Buổi sáng hôm nay tôi nghe tiếng chim lạ hót trong vườn. Một
nốt thấp rồi ba nốt cao. Giai điệu đẹp quá, tôi tự nghĩ nếu tôi là một nhà soạn
nhạc thì bốn nốt chim hót này sẽ mở đầu cho một bài. Sau khi huýt sáo giai điệu
đó nhiều lần, tôi mới nhớ Dvorak đã viết một câu tương tự, mở đầu hành âm thứ
hai trong giao hưởng khúc Tân Thế Giới. Giống hệt tiếng chim hót, nhưng Dvorak
đã dùng ba nốt đầu, thay vì bốn nốt.... Tôi chắc ở xứ Tiệp Khắc phải có loài
chim này. Hay ông đã nghe tiếng chim ở tân thế giới?
Đó là một đoạn
trong bài Thơ Mình của nhà thơ Đỗ Quý Toàn mà tôi được đọc hôm kia. Nó làm tôi
nhớ lại một tiếng chim năm năm về trước. Tôi đến xứ này vào muà xuân năm 1975,
xa lạ, đêm đêm nằm nghĩ không biết tại sao mình đã đến đây, không biết làm gì,
sinh sống ra sao. Không tiền bạc, người bảo trợ là thằng em vừa học xong bằng
kỹ sư, đang thất nghiệp. Sống trong nhà tạm cư của chính phủ, ngày hai bữa chờ
cơm. Vợ tôi chán đời cứ nằm lì trong phòng, tôi có nhiệm vụ đưa con gái đi công
viên xem bồ câu ăn bánh mì. Tôi thầm nghĩ xứ này chắc chắn là không đói, có đói
dành bánh mì với bồ câu thì cũng đủ no. Nhiều bà già biết chúng tôi là dân di
cư mới tới, đến cười tình ra dấu ú ớ gợi chuyện và rất đỗi ngạc nhiên không
hiểu tại sao tôi biết nói tiếng Tây. Có nhiều bà rất thích đứa con gái của tôi,
trầm trồ khen “tuị dân này đẹp hơn Chinois,” rồi móc túi lấy cho con nhỏ 25 xu.
Con nhỏ chưa đầy hai tuổi, chưa biết mắc cỡ, cứ lấy tỉnh bơ. Khi tôi đem 50 xu
mua cho con tôi một cây cà rem, tôi thầm nghĩ rằng bỗng chốc hai cha con đã trở
thành hành khất, tha phương cầu thực.
Rồi như có một phép
lạ, mấy tuần sau vợ tôi tìm được việc trong một ngân hàng, làm những công việc
mà các cô thư ký của bà ta làm ở Việt Nam trong tháng trước. Lương bổng chỉ vừa
đủ sống, nhưng đó là cái phao đầu tiên mà tụi tôi vớ được trong lúc đang lênh
đênh. Phần tôi, tìm việc mãi không ra nên phải rong chơi suốt cả mùa hè. Mùa
thu đến, tôi cắp sách đến trường, trở lại kiếp sinh viên, ngày ngày gặm bánh
mì, chiến đấu với chữ nghiã và những sự thèm muốn. Muà đông đầu tiên ở Canada
để lại cho tôi những kỷ niệm khó quên, vì không có ai chỉ bảo cũng như không có
phương tiện chống chỏi. Rồi muà hè lại đến, chấm dứt một năm học. Một cô bạn
học đã tìm việc hè cho tôi, mang tôi vào làm chung với cô ở một hãng nhập cảng
mỹ phẩm từ Pháp. Có được tiền, tôi đi mua một hệ thống âm thanh để nghe những
bản nhạc của một thời đã mất mà thương nhớ chính mình. Vào niên học mới, một
hôm có một giáo sư nghỉ vì bịnh, mấy đứa cùng lớp rủ nhau đi phố uống bia. Khi
cả bọn kéo vô một tiệm bán dĩa hát cũ, cô bạn của tôi chỉ cái dĩa Symphony
of the New World và hỏi tôi có nghe chưa. Tôi bảo rằng không. Cô ta bỏ ra
hai đồng mua tặng tôi cái diã 33 tua, bảo rằng “bản nhạc này để dành cho những
thằng tìm tới Bắc Mỹ xây dựng sự nghiệp như mầy.” Về nhà nghe lần đầu, tôi có
cảm tình ngay với bản nhạc, không phải vì được tặng bởi một người bạn gái mà vì
âm thanh huyền ảo cuả nó, hơi khác nhạc cổ điển tây phương. Cái bao của dĩa
nhạc cũng rất gợi cảm, một anh chàng xách hành trang, đứng trong sương mờ New
York, trước mặt là cây cầu Brooklyn và toà nhà chọc trời Empire State Building.
Cái bìa gợi lên trong lòng người những mơ mộng về một cuộc viễn du, những mơ
mộng mà tôi từng ấp ủ trong những ngày còn đi học, những mơ mộng khi một buổi
chiều nào đó chợt nghe bài hát Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy. Dĩa nhạc nầy đã làm
tôi thích Dvorak khiến sau đó tôi đã mua nhiều dĩa nhạc khác của ông.
Mấy năm sau, khi
tôi đã đi làm và đời sống đã ổn định, tôi đưa vợ con đi nghỉ hè lần đầu. Anh
Đính, một người bạn làm ở New York Times mướn cho chúng tôi một cái nhà
ở Fire Island, một hòn đảo nằm ngoài khơi New York. Hòn đảo xưa vốn là lãnh địa
của những người khỏa thân, nay vẫn giữ được vẻ thiên nhiên và được luật lệ bảo
vệ như một thiên đàng của chim chóc. Một buổi sáng thức dậy tôi nghe tiếng chim
hót, giọng quen quen từng nghe ở đâu, lập đi lập lại nhiều lần. Tì ti tí, tì ti
tí! Dường như là những nốt nhạc trong một bài nào đó của Dvorak, dường như là
Overture In der Natur. Tôi lấy làm hứng thú và suy đoán rằng có lẽ Dvorak ngày
xưa đã lấy tiếng chim này làm âm điệu cho bản nhạc của ông ta. Khi tôi ra tìm
con chim thì trước sự ngạc nhiên của tôi, không đâu xa, ngay trên lùm mấy cây
bàng thấp lè tè sau nhà, một chú chim tướng mạo phương phi ngực đỏ lưng xanh
đang nhảy qua nhảy lại trên cành. Anh chàng rất đẹp trai, to cỡ con chim chìa
vôi, cũng nhún nhẩy như con chìa vôi trống nhưng bộ lông đẹp hơn. Một chị mái
đang đứng cạnh hai đứa con đang ở tuổi tập bay. Tôi thích thú vô cùng, phần vì
vừa tìm thấy con chim hót hay, phần khác vì đã mấy chục năm không thấy cảnh
này, từ ngày tôi bỏ vùng quê ra thị thành ăn học, rồi lăn lộn trong cuộc sống
náo nhiệt của Sài Gòn.
Khi chúng tôi mua
được một cái nhà trong một khu nhà cũ, yên tĩnh, có nhiều cây cối thì vào mùa
xuân, trước sự ngạc nhiên của tôi, một cặp chim của hòn đảo nọ đã bay về làm tổ
trên cây táo trong vườn nhà tôi. Tôi vừa có nhà mới, lại có một cặp chim của
riêng mình, trong vườn nhà mình. Thật là kỳ diệu! Tôi vui sướng với chúng, theo
dõi chúng đi về, nhìn chúng nhảy nhót trên cành mà quên đi tiếng hót của chúng,
tiếng hót ngày nào đã khiến tôi đi tìm gặp chúng. Một buổi sáng thức dậy, tôi
nghe tiếng chim hót, tiếng chim trên đảo. Chắc là những con chim của tôi đang
hót. Lâu nay tôi quên để ý nghe. Tôi mở cửa ra sân sau. Buổi sáng mùa hè ấm áp,
mặt trời đã lên tuy mới sáu giờ. Con chim mái đang nằm trong ổ, con chim trống
mổ một con trùng trên mặt đất. Khi tôi đang nhìn chúng thì một giọng hót cất
lên ở trên một chòm cây cao, thật cao. Tôi bàng hoàng. Không phải con chim của
tôi hót? Giọng hót cất lên một lần nữa, ở trên cao, trong những chùm lá của một
cây cổ thụ. Tôi cố gắng tìm xem con chim đó nhưng không thấy rõ, vì nó ở quá
cao, chỉ thấy nó không giống loài chim của tôi. Rồi trong suốt muà hè năm đó
tôi chỉ nghe thêm có một lần, cũng vào buổi sáng, giọng hót lảnh lót đó. A, thì
ra! Từ lúc ở Fire Island tôi cứ đinh ninh rằng giọng hót kia là của mấy chú
chim đỏ ngực này. Tôi đã vội vã tin như vậy vì tôi đã mê bộ lông của chúng
trong lần đầu gặp gỡ. Rồi khi chúng làm ổ trong vườn nhà, tôi mải mê vui sướng
vì sự hiện diện của chúng mà không hề nhớ tới tiếng hót ra làm sao. Tôi đã lầm,
lầm từ hồi ở ngoải đảo Fire Island. Con chim này không có tiếng hót, chỉ có
tiếng kêu tầm thường. Nó còn tầm thường hơn con chim chìa vôi ngày xưa hay đậu
chuồng heo ở quê nhà tôi. Tôi thất vọng. Nhưng nghĩ kỹ thì làm sao có giọng hót
lảnh lót cao sang mỗi ngày, ở trong vườn nhà? Không có tiếng hót, nhưng giống
chim này khá đẹp và lúc nào cũng có ở đó, trong vườn nhà tôi và nhà hàng xóm,
khắp nơi. Nó tượng trưng cho sự trù phú của Bắc Mỹ, cho xe hơi, cho ti-vi, cho
thịt bò, cho ‘giấc mơ Mỹ quốc’ của một người di dân. Tiếng hót lảnh lót kia thì
như một tinh thần mơ hồ nào đó, như một lý tưởng gì đó về quê hương mà mỗi người
trong chúng ta từng ôm ấp khi liều chết đi tìm tự do. Lý tưởng đó chợt đến rồi
chợt đi trong khi mọi người chúng ta đều bận tâm với đời sống sung túc hàng
ngày. Khi tôi than phiền về chuyện con chim không biết hót, đứa con gái tôi nó
cười tôi, nó bảo chưa bao giờ để ý nghe một con chim hót, mà chim hót thì có gì
hay, có gì quan trọng đâu. Tội nghiệp cho nó, có thể là nó chưa bao giờ được
nghe chim hót, có thể là có tiếng chim hót bên tai mà nó không nghe, có thể là
khi nghe tiếng chim hót nó chẳng thấy gì hay. Nó là một đứa trẻ Bắc Mỹ.
*
Vào muà thu năm rồi, khi tôi đang lựa mua một cái khăn quàng
cổ trong một siêu thị thì tự nhiên tôi có cảm giác như ai đang trộm nhìn tôi,
như một nhân viên an ninh của siêu thị đang coi chừng tôi. Tôi quay một tia
nhìn thách thức về hướng đó thì quả nhiên thấy một người đàn bà đứng ở quầy
hàng bên cạnh đang nhìn tôi. Tôi cúi xuống, tiếp tục lựa chọn. Không phải một
người bán hàng. Nét mặt quen quen. Hàng xóm? Thư ký trong hãng? Tôi quay lại
nhìn lần nữa. Người đàn bàn đang nói chuyện với người bán hàng cũng ngẩng mặt
nhìn tôi. À, tôi biết rồi. Tôi tiến bước về phiá nàng thì nàng cũng mỉm cười
tiến lại, nắm tay tôi.
- Chung!
- Danielle!
- Mầy còn nhớ tao
sao?
- Cũng như mầy vẫn
còn nhớ tao.
- Gần mười năm rồi!
- Ừ, gần mười năm
rồi, nhưng mầy vẫn còn trẻ và đẹp. Đã giết chết bao nhiêu thằng trong mười năm
qua?
Nàng cười ha hả,
vẫn giọng cười ngày nào, vẫn điệu bộ năm xưa, cái mặt ngước lên, đôi mắt nhắm
lại khi nàng cười thành tiếng. Nàng không già, tuổi tác chỉ làm nàng thêm vẻ
đoan trang, mệnh phụ. Tôi rủ nàng đi uống cà-phê. Nàng cho biết sau khi học
xong đã đi làm cho một công ty dầu hoả, nơi đó nàng gặp chồng, một thằng Mỹ có
chức vụ chỉ huy trong hãng, giàu. Cưới nhau ít lâu, nó dẫn nàng về Houston. Có
một đứa con gái. Đang ly dị. Nàng dẫn con về đây ở tạm với cha mẹ đã gần hai
tháng.
- Bây giờ mầy định
làm gì?
- Chưa biết.
- Làm sao sinh
sống?
- Không thành vấn
đề.
- Ở không chán lắm.
- Ừ, tao sẽ đi làm
nếu ở lại đây, nhưng chưa biết, có thể sẽ theo ba má tao về Tây, ba tao đã nghỉ
việc và sẽ trở về Pháp.
Tôi bỗng thấy chới
với. Tôi nhớ ngày nào nàng hồ hởi về cái Bắc Mỹ này. Khi gặp tôi ở đại học thì
gia đình nàng mới dọn sang chưa đầy một năm, cha nàng làm kỹ sư cho một hãng kỹ
nghệ Pháp có cơ xưởng ở đây. Nàng đã trưởng thành, đã học xong đại học bên Tây
và đậu cử nhân khoa học. Nàng khen métro ở đây mới và êm, nàng khen con người ở
đây tốt, bình dị, nàng thích ở đây vì vào mùa đông mỗi tuần đều có thể đi ski,
nàng yêu muà đông ở đây vì nó không ẩm ướt như ở Paris, v.v... Đột nhiên tôi
nghe nản trong lòng lạ lùng. Với thời gian và không còn sự lựa chọn nào khác,
tôi đã dần dần chấp nhận nơi đây làm quê hương và dần dần yên tâm rằng việc
mình định cư ở đây là một may mắn. Gần đây, nỗi yên tâm ấy càng được củng cố
hơn khi có nhiều người Việt đến cư ngụ tại thành phố này để tạo thành một cộng
đồng Việt Nam đông đảo. Trong những ngày đầu của tôi ở đây, khi tôi mệt mỏi với
mấy môn học và chán ghét mùa đông thì Danielle là một trong những người hiếm
hoi đã cổ võ tôi bằng những lời ca tụng Canada, ca tụng những cơ may mà vùng
đất này sẽ mang lại cho người di cư. Thì chính gia đình nàng cũng qua đây lập
nghiệp. Khi nghe gia đình nàng sắp bỏ xứ này về Pháp, tôi cảm thấy như bị bỏ
rơi. Tôi ngồi im không nói gì.
- Không, mầy đừng
buồn cho tao, chính tao muốn ly dị chứ không phải Mike. Tao lựa chọn sai lầm.
Tao muốn đi khỏi nước Mỹ.
Sự thật thì tôi
cũng có thương hại nàng nhưng lúc ấy tôi buồn phiền cho tôi nhiều hơn vì cái
tin nàng sẽ trở về Pháp. Tôi thật kỳ cục. Gần mười năm trời tôi không gặp nàng,
nàng đi đâu tôi không hề biết, nàng chẳng dính líu tới đời sống của tôi. Vả lại
hồi đó chính tôi quyết định không muốn gặp nàng. Lúc ấy, chúng tôi làm chung
một đồ án, tôi, nàng và một thằng nữa. Ban ngày, mỗi đứa đi làm công việc
riêng, chiều tối, tất cả hẹn gặp nhau trong một góc thư viện để làm việc chung.
Xong việc, Danielle thường đưa tôi và thằng lõi kia ra métro vì nàng có xe và
những buổi tối mùa đông, khi có gió, trời lạnh -10, -15 độ, đi từ trường ra
métro là một cực hình. Khi dự án gần xong thì thằng lõi kia thường hay vắng
mặt, cứ xin lỗi vì kẹt chuyện này, chuyện kia, đùn công việc cho hai đứa tôi.
Thường lệ, khi Danielle đưa tụi tôi đến métro thi tụi tôi “mi” trên má nàng để
cảm ơn và chúc “bonne nuit”. Tối hôm đó, không có thằng kia. Tôi thật tình
không hiểu đứa nào đã kiếm chuyện để níu kéo đứa kia để rồi chúng tôi đã ôm hôn
nhau đắm đuối và rất lâu, không biết bao lâu, đến khi chiếc xe phía sau chớp
đèn vì muốn đi ra, tôi mới mở cửa phóng vô métro. Ngồi trong métro, tôi như người
say rượu, vừa lâng lâng sung sướng, vừa lo âu. Về tới nhà, đứa con gái bốn tuổi
chưa chịu ngủ, chờ ba về. Vợ tôi đang chờ cơm, nghe chồng về vội hâm nóng nồi
canh. Tôi thấy mình tội lỗi quá, tội lỗi đối với vợ con, với cả Danielle. Đêm
đó tôi không ngủ được. Hôm sau, gặp nàng trong trường tôi đã xin lỗi nàng. Nàng
tỏ vẻ ngạc nhiên, có vẻ không hiểu tôi muốn nói gì. Thật sự tôi cũng không hiểu
tôi muốn xin lỗi nàng về chuyện gì, về chuyện tôi đã hôn nàng đêm qua hay là
chuyện tôi không thể tiếp tục hôn nàng. Hôm đó tôi tìm cớ đi về sớm để không
phải đi xe nàng ra métro. Tôi không có cái bản lãnh của ông bác sĩ Zhivago. Cái
đồ án ba đứa làm đã sắp xong, tôi nhờ thằng kia viết phúc trình, viện cớ tôi
mới tìm được việc làm buổi chiều. Tôi né tránh gặp nàng nhưng chúng tôi cũng có
dịp gặp nhau vì còn mấy tuần mới hết khoá học và hai đứa lại có học chung một
môn. Nàng rất tự nhiên, không biểu lộ một thái độ nào, tuy thỉnh thoảng tôi bất
chợt bắt gặp nàng đang nhìn tôi. Không hiểu nàng nghĩ gì. Có thể nàng không suy
nghĩ như tôi vì nàng có một văn hoá khác văn hoá của tôi, nàng có một nền giáo
dục khác, có một quan niệm khác về tình yêu. Phần tôi, tôi không biết phải xoay
trở ra sao. Tôi yêu thương vợ con tôi quá để có thể bỏ vợ con tôi chạy theo
người khác. Những ngày cuối khoá học buồn vời vợi. Tuần chót tôi không vào
trường. Tôi điện thoại nhà nàng, cám ơn nàng về những việc nàng đã làm cho tôi,
bảo rằng nàng là người bạn tốt nhất của tôi trong mấy năm sống ở đây. Sau đó,
tôi không còn gặp Danielle nữa. Mấy năm sau, gặp một cô bạn cùng lớp, cô này
cho biết nàng đã lấy chồng và theo chồng về Mỹ. Cô nầy ngạc nhiên khi thấy tôi
không biết một chút tin tức gì về Danielle, cô ta tưởng tụi tôi bồ nhau vì “lúc
nào tao cũng thấy hai đứa tụi bây đi với nhau.” Tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ còn
gặp lại Danielle. Nhưng nàng kia kìa, đang ngồi trước mặt tôi, đang nói, đang
cười. Vẫn cái miệng xinh đẹp nồng nàn kia, cái cổ trắng được kéo dài ra khi
nàng ngước mặt, vẫn mái tóc màu hạt dẻ đơn giản nhưng mượt mà, và nhứt là cái
nhìn trìu mến. Tôi thích những người đàn bà có đôi mắt sáng nhưng cái nhìn chậm
chạp, không láo liên, không liếc xuôi, liếc ngược. Đó là đôi mắt của Danielle,
của Catherine Deneuve. Nàng đã uống hết cái café. Lấy đầu muỗng đè mạnh trên
mặt bàn, nàng nói, không nhìn tôi:
- Tao không thể
tiếp tục sống ở xứ Mỹ nữa, không hạp. Hồi đầu, tao cũng cố gắng hội nhập, cũng
muốn có nhiều bạn bè, nhưng rồi tao không chịu nổi cái xã hội của chồng tao,
tao cũng hết chịu nổi cả nó.
Danielle nói rất
lâu về đời sống của nàng bên Mỹ. Nói một hồi, dường như đã hả dạ, nàng sực nhớ
tới tôi, ngước nhìn tôi một hồi lâu rồi hỏi:
- Còn mầy thì sao,
mọi việc tốt đẹp cả chứ? Có mấy lần tao muốn nói chuyện với mầy, hồi đó, nhưng
không biết mầy ở đâu, chưa bao giờ mầy cho tao địa chỉ hay số điện thoại cả.
- Mầy thấy tao thế
nào, thay đổi nhiều không?
Nàng có vẻ ngần ngừ
nhưng rồi nói thẳng:
- Thay đổi nhiều.
Nhưng tại sao vậy? Cái gì không ổn?
- Tại môi trường.
Xứ sở này không phải của tao, xã hội này không phải của tao, khí hậu này không phải
của tao, mùa đông dài quá.
- Còn công việc
làm?
- Mầy cũng biết,
tao không phải là một thằng da trắng, không có cách nào khác hơn là tối ngày rị
mọ với mấy con số và cái máy điện toán để kiếm sống.
- Bộ làm việc cực
lắm sao?
- Không cực, nhưng
không thích. Ở Việt Nam tao làm chánh trị, làm báo, tao sống trong lòng xã hội,
mỗi ngày là một sự thách đố. Rồi lại có vô số bạn bè. Ở đây, tao sống bên lề xã
hội, lại không có bạn bè. Không phải làm việc mệt nhọc, nhưng vấn đề là trong
sở làm hay ngoài xã hội chỗ nào tao cũng thấy mình chỉ là một người khách. Điều
khôi hài là khi đã đi làm có tiền rồi tao mới thấy thiếu nhiều thứ để sống. Tao
đã quay về chuyện Việt Nam, với những thảm trạng của bà con, bạn bè. Thật là
tai hại. Nhưng bây giờ tao bắt đầu ra khỏi những cái đó. Hy vọng rồi tao sẽ tìm
được sự bình an.
- Mầy giống như ông
nội tao. Ba tao nói rằng cho đến khi chết ổng vẫn còn mơ đem quân về
Petersbourg.
Danielle người Nga,
giòng họ Perekrestow. Ông nội nàng đã bỏ nước Nga ra đi sau khi phe của ông bị
người Bolchevick đánh bại. Ông nội nàng và những người Nga lưu vong khác đã lập
những tổ chức chánh trị, những tổ chức quân sự và có cả một trường võ bị ở
Yougoslavia để huấn luyện con cháu họ, chờ ngày đem quân trở về. Trong thế
chiến thứ hai, vì muốn đánh Cộng sản Nga, họ đã liên kết với Phát Xít Đức, đã
chiến đấu dưới cây cờ của Phát Xít, và đã bại trận lần thứ hai.
- Ba mầy có bao giờ
về thăm nước Nga không?
- Không. Ổng chưa
có cơ hội. Ổng cũng muốn về lắm. Ổng ra đi hồi bốn, năm tuổi nên có những kỷ niệm
mơ hồ về quê ổng. Ổng rất giỏi tiếng Nga.
- Còn mầy, bao giờ
thì mầy về thăm quê hương?
- Tao về hoài.
Thường tao về vào mùa thu để thăm bà ngoại và cậu tao. Tao thích nhất là dẫn
con heo theo cậu tao đi tìm truffe.
- Ở đâu vậy?
- Midi, cách
Toulouse chừng 50 cây số. Bà ngoại tao có mấy chục mẫu đất rừng.
- Tao nói về nước
Nga kìa, Petersbourg.
Danielle nhún vai:
- Không biết bao
giờ. Nghe nói có nhiều cảnh đẹp, nhưng tao không có liên hệ gì với nước Nga,
ngoài cái tên. Tao là người Pháp.
- Ba mầy Pháp hay
Nga?
- Nửa nầy, nửa kia.
Nhưng thường thì Pháp, thỉnh thoảng mới Nga. Nghe nói ông bà nội tao vẫn Nga
trăm phần trăm.
- Tao vẫn là
người Việt Nam một trăm phần trăm.
- Không ai cấm mầy
chuyện đó. Nhưng những vọng tưởng hay những níu kéo về quá khứ sẽ gây nhiều
thiệt hại vì ở chung quanh mầy ai cũng đang chạy về tương lai.
- Thiệt hại! Mầy
thấy tao già lắm hả?
- Có nhiều thay đổi
nhưng không già lắm. Mầy ở cái tuổi của mầy, không như hồi mới gặp, tao cứ
tưởng mầy chừng 25 tuổi, đến khi đánh máy dùm cái xivi cho mầy mới biết mầy đã
37 tuổi.
- Như vậy, mầy muốn
nói là trong mười năm tao già đi hai mươi tuổi tuổi?
Nàng có vẻ ngại
ngùng vì đã lỡ lời:
- Chung, không phải
tao muốn nói vậy. Năm tháng trôi qua, ai cũng già, nhưng tao cảm thấy e ngại
cho mầy khi thấy mầy không vừa ý với đời sống ở đây. Mầy nên suy nghĩ lại, mầy
sống bên Mỹ hay bên Tây thì còn tệ hơn, mầy không có sự lựa chọn nào khác đâu.
- Ừ, tao không có
sự lựa chọn nào cả. Uống với tao một cái cognac nhé.
Nàng gật đầu, tôi
gọi hai cái cognac.
- Mầy còn nhớ hồi
đó mầy mua cho tao cái dĩa hát Symphony of the New World không?
Nàng gật đầu mỉm
cười.
- Mầy có biết vì
sao ông Dvorak viết bản nhạc đó không? Không phải viết để ca tụng xứ Mỹ hay để
nói lên nỗi hạnh phúc của một thằng di dân như người ta tưởng đâu. Viết vì nhớ
quê hương đó! Khi cho trình tấu bản nhạc lần đầu ở New York, ông ta đặt cho cái
tên đó để làm vui lòng người Mỹ và nói rằng điệu nhạc mượn từ âm điệu dân nhạc
Hoa Kỳ, nhưng sau đó, trong một bức thư viết cho một người bạn ở Đức quốc, ông
ta bảo rằng mình đã nói dối, nó chẳng ăn thua gì tới tân thế giới cả. Ông ta
nhớ Tiệp Khắc và viết lên nỗi nhớ nhung đó. Sau ba năm làm việc ở Mỹ với số
lương vĩ đại, ông ta đã từ chối ký thêm khế ước và đã xuống tàu về Tiệp. Dvorak
đã có thể lựa chọn giữa nước Mỹ và Tiệp Khắc. Ba mầy có thể lựa chọn giữa
Canada và Pháp. Phần tao, tao không có sự lựa chọn nào cả.
Chúng tôi ngồi im
khá lâu, thỉnh thoảng Danielle nhướng mắt nhìn tôi, không nói gì. Tôi thấy con
nhỏ nầy đẹp thật, hơn 10 năm ở đây không thấy đứa nào đẹp bằng. Nhưng sao tôi
chẳng thấy có ham muốn trong lòng. Nhưng tôi lại muốn ôm lấy nó và được nó ôm
tôi. Như ôm một người thân thương trong một cơn biến động? Tôi đứng dậy, bảo:
- Thôi, chúng mình
chia tay.
- Mầy cho tao số
điện thoại và địa chỉ để có dịp tao liên lạc với mầy. Nhớ tao nhé!
- Ừ, tao sẽ luôn
nhớ mầy. Nếu một ngày nào tao đi nơi khác sống, khi nhớ lại thành phố nầy thì
người đầu tiên tao nhớ tới sẽ là mầy.
Nàng mỉm cười, cúi
đầu, nét mặt dịu dàng, buồn rười rượi. Ra tới đường, tôi ôm nàng thật lâu. Tôi
không hôn Danielle, nhưng đã áp má tôi vào má nàng, để nghe hơi ấm của nàng
chuyền sang mặt tôi. Chúng tôi bối rối chia tay. Mấy tháng sau, tôi nhận được
thơ Danielle gởi từ Montpellier, nàng viết: “Khi mầy có dịp nhớ tới nước Pháp thì
hãy nhớ tới tao.”
Montreal, mùa thu
1986.
Nguyễn
Hữu Chung