Hồi còn cắp sách đến trường, những năm cuối tiểu học và đầu
trung học, tôi mê đọc vô cùng. Mê đọc chứ không phải mê đọc sách - chữ
"đọc sách" nghe quá trịnh trọng và lớn lao so với mớ tuổi bé con của
tôi. Thời đó đã có chiến tranh, sách vở thiếu thốn, vồ được cuốn nào là
ngốn ngấu cuốn ấy, không phân biệt, không chọn lựa. Những cuốn sách cũ của
ông chú có nhiều cuốn mất khúc đầu thì đọc khúc đuôi, mất khúc đuôi thì đọc
khúc đầu, mất cả đầu đuôi thì đọc khúc giữa. Trang mất trang còn cũng không
sao, đọc tuốt. Y như sau này những năm tháng đầu tiên trong tù cải tạo
ngày nào cũng bị nhồi nhét lý thuyết với chủ nghĩa lỗi thời, rỗng tuếch, thế là
nhặt được một miếng giấy gói muối, gói mắm, hay những mảnh giấy ố vàng rách rưới
nhỏ bằng vài ngón tay - xin lỗi - tức là giấy "vệ sinh" sau khi dùng
đi cầu đã khô, hễ có vài hàng chữ cũ là phủi phủi rồi banh ra đọc một cách say
sưa. Hàng chữ cũ? Vâng, tức là từ những tờ báo, những trang sách
"Ngụy" bị xé rời làm giấy gói đồ, làm bao bì v.v..., trạm chót là làm
giấy “vệ sinh”. Về sau, Cách Mạng biết được điều đó cho nên những thứ giấy ấy
cũng không kiếm đâu cho ra. Thế là những người tù chúng tôi không còn cái
hạnh phúc đọc những chữ “thối" ấy nữa.
Trở lại chuyện hồi bé, tôi đọc những gì nhỉ?
Nào La Bính Hoa ngày nào cũng đi ăn xin về nuôi mẹ già, nhờ thế sau gặp
được ân sư mà trở thành tay kiếm sĩ vô địch; nào Hồng Gia Nữ Hiệp võ công đầy mình và đẹp như tiên lại
"thầm yêu trộm nhớ" chàng Bách Tường Vân; nào Nhà Sư Thọt ôm kín một cuộc đời
bí ẩn một đêm bị bức bách đành phải vượt hàng rào đánh mất chiếc ba-toong, và từ
chiếc ba-toong ấy Kỳ Phát
tìm ra án mạng; nào chú tiểu
Lan, Hồn Bướm Mơ Tiên,
trong bộ nâu sồng "dịu dàng bẽn lẽn" ngồi thẫn thờ một mình trong vườn
sắn cao quá đầu người nghe tiếng chim gù mà nhớ anh chàng Ngọc đã bỏ về Hà Nội; nào Trọng Khang, Trường Đời, nét mặt "phong
trần" có một bè gỗ lớn bị nước lũ cuốn mất bèn đi đánh bạc để gỡ gạc lại
xui xẻo thua nhẵn cả túi tiền, làm lại cuộc đời bằng hai bàn tay trắng v.v...
Ðó là văn xuôi, tiểu thuyết.
Còn thơ thì may thay một đứa học cùng lớp có cuốn Thi
Nhân Việt Nam đã nhàu nát của Hoài Thanh, thế là những đứa khác trong
đó có tôi năn nỉ mượn rồi chuyền tay nhau chép lại gần trọn cả cuốn thơ vào những
tập giấy học trò, rồi đọc lui đọc tới đến thuộc lòng những bài mình
thích. Lời bình bay bướm, hay ho, và đầy khám phá của Hoài Thanh, Hoài
Chân cùng những bài thơ trong cuốn sách sao mà có sức lôi cuốn tôi hồi đó đến thế!
Nhưng dù văn hay thơ đều nói đến những tình huống kỳ lạ, bay
bổng, tha hồ đưa trí tưởng tượng của tôi đi lang thang thật xa, để khi nhìn lại
cuộc sống thường ngày của mình, thấy nó gò bó, nghèo nàn, và chật hẹp quá
chừng. Càng đọc lung tung, càng mơ ước viển vông, càng thất vọng. Rồi
bắt chước buồn cái buồn của các thi sĩ - Tôi buồn không hiểu vì sao tôi
buồn.
Một lần gặp được mấy câu thơ của Tế Hanh:
Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Ðón chuyến tàu đi, đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa
...
Hồi đó tôi cho những câu thơ ấy hay tuyệt, và nhất là nó đã
vẽ ra cái khung cảnh gần gũi nằm trong tầm tay của mình.
Số là như thế
này. Một buổi sáng nghỉ học, thằng bé 12,13 tuổi là tôi đạp xe đạp ra
ga xe lửa Huế để thử tìm
cái cảm giác được mô tả trong bài thơ. Xe lửa tới, rồi xe lửa đi, hành
khách lên, rồi hành khách xuống, mà thằng bé chỉ có cảm giác hụt hẫng mà
thôi. Nó chẳng kiếm đâu cho ra một thứ gì thơ mộng hoặc buồn khổ cả. Lòng
trống rỗng. Nó ngơ ngáo, ngượng nghịu ngó quanh. Người ta tò mò
nhìn nó. Nó chột dạ. Rồi mặt nó đỏ lên như ăn vụng bị bắt gặp. Nó định
bụng đứng lì thêm một chốc nữa thôi, để làm gì nó cũng không biết, nhưng rủi
thay, người lính gác từ xa đi tới vẻ mặt đầy nghi ngờ, có lẽ nghĩ nó là kẻ
gian, cho nên nó vội nhảy
lên xe đạp đạp một mạch không quay đầu nhìn lại nhưng cái lưng nó vẫn cảm thấy nhột nhạt vì những cái nhìn đuổi theo
chế giễu. Nó chắc mẫm rằng mọi người đều chú ý đến cái
cử chỉ “quái chiêu” của nó. Từ đó, ngoài những lần đi đâu bằng hỏa
xa, nó không còn dại dột mò tới những nhà ga để mộng mơ.
Bây giờ sống trên đất Mỹ này nhiều dịp đến những phi trường,
những sân ga, hoặc những bến xe đi xuyên bang, có khi nhớ lại bài thơ ấy của Tế
Hanh, lòng chỉ thấy gợn lên một chút cảm giác mơ hồ như mặt nước ao tù phẳng lỳ
bỗng chạm phải bởi một chiếc lá tre khô vừa rơi xuống. Một vòng tròn cảm
xúc rất nhỏ lan ra thành vài ba vòng tròn đồng tâm rồi biến đi nhanh trước khi
chiếc lá nằm yên trên mặt nước. Và cái bến xe buýt này, bến xe lửa này,
cũng đã trở nên khô khan, mệt nhọc, buồn nản như bản thân của tôi khi cánh
tay vẫy vẫy của Trang xa dần, rồi bị che khuất sau mấy toà nhà trơ khất.
*
Người đàn bà nhìn tôi hỏi:
“Xin lỗi ông, mấy giờ rồi thưa ông?”
Tôi đeo kính vào. Người đàn bà vội xua tay:
“Thôi khỏi phiền ông. Kia kìa, cái đồng hồ treo tường ở
cuối hành lang. Nào, xem nào, 10 giờ thiếu 10. Chết tôi rồi! Xe tôi khởi
hành 9 giờ. Chết tôi rồi!”
Tôi kín đáo quan sát người đàn bà. Thiếu phụ khoảng tuổi 40,
thân hình cân đối, mặt có nét buồn nhưng thanh tú, giọng nói ấm áp, nụ cười
tươi luôn luôn ở cửa miệng. Tóm
lại đẹp và có duyên. Chỉ có đôi mắt là tối sầm. Tôi không hề thấy nụ cười
tươi sáng đi theo với cặp mắt tối tăm. Cũng ít thấy người nào miệng thì
cười mà mắt dửng dưng như người đàn bà này. Tôi trấn an:
“Không sao đâu cô. Có nơi mỗi ngày có hai chuyến xe. Trễ
chuyến thứ nhất thì đi chuyến thứ nhì. Vậy cô đi đâu? Ðể tôi xem thử
có chuyến buổi chiều cho cô không nào.”
Thiếu phụ nhìn tôi, thoáng một chút bỡ ngỡ nhưng nỗi lo lắng
vẫn hiện rõ trên đôi mắt:
“Tôi đi Green River. Lần đầu tiên tôi đi xa một mình,
tiếng Anh tiếng u tôi không biết. Phiền ông hỏi hộ cho tôi xem có chuyến
buổi chiều không ông nhé. Hôm nay mà không đi được, tôi sẽ không biết
xoay xở ra làm sao cả. Khổ quá! Ông giúp hộ tôi nhé, thưa ông.”
Tôi khẽ gật đầu và đến quầy bán vé đứng nối đuôi chờ.
Hành khách đông đảo, phần lớn nói tiếng Tây Ban Nha. Tôi phải chờ đến hơn
15 phút mới sắp đến phiên mình được tiếp. Tôi vừa quay người lại đã thấy
thiếu phụ đứng ngay sau lưng tôi, nét lo lắng hiện rõ trên đôi mắt đen và u
ám. Thiếu phụ ấp úng:
"Ông Mễ bán
vé đó nói tiếng Mễ phải không ông? Ông biết tiếng Mễ hay không? Làm sao bây
giờ!"
"Không sao cả. Thấy cái mặt cuả tôi là họ chuyển qua
nói tiếng Anh ngay. Tiếc là họ không nói được tiếng Việt. Những người
làm việc ở đây nói thạo cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha."
Tôi quay qua hỏi người bán vé, được biết không có chuyến xe
đi Green River. Rời khỏi quầy bán vé, tôi ái ngại nhìn người đàn bà và
cho cô ta biết điều đó. Thiếu phụ vội vã tiếp lời:
"Khổ thân tôi quá! Lúc nẫy tôi không chịu nói cho
rõ ràng, thưa ông. Xin lỗi ông. Tôi cũng biết rằng không có xe đi
Green River, nhưng người nhà có dặn cứ đến Salt Lake City rồi xe nhà sẽ đến đón
về. Vậy phiền ông một lần nữa nhé. Nhờ ông hỏi xem còn chuyến đi
Salt Lake City vào buổi chiều hay không. Làm phiền ông nhiều quá, tôi vô
cùng áy náy, thưa ông."
A, cái cô này ăn nói lễ phép một cách quá đáng, nhưng bù lại,
giọng nói nghe hay quá, khiến tôi cũng muốn bắt chuyện để được nghe thêm. Tôi vốn
thích nghe giọng nói của phái nữ.
Salt Lake City tôi có đến một lần. Ðó là thành phố thủ
phủ của tiểu bang Utah, nằm gần cái hồ rộng mênh mông, hơn 500 ngàn mẫu tây,
cao hơn một cây số so với mực nước biển, nước hồ mặn chát, mặn gấp ba, gấp bốn
lần nước biển, mặn đến nỗi cá không sinh sống nổi. Chỉ có một loại tôm vỏ
cứng nhỏ tí tẹo, màu đỏ hồng, nhỏ bằng đầu cây tăm xỉa răng và dài cũng chỉ bằng
một lóng tay thôi, là có thể tồn tại nơi đó. Nhờ có loại tôm ấy mà bầu trời
của vùng hồ nước mặn và những thành phố lân cận sinh động hẳn lên vào mùa xuân
và mùa thu. Tôi nói cái chi tiết đó, người đàn bà trố mắt nhìn có lẽ nghĩ
tôi có tính ưa đùa cợt:
"Tôm sống dưới nước mà làm vui cho bầu trời! Sao
có chuyện lạ thế, thưa ông."
"Nhưng tôi chưa nói hết mà. Vâng, những loài chim di điểu
ở miền bắc nước Mỹ, ở Canada, ở gần miền Bắc cực, từ mùa thu đã lo bay về nam
tránh cái rét của mùa đông trên đó. Bay xa lắm, hàng ngàn dặm, hàng chục ngàn con, thường ghé lại vùng
hồ ấy cho đôi cánh được nghỉ ngơi năm
bảy tiếng đồng hồ. Rồi bay tiếp. Trước khi dừng cánh, chúng sà xuống
mặt hồ săn đuổi những con tôm bé nhỏ đó đang lặn lội nhởn nhơ, gọi là kiếm chút
thức ăn độ đường. Ðến mùa xuân ấm áp năm sau lại bay về tổ cũ -- vâng có nhiều con chim bay về
đúng tổ cũ của nó – lại ghé xuống mặt hồ. Cả một vùng sinh động hẳn lên. Năm nào cũng thế, từ xa
xưa cho đến bây giờ".
Nói xong, tôi cười thầm. Thế ra mình đã bị lây cái lối
nói kiểu cách của thiếu phụ. Con gái Bắc kiểu cách một cách thật duyên
dáng, mình đâu bắt chước nổi!
Cái thành phố Salt Lake City khá lớn này hẳn nhiên được vài
ba chuyến xe buýt xuyên bang phục vụ mỗi ngày, tôi nghĩ thế, nhưng tôi cũng đến
người bán vé hỏi lại cho chắc. Ðúng thế, có hai chuyến xe buýt Grey Hound
đi từ Santa Ana đến Salt Lake City, một sáng một chiều. Thật ra, hai chuyến
đó đi từ cực nam của Cali, thành phố San Diego, rồi ghé lấy thêm khách từ Santa
Ana. Lỡ mua vé sáng chỉ việc đóng thêm tiền phạt mười phần trăm để đi chuyến
chiều. Ðược biết như thế, thiếu phụ mừng rối rít:
"Thật là may mắn cho tôi! Nhất là may mắn đã gặp được
ông nơi đây. Nếu không, tôi chết mất."
Giọng Bắc du dương, người đàn bà lại cười nói một cách hồn
nhiên, khiến tôi thấy vui vui. Tôi gợi chuyện:
“Mà này cô, Green River? Nghe hay quá. Green
Field, Cánh Ðồng Xanh, thì tôi biết, đó là tên một bài hát nổi tiếng một thời.
Nhưng thị trấn ấy tên Green River? Hẳn là có một dòng sông xanh trôi qua?
Cô khéo chọn chỗ ở nhỉ?”
Thiếu phụ mở to mắt nhìn tôi:
“Tôi có kén chọn gì đâu! Nếu tôi được quyền chọn, chắc
chắn tôi sẽ xin định cư miền nam Cali. Ông mới là người khéo chọn!”
Tôi ậm à:
"Thế sao? Sao cô biết? Mà tôi chọn nơi nào nhỉ?"
“Tôi đoán ông người vùng này. Ở đây ấm áp, vui quá,
nhiều người mình quá, ông nhỉ? Ði trên các đường phố Nam Cali mà cứ ngỡ
đang đi bát phố Sài Gòn những chiều cuối tuần. Ông có cảm thấy như thế
không, thưa ông.”
“Tôi cũng chỉ là người tị nạn mới đến định cư nơi đây thôi
... cho nên cô bảo tôi người vùng này e không đúng lắm. Nhưng thật ra ở đâu
quen đấy,vui buồn còn tùy. Này cô, ta hãy trở lại câu tôi hỏi cô lúc nãy nhé.
Vùng cô ở chắc có con sông
xanh, Green River?"
Người đàn bà chau mày:
“Ông nói làm tôi phải cố nhớ lại xem dòng sông ấy có xanh
hay không. Và con sông vùng tôi ở có phải là sông Green River hay
không, tôi cũng không biết nữa. Ðường sá, xóm giềng, trường học, vườn hoa, chợ
búa, tôi còn không biết tên huống là tên một dòng sông. Nhưng hình như con sông nào cũng thế thôi, lúc đầy
lúc vơi, lúc vui lúc buồn, lúc trong lúc đục. Làm gì có con sông xanh
mãi!”
Tôi định nói có chứ, sông Hương đấy, nhưng nghĩ không phải lúc để tranh luận dài
dòng. Mà cũng không hẳn
đúng. Sông Hương mùa lụt nước bạc trắng chứ đâu còn trong, “Nước lạnh
như đồng, khổ lắm chồng tui”. Hai ba người đàn bà Mễ Tây Cơ
hay Nam Mỹ con cái đùm đề ì à ì ạch khiêng những cái túi nặng nề đến để ngay
trước mặt chúng tôi rồi quày quả chạy tới quầy bán vé. Tôi đề nghị:
“Ði chuyến buổi chiều, bốn giờ chiều, nên cô còn nhiều thì
giờ lắm. Hay là ta hãy dời hành lý đến hàng ghế cuối ngồi cho rộng rãi,
yên tĩnh? Lúc nào ở quầy bán vé thấy bớt người ta hãy trở lại đổi vé cô
nhé.”
Thiếu phụ vui vẻ gật đầu. Tôi khệ nệ, khập khiễng, chân tôi
bị tật, xách giùm một cái túi của thiếu phụ, còn thiếu phụ thì tay xách cái bị
nhỏ lẳng lặng theo sau. Ðến hàng ghế cuối, trước khi đặt túi xách xuống đất,
tôi đứng chờ xem thiếu phụ muốn ngồi băng nào. Bắt gặp thiếu phụ cười lặng
lẽ, đôi mắt là lạ như có pha chút giễu cợt. Tôi thầm nghĩ có lẽ cô này thấy
mình đi khập khiễng mà còn ra tay hào hiệp nịnh đầm xách giùm cái túi khá nặng. Thiếu phụ đổi sắc mặt,
vội nói:
“Cám ơn ông. Ông còn phải trở lui mang hành lý của ông
đến đây nữa chứ. Ông mải lo giúp tôi lại quên cả hành lý của ông rồi!”
Tôi cười, đáp:
“Tôi không có hành lý. Sáng nay tôi đi tiễn đưa. Xe chạy
rồi. Người ta đã đi rồi. Tôi định ngồi đây nghỉ ngơi một chốc thì ... gặp cô.”
Thiếu phụ cúi mặt cười tủm tỉm:
“À ra thế. Thế mà tôi cứ tưởng ... tôi cứ nghĩ ông
cũng sắp đi xuyên bang ... như tôi. Vâng, đúng thế, sau khi tiễn đưa, ta
nên ngồi nán lại một chốc.”
"Ðể làm gì vậy?"
Thiếu phụ nở một nụ cười duyên:
"Ðể giữ một chút dư vang."
Lúc còn nhỏ, chưa xong trung học đệ nhất cấp, tôi đã yêu.
Tôi giấu kín chuyện lòng của mình, không dám san sẻ với ai một lời kể cả người
tôi yêu. Trẻ con mà bày đặt yêu với thương, nghe chướng tai quá!
Nhưng tôi cứ yêu, biết làm sao được. Một mùa hè, tôi đến nhà em học.
Em? Bây giờ nhớ lại, hồi đó tôi đâu dám gọi em là em. Anh cả của em
đi học xa, Sài Gòn Hà Nội
gì đó, người anh thứ hai học trên tôi nhiều lớp, mở lớp dạy kèm môn
toán và tiếng Pháp. Em thỉnh thỏang ghé tạt qua lớp học mang nước trà cho
anh của em, có khi mang đến nào đào tiên, nào ổi, nào khế ngọt, nào dâu vừa mới
hái ngoài vườn đem vào cho đám học sinh háu ăn háu đói là chúng tôi. Chưa bao
giờ tôi nghe em nói một lời; em chỉ nhìn chúng tôi, con mắt to, sáng long lanh,
nhìn mà có lẽ không thấy ai, nhìn chung chung chứ không nhìn hẳn vào một ngươi
nào. Và cuối cùng cười
chung với mọi người để giã từ, nụ cười không phát ra thành tiếng, chúm chím như
đóa hoa hồng mới nụ trên khuôn mặt trắng xanh, gầy gầy, xinh đẹp quá.
Vâng, nước da em trắng xanh, có lẽ em biết thế, cho nên
em thường mặc chiếc quần dài đen, áo bà ba đen ngắn tay, làm nổi lên khuôn mặt
và hai cánh tay trần. Em rất đơn sơ những năm đói khổ, loạn lạc ấy. Em của màu đen và màu
trắng. Tóc đen mượt, mắt đen nhánh, quần áo đen dịu dàng, chỉ để lộ khuôn
mặt trắng và hai cánh tay trần như hai cành non. Và hàm răng nữa chứ, những chiếc
răng trắng như hạt bắp nếp sắp đều đặn cạnh nhau. Vào lớp học em mang vào tất cả
ánh sáng của trời đất bên ngoài. Rồi em quay người lặng lẽ đi không nói một lời. Phòng học bỗng hoang vắng.
Trong lòng lũ bạn học trẻ con của tôi có nhen nhúm một thứ tình cảm nào đối với
cô bé hay không, có lẽ không, nhưng riêng tôi thì khác hẳn. Lòng tôi cứ vấn
vương mãi. Rồi một hôm tôi như người bị hút hồn khi em vô tình hay cố ý
nhìn tôi và chỉ cho tôi một trái ổi có dấu chim mổ mà em bảo thế là ngọt lắm.
Ðúng thế, em chỉ nhìn tôi thôi, tôi thầm nhắc đi nhắc lại. Từ đó tôi
không thể nào tập trung tâm trí vào bài vở, nhưng cũng không bao giờ vắng mặt một
buổi học nào. Mùa hè cứ thế trôi qua như giấc mơ.
Hết hè, mọi người nao nức trở lại trường cũ lòng không
chút vướng bận hình ảnh của em. Nhưng riêng tôi, cứ mỗi buổi chiều đi học về, tôi kiếm một cái cớ
nào đó để đi qua nhà em. Mình đi đến xóm em xem thử cái tổ chim ròng rọc nằm vắt
vẻo trên cây tre lá ngà cao nhất có còn đó không. Xem mấy đoá hoa dâm bụt
lấp ló trong hàng dậu trước nhà em hôm qua còn búp nay đã nở chưa. Xem
con đường xóm hôm nay có vắng teo như mọi hôm hay không; may quá, lối xóm cuả
em bao giờ cũng vắng người đi. Tôi khỏi sợ ai bắt gặp. Xem thử từ trong
ngôi nhà cổ kính ấy có ai đi ra không. Ít khi thấy em ra khỏi nhà.
Cứ thế tôi đi lên đi xuống lối xóm đó nhiều lần mỗi chiều,
nghe tiếng chó sủa nối đuôi nhau từ nhà này qua nhà khác theo bước chân của
tôi, nghe quả tim mình xôn xao, bồi hồi. Họa hoằn lắm mới được gặp em một lần.
Thế mà khi gặp, tôi làm ra vẻ lơ đễnh, thờ ơ. Tình
cờ đi qua đây. Nhìn em
cười ngượng ngập, không biết nói gì, không dám nói gì. Em ngạc nhiên, có
pha chút vui mừng thì phải, cười lại, hai con mắt trong veo, đen nhánh
nhìn theo tôi khi tôi nói lúm úm vài lời và vội đi nhanh. Chừng đó thôi, nụ cười và cái
nhìn. Tôi về nhà ngẩn ngơ suốt buổi tối hôm đó và nhiều ngày sau, và bắt đầu biết
buồn là gì. Tôi thầm nghĩ phải chăng tình yêu có nghĩa là buồn,
là khổ?
Một loạt bảy tám người đẩy cửa kính đi vào, kẻ ba lô, người
kéo theo va-li có bánh xe lăn. Thiếu phụ thì thầm hỏi:
“Người Mễ ở đây đông quá hả ông?”
“Ðúng thế. Vùng Ca-li này ngày xưa của Mễ Tây Cơ, sau bán
cho Mỹ. Hay Mỹ chiếm từ Tây Ban Nha nhỉ, tôi không rõ. Nhưng không phải tất cả
mấy người đó đều là người Mễ cả đâu, tôi đoán thế. Họ có thể là người gốc
Trung Mỹ, Nam Mỹ, hoặc ở các hải đảo quanh đây. Có điều họ đều nói tiếng
Tây Ban Nha. Hình như chỉ có người Ba Tây nói tiếng Bồ Ðào Nha.”
“Thế thưa ông làm sao phân biệt được ai là Mễ, ai là Á Căn
Ðình chẳng hạn?”
“Tôi cũng chịu thua cô ạ. Ngược lại họ cũng không thể biết
ai là Việt Nam mình, ai là Tàu, Nhật, Ðại Hàn hoặc Thái Lan chẳng hạn.”
Thiếu phụ cười:
“Thế thì hòa vốn.”
Trước khi từ giã thiếu phụ, tôi nghĩ mình phải nói
thêm vài lời:
“Từ đây đến Green River, đến Salt Lake City, cũng mất hết
sáu tiếng phải không cô?”
“Thưa ông, phải đến tám chín tiếng.”
“Bốn giờ chiều nay khởi hành,” tôi lẩm nhẩm tính, “thì, thì
hơn 12 giờ đêm mới đến Salt Lake City. Có xe đón cô vào lúc khuya khoắt ấy hay
không để còn phải đưa cô về Green River chứ? Một mình cô, đêm khuya, thân
gái...”
Thiếu phụ ngắt lời, nét hóm hỉnh hiện lên đôi mắt:
“Nếu không có xe đến đón tôi lúc giữa khuya thì sao thưa
ông? Ông sẽ đưa tôi về nhà nhé!”
“Chắc chắn là thế!” tôi nói đùa.
Giọng nói thiếu phụ bỗng đầy vẻ giễu cợt và hằn học:
“Cám ơn ông đã mở lòng từ bi chiếu cố đến tôi. Các ông bao
giờ cũng thế, rất hào hiệp với phái yếu. Hễ thấy người đàn bà nào lọt con mắt
thì ... giở trò ngay!”
Cái bà này lạ chưa, tôi tự nhủ. Tự nhiên sửng cồ! Muốn
gây sự đó chắc? Bỗng thiếu phụ reo lên:
“Ông xem kia kìa, có đến hai chiếc xe buýt đang từ từ chạy
vào bãi đậu cùng một lúc. Cầu trời một chiếc sẽ đi Salt Lake City.
Nếu thế tôi khỏi phải chờ đến chiều ông nhỉ. Tôi nóng ruột quá!”
Tôi quay nhìn ra ngoài bãi đậu xe. Trời bỗng âm u. Gió
lên. Hàng cây chạy dọc theo con đường cái bị gió đẩy, cành và ngọn ngả
nghiêng về một phía. Lá rụng lác đác xuống bãi đậu rồi bị gió đùn về một
phía con đường cái ngoài xa. Một chút bụi bay. Tôi nhớ đến những
con đường bụi cuốn mù mịt ở quê cũ mỗi lần có cơn gió lốc. Xứ này ít bụi.
Hai chiếc xe lầm lũi bò vào trông giống như hai con sâu róm khổng lồ. Thiếu
phụ kín đáo nhìn tôi. Tôi im lặng, cố tỏ ra mình không khó chịu vì câu nhận
xét vừa rồi của thiếu phụ. Như đoán ra điều ấy, thiếu phụ dịu giọng:
“Xin lỗi ông, lúc nẫy tôi nói gì với ông thế? Tôi nói
đùa một chút ấy mà. Nói xong tôi quên ngay. Nếu tôi có lỡ lời, xin
ông bỏ qua nhé. Ðôi khi tôi giống như người khùng vậy, xin ông đừng chấp
mà tội nghiệp tôi lắm. Em gái tôi vẫn nói rằng tôi thỉnh thoảng lên cơn.”
Giọng nói của thiếu phụ nhịp nhàng, uyển chuyển như tiếng
hát. Tôi yêu giọng miền Bắc, nhất là giọng nữ, thời tôi còn trẻ. Bây giờ
tình cảm đó thỉnh thoảng cũng dấy lên trong tôi một cách đột ngột. Như
hôm nay nơi bến xe này. Mà giọng nữ thì ở miền nào nghe cũng dễ
thương! Miền quê tôi nghe thủ thỉ, miền Nam nghe ngọt ngào.
Tôi nghĩ đến giọng Hà Nội “tiểu tư sản” ngày xưa. Giọng nói đó còn không, cái giọng
êm đềm của những nhân vật lãng mạn trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn, những
Mai, Lan, Loan, Thu, Tuyết ... một buổi trưa mùa đông có chút nắng hiếm hoi
trên thành phố cao nguyên đẹp và lạnh, một mình vui chân đi mải miết trên con
đường đầy lá thông khô ven những cánh rừng thưa nắng xuyên qua cành lá, trời
tuy nắng mà khí núi bốc lên vẫn gây gây lạnh, bỗng cơn mưa đột ngột tới, nhìn
quanh, may quá, sau trái đồi nhỏ cỏ xanh mát con mắt, thấp thoáng mái ngói nâu,
vội chạy đến, trú mưa dưới mái hiên của một ngôi biệt thự kiểu Tây ngày xưa còn
sót lại, mưa nặng hạt dần, gió tạt nước mưa làm ướt tóc và hai vai chiếc áo len
dày, cứ thế này sẽ bị ướt như chuột lột, thì cánh cửa bỗng hé mở, người con
gái xinh đẹp xuất hiện, hơi một chút ngần ngại "xin ông cứ vào trong
này ạ ... không khéo mưa ướt ông hết ... mời ông ngồi tạm ...", tiếng nói
nhẹ như hơi gió vừa dứt và cánh cửa vừa khép lại thì cô chủ cũng đi mất hút vào
phòng bên cạnh, nhà vắng, đôi giày ướt sũng làm dơ sàn lát gỗ bóng lộn, ngồi
nhìn vẩn vơ, trên tường có tranh Chùa
Một Cột hương khói, Hồ Hoàn
Kiếm liễu rủ, Chợ Ðồng Xuân tấp nập, và tấm hình bán thân
trông thật hiên ngang trong khung kính của một sỹ quan Cộng Hòa trong quân phục
cấp tá, hẳn là chồng, hay là anh, có lẽ anh thì đúng hơn vì thiếu nữ còn trẻ
quá, bỗng có tiếng dương cầm văng vẳng, bài Songe d'Été của một
nhạc sĩ người Pháp mình không nhớ tên, đang mùa đông lạnh mơ mùa hạ cũ, hẳn là
chủ nhân đang đàn dở thì biết có người đứng trú mưa ngoài hiên, mưa đến nhanh rồi
không khéo lại đi nhanh như những cơn mưa hiếm hoi mùa đông, mong cơn mưa kéo
dài, mong nghe thêm vài ba bản nhạc nữa, hình như tiếng đàn lẻ, có khi ngập ngừng,
có khi buông thõng, trong một ngôi nhà lặng thinh mà thính giả là chỉ có một
người ở phòng ngoài đang lắng nghe, vẫn ngầm mang một sức cuốn hút lạ kỳ, mà
cơn mưa có vẻ như sắp tạnh rồi, và tiếng đàn cũng theo tiếng mưa rơi ngoài kia
trải mỏng ra chầm chậm rồi ngưng bặt, rồi khuôn mặt hồi nãy lại xuất hiện, lần này có dịp nhìn kỹ hơn, đẹp,
đẹp, đẹp, bên ngoài chỉ còn tiếng gió lướt trên con đường vắng và tiếng thông
reo vi vu, tần ngần nuối
tiếc đứng dậy, tiếng nói bỗng ngân lên nghe như "những hạt châu
rơi trên mâm ngọc", nghe như những lời quyến luyến của hai người yêu nhau
sắp chia tay, câu nói đơn sơ, khách khí, và vô lý, vì mưa đã tạnh từ hồi nào rồi:
"Xin ông đợi cho tạnh mưa rồi hẵng đi".
Tôi nhìn thiếu phụ cố tìm xem có nét gì giống nhau giữa người
đàn bà này và cô gái đánh đàn ngày xưa. Nhưng tôi không thể nào nhớ được
khuôn mặt của cô gái thì lấy gì mà so sánh. Tôi bật cười thành tiếng
và quên hẳn cơn "sửng cồ" của thiếu phụ. Tôi nối tiếp câu chuyện:
“Cô nói chuyện nghe vui lắm. Có gì đâu mà cô bảo lỡ lời.
Phải nói một cách thẳng thắn như cô mới dễ kết thân với nhau chứ! Này cô,
hai chiếc xe đó thuộc hãng khác. Cô phải đáp xe Grey Hound chuyến bốn giờ
chiều đi Salt Lake City.”
“Nhưng nhiều xe như thế kia thì làm sao biết được xe nào là
xe của mình. Lại không biết tiếng nữa! Khổ thân cho tôi qúa! Lần này là lần
đầu tiên tôi đi xa một mình trên đất Mỹ lạ lùng này, ông ạ.”
“Cô yên chí. Tôi sẽ chỉ dẫn rõ ràng cho cô.”
Tôi dặn dò rất kỹ về giờ giấc, bến xe đến, bến xe đi, nhưng
thiếu phụ vẫn băn khoăn:
“Trăm sự nhờ ông. Thật ra tôi cũng đã từng một thân một
mình chạy loạn. Mới đây chứ có phải lâu la gì đâu. Chắc ông còn nhớ
những ngày ta bỏ Tây Nguyên chạy về vùng duyên hải Quy Nhơn, Nha Trang.
Thật là kinh hoàng. Chạy đến Cheo Reo thì tôi không thấy chồng con
tôi đâu cả. Tôi mới biết thế nào là cái cảnh thân gái dặm trường. Bây giờ
nghĩ đến chuyện đó tôi vẫn thấy bàng hoàng. Nay tôi cũng lại một thân một
mình nơi xứ lạ quê người đấy ông.”
Tôi an ủi:
“Trước khác bây giờ khác. Vả lại mình đang ở trên đất Mỹ yên
ổn, giàu có, thanh bình. Ðâu còn chạy giặc như ngày xưa mà cô ngại.”
Thiếu phụ rơm rớm nước mắt:
"Giàu có và yên ổn là với ai kia, tôi không hề được dự
phần trong đó. Mọi chuyện đối với tôi như mới xẩy ra ngày hôm qua, như đang xẩy
ra trước mắt. Ðâu đâu cũng thế cả thưa ông, bên nhà cũng như bên này, tôi
luôn luôn là người đang chạy loạn.”
Vâng, loạn lạc liên miên không biết ngày nào mới chấm dứt.
Cuộc chiến âm ỉ như than hồng dưới lớp tro hễ gặp gió là bùng lên thành ngọn.
Làng quê tôi biến thành vùng xôi đậu dù cách thành phố không xa mấy, chỉ khoảng
bốn, năm cây số. Cuối hè năm sau tôi lên thành phố ở trọ để có thể yên ổn
học hành. Nhiều khi nhớ em quay quắt, dù đường sá thiếu an ninh, tôi vẫn thường
tìm cách về làng để mong được gặp em, để mong nhìn lại màu đen và màu trắng ấy
- ‘nụ cười trắng và đôi mắt đen’. Nụ cười mời gọi, đôi mắt quấn quýt mà
em vẫn dành riêng cho tôi, phải không em? Nhưng không hẹn làm sao gặp được!
Gần ngày Tết tôi lại về làng, đánh bạo đến nhà em, lấy cớ
hỏi thăm tin tức một thằng bạn cùng học lớp hè tại nhà em cách đây hai năm. Em
bảo em đâu biết người ấy là ai nhưng vẫn nói chuyện với tôi một cách hết sức dịu
dàng và hình như em không giấu được nỗi vui trong lòng. Tôi thì như người
bị hút hồn, nghe em nói mà có hiểu được gì, chỉ nhớ lời cuối cùng em nói trước
khi chia tay: “Nghe nói anh học giỏi, em ... em ... Sao không thấy anh về chơi.
Phố xá đông vui cho nên anh quên nhà quê rồi. Anh ... anh quên em rồi. Biết có
còn gặp nữa không, hả anh?”
Chữ "em" tôi đã nói và nghe cả ngàn lần, nhưng
khi cái tiếng nói êm ái đó
được Trang, tên của em, dùng để xưng hô với tôi, tôi nghe lạ hẳn. Nó vang dội mãi trong tôi như lời
bùa chú trong chuyện thần tiên! Thế là tôi đã hiểu tình cảm của em đối với tôi.
“Anh sẽ về thăm em thường xuyên nhé, tuần nào cũng về!” tôi nói thầm câu ấy với
tôi nhiều lần. Mấy ngày sau đó, tình cờ trong câu chuyện với Tấn, bạn học cùng
lớp và là người anh họ của em, tôi được biết thêm nhiều về em. Bố làm tri
huyện rồi tri phủ tản cư về quê bị Việt Minh giết cùng với hai người chú, em phải
tạm nghỉ học một năm, phụ mẹ lo việc nội trợ và chăm sóc ngôi nhà từ đường, để
cho hai người anh có thì giờ tiếp tục đèn sách. Tuần vừa qua tất cả gia đình em
dọn vào Nam sau khi người anh cả học xong và xin được việc làm đàng
hoàng. Tôi sửng sốt. Em và tôi chưa nói gì nhiều với nhau, tôi chưa hiểu hết ý
em nói mà cũng không dám hỏi cho cặn kẽ. Tôi ngơ ngẩn như người mất hồn.
Năm học ấy tôi không đủ điểm lên lớp, phải thi lại sau ba tháng nghỉ hè.
Thiếu phụ đưa bàn tay che mồm ho khe khẽ. Cũng đủ cho tôi thảng
thốt quay về với thực tại. Tôi nhìn quanh. Thiếu phụ dịu dàng nói:
“Thưa ông, hình như ông đang ... đang ... Tôi lại vô ý. Nhưng, xin lỗi
ông, grây ... grây ...”
“Grey Hound”
“Vâng, grây hao
là cái gì?”
Tôi cau mày đáp:
“Tên hãng xe bus.”
“Vâng?”
“Grey Hound là tên hãng xe xuyên bang có vẽ hình con chó
ngao tai to và cụp, chân dài, bụng thon, gầy đét. Giống chó săn nổi tiếng.
Loại xe này phải ghé nhiều nơi để rước thêm khách nên nó đến sớm hay trễ vài
mươi phút là chuyện thường. Cô còn khối thì giờ. Nhưng khoảng 4 giờ chiều mới
có chuyến thứ nhì. Quá nửa
đêm cô mới đến Salt Lake City. Liệu vào giờ đó người nhà có biết để đến
đón cô không? Có thể họ nghĩ rằng cô đi chuyến chín giờ sáng.”
Thiếu phụ thở dài:
“Thưa ông tôi có nghĩ đến điều đó. Nửa đêm em gái tôi
không dám lái xe đâu. Không nói giấu gì ông, chúng tôi qua Mỹ chưa được
bao lâu, gặp chuyện gì cũng sợ. Em tôi nhỏ hơn tôi đến 10 tuổi, mới có bằng
lái xe. Còn tôi, tôi ... coi như đã hết thời, đã già quá rồi, học lái xe
làm gì thêm phí công phí của. Với lại có xe đâu mà lái. Tôi định bụng
như thế này, khi xe đến Salt Lake City, tôi sẽ ngồi chờ ở đó cho tới sáng rồi gọi
phôn về cho con em. Có phải không ông, cái thời của tôi đã qua rồi!”
Tôi thầm nghĩ những người đẹp vừa bước qua khỏi tuổi xuân ai
cũng vờ nói mình đã già, đã hết thời, đã hết duyên, nói xong hồi hộp chờ lời cải
chính của người nghe. Ðã thế mình phải khen nịnh một câu cho người ta vừa
lòng. Rồi đi, chấm dứt
cuộc gặp gỡ này.
“Xinh đẹp như cô sao lại bảo thế!”
Nói xong tôi đứng dậy chào từ biệt. Thiếu phụ hơi giật
mình, đứng dậy và nói lí nhí những gì tôi không nghe rõ. Bên ngoài trời bỗng
gió lớn mang cơn mưa từ xa tới. Thiếu phụ lặng lẽ ngồi xuống ghế. Tôi đứng
lóng ngóng một chốc rồi cũng ngồi xuống cạnh thiếu phụ. Những người đang
đứng ở hàng hiên chờ xe đến đều lục tục khiêng hành lý trở vào bên trong nhà
tránh mưa ướt. Một thanh niên Mỹ gầy, cao, da trắng, tóc vàng búi tó, mặc
quần knickers dài vừa ngang đầu gối, tay cầm cây đàn ghi-ta,
vai mang ba lô, theo sau là một cô gái Mỹ da đen khá xinh trong bộ jeans màu
mỡ gà, vai cũng mang ba lô, cả hai ướt nước mưa, đến ngồi ngay trên chiếc ghế
băng trước mặt chúng tôi. Anh chàng thanh niên vui vẻ chào hỏi, tôi chào lại.
Thiếu phụ lúng túng.
“Họ chào xã giao đó mà,” tôi nói.
Thiếu phụ nhìn lại hai người và nở một nụ cười thật
tươi. Cô da đen nhanh nhẩu nói một tràng dài. Tôi giải thích với cô da
đen rằng người đàn bà bạn tôi không nói được tiếng Anh. Gió lộng lên từng
cơn, mưa càng lúc càng lớn. Tôi xích lại ngồi gần thiếu phụ hơn để có thể
nghe cô ta nói, thế mà tiếng nói nghe như thì thầm vì mưa gió ngoài kia vang dội.
"Mưa lớn như thế này không khéo ngập hết đường
sá. Xe làm sao chạy được, thưa ông?"
"Không sao đâu, cô yên tâm. Vùng này mưa ít lắm.
Rầm rộ một chốc rồi tạnh ngay. Mà này cô, ở Green River có nhiều người Việt
Nam mình chứ?”
“Thưa ông, ít người mình lắm và buồn lắm. Cho nên tôi
mới qua đây theo lời một người quen để liệu xem có nên dọn nhà một lần nữa hay
không. Nhớ hồi mới đến Green River, tôi chẳng khác gì con thú bị
thương. Hoảng hốt, và sợ sệt đủ chuyện. Ban ngày tôi không dám ra
khỏi nhà một mình, ban đêm khóa kỹ cửa rồi còn lấy bàn, ghế, giường, tủ chặn cửa
lại. Tệ hơn nữa, dù đang ở ngay trong nhà ngày cũng như đêm khi em tôi đi vắng,
tôi cũng sợ sệt đủ thứ. Nhất
là khi vào phòng tắm đóng kín cửa, gài chốt bên trong, tắm xong đứng trước cửa
hồi hộp mãi. Giá có cái lỗ nhỏ như nơi cánh cửa lớn để dòm ra xem
sao. Tôi luôn luôn có cảm giác đang bị rình rập, biết đâu nó đang chờ sẵn
ngoài đó. Ông có biết nó là ai hay không?"
"Ai vậy cô?"
"Là ... khó nói quá. Hình như ở đất Mỹ này có nhiều
thứ bệnh rất lạ. Bệnh bắt cóc trẻ con, bắt người lớn, bệnh hành hung, bệnh
chặt người ta ra thành từng mảnh cho
vào bịch ny lông mang đi. Còn tôi thì tôi mang bệnh sợ, ông ạ.”
Cái nhìn của tôi ngừng lại trên cặp mắt của thiếu phụ.
Tôi không tìm thấy trong đó nét giễu cợt như trước. Ðôi mắt đen tối
sầm lại và hằn lên những nét đau khổ. Tôi không biết tên người đối thoại,
cô ta cũng không hỏi tên tôi, nhưng cả hai chúng tôi qua vài lần nhìn nhau, khỏi
cần nói, đều thỏa thuận ngầm rằng không nên hỏi tên nhau. Như vậy tiện
hơn. Trong chốc lát đường ai nấy đi, không bao giờ gặp lại, thì biết tên nhau
làm gì. Có người còn bày chuyện xoắn xuýt xin địa chỉ, tìm một mảnh giấy vụn
nguệch ngoạc ghi chép rồi nhét đại vào túi hành lý để không bao giờ thấy lại
nó! Tình cờ gặp nhau, nói chuyện dăm ba câu trong lúc chờ lên đường, tại
bến xe, bến tàu, bến cảng, hoặc phi trường, rồi mỗi người một ngả, thế mà nhiều
người lại ưa tâm sự, y như cô
này chẳng hạn, tôi tự nhủ. Nhưng có lẽ như vậy cũng có cái hay của nó, những
lời tâm sự với người lạ mặt sẽ biến thành “mây khói”, sẽ
không còn để lại dấu tích gì, không vướng bận, không đè nặng lòng ai cả.
Thì cứ buông thả tâm sự ra cho nhẹ lòng nhẹ dạ. Tôi nhìn thiếu phụ với
chút xót xa:
“Không, sợ hãi không phải là bệnh đâu. Ai cũng vậy, ban đầu
nơi xứ lạ quê người, ai cũng cảm thấy sợ sệt, ngại ngùng. Ở lâu ngày sẽ
quen.”
Người đàn bà ngập ngừng:
“Thật vậy không ông? Tôi cũng mong như thế.
Nhưng tôi biết tôi không thể quen được. Họa chăng con nhỏ em của tôi còn
có thể hội nhập được phần nào. Ngoài cái sợ ra, tôi luôn luôn có cảm giác
mình... mình như hạt muối bỏ biển, sẽ tan biến nhanh trên đất nước bao la
này. Cho nên thế nào tôi cũng tìm cách về sống vùng Cali, rồi có chết đi
nữa, cũng gần gũi người cùng quê. Nhưng em gái của tôi cứ ngăn cản tôi
hoài.”
Tiếng nói của thiếu phụ bỗng dưng đầy nước mắt:
“Chị bỏ em đi em có chịu không? Chỉ còn hai chị em
mình nơi xứ lạ quê người mà mình cứ đòi bỏ đi, cứ đòi sống xa nhau! Khổ
thân cho em của chị. Chị đoảng quá em ơi!”
Người đàn bà dường như quên hẳn tôi đang ngồi bên cạnh, ôm mặt
thổn thức. Tôi lặng lẽ đứng dậy đến quầy bán báo làm bộ dán mắt vào những
trang bìa in hình các người mẫu, các ngôi sao thể thao, nhưng lòng thì bùi ngùi
nghĩ đến Trang. Vâng, Trang của anh, của cả một thời thơ mộng. Em ngồi một
mình cạnh cửa sổ xe lửa nghiêng người ra đưa tay vẫy vẫy, xe chạy nhanh dần, mớ
tóc bay bay. Ðôi mắt là lạ và nụ cười buồn buồn của em vẫn cứ như còn
dính lên trên những bức tường, những mái nhà, những chòm cây khi con tàu đã chạy
khuất tầm mắt.
Từ ngày em đi, tôi tìm cách kết thân với Tấn để theo dõi
tin tức về em, được biết em đã được đi học lại. Tôi gởi lời thăm em qua Tấn,
và thỉnh thoảng cũng được em nhờ Tấn chuyển lời thăm tôi. Thế thôi, nhưng
cũng đủ làm cho tôi sung sướng vô cùng. Tôi vẫn chưa dám viết thư cho em.
Xong tú tài, tôi vào Sài Gòn học tiếp. Việc làm đầu tiên là kiếm lý do để
có thể đến gặp em tại nhà người anh của em, thì được biết em đã đi Phi Luật Tân
theo học lớp Hồng Thập Tự quốc tế.
Xa gia đình, xa cha mẹ, tôi tập làm người lớn. Tôi
như con chim sổ lồng muốn sãi cánh bay xa trong bầu trời mênh mông, lạ
lùng. Dần dần học đòi uống rượu, đánh bạc, nhảy đầm, và gái. Lẽ dĩ nhiên không phải bạn
gái đàng hoàng mà là gái điếm, gái nhảy, hoặc các nữ ca sĩ hạng ba mà nghề
chính không phải là ca hát. Cuộc sống của tôi càng ngày càng bừa bãi thế nhưng
tôi cũng học xong đại học. Nhiều lúc quên hẳn em, nhiều lúc nhớ em quay quắt
kèm theo những ăn năn hối tiếc, tiếc thương tuổi trẻ, tuổi thơ ngây qua nhanh. Nhưng thường thì
mỗi khi hình ảnh của em hiện lên, tôi cảm thấy lòng bồi hồi như khi tình cờ đọc
lại câu thơ tình mà mình say mê hồi còn thơ dại. Những bài thơ tình
đẹp và buồn. Và tôi tưởng rằng tình cảm của tôi đối với em sẽ phai dần như sợi
mây mỏng tan biến trên bầu trời xanh, và em sẽ đi dần ra khỏi trí nhớ của tôi
lúc nào không hay. Nhưng tôi đã tưởng lầm. Ngày trở về nước, gặp tôi, em không
cầm được nước mắt vì sung sướng. Còn tôi thì thảng thốt như một người vừa trải qua những cơn mộng dữ
để trở lại với cuộc sống êm đềm, yên ổn. Người anh của em có vẻ hài lòng về sự
“quen biết” của hai đứa mình, mời tôi đến nhà chơi mấy lần trước khi tôi bị gọi
vào Thủ Ðức nhập ngũ cùng
với hàng trăm ngàn thanh niên khác. Mình vẫn chưa được gặp riêng nhau! Ra trường
với cấp bậc chuẩn úy, không vây cánh, thế lực tôi bị gởi đi những đơn vị tiền
tuyến.
Một chiếc xe bus khác bò vào dưới cơn mưa nặng
hạt, mãi đến gần tôi mới thấy rõ, và đậu ngay bên cạnh hàng hiên ướt át. Hành
khách lục tục xuống xe, chạy
vội vào phòng trong. “Quái, hôm nay sao mưa lâu thế! Như mưa giầm
tháng bảy trên một tiền đồn ngoài biên giới,” tôi nghe tiếng nói của tôi dội
lên trong đầu. Tôi quay trở lại với thiếu phụ, định nói vài lời giả lả cốt để
đánh tan cái không khí buồn thảm mà thiếu phụ đã gây nên, mà tôi không muốn dây
dưa vào. Khuôn mặt ít son phấn đó còn lấm tấm những giọt nước mắt đã khô.
Tôi lẩm bẩm:
“Vâng rất xa. Ðơn vị rất xa, rất xa Sài Gòn ..."
"Thế ư thưa ông," thiếu phụ dịu dàng nói.
"Mà ông định nói chuyện gì vậy?"
Tôi gượng đáp:
"Vâng ... Ðúng thế, hai chị em sống xa nhau thế nào được.”
Mưa vẫn không ngớt. Hàng cây và những tòa nhà cao
không xa lắm cũng dần dần bị xóa nhòa. Lác đác ánh đèn xe hơi nhòe nhoẹt
không đâm thủng nổi màn mưa, tạo thành những vùng ánh sáng mờ mờ di động.
Thiếu phụ nhìn xa ngoài mưa, lại quên hẳn tôi, nói thì thào cho mình
nghe:
“Mưa lớn quá! Như cơn mưa Sài Gòn hôm ấy ... nước ngập bến
xe Nguyễn Cư Trinh ... ngập luôn khu Cao Bá Nhạ. Xe tắc-xi chết máy, nước
lên đến cửa kính xe ... từ rạp Ðại Nam trở về. Xem xi –nê lần cuối giã từ Sài
Gòn... trước khi theo anh lên Vùng Hai...mà bé thì mới hơn một tuổi ngủ say
trên vai anh từ lúc mới vào phim ...”
Thiếu phụ bỗng như sực tỉnh, chau mày quay nhìn tôi ngượng
ngập:
“Tôi... tôi... xin lỗi ông, tôi sợ không chừng chuyến xe chiều
sẽ bị hủy bỏ. Mưa lớn quá! Biết tính làm sao đây. Ði hay ở? Ở
hay đi ?”
Tôi nhìn thiếu phụ ái ngại:
“Mưa ở đây ào ào một chốc thôi rồi tạnh. Quái lạ, hôm nay
mưa khá lâu đấy, nhưng không sao, không lâu như bên nhà đâu. Với lại đường sá
bên này tốt lắm, không bị mưa lũ làm sụt đất... Có lẽ đến trưa là hết mưa...
Chúc cô chiều nay lên đường bình an. Tôi đi.”
Thiếu phụ nhìn tôi ngơ ngác:
“Mưa thế này mà ông vội đi sao!"
Tôi cũng nhận thấy thế. Không mang theo áo mưa hoặc dù
thì từ ngôi nhà này chạy ra xe thế nào cũng bị ướt mèm. Thiếu phụ nói
thêm:
"Hay ông cứ đợi cho tạnh mưa rồi hẵng đi!”
Giọng nói ngân nga níu kéo. Ðôi mắt gần như van
lơn. Tôi bàng hoàng. Lại khuôn mặt đẹp và câu nói nhẹ như gió thoảng
trong ngôi nhà vắng miền cao nguyên có tiếng đàn lẻ! Tôi lại ngồi xuống
bên cạnh thiếu phụ, mang cái ảo giác đây chính là cô gái ngày xưa của thành phố
ấy mùa đông lạnh căm căm dù có một chút nắng vừa hửng lên trên con đường mòn phủ
đầy lá thông khô, nắng chiếu xuyên qua những cây thông cổ thụ cao ngất, cành lá
sạch bóng đu đưa lóe lên những hình sao reo vi vu trong gió sau cơn mưa trưa ngắn
ngủi. Vâng, biết đâu. Chuyện gì mà không thể xẩy ra trong đất nước đầy biến động
ấy. Tôi định hỏi có phải trước kia cô có ở Ðà Lạt một dạo, nhưng thôi, hỏi làm
gì?
Mưa vẫn rơi đều đều ngoài kia.
Trong những đơn vị tác chiến mà tôi được chuyển đến, tôi
gặp nhiều chuyện mới lạ. Dần dần giữa tôi và bạn bè trong đơn vị nẩy nở một thứ
tình cảm càng ngày càng thắm thiết mà người ta gọi là tình đồng đội. Chúng tôi
thương yêu nhau, yêu màu áo và huy hiệu của đơn vị, yêu đời lính. Và từ
đó, yêu tổ quốc hơn. Vâng, phải chia nhau từng mẩu thuốc lá lẻ khi vừa
qua khỏi cơn thập tử nhất sinh, từng giọt nước còn sót lại trong bi- đông khi cổ
họng khô cháy, từng vụn lương khô khi bụng đói cồn cào; phải vực nhau dậy,
khiêng nhau đi dưới những lằn đạn khi đồng đội gục ngã; phải đắp điếm cho nhau
khi có người nằm xuống; phải kề vai bên nhau ghì tay súng bảo vệ từng tấc đất;
phải đổ mồ hôi và nước mắt và máu lên những luống cày, những bông lúa, những ngọn
cỏ, những sườn đồi, những đầm lầy và rừng núi, những ven sông, những bãi biển,
những góc phố, những doanh trại, những công sự phòng ngự ... mới biết thế nào
là tình chiến hữu, là niềm tự hào của đơn vị, là lòng yêu nước.
Trong một trận đánh ác liệt ở An Lộc mùa hè năm 1972, tôi
bị thương nặng, may được trực thăng vận kịp thời đưa về điều trị tại bệnh viện
Cộng Hòa ở Gò Vấp, ngoại ô của thủ đô. Tôi nằm ở đó một thời gian ngắn
thì em đến.
Em đã chuyển qua học Y Khoa, hiện là sinh viên ngoại trú,
xin được đến bệnh viện Cộng Hòa thực tập khi biết tin tức của tôi. Ngày
nào em cũng ghé đến thăm và săn sóc tôi ít nhất một lần. Tôi nằm dài trân
trân nhìn lên đôi mắt to đen nhánh, có khi thoáng buồn và nụ cười tươi có hàm
răng xinh xinh như những hạt bắp nếp được sắp nằm kế bên nhau đều đặn. Em thường
cắn môi để giấu nụ cười khi tôi thộn mặt nhìn em. Nhưng làm sao em giấu được cặp mắt chứa
chan biết bao tình ý của em. Những ngày nằm bệnh viện là thời gian hạnh phúc nhất
của đời tôi. Tôi bình phục dần.
Hôm tôi xuất viện, em đến đón. Tôi nhớ rõ hôm đó máy bay
trực thăng chở thương binh tới tấp bay về. Lại đánh nhau lớn ở nhiều mặt
trận cùng một lúc. Tiếng cánh quạt ù ù, xành xạch át tất cả mọi tiếng động
khác, hàng cây ngoài hàng rào nghiêng ngả, vật vã, lá rụng xác xơ, đám cỏ tranh
bên trong hàng rào kẽm gai nằm rạp sát đất. Thì em đẩy cửa bước
vào. Chiếc nón vải trắng nho nhỏ nằm lệch trên mái tóc uốn thành từng lọn,
cái áo choàng trắng làm nổi lên những nét tròn lẳng của thân hình em, một mùi
hương lẫn lộn phấn son, nước hoa và da thịt phảng phất, tất cả cùng một lúc
tràn ngập căn phòng. Hơn cả ngày xưa em mang ánh sáng của ngôi vườn cây
ăn trái vào phòng học! Tôi quên khép cửa lại ôm chầm lấy em hôn đắm đuối.
Em run rẩy như ngọn lá trước gió, xấp hồ sơ trong tay của em rơi xuống sàn
nhà.
Rồi tôi đưa em đi, không biết đi đâu, đi loanh quanh khắp
phố phường. Còn yếu, hai chân tôi rã rời. Không lẽ cứ đi mãi, đi
mãi? Tôi đưa em vào một nơi mà tôi nghĩ rằng em và tôi có thể nghỉ chân trong
chốc lát, có thể âu yếm nhau tự do hơn, kín đáo hơn là ở ngoài công viên hay
trên đường vắng. Tôi đưa em vào một phòng ngủ. Tôi không ngờ nó tồi tàn,
bẩn thỉu, hôi hám đến thế. Trước đây tôi thỉnh thoảng ghé chơi nơi này,
nay nó xuống cấp quá, thay đổi hẳn. Em và tôi vừa bước vào, thì bà chủ làm như
đã quen biết tôi lâu ngày – thật ra tôi không quen biết bà này -- đon đả níu
kéo tôi và hỏi han rối rít, "Cậu sao lâu ngày không ghé chơi. Ô, mà cậu lại kiếm đâu ra cô em thơm
phức như thế."
Em chau mày, răng cắn môi thành vết hằn tái nhạt, rồi nước
mắt bỗng từ từ ứa ra làm ướt đẫm cả khuôn mặt. Tôi hoảng hốt. Tôi vội vàng cầm
tay em dẫn đi ra khỏi phòng mặc bà chủ chứa tru tréo. Em đi bên tôi
im lặng như chiếc bóng, rồi đòi về. Tôi không biết giải thích làm
sao. Trước khi chia tay, em nói:
"Em sắp thi tốt nghiệp, sẽ bận lắm. Không biết
có kiếm được chút thì giờ đến thăm anh hay không. Em cũng sẽ không viết
thư cho anh nữa ... thi xong hẵng hay. Và cũng xin anh đừng viết cho em. Anh nhớ
giùm cho!"
Tôi viết nhiều thư cho em rồi xé bỏ rồi lại viết.
Tôi muốn giải thích. Mà giải thích thế nào cho ổn? Rằng tôi không có ý xấu?
Rằng tôi vẫn yêu em một cách trong sáng, xin em đừng hiểu lầm? Rằng sau nhiều
tháng nằm dưỡng bệnh, đầu óc mệt mỏi lú lẩn, làm những chuyện không định
làm. Rằng tôi không còn như xưa, đã quen cái lối võ biền ẩu tả, nhưng
trong sâu xa, đối với riêng em, tôi vẫn luôn luôn quý trọng. Rằng tôi
chưa có nơi cư ngụ dứt khoát, chưa biết về nhà nào, tình cờ đưa em đi ngang qua
đây ghé lại nghỉ chân chốc lát rồi lại đi! Rằng tôi không có tiền để đưa em vào
nơi sang trọng. Không có câu nào nghe lọt lỗ tai. Làm sao gởi những lá
thư như thế cho em được.
Thời hạn dưỡng thương của tôi chưa chấm dứt nhưng tôi vẫn
phải trở về đơn vị vì tình hình chiến sự sôi động. Nhớ em điên cuồng, và
hối tiếc, và giận người, giận mình, lòng nặng trĩu. Cuộc chiến càng ngày càng
khốc liệt, càng ngày
càng đi đến chỗ bi thảm cho miền Nam trong khi tôi không thể nào kiếm được vài
ba ngày phép để tìm gặp em, để có thể đối mặt với em giải thích cho cặn kẽ. Tôi
nghĩ đến cuộc tình của tôi và em đã đổ vỡ một cách thật trớ trêu, thật tức tưởi,
trong cái đổ vỡ lớn lao và trớ trêu gấp bao nhiêu lần của quê hương đất
nước vào cuối tháng tư ấy. Hàng ngũ của chúng tôi rã rời, kẻ chết, người trốn,
người tù, người mất tích, người vượt biển. Tôi bị thương nặng, bị bắt
nhốt, không có thuốc men, không được săn sóc, không chết là may. Trong đầu tôi
còn mang mảnh đạn, một cánh tay không co duỗi được, chân đi khập khiễng, mang tật
suốt đời. Còn em? Tôi đi tìm hoài, nhờ bạn bè hỏi giùm, vẫn không có được
một tin tức gì. Em chạy về đâu trong những ngày tan hoang đó?
“Ừ nhỉ,
mưa thế này đi đâu được?" tôi nói cho có nói. "Cô biết
không, tôi đang nghĩ đến một bài học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư hồi
còn bé. Cái cảnh tiễn đưa, kẻ ở người đi. Tôi nhớ cả hình vẽ minh họa:
bờ sông có lũy tre, có mấy người đứng đưa tay vẫy, đứa bé được bồng nách cũng vẫy
tay. Ðằng xa là chiếc thuyền buồm. Tôi không nhớ hết cả bài đó, chỉ nhớ câu cuối, 'Ôi!cái
cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!' Ngày xưa người ta tiễn đưa nơi bến
đò. Bây giờ tôi tiễn chân trên sân ga xe lửa.”
Thiếu phụ có vẻ nghĩ ngợi:
“Thảo nào ông không có hành lý. Lúc nẫy ông đã nói thế
nhưng tôi nghĩ khác. Tôi cứ tưởng... Nhưng thưa ông, có lẽ ông phải nói bây giờ
ông tiễn đưa trên bến xe ô-tô mới đúng chứ. Ðây đâu phải ga tầu hỏa.
Và hình như ông vừa tiễn đưa người em nhỏ, cho nên ... cảnh biệt ly cũng sao mà buồn vậy!”
Ngẫm nghĩ một chốc, thiếu phụ nói tiếp:
“Cho tôi nói đùa thêm một chút nữa nhé, vì tôi bỗng nhớ một
bài hát.”
Rồi thiếu phụ nói theo lời ca của một bài hát mà tôi cũng biết:
Tôi
có người em nhỏ
Xinh xinh đôi hàng mi
Môi hồng vừa đương độ
Ðã biết sầu biệt ly ...
Vẫn thế, tiếng nói của thiếu phụ nghe thật êm đềm. Tôi đáp:
“Cần gì hát. Nghe cô nói đã thấy hay quá rồi.”
“Ông quá khen.”
“Ở đây cũng có bến xe lửa đấy chứ. Amtrak là
công ty xe lửa lớn nhất nước Mỹ. Tòa nhà lớn lao này mé bên này dành cho
các hãng xe busxuyên bang, mé bên kia nhìn ra con đường lớn dành
cho hỏa xa. Chốc nữa tạnh mưa tôi sẽ đưa cô qua bên đó xem cho biết.”
Ðôi mắt đen của thiếu phụ lóe lên một tia tinh nghịch.
Người đàn bà này kỳ quặc thật, tôi thầm nhủ. Mới rầu rĩ đó, bây giờ đã
nhí nha nhí nhảnh. Ðúng là có cơn.
“Tôi lại xin đường đột nói thêm một điều nữa nhé. Phải
nói như thế này thì mới đúng hoàn toàn – Ông vừa tiễn đưa cô bạn gái, chứ không
phải cô em gái nhỏ đâu nhé. Ðúng hay không thưa ông?”
Trong một bữa tiệc cưới tôi gặp lại Trang. Trang ngồi
cạnh một người đàn ông đứng tuổi, cỡ tuổi tôi, trông quen quen. Cả hai người quay mặt nhìn về
phía sân khấu. Chắc là chồng của Trang chứ còn ai vào đó! Trang ngồi cách
tôi khoảng bốn bàn, đang chăm chú nghe người điều khiển chương trình hùng hồn
trước máy vi âm. Tôi đến trễ, đến vừa lúc bữa tiệc sắp bắt đầu. Tôi cố
tình đến trễ hơn hai tiếng. Tôi không muốn ngồi chờ quá lâu nơi chiếc bàn tròn dành cho mười
người mà mình không quen ai cả. Vừa bước vào phòng tiệc, tôi nhận ra Trang
ngay. Trang đẹp lạ lùng. Chiếc áo dài màu nguyệt bạch có thêu mấy ngọn lá
trúc xanh xanh nơi tà áo ôm lấy thân hình mảnh mai, cân đối, chiếc khăn voan
quàng cổ màu tím nhạt vắt hờ trên vai, mái tóc vẫn thế, mọi thứ chập chờn trong trí nhớ của ngày
nào trong một căn phòng khá sạch sẽ, thơm mùi thuốc, vang dậy tiếng máy bay trực
thăng ngoài kia nơi bãi đáp của bệnh viện Cộng Hòa. Và khuôn mặt
hơi tái xanh ít son phấn thỉnh thoảng quay sang nhìn chồng cho tôi thấy lại đôi
mắt đen và to sau riềm mi cong, đôi lông mày không tô đậm uốn vòng nhẹ nhàng,
phơn phớt, cái mũi thon thon, xinh xinh, và miệng mỉm cười để lộ hàm răng hạt bắp.
Thời gian có khi không tàn phá nổi nhan sắc của một số giai nhân kim cổ, trong
đó có Trang của anh!
“Tiếp theo đây chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu với qúy
vị hai người hạnh phúc nhất đêm nay, lộng lẫy nhất đêm nay, xinh đẹp nhất đêm
nay. Và đêm hôm nay cũng là ngày lành tháng tốt nhất trong năm, quý vị đồng ý
không nào.”
Vài tiếng vỗ tay lác đác.
“Xin qúy vị cho một tràng pháo tay thật lớn ... Thưa qúy vị đây, đây, thưa qúy vị,
cô dâu và chú rể ... cô dâu và chú rể đang từ từ tiến lên sân khấu - người điều
khiển chương trình bỗng gào lên thất thanh - thưa qúy vị, xin qúy vị cho một
tràng pháo tay thật lớn ... lớn hơn nữa nào, lớn hơn nữa ...”
Tiếng trống, tiếng kèn, và tiếng gào của người điều khiển
chương trình vang dội chát chúa.
Cô dâu mặc chiếc áo dài lụa trắng có thêu hình con chim
phượng, quần cũng lụa trắng dài chấm gót, choàng bên ngoài bằng chiếc áo gấm
thêu màu hồng, đầu chít khăn vành vàng, chân mang hài nạm cườm.
Chú rể mặc bộ lễ phục màu đen, cổ thắt nơ đen, mang giày đen đánh bóng loáng, đầu
trần chải mướt. Cô dâu đặt bàn tay trên cánh tay chú rể, hai người mặt
mày rạng rỡ, nụ cười luôn nở trên môi. Hẳn là có tập dượt trước, đi chầm chậm theo khúc mở đầu trong bài Bridal
March của Wargner vừa được ban nhạc tấu lên.
Quan khách người thì đứng dậy vỗ tay, kẻ thì ngồi giật
pháo cho nổ vang. Tôi ngồi yên chăm chăm nhìn về phía Trang, lòng trống
trải. Tôi không biết tôi vui hay buồn, mừng hay giận. Tôi chỉ biết tôi thường
làm điều tôi không định làm rồi sau đó nghĩ lại thấy tiếc nuối, bực dọc. Sao
mình lại ngu muội đưa em vào phòng ngủ dơ dáy như thế! Sao không đưa em
vào rạp chiếu bóng, cũng kín đáo vậy, cũng có thể hôn nhau tự do. Gặp em là tôi
quýnh quáng, trừ một lần, phải không em. Lần đó, bên ngoài tiếng máy trực
thăng, tiếng cánh quạt quay, gầm lên như bão nổi, chiếc này vừa bay đi tiếng gầm
chưa kịp lắng thì chiếc khác đã ào ào đáp xuống, thôi thúc, dồn dập, hàng cây
nghiêng ngả, cỏ tranh nằm rạp, lòng anh cũng nổi song. Anh ôm em hôn ngấu nghiến lúc em vừa bước
vào phòng thăm anh tại bệnh viện Cộng Hòa. Em trong tay anh run rẩy
như chiếc lá trong gió táp!
Giấy tờ trên tay em rơi lả tả xuống nền nhà.
Cô dâu chú rể lên đến sân khấu vừa quay người hướng về
quan khách thì Trang, như có con mắt sau lưng, quay lại nhìn tôi và nhận ra
ngay. Trang giật mình đứng dậy rồi vội vã kéo người chồng đi theo đến
bàn tôi:
“Trời ơi, anh! Ðây là anh Hưng, và đây là anh Thạch
mà em vẫn thường nhắc đến.”
Tôi đứng dậy bắt tay chồng của Trang. Hưng đề nghị
ngay:
“Bàn tôi còn một chỗ trống. Hay là thế này, xin qúy
vị bàn này cho phép nhé, anh Thạch qua ngồi bàn tôi đi, nói chuyện cho
vui. Lâu quá mới gặp lại anh, chúng tôi hết sức vui mừng.”
Tôi bắt tay hai người ngồi hai bên tôi, rồi chào mọi người
quanh bàn và đứng dậy đi theo vợ chồng Trang.
“Anh Thạch này," Trang không giấu nổi hồi hộp,
"anh nhận ra anh Hưng không? Anh Hưng trước kia là bác sĩ tại bệnh
viện Cộng Hòa có đến chữa bệnh cho anh đó...”
Thảo nào tôi thấy quen quen. Vào thời gian ấy, đôi
khi Hưng đến khám bệnh cho tôi có Trang đi kèm.
“... Anh biết không, sau khi anh xuất viện, em mong thư
anh quá. Em chờ mãi mà chẳng bao giờ được thư của anh. Sao vậy anh? Tiếp liền
theo đó là những ngày đánh nhau ghê khiếp, em không biết anh ở nơi nào, đơn vị
nào. Cuối cùng em theo anh của em di tản qua Mỹ đợt đầu tiên cuối tháng
tư 75. Tưởng rằng sẽ không bao giờ gặp lại anh. Thật không ngờ! Quả là trái đất
tròn. Ô mình còn biết bao nhiêu chuyện để nói với nhau. Ðể em tính xem.”
Em chờ thư tôi! Nhưng tôi đâu dám gởi. Em bảo
tôi đừng bao giờ gởi thư cho em mà, anh nhớ cho mà. Quả thật tôi quá ngu
xuẩn. Em nói trong lúc mất bình tĩnh sao tôi lại cứ bám riết vào lời nói
lẩy đó. Tôi cứ nghĩ tôi là thứ mặt dạn mày dày, nham nhở, lì lợm đối với phụ nữ,
nhưng với ai kia, chứ trước em tôi đâm ra ngại ngùng. Tôi nhớ một lần đọc
một bài thơ hay trong đó có câu:
“Chuyện lòng dài thế kỷ
Hồi còn trẻ tôi nghĩ rằng nhà thơ ấy quá nhút nhát trước
tình yêu, nay tôi mới thấy rằng có những hoàn cảnh mà người ngoại cuộc không thể
nào thấu hiểu nổi. Tôi chẳng biết nói năng làm sao, ngẩn ngơ như người mất hồn.
Hưng vừa gắp món ăn cho Trang vừa nhìn tôi ân cần nói:
“Anh bị đau chân? Có lẽ bị thấp khớp?”
Ðúng là thằng cha này có con mắt cú vọ. Mình mới đi
mấy bước mà hắn đã nhận ra, tôi thầm nhủ.
“Không, không phải thấp khớp. Bị thương nặng hồi 75
mà không có thuốc chữa, chân tôi đã thành tật.” Tôi trả lời.
Cơn giận bỗng dưng ập tới. Tôi chau mày khó chịu. Giận
người? Giận mình? Tôi định nói tiếp rằng tôi bị hư một cánh tay nữa,
rằng trong đầu tôi còn một mảnh đạn chưa dám đem đi mổ để lấy ra, lấy nó ra sợ
lấy luôn tính mạng của tôi, theo lời bác sĩ, rằng tôi đang hưởng phụ cấp tàn phế,
rằng tôi đã chán hết thảy mọi thứ trên cõi đời này. Tôi chỉ muốn nói một
lần cho xong chuyện, khỏi ai hỏi han lôi thôi về sau.
Hưng cười xòa:
“Ăn thua gì! Chì như anh tật một chân nhằm nhò gì!”
Hưng ngồi giữa tôi và Trang. Trang chăm chú nghe tôi nói
nhưng có lẽ tiếng được tiếng mất. Như những đám cưới khác, ban nhạc quá ồn
ào. Nói chuyện với nhau khó khăn, ăn cũng mất ngon.
“Anh qua đây với gia đình?” Hưng tiếp tục câu chuyện.
Tôi trả lời dấm dẳng:
“Không, một mình. Một mình từ bao lâu rồi, từ hồi còn
lành lặn, nghĩa là chưa có thương tật gì. Chứ bây giờ còn nước mẹ gì nữa
mà gia với đình đề huề như anh! Tôi share phòng với người bạn ở Bolsa.”
Nói xong tôi mới thấy mình vô lý và thô bạo. Ai có
tra hỏi đâu mà phân bua, mà cằn nhằn! Hưng quay lại nói chuyện với vợ một hồi.
Cuối cùng hai người đổi chỗ ngồi cho nhau, Trang ngồi giữa tôi và chồng, vui vẻ
nói:
“Em tính như thế này, tiệc xong anh về nhà em chơi. Em ở nhà anh Cảnh,
nhà lớn lắm. Anh Hưng cũng đã đồng ý như thế...”
Tôi gạt ngay:
“Cám ơn anh chị. Tôi bận. Xin để khi khác.”
Trang nhìn tôi cười ngặt nghẽo chảy cả nước mắt:
“Ủa! Anh chị nào vậy hả anh Thạch? Em từ New
York bay qua đây dự đám cưới đứa cháu, con gái lớn của anh Cảnh. Gặp anh
Hưng ở đây, được sắp ngồi cùng bàn, may lại được gặp anh, em mừng qúa!”
Tôi nghe. Bàng hoàng sửng sốt.
Trang ngập ngừng một hồi lâu, đôi mắt lắng sâu xuống,
răng cắn môi, vẫn hàm răng đẹp ngày xưa, vẫn khuôn mặt thanh tú nuớc da trắng
xanh nổi bật lên giữa suối tóc đen mượt mà, cuối cùng nói:
“Anh chị Cảnh có ý định rủ em và mời anh Hưng đi chơi
Yosemite mấy ngày để thưởng thức tuyết. Mà tuyết thì có gì lạ đối với em
đâu. Miền đông bắc nơi em đang ở năm nào chẳng có tuyết! Em đã nhận
lời anh Cảnh nhưng có lẽ em ... em phải nghĩ lại. Có lẽ em phải nhân dịp
này thực hiện cho được giấc mộng của em là đi xe lửa từ tây qua đông xuyên
ngang nước Mỹ. Tha hồ đi qua bao nhiêu là tiểu bang, tha hồ ngắm cảnh."
Quay qua Hưng, Trang tiếp:
“Em đổi ý như chong chóng, anh đừng cười nhé. Chốc
nữa em sẽ nói lại với anh Cảnh ... ngày mai em trở về New York. Ðã lỡ xin
mấy ngày phép, em sẽ tận dụng. Thay vì về bằng máy bay, em sẽ đi xe lửa."
Món tôm hùm vừa dọn lên thì ban nhạc ồn ào cũng tạm ngừng.
Mọi người thở dài nhẹ nhõm. Người điều khiển chương trình vẫn chưa tha, lại
lên máy vi âm trổ tài ăn nói:
“Kính thưa qúy vị, theo truyền thống tốt đẹp lâu đời của
ông cha ta để lại, cô dâu chú rể phải có bổn phận đi đến từng bàn để cám ơn qúy
vị đã bỏ thì giờ qúy báu đến đây làm cho buổi lễ hôm nay thêm phần cao qúy và đầy
ý nghĩa. Và đồng thời cô dâu chú rể và hai họ cũng xin được cùng
qúy vị chụp tại mỗi bàn một tấm hình lưu niệm đời đời của buổi tiệc cưới vô
cùng long trọng này, vô cùng tuyệt vời này, trên cả tuyệt vời này, thưa quý vị!”
Hưng cười cười và hạ giọng nói với tôi, khỏi phải nói to
lên như nãy giờ khi bị ban nhạc quấy rầy:
“Anh qua Mỹ một mình, tôi cũng một mình qua Mỹ.
Trong thời gian tôi đi tù, vợ con tôi vượt biên và mất tích. Chờ mãi
không thấy tin tức, chắc không một ai còn sống sót."
Tôi nói vài lời chia buồn. Hưng nói tiếp:
"Thế mà tính đến nay cũng đã hơn mười năm. Thời
gian đi vùn vụt. Anh thấy tôi có nên bước một bước nữa hay không? Ở
một mình cũng buồn mà đèo bòng thêm - anh liếc nhìn Trang, hạ giọng xuống - thì
... chắc gì được như ý."
Trang ngắt lời:
“Hai anh thì thầm chuyện gì vậy, tôi nghe được cả đấy. Lâu ngày mới gặp
nhau tha hồ nhắc lại chuyện cũ nhé. Nhưng bây giờ hãy bàn chuyện trước mắt
cái đã. Các anh vẫn thường than phiền tiệc tùng ở đất Mỹ mất ngon vì các anh
không uống rượu được. Em thấy tội nghiệp cho hai anh quá, nhất là anh Thạch
xưa nay vẫn uống rượu như hũ chìm. Nghe nói bây giờ theo luật mới có hơi
rượu mà lái xe là sẽ bị thu bằng lái ngay. Có khi bị cho vào tù. Có phải vậy hay
không hai anh?”
Hưng đáp nhanh:
“Cô Trang nói đúng. Cô không thấy sao, anh Thạch và
tôi đâu dám đụng đến cái chai rượu. Chán thật. Mà cả bàn mình cũng
không ai dám mó tới. Vô lý, vô lý.”
Trang bỗng reo lên:
“Hai anh khỏi lo, cứ tha hồ uống, em có cách. Chốc
nữa em làm tài xế lái xe đưa hai anh về nhà. Xe các anh cứ để đây qua
đêm, khoá lại, mai đến lấy rồi lái thẳng ra ga xe lửa tiễn đưa em luôn thể.
Ðồng ý
nhé!”
Ðúng như tôi dự đoán, trời quang đãng dần rồi tạnh hẳn vào
lúc giữa trưa. Tôi nghĩ rằng câu chuyện giữa tôi và thiếu phụ đã quá dài, và
tôi không còn lý do gì để nấn ná thêm nữa. Mà lạ thật, người đàn bà này
tuồng như có một sức lôi cuốn ngầm nào đó khiến tôi đi không đành. Nỗi bi
thương trên đôi mắt tối tăm, trên khuôn mặt chợt buồn, chợt vui? Sắc đẹp
dữ dội sắp tàn phai? Cái lối nói lúc thông minh, lúc dịu dàng, lúc cười cợt,
lúc chua chát, lúc lên cơn? Và giọng nói êm ái, thân thiết, như đã quen
nhau từ lâu?
Thế là bốn giờ chiều nay người đàn bà này sẽ một mình đáp
xe bus lên đường đi về hướng đông, cũng như sáng hôm nay, cũng
về hướng đông, Trang ngồi một mình cạnh cửa sổ toa xe thò đầu ra nhìn lui mãi,
cánh tay vói ra ngoài cửa xe vẫy vẫy không ngừng. Hưng rối rít vẫy tay
đáp lại trong khi tôi đứng ngẩn ngơ như đang chứng kiến một cái gì hết sức quý
giá càng lúc càng khuất xa tầm tay với. Giờ này Trang đã đến đâu?
Xe lửa có đưa Trang đi ngang qua Green River, Salt Lake City trước khi thẳng đường
qua Nữu Ước? Có thể nào tôi gặp lại Trang hay không? Lần gặp nhau
ngắn ngủi này phải chăng là lần cuối cùng? Là vĩnh biệt? Tôi bỗng thấy
nhói nơi tim và bỗng dưng nhớ bệnh viện Cộng Hòa da diết. Nhớ tiếng máy
bay trực thăng gào thét. Nhớ căn phòng thơm mùi thuốc lẫn mùi môi son thoang
thoảng. Nhớ xấp hồ sơ trên tay em rơi xuống sàn nhà. Và nhớ nụ hôn.
Trước khi lên toa xe lửa Trang nói với tôi và
Hưng:
“Khi nào rảnh rổi, thế nào hai anh cũng phải qua em chơi
nhé. Anh Hưng thì đã biết chút ít về việc học hành của em rồi, nhưng em
cũng phải cho anh Thạch hay rằng hiện em đang thực tập tại một bệnh viện ở New
York. Nửa năm nữa là xong nợ.”
“Cô Trang giỏi qúa," tôi tiếp lời. "Qua New
York học bác sĩ để ... để cái bằng được thêm giá trị chứ gì. Trước
khi hành nghề, cô đã cẩn thận gây dựng tiếng tăm dần dần."
“Không phải đâu anh," Trang vui vẻ đáp. "Mình qua
đây chậm trễ mong được làm nghề cũ đã là may rồi, khoan tính đến chuyện tiếng với
tăm làm gì. Trước kia em ở bên này với anh Cảnh để tiện đi học lấy bằng
tương đương. Em đã thi đậu xong mấy phần đầu nhưng còn phải học thêm và
thực tập thêm cho đủ số tín chỉ cần thiết. Muốn dễ đậu chỉ có cách đi
xa... "
Tôi ngắt lời:
"Cô Trang nói nghe lạ quá, tôi chẳng hiểu gì cả."
"Nghĩa là lấy bằng bác sĩ tại UCLA của California khó lắm.
Phải đi đến học và thực tập tại những bệnh viện tồi tàn, hẻo lánh, ở các ngoại
ô xa lắc của New York chẳng hạn, những nơi không ai thèm tới, nơi bệnh nhân đa
số là người nghèo, người da đen, như thế mới dễ đậu. Kệ nó, miễn cho xong
cái bằng. Hai anh liên lạc với em đều đều nhé. Viết thư cho em -
Trang kín đáo nhìn tôi - dài ngắn gì cũng được, đừng gọi điện thoại. Hai anh đừng
bắt em chờ thư nhé!”
Trang muốn mình gởi thư? Trang ý tứ lắm! Vâng, thư mới
nói được hết những gì mình muốn nói. Mà nói gì đây? Anh yêu em, anh
chờ tin tức của em mãi mà không được từ ngày anh rời bệnh viện Cộng Hoà và gặp
em lần cuối cùng đó. Quả thật mình nghĩ nhiều đến Trang, trong lòng khổ sở, mà không kiếm
được ngày phép để tìm Trang. Rồi
biến cố dồn dập, rồi bị thương nặng ... Mình phải kể lể, tả oán cho thật lâm ly
mong Trang mủi lòng, họa chăng mình mới có thể hạ được địch thủ là cái thằng
bác sĩ kỳ đà cản mũi này. Em không còn trẻ, anh sắp già, cả hai đều trải
qua bao nhiêu lao đao chìm nổi, nay may gặp lại nhau có lẽ nên cho nhau những
ngày còn lại của cuộc đời? Nhưng em còn có tương lai rực rỡ trước mặt,
trong khi anh ...
Giọng cười của thiếu phụ đưa tôi về thực tại:
“Ông đang nghĩ gì mà thừ người ra như thế thưa ông?”
Tôi chống chế:
“Tôi nghĩ rằng trời sắp tạnh hẳn rồi, có lẽ tôi sắp phải từ
giã cô.”
Thiếu phụ chau mày, mắt tối sầm:
“Thế mà tôi cứ nghĩ là ông ... Nhưng, trước khi ông đi, tôi
có thể nhờ ông giúp hộ cho một việc nữa, được không ạ. Như ông đã biết,
tôi mù tịt tiếng Anh. Tôi mạn phép mời ông tới cửa hàng đằng kia, chỗ có bán thức
ăn gì đó. Họ bán gì vậy, thưa ông ... rồi mình ăn trưa. Tôi cũng
không biết gọi món ăn, chưa bao giờ vào một quán ăn Mỹ hay Mễ nào cả. Trễ
xe phải đến sáng ngày mai mới tới nhà, không có một chút gì lót lòng chịu
sao nổi, thưa ông.”
Tôi đứng dậy nói với thiếu phụ:
“Cô cứ ngồi đây trông hành lý. Tôi đi mua cho cô ngay. Rồi
tôi còn phải đi gấp... Họ bán gì nào? Tôi mua Sandwich, Hamburger, và
Potato Chip nhé? Và vài chai nước lọc nữa chứ.”
Bỗng nhiên người đàn bà cúi gập người xuống, úp mặt vào hai
bàn tay, đôi vai rung rung. Tiếng nức nở bị dồn nén. Hai hành khách ngồi
ghế đối diện với chúng tôi cúi mặt. Rồi cô gái da đen ngẩng đầu nhìn tôi săm
soi, khó chịu. Anh chàng tóc vàng kín đáo hơn mỉm cười chào tôi rồi kéo cô bạn
gái đi đến tiệm ăn của nhà ga. Tôi cũng khó chịu không kém, đứng yên nhìn người
đàn bà lạ lùng này. Sau một hồi, thiếu phụ buông tiếng thở dài, ngửng mặt nhìn
tôi, nước mắt còn ràn rụa:
“Tôi làm phiền ông quá, xin lỗi ông. Có lẽ tôi khỏi nhờ
ông mua thức ăn. Nhưng ông có thể ngồi nán thêm một chút nữa hay không để
tôi có thể nói thêm đôi lời. Tôi khổ tâm lắm! Tôi không muốn về với em
gái tôi nữa. Ở đó thêm một thời gian tôi sẽ chết mất. Chắc ông
không tin?"
"..."
"Vâng, tôi sẽ kể hết mọi chuyện cho ông nghe. Mà cũng lạ
thật, gặp ông có bao lâu đâu thế mà tôi nghĩ rằng tôi có thể tâm sự với ông.
Tôi có thể nói hết mọi chuyện cho ông nghe không chút ngại ngùng ... thì lòng dạ
tôi sẽ được thanh thản một phần nào. Và biết đâu ông cũng có thể cho tôi vài lời
khuyên nhủ.”
Tôi lẳng lặng ngồi xuống.
“Tôi thương em tôi lắm. Chồng con tôi đã chết hết,
trong đời này tôi chỉ còn có em tôi. Nó nhỏ tuổi hơn tôi nhiều, nó coi
tôi như mẹ. Thế mà tôi đành phải xa nó. Tôi qua Cali tìm nhà người bạn cũ xin
tá túc một thời gian, nếu được thì ở luôn. Nhưng có nhiều điều bất tiện
quá!’
“Không sao đâu
cô. Dần dần mọi chuyện đều đâu vào đấy. Mọi khó khăn sẽ tự nhiên
trôi qua, trôi qua đi mất hết.”
Thiếu phụ
dường như không nghe tôi nói gì, tiếp lời:
“Ở bên
nhà, người ta trải lòng với nhau mà sống, còn bên này ai cũng thủ kỹ, ai cũng sợ
chuyện bất trắc có thể xẩy đến, ai cũng sẵn sàng tử tế với nhau dăm ba lần rồi
thôi, rồi thun cổ lại kín bưng trong cái mai con rùa của mình. Có phải
không ông? Thậm chí có người quen cũ vừa mới gặp tôi liền vội vã kéo tôi
vào quán ăn ép tôi ăn một món nào đó như để trả cho xong món nợ quỷ thần.
Rồi hối hả bỏ đi quên hỏi tôi hiện giờ ở đâu, làm gì sống ... Không kiếm được
chỗ ở bên này, tôi đành phải nhờ người ta mua vé cho tôi lộn về bên đấy."
Phòng đợi bỗng xôn xao kẻ vào người ra. Lại xe đến, xe đi.
Thiếu phụ ngừng nói, dáo dác nhìn ra ngoài bãi xe đậu. Một gia đình người
Mễ Tây Cơ, hay người Trung Mỹ, Nam Mỹ, gồm sáu bảy người già, trẻ, lớn, bé đến
gần chỗ chúng tôi ngồi đặt những xách hành lý cồng kềnh, ướt át, xuống choáng cả
lối đi giữa hai hàng ghế. Họ là những người nghèo nàn, như chúng tôi, ăn
mặc nhếch nhác, tóc tai bù xù, da sạm nắng, nói năng ồm ồm như chỗ không người.
Lũ trẻ thì chạy quấn quýt nô đùa thoải mái. Tôi để ý rằng rất ít người Mỹ
da trắng sử dụng phương tiện chuyên chở này. Tôi bỗng nhớ Trang sáng hôm
nay, xinh đẹp, dịu dàng, sang trọng, trông như một nàng tiên lạc bước vào cõi
trần ai trong đó đang có tôi
mệt nhọc, chán nản, và có
người đàn bà buồn vui thất thường này, và có những người Mễ vô tư, hồn nhiên.
Tôi tưởng phải nên nói một lời an ủi chung chung:
"Cô cũng đừng nên lo buồn thái quá. Gia đình nào
cũng có chuyện bất như ý. Rồi thời gian sẽ là ông thầy thuốc chữa mọi thứ bệnh, mọi nỗi khổ của con người."
Thiếu phụ quắc mắt nhìn tôi, gằn giọng:
"Nhưng ông biết gì về chuyện gia đình của tôi mà bàn
ngang như thế. Ô, ô, tôi xin lỗi ông. Tôi lại ... xin ông đừng chấp."
Thiếu phụ ngồi im một chốc, như để trấn tĩnh, rồi tiếp:
"Có lẽ tôi phải đem việc nhà của tôi kể hết cho ông
nghe ông mới biết được tôi lâm vào hoàn cảnh khó xử đến dường nào. Tôi khổ
tâm lắm thưa ông, nói ra thật xấu hỗ. Tôi sợ một ngày nào đó em tôi biết hết mọi
chuyện, nó sẽ đau đớn vô cùng, và tôi cũng không sống nổi."
Người đàn bà lại thổn thức, nước mắt ràn rụa làm lem lớp phấn
mỏng trên khuôn mặt đau khổ. Tôi đứng dậy loay hoay kiếm từ trong túi quần một
miếng khăn giấy nhàu nhò đưa cho thiếu phụ. Người đàn bà cầm lấy, chặm chặm
lên trên đôi mắt chớp chớp, và nói tiếp:
"Tôi không ngờ thằng chồng nó khốn nạn đến thế.
Thằng đó mất việc làm, em tôi phải đi làm hai việc, ban ngày đi may, ban đêm phụ
bếp cho một tiệm ăn Tàu. Tôi ở nhà một mình ... Tôi không chống cự nổi
nó. Tôi không dám thưa cảnh sát, mà cũng không biết làm sao mà
thưa. Mà dù có nhờ người nào đi thưa giùm, làm to chuyện, thì người khổ
nhất vẫn là em tôi và tôi. Nhưng cứ để yên như thế này thì cũng có ngày đến
tai em tôi. Cho nên tôi phải đi, phải rời khỏi ngôi nhà đó! Tôi còn
có cách nào khác nữa đâu thưa ông. Ông là người ngoại cuộc, ông sẽ thấy
rõ vấn đề hơn, xin ông cho tôi một lời khuyên nhủ. Tôi sẽ làm theo ý kiến
của ông ngay.”
Thật là trớ trêu! Tôi mà khuyên nhủ được ai! Chuyện của
mình còn rối nùi, còn hơi sức đâu xía vào chuyện người khác. Tôi đang băn
khoăn mãi vì câu chuyện giữa tôi và Trang. Làm thế nào bây giờ. Một
là mình cố nặn óc ra viết một bức thư thật dài, thật lâm ly mong sao khi
đọc Trang sẽ xúc động mạnh. Rồi mình trở lại với Trang làm lại cuộc đời.
Làm lại cuộc đời trước khi xế bóng? Liệu có được không? Hai là nói
thẳng với Trang rằng mình bị thương nặng đến mang tật suốt đời, và khổ nhất là
mảnh đạn còn nằm trong đầu ... sẽ là một gánh nặng kinh khủng cho Trang.
Thế là ... có lẽ Trang sẽ chọn Hưng. Nồi nào úp vung ấy, xứng đôi vừa lứa.
Ba là cứ để cho mọi chuyện tự nó giải quyết lấy, tới đâu hay đấy. Chọn giải
pháp nào đây? Có lẽ phải nhờ người đàn bà này giúp ý kiến chăng, tôi cay
đắng tự nhủ.
Nén tiếng thở dài, tôi chán nản nói:
“Chuyện buồn thì ai cũng có. Mỗi người buồn mỗi cách, chẳng
ai giống ai. Không chừng hoàn cảnh của tôi còn bế tắc hơn nhiều. Tôi cũng
đang khổ tâm lắm cô ơi. Tốt hơn hết là đường ai nấy đi, việc ai nấy lo. Nằm
trong chăn mới biết chăn có rận. Không nên chĩa mũi vào việc của người
khác.”
Nói xong tôi mới tự thấy mình lố bịch quá. Vẫn cái lối nói vớ
vẩn cố hữu. Thiếu phụ đã bớt thổn thức, trố mắt nhìn tôi lộ vẻ thương cảm:
“Thì ra ông cũng đang có chuyện buồn! Tôi đã đoán biết
như thế ngay từ lúc tôi mới gặp mặt ông. Trông ông ... trông ông làm sao ấy
..."
Tôi hơi ngạc nhiên vì nhận xét đó.
"... cho nên khi tôi hỏi ông, về chuyện gì nhỉ, à mấy
giờ rồi phải không thưa ông, chẳng qua là tôi muốn bắt chuyện với ông đó thôi,
để có thể ..."
"Thế à?" tôi ngắt lời và bỗng cảm thấy bực bội.
"Thế có nghĩa là nãy giờ cô ... cô bịa chuyện, cô đóng kịch cho tôi
xem?"
Người đàn bà sửng sốt, thu mình lại, lắp bắp nói:
"Ô, ô, xin lỗi ông. Nhưng tôi nói chưa hết ý ...
Chứ thật ra tôi đâu tệ đến nỗi bịa chuyện để đùa cợt với ông. Tôi xin lỗi
ông một lần nữa vậy."
Nói xong thiếu phụ cúi gầm mặt, đôi rèm mi dài chớp chớp nhè
nhẹ, nhan sắc đang tàn phai sáng lên một chút như ánh đèn đường buổi chiều mùa
hạ vừa được bật lên dù trời còn sáng trưng. Tôi lúng
túng.
Chiếc xe bus Grey Hound đang tiến vào, trên
kính trước xe có treo bản San Diego - Los Angeles. Tôi nhìn đồng hồ, mới hơn 12
giờ trưa. Chuyến đi Salt Lake City phải 4 giờ chiều mới khởi hành tại
đây, có lẽ cũng từ San Diego đến. Phòng chờ và bãi đậu xe lại nhốn nháo
năm, mười phút. Vài người đang chơi trò chơi điện tử cạnh quầy bán vé vội
rảo bước đi ra ngoài để đón thân nhân đưa lên xe nhà và lái đi mất hút.
Vài ba hành khách đang nằm ngủ trên chiếc ghế băng ngồi nhổm dậy nhìn ngơ ngác
rồi nằm xuống ngủ tiếp. Một số hành khách mới đến lại sắp hàng dài trước
quầy bán vé đứng chờ người bán vé vừa đi ăn "lunch".
Tôi đến quán ăn nhà ga mua mấy món ăn và hai chai nước lọc. Trở về thấy thiếu
phụ vẫn ngồi chỗ cũ, mặt buồn rười rượi. Tôi không biết xử trí ra sao, đành ngồi
bên cạnh thiếu phụ, im lặng. Thiếu phụ mở lời trước, và nói một hơi như thể sợ
tôi ngắt lời:
"Nẫy giờ ngồi một mình tôi có dịp suy nghĩ kỹ rồi.
Xin ông giúp tôi một lần nữa nhé thưa ông. Tôi quá đường đột, nhưng xin
ông làm ơn, làm ơn thì làm ơn cho trót. Là ... là tôi không dám về bên đó
nữa. Tôi sợ thằng em rể ấy lắm. Xin ông xem thử có thể chỉ cho tôi
một chỗ share phòng rẻ tiền gần khu người Việt Nam mình ở để
tôi sống tạm bên này một thời gian. Tôi sẽ kiếm việc đi làm ngay, bất cứ
việc gì. Tôi biết thêu, biết ren, biết đan. Tôi cũng may vá giỏi.
Tôi cũng biết nấu ăn. Hoặc giữ trẻ, đánh đàn cho chúng nó nghe, hoặc giặt
giũ, hoặc quét sân, chùi nhà, lượm rác. Hoặc chặt cá, chặt thịt ngoài chợ.
Hoặc chăm sóc ông già bà cả. Viêï gì tôi cũng làm được. Dần dà tôi sẽ
tính chuyện gặp lại em tôi sau.”
*
Tôi đưa Thu, tên người
đàn bà gặp ở bến xe, về ở tạm nơi căn phòng chật hẹp của tôi khu phố
Bolsa. Rồi sẽ tính sau. Cứ thế ngày này qua ngày khác, chúng tôi sống
bên nhau, trong khi đó tôi luôn luôn nghĩ đến Trang. Tôi viết cho Trang một
lá thư ngắn ngủi, nhạt nhẽo, và giấu kín chuyện tôi và Thu. Trang trả lời
ngay, giọng thư có chút hờn trách. Trong lá thư gần đây nhất, Trang cho
biết Hưng sẽ qua New York chơi. Và “anh có định qua đây chơi hay không,
em đang chờ anh đây nhé. Xin anh cho em biết gấp!” Tôi phân vân
mãi. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa trả lời Trang một cách dứt khoát.
Sau đó tôi nhờ người quen kiếm được cho Thu một việc làm tại
hãng sản xuất sáo mành mành bằng nhựa với đồng lương tối thiểu. Thu mừng
rỡ một cách tội nghiệp, vì dù sao đó là một việc làm đều đặn, ổn định, có giờ
giấc đàng hoàng, cứ hai tuần lại có một chi phiếu của hãng gởi về. Ðồng
lương tối thiểu, 5 đô-la một giờ, nhưng đối với Thu là cả một món tiền ngoài mơ
ước. Thu đi Mỹ theo diện em bảo lãnh nên không được hưởng phụ cấp xã hội.
Tôi cũng tìm được một căn phòng nhỏ cho Thu thuê với giá thật rẻ. Nhưng
Thu không chịu dọn đi nơi khác. Tôi không nỡ và không muốn mời Thu
đi. Từ đó chúng tôi sống với nhau. Thu rất ý tứ và dịu dàng.
Thỉnh thoảng muốn gợi ý về câu chuyện riêng của tôi, chuyện lòng của cả một đời,
nhưng khi thấy tôi im lặng, Thu nói lãng qua chuyện khác ngay.
Một hôm sau bữa tiệc cưới con trai người bạn chiến hữu ngày
xưa, tôi mang về một chai rượu Martell còn thừa hơn ba phần tư. Như thường
lệ, chả ai dám uống nhiều. Có lẽ tôi phải nói thêm rằng tôi luôn luôn đi
ăn cưới một mình, không mang Thu theo. Và tôi cũng chỉ giới thiệu Thu với
vài người bạn thân của tôi mà thôi. Tội nghiệp, Thu không dám, hoặc không
thèm, tỏ ý bất mãn. Tại sao tôi cư xử với Thu như thế nhỉ? Tại vì
tôi sợ câu chuyện này mà phổ biến ra sẽ có ngày đến tai Trang? Nhưng tôi
có mong gặp lại Trang của tôi nữa đâu mà phải đề phòng cẩn thận như thế. Hả trời! Hay là tôi vẫn
nuôi chút hy vọng?
Tôi và Thu tôi sống bên nhau một cách tạm bợ. Tôi nghĩ
rằng nếu Thu tìm được cuộc sống ổn định hơn, có lẽ nàng sẽ xa tôi và tôi cũng sẽ
đồng ý, không chút oán trách. Vâng, Thu dù sao cũng còn có chút tương
lai, chứ đâu phải như tôi. Tuy nhiên trong lúc còn sống bên nhau, Thu cư xử với
tôi thật chu đáo. Cô nấu ăn ngon, nhà cửa dọn dẹp ngăn nắp, áo quần của
tôi Thu giặt giũ, ủi, xếp gọn gàng. Bàn tay phụ nữ thật kỳ diệu!
“Ăn cưới vui không anh? Lại mang rượu về! Ðể em
xem nào ... có con cá chép thật tươi ngày mai em làm món gỏi mà anh ưa
thích. Tha hồ nhậu với anh Chấn đấy nhé."
Tôi cao hứng:
“Nó đang tươi rói thì phải ăn ngay, chờ đến ngày mai làm gì
cho phí của. Em làm đồ nhắm ngay bây giờ đi, rồi em nhậu với anh.”
“Nhưng anh vừa ăn cưới xong?”
“Có sao đâu. Bây giờ anh nhậu với em chứ có phải ăn đâu.”
“Ủa, ăn và nhậu khác nhau sao?” Thu cười cười hỏi.
Chưa bao giờ nhậu với Thu, tôi không biết Thu có uống được
rượu hay không. Nhưng lo gì, cứ ép là cô này chiều ý mình ngay. Thu
luôn luôn ngoan ngoãn vâng lời. Vã lại trong tiệc cưới tôi chỉ mới uống một
tí Martell. Là vì đâu có Trang, để Trang của tôi, để em của anh, đẹp đẽ,
quý phái, như nàng tiên chưa gãy cánh lọt xuống trần ai khổ lụy, lái xe đưa anh
về nhà, để em bảo anh ngồi ghế trước kề bên em, để em tranh thủ hỏi anh thật
nhiều chuyện cho thỏa lòng tò mò, em nói thế nhưng thật ra đó là cho thoả lòng mong nhớ. Anh Hưng chịu
khó ngồi ghế sau nhé, hay là anh Hưng có muốn thì hai anh cứ oánh tù tì đi cho
công bằng -- tiếng nói trong veo, quen thuộc và thân yêu từ thời thơ ấu của em
nghe như lời ru của quê hương, của dòng sông, của vườn cau, vườn chuối, vườn
cây có nhiều trái chín mùa hè, của sương, của gió, của mưa, của nắng, của suối,
của mây, của ... của mẹ. Ngồi uống rượu với Thu mà tôi nhớ Trang muốn rơi nước
mắt.
Thế là lần đầu tiên tôi và Thu cùng uống rượu đối ẩm thân mật
với nhau tại nhà. Rót ra hai ly, cho đầy soda vào vàng sóng sánh, cụng ly kêu
cái keng, đàng hoàng. Thu chỉ cố nhấm nháp chút ít để chiều tôi, uống mãi
mà không hết phần mình. Uống xong một ngụm nhỏ, nàng thun vai, nhăn mũi,
chau mày. Hai má cũng đỏ hồng lên, trông thật ngộ. Còn tôi, hết ly
này đến ly khác. Anh, thôi anh đừng uống nữa, mà anh phải ăn vài miếng
cho nhả rượu đi chứ. Không, không sao đâu em, lâu lắm mới được say bên em
một lần.
Hơn ba phần tư chai rượu mạnh đó dần dần không còn một giọt.
Tôi nói chuyện huyên thuyên không chút giữ gìn. Rượu vào lời ra, chắc là
Thu nghĩ như thế. Ðược thể, Thu xa xôi gợi lại câu chuyện cũ mong tôi
"thành thật khai báo" mọi thứ. Tôi cũng mượn hơi rượu nói lè
nhè mặc Thu muốn hiểu thế nào thì hiểu:
“À, người đẹp mà anh tiễn đưa ở bến xe lửa, ờ, ờ, ở 'ga tầu
hỏa' đó hả. Em nói đúng, đâu phải em gái của anh, phải nói đó là cô bạn
gái của anh như em đã đoán. Ðàn bà đoán có bao giờ sai đâu! Em biết
không, đàn ông bọn anh ai cũng thế cả, cá mè một lứa, ai mà không muốn ôm ấp trong
tim hình bóng một người tình tưởng tượng. Tưởng tượng thôi nhé!
Nhưng anh khác, anh không cần phải tưởng tượng hay mơ mộng lôi thôi, là vì ...
là vì anh đã có Thu của anh đây.”
Thiếu phụ ngồi
yên lắng nghe, thỉnh thoảng cười nhẹ, khuyến khích.
“Thu, ôi
mùa thu của đời anh! Chứ chưa phải là mùa đông! Ðời anh đã cuối
đông chưa em? Nè, nè, mới gặp em, trái tim của anh đã muốn nhảy ra khỏi lồng
ngực. Ðừng! Ðừng vội phản đối, đó là sự thật đấy. Bằng chứng
là nhờ đó mà ngay bây giờ anh và em đang ngồi bù khú bên nhau như thế
này. Hả? Cái gì đó nữa? Ngoài em anh còn yêu ai nữa
chăng? Không còn ai nữa ... Thật đấy ... Ừ thì còn, còn lu bù, nhưng rồi
có lẽ cũng chẳng đi đến đâu, phải không em. Chỉ có em anh không bao giờ
quên. Gặp nhau rồi xa nhau rồi gặp nhau rồi xa nhau, biết bao nhiêu lần!
Số kiếp mình đã buộc vào nhau từ hồi còn tấm bé, phải không em. Thế mà ... Anh
say, nói bậy. Thế sao? Chỉ gặp em một lần ngoài bến xe đò thôi à? Em khỏi cần nhắc anh cũng nhớ
rõ, em tay vẫy vẫy, vâng, em sẽ đi về thành phố có con sông xanh, một mình, đêm
khuya. Tội nghiệp em quá...”
Thu không tỏ vẻ sốt ruột, kiên nhẫn ngồi chờ tôi nói ba hoa,
rồi chậm rãi nói:
"Anh ơi, em muốn nghe anh nói thật mà anh cứ làm bộ say
đánh trống lãng. Nhưng có điều này thì đã rõ, anh như con bướm muốn bay hết cái
hoa này tới cái hoa khác. Còn em là đàn bà, em không muốn thế. Em
khổ đã nhiều, cầu mong được ổn định, được yên thân."
Tôi bần thần nhìn Thu, cầm lấy cái chai không dốc ngược lên
chơi, còn thèm hả, say hả, rồi đặt nó xuống mép bàn, nó ngã, suýt lăn xuống đất,
chụp lại được, cầm lên làm bộ uống, rồi chìa ra mời Thu. Thu vội cầm lấy
chai, lặng lẽ đặt nó dưới gầm bàn, và nhìn tôi bằng đôi mắt là lạ mà tôi không
thể nào hiểu nổi. Oán trách? Thương hại? Khinh bỉ? Hay
yêu? Tôi có cảm giác như tôi đang đi trên trực thăng, sắp đáp xuống, chao qua
chao về, có tiếng đạn bay vèo vèo, cỏ tranh ngã rạp về một phía, mà đầu óc thì
chứa đầy mưa phùn, đầy sương mù, đầy hơi rượu.
Ngày mai nhé, sau cơn say, anh sẽ viết thư cho
Trang.
Ngự Thuyết
[1] Thơ Tuệ Quang