08 September 2016

HITLER CÒN SỐNG VÀ MAO ĐÃ CHẾT - Trần Trung Đạo

Sự kiện hai buổi hòa nhạc tại Sydney và Melbourne vinh danh Mao nhân dịp 40 năm ngày y qua đời được hủy bỏ sau khi ban tổ chức gặp nhiều sự chống đối từ phía người dân, để lại nhiều suy nghĩ. Tại sao một lãnh tụ độc tài có trách nhiệm cho cái chết của 45 triệu người vô tội trong bốn năm từ 1958 đến 1962 mà vẫn được vinh danh?
Câu trả lời dễ dàng và nhanh chóng nhất là vì ban tổ chức ăn tiền của Trung Cộng qua hình thức nào đó chưa được biết. 
Thực tế không đơn giản như vậy. Việc tổ chức vinh danh Mao là một phần trong chính sách tuyên truyền quốc tế (soft power) vô cùng tinh vi và tốn kém của đảng CSTQ.

Theo các báo tường thuật, hai thành phố Sydney và Melbourne chỉ đóng vai “chủ nhà” và “tôn trọng tự do ngôn luận”, nguồn bảo trợ thật sự chính cho hai sinh hoạt này do tổ chức có tên “International Cultural Exchange Association” cung cấp. 
Theo Global Advisers, chương trình được quảng cáo ồ ạt bằng Hoa Ngữ như là một dịp để “vinh danh lãnh tụ Mao đời đời”, “người đã lãnh đạo cuộc cách mạng dân chủ Trung Quốc đến thành công”, “giới thiệu đặc tính nhân đạo của Mao Chủ Tịch trong mắt của con người toàn thế giới” v.v... 
Tiến Sĩ Chongyi Feng thuộc University of Technology Sydney cho rằng tích cực ủng hộ cho chương trình là các tổ chức thân Trung Cộng trong đó có Liên Hiệp Các Hội Hoa Kiều tại Úc và nhiều phái đoàn theo kế hoạch sẽ từ Trung Quốc đến để tham dự hai buổi hòa nhạc này. 
Trong một bài báo đăng trên The Conversation, Giáo sư Chongyi Feng cũng nhắc lại quan điểm của Mao trong văn hóa nghệ thuật là “không có một nghệ thuật nào là vị nghệ thuật cả” mà đều là một phần của chính trị, của đấu tranh giai cấp. Trong quân đội Trung Cộng, một số ca sĩ, vũ công ngay cả được phong lên cấp tướng như trường hợp bà Thiếu tướng Bành Lệ Viên (Peng Liyuan), một ca sĩ chuyên nghiệp và là vợ của Tập Cận Bình.
Tương tự như Mao, Tập Cận Bình cũng chủ trương văn hóa không tách rời khỏi chính trị và các hoạt động văn hóa cũng nhằm phục vụ đường lối của đảng. Tháng 10, 2011 Tập Cận Bình dành nguyên phiên họp khoáng đại của Trung Ương Đảng CSQT chỉ để bàn đến việc đưa Trung Quốc thành một siêu cường văn hóa. Hàng loạt chiến dịch được tung ra như “Giấc mơ Trung Hoa”, “Giấc mơ Á Châu Thái Bình Dương”, “Đường tơ lụa”, “Viện Khổng Tử”, “Mô thức mới trong quan hệ hữu nghị” và nhiều chiến dịch khác. 
Do đó, không cần phải phân tích nhiều cũng biết nguồn tài trợ của chương trình chẳng đến từ đâu xa mà được trích ngay từ ngân sách tuyên truyền văn hóa đối ngoại của đảng CS Trung Quốc. 
Không có một dữ kiện cụ thể ngân sách tuyên truyền văn hóa đối ngoại nhưng theo các nguồn có giá trị như của David Shambaugh trên Foreign Affairs, Trung Cộng đã dành khoảng 10 tỉ đô la vào mục đích đánh bóng chế độ. Con số này cao gấp 15 lần ngân sách của Mỹ dành cho các hoạt động văn hóa giáo dục quốc tế. Nếu tính cả các kế hoạch gây ảnh hưởng thế giới về mặt kinh tế, ngân sách của Trung Cộng lên đến 1400 tỉ đô la.
Nhân vật đầu tiên và quan trọng nhất cần phải đánh bóng dĩ nhiên là Mao Trạch Đông.

Lý luận tuyên truyền của Trung Cộng về Mao đặt trên quan điểm lịch sử. Đảng thừa nhận Mao có phạm các sai lầm trong thời kỳ “Bước Tiến Nhảy Nhảy Vọt, Công Xã Nhân Dân”, tuy nhiên, những lỗi lầm đó không che lấp được “công lao vĩ đại” của Mao Trạch Đông đã là “người lãnh đạo và dẫn dắt Trung Quốc từ một nước bị hàng trăm năm sỉ nhục thành một nước độc lập tự do và giàu mạnh như hôm nay”. Mao đã qua đời và công trạng của ông ta cần phải được vinh danh như ánh đuốc soi đường không chỉ riêng tại Trung Quốc mà cả trên thế giới. Ngày chết của Mao là ngày vinh danh các thành tựu của y chứ không phải là ngày nhắc lại những sai lầm đã thuộc về quá khứ. 
Lý luận này chế ngự trong nhận thức của gần hết người Trung Hoa lục địa mặc dù vẫn còn chưa chinh phục được hết khối người Hoa hải ngoại.
Đối phó với một bộ máy tuyên truyền có một ngân sách 10 tỉ đô la là những tiếng nói lẻ loi, rời rạc của những con người còn có lương tâm và lòng nhân ái nhưng không có phương tiện thông tin gì hữu hiệu trong tay ngoại trừ vài diễn đàn như change.org. Những chiến thắng của cánh dân chủ tại Hong Kong hôm 4 tháng Chín vừa qua là một khích lệ nhưng khó có thể đi xa hơn nếu chỉ dựa vào phương tiện duy nhất là các mạng xã hội. 
Bước vào khu sách lịch sử của nhà sách Barnes & Noble để thấy sự tội nghiệp, lẻ loi, cô độc của nạn nhân CS. 
Bên cạnh một giá sách hàng trăm cuốn về Hitler và Đức Quốc Xã, chỉ một hai cuốn về tội ác của các lãnh tụ CS như Stalin hay Mao Trạch Đông. Các nhà sử học và nhà văn gốc Do Thái có một trách nhiệm đạo đức mà họ luôn gánh trên vai là không bao giờ để Holocaust rơi vào quên lãng. Họ cũng tìm mọi cách để chứng minh Hitler là tội nhân hàng đầu của nhân loại chứ không ai khác và dường như y vẫn còn đang sống đâu đây. 
Trong lãnh vực phim ảnh cũng vậy, hàng trăm cuốn phim và gần như mỗi năm đều có nhiều phim mới về Holocaust. Nhiều phim được xếp hạng cao trong danh sách phim được ưa chuộng và được trao nhiều giải Oscar như Schindler's List, The Pianist v.v... nhưng chưa có một phim nào về tội ác của Mao trong các giai đoạn đau thương nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại của những thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất, Công Xã Nhân Dân, Bước Tiến Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa. Lý do đơn giản, nếu có cũng không thu hút khán giả Mỹ vì Mao chỉ giết dân Trung Quốc và đương nhiên không được phép chiếu tại Trung Quốc, nơi có thị trường phim ảnh thứ hai trên thế giới sau Mỹ. 
Không ai cho rằng Hitler là người không đáng nguyền rủa nhưng so với Mao Trạch Đông, Hitler chỉ là một học trò về tâm địa ác độc lẫn phương pháp giết người. Tuy nhiên, với phần lớn người đọc Mỹ, Mao đã chết, Chiến tranh Lạnh đã tàn và chủ nghĩa CS là bóng mờ trong quá khứ. Nhu cầu của các cường quốc ngày nay là nhu cầu kinh tế và do đó các liên minh hay chống đối nhau đều phát xuất từ các lý do kinh tế chứ không phải vì ý thức hệ như trước năm 1990. 
Thông tin hướng dẫn dư luận và chi phối nhận thức con người nên Mao đến nay vẫn còn là một bóng mờ bên cạnh Hitler. 
Kết luận đó đúng, ít nhất với hai Thị trưởng Sydney và Melbourne. Bởi vì nếu có một nhóm người nào đó tổ chức một buổi hòa nhạc vinh danh Hitler, đơn xin phép của nhóm đó chắc bị bác bỏ ngay từ đầu. Giới chức hai thành phố Sydney và Melbourne chấp nhận đơn xin vì lý do Úc có truyền thống tôn trọng tự do ngôn luận, nhưng theo Tiến sĩ sử học Chongyi Feng, người đã viết hàng chục tác phẩm về lịch sử Trung Quốc hiện đại, liệu có nên tha thứ những điều không thể tha thứ được và có nên dùng lý do tự do ngôn luận để ca ngợi một chế độ ngăn cấm tự do ngôn luận hay không. Theo ông là không nên. 
Các giới chức hai thành phố có thể nghe con số 45 triêu người chết dưới tay Mao đâu đó hay ngay cả đã đọc Mao’s Great Famine: The History of China’s Most Devastating Catastrophe, 1958-62 của Frank Dikötter, nhưng nghe, đọc là một chuyện và cảm thông với nỗi đau của nạn nhân, sự chịu đựng triền miên của gia đình nạn nhân là chuyện khác. 
Trong con đường dài của lịch sử nhân loại, sự thật sẽ thắng và về lâu dài, dù 10 tỉ đô la hay 100 tỉ đô la cũng không che giấu được tội ác của chủ nghĩa CS. Nhưng trước mắt, thực tế đấu tranh của các thành phần dân chủ tại các quốc gia còn bị chế độ Lenin không có Marx cai trị là một thực tế cô đơn, đau lòng và đầy chịu đựng. Đối diện với thực tế và nhìn nhận khó khăn không phải để rồi bỏ cuộc nhưng để biết phải kiên nhẫn hơn và đừng mong ai đến cứu mình. 

07.09.2016
Trần Trung Đạo