20 September 2016

NGƯỜI GIỮ NHÀ THỜ HỌ | Chương Kết - Khuất Đẩu

(xem Chương 1)
(xem Chương 2)
(xem Chương 3)

Chương Kết: Bão đầu mùa!


Con đường hầm mà bọn trộm đào từ bờ sông vào đến tận buồng ngủ, không biết chúng đã đào trong bao nhiêu lâu, nhưng ông bà thủ bản Khâm đã phải mướn đến năm lực điền dùng xe cút kít đẩy đất trong ba ngày mới lấp xong. Họ phải đổ đất và nén chặt từ bờ sông rồi lấp kín lòng hầm, chui xuống đó như bọn trộm, xong mới lấp cái miệng to như cái nia ở giữa buồng. Họ bảo phải làm như thế chứ không phải chỉ lấp ở ngoài bờ sông thôi như nhét một cái nút chai bằng cùi bắp. Chịu sao được với sức mạnh tràn bờ của nước lụt. Đó còn là một cách tránh không cho bọn trộm chui vào một lần nữa. Vì vậy, dù trời có sắp lụt, nước sông có tràn vào soi lên ngập đường, ông cũng không việc gì phải sợ.
Ông đã ngủ đến hai ngày đêm, một giấc ngủ có lẽ dài nhất trong đời. Cô con dâu thì đã dậy ngay trong buổi sáng hôm ấy và dùng nước mưa giặt áo quần cho chính cô và cho ông. Cái váy của cô quá rộng và quá dài khiến cô làm việc rất khó khăn. Nước bẩn bắn lên dính đầy những cái hoa to tướng in trên váy. Ông thủ bản không hay biết gì hết vẫn há họng ra mà ngáy to như kéo súc.

Trời mưa. Không một cây củi, một nắm than. Chẳng biết làm cách nào để nấu cơm, cô đành ngủ đói. Ngày hôm sau trời vẫn mưa và cha chồng vẫn chưa chịu dậy. Cô lại để bụng không mà ngủ thêm một đêm nữa.
Khi thức dậy ông ngạc nhiên thấy nước mưa lênh láng trong nhà. Ngạc nhiên hơn nữa là ông đã ngủ đến những 48 tiếng. Và, khi biết chính cô con dâu cũng phải ngủ đói vì không có chỗ và không có củi để nấu cơm, ông liền lấy rựa chẻ ngay một chiếc ghế đẩu làm củi. Cũng may là có một cái lò, ông liền đặt ngay lên mặt rương làm bếp, Ông bảo khi nào ngủ thì lấy lò xuống. Cơm nấu xong, chỉ có mỗi một thứ muối hột nhưng vì ai cũng đang đói nên ăn rất ngon. Mà lại ăn nhiều nữa, nấu đến những hai bơ gạo mà vẫn ăn hết.
Giờ không còn lo người mà lo trời. Phải làm sao chống dột đây?Tranh thì không có mà lớp đất trên mái đang tã ra nên nước và đất cứ theo những cái khe của những tấm mê bằng tre rơi xuống. Các bức vách ngoằn ngoèo những đường nước chảy và rải rác có những con sên dài và mỏng như cá thờn bơn lặng lẽ bò lên cao. Bàn thờ cũng ướt nhẹp và đầy sên. Các hộp đựng bài vị góc cạnh méo mó, đã lạnh lẽo trông càng lạnh lẽo hơn. Ông chỉ biết đứng nhìn, đành lắc đầu phó thác cho trời. Nếu cứ mưa mãi như thế này thì đến cả bàn thờ cũng phải chẻ ra làm củi mất!
Mưa gió đúng là nhếch nhác khó chịu thật. Mới có hai ngày mà như đã trải qua một mùa đông dài. Nhưng vẫn còn hơn nắng ráo mà phải chịu sự tra khảo của trống mõ thùng thiếc, những lời quát nạt của dân quân du kích, của ông Khứ bà Thảnh. Bây giờ vị trí cao nhứt là trời chứ không phải đội (cải cách). Bần cố nông cũng sợ lụt như địa chủ nào có khác gì. Dưới đảng thì có cấp nọ cấp kia chứ dưới trời chẳng có cấp nào hết, ai cũng như nhau, rất công bằng. Cũng có kẻ ác người lành đấy, nhưng giấu kín trong cuốn sách trời nào ai biết được. Nếu biết thì chẳng đứa nào dám ở ác.
Ông đẩy tấm ván chui ra khỏi lỗ. Nước mưa theo gió quất tới tấp vào mặt ông, lạnh buốt. Như thế này là sắp có bão rớt đây. Ở cái đất Bình Định này bão không chỉ thổi qua một lần mà cứ chà qua xát lại kỳ cho cây cối trốc gốc, nhà cửa đổ sập hết mới thôi. Nhà ông thì chẳng còn gì để sợ bão. Nhưng nếu cứ mưa mãi, lớp đất trên mái trôi hết thì  biết ở đâu bây giờ? Chẳng lẽ cả cha lẫn con đều chui vào trong rương!
Để khỏi nghĩ tới những cảnh kỳ cục, ông bèn chui vào lấy nón đi ra sông xem nước lụt. Đường luồng mới đó mà trâu bò đi lại đã làm cho nhão bấy, trơn trượt. Mọi nhà đều đóng cửa, nhưng cả xóm vẫn ồn ào. Những đứa trẻ mới hôm qua còn cầm mõ, thùng thiếc đi nghênh ngang gọi ông là ù lì, giờ trần truồng chạy đuổi bắt nhau. Có đứa thấy ông, đưa tay lên mặt vuốt nước mưa, nhe răng ra cười. Ông cũng cười lại. Dưới mưa tất cả bỗng dưng cùng vui vẻ.
Nước sông đục ngầu đang lên, đã ngập tràn bãi cát ở địa đầu thôn Trung Lương. Cái chòi của bà Sáu Chơi chỉ còn thấy hai mái bé xíu úp trong làn nước bạc như một chiếc nón rách. Hai mẹ con chắc đã đem nhau vào trú trong miễu. Ông nhớ nước đang xuống như thế này đơm kìm rất nhiều cá. Những con cá chạch mình dẹp như lá tre có ba cái chấm đen ở phần đuôi. Cái miệng bé tí của nó không thể nào ăn câu được. Chỉ có mùa lụt mới bắt được nó bằng cách cắm đó ở lưng chừng bờ sông. Người ta đặt cái đó ngược với dòng nước, dùng cọc tre dài kẹp hai bên, lấy cuốc đào một rãnh nhỏ để làm đường đi cho cá. Biết cách đặt và nếu gặp luồng, có khi cá chui vào đến nghẽn toi. Những con cá chơn láng như lươn không cần mổ bụng làm ruột, xỏ nguyên con vào lụi tre đem nướng sơ rồi kho với mắm cua chua, ăn với cải non cơm nóng trong khi trời mưa lạnh thì dẫu cá hộp của Pháp cũng không ngon bằng. Nhưng nước xuống nhanh và bất ngờ quá, không biết có ai đơm kịp không.
Ông đi qua cầu. Phía bên kia có một người đang đứng nhá. Không biết bần hay cố đây! Người ấy xoay cái áo tơi và cái nón về hướng gió để tránh mưa. Trông rách rưới quá. Gặp phải thủ ngữ Đực thì bỏ mẹ. Nhưng thủ ngữ Đực giờ này đâu thèm đứng nhá dưới mưa. Nghĩ vậy, ông liền mạnh dạn tới gần. Có khá không? Ông hỏi. Người ấy nói cũng được. Ông ngồi xuống bên cạnh. Té ra là biện Quế, một người cùng họ nhưng không cùng từ đường. Dẫu sao cũng là một chút máu mủ trong cái họ Phạm trôi nổi đến tận đây. Ông cũng hơi yên tâm, dẫu biết rằng trong cuộc đấu tố, nhiều làng cha con anh em chồng vợ tố nhau tưng bừng huống hồ là chỉ cùng một họ xa.
Ông ta kéo cái đụt đang ngâm trong nước lên khoe. Những con cá tươi rói nhảy choi choi phơi những chiếc vảy trắng sáng rất đẹp. Ông trầm trồ, nhiều quá, toàn là cá trôisốc không hà, thiệt là ngon! Biện Quế móc gói thuốc mời ông làm một điếu cho ấm còn ông ta thì cúi xuống bứt một cọng cỏ chỉ thật dài xỏ chừng năm con cá trôi  to đến nửa bàn tay. Cầm lấy đem về nấu bát canh, ông ta nói. Ông thủ bản ngần ngừ: để bán chớ. Bán chác gì, ông ta gạt đi.
Một lúc sau ông ta nói, thôi về đi. Ông hiểu ý đứng lên, nói lí nhí: cảm ơn.
Không ngờ, qua trận lụt này ông lại tìm được chút ấm áp nghĩa tình của ngày xưa tháng cũ. Có vẻ như mọi sự đang trở lại bình thường. Cái ao tĩnh lặng phủ đầy bèo cám bị quậy tung lên trong bao nhiêu ngày qua, giờ như đang lắng xuống.
Ông kêu cô con dâu ra lấy cá, còn ông đi rảo trong vườn tìm rau. Ông bẻ được mấy nhánh măng ở bụi trảy, tìm được mấy trái chuối mốc già, bứt một nắm rau răm, hái thêm mấy lá dấp cá, rồi kiếm vài trái ớt nữa là đủ. Canh chưa nấu ông đã thấy ngon. Vị ngọt của cá tươi, vị dắng của măng, vị chát của chuối, vị cay nồng của ớt và rau răm cọng với cái lạnh của bão rớt, ôi chao lại thêm một chén rượu tây nữa thì còn gì bằng. Chiều nay thế nào cũng khui chai rượu. Mưa gió thế này cho dù có là một thằng cha ưa rình mò thì hắn cũng chẳng dại gì chịu ướt át mà đến nhà mình. Hắn đâu có vì nước vì dân hết mình, hắn cũng phải vì vợ vì con nữa chớ. Hắn sẽ cơm no bò cỡi rồi ngủ tới sáng.
Ông kêu con dâu đưa cho ông cây cuốc. Ông chống cuốc ngó ra ngõ, nhìn lướt qua hàng dậu hai bên nhà, rồi cẩn thận đào. Chai rượu còn nguyên, ông liền đẩy vào bên trong, lấp lại cái lỗ, lại còn chà qua chà lại cho láng. Giờ ông thở phào, nhẹ nhõm. Ông nhớ hồi còn vợ, một con rắn lục không biết từ đâu nằm khoanh trên gác bếp, bà hốt hoảng la lên. Lúc đó ông đang cầm rựa vót nan, liền móc nó rơi xuống đất, nhanh tay chụp lấy cái đuôi cầm giơ lên cao. Ông lấy cái thạp, bỏ con rắn vào, đậy nắp lại. Rồi ông mua rượu ngon đổ vào, lấy rơm trộn đất sét đắp lên trên. Ông đem chôn ngoài vườn, đúng 100 ngày ra đào. Không ngờ cái thạp nứt, do con rắn quậy hay do cuốc ông chạm vào, mở nắp ra chẳng thấy rượu bách nhật đâu, chỉ thấy  có bộ da rắn nhầy nhầy. Chuyện đó khiến bà cười nhạo ông hoài. Bổ dương bổ thận đâu không thấy chỉ thấy có bổ củi!
– Cơm xong rồi vào ăn chớ nguội, cha ơi!
– Ờ, để ta rửa chân đã.
Ông ra giếng, nước lên tận miệng Ông chỉ cần lấy gáo múc chứ không cần gàu. Trời đã ngớt mưa nhưng gió thổi mạnh hơn. Những tàu lá chuối bị gió xé rách toang kêu lạch tạch. Những ngọn trảy cúi rạp mình xuống sát đất như một người điên đang xõa tóc quằn quại. Lá trảy rụng đầy vườn. Ông nghĩ, hết mưa sẽ chặt cả trảy trong vườn để làm mái, tạm qua hết mùa đông rồi hãy tính. À, phải làm một cái nhà nhỏ cho nó nữa chớ. Đâu có thể chung chạ như thế này mãi được. Ai đời cái từ đường họ Phạm giờ lại ra nông nỗi này. Lộn tùng phèo cả, đến nỗi bếp mà phải để trên giường nằm!
Bữa cơm nóng sốt được bày ra trên cái rương xưa. Vẫn còn cái lò bên cạnh và mùi thơm của canh cá bốc lên làm át cả mùi khói. Ông lại bàn thờ mò tìm cái tách uống trà bằng sứ men trắng. Ông nín thở vặn nút mở chai rượu. Một mùi thơm dìu dịu, mùi của nắng gió, sương tuyết tận trời tây chứ không phải mùi bùn đất cây cỏ nồng nàn ở trời đông. Ông run run rót những giọt rượu đầu ra chén. Một màu vàng nhẹ trong vắt như màu của nước trà thượng hạng. Linh thiêng và tinh khiết làm sao. Ông rất cảm động, vội đem chén đặt lên bàn thờ để mời người khuất mặt uống trước. Ông cũng đứng lên đánh đúng bốn mươi hai tiếng chuông một cách khoan thai dù chuông đã bị rè. Ông châm tửu đúng ba lần cho đầy tách, mô phật, rồi đem ra ngoài mâm cơm coi như đã cúng xong người chết để người sống hầu tàn.
Cô con dâu xới một chén cơm nóng, hai tay trịnh trọng để trước mặt ông. Cô so đôi đũa thật bằng, đưa cho ông cầm, miệng nói: dạ mời cha! Ông nói, ờ ăn đi. Ta uống một chút rượu trước đã. Ông bỏ đũa xuống mâm, nâng tách rượu lên ngang miệng, nghiêng qua nghiêng lại để ngửi mùi thơm, rồi rất nhẹ chạm môi vào cái thứ nước kỳ diệu mà suốt ba ngàn ngày mới được nếm. Ông lè lưỡi liếm môi, gật gật đầu. Ông đã nghe ra cái mùi vị không xa lạ của cái thời gọi là Pháp thuộc mà ông anh họ đi lính tây đã từng mang về. Nó êm ái đậm đà làm sao. Dĩ nhiên nó thơm ngon gấp mười lần rượu Bầu Đá. Ông chậm rãi cho rượu vào miệng như người ta rót nước mắm nhĩ vào chai, dù có giặc tới bên hông cũng không để mất đi một giọt. Khi đã đầy một ngụm, ông nhắm mắt nuốt và nghe cái thứ nước kỳ lạ đó như một con rắn lửa trườn êm qua cổ họng mình. Đi tới đâu nó đem lửa tới đó, một thứ lửa đầm đầm, êm êm làm thức dậy những niềm thương nỗi nhớ cũ tưởng chừng đã chết.
Cô con dâu đã ăn xong bữa, nhưng ông vẫn ngồi trầm ngâm bên tách rượu. Ông chỉ rẽ một chút cá chứ không và một miếng cơm nào. Ông bảo cô dẹp hết đi khiến cô ngạc nhiên hỏi: sao vậy cha? Cha đau rồi sao mà không ăn cơm. Hay là con nấu cháo cho cha? Ông bảo, đâu có đau ốm gì. Rượu này mà ăn cơm vào thì uống mất ngon. Cất đâu đó khuya đói ta ăn cũng được. Nói rồi ông bỏ chân xuống đất đi lại cái phản của ông. Cái đĩa dầu trên bàn thờ đã gần cạn. Trời đang tối và bão cũng sắp bắt đầu. Những tàu lá chuối đập vào nhau mạnh đến nỗi nghe như tiếng súng máy. Những đọt trảy quét sàn sạt trên mặt đất. Nhưng ngôi nhà với 16 cây cột cái  vẫn đứng vững. Những bài vị trên bàn thờ vẫn lặng im như những con cóc ngồi chờ kiến. Một sự tĩnh lặng gần như đông cứng khi cô con dâu dọn dẹp xong đã lặng lẽ leo lên trên cái rương xe nằm chờ giấc ngủ. Ông đưa chén rượu lên môi, uống một mình.
Ông đã uống đến một góc tư. Cứ cạn xong mỗi chén, ông nghĩ nên thôi, nhưng tay ông lại rót tiếp. Thực ra, ông muốn để dành chờ con trai về. Giờ nó đã lớn, ngồi uống với ông cũng được, đâu có lỗi phải gì. Sắp tới đây nó sẽ thay ông mà chăm sóc bốn mươi ba ngôi mộ và bốn mươi ba cái bài vị dù đã không còn tên tuổi nữa ngoại trừ tên ông. Cái nhà này có thể sập nhưng dòng họ Phạm nhất định không thể. Nó phải làm một cây cột cái vững chắc như ông. Có điều mai mốt phải đúc một cái chuông mới, to hơn, thanh hơn để nó ngân nga cho cả xóm cùng nghe như tiếng chuông ở chùa Thiên An vậy. Nhưng nó phải về mau mau lên để con vợ nó già rồi thì đẻ đái gì được nữa. Cuộc chiến tranh này ngoài những kẻ chết vì bom đạn còn có rất nhiều kẻ chết vì mỏi mòn chờ đợi quá lâu.
Ông tợp một hơi cạn chén. Thôi, lần này nhất định không uống nữa, ông dứt khoát đem giấu chai rượu dưới bàn thờ, cởi áo làm gối, ngủ. Ông thấy hơi rượu chạy lăng quăng như những đứa nhỏ lên ba. Chúng trần truồng, sạch sẽ, thơm tho đang nhảy múa trên bụng trên ngực ông. Rồi chúng bay chầm chậm lên trần nhà và mỗi đứa như có hai sợi dây đã buộc sẵn từ bao giờ nhẹ nhàng nâng ông dậy. Ông cũng thấy mình như đang bay là là trên mặt phản. Và trong vẻ mơ màng đó ông như thấy vợ ông tay cầm tổ chim sáo cùng bay ngang như thế, rất gần. Ông đưa tay ra với nhưng không cách gì chạm được. Ông như nghe tiếng bà trách ông đã già đầu mà còn sợ một thằng con nít. Ông định cãi, rằng đâu có phải chỉ già thôi đâu, ngay cả người chết, cho đến cả thánh thần cũng còn phải sợ nó nữa huống gì ông. Rồi ông lại mơ hồ nghe dặn thôi ngủ đi, đừng có mà nghĩ bậy bạ. Ông gật đầu và cảm thấy quả là mình đang rơi xuống trên một tấm nhung êm. Ông khép mắt và bắt đầu ngáy.
Tiếng ngáy đậm, mạnh đôi lúc kêu lụp bụp cùng với tiếng gió rít ở bên ngoài làm cho cô con dâu trằn trọc mãi không ngủ được. Ngôi nhà vẫn găm những cái chân xuống đất một cách vững chắc. Các trính và đà của nó vẫn ngậm chặt lấy nhau với những con mộng chưa hề xê xích đi một ly. Cái rương xe cô đang nằm trên đó cũng vững như đá bàn thạch. Vậy mà sao cô thấy cứ lo lo sờ sợ. Không như lúc bị giam ở miễu thượng. Dù nghe đồn có một con quỷ thả rơi từng cánh tay, từng ống chân, từng cái mình và đầu rồi ráp lại đứng lên… cô vẫn không sợ. Vậy mà giờ đây, cô tưởng chừng như cô thứ chín từ trên cây đà đó bước xuống, đưa tay mò mẫm trong bóng tối. Tay cô ấy đen và khô như củi, những móng lâu ngày không cắt dài ra và uốn cong lại như vuốt mèo. Rồi cô nghe tiếng ai như tiếng một người đàn ông kêu lạnh quá ở bên ngoài. Phải chăng đó là tiếng chú Sáu chết chìm. Và, sau cùng là bà mẹ chồng, tay vẫn cầm cái tổ chim, không biết bằng cách nào đã chui được vào nhà. Bà đang đứng sát cái rương cô nằm, kéo váy cô lên bảo đây là chỗ của bà. Quá hoảng sợ, cô kêu thét lên: cha ơi!
Cô đã kêu như một người sắp chết đuối và người được gọi lao tới như một người đang đi trên cầu thấy có người ngã xuống nước. Ông thấy trong tay mình không phải là một người ướt sũng nước mà là một thân thể khô ráo nếu không muốn nói là rất ấm áp. Ông vừa lay mạnh vừa hỏi: gì vậy, ngủ mớ hả? Dạ bão to quá, con sợ. Không sao đâu, ngủ đi. Dạ. Ông rời khỏi rương, về lại cái phản của mình. Ông đặt lưng xuống, cảm thấy cái phản cứng như đá. Ông nghĩ, mình sẽ mua một chiếc chiếu, ngủ ở trên phản cái lưng đau như bị ai dần. Cái võng thì chỉ nằm chơi chứ ngủ suốt đêm sao được. Nó làm cho cái lưng của mình cong vòng, còn tệ hơn là nằm phản.
Ngọn đèn trên bàn thờ cạn dầu đã tắt. Bão đã tới và đang túm lấy những mái tranh xác xơ của dân nghèo, như người ta túm cổ những con vịt đang kêu cạp cạp đem đi cắt tiết. Những tấm tranh bị bứt ra, bị ném tung lên như lông vịt vừa mới nhổ thả bay trong gió. Cả xóm bị ném ra khỏi nhà, hay là bị bão cướp mất nhà để họ kêu la khóc lóc giữa trời. Nhà ông lại khác, như một cái hang lộ thiên. Toàn đất và đất. Gió thổi phù phù mặc gió, ông vẫn cứ nằm yên mà chờ giấc ngủ. Không như bao người được vinh dự gọi là  bần cố nông ấy, lúc này trong đêm tối ướt át, đang hốt hoảng gọi nhau. Con tuyệt vọng gọi mẹ. Mẹ tuyệt vọng gọi cha. Cha tuyệt vọng gọi trời. Chẳng ai gọi đảng. Dĩ nhiên cũng không còn gọi địa chủ ù lì. Trước đây ông không thù ghét gì họ, nhưng từ khi đảng tập họp họ lại, bao vây và định tiêu diệt ông thì giữa họ và ông đã dựng lên bao nhiêu là gươm giáo. Nghĩ tới cảnh khổ của họ trong lúc này ông lại thấy sướng,  mặc dù ông biết rằng như vậy là bất nhẫn.
Ông chợt nhớ là mình chưa ăn cơm. Canh cá ngon thế nhưng rượu còn ngon hơn. Mình đã uống một bữa đã đời, ông nghĩ. Cái rượu này cứ như rượu bổ, uống vào thấy mát ruột chứ không cồn cào. Thằng Khứ và con mụ Thảnh biết được mình vẫn sang như tây, chắc ngày mai sẽ đem mình ra giữa cầu tố khổ rồi đạp xuống sông cho nước lụt cuốn đi. Mình có làm gì hại nó đâu mà sao chúng căm thù mình đến thế. Mà có phải chỉ mỗi một mình thôi đâu. Căm thù giống như một dịch bệnh xa lạ từ đâu lan tới. Hệt như bệnh sốt rét, ai cũng run lên vì căm thù mà không hiểu vì sao. Trước thì căm thù thực dân Pháp, phong kiến, tiểu tư sản, giờ căm thù can thiệp Mỹ, địa chủ ác ôn, phú nông ngoan cố. Căm thù đã trở thành thước đo của tiến bộ, của năng lực và dĩ nhiên là của lòng yêu nước. Yêu nước phải căm thù và căm thù là yêu nước! Bọn họ đã nói ra rả suốt ngày đêm như thế.
Đúng là con mụ đã đem ô trọc tới cái nhà này và làm cho tất cả cùng kêu lên kèn kẹt như bị quỷ ám. Bốn mươi hai cái bài vị đang nhảy loi choi trên bàn thờ và bốn tấm ván dưới lưng ông như đang chòng chành. Bão ngoài trời đã dịu đi nhưng trong ông bão lại nổi lên. Cũng có tiếng gió hú, tiếng thét gào, có tiếng kêu cứu. Ông định đánh một vài hồi chuông thì nghe có tiếng nghiến răng của cô con dâu. Tiếng kèn kẹt như nó đang nhai một cái gì đó trong miệng. Hình như đó là những miếng tai mỏng của ông. Thế mà ông lại không sợ. Ông ngồi dậy, định đi ăn cơm. Dù tối nhưng ông vẫn biết cái chạng để thức ăn đặt ở chỗ nào. Ông thòng chân xuống phản, bước qua ngạch cửa. Khi đi ngang qua cái rương ông lại nghe tiếng hai hàm răng siết vào nhau. Rõ ràng như nó đang ngấu nghiến nhai nuốt cho mau hết cái vành tai vô tích sự của ông. Ông dừng lại định lay vai nó. Ông đưa tay ra quờ quạng. Bàn tay của ông với năm ngón như những cái que cua lần đi trong hang, bỗng tần ngần dừng lại. Ông cảm thấy như ngạt thở. Và cũng như nó, ông cảm thấy như mình cũng đang nhai một cái gì. Ông cố nuốt vào cổ họng mình tiếng kèn kẹt vẫn cứ không ngớt tuôn ra.
Không phải đôi vai mà là đôi bàn chân với những ngón nhỏ và ấm. Ông đứng sát vào rương. Cái rương cao quá gối, trong bao nhiêu năm ông lạ gì nó, dù mấy ngày qua cứ xê dịch hết che cái lỗ ra vào lại dùng làm bếp nấu cơm. Ông nhớ mặt rương cũng bóng như mặt phản, cái nắp của nó đôi khi đậy không sát cũng kêu lên khiến ông giật mình. Ông nắm cái cổ chân tròn và nhỏ trong tay. Sao nó mỏng manh và vừa tay đến thế nhỉ. Mình chưa bao giờ được nắm một cái cổ chân như thế này. Con nhỏ vẫn đang nghiến răng như cắc kè trong bộng cây gõ nhịp. Ngày mai mình sẽ kiếm một con nhện chửa nướng cho nó ăn. Nghe nói ăn nhện nướng cũng hết nghiến răng.
Rất bất ngờ, vì chính ông cũng không ngờ được, ông bỗng chụp lấy một cổ chân nữa rồi kéo cả hai về phía mình. Cái váy rộng rũ xuống. Ông ôm hai cái chân dựng ngược áp sát vào ngực. Rồi ông lắc như điên như dại với tất cả căm thù, tất cả tủi hận, tất cả xấu hổ trong suốt những ngày qua. Ông cũng kêu lên, rít lên như những con mụ tố khổ, như bọn trẻ hô đả đảo, có lúc gầm gầm gừ gừ như thằng Khứ hỏi cung. Cái rương với bốn bánh xe bằng sắt rỉ cũng tới cũng lui và kêu kít kít. Ông đã bắt được kẻ thù giấu mặt và đang đánh nhau với nó. Ông thở hồng hộc, mệt muốn đứt hơi. Ông đánh mãi cho đến khi ông bắn vọt ra như xả một tràng đạn súng máy vào ngực con mụ Thảnh. Lúc đó ông mới bàng hoàng bỏ hai ống chân không phải của mình xuống đất.
Ông mò mẫm trở về chỗ của mình.
Ông không còn nghe tiếng nghiến răng nữa mà nghe tiếng khóc.
Khi đã nằm yên trên phản, tuy tối đen, ông vẫn trông thấy đứng trước mặt mình là ông em thứ sáu, cô em thứ chín và người vợ với cái tổ chim. Ông cũng thấy bốn mươi hai cái bài vị sắp hàng tư trên bàn thờ như rung lên giận dữ. Rồi mười sáu cây cột mà cây nào lúc nhỏ ông cũng đã từng leo tuốt trên cao tuột xuống như nhúc nhích muốn bước đi khiến những xà những trính của nó xệch xạc sắp rời ra. Giống như ông tổng Bá đang đứng trước nhân dân, có điều đây là một đám nhân dân yên lặng. Không tiếng nói, chỉ có mắt nhìn không thôi. Ngay cả cột kèo cũng có mắt nhìn, những con mắt to và buồn như những cái hố bom chưa được lấp.
Ông co gối lên tận ngực, hai tay ôm lấy đầu.
Như một thằng ăn cắp bị đem ra nọc trước sân đình.
Bên ngoài bão vẫn chưa dứt. Những đôi cánh to lớn của nó vẫn mang những đám mây sũng nước và tiếp tục trút xuống. Đất trên da cái nhão ra trôi tuột chỉ còn lại rơm mục không đủ sức cản nước mưa khiến căn nhà suốt mấy mươi năm khô ráo giờ ướt sũng. Nước chảy dọc theo mười sáu cây cột, theo bốn cái xà, tám cái trính. Nước chảy trên bốn vách bằng đất và vách xông bằng gỗ. Nước rơi tong tong trên mặt phản, trên mặt rương và trên bàn thờ với bốn mươi hai tấm bài vị. Bàn thờ bây giờ giống như một bãi tha ma thu nhỏ ướt át, dơ bẩn, lạnh lẽo. Cóc nhái, chuột bọ cũng bắt đầu chui vào nhà. Ngoài những con sên còn có cả những con trùn khoan, những con rít nhiều chân và cả bò cạp. Thỉnh thoảng có tiếng dế gáy lảnh lói như một tiếng cười lạc điệu. Ngôi nhà mỏi mệt cố đem cái sức tàn để giữ cho mười sáu cái chân khỏi đổ sụm xuống.
Nó thấy tiếc là không được chết chóng vánh trong ngọn lửa của quân thù.
Người con trai cuối cùng của dòng họ Phạm đã trở về sau khi tham dự cuộc duyệt binh mừng chiến thắng và quốc khánh mồng hai tháng chín ở sân bay Phù Cát. Đây là một cuộc biểu dương lực lượng hùng mạnh trước khi tập kết ra Bắc. Với một bộ đồ xita mới, một đôi dép lốp, một chiếc mũ nan bọc vải và lưới, một cây súng trường dài ngoằn, anh oai vệ bước đi trong hàng quân. Anh nhìn cái rừng người mặc toàn những bộ đồ đen bạc thếch, đang há hốc mồm trước những chiếc xe thiết giáp và những khẩu đại bác. Trong đám đó, ai là cha, là mẹ, là vợ? Sau chín năm, sao họ trông giống nhau đến như vậy. Cũng làn da khô đen như da người bị chết đói. Cũng đôi mắt sâu hoắm trõm lơ. Đàn ông, đàn bà và cả trẻ con cũng đều đội mỗi một thứ sờn rách như nhau là nón lá. Sự nghèo đói, sự thiếu thốn đã bắt họ phải đồng phục như đang sống trong một nhà tù không chấn song vĩ đại.
Buổi sáng hôm ấy họ đã hoan hô không ngớt khi trông thấy đoàn quân với những xe những pháo đi qua truớc lễ đài, dưới cái nhìn của các vị lãnh tụ từ Các Mác cho đến Kim Nhật Thành. Họ say men chiến thắng để rồi mệt mỏi trở về với xóm làng vẫn chưa nguôi hận thù trong những đêm đấu tố. Sự nhỏ nhen, ti tiện từ ngàn năm được thổi bùng lên và như những con gà ghét nhau vì tiếng gáy, họ lao vào đấu đá mà quên mất là đã bị bỏ rơi.
Thôi mặc họ, hãy về với gia đình.
Sau lễ, anh được phép về thăm nhà trong ba ngày. Anh nôn nao biết chừng nào Anh đi suốt đêm và khi trông thấy cái nhà không mái lạ lùng, ướt sũng nước mưa, anh như không tin vào mắt mình. Cha anh đã nói vắn tắt cho anh hay mọi sự nhất là cái chết của mẹ anh, ông chỉ nói bà cảm gió mà chết.
Buổi chiều, ông đem chai rượu bày ra trên thềm nhà vừa được quét dọn sau cơn bão. Ông bảo con trai ngồi uống với ông. Anh con trai bảo không biết uống. Ông nói rượu tây đấy, ngon lắm. Không biết cũng uống thử một chén. Anh ngồi đối diện với cha. Anh muốn nhìn khuôn mặt của cha mình sau chín năm nhưng ông nghiêng người quay nhìn ra ngõ. Ông nói, đi bộ đội có gì vui mà đến tận bây giờ mới về nhà. Anh nói, vui vẻ gì đâu. Đã lỡ đi là phải đi thôi. Với lại đâu có bỏ mà về được. Có mà đi tù. Vào đảng chưa? Ông hỏi. Có cảm tình nhưng chưa được, anh lắc đầu nói. Thôi đừng vào, ông thở dài. Sao vậy cha? Chẳng sao cả, ông cười buồn, vào để lại tố cha là địa chủ phản động à! Thành phần của nhà mình là địa chủ sao? Anh ngạc nhiên hỏi lại. Chứ còn hỏi gì nữa, nếu không có chuyện đi tập kết thì đã bị đem ra đấu rồi. Thôi uống đi, đừng hỏi nữa, buồn lắm. Ông dốc ngược chén lên, cạn một hơi. Anh đưa rượu lên mũi ngửi, cảm thấy rất thơm. Anh nhấm nháp như mèo liếm nước.
Mặt đỏ gay, ông lại càng không dám nhìn anh con trai. Phải như trước mặt mình là một người đàn ông xa lạ, ông nghĩ,  mình sẽ thú tội và để hắn ta muốn đâm muốn chém gì cũng được. Mình sẽ nói, chén rượu này là chén rượu tội lỗi, ta xin uống cạn. Nhưng đây là con trai của ông, nó đang ngồi vô tư trước mặt ông, nó có biết gì đâu và đang nóng ruột không phải vì rượu mà vì muốn được cùng vợ lên giường. Nói làm sao? Cha xin lỗi con à? Mình sụp xuống chân nó mà lạy như Tào A Man lạy Quan Công à? Bỗng dưng như trêu như ghẹo, nó hỏi: Mẹ mất rồi, cha có định cưới vợ nữa không đây? Ông nghe xương thịt mình kêu rôm rốp. Ông nói, hỏi gì lạ vậy… Thôi vào trong đó đi, ta qua chùa Thiên An thăm sư cụ. Ông đứng lên xách chai rượu một mình đi ra ngõ.
Ông quay lại nhìn ngôi nhà, nhìn anh con trai qua làn nước mắt, nói lớn: đi tập kết hả, ừ đi mạnh giỏi!
Đó là lần cuối cùng anh nhìn thấy cha mình. Không buồn, không vui. Nhạt nhạt cứ như chào hỏi một người hàng xóm.
Anh chui vào. Vợ anh đang quay mặt vào trong vách, khóc. Anh nằm xuống bên cạnh, lật ngửa nàng ra. Không nói không rằng anh trút tất cả nỗi thèm muốn căng cứng vào nàng. Anh cũng thả chìm vào đó những nỗi sợ hãi, những ước mơ thanh xuân và cả những bóng hình tục tĩu. Đây là trận công đồn mà anh thích nhất. Với lưỡi lê tuốt trần, anh lao lên phía trước. Anh sướng điên người khi nghe có tiếng rên rỉ của kẻ thù. Khi anh thầm hô xung phong thì cũng là lúc anh nghe hai tiếng “anh ơi” đắm đuối như một tiếng reo thắng trận.
Khi hai người trẻ trung khát khao chờ đợi đến những mấy ngàn ngày để bù đắp cho nhau thì mười sáu cây cột cái cũng muốn rung rinh, các xà trính cũng muốn lung lay và bốn mươi hai cái bài vị trên bàn thờ cũng muốn múa nhảy.
Ngồi tựa lưng vào cái cửa ngõ chưa bị phá của đình làng An Định, ông thủ bản ngó lên hai con kỳ lân hãy còn đứng vểnh râu. Ông nhớ tới  những ngày thần thánh cũ. Khi ấy với chức thủ bản ông đã đem hết cả tâm trí và đức hạnh của mình ra phụng sự đình làng. Ông coi đình như nhà mình, thuộc từng ngóc ngách, nhớ từng cái chén, cái đĩa, những cờ những phướn. Cái rương sơn đen đựng những tờ sớ, những sắc phong của triều đình được ông nâng niu gìn giữ còn hơn cả bốn mươi hai bài vị của nhà họ Phạm. Ông tận tụy như thế chỉ mong, khi chết đi được làng đưa tới mộ với cờ trống rập rình như trong lễ rước sắc thần.
Chưa được bao lâu thì đình bị phá. Rồi  những tai họa nối đuôi nhau giáng xuống: em chết, vợ chết, những cuộc đấu tố, những đêm trong ngôi nhà bít bùng như một cái hang, những tiếng nghiến răng trèo trẹo… và ta đã làm gì, có phải là ta đấy không? Có phải cơn bão hôm ấy tuy không xô ngã nhà nhưng lại xô ngã ta? Vì tiếng gió rít, vì tiếng thét gào đả đảo hay vì tiếng nghiến răng? Khi nghe hai tiếng “cha ơi” sao ta chưa tỉnh ra mà lại càng lao tới? Ta đần độn, si ngốc, dâm đãng, quay cuồng giữa bốn bức tường tối ám trong căn nhà âm u không có ánh mặt trời.
Ông cũng biết rằng sẽ có một ngày như thế, một ngày mà đứa con trai đứng trước mặt ông vừa là ông chủ vừa là quan toà, một ngày tất cả bỗng chói loà như cả cái mái bằng đất nặng nề bị ném sang một bên để trời xanh và nắng đỏ cùng trút xuống.
Một ngày mà cha phải sợ khi đứng trước mặt con. Một ngày như hôm nay là để cho ông, chính ông đấu tố ông. Cuộc đấu tố này mới thực sự khốc liệt, ông sẽ phải tự mình lột da mình, sẽ phải thực tình khai báo không phải trước nhân dân mà là trước bốn mươi hai cái bài vị trên bàn thờ của nhà họ Phạm. Ông sẽ bị đeo bảng trước ngực dong đi không phải trong làng mà đi vòng quanh bốn mươi hai ngôi mộ nằm lạnh lẽo trên tận núi Mò O.
Tu một hơi, nhăn mặt khà một tiếng, ông đứng lên.
Không thể được, ông nghĩ, không thể làm nhơ bẩn nơi này dù chỉ còn là gạch đá. Ông đi ra sông. Bầu trời sau cơn bão vẫn còn nhem nhuốc. Không một ánh sao.
Ông ngồi lại bên cầu nhìn xuống dòng nước. Ông nghe tiếng chuông chùa Thiên An ngân nga. Âm thanh của nó như được cán mỏng, rất mỏng trải trên mặt sông. Nó trôi là đà, mênh mang. Đúng là chỉ có nước mới rửa sạch được tất cả. Nước cũng sẽ ôm vào lòng mọi bất hạnh, mọi căm thù. Nước không đấu tố ai cả, nước là mẹ.
Rượu cũng là nước, một thứ nước rất tinh khiết vì được chưng cất công phu. Nhưng sao nó làm hại mình? Có phải nó pha trong đó cái sắc dục của những con đầm? Màu rượu là màu tóc của nó? Cái vị nồng nồng ngọt ngọt là thịt da của nó? Mả cha cái bọn thực dân. Chẳng những đốt nhà mình, chúng còn nhốt những con quỷ trong các chai rượu. Ừ, chỉ có thế mới hại được mình.
Mà sao mình cứ đổ thừa mãi thế. Mình phải chịu trách nhiệm chớ. Chẳng ai xui ai khiến mình cả. Tự trong mình nó muốn vậy thì phải làm vậy. Mình không nên đổ lỗi, lại càng không nên xin lỗi. Cái lỗi to như hòn núi Đất thì xin sao được. Ai mà gánh nổi đổ xuống biển giùm cho. Ông khổng lồ từ lâu đã không còn nữa.
Rượu hết. Ông định đái đầy chai đem bỏ trước nhà kẻ đã làm ông khổ nhục suốt mấy năm qua, nhưng ông lại thôi. Nó không xứng đáng được uống cái thứ nước đựng trong cái chai đẹp đẽ này cho dù đó chỉ là nước đái. Ông ném chai xuống sông, nghe một tiếng “bũm”. Chẳng còn gì để cho ông chần chừ. Phải vậy thôi. Người ta có thể sống mãi với lòng thù hận, với sự trí trá gian ác nhưng không thể sống mãi với lòng ân hận.
To hơn tiếng cái chai một chút, cũng một tiếng “bũm” vang lên khi ông gieo mình xuống con sông đầy nước. Lúc ấy, tiếng chuông chùa Thiên An đang trôi trên sông đã làm cho cái tiếng “bũm” mờ đi, bớt thô tục.
Hôm đó là ngày mồng ba tháng chín năm một chín năm tư.
Tiếng vọng
Hai mươi hai năm sau…
Một buổi chiều đầu thu, người thừa tự thứ 14 của dòng họ Phạm trở về. Đó là một ông già buồn hơn cả mọi ông già buồn của làng An Định. Ông mặc một bộ đồ màu cứt ngựa, mang dép nhựa màu nâu, đội mũ cối. Như bộ đội mà không phải bộ đội. Ông vác một cây gậy Trường Sơn, phía sau đu đưa một cái soong méo, một cái ấm sứt quai, một cái ca sắt. Ông đứng ở đầu làng, nhướng đôi mắt mỏi mệt về nơi ngày xưa ông đã được sinh ra trong tiếng chim ríu rít của vườn cau.
Ông nôn nao không biết có còn gặp lại cha mình?.
Ông bước gấp về phía vườn nhà.
Chẳng còn gì cả ngoài một đống đất đầy cỏ dại và những cây tảo nhơn, cây thù đâu.
Ông ném cây gậy xuống đất. Những ấm, những soong kêu loảng xoảng. Ông tháo ba lô con cóc trên lưng, ngồi tựa vào một cây cột còn sót lại. Ông lấy thuốc ra hút, thở ra những làn khói đậm đặc. Ông nghe lòng mình vang dội những tiếng kêu đau đớn.
Có một người hàng xóm già, khô quắt, ông Sáu Hủ thấy ông về ghé qua thăm. Ông ta kể chuyện làng bị đốt, dân làng phải chạy dạt lên chợ Bò và sau cùng hỏi:
– Ra ngoài đó làm tới chức gì rồi?
– Chẳng làm chức gì cả.
– Đi tập kết mà sao không làm chức gì?
– Con địa chủ, không chết đã là may, chức tước gì nữa.
– Vậy làm gì để sống?
– Chăn bò.
– Sao vậy?
– Thì chăn bò chớ sao. Nông trường giao chỉ tiêu chăn 5 con.
– Cách mạng ngộ nhỉ!
– Ngộ quá chớ còn gì nữa!
– Cha cậu mất rồi nhưng vợ còn sống đó, về ở bên An Đông.
– Vậy hả?
– Cậu có một đứa con trai, biết chưa?
– Một đứa con trai?
– Ừ.
– Mừng quá. Chắc tôi phải qua bên đó.
– Ừ, đi đi!
Ngay tối hôm đó, ông lội sông qua nhà cha vợ. Biết ông đến, bà lánh mặt. Từ bên trong bà nói vọng ra:
– Nó là dòng dõi họ Phạm đấy. Nhưng tôi không còn là vợ anh!

Viết xong 8/2008
Hiệu đính  9/2013
Khuất Đẩu