Giải thưởng cho Ngô Thế Vinh với tác phẩm Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy
sóng(1), cơ quan hay tổ chức nào sẽ trao cho nó? – Không đâu cả!
Tôi đã thử đề nghị với Giải Sách Hay của IRED, tiếc là tác
phẩm nằm ngoài quy chế Giải (phải là tác phẩm in trong nước qua nhà xuất bản của
Nhà nước). Vậy là không đâu vinh danh nó, dù mươi năm qua chắc chắn nó là tác
phẩm xứng đáng nhất. Trong nước: không; hải ngoại: cũng không. Chúng ta ưa nói
đến giải thưởng từ sự đón nhận của độc giả; rồi ngay cả ở đây càng không nốt. Bởi Cửu
Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng không in, không bán trong nước, thế
nên tuyệt đại đa số người đọc quốc nội không biết đến nó. Hỏi có tội không?
Trong khi, Cửu Long
cạn dòng Biển Đông dậy sóng là tác phẩm khủng.
Khủng ở dữ liệu thực tế vô cùng phong phú tiểu thuyết mang
chứa, tác phẩm tác giả gọi là Faction (kết hợp từ chữ fact + fiction: Dữ kiện
Tiểu thuyết / Tiểu thuyết tư liệu). Câu chuyện mang tính sinh tử liên quan trực
tiếp đến cả vùng địa lí - lịch sử - văn hóa rộng lớn được kể bởi người trong cuộc,
sống với và qua thực tế Mekong, nhiều năm đầm mình trong Tinh thần Mekong (The
Mekong Spirit).
Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng khủng ở
tính tiên tri của nó.
Trước khi “xâm ngập mặn lịch sử ở miền Tây” xảy ra vào tháng
4-2016(2), Cửu Long Cạn Dòng đã dự báo từ non 20
năm trước: “Đã có “những tín hiệu của đại dương” đó là những con cá lớn nước mặn
vào sâu tới Đồng Tháp. Đang từ là một vựa lúa nuôi sống cả nước, Đồng bằng Sông
Cửu Long có nguy cơ trở thành khu rừng ngập mặn với những cây mắm, đước, sú, vẹt…”(3).
Cạnh đó, nó tiên báo tương lai không xa Campuchia sẽ sở hữu
một Biển Hồ chết.
Rồi khi Biển Đông dậy sóng lần đầu năm
2007, tiểu thuyết cũng đã tiên liệu từ gần thập niên trước. Tiếp tới Biển
Đông dậy sóng lần hai năm 2011, và sau đó nữa. Kẻ gây hấn ngày càng
hành động bạo liệt hơn, nguy cơ xung đột vũ trang càng lớn hơn.
Khi dự báo kia được nói lên qua những con số cụ thể, nó còn
hơn là một báo động: Sự tham lam lam vô độ của các quốc gia thêm tinh thần cục
bộ địa phương chẳng những tàn phá cả khu vực môi sinh rộng lớn, mà còn mang
nguy cơ xóa sổ các nền văn hóa, triệt tiêu các khu dân cư trú ở vùng ảnh hưởng.
4.900km con sông quốc tế chảy qua 7 nước: Tây Tạng, Trung Quốc,
Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam – “dù mang những tên gọi khác
nhau nhưng đó vẫn là những đất nước không có dân chủ”. Không dân chủ, độc đoán
và chuyên quyền, mỗi nước xài Mekong theo kiểu của mình, bất chấp hậu quả chúng
mang lại.
Trung Quốc cậy thế nước lớn, đã tận dụng mọi ưu thế đầu nguồn,
ở đó con đập ở Vân Nam còn được dùng làm thứ vũ khí chiến lược môi sinh bức hiếp
các quốc gia hạ nguồn ở thì tương lai gần. Cả nước Lào bé con cũng góp phần khiến
Mekong nghẽn mạch.
Ở Việt Nam, mấy ông trời con cũng học đòi cát cứ. Mười Nhe
quyết đưa Huyện nhà tiến nhanh tiến mạnh, đã ra tay hạ sát cả một vùng đầm lầy
và tràm chim rộng lớn, bất kể hậu quả đối với nguồn tài nguyên đất nước, môi
trường sống của nhiều thế hệ tương lai.
Mà đâu phải mỗi Mười Nhe! Đâu phải mỗi “vùng đầm lầy và tràm
chim”!
Nguy cơ bùn đỏ Bauxite Tây Nguyên đang treo, thì bụi xỉ than
Vĩnh Tân – Bình Thuận đã mồn một(4). Formosa Hà Tĩnh đẩy người dân 4
tỉnh Bắc miền Trung điêu đứng chưa qua, thì Dự án Nhà máy thép 10 tỉ USD tại
Nam miền Trung sắp triển khai(5).
Và điều gì nữa sẽ xảy ra, ngày mai?
Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng gióng tiếng
chuông báo động đỏ, buộc chúng ta hành động. Bởi chỉ có hành động mới mang tới
hi vọng cứu vãn. Hành động, không những người Việt trong nước mà cả người Việt
hải ngoại. Không chỉ Việt Nam, mà cả các nước ở hạ nguồn, và cả “nhân dân tiến
bộ” Tàu nữa. Bởi Mekong không là của riêng ai, mà là của tất cả mọi người.
Không chỉ của khu vực, mà của cả trái đất.
Khi Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng đang
kì cao trào, thì thông điệp của tác phẩm cần được biết đến hơn bao giờ.
Sài Gòn, 1-9-2016
Inrasara
CHÚ THÍCH
(1) Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng,
Dữ liệu Tiểu thuyết 692 trang của Ngô Thế Vinh, viết xong tháng 11-1999, NXB
Văn Nghệ, California, Hoa Kì in năm 2000, 2001; NXB Giấy Vụn, Sài Gòn in lần 3:
2014.
(3) Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng,
tr. 648.