Sau hơn một năm ở phía Đông của Big Island, việc tìm nhà để mua của chúng
tôi càng ngày càng khó khăn, phức tạp. Lúc mới dọn sang đây, ai nấy cứ
nghĩ là chậm lắm là sáu tháng hai đứa sẽ có được một căn nhà xinh xinh với một
mảnh vườn trồng rau, trồng hoa và vài cây ăn trái. Nếu thấy được biển
Thái Bình xa xa thì tuyệt. Có ngờ đâu! Nhớ lại lúc mới sang đây,
nghe nói có người đã để đồ đạc của họ ở nhà kho hơn hai năm, tôi thầm nghĩ, “Có
lẽ vì khó tính?” Không khác gì gia đình nọ, mười tám tháng qua rồi mà tổ
ấm của hai quả tim chì vẫn trốn ở đâu, chưa chịu xuất hiện. Chẳng phải
chúng tôi kỹ tánh. Nhưng khi biết được ba trong năm hỏa diệm sơn vẫn tiếp
tục phun lửa thở khói, việc chọn nhà ở vùng Lava 8, nơi dung nham chỉ lấp ló xa
xa, chứ không bén mảng tới gần là điều nên làm. Khổ nỗi nhà bán ở khu vực
này không có bao nhiêu.
Thông thường, khoảng một hay hai tuần thì chàng của tôi thấy trên các websites
của những công ty địa ốc một hay hai căn đáp đúng vài đòi hỏi của hai
đứa. Sau đó chàng email cho Lidia để cô nhân viên địa ốc liên
lạc với người bán để đi coi nhà. Cách nay một tuần, chúng tôi thấy ba
căn. Một căn để giá khá cao, một căn “cửa đóng then cài”, một căn chỉ có
một phòng ngủ và một phòng tắm. Tuy không hoàn toàn như ý, hai đứa vẫn
muốn đi coi. Bên Hawaii này, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, khi kỹ
nghệ trồng mía để làm đường là vua, chủ nhân những nông trại mía cất nhà sàn
cho nhân công sống quây quần trong từng trại hay làng. Cho tới ngày nay,
đi khoảng vài dặm thì người ta thấy một khu xóm vẫn được gọi là trại/camp
hay làng/village như thời xưa. Những làng này nằm theo con suối
hay gần bến tầu để tiện việc chuyên chở. Chúng tôi thích loại nhà sàn vì
trần cao thoáng mát, vách đơn, cửa chớp, thích hợp với khí hậu mưa hơn 250
ngày, nơi mà muối luôn ẩm ướt, phong bì chưa kịp dùng đã dính chặt, quần áo xấy
khô, chưa kịp treo lên móc đã ẩm trở lại, dù còn trong máy sấy!
Căn nhà đầu tiên chúng tôi đi coi hôm qua nằm ở làng Papa’ikou, không thuộc
loại nhà sàn, vì mới xây năm 2012. Nhờ đã thấy hình ảnh và địa chỉ
từ website của hãng địa ốc, chàng biết đường tới nơi trước Lidia. Cô này,
giống tôi, là tổ sư đi lạc. Mang danh là nhân viên địa ốc và trang bị đầy
đủ bản đồ, app trong smartphone, GPS trong xe, thế mà khổ
thân cho Lidia, gần như lần nào đưa chúng tôi đi coi nhà cô cũng đi lạc.
Do đó, khi thuận đường, chúng tôi thường hẹn gặp Lidia ở một nơi nào đó để cùng
đi với cô ấy, hoặc đi trước dẫn đường.
Lần này, vì không tiện đường, chúng tôi lái xe đi riêng. Khi tới căn
nhà đầu tiên, chúng tôi thấy tấm bảng bán nhà treo trên một cột điện.
Đang phân vân chưa biết nhà nào đang bán thì có một người đàn ông to lớn như
một lực sĩ Sumô bước ra. Căn nhà của ông ta nằm ngay ngã ba đường.
Ông ta chỉ tay về phía trái, “Ông bà đi theo hướng này thì sẽ thấy bảng cắm
trước sân.” Hai đứa theo chỉ dẫn, lái vào con đường hẹp. Ngọn cây
hai bên đường vắt vào nhau như một cái vòm. Những tàng dừa và lá rụng la
liệt trên mặt lộ. Trời mới mưa, cộng thêm sự vắng bóng mặt trời quanh năm
cho nên khi bánh xe lăn qua, chúng vang lên tiếng lẹp bẹp ướt sũng. Đậu
xe rồi mà vẫn chưa thấy tăm hơi Lidia đâu, hai đứa khóa xe cuốc bộ lên con dốc,
nơi có thêm hai căn nhà nữa, trước khi vào đường cụt. Không một bóng
người. Chúng tôi đi ngược lại ngã ba, nơi gặp người đàn ông tốt bụng khi
nẫy. Vừa đi vừa ngắm những cây avocado, cây chanh, cây roi nặng chĩu
trái. Khi thấy chiếc xe Honda của Lidia trờ tới từ xa, hai đứa giơ tay
vẫy chào mà cô nàng không ngừng lại. Hóa ra Lidia bận quay xe, de ngược
để đi về hướng khác. Chúng tôi rượt theo kêu inh ỏi. Thấy hai đứa,
Lidia cười bẽn lẽn nói “tui tưởng đã đi lố nên tính quành trở ra.”
Căn nhà xây năm 2012, nằm trên miếng đất rộng hơn nửa mẫu nhưng chỉ có một
phòng ngủ, một phòng tắm. Đường đi vào nhà được khoe là “lái vô nhà trên
con đường riêng biệt.” Đây là một ưu điểm, vì nhiều khi năm sáu căn đi ra
đi vào cùng một con đường. Vấn để sửa chữa hay bảo trì ai chịu trách
nhiệm? Tầng dưới chưa xây xong, trần nhà trống hốc, trơ ra những hàng gỗ
ngang dọc. Từ lan can của tầng trên, chúng tôi thấy biển lấp ló đằng
xa. Bên này, vì mưa nhiều cho nên cây cối mọc nhanh như thổi. Lâu
dần, cây non thành cổ thụ chằng chịt che mất biển và cản bớt gió trong lành từ
biển thổi vào khiến gía trị căn nhà bị giảm. Vì vậy, người bán hay dùng
chữ “peeka-boo views,” để cho người mua biết là họ chỉ thấy biển thấp
thóang xa xa. Không biết ai vẽ kiểu căn nhà này mà khi mở cửa chánh đi
vào thì phòng ngủ đã đập ngay vào mắt. Dù có cánh cửa to, phòng ngủ nằm
tơ hơ ngay khi bước vào nhà thì không mỹ thuật tí nào! Một điều chúng tôi
ưng ý là nhà dùng bếp ga vì điện bên này rất đắt. Trong bếp có một cái
đảo nhỏ ngay giữa bếp, thêm chỗ để chuẩn bị nấu nướng hay để bầy thức ăn, nước
uống khi có khách tới chơi. Phía dưới có vài ngăn để chén đĩa. Nhà
có vườn rộng với nhiều cây chanh, cam, bưởi, chuối, avocado, dừa và
thông. Sàn nhà lợp tre. Sau khi đi vòng trong vòng ngoài coi nhà,
hai đứa thấy cần phải bỏ khá nhiều tiền để xây thêm phòng ngủ và phòng tắm cho
nên đã không mặc cả để mua.
Căn thứ hai nằm trong làng Honomu. Căn này không xếp vào loại thường
tình. Phải nói là bất thường là đằng khác. Căn nhà xây năm 1990, có
hai phòng ngủ, một phòng tắm trên lầu. Dưới lầu cũng có hai phòng ngủ và
một phòng tắm. Tổng cộng là 2256 square feet, trên miếng đất
rộng tương đương với căn nhà đầu tiên chúng tôi coi ở Papa’ikou. Căn nhà
nằm trong một khu có khoảng sáu hay bẩy đơn vị gia cư khác. Nhà nào nhà
nấy giữ gìn vườn tược xanh tươi, cây cối được cắt tỉa ngay ngắn, tường và mái
không bị rỉ sét như nhiều nhà ở bên đây (vì mưa nhiều cho nên người ta dùng mái
tôn, dù mau rỉ, nhưng không bị ẩm mốc nhanh như loại mái lợp bằng ván hay các
vật liệu khác.) Đứng từ balcony, chúng tôi cũng thấy biển xa xa.
Thế thôi, tôi không nhớ gì khác, vì căn phòng đầu tiên tôi thấy qúa hãi
hùng. Bây giờ ghi lại những gì trông thấy mà vẫn còn rùng mình. Tự
dưng hai bàn chân đeo vớ đang chạm đất bỗng không đứa nào bảo đứa nào, cùng co
lên cái rụp.
Từ bên ngoài, căn nhà đã thấy có gì không ổn. Ván đóng kín mít nơi hai
cửa sổ phía tầng dưới. Rác rưới vung vãi ngoài sân. Trên website
chúng tôi có thấy hình cửa sổ bị đóng kín, nhưng những chi tiết như rác thì khó
lòng mà thấy được. Tôi đưa mắt nhìn chàng như muốn nói “Không xong
rồi!” Tuy nhiên, để không phủ công Lidia chúng tôi đi theo Lidia bước lên
những bậc tam cấp để vào cửa chánh. Trên đường đi qua lan can để tới cửa chánh,
tôi thấy một cái keo thủy tinh to (như hũ muối cà, muối cải.) Nhìn
thoáng qua hình như có một con trăn mầu hồng và xám, quấn gọn lỏn trong
đó. Không dám nhìn kỹ hơn, tôi bước vội qua sau khi thốt lên một tiếng
thất thanh, cùng lúc dùng ngón tay chỉ ngược về phía sau. Chàng của tôi
đi trở lại để coi có phải con gì chết (tôi bị cái tật sợ con gì chết!)
Chàng trấn an, “Không phải con gì chết mà chỉ là một cái khăn lông đã bị
mốc!” Sự ghê rợn của chiếc khăn mốc này báo hiệu cho nhiều sự ghê gớm
khác ở bên trong căn nhà.
Sau khi Lidia đánh vật với cái ổ khóa vì phải thử bốn, năm chìa khoá mới mở
được cửa để vào căn phòng khách thì ngay lập tức một hỗn hợp của đủ thứ mùi hôi
thối xông vào mũi chúng tôi, cộng với rác rưới quăng khắp nơi khiến cả ba phải
khựng lại. Phân chuột, xác gián nằm lổn ngổn. Quần áo, giầy dép, ly
đĩa giấy với thức ăn thừa đã mốc đen, tràn ngập trên mặt bàn, dưới đất.
Vỏ chai và nhiều vật không tên khác nằm chen chúc ngổn ngang dưới gầm bàn, khắp
mọi nơi! Muốn đi tới, chúng tôi phải dùng giầy đẩy rác qua một bên …. Hôm
đó, tôi không mặc quần dài, nhưng đem theo cái khăn quàng mỏng, dùng để đuổi
muỗi mòng. Khi đi coi nhà, lúc đi vòng quanh sân trước, sân sau, bao giờ
hai đứa cũng bị muỗi cắn sưng cả chân tay, mặt mày, cổ trán. Do đó, qua
kinh nghiệm bản thân, khi đi coi nhà, chúng tôi thường mặc quần dài, áo tay
dài. Khi trông thấy sự dơ bẩn và hôi hám của căn phòng khách, tôi dùng
chiếc khăn để cản bớt mùi xú uế và cùng Lidia phóng ra ngoài. Tự dưng,
nạn muỗi cắn không còn đáng sợ nữa!
Đó là căn phòng duy nhất tôi đặt chân vào, vì đã không có can đảm tiến xa
hơn.
Tuy tình trạng căn nhà qúa khiếp đảm, hai đứa vẫn đứng ngoài lan can bàn
việc nên hay không nên mua vì gía phải chăng và nằm trong một khu lý
tưởng. Cách đó ba căn, có hai ông bà kia đứng trên lan can nhà họ, tươi
cười vẫy tay chào. “Hàng xóm láng giềng dễ thương,” tôi nghĩ. Vì
viễn ảnh phải bỏ ra nhiều tiền bạc và công sức để làm đẹp căn nhà cho nên chúng
tôi hơi ái ngại. Chúng tôi cho Lidia biết là đợi hai tháng nữa mà căn này
vẫn còn trên thị trường thì sẽ mặc cả để mua. Việc đầu tiên cần làm là
thuê người dọn dẹp rác rưới trong ngoài, xịt vòi rồng để rửa mái, rửa tường,
thay bếp và các ngăn tủ mới, phòng tắm mới, sàn mới. Sau cùng mới sơn
phết lại trong ngoài. Ngoài vườn thì chỉ giữ lại một vài cây ăn trái và
vài cây kiểng. Hai tháng nay, hai đứa tình nguyện phụ dọn những cây cổ
thụ từ một ngôi trường bỏ hoang cho nên chuyện đốn cây là một việc làm được,
chứ không gian truân như đã tưởng.
Căn cuối cùng thuộc làng Hakalau, có ba phòng ngủ và một phòng tắm trên
lầu. Từng dưới cũng có ba phòng ngủ, một phòng tắm. Từ bếp đi ra
ngoài sân sau có một phòng gọi là phòng làm việc. Chàng của tôi gọi đùa là
“phòng nhiều việc” vì rất nhiều đồ đạc, nệm cũ, đồ đạc đóng rong đóng rêu bên
trong. Cách đó vài chục thuớc là một căn phòng xây riêng như là một căn
studio để cho người ta muớn. Phòng này gọn ghẽ hơn và chỉ có một phòng
tắm nhỏ, không có bếp.
Khi về nhà chàng của tôi email hỏi Brad, một người quen đang sống ở
Honomu, về căn nhà có cửa sổ đóng gỗ kín mít. Brad trả lời là không rõ
lắm, nhưng hình như căn nhà này đã có án mạng cách đây bốn năm. Chàng tìm
hiểu thêm thì điều này đúng 100%. Mặc dù không sớm thì muộn, người bán
hay ngân hàng sẽ phải cho chúng tôi hay điều không tốt đã xẩy ra trong nhà, vì
luật lệ đòi hỏi, chúng tôi cám ơn Brad đã cho biết trước.
Chàng email cho Lidia hay là sẽ không xúc tiến việc mua căn này, vì tin động
trời mới biết được. Vì sơ ý, chàng lại quên lấy địa chỉ email của tôi ra
trước khi gửi đi. Vì không muốn chính tôi khám phá ra chi tiết rùng rợn
này, chàng giải thích lý do. Nghe chưa dứt câu, tôi ba chân bốn cẳng chạy
bay xuống phòng tắm, vặn nước rồi không đợi cho nước ấm, tôi phóng vào kỳ cọ từ
đầu tới chân, rồi xả tới xả lui, hy vọng hơi hám của người bị chết bất tử không
còn dính đâu đó trên người, trên tóc. Mọi sự là do óc tưởng tượng của tôi
mà ra! Lạ thật, lúc quan sát căn phòng đầy rác và phân chuột, xác gián,
tại sao tôi không cảm thấy gì bất thường? Thế mà khi nghe tin có án mạng
ở căn nhà đó, tôi lại sợ hãi qúa độ như thế? Có nhiều lần tôi cảm thấy
lạnh gáy, như có ai khác hiện diện, khi đi coi những căn nhà trước đây, dù
chúng coi tươm tất, ngăn nắp hơn nhiều. Sức mạnh của trí tưởng tượng con
người thật phi thường. Chỉ vì một ý tưởng thoáng qua trong đầu là đã có
người bị giết trong căn nhà tôi bước chân vào sáng nay, tôi đã rùng mình, kinh
hãi, tưởng như hơi hướng của người đã chết trong căn nhà đó, theo tôi về tới
đây!
Qua hơn một năm, dù đã đi coi hơn 30 căn nhà, mộng làm chủ một căn nhà phía
Đông Đảo Lớn của chúng tôi vẫn chưa đạt được sở nguyện. Có căn thì rất
vừa ý, nhưng người bán lẫn người mua đã quen nhau từ trước, cho nên căn nhà đã
sang tay trước khi ai khác có dịp trả giá. Có căn “turnkey“, dọn
vào ở mà không cần phải sửa sang gì, nhưng qúa đắt. Có căn coi được,
nhưng phải hứng nước mưa để dùng. Khi hạn hán phải mua nước, có khi tốn
cả ngàn. Có nơi, hàng xóm nuôi chục con pitbullls, tiếng sủa ầm
ầm như sấm. Nơi khác, trong khu xóm nuôi nhiều gà đá, gáy tối ngày sáng
đêm. Hay có nơi, muốn vào nhà phải đi từ phía sau bếp đi vô, vì không có
cửa ra vào từ mặt tiền. Chỗ khác thì nhựa đường đã tróc nhiều nơi, ổ gà
chi chít. Nơi khác nữa thì đường vào nhà phải lái qua mấy dặm, như đường
rừng, những cành cây hai bên đường rũ thấp, gần chạm mui xe … Ở bên này
hơn một năm mà chưa mua được nhà. Có thể hai đứa sẽ ở thuê cho tới … đầu
bạc răng long?
Khổng thị Thanh-Hương