Đầu năm 1969, Trung Đoàn 44 BB được Bộ TTM chọn làm đơn vị
thí điểm cho Kế Hoạch Chân Trời Mới của Quân Đoàn II/ Vùng 2 Chiến Thuật. Một kế
hoạch qui mô nhằm củng cố và phát triển mọi mặt để đưa Trung Đoàn trở thành một
trong những đơn vị vững mạnh, thiện chiến của QLVNCH, làm mẫu mực cho các đơn vị
khác, hầu đáp ứng tình hình chiến tranh ngày một leo thang. Cộng Sản BắcViệt ào
ạt đưa đại quân xâm nhập Nam Việt Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh, trước dấu hiệu
Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh VNCH, qua chiêu bài Việt Nam Hóa Chiến Tranh.
Để hổ trợ cho việc thực thi kế hoạch này, Tổng Cục CTCT ưu tiên cung cấp những
cán bộ CTCT ưu tú, đặc biệt ở cấp đại đội. Trung Đoàn tiếp nhận 12 thiếu úy tân
khoa Khóa 1/ Trường Đại Học CTCT Đà Lạt. Đây là quân trường cuối cùng của QLVNCH
được thành lập theo khuôn mẫu của Trung Hoa Dân Quốc, nhằm đào tạo những cán bộ
CTCT mẫu mực, có đầy đủ khả năng, đức độ, để làm nòng cốt, hướng dẫn tư tưởng,
tinh thần cho các đơn vị chiến đấu.
Cùng trong mục đích này, đơn vị cũng được bổ sung đặc biệt một sĩ quan Nữ Quân
Nhân ưu tú, đảm trách chức vụ Trưởng Ban Xã Hội thuộc Khối CTCT.
Trung Đoàn 44 BB đồn trú tại trại Lý Thường Kiệt, Sông Mao. Bản doanh của Sư
Đoàn 5 BB, từ thời Đại tá Tư Lệnh Voòng A Sáng, bàn giao lại để di chuyển vào
Vùng 3 Chiến Thuật. Sông Mao là một thị trấn nhỏ nằm phía Bắc Phan Thiết khoảng
70 cây số, cách Quốc Lộ 1 về hướng Tây gần 2 cây số. Hầu hết dân chúng ở đây là
người Nùng, đã từng theo chân đại tá Voòng A Sáng và Sư Đoàn 3 Dã Chiến từ vùng
Mống Cái vào đây sau Hiệp Định Genève năm 1954, để sau đó biến cải thành SĐ5
BB. một trong những sư đoàn đầu tiên và thiện chiến của thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
Phía dưới, về hướng Đông, nằm dọc theo Quốc Lộ 1 là quận Phan Lý Chàm (Chợ Lầu).
Dân chúng đa số là người Chàm. Có cả dinh cơ của bà công chúa cuối cùng của
vương quốc Chiêm Thành, với đền thờ vua, cờ xí, long bào, và ấn tín. Cách đó
không xa là mật khu Lê Hồng Phong rộng lớn nổi danh của VC. Phía trên là dãy
Trường Sơn với mật khu Bá Ghe, nơi trú ẩn của một số đơn vị VC địa phương, đặc
biệt có cả một đại đội nữ.
Nhắc đến địa danh Sông Mao và mật khu Lê Hồng Phong người ta nhớ tới mấy câu
thơ nổi tiếng hào sảng của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn:
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu
Đây là một vùng khô cằn sỏi đá. Mùa hè, nắng cháy, thỉnh thoảng có vài ngọn gió
Nam thổi đến, xoáy theo những đám bụi mù trời. Nhưng một hôm bỗng dưng như có
những cơn gió mát làm dịu bớt cái không gian rất “lính” này. Không phải gió từ
biển thổi lên, mà từ cao nguyên Lâm Viên và từ tận thủ đô Sài gòn mang tới.
Cùng lúc với mười hai chàng trai tuấn tú từ trường Đại học CTCT Đà Lạt khăn gói
về đây trình diện, là một bông hoa tài sắc từ trường Xã Hội Quân Đội: Thiếu úy
Đinh Thiên Kim (*). Trung Đoàn đón tiếp những chàng “Nguyễn Trãi 1” và vị nữ
lưu này với niềm vui đặc biệt: hy vọng sẽ có những luồng gió mới trong sinh hoạt
của đơn vị hầu mang lại những thành quả, chiến công, trước nhất là thực thi
hoàn hảo Kế Hoạch Chân Trời Mới được Quân Lực tin tưởng giao phó.
Kim là một cô gái có nhan sắc và trình độ học vấn, tình nguyện vào ngành Nữ
Quân Nhân Xã Hội khi vừa tốt nghiệp cử nhân văn khoa. Và điều đặc biệt hơn, mà
sau này chúng tôi mới biêt, là trưởng nữ của một vị đại tá, giữ chức vụ khá
quan trọng tại Bộ Quốc Phòng.
Với bao nhiêu “hào quang” ấy, Kim không chỉ là một “cánh hoa hương sắc lạc giữa
rừng gươm” mà còn tỏa sáng như một vì sao trên bầu trời đầy đạn bom và gió mưa
vần vũ.
Bản doanh đặt tại một thị trấn đìu hiu, còn có tên là “thị trấn của lính”, đơn
vị còn đảm trách cả một vùng hành quân rộng lớn từ khu núi rừng trùng điệp cho
đến những đồng bằng bao la ven biển, trong đó có nhiều mật khu nổi danh của địch.
Những cuộc hành quân truy tìm và tiêu diệt địch liên tục tiếp diễn. Bên cạnh những
chiến thắng vẻ vang không thể tránh khỏi một số lượng binh sĩ hy sinh và thương
tích. Gia đình tử sĩ và thương binh rất cần tới bàn tay và tấm lòng của các Nữ
Quân Nhân Xã Hội. Trong chiến tranh, giữa khung cảnh đạn bom và chết chóc, họ
xuất hiện như là những thiên thần âm thầm xoa dịu bao vết thương, cùng bao nỗi
đớn đau của những người lính, người vợ lính đã hy sinh cho tổ quốc.Thiếu úy Kim
(thăng cấp trung úy từ đầu năm 1971) đã bôn ba từ đơn vị đến các bệnh viện, rồi
đến trại gia binh để không những làm tròn thiên chức của mình mà còn chia sẻ nỗi
đau thương mất mát với những chiến hữu và gia đình bất hạnh.
Tháng 2 năm 1972, Trung Đoàn di chuyển lên An Khê để thay thế cho một đơn vị
thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ rút quân về nước, và tăng cường cho chiến trường
Bình Định. Nhưng chỉ sau hai tháng, khi BTL/ HQ/ SĐ22 BB bị đại quân CSBV (vừa
xâm nhập từ miền Bắc) tràn ngập tại căn cứ Tân Cảnh. Vị Tư Lệnh khí phách hào
hùng, Đại Tá Lê Đức Đạt, từ chối lên trực thăng của cố vấn Mỹ, ở lại tử chiến
cùng với đồng đội dưới quyền và vùi thây nơi chiến địa. Địch quân ào ạt tràn xuống
trong ý đồ chiếm lấy thành phố Kontum. Trung Đoàn 44 BB nhận lệnh di chuyển khẩn
cấp đến phi trường Pleiku để không vận lên Kontum trong đêm, khi thành phố này
đang mịt mù trong lửa đạn.
Đơn vị đã mở đầu bằng một chiến công hiển hách, ngăn chặn và đánh tan một lực
lượng Sư Đoàn Thép 320 của Công quân được tăng cường một tiểu đoàn xe tăng T-
54 tại tuyến Tây Bắc, giữ vững được Kontum, và trở thành tuyến đầu của trận chiến
Cao Nguyên trong suốt Mùa Hè Đỏ Lửa. Chiến thắng ngày ấy dù có vinh quang, để
có một “Kontum Kiêu Hùng”, cũng đã phải trả một cái giá không nhỏ. Gần 300 chiến
sĩ hy sinh và một số lượng tương tự đã trở thành thương binh.
Ngay sau trận chiến đẫm máu đầu tiên này, trung úy Kim đã có mặt tại Kontum
cùng với hai nữ trung sĩ, phụ tá. Nhóm nữ quân nhân mỗi ngày tất tả thăm viếng ủy
lạo thương binh, đón đưa, săn sóc, an ủi thân nhân tử sĩ. Dù ở tại Bộ Chỉ Huy
hay tiền cứ của Trung Đoàn, vẫn phải sống trong những căn hầm chật chội bên các
giao thông hào bao trùm mùi tử khí, dưới những trận mưa pháo, và sẵn sàng cầm
súng chiến đấu tự vệ khi địch tấn công.
Cùng một đơn vị và quen biết đã lâu, nhưng tôi không có nhiều dịp tâm tình với
người nữ sĩ quan khả kính, mà trong đơn vị ai cũng mến thương và nể trọng. Thời
gian ở Kontum, để Kim an tâm và giữ vững tinh thần, nhóm sĩ quan trong BCH
Trung Đoàn luôn quan tâm lo lắng, bảo vệ cho cô. Nhiều lần tôi khuyên Kim nên về
hậu trạm Pleiku cho an toàn và không quá vất vả, tôi sẽ đề nghị với ông trung
đoàn trường, và chắc chắn là ông sẽ đồng ý, nhưng cô nhất quyết chối từ. Cô bảo
là chính ông trung đoàn trưởng cũng đã từng khuyên cô như thế, nhưng cô xin được
ở lại để có thể gần gũi lo lắng cho anh em thương binh và những gia đình lên
tìm thăm mộ tử sĩ.
Một hôm, khoảng 1 giờ sáng, địch quân pháo kích dữ dội để hỗ trợ một toán đặc
công của chúng xâm nhập vào căn cứ, Trung úy Kim luôn có mặt bên cạnh chúng
tôi, chạy dọc theo giao thông hào, tiếp tế lựu đạn, đạn đại liên cho anh em
phòng thủ, và tiếp tay với các y tá băng bó chăm sóc cho các binh sĩ bị thương.
Vào những ngày yên ả hiếm hoi, Kim phụ trách nấu cơm và ăn chung với đám chúng
tôi. Trong tình thân thiện, tôi hỏi tại sao Kim có bằng cấp cao, lại là ái nữ của
một sĩ quan cao cấp ở Bộ Quốc Phòng mà lại tình nguyện ra một đơn vị chiến đấu,
hiểm nguy và khổ nhọc. Ngập ngừng một lát, rồi với hai hàng nước mắt, Kim kể
cho chúng tôi nghe tâm sự thật buồn của cô:
- Kim có một người bạn trai cùng học Văn Khoa, sau này trở thành người yêu rồi
vị hôn phu. Cuộc tình đang thời kỳ mặn nồng thì anh nhận lệnh động viên nhập
ngũ vào Thủ Đức. Ra trường, được thuyên chuyển về chính Sư Đoàn 23 BB này,
nhưng chỉ sau sáu tháng anh đã hy sinh trong một trận chiến ở Quảng Đức. Kim đã
tình nguyện vào Trường Nữ Quân Nhân và sau khi tốt nghiệp đã xin ra đơn vị của
người yêu ngày trước, để được sống và chiến đấu bên bóng dáng và linh hồn của
anh, của người tình mà cô đã từng hứa hẹn cả một đời bên nhau chung thủy. Những
lúc hiểm nguy, cô luôn tưởng tượng có người yêu mình bên cạnh, cùng chiến đấu,
chở che, nên rất an tâm, bình tĩnh, và cảm nhận có những phút giây thiêng liêng
hạnh phúc.
Một cuộc tình thật đẹp và cũng thật bi tráng trong thời đất nước chinh chiến
điêu linh.
Cuối năm 1974, sau khi được thăng cấp đại úy, Kim có lệnh thuyên chuyển về một
đơn vị tại Sài gòn, (dường như là Tổng Y Viện Cộng Hòa). Cô quyến luyến giã từ
đơn vị với bao tiếc thương của đồng đội và đặc biệt, của những người vợ lính từng
được cô thăm nom, an ủi và chia sẻ cả những giọt nước mắt chân tình. Và cũng từ
ngày ấy chúng tôi mất liên lạc nhau. Chiến trường ngày quá nặng nề, chúng tôi
chỉ còn biết có súng đạn và mục tiêu trước mặt, không còn chút thì giờ rảnh rỗi
nào để liên lạc hay tìm thăm những đồng đội cũ – vì lý do này hay lý do kia –
đã rời khỏi đơn vị.
Năm 1978, trong một trại tù ở Hoàng Liên Sơn, tôi bất ngờ gặp thân phụ của Kim.
Vị đại tá trông rất đạo đức hiền lành giờ cùng tôi mang thân phận tù đày. Tôi
tìm đến ông khi nghe một tên cai tù gọi đúng tên ông mà tôi được biết từ lâu,
khi Kim kể cho chúng tôi nghe về người cha mà cô hết lòng yêu thương kính phục.
Vì tuổi già, bệnh hoạn, sức yếu, ông được bọn cai tù cho miễn ra ngoài lao động,
ở nhà phụ trách quét dọn khu hội trường và sân trại. Tôi hỏi ông về Kim, được
biết là cô cũng đang ở một trại tù khác trong Nam. Khi nghe tôi kể về Kim, người
nữ sĩ quan mà cả đơn vị tôi đều yêu thương mến mộ, ông rơm rớm nước mắt rồi mơ
hồ như đang nhìn về một cõi xa xăm nào đó.
Vài tháng sau, chuyển trại, tôi không còn gặp lại ông nữa. Không biết là ông có
còn sống qua bao năm tù đày nghiệt ngã để còn gặp lại vợ con, đặc biệt là cô
con gái nối nghiệp ông, tình nguyện vào quân đội, chọn chốn hiểm nguy sinh tử,
trong khi tương lai đang là cả một bầu trời xanh bao la mở ra trước mặt. Và
trên tất cả, là một Sĩ Quan Nữ Quân Nhân ưu tú, phục vụ hết lòng không chỉ vì
trách nhiệm mà bằng tất cả trái tim mình.
Tôi còn nhớ, sau trận chiến Kontum, cô được tưởng thưởng nhiều bằng tưởng lục
và một anh dũng bội tinh với ngôi sao đồng. Nhưng có lẽ không có tấm huy chương
nào giá trị và cao quí hơn bằng tình yêu thương, lòng ngưỡng mộ mà tất cả đồng
đội cùng những người vợ lính – dù còn sống hay đã hy sinh – đã dành cho cô.
Ra hải ngoại, bạn bè cùng đơn vị hỏi thăm tin tức, tìm kiếm nhau. Chúng tôi đã
có cơ hội gặp lại hay biết tin khá đầy đủ về những đồng đội thân quen thuở trước,
ngoại trừ Kim. Trong một dịp được gặp bà cựu Trung Tá Nguyễn Hạnh Nhơn và vài
chị trong Hội Nữ Quân Nhân, chúng tôi có hỏi thăm và nhờ tìm kiếm tin tức Kim,
nhưng không ai biết.
Không biết bây giờ Kim ở đâu và cuộc sống ra sao, sau ngày “tan đàn rã nghé”,
khi mà đơn vị chúng tôi có một thời cùng phục vụ, cùng chiến đấu bên nhau, luôn
thắm đẫm nghĩa tình “huynh đệ chi binh” đã không còn tồn tại nữa. Có chăng chỉ
còn trong ký ức, qua những giây phút chạnh lòng hồi tưởng về một thời lửa đạn,
sống từng ngày giữa lằn ranh sống chết quá mong manh, nhưng cũng rất hào hùng
và đẹp đẽ biết bao nhiêu!
Mỗi lần đất khách gặp nhau, chúng tôi luôn nhắc nhở tới Kim, người nữ sĩ quan
đã để lại trong lòng chúng tôi một hình ảnh vừa anh thư khả ái vừa kiêu hùng,
mà những người bạn, những đồng đội ngày xưa, và những người vợ, con của lính, vẫn
còn nợ cô một lời cám ơn chưa kịp nói, và có thể sẽ không bao giờ có cơ hội để
được nói cùng cô. Xin cầu mong mọi điều tốt đẹp cho Kim. Dù cô đang sống ở một
nơi xa xăm nào đó, Thượng Đế từ tâm chắc không thể bất công với những con người
có một tấm lòng trung trinh, khí khái, và nhân hậu như cô.
(*) Kim không phải là tên thật. Vì có thể cô còn sống ở VN. Để tránh phiền phức,
người viết xin phép dùng tên Kim thay cho tên thật của cô.
Phạm Tín An Ninh