Trong lịch sử Hoa Kỳ tính cho đến nay chỉ có vỏn vẻn ba “bà ngoại”, trong
khi số “ông ngoại” thì rất nhiều. “Ông bà ngoại” ở đây chính là vai trò Bộ
Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Chức vụ Ngoại Trưởng Hoa Kỳ do tổng thống bổ nhiệm
và được Thượng Viện Hoa Kỳ chuẩn thuận, là một thành viên của Bộ Nội Các và Hội
Đồng Nội An. Trong số 15 thành viên của Bộ Nội Các (gồm các Bộ Trưởng), thì
ngoại trưởng được xếp cao nhất, và trong ngành hành pháp của Hoa Kỳ, thì vai
trò ngoại trưởng đứng thứ ba chỉ sau tổng thống và phó tổng thống. Về thứ tự kế
vị tổng thống trong trường hợp tổng thống qua đời, thoái vị, hoặc bị truất phế,
vai trò ngoại trưởng đứng hàng thứ tư, sau phó tổng thống (cũng là chủ tịch
Thượng Viện), chủ tịch Hạ Viện, và phó chủ tịch Thượng Viện.
Bên cạnh trách nhiệm đứng đầu Bộ Ngoại Giao và các công tác đối ngoại, ngoại
trưởng đóng vai trò cố vấn tổng thống trong các vấn đề liên quan đến chính sách
ngoại giao, bổ nhiệm các đại sứ, và quyết định bình thường hóa hay cắt đứt quan
hệ ngoại giao với một quốc gia khác. Ngoại trưởng là nhân vật then chốt trong
các cuộc thương lượng và ký kết các hiệp định quốc tế, có trách nhiệm tổng quát
nhận định tình hình ngoại giao của nhiều vùng trên thế giới, để từ đó giúp tổng
thống có đường lối ngoại giao thích hợp mang lại quyền lợi cho quốc gia theo
từng thời điểm. Từ đó cho thấy, chính sách ngoại giao của tổng thống thường
được thể hiện qua các cuộc tiếp xúc hay họp mặt giữa ngoại trưởng và các nguyên
thủ của các quốc gia trên thế giới.
Ngoại trưởng đầu tiên của Hoa Kỳ vào năm 1789 là John Jay và John Kerry là vị
ngoại trưởng thứ 68 của Hoa Kỳ, nhậm chức vào năm 2013.
Trong suốt hơn 200 năm lịch sử của vai trò này, chỉ có ba vị nữ lưu
nhưng đã trở nên xuất sắc trong vai trò làm nổi bật chính sách ngoại giao của
Hoa Kỳ trên chính trường thế giới. Ba vị đó là Madeleine Albright (1997-2001),
Condoleezza Rice (2005-2009) và Hillary Clinton (2009-2013).
Ngoại trưởng Madeleine Albright sinh năm 1937 được tổng thống Bill Clinton
trong nhiệm kỳ thứ hai bổ nhiệm làm ngoại trưởng thứ 64, trở thành nữ ngoại
trưởng đầu tiên của Hoa Kỳ. Bà sinh ra tại Tiệp Khắc và đến Mỹ lúc còn niên
thiếu. Bà có bằng tiến sĩ về bang giao quốc tế và hiện đang là giáo sư giảng
dạy về ngành này tại đại học George Town. Vì không phải sinh ra tại Mỹ nên bà
đã không được nằm trong danh sách những người kế vị tổng thống lúc còn giữ chức
vụ ngoại trưởng theo đúng như truyền thống. Bà thông thạo năm thứ tiếng: Anh,
Pháp, Nga, Tiệp và Ba Lan. Trước khi trở thành ngoại trưởng, bà từng giữ vai
trò đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Tại đây, bà trở nên nổi tiếng với tánh thẳng
thắng khi mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ là
ông Boutros-Ghali là đã không có biện pháp ngăn chặn cuộc thảm sát tại Rwanda.
Trong đường lối ngoại giao, bà đã giúp tổng thống Clinton tạo ảnh hưởng tại
Bosnia và Herzegovina, Kosovo, Croatia cũng như tại vùng Trung Đông. Cả bà và
tổng thống Clinton đã cương quyết cho biết là Hoa Kỳ chỉ ngưng ý định tấn công
Sadame Hussein trong trường hợp Iraq để cho Liên Hiệp Quốc thanh tra vũ khí.
Ngay cả những ngày cuối cùng giữ chức ngoại trưởng, bà vẫn cương quyết cho Liên
Hiệp Quốc biết Mỹ sẽ tiếp tục áp lực Iraq về việc loại bỏ các loại vũ khí hạt
nhân. Sau khi rời vai trò ngoại trưởng, bà Albright tiếp tục có mặt trong các
lãnh vực liên quan đến ngoại giao và kinh tế. Bà hiện nằm trong ban lãnh đạo
của Hội Đồng Đối Ngoại (Council on Foreign Relations), chủ tịch của National
Democratic Institute for International Affairs cũng như chủ tịch của Truman
Scholarship Foundation.
Nhìn chung, ngoại trưởng Madeleine Albright đã giúp cho tổng thống Bill Clinton
thể hiện rõ chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ vào thời bấy giờ là sẵn sàng dùng
quân sự can thiệp vào cuộc chiến Kosovo để chấm dứt sự mâu thuẫn giữa chính
quyền cộng hòa Yugoslavia và nhóm quân đội giải phóng Kosovo. Tuy nhiên, với cá
tính mạnh mẽ và lời nói thẳng thắng, bà thường bị chỉ trích là có những lời
phát biểu không mấy thích hợp trước công chúng.
Ngoại trưởng Condoleezza Rice sinh năm 1954 được tổng thống George W. Bush
trong nhiệm kỳ thứ hai bổ nhiệm làm ngoại trưởng thứ 66, trở thành nữ ngoại
trưởng gốc Phi Châu đầu tiên của Hoa Kỳ. Bà có bằng tiến sĩ ngành bang giao
quốc tế và là giáo sư giảng dạy chính trị tại đại học Stanford. Với tài học
uyên bác và đầu óc nhạy bén về tình hình chính trị thế giới, bà rất được lòng
tin của tổng thống. Cũng chính nhờ bà mà chính sách ngoại giao của tổng thống
Bush được nổi bật trong sứ mệnh thổi làn gió dân chủ vào vùng Trung Đông. Trước
khi trở thành ngoại trưởng, bà đã giữ chức vụ cố vấn an ninh quốc gia cho tổng
thống Bush ở nhiệm kỳ đầu.
Về sự nghiệp chính trị, bà từng ghi danh đảng Dân Chủ mãi cho đến năm 1982, bà
quyết định đổi sang đảng Cộng Hòa, một phần vì bất đồng với chính sách ngoại
giao của tổng thống Jimmy Carter, một phần vì ảnh hưởng của thân phụ bà là
người thuộc đảng Cộng Hòa. Bà từng làm phụ tá cho ngoại trưởng George Shultz
thời tổng thống Ronald Reagan và sau đó đã đóng vai trò quan trọng là cố vấn
đắc lực cho tổng thống George H. Bush về vấn đề Nga Sô, đặc biệt là trong việc
ngoại giao với hai ông Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin.
Biến cố 911 đã khiến cho ngoại trưởng Rice và tổng thống Bush đi đến quyết định
tấn công Iraq. Và cũng chính vì biến cố này mà chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ
trong thời điểm của tổng thống George W. Bush qua vai trò của ngoại trưởng Rice
được biết đến là mạnh mẽ chống khủng bố và cải thiện tình trạng dân chủ cho các
quốc gia đang bị kềm cặp bởi chính thể độc tài, điển hình là Iraq, Iran, Cuba,
Zimbabwe, Miến Điện và Belarus. Tuy nhiên, cuộc chiến Iraq kéo dài cộng thêm
việc không tìm thấy bằng chứng của vũ khí hạt nhân tại Iraq đã khiến cho uy tín
của ngoại trưởng Rice có phần bị giảm sút.
Ngoại trưởng Hillary Clinton sinh năm 1947 được tổng thống đương nhiệm Barrack
Obama bổ nhiệm để trở thành ngoại trưởng thứ 67. Bà là đệ nhất phu nhân đầu
tiên đắc cử thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ứng cử trong đảng cho chức vụ tổng thống
(đối đầu với thượng nghị sĩ Barrack Obama), cũng như giữ chức vụ ngoại trưởng.
Ngoại trưởng Clinton là một luật sư tốt nghiệp tại đại học Yale. Bà chấp nhận
sự bổ nhiệm của tổng thống Obama vì tin rằng vai trò ngoại trưởng sẽ mang lại
cho bà những thử thách khó khăn nhưng cũng rất thú vị. Chính vì vậy, ngay từ
những ngày đầu nhậm chức, bà đã có tham vọng thay đổi chính sách ngoại giao của
Hoa Kỳ. Bà chủ trương gia tăng sự có mặt ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ tại
nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại vùng Trung Đông, và chú trọng đến
việc phát triển kinh tế toàn cầu. Năm 2009, ngoại trưởng Clinton cải tổ Bộ
Ngoại Giao với Quadrennial Diplomacy and Development Review là một nghiên cứu
mỗi bốn năm nhằm xác định các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của Hoa Kỳ trong
chính sách đối ngoại. Ngoài ra, chính sách ngoại giao của ngoại trưởng Clinton
còn được biết đến qua việc giúp thế giới giảm đói nghèo, cải thiện môi trường
sống và ủng hộ nữ quyền. Bà cũng cổ động cho việc tự do sử dụng mạng Internet
và khá mạnh mẽ trong việc lên tiếng bảo vệ nhân quyền đối với các quốc gia vi
phạm nhân quyền.
Cuộc tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2012 nhắm vào tòa lãnh sự của Hoa Kỳ tại
Benghazi, Libya, làm thiệt mạng đại sứ Christopher Steven và ba nhân viên Hoa
Kỳ đã khiến ngoại trưởng Clinton phải chịu trách nhiệm trong cuộc điều trần
trước quốc hội vào ngày 23 tháng Giêng. Bà bị chỉ trích là bộ ngoại giao đã lơ
là không tăng cường an ninh cho lãnh sự quán. Tuy nhiên nhìn chung, ngoại
trưởng Clinton thường được xem là người thích tham chính, có phần lạm quyền,
nhưng lại rất được công chúng nể phục nhờ tính kiên cường và tinh thần trách
nhiệm.
Ba nữ ngoại trưởng của Hoa Kỳ trong thời gian chưa đầy hai thập kỷ đã giúp ba
vị tổng thống vượt qua biết bao sóng gió trên chính trường bang giao quốc tế.
Các bà cũng là những vị ngoại trưởng xông xáo và bận rộn nhất từ trước đến nay.
Tính đến năm 2014 khi ngoại trưởng John Kerry còn đang tại chức thì bà Hillary
Clinton đứng đầu về số quốc gia bà đã thăm viếng trong vai trò ngoại trưởng với
112 nước, đứng thứ hai là ngoại trưởng Madeleine Albright với 96 nước, trong
khi ngoại trưởng Condoleezza Rice đứng đầu về số lượng đường bay nhiều nhất với
hơn 1 triệu dặm đường bay, đứng thứ hai là ngoại trưởng Clinton với gần 970,000
dặm. Điểm mà cả ba bà ngoại của Hoa Kỳ đều giống nhau chính là: sắc bén, cương
quyết và sẵn sàng đối đầu với mọi thử thách.
Tạ Đức Trí