08 September 2016

3 NGÀY TẠI THÀNH PHỐ KHÔNG BAO GIỜ NGỦ - Khổng thị Thanh-Hương

Từ lâu tôi vẫn mong ghé thăm thành phố nổi tiếng đông dân nhất nước Mỹ, với trên dưới 800 ngôn ngữ xử dụng.  Mãi đến năm 2000 tôi mới có dịp đặt chân tới nơi “không bao giờ ngủ” này.  Đó là nhờ một cô bạn đã từng sinh sống nhiều năm ở Bronx rủ tôi đi cùng, sẵn dịp nàng về thăm nhà và chữa bệnh.


Mọi sự gần như không có gì đáng nói, kể từ giây phút đặt chân lên máy bay bay sang Nữu Ước, cho tới ngày hôm sau, khi chúng tôi lấy subway lên Chinatown để cho nhỏ bạn châm cứu.  Ngồi trong phòng mạch một lát tôi bắt đầu cảm thấy ngứa chân, muốn đi một vòng để xem Phố Tầu bên Nữu Ước có khác gì với Phố Tầu bên miền Tây nước Mỹ.  Trước khi xuống phố cô bạn dặn dò tôi đủ điều.  Mặc dù phần lớn dân New York lịch sự, họ thường tránh nhìn người lạ.  Nói chuyện hay cười với người lạ lại càng hiếm hoi hơn.  Do đó, bạn tôi dặn đừng bắt chuyện với ai, đừng dòm ai và cũng đừng cười với ai, vân vân và vân vân. Cô bạn còn dặn thêm là tôi phải cẩn thận đường đi lối về, vì thành phố qúa đông người, dễ bị lạc.  Tôi trấn an, “Bồ yên tâm, Hương đi vòng vòng gần đây chứ có đi đâu xa mà lạc.”  Vì biết nhau qúa lâu, nhỏ bạn lo “tổ sư đi lạc” là tôi thế nào cũng không tìm được đường về, cho nên dặn dò kỹ lắm.

Ra khỏi phòng mạch chật chội người đông, tôi hớn hở như chim thoát khỏi lồng.  Theo chân du khách lẫn dân địa phương, tôi cuốn theo dòng người đủ mầu da, ngôn ngữ.  Người ta hay dùng hai chữ “dòng người” để diễn tả số lượng người đông di chuyển trong một diện tích giới hạn.  Qủa không sai!  Tại mỗi góc đường ba, bốn chục người đợi băng qua đường.  Khi đèn đổi màu, làn sóng người từ hai bên đường hòa lại với nhau, chen chúc như bọt nước trên ngọn sóng, rồi tan dần, tan dần, cho tới khi sang tới bên bờ đưòng bên kia, mỗi người mỗi ngã, để lại khoảng trống rất ngắn ngủi, trước khi đoàn xe cộ nối đuôi nhau phủ lên khúc dành cho khách bộ hành.  Những “bọt nước người” này vội vã, đi như ma đuổi, bước chân thoăn thoắt.  Dường như họ “lướt” trên mặt đất, không khác gì những hình người, cỗ xe lướt bay trong những chiếc đèn kéo quân.  Thành phố lớn, xô bồ bon chen khiến người ta vội vã, không còn sống trong hiện tại mà đâm choàng, đâm bổ về khoảng không hiếm hoi phía trước, đắm chìm trong thế giới riêng tư của mình, quên đi những giây phút hiện tại qúy giá sắp qua?

Bỏ qua những nhận xét chủ quan về những người làm ăn, sinh sống gần Phố Tầu, tôi thấy vui vì không khí ồn ào, náo nhiệt bán buôn xầm uất như những ngày trước Tết thuở xưa, dù hôm đó chỉ là một ngày trong tuần.  Tôi lân la hết tiệm này tới tiệm kia.  Những cửa hàng thực phẩm, trái cây, thịt tươi, cá tươi.  Cá còn bơi lặn trong hồ, rau còn đẵm nước, hình như mới được hái từ nông trại gần đó?  Những nhà hàng “điểm sấm” bên cạnh những quầy heo quay, vịt quay, xá xíu, phá lấu thơm lừng mùi dầu ăn, hành tỏi, ngũ vị hương.  Những gian hàng chất đầy những thùng cá khô, mực khô, tôm khô, đồ khô.  Những tiệm thuốc Bắc chuyên bán sâm, nhung, hoàn tán.  Những tiệm chuyên về trà và bao nhiêu tiệm khác …. Đủ loại mùi hương, chưa kể mùi nhang trong không gian, bay vào mũi tôi một hỗn hợp đặc biệt, chỉ tìm thấy được ở Phố Tầu.
Bên cạnh những cửa hàng này, những tiệm kim hoàn làm hoa mắt người ngắm lẫn người mua.  Những chuỗi ngọc thạch, ngọc trai, những vòng vàng bạc kim cương lóng lánh, cùng với đủ loại đá qúy trưng bầy đằng sau những cửa kính bóng loáng.  Tiệm bán đồ kỷ niệm, đồ thật, đồ giả, vàng thau lẫn lộn.  Người mua, kẻ bán đều muốn có lợi lộc nên hết lòng mặc cả đôi co.
Tôi dặn lòng là chỉ đi thẳng một con đường, chớ có quẹo phải hay quẹo trái.  Lạc thì khốn.  Khi nào gần mệt mắt, mỏi chân thì sẽ vòng trở lại.  Đi cho tới khi thấy căn phố có phòng mạch của ông Wong thì sẽ leo lên lầu, đón cô bạn để cùng lấy xe điện trở về Bronx.  Đơn giản đến thế là cùng.  Tôi chắc mẩm.  Hỡi ơi, chuyện đời không xẩy ra như mình tính!  Tôi nhớ là đã không hề quẹo phải hay trái, chỉ băng qua một con đường duy nhất.  Thế mà không hiểu ai đứa lối dẫn đường, khi tình cờ ngước mắt nhìn lên tôi thấy phố xá treo cờ tam tài với ba mầu xanh lá cây, trắng, đỏ kèm với bảng hiệu song ngữ Anh/Ý bay phất phới.  Những chữ tượng hình, tượng ý, tượng thanh đã biến mất từ bao giờ!
Dù biết đã đi lạc ra khỏi khu thương mại của con cháu Khổng Tử và đã đi vào vùng thuộc hậu duệ Marco Polo, tôi vẫn bình tĩnh mà không run.  Đủng đỉnh đi dọc con đường lát đá, nơi các tay anh chị ngày xưa dùng làm tổng hành dinh, đôi khi đấu súng với nhà chức trách để giải sầu, thị uy, tôi ngắm những nhà hàng to nhỏ, khăn bàn kẻ ô vuông xanh trắng, tường lát gạch vuông, vẽ cảnh sông núi hữu tình của xứ có bản đồ hình dạng như chiếc ủng.  Những tiệm bán đồ sứ thanh nhã, tiệm giầy da, ví da, y phục, nữ trang, đồ gốm … được đưa sang từ bên kia bờ Đại Tây Dương, đợi du khách rước về làm qùa.
Sau khi đã coi chán coi chê những món hàng lạ mắt, tôi quành trở lại.  Đi một đoạn dài, tôi vẫn chưa nhận ra những cửa hàng quen thuộc đã thấy trước đó.  Dù đã ở trong lòng Phố Tầu khá lâu, tôi vẫn chưa tìm ra phòng mạch nơi bạn mình đang chữa bệnh.  Ngừng lại tại vài tiệm thuốc Bắc và phòng mạch châm cứu tôi hỏi thăm phòng mạch của ông Wong, nhưng không một ai biết ông thầy nằm ở nơi đâu.  Những cái lắc đầu kèm theo câu “Chúng tôi rất tiếc!” khiến tôi đâm hoảng, lòng tôi như lửa đốt.  Bụng bảo dạ, “Chết cha, mình không đem theo số phôn của gia đình bạn hay số phôn của phòng mạch thì làm sao hỏi địa chỉ?”  Không có cách nào khác và không muốn tốn thì giờ đi đổi tiền cắc, tôi gọi collect về nhà ở Cali để xin số điện thoại gia đình nhỏ bạn.  Cũng may là trước khi đi tôi đã để lại số điện thoại của gia đình bạn ở Bronx.
Trên đường đi trở lại phòng mạch châm cứu của ông Wong, một kỷ niệm chợt hiện về trong trí nhớ, đưa tôi ngược về dĩ vãng.  Lần đó, tôi lái chiếc Honda 50 cc sơn mầu xanh nước biển vô Chợ Lớn kiếm nhà một người bạn để hai đứa học thi Tú Tài.  Kiếm hoài kiếm hủy vẫn chưa tìm ra nhà nhỏ bạn.  Đang chạy phom phom trên con đường vắng người, bỗng dưng tôi nghe một tiếng còi tu huýt quen thuộc của bạn dân kế sát bên tai, gần điếc con ráy.  Tôi hoảng hồn, thắng xe cái “két” rồi mở tròn con mắt nhìn ông cảnh sát rồi tự hỏi “mình làm gì nên tội?”  Ngài bạn dân đứng bên kia đường ra hiệu cho tôi đứng đó rồi từ từ băng qua.  Ông ta hỏi trống không, “Có biết là lái vô đường một chiều hay không?”  Tôi xanh mặt thú nhận, “Dạ không biết!” rồi còn thòng thêm một câu rất vô duyên, “Tui đang thắc mắc sao đường vắng hoe.”  Ông cảnh sát không thèm trả lời trả vốn.  Gương mặt lạnh như tiền, ông ta đòi coi thẻ căn cước và giấy chủ quyền xe.  Sau khi cầm hai mảnh giấy trong tay, ông bạn dân chăm chú ghi ghi chép chép một hồi.  Sau cùng trao cho tôi tờ giấy phạt kèm theo một câu, “Nhớ đừng đi vô đường một chiều nữa nghe chưa.  Lần này hên đó!”  Tôi không hiểu ông ta nói tôi hên lần đó là hên gì?  Hên không tông vô người khác, hay hên ông ta không kéo chiếc xe Honda cưng của tôi về bót?
Trở lại Phố Tầu bên Manhattan, Nữu Ước.  Thấy tôi đi khá lâu mới trở lại, mặt phờ phạc lấm tấm mồ hôi nhỏ bạn hỏi tôi có đi lạc hay không.  Tôi đùa, lắc đầu.  Nhưng sau đó đã kể sơ về cuộc mạo hiểm bất đắc dĩ của mình.  Bạn tôi cười thích chí, “Biết ngay mà!”
Trên đường lấy xe điện về nhà, một thanh niên leo lên xe rồi ngồi phịch xuống chỗ trống đối diện hai đứa.  Khi xe ngừng lại tại một trạm kế đó, bỗng dưng nhỏ bạn đứng bật dậy, kéo tay tôi rồi nói “Mình xuống đây!”  Thắc mắc tại sao bạn có ý định xuống xe bất ngờ, tôi cũng đứng dậy, lật đật đi theo.  Ai dè, vừa xuống khỏi xe, cô nàng phóng lên toa kế đó.  Tôi hết hồn, phóng theo.  Bắt chước phóng theo chứ chưa biết điều gì xẩy ra.  Hóa ra tên thanh niên tự khoe của!  Ngày xưa tôi có quen một sinh viên bị một tên khoác một chiếc áo choàng dài như Clint Eastwood mặc trong phim Pale Rider, khoe của chìm của nổi, ngay bên ngoài cổng trường.
Buổi tối trước khi về lại Cali, nhỏ bạn đưa tôi đi coi Rent, một vở nhạc kịch nội dung nói về các thử thách về thể chất lẫn cảm xúc một nhóm nghệ sĩ đồng tình luyến ái chưa có tên tuổi phải trực diện.
Đêm đó, khi lấy xe điện trở về Bronx, hai đứa đi bộ một quãng mới về tới nhà.  Bạn tôi đã lớn lên và đã từng đi học, đi làm, sáng đi tối về trên con đường này cho nên đã qúa quen thuộc với cảnh thanh niên đứng tụm năm, tụm ba ở dọc đường, vào ban khuya như đêm hôm đó.  Còn tôi?  Một người lần đầu tiên thấy hình ảnh này thì lo lắng vô cùng, dù bạn đã trấn an.  Ôm chặt cái ví trước ngực, tôi duyệt lại những lời căn dặn đầy những chữ “không” của bạn.  Không nhìn, không cưòi, không xã giao, không “hi” không “low”.  Chỉ nhìn về phía trước, coi họ như pha và cứ hiên ngang mà bước tới, dù trong bụng có đánh lô tô loạn cào cào, dù hai chân chỉ muốn quàng vào nhau, chực ngã.  Trong đầu tôi chuẩn bị phải làm gì nếu một hay hai người đàn ông tiến tới gần?  Người ta hay nhắc đến kế thứ 36 trong “Tam thập lục kế.” Trong hoàn cảnh đêm hôm đó, tôi nghĩ kế đó có thể cứu mạng hai đứa.  Tôi chuẩn bị cặp giò.  Nếu cần thì sẽ phải lấy hết sức bình sinh để … tẩu, vì khi gặp kẻ địch đông và mạnh hơn mình, chuồn được là thượng sách.   May phước, không có gì bất thường xẩy ra.
Nhớ lại chuyến đi thăm thành phố “Qủa Táo Lớn” với nhỏ bạn với vài điều bất ngờ xẩy ra, tôi không khỏi mỉm cười.  Thời gian thấm thoát thoi đưa.  Mới đó mà đã hơn 15 năm.  Bao nhiêu nước chẩy qua cầu.  Phố Tầu càng ngày càng lấn đất dành dân.  Tiểu Ý Đại Lợi thu về còn có bốn block đường, từ hơn 50 block vuông thời xưa.  Mai này, thành phố Nữu Ước có còn Little Italy nữa hay chăng?  Hay Tiểu Ý Đại Lợi chỉ còn trong ký ức hoặc trên những bản đồ hay qủa cầu cổ?

Khổng thị Thanh-Hương