Hồi cải cách ruộng đất năm 1956 tôi còn nhỏ, nhưng cũng đủ lớn để chứng kiến
khá nhiều chuyện xẩy ra trong làng. Mãi đến giờ tôi vẫn không sao quên nổi cái
không khí điên khùng, kỳ cục những ngày ấy. Cả làng như đang trong cơn lên đồng
tập thể. Đêm nào cũng họp hành và đấu tố. Hàng xóm đấu hàng xóm, thằng ở đấu
ông chủ, có cả trường hợp anh em đấu nhau hay thậm chí con cái đấu cha mẹ. Toàn
những mày tao chi tớ, nhổ nước bọt, chỉ tay dí mặt trông mà khiếp. Ban ngày thì
cả làng kéo nhau đi xem xử bắn bọn “gián điệp” và “cường hào gian ác”. Làng
mình không hoặc chưa có thì xem ở làng khác.
Nổi bật nhất là lễ rước “quả thực”, tức là lễ rước khắp làng những của cải, đồ
đạc tịch thu của địa chủ trước khi chia cho dân làng. Vui lắm, thích lắm. Nhưng
địa chủ thì ít, lại chủ yếu thuộc diện qui chụp theo chỉ tiêu trên giao xuống,
nên cũng chẳng có nhiều để chia. Thế mà ai cũng hỉ hả ra mặt. Tự dưng không đâu
người ta cho mình cái này cái nọ, hỏi làm sao không vui? Nhà tôi thuộc diện bần
cố nông nên cũng được một cái chum và nửa con trâu, chung với ông bác. Bố mẹ
tôi cũng hỉ hả lắm, dù tôi biết hai cụ chưa bao giờ phải đi ở hay làm thuê cuốc
mướn cho tên địa chủ nào. Qua vụ này, tôi đâm ra ghét mấy ông bà nông dân tham
lam, tráo trở.
Chỉ đạo toàn bộ cuộc lên đồng tập thể kéo dài cả tháng ấy là hai ông Đội,
một từ Vinh, một từ tận trung ương về. Ông trung ương là người làng, có tên
Hoạt, nghe nói ông tự xung phong, chứ cỡ ông không ai xuống cấp xã. Ông này
trạc ba mươi lăm, bốn mươi tuổi, người vạm vỡ, ít nói và có thói quen chốc chốc
lại ngúc ngắc đầu như đang cố xua một con ruồi vô hình.
Để nêu gương cách mạng, ông chọn ở nhà lão Thọt theo phương châm ba cùng, là
cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc, mặc dù ông chỉ về ngủ vào lúc đêm khuya, trên
cái giường duy nhất trong nhà. Lão Thọt thì ngủ trong ổ rơm dưới bếp, thường có
tôi ngủ cùng vì lão có cả một kho truyện ma để kể. Bù lại, ban ngày tôi nhổ tóc
bạc và bắt rận cho lão. Không hiểu sao người ta gọi Thọt khi lão đi đứng bình thường
như mọi người. Lão còn khỏe mạnh dù đã hơn sáu mươi, trước từng đi lính sang
Dijon bên Pháp. Nhưng lão mù, mà cũng mới đây thôi, sau một lần đau mắt và được
ông thầy lang làng bên chữa bằng cách đắp hai con nhái đã nướng chín lên mắt.
Mấy ngày sau khi Đội về, đêm nằm lão bảo tôi:
“Chúng nó bắt đầu ăn thịt nhau đấy mày ạ?”
“Sao phải ăn thịt nhau?” tôi hỏi.
“Rồi mày xem. Bọn này chẳng hay ho gì đâu”.
“Bọn nào ạ?”
“Bọn Đội. Bọn chó chết. Nhất là thằng Lan”.
Lan là tên anh Đội thứ hai. Hắn còn trẻ nhưng rất hống hách, chuyên xúi
người ta đấu nhau, và là thằng đầu têu đánh dã man những người bị qui oan. Đã
thế hắn còn tham ăn và háu gái. Người ta thấy hắn bắt gà vịt và sờ mông, bóp vú
đàn bà giữa ban ngày ban mặt mà chẳng ai dám nói gì. So với hắn, ông Hoạt còn
tử tế hơn nhiều, dẫu vì ông khối người phải khốn khổ.
Một tối nọ cô Bích, cháu đằng ngoại của lão Thọt, tấm tức chạy đến bảo lão
cô bị hắn đè ra hiếp, dọa nếu không chịu, cả nhà cô sẽ bị qui địa chủ, tức là
bị xử bắn. Lão Thọt nghe không nói một lời nào. Đêm ấy tôi nghe lão nghiến răng
kèn kẹt mãi. Tối hôm sau, lúc ấy đã khuya, lão chui vào ổ rơm, ôm chặt tôi rồi
thì thầm:
“Tao giết hắn rồi!”
“Giết ai?” tôi ngạc nhiên hỏi.
“Thằng chó chết ấy chứ còn ai nữa. Chém một phát đứt ngang cuống họng. Ngoài
đíếm canh”.
“Nhưng bác mù…”
“Mù ít thôi. Tao giả vờ đấy. Cấm mà bép xép với ai đấy nhé! Tao giết!”
Khỏi phải nói cả làng bị một phen điêu đứng thế nào. Người ta khám từng nhà,
tra khảo từng người. Có hẳn một đoàn công an từ huyện về mà cuối cùng vẫn không
tìm ra thủ phạm giết thằng Lan. Tất nhiên không ai nghi ngờ lão Thọt, vì lão
mù.
Dần dần mọi chuyện cũng lắng xuống. Tiếp đến là sửa sai và làng lại đi vào
nếp cũ. Ông Hoạt quay ra Hà Nội với công việc xưa nay của mình trong ngành an
ninh. Ông thăng quan tiến chức nhanh chóng và chẳng bao lâu trở thành người
danh giá nhất làng, đặc biệt khi ông về thăm quê bằng ô tô con, chiếc đài bé
xíu đeo bên hông. Ở thủ đô, lần nào gặp mặt đồng hương xã nhân năm mới ông cũng
có mặt, và đương nhiên ngồi ở chỗ nổi bật nhất, được trọng vọng nhất. Tôi cũng
nhiều lần bắt tay, nói chuyện với ông, dẫu không mấy thân mật vì chênh lệch
tuổi tác và nghề nghiệp. Tôi tặng ông một vài cuốn sách tôi viết, và ngạc nhiên
khi biết ông đọc chúng. Thậm chí đọc kỹ, có lần còn gọi điện nhận xét. Hình như
ông thích tôi, tôi không biết vì sao, nhưng có cảm giác như thế. Một lần vui
miệng, ông nói ông đã cứu tôi khỏi bị công an bắt.
“Ngày mới về nước, cậu viết mấy bài thơ ủy mị, kêu khổ. Chúng nó đưa vào sổ
đen, định bắt nhưng tớ đỡ cho, bảo người cùng làng và thằng ấy tốt nên mới
thôi”.
Tôi cảm ơn ông và chẳng biết nói gì thêm. Tôi có biết mình bị theo dõi,
nhưng bị bắt và đi tù như một số văn nghệ sỹ lúc ấy thì quả thật không ngờ tới.
Mà rồi tôi chỉ mới tập tạnh vào nghề chứ đâu đã thành danh như bây giờ.
Một hôm, cách đây khoảng ba năm, ông gọi điện cho tôi và nói, giọng quan
trọng:
“Cậu đến ngay nhà tớ, có việc muốn nhờ!”
Đến nơi, tôi ngạc nhiên thấy ông đang đứng chờ trước cổng nhà, mặc bộ quân
phục đại lễ, huân huy chương đầy ngực. Ông vội chui vào xe và nói như ra lệnh:
“Lên Chèm! Khoan hẵng hỏi. Tớ sẽ chỉ đường.” Ông vẫn chưa quên cái giọng nói
chuyện với cấp dưới khi ở cơ quan, dù đã về hưu gần hai chục năm nay, và tôi là
người làng ông đang nhờ giúp đỡ.
Tôi lặng lẽ làm theo, tò mò muốn biết chuyện gì đang xẩy ra.
Cuối cùng, ông bảo tôi dừng xe bên sông Hồng, cách đền Ông Trọng không xa.
Lúc ấy đã sáu giờ và mặt trời đang tắt dần ở phía Tây. Tôi bước theo ông đi
xuống mép sông, vẫn hoàn toàn chưa biết ông định làm gì. Ở tuổi tám mươi, trông
ông còn khỏe và cao lớn. Cái đầu vẫn thỉnh thoảng lắc lắc như xưa. Thế mà nghe
nói như ông đang bệnh nặng.
Chỗ sông này nước xuáy, ăn lõm vào bờ khá sâu. Ông đứng lên tảng đá lớn sát
bờ, ra hiệu tôi lại gần và nói, cũng bằng cái giọng ra lệnh lúc nãy:
“Hãy nhìn cho kỹ những gì tớ sắp làm…”
“Bác định làm gì?” tôi hỏi, không dấu nổi sự ngạc nhiên và sợ ông nhảy xuống
sông tự tử.
“Cậu sẽ biết ngay đây. Tớ chỉ cần cậu như một người làm chứng”.
Rồi ông thong thả cởi từng chiếc huân, huy chương trên bộ quần áo đại lễ màu
trắng, vứt mạnh xuống dòng nước chảy xiết. Khoảng dăm chiếc, và tôi chẳng biết
đó là huân, huy chương gì.
“Xong. Ta về! Coi như cậu đã trả ơn tớ không cho công an bắt ngày nào.”
“Vì sao bác làm thế?” tôi hỏi khi đã ngồi trên xe.
“Vì tớ sắp chết”. Biết tôi đang ngạc nhiên, ông nói tiếp: “Mà trước khi chết
ai cũng muốn lòng mình thanh thản”.
“Vâng, nhưng chuyện này liên quan gì đến mấy chiếc huân chương?”
“Tại chỗ nước xuáy kia, sau khi cướp chính quyền năm bốn lăm, tớ đã giết một
lãnh tụ đảng Việt Quốc. Bắt cóc giữa đường, cho vào bao tải rồi ném úm xuống
đó. Ban đêm, tất nhiên, và cùng hai đồng chí khác của Nha cảnh sát cách mạng”.
Tôi ngồi im, chẳng biết nói gì.
“Và người ta tặng huân chương cho tớ về việc ấy”, ông hạ giọng, vẻ chua
chát.
Im lặng một lúc, tôi nói, cốt để an ủi ông:
“Cái thời nó thế thì phải thế. Vả lại, đấy là nhiệm vụ cách mạng giao.”
“Đành vậy, nhưng dẫu sao… Nếu là tớ, cậu có thể chết thảnh thơi được không?”
“Không”.
Khi xe về gần đến nhà, tôi hỏi:
“Sao bác không bảo con cháu làm cái việc bác nhờ tôi hôm nay?”
“Cái bọn hời hợt, hãnh tiến ấy, nhờ để chúng phá à? Chúng chỉ có một niềm tự
hào duy nhất là con cháu cán bộ cách mạng lão thành”.
Một tháng sau ông chết ở bệnh viện K, suýt được an táng trong nghĩa trang
Mai Dịch. Tất nhiên các đài, báo trung ương đều đưa tin, long trọng và cảm
động.
Thái Bá Tân
Hà Nội, 29. 7. 2011