấy hệt như đi ở kia. Địa cầu to lớn nhưng nó luôn độ
lượng để bày ra những lối đi tựa hồ trùng lẫn, giống gần bằng hai giọt nước đặt
cạnh nhau. Tôi bước bấp bênh, váng vất nhớ câu thơ cũ, có thể hư hao sai lạc:
“Áo nào phai không sót chút màu xưa?” Sót hay xót? Một bên vướng đọng một bên
thương cảm. Bên nào cũng nghe váng vất chút hoài niệm.
Màu xưa cũng ám bên đường 13, căn nhà cũ tôi thuê có cái xich đu đặt ngoài
vườn cỏ, về khuya nó tự động đong đưa dẫu không có gió lùa. Những móc sắt trở
mình oán than bằng tiếng kẽo kẹt, mường tượng như thanh gỗ hình chữ nhật kia
đang có ai ngồi thò chân làm lực đẩy. Một người khuất mặt đã thức tôi dậy vào
hai giờ sáng, tôi đứng sau cánh cửa gương nhìn ra sân cỏ và lần hồi tôi đã
nghiện cà phê thuốc lá. Tôi mất ngủ, tôi quyết định tự mình chữa bệnh bằng cách
đốt nguyên một bó nhang cắm bên cái xích đu vào cuối tháng 6 để đầu tháng 7 tôi
dọn sang đường 10. Thời gian sống ở đó tôi viết nhiều, liên tục. Tôi đinh ninh
chủ nhân chiếc xích đu kia là một cô thiếu nữ da trắng mà mụ mị chẳng tìm ra
lời giải thích. Sang nhà mới vào mùa hè, mùa đông tôi gặp nạn gãy chân. Có thể
nằm liệt giường cả tháng không đi đứng được nhưng đặt tôi vào ngồi trên miếng
gỗ ấy, hai tay nắm sợi giây xích, tôi có thể đu như ai kia. Qua về, kẽo kẹt,
oán than không thành lời.
Một tiệm tạp hoá còn mở cửa bán buôn hắt ra bóng tối ô vuông sáng xanh ánh
điện néon, tín hiệu đó ngầm cho hay tôi sắp về tới chỗ ở. Cả tôi lẫn chủ nhân
cùng đôi ba người bán hàng trong đó đều quen mặt nhau, đều từng trao đổi vu vơ
mỗi bận tôi tìm đến mua bánh mì nước uống thuốc lá nhật báo, và vé số nếu có lô
độc đắc quảng cáo rằng kỳ này lên tới cả mấy chục triệu. Lạ một điều là họ tỏ
ra thân thiện với tôi khi biết tới gốc gác và theo như cách tôi hiểu, gia đình
họ từng chịu qua bao thiệt thòi do chiến tranh mang lại. Họ cũng là di dân đến
từ nơi nắng nôi quanh năm không phải dân bản xứ quen với băng tuyết giá lạnh,
cách phát âm tiếng Pháp của họ trắc trở nhọc mệt tuồng chẳng muốn thích nghi.
Ưa chúi đầu vào một cửa hàng bán buôn linh tinh như này bạn phải xoay đâu ra
được hai chục ngàn, người ta sẽ đến liền khi để sắp đặt cho bạn từ a tới z và
bạn sẽ nghe lời khuyên nhủ vàng ngọc, nếu có bọn cướp đột nhập, tuyệt đối bạn
hãy nghe theo lời chúng, một mực ngoan ngoãn chớ có thái độ phản biện hoặc bảo
vệ. Họ từng tâm sự như vậy. Và tôi cũng từng đùa, một ngày nào đó tôi sẽ chơi
vé số theo cách của tôi: Một là tới đây với tờ đơn xin việc, hai là tới với cái
mặt nạ trên mặt và tay thì nắm chặt một khẩu súng. Tôi nghe giọng họ cười rất
thống khoái, kiểu mát dạ mát gan. Tuồng như họ hiểu, thường thì những đứa vạch
rõ ý định, chúng chẳng tài nào làm đúng những dự tưởng ban đầu. Hãy để cho đời
sống cuốn đi e là cách thức dễ chịu nhất. Tôi không muốn chống nạng mà bây giờ
tôi làm đứa có ba chân là cách giải vẹn toàn cho bài toán đầy hóc hiểm đó.
Về tới nhà lúc mười một giờ rưỡi. Đám cháy có thể đã được dập tắt, mùi khét
còn toả lan giữa một khu phố bắt đầu thưa dần mọi âm thanh. Tôi vừa đi ăn ở nhà
hàng cùng vài người bạn, họ lên chương trình sẽ có một cuộc gặp gỡ khác nhằm
đón tiếp đôi vợ chồng từ phương xa ghé thăm. Mùa hè đang về khởi đầu bằng cơn
hoả hoạn cùng những cuộc đi xa, mùa chẳng còn nghe ra tiếng ve râm ran cất lên
cùng lần những hàng phượng bất ngờ thức giấc khoe sắc đỏ bung trên cành trĩu
nặng và những trang lưu bút luôn mang thứ giá trị về những hoài niệm đã lỡ vụt
mất. Một vị tướng trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa bị mũi tên của đối phương
cắm vào một mắt đã khí khái nói giữa trận tiền: Mắt này là do khí huyết của cha
mẹ ta tác thành, nay đành lòng nào phải dụt bỏ! Ngôn xong liền cầm con mắt ròng
ròng máu đổ mà bỏ vào miệng, nuốt sống, vẹn toàn, chẳng thất thoát. Ôi, cha mẹ
ơi!
Ở nhà hàng tôi đã ăn cá, ham hố ăn như thế phần cho những người thân bên kia
đại dương đang bị kiêng cử. Ăn như viết tiếp trang lưu bút mãi dở dang vì một
bất toàn vừa bày biện, chẳng rõ người bạn học cũ giờ này đã xuất viện chưa? Bạn
làm công nhân trong một xí nghiệp và ngộ độc thực phẩm cùng mười ba người khác
ở xuất ăn trưa tập thể. Bệnh viện quá tải, bạn phải nằm trên tấm chiếu lát xơ
xác trải dưới nền xi măng mà màu tường vôi trên đầu bạn phai nhạt bao tháng
ngày chất chồng vi khuẩn. Vợ bạn vào thăm và tôi chạnh lòng nhìn thấy tấm ảnh
gửi qua email cùng lời người vợ: Nhờ trời vì ngộ độc, bệnh viện họ xét nghiệm
trong máu và nước tiểu anh ấy có vấn đề. Sẽ thông báo sau. Trong tấm ảnh chụp,
ngoài xác thân bèo nhèo của một hình nhân quá tuổi tri thiên mệnh còn nhìn ra
những thứ quen mắt tưởng đã mất dạng tăm tích: Cái bình thuỷ loè loẹt xanh đỏ,
cái giỏ bằng ny lông, cái quạt xếp bằng nan tre được bồi dán hai mặt giấy màu
nâu, cái gà-mên bới thức ăn có bốn tầng cao được chặn giữ bằng thanh nhôm kẹp ở
hai bên lên tận quai làm tay cầm. Những vật ấy ló dạng, chẳng sai biệt khi ngày
xưa mẹ tôi đã sử dụng mỗi lần vào thăm chị tôi ở nhà hộ sinh, thăm anh tôi oan
uổng bị trúng pháo kích từ núi cao gửi nòng về đì đùng giữa canh khuya lật tung
những mái tồn nhà cửa ven đô.
Khi bạn còn ngon cơm chưa ngộ độc thực phẩm, thỉnh thoảng bạn làm khó tôi
bằng câu hỏi: Mày không tính về nhìn mặt vợ chồng tao sao? Tôi ậm ừ lần khân
một câu trả lời ổn thoả. Tôi luôn yêu những gì mà thi sĩ Tô Thuỳ Yên trải lòng,
một trích đoạn trong bài thơ “Nỗi Mình Lần Giở” có thể chép ra gửi tới bạn ở
xa:
“Ở chốn mệnh danh là chốn cũ
dân gian thay mới những truyền kỳ
đất trời ủ lứa chiêm bao khác
dâu biển làm mưa nắng lạ đi
bụi rác mỗi thời một dạng loại
chồng sâu thêm những địa tầng quên
người về không biết có đúng chỗ
lịch sử qua đường đã cải trang”.
Vì giá tiền thuê thấp nên sàn lót gỗ luôn vặn mình than thở khi chân dẫm vào
giữa khuya, tôi tôn trọng nó đến nỗi tôi thuộc vị trí ở những nơi nhạy cảm. Tôi
biết môn khinh công “Lăng ba vi bộ” để tránh gây tiếng động “làm phiền giấc ngủ
của hàng xóm”. Ở đây thôi còn nghe tiếng xích đu vật mình ngoài cửa kính nhưng
bù lại có tàng lá cây phong luôn cựa mình cào vào mái nhà sau bếp. Tay chủ nhà
bảo: Muốn cưa nó bạn phải xin giấy phép của thành phố, giả như họ đồng ý bạn
phải trả khoảng nghìn đồng vào mục cắt tỉa và đốn hạ. Nghĩ xem, nó chỉ quấy rầy
chút đỉnh vào đêm hôm nhưng ban ngày, bạn phải cám ơn nó bởi sự che chắn tạo
nên bóng im mát làm ôn hoà chuyện môi sinh. Nó vẫn hiện hữu và nó là người bạn
siêng năng trò chuyện cùng tôi kể cả lúc tôi thiếp sâu vào những cơn ác mộng.
Nhà thuê, gia hạn từng năm chuyện đi hay ở. Khi tra chìa khoá mở cửa, bước vào
đứng giữa thâm u phòng khách, đầu tôi vẫn mọc câu thơ “người về không biết có
đúng chỗ… chồng sâu thêm những địa tầng quên”.
Đêm nay cây phong đứng án sau bếp đánh thức tôi ra giấc mơ lành vừa tìm gặp
chẳng lâu. Càng ngày nó càng tăng trưởng nên cách nó lân la han hỏi có hơi mạnh
bạo. Nó từng rộng lòng cho một hai gia đình sóc có lắm thành viên di chuyển
nhanh nhẹn vụt thoáng vụt hiện làm tổ định cư và đêm về nó biến dạng thành một
hung thần đen đúa có ba đầu sáu tay. Tôi bắt thêm một cái ổ khoá có sợi xích
cài qua khe và tôi tự dặn lòng đừng đặt mắt về hướng đó. Tôi vào nhà vệ sinh,
mở sáng đèn và phát hiện cái vòi nước nóng phía tay phải đã bị lờn, khoá chặt
vẫn rỉ xuống từng giọt, cách khoảng. Tôi từng xem qua một tài liệu bàn linh
tinh về sự tác hại của một giọt nước. Trong tĩnh lặng, giọt nước rơi xuống, khi
chạm vỡ mức độ gây nhiễu sóng lên tới 58 decibel. Một tù nhân bị trói cứng, để
đỉnh đầu hứng chịu ngay vòi nước khoá không chặt, từng giọt từng giọt rơi
xuống, chừng một tiếng sau, giọt nước nhỏ nhoi kia sẽ mang thứ trọng lượng nặng
tựa ngàn cân. Nếu cuộc tra khảo bất thành tù nhân kia sẽ bị chứng đau màng óc,
chạy trời không khỏi nắng.
Hai giờ sáng, tôi biết khó tìm lại giấc ngủ, tôi lò dò ra ngồi mở sáng máy
vi tính. Trong hòm thư email hiện lên con số 1 màu đỏ. Thư của người vợ bạn
tôi: Như có nói với anh ở thư trước là anh Q. bị ngộ độc thực phẩm, sáng nay
bệnh viện trả anh ấy về nhà và tới đúng ngọ anh Q. đã mất. Anh chẳng nói gì
được với em một lời cuối, nhưng em buộc phải thông báo cho anh hay cùng thân
bằng quyến thuộc…
Giọt nước rơi không còn vang tiếng. Cành cây phong thôi cào lá sột soạt trên
mái. Nếu ngoài sân cỏ có gắn cái xích đu, liệu nó đứng yên hay có ai ngồi đong
đưa giữa đêm trường? Tôi cố nhớ lại khuôn mặt người bạn cũ, tới những đêm thức
khuya cùng nhau học bài cho kỳ thi bán phần mồ hôi mồ kê mình trần oi bức. Bạn
thi hỏng và bạn đổi đời làm kiếp lính. Bạn hỏng nhiều cuộc chơi khác và đời bạn
trôi dạt về làm một thằng công nhân. Tôi chẳng nhớ được gì rõ nét, hơn bốn mươi
năm cách biệt và tôi giờ này cũng là một hình nhân bị hỏng. Không hỏng cái này
thì hỏng cái khác. Tiền nhân từng ước ao là kiếp sau được làm cây thông reo
cùng gió giữa trời. Đợi sáng mai, tôi ra sau nhà làm sạch đám cỏ dưới gốc cây
phong rồi thắp vào đó ba cây nhang. Thôi, bạn cố ngủ giấc sâu trôi bao mộng mị,
bạn nhé!
Đêm lướt qua ngoài khung cửa bằng bàn chân rất đỗi dịu dàng tựa lời thơ của
Baudelaire “entends la douce Nuit qui marche”. Khuôn mặt một cô gái da trắng
tóc vàng hiện ra bất chợt biến ô cửa kính thành bức tranh vẽ nên chân dung một
nhan sắc sầu muộn. Cô hà hơi vào mặt gương để dùng tay kì cọ ra hình thể một
trái tim mờ nhạt. Moa vừa rời chiếc xích đu, đến đây rũ toa đi hóng gió.
Cái bức bối của mùa hè sẽ bị xua đuổi khi đêm khuya bạn đi giữa lòng đường
với cả bầu trời đầy sao nhấp nháy thầm han hỏi. Trời rất mát, có lẽ vì được dựa
hơi “cô láng giềng xưa cũ”. Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo, dòng sông Hương, cửa
Thượng Tứ… Tôi mở sáng hết những bóng điện vàng có trong nhà. Chân nhói đau và
cây gậy sắt rơi xuống sàn gỗ. Tiếng động lẻ loi, vang dội, choáng váng. Bên ấy
giờ này đã 3 giờ chiều.
Hồ Đình Nghiêm