Tôi xa ngôi trường ấy đã lâu. Lâu đến bốn mươi năm. Hôm nay, được đọc một
bài thơ của Trần Trung Đạo, tôi mới hiểu là nỗi yêu mến quê hương vẫn còn bàng
bạc khắp những người con Việt xa hương. Từ nơi nầy, trong cõi sang giàu, thịnh
vượng, trong một xã hội mà trí thức được ưu đãi, Trần Trung Đạo lại mơ ước:
Tôi mơ ước mai nầy khi thức dậy
Bỗng thấy mình đang đứng giữa quê hương
Con chim nhỏ hót mừng tôi trở lại
Đó, nỗi mơ ước đôn hậu, tình người. Chỉ có tiếng chim hót, nắng sân trường và
con đường quen. Niềm lạc quan sáng ngời qua những linh hồn chữ nghĩa. Bởi vì ai
lại không cho phép nhà thơ trãi cỏi thật thà vào từng kỷ niệm. Rực sáng, hót,
hai động từ của niềm vui, làm đậm thêm những gì trong cuộc. Hót mừng tôi trở
lại. Rực sáng nắng sân trường. Chao ơi, ngất ngây làm sao, và lịm mê làm sao
cho một lần trở lại.
Thế hệ Trần Trung Đạo, thuộc lớp tuổi 30 đến 40. Khi chiến tranh khốc liệt
có lẽ nhà thơ đang ở dưới mái trường. Nhà thơ cũng đã sống dưới bóng đêm của
cuộc chiến, của quê hương, không ít thì nhiều. Tuy nhiên nhà thơ đã không bi
quan, than thở, oán trách, đổ thừa, giận dỗi. Nhà thơ đã tìm hướng tới, với yêu
thương nhân hậu là khí giới hàn gắn lại đổ vỡ.
Đẹp vô cùng khi con tim của nhà thơ phải xào xạc:
Chào cô gái học trò đang tới lớp
Cho tôi làm viên sỏi dưới chân em
Để xào xạc hồn tôi khi mới lớn
Chút men tình năm tháng ấy chưa quên
Sự bao dung độ lượng của thi ca đã hòa nhập vào viên sỏi trên lối đi. Tâm
hồn Trần Trung Đạo đã xào xạc, nhè nhẹ bâng khuâng cùng kỷ niệm ban đầu, khác
với Nghiêu Minh:”Em chân suối tung tăng tiếng hót, hồn tôi cũng sỏi vụn hao
mòn” (Tháng Tư Dương Đào, Dấu Xưa, nhà xb Sông Thu). Sự khác biệt về cảm nghĩ
của hai thế hệ là đấy. Một thế hệ thua cuộc và một thế hệ nhìn vào tương lai.
Một thế hệ quay lại phía sau và một thế hệ ngẩng cao đầu về trước mặt. Một thế
hệ mà sự mơ ước là kết quả của những phân lìa, tang tác:
Ngôi trường ấy có bao nhiêu ô cửa
Để tôi về đếm những đám mây
Tôi sẽ gọi một bầy chim sẻ nhỏ
Những cánh chim từ xa vắng lạc bầy.
(Ô Cửa, Trần Hoài Thư)
Cũng là chú chim nho nhỏ của một thời, nhưng rõ ràng tôi và Đạo có hai mơ
ước khác nhau. Thế hệ tôi giờ đây đa số đã bước qua số tuổi năm mươi, một thời
trực tiếp tham dự vào cuộc chiến, và cũng đã trực tiếp gánh chịu những hậu quả
của phân ly, thù hận, đổ vở và cả một sự phá sản của tâm linh.
Riêng thế hệ của nhà thơ Trần Trung Đạo thì khác. Trẻ. Anh rất trẻ. Lửa vẫn
cháy ngùn ngụt. Lửa nhân ái:
Chào chị gánh hàng rong qua trước ngõ
Cho tôi làm một chút gió heo mây
Để thổi nhẹ lên vai gầy cực khổ
Đời cần lao nước mắt đã đong đầy.
Anh xin được làm một chút gió heo mây. Gió sẽ lau phần nào cần lao nước mắt.
Nhà thơ đã nhìn rõ trách nhiệm của mình. Anh là nhà trí thức trẻ. Và cái trí
thức ấy, không phải là những hô hào không tưởng, những mộng ấp núi sông, những
đạp thành xẻ lủy, mà trái lại, chính là nỗi yêu thương. Nhà thơ đã nhìn thấy
một sân trường mất đi con chim cũ, và bây giờ là tấm vai gầy của chị gánh hàng
rong. Thi ca ở đây là thi ca phục vụ con người, là thoa dịu giọt lệ u uất, câm
nín tủi nhục của con người, là hương lúa trổ mầm yêu thương, là bụi cỏ quê
hương không bao giờ mất trong tim người xa xứ:
Chào bác nông phu ra đồng tát nước
Cho tôi làm bụi cỏ mọc ven đê
Để mỗi sáng thở mùi hương lúa chín
Lỡ mai xa tôi nhớ lối quay về.
Phải, bụi cỏ nào của đời ta. Nó quá tầm thường giữa muôn hoa ngàn tía, giữa
trời xanh mây trắng thu đông nảo nùng. Nó quả mộc mạc, khiêm nhường, nhưng nó
đã từng là một nơi ẩn dấu, và tích lũy quê hương. Nó sẽ nhắc nhở và cũng còn là
dấu tích để người xa hương trở lại cội nguồn. Nhà thơ quá tha thiết với núi
sông, từ bất cứ vật gì cũng được nhà thơ đặt vào một niềm trìu mến. Cả máu và
lệ. Cả nhịp thở. Cả ước mơ.
Chào anh công nhân dệt từng tấm vải
Cho tôi làm con thoi nhỏ trên tay
Để tôi nối hai bờ sông Bến Hải
Nối lòng người vời vợi cách xa nhau
Và:
Chào chú bé mục đông nghêu ngao hát
Cho tôi làm tiếng sáo thổi vi vu
Để được sống thời hồn nhiên đã mất
Của đời tôi trong tuổi ấu thơ buồn
Viên sỏi, gió heo mây, con thoi nhỏ, tiếng sáo…Những ước mơ không phải cho
riêng cá nhân nhà thơ, vơi đi nỗi khổ lụy trong kiếp đời xa hương mà chúng ta
hằng đọc hầu hết các bài thơ xa xứ, mà trái lại những thứ ấy, nhà thơ đã dùng
nó để xoa dịu nỗi đau khổ của đồng bào anh, của dân tộc anh. Từ đoạn đầu, anh
mơ trở về đứng trên sân trường, nghe lại tiếng chim nhỏ hót, rồi tiếp đến là
những nỗi ước ao chập chùng. Về sự hồn nhiên của tuổi học trò. Về một đời cần
lao d thở. Về cánh đồng hương lúa chín. Về sự cảm thông thay vì nỗi cách ly
của con người, về tuổi thơ. Và cuối cùng nhà thơ choàng tỉnh dậy, nhìn sự thật,
dứt khoát, gọi lớn như đoạn cuối cùng của bài Giấc Mơ Nhỏ Của Tôi:
Ôi quê hương, bao giờ tôi trở lại
Đi giữa ngày không sợ bóng đêm đen
Trong giấc ngủ không xích xiềng réo gọi
Câu thơ tình chỉ viết để yêu em
Viết về một bài thơ tiêu biểu của Trần Trung Đạo quả thật khó. Bởi vì mỗi
bài thơ của anh đều có những cảm xúc, tiêu biểu riêng. Từ những câu hỏi về nỗi
buồn chiến thắng rưng rức tâm tư người đọc: Anh bước đi giữa trời đất Bắc. Hà
Nội mưa phùn lạnh kẻ xương. Chiếc nạng gỗ khua từng tiếng nấc. Gõ nhịp thương
đau xuống mặt đường” đến cuộc chiến tiếp tục sau 1975: Em đừng hỏi quê hương ta
có đẹp, khi hận thù còn nhuộm đỏ giang san. Ai mới đạp trái mìn chưa nỗ kịp.
Bao nhiêu năm cuộc chiến vẫn chưa tàn” hay những thao thức của một đứa con xa
hương, mà dường như cả con tim nhà thơ, luôn luôn mang theo. Đó là món nợ phải
trả:
Tôi vẫn nợ em một lời xin lỗi
Nợ quê hương một chỗ đất chôn nhau
Nợ cha mẹ những nhọc nhằn khuya sớm
Tôi nợ tôi mộng ước thuở ban đầu.
(Tôi Vẫn Nợ Em Một Lời Xin Lỗi)
Tôi không dám bình thơ. Tôi chỉ xin phép được viết những rung cảm chủ quan
của tôi mà tôi yêu và chia xẻ cùng mọi người. Tôi được biết nhà thơ đã xuất bản
(1000 tập), và được nghe một vài người bạn nói về hiện tượng Trần Trung Đạo.
Chỉ trong vài ngày rao tin trên mạng lưới Internet, đã có 300 cuốn được bán. Và
tập thơ thứ hai sắp xuất bản, Thao Thức, tôi được biết số lượng định in lên sẽ
đến 2 ngàn tập. Trên Web, anh em trí thức trẻ đã ngưỡng mộ anh, và đã dành cho
anh một chỗ đứng bên cạnh những tác giả: Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Bính,
Nguyễn Tất Nhiên. Quí vị nào cần kiểm chứng xin lên Internet va vào Web,
homepages mục thơ văn Việt Nam. Điều nầy là một bằng chứng về thơ quê hương,
chuyên chở tình nhân ái, thương yêu sẽ tồn tại mãi mãi. Và chúng ta có thể tin
tưởng mãnh liệt là hàng ngũ trí thức trẻ cùng thế hệ với nhà thơ, vẫn còn lửa,
nhiệt huyết và con tim của họ vẫn còn nồng nàn một nơi mà nhà thơ đã ca ngợi,
khắc khoải, thiết tha: Quê hương.
Trần Hoài Thư