Vừa rồi ông Vladimir Putin gặp ông Tập Cận Bình ở Hàng Châu, Putin ủng hộ
lập trường của Trung Cộng về các quần đảo ở Biển Ðông nước ta. Nếu vẽ hí họa,
tôi sẽ vẽ cảnh hai ông nâng ly chúc mừng nhau. Trên bức tranh viết lời hai ông
nói. Ông Putin đưa tay thề nói “Không, không có lính Nga nào ở Ukraine!” Ông
Tập Cận Bình thì tuyên bố: “Trung Quốc không hề chiếm một hòn đá của nước nào ở
Hoàng Sa, Trường Sa!”
(Xin lỗi, chắc ông Tập không dùng những tên Hoàng Sa, Trường Sa. Ông phải
gọi là Nam Sa và Tây Sa, tên người Tàu đặt nay Trung Cộng vẫn dùng. Và báo chí,
sách vở của Việt Cộng trước đây cũng hay dùng những tên Tàu này).
Những điều Putin và Tập Cận Bình nói, cả thế giới biết là dối trá. Các nước
Ðông Nam Á ở vùng Biển Ðông đã và còn đang phản đối Trung Cộng chiếm đảo, chiếm
đá, lập căn cứ và phi trường quân sự. Còn tại Ukraine, chính phủ Kiev mới trình
diện trước báo chí một anh lính Nga đào ngũ ra hàng quân đội Ukraine.
Vậy mà Putin và Tập Cận Bình vẫn tiếp tục nói dối. Nói láo không biết ngượng,
chắc chắn rồi. Nhưng điều đặc biệt là những lời dối trá đó vẫn được dân Tàu và
dân Nga tin là sự thật! Tài nói láo của Putin và Tập Cận Bình đã được đào luyện
trong cùng một lò: Ðảng Cộng Sản. Chế độ Cộng Sản đưa nghệ thuật nói láo lên
đến cực điểm. Người Việt Nam đã biết điều này từ năm 1945, nên vẫn có thành
ngữ: Nói dối như Vẹm. Bao nhiêu người nghe và tin tưởng; đến lúc biết sự thật
thì quá trễ! Cuốn hồi ký của ông Tống Văn Công, sắp xuất bản, sẽ cho chúng ta
thấy tình cảnh một thanh niên yêu nước bị đảng Cộng Sản lừa gạt như thế nào,
đến cuối đời còn ân hận tại sao mình để chúng nó đánh lừa bao nhiêu năm giờ mới
tỉnh ngộ!
Nhưng trên thế giới có lẽ đám đông dễ bị Cộng Sản lừa gạt nhất là giới trí
thức Mỹ. Tôi xin kể chuyện một nhà văn làm thí dụ.
Tôi quen Larry Heinemann từ những năm 1990, gặp nhau nhiều lần khi cả hai
cùng dự một cuộc hội thảo văn chương hàng năm ở Boston. Ðó là những tuần lễ
nghỉ hè không tốn tiền tại một thành phố đáng yêu và rất trí thức, lại có dịp
gặp gỡ những người cùng thích nói chuyện thơ văn. Anh ở Chicago, còn tôi ở
Montreal. Chúng tôi không liên lạc từ vài chục năm nay. Vì anh rất Mỹ, đặc biệt
Mỹ, còn tôi thì thuần túy Việt, Việt quá đáng. Tôi rất quý Heinemann, con người
thẳng thắn, cởi mở, và thích nghe kể chuyện về Việt Nam, lắng nghe cả những ý
kiến khác mình. Nhưng ngồi uống la de với nhau độ nửa giờ thì không còn đề tài
nào để đấu chuyện tiếp nữa. Vì tôi không biết gì về các tài tử chiếu bóng, ca
sĩ Mỹ; không biết gì về các cầu thủ base ball, không coi football, không thể
ngồi coi ti vi quá 15 phút, và rất lười dùng điện thoại. Ðàn ông gặp nhau chỉ
để nói chuyện văn thơ thì chán chết.
Khi gặp tôi, Heinemann đã rất nổi tiếng. Anh cho tôi cuốn tiểu thuyết
“Chuyện Paco,” (Paco’s story). Chính anh cất công đi tìm mua cuốn sách của mình
ở một tiệm trong thành phố Boston; chỉ để có sách ký tặng, khiến tôi rất cảm
kích. Tôi chưa bao giờ đi tìm mua sách của mình để tặng ai cả. Paco’s story
được tặng Giải thưởng Văn chương Toàn quốc (National Book Award) năm 1987. Ðây
là một giải thưởng văn chương rất được kính trọng ở Mỹ. Câu chuyện kể kinh
nghiệm của anh lính Paco trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 1967, Heinemann
là lính trong Sư Ðoàn Bộ Binh 25 ở Việt Nam, anh chuyên lái thiết vận xa. Anh
kể rằng nếu xe trúng đạn, phát nổ thì tài xế sẽ tan thành khói, bụi, ngay lập
tức; vì anh biết mỗi chiếc xe chứa hơn 350 lít xăng, mỗi thùng bốn lít có sức
nổ đẩy bật một vật nặng hơn 400 ký lên cao gần 500 mét. Anh giải ngũ sau hai
năm đi quân dịch. Em trai anh thì vào thủy quân lục chiến, đi Việt Nam, bị
thương, đi Việt Nam chuyến nữa, trở về nhà, đi làm, lập gia đình, nhưng sau
mươi năm đã bỏ cả vợ con đi biệt tích. Heinemann trở thành một nhà văn chống
chiến tranh.
Với tất cả lòng quý mến với một nhà văn có tài, một người bạn đáng quý, hôm
nay tôi nhắc tới Heinemann vì thấy một thí dụ điển hình về cái tính nhẹ dạ cả
tin của một người Mỹ. Những người sống hồn nhiên như vậy rất dễ bị lừa. Nhất là
khi họ gặp những người chủ tâm đánh lừa, những kẻ coi ăn gian nói dối là một
nghệ thuật và coi việc đánh lừa người khác là một bổn phận thiêng liêng. Hăng
hái nhất trong loại người này là Việt Cộng!
Người Mỹ bị đánh lừa ngay từ cách dùng hai chữ “Việt Cộng.”
Trong tiếng Việt Nam, Việt Cộng có nghĩa tất cả những “người Việt theo Cộng
Sản,” dù ở miền Nam hay miền Bắc. Cũng như Trung Cộng là người Trung Hoa theo
Cộng Sản. Thí dụ, năm 1955 khi chính phủ Ngô Ðình Diệm vận động “Truất phế Bảo
Ðại,” Bộ Thông Tin cho phát thanh suốt ngày bài “Nghe vẻ vè ve, nghe vè Bảo
Ðại.” Bài vè đó tố cáo hai cái tội của cựu hoàng, là “liếm gót thực dân – đầu
hàng Việt Cộng!” (sic) Hai chữ Việt Cộng nhập vào kho ngôn ngữ bình dân từ năm
đó. Sau năm 1975, người dân Sài Gòn được đi học tập mỗi buổi tối trong xóm,
trong phường. Sau khi nghe cán bộ nói dóc về cách mạng, về tội ác Mỹ Ngụy, về
thiên đường vô sản, vân vân, mọi người được yêu cầu phát biểu ý kiến. Bị gạn
hỏi, thúc giục mãi, một bà cụ phải đứng lên cảm ơn Cách Mạng. Bà nói: Nhờ ơn
Giải Phóng, đến nay chúng tôi được ngủ yên, không lo bị Việt Cộng pháo kích
nữa!
Nhưng phần lớn người Mỹ dùng từ Việt Cộng chỉ để gọi tên những người được
coi là đi theo “Mặt trận Giải phóng Miền Nam.” Họ còn dùng hai chữ này để phân
biệt đám người đó với quân đội Bắc Việt. Phân biệt như vậy tức là đồng ý có hai
loại binh sĩ Cộng Sản đang đánh nhau: Việt Cộng người miền Nam, và quân đội
miền Bắc! Ðúng là chỉ lập lại một luận điệu tuyên truyền, “mắc mưu Việt Cộng!”
Người Việt Nam nào cũng biết “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” chỉ là một đám đào
kép được “Việt Cộng thứ thiệt” ở ngoài Bắc cho ra sân khấu. Khi diễn xong tuồng
thì đào kép bị dẹp bỏ không thương tiếc – sau năm 1975 cả thế giới đã thấy.
Nhưng sau 1965 (năm Douglas Pike xuất bản cuốn sách mang tên Việt Cộng), các
nhà báo và các nhà nghiên cứu người Mỹ dùng hai chữ Việt Cộng để chỉ Mặt Trận
thôi, quân đội chính quy miền Bắc là khác. Cách dùng chữ này còn lưu truyền cho
tới bây giờ, ngay cả những bạn trẻ người Việt lớn lên ở Mỹ, đọc sách báo Mỹ,
vẫn hiểu hai chữ Việt Cộng theo lối Mỹ! Trong khi những Việt Cộng như ông
Trương Như Tảng đã vạch rõ tấn tuồng giả dối chính ông ta dại dột tham dự; ông
Tảng tự nhận là một “Việt Cộng” trên tựa cuốn sách!
Nhưng từ năm 1967 Heinemann đã biết sự thật. Anh biết anh đánh nhau với quân
đội Bắc Việt, chứ không phải “Việt Cộng” nào cả. Anh kể lại, trong cuốn
Patriots, trận đánh với 1,500 “quân Bắc Việt” (thuộc 272nd NVA regiment) ngày 1
Tháng Giêng năm 1968 ở gần núi Bà Ðen. Buổi sáng sau trận đánh, anh thấy bên
Bắc Việt để lại 500 xác chết. Lính Mỹ phải đào hố chôn, xếp một lớp xác người
rồi lấp một lớp đất lên, để đặt thêm một lớp xác người nữa, cho đến hết. Lệnh
phải làm cho nhanh – phải chôn hết trước khi Tướng Westmoreland đến thị sát!
Cũng lạ thật, lính Mỹ không được phép cho ông tướng chỉ huy nhìn thấy “xác
quân thù!” Trong khi đó lính Việt Cộng thì được thúc giục phải giết, giết người
lập công cho đảng, cho Mao Chủ Tịch, cho Sít Ta Lin:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”
Ðó là thơ Tố Hữu, Có thể dịch sang tiếng Á Rập để dùng cho quân ISIS – chỉ
cần đổi Mao và Sít ra tên thánh Tiên tri Mahomed!
Nhưng khi Heinemann gặp những người Việt Cộng còn sống, Việt Cộng thứ thiệt,
ở Hà Nội, thì anh nghe họ nói sao vẫn tin rằng họ nói thật! Chúng ta không thể
tưởng tượng được tại sao người Mỹ cả tin như vậy! Trong một bài đóng góp trong
cuốn Patriots, do Viking xuất bản năm 2003, Heinemann viết, “Chúng ta (người
Mỹ) thua trận vì không hiểu rằng họ (lính Bắc Việt) là thi sĩ.”
Heinemann kể, như là bằng chứng, năm 1990 anh trở lại Việt Nam, lần đầu sau
chiến tranh, dự một cuộc hội thảo văn chương. Trong một bữa ăn trưa, anh gặp
một giáo sư Ðại Học Hà Nội tên là Liên, chuyên dạy văn chương Mỹ. Ông Liên này
kể với Heinemann rằng trong thời chiến tranh ông ta từng đi dạy học, cho các
chiến binh Cộng Sản trên đường đi từ Bắc vào Nam. Ông Liên dạy những bộ đội đi
B môn gì? Liên khoe rằng ông đã dạy các chú lính đọc thơ Walt Whitman, văn Jack
London, Hemingway, Faulkner, Fitzgarald! Dạy toàn văn chương Mỹ! Nói phét như
thế, mà nhà văn Mỹ này vẫn nghe, ghi chép lại, rồi còn đem kể… cho Mỹ nghe! Nên
biết, ông Giáo Sư Liên này chỉ là một trong hàng ngàn người mà ông bạn
Heinemann đã gặp! Heinemann nghe họ rồi bèn tin là thật, còn thuật lại những lời
nói dóc khác được nghe ở Hà Nội nữa. Thí dụ, họ bảo nhiều bộ đội đi B mang
trong túi đeo vai những bản dịch thơ văn nước Mỹ!
Hỏi 90 triệu người Việt Nam có ai tin lời ông Giáo Sư Liên “bốc phét” hay
không? Tất cả mọi người, miền Nam hay miền Bắc, nghe chuyện này phải bật cười!
Nhưng Heinemann vẫn tin, lại còn thuật lại một cách thán phục, để rút ra một
bài học. Bài học là: Mỹ thua ở Việt Nam vì lính tráng Bắc Việt yêu thơ! Ông
Giáo Sư Liên hỏi Heinemann: Thế trong quân đội Mỹ của anh, họ dạy các anh cái gì
về văn chương Việt Nam không? Chắc Heinemann kết luận: Phe mình thua vì các ông
tướng không cho lính tráng đọc thơ Tố Hữu: “Giết, giết nữa bàn tay không biết
nghỉ!” Nhưng Hiến Pháp nước Mỹ chắc chắn cấm nhà nước không được bắt buộc quân
đội đọc loại thơ như thế! Ông tướng nào ra lệnh, chắc chắn sẽ bị lôi ra tòa!
Người Mỹ rất “cả tin,” những người càng lý tưởng, càng hồn nhiên, nghe những
lời dối trá càng dễ tin. Mà thật ra những lương dân ở nước nào cũng có tính cả
tin như vậy, dân Nga, dân Tàu, hay dân Việt Nam cũng vậy! Muốn cho cả nước
không bị chính quyền và giới lãnh đạo lừa dối, chỉ có một phương thuốc là: Tự
do ngôn luận! Khi mọi người có quyền quan sát, nhận xét, so sánh và tự do phát
biểu, thì sẽ đến ngày những đứa nói dối phải… thò đuôi cáo!
Ngô Nhân
Dụng