Trong những ngày Lam thấy vô vị và chán nản nhất thì được
tin nhắn của Vy báo tin sẽ về Việt Nam vào ngày kia. Tin Vy về như một cơn gió
mát rượi thổi vào cái đầu rã rượi buồn nản của Lam. Không buồn sao được trong
lúc Lam đã từ giã cuộc đời đứng lớp mấy mươi năm bằng một quyết định nghỉ hưu từ
cơ quan đầu ngành gửi về. Mặc dù vẫn biết mình đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng khi
nhận được quyết định, chị không khỏi hụt hẫng. Đồng nghiệp bắt tay chúc mừng vì
chị đã “ hạ cánh an toàn “. Có người chưa tới tuổi lại ước ao được như Lam,
theo họ đây là lúc “được sống cho riêng mình “. Nhưng Lam lại không nghĩ như họ,
ngày đầu tiên nghỉ hưu buổi sáng được nằm dài trên giường, không phải mắt nhắm
mắt mở lao vội vào phòng tắm đánh răng rửa mặt, Lam thấy một nỗi buồn mênh mang
khi bơi trong quỹ thời gian thừa thãi mà khi còn đi dạy được nghỉ một tiết đầu
để được ngủ nướng một chút cũng hạnh phúc biết bao!
Mặc dù cố tỏ ra cứng cỏi, nhưng Lam vẫn không khỏi khóc khi học sinh các lớp
nói lời chia tay. Hơn ba mươi năm đứng lớp rồi còn gì! Chị đã quen với những lớp
lớp học sinh mà hàng ngày chị đối diện từ bục giảng, những vui buồn trong những
giờ ra chơi với đồng nghiệp, họ thường chia nhau những món ăn vặt nho nhỏ để rồi
vui cười tinh nghịch không khác gì thời đi học. Bây giờ quay về ngày ngày đối
diện với những bức tường của căn nhà vắng lặng Lam thấy mình như một kẻ bị hất
ra đứng bên lề cuộc sống. Chồng đã qua đời, các con đều ở xa, Lam không còn lý
do gì từ chối khi con trai từ Sài Gòn gọi điện thoại khuyên mẹ nên thu xếp để
vào trong ấy. Thế là Lam từ giã thành phố miền Trung đã từng sống gần bốn chục
năm, mà thâm tâm chị coi như quê hương thứ hai của mình để ra đi. Thành phố Sài
gòn không xa lạ gì với Lam, đó là nơi chị đã học Đại học, là nơi chị thường tới
lui thăm viếng các anh chị ruột, rồi sau nầy là các con, đều định cư trong ấy.
Cũng là nơi bạn bè thời phổ thông của chị tập trung về nơi đây rất đông kiểu “
đất lành chim đậu “, nhưng đây cũng là nơi chị thấy thật sự cô đơn. Không cô
đơn sao được khi sống trong một đô thị rộng mênh mông như Sài gòn, người nầy muốn
đến nhà người kia phải đi mất cả giờ, về mất cả giờ trong không khí bụi bặm
khói xe, bụi đường, người người chen chúc dưới cái nắng đổ lửa! Không phải như
thời còn sống ở Đà nẵng chị chỉ cần mất từ năm đến mười phút là có thể đến
nhà một người bạn thân thiết. Trong lúc khát bạn như Lam mà nghe Vy về đúng là
một cơn gió mát lành thổi tới.
Vy là cô bạn thân nhất của Lam suốt bảy năm phổ thông. Nhà Lam cách nhà Vy khoảng
ba trăm mét, nên lúc nào họ cũng cùng đi học, cùng về với nhau như một cặp bài
trùng. Trường Lam là trường nữ, trên đường đi học Lam và Vy phải đi ngang qua một
trường nam. Có Vy đi cùng, Lam tự tin và dạn dĩ hơn, hôm nào Vy nghỉ học, một
mình Lam phải đi ngang qua những đám học sinh nam, Lam thấy như một cực hình
trước những tia mắt nhìn chòng chọc của đám người khác giới. Không hiểu họ nhìn
gì mà ghê thế, đến nổi có lần vì mất bình tĩnh, Lam đã vấp một hòn đá và…ngã xuống.
Trong lúc đỏ mặt tía tai, Lam thấy hai cánh tay mạnh mẽ đã nâng Lam dậy và một
câu hỏi nhỏ: “ Lam có sao không? “ Té ra là anh chàng Long – người đang học lớp
mười hai, hơn Lam hai lớp. Anh chàng nầy học ban C và nghe nói học giỏi lắm
nên cô giáo của Lam có lần bận việc gì đó đã nhờ Long chấm bài môn Văn lớp Lam.
Lam vốn là người giỏi Văn nhất lớp và anh chàng nầy cũng cho Lam điểm cao nhất
lớp, rồi còn đến nhà cho Lam biết trước điểm nữa chứ - chắc là muốn khoe mình
được chấm bài lớp Lam. Lần đó Lam bị ngã rồi được Long nâng dậy, Lam lí nhí cảm
ơn rồi lần sau mỗi lần Vy nghỉ học Lam đều đi vòng một con đường xa hơn, không
dám đi qua trường nam nữa. Bảy năm phổ thông với bao nhiêu kỷ niệm trôi qua
nhanh như một cơn gió, đến nỗi trong những ngày cuối cùng của mùa hè lớp mười
hai, khi những hàng phượng trong sân trường cháy rực màu hoa đỏ, Lam và Vy bâng
khuâng ao ước giá như mình được trở lại học lớp sáu! Lên đại học, mỗi đứa đi mỗi
ngành theo năng khiếu của mình. Lam thi vào Đại học sư phạm, Vy đậu vào đại
học Dược. Mặc dù học khác trường nhưng hai đứa vẫn thuê nhà ở chung, và họ chỉ
thật sự xa nhau khi Lam tốt nghiệp ra trường trước Vy một năm rồi về miền Trung
dạy học. Vy ra trường sau một năm và ở lại Sài gòn làm việc. Sau biến cố 1975,
Vy cùng gia đình sang Mỹ. Họ mất liên lạc nhau một thời gian dài có đến mười
lăm năm. Đầu thập niên chín mươi, Lam nhận được lá thư đầu tiên của Vy từ tay một
người bà con mang về. Những năm sau nầy Vy cứ đi đi về về hàng năm, gặp lại
Lam và đám bạn bè cũ
gợi lại những kỷ niệm của một thời…
***
Nửa đêm, nghe tiếng điện thoại đổ chuông, Lam giật mình choàng tỉnh, chị liếc
nhìn đồng hồ trên tường và nghĩ: “ Hai giờ sáng. Ai gọi điện thoại vào giờ nầy?”.
Cầm máy thấy tên Vy và giọng nói từ một nơi xa lắc:
- Xin lỗi đã làm mi mất ngủ. Tao
đang ở phi trường Los, tao quên nói mi mua vé về Đà Nẵng với tao
luôn thể. Tao đi chuyến bay VN… Tối mai tao sẽ quá cảnh ở phi trường Tân Sơn nhất
lúc 8 giờ. Ở đó đến 10 giờ rồi về Đà nẵng luôn. Ngày mai mi mua vé máy bay đi
cùng chuyến với tao luôn nghen. Về Đà nẵng chơi mới đã, ở Sài Gòn chán chết. Nhớ
nghen.
Lam phì cười. Vy bao giờ cũng vậy. Tính Vy lúc nào cũng ào ào, hối hả, nhưng rất
chân tình với bạn bè. Cuộc điện thoại với Vy làm Lam tỉnh hẳn. Chị bật đèn lấy
sách ra đọc. Nỗi vui được gặp lại người bạn thân làm chị thấy nôn nao khó mà ngủ
tiếp. Chỉ còn mỗi chuyện chờ đợi trời sáng chạy ra phòng vé lấy vé đi Đà nẵng tối
mai, cùng chuyến với Vy.
Đứng đợi Vy ở cổng ga đến quốc tế hơn nửa giờ mới thấy Vy đẩy hành lý bước ra.
Vẫn cái dáng cao gầy, nụ cười có duyên, da ngăm đen mà ngày xưa còn đi học Vy vẫn
thường hay ganh tị với Lam, bởi Lam có làn da trắng bóc. Gần như ai đến định cư
ở nước Mỹ cũng thường phát triển về bề ngang bởi bơ sữa, thực phẩm nước nầy.
nhưng Vy thì vẫn y như cũ. Vy thường tự hào về thành tích nầy của mình. Hai người
bạn thân gặp nhau mừng như chưa bao giờ được gặp. Lam hỏi:
-Ông xã mầy khỏe không?
-Ngoài vùng phủ sóng!
Ngỡ mình nghe lầm, Lam hỏi:
-Mầy nói sao?
Vy thản nhiên:
-Thì “ ngoài vùng phủ sóng “ là nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn,
không ai biết gì về ai hết.
Lam không khỏi bàng hoàng
-Ô! Vậy sao! Nhưng lỗi của ai? Còn hai đứa nhỏ ở với ai?
-Thằng chả có bồ nhí. Tao cắt. Hai đứa con tao thì lớn
cả rồi. Chúng nó ở riêng, đâu còn ở với ba mẹ nữa.
Mới gặp nhau đã nghe chuyện buồn. Nhưng xem bề ngoài thì Vy
không có vẻ gì là buồn. Vy vẫn nói chuyện, vẫn cười vô tư trong suốt thời gian
quá cảnh chờ chuyến bay về Đà Nẵng.
***
Nghe tin Vy về, cả nhóm bạn cùng lớp ồn ào kéo nhau tới. Tuy
người nào cũng “U 60 “ cả rồi, nhưng phong cách thì vẫn còn trẻ trung ngỡ như
thời còn đi học. Chưa thấy mặt đã nghe tiếng Thư bô bô:
-Con Vy và con Lam đâu rồi? Chờ mãi giờ mới gặp.
Tiếng Lê lanh chanh:
-Để coi Việt kiều và “ Việt gian “ có gì khác không bây!
Vy nói:
-Tao đây nè. Chả có gì khác. Vẫn “ dung nhan mùa hạ “ *như
thuở nào.Thôi đi ăn mì Quảng đi bây, rồi nói chuyện sau. Tao thèm mì Quảng lắm
rồi. Ở bên Mỹ cũng có mì Quảng nhưng không đúng hương vị như ở xứ mình.
Cả bọn lại ồn ào kéo nhau đi. Vy vừa ăn mì vừa cắn ớt xanh
rôm rốp vừa hít hà:
-Để tao nói chuyện anh chàng Long cho bọn bây nghe.
Linh ngắt lời:
-Có phải Long hồi xưa cô B. hay nhờ chấm bài văn lớp mình
không?
-Và mê Lam nữa chứ!
Kim chen vào.
Vy nói:
-Đúng rồi! Anh chàng ấy ở cùng thành phố với tao. Tình cờ
tao gặp lại chàng trong một lần cộng đồng người Việt mình tổ chức ăn tết. Long
hỏi thăm Lam rất nhiều. Và đặc biệt chú ý đến chi tiết Lam bây giờ đã góa chồng.
Cả bọn ré lên cười:
-Coi bộ muốn nối lại tình xưa rồi tụi bây ơi!
Lam đấm vào lưng Thư:
-Chỉ giỏi nói nhảm. Làm gì có tình xưa mà nối!
Vy nói:
-Cũng có thể lắm chứ! Vì Long bây giờ đang góa vợ!
Tiếng cười của cả bọn làm những người khách trong quán ngoái
cổ lại nhìn. Vy nói:
-Tìm một quán cà phê vườn tán dóc chơi tụi bây. Bọn mình cười
to quá người ta tưởng một đám quý bà hồi xuân chừ!
Quán cà phê vườn nằm trên một con đường yên tĩnh trang trí
theo kiểu cổ. Trân nói:
-Ở đây tha hồ nói chuyện. Những khi buồn tao hay đến đây.
-Mầy mà cũng biết buồn nữa sao?
Linh hỏi, giọng hơi ngạc nhiên. Thật ra Linh cũng có lý do để
hỏi như vậy. Trân có thể nói là người thành đạt nhất trong đám bạn bè cùng lớp.
Giàu có, thành đạt, chồng có chức vụ, con học giỏi. Bạn bè vẫn hay gọi đùa Trân
là “ người được số phận ưu đãi “. Lê nói:
- Thì nhà
giàu cũng khóc mà lỵ!
Quán cà phê vườn đang mở bản nhạc “ Tiếng đàn tôi” của Phạm
Duy. Giọng Khánh Ly trầm buồn: “ Khoan khoan hò ơi, thuyền về đến bến mê rồi,
mang theo đàn tôi…”. Kim lanh chanh:
- Câu nầy phải để con Lê hát cho thầy Hải nghe mới phải: “
Khoan khoan thầy ơi, đừng làm như thế họ cười. Không sao đâu trò ơi, thầy trò
ta biết mà thôi”.
Cả bọn ré lên cười. Lê cũng cười. Chả là vì chồng Lê là thầy
giáo dạy Lê hồi học lớp mười hai. Thầy Hải dạy toán, Lê là một trong những học
sinh giỏi toán của lớp. Không biết có phải vì ỷ mình giỏi toán không mà trong
giờ toán Lê hay đứng dậy nêu thắc mắc rồi tranh luận với thầy. Mỗi lần Lê đứng
dậy thầy Hải lại nhìn đồng hồ rồi nói: “ Tôi chỉ cho em năm phút thôi đấy. “ Có
lẽ thầy bực mình vì sợ mất thời gian vì một đứa học trò hay cãi bướng. Vậy mà
không ai ngờ tình thế lại biến chuyển theo chiều hướng ngược lại, và họ phải
lòng nhau không biết tự lúc nào. Và kết cục chuyện tình bất ngờ ấy là một đám
cưới. Mỗi lần đến thăm Lê, bạn bè lại trêu thầy Hải: “Hồi đó thầy chỉ cho Lê
năm phút, ai dè bây giờ lại cho cả đời.”
Lam chợt ưu tư:
-À, lâu nay có tin gì về con Mai không tụi bây?
Kim nói, giọng chùng xuống:
-Bi thảm lắm, Mai nó bị alzheimer rồi! Nó không còn nhớ ai hết.
Lam và Vy sửng sốt. Vy nói:
-Mới ngoài năm mươi mà đã bị alzheimer rồi sao? Nó vẫn còn ở
Pháp chứ?
Lê nói:
-Thì vẫn ở Pháp. Hai đứa bây ở xa không biết. Năm ngoái nó
có về đây. Chồng nó đưa nó về cho gia đình thăm. Chứ nó thì không còn nhận ra
ai hết, kể cả cha mẹ, anh chị em ruột trong gia đình.
Lam thở dài:
-Gì mà bi kịch dữ vậy. Sống như thế thì cũng như đã chết.
Thư nói:
-Bọn bây còn nhớ Thuần không? Thuần ở Nha Trang từ đó đến giờ.
Nghe nói nó bị tai biến liệt nửa người phải ngồi xe lăn mấy năm nay.
Chuyện Thuần bị tai biến thì Lam có nghe. Hình như Thuần tái
giá sau khi ly hôn với Tuấn. Hai người chung sống với nhau mười năm không có
con, bà mẹ chồng thường lấy cớ đó chưởi rũa Thuần, mặc dù theo Thuần thì lỗi tại
Tuấn. Không chịu nỗi những lời rỉa rói của bà mẹ chồng ít học, Thuần chấp nhận
ly hôn và bỏ vào Nha Trang sống. Hai năm sau, Thuần tái giá và sinh được
một đứa con gái. Thuần nói với bạn bè : “ Để cho bà ấy sáng mắt ra “. Lam không
thân với Thuần nhưng vẫn hỏi thăm tin tức qua bạn bè. Sau khi Thuần lấy chồng,
Tuấn cũng lấy vợ và vẫn vô sinh.
Cả bọn trẩm ngâm hồi lâu. Sau
cùng Vy quyết định:
-Thôi thì bọn mình nên vào Nha Trang thăm Thuần, tiện thể đi
du lịch luôn. Đứa nào đi được giơ tay lên.
Rốt cuộc chỉ có Vy, Lam, Kim và Thư đi. Còn những người khác
ai cũng có công chuyện nầy nọ. Phụ nữ bao giờ cũng có nhiều ràng buộc, đâu dễ sắp
xếp việc nhà để ra đi.
***
Trong số những người đi thăm Thuần, chỉ có Kim là biết nhà Thuần, vì cách đây mấy
năm Kim có đi thăm Thuần một lần, lúc đó Thuần mới bị tai biến. Lâu quá Kim
cũng quên mất đường sá, phần vì Thuần ở một vùng quê cách thành phố Nha Trang đến
ba chục cây số nên chiếc xe taxi phải dừng lại mấy lần để Kim hỏi thăm đường, mặc
dù Kim đã điện thoại liên lạc với Hòa – chồng Thuần. Cuối cùng cả bọn cũng đến
được nhà Thuần. Ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, nhỏ bé nằm lọt thỏm trong một vườn
cây. Ấn tượng đầu tiên khi nhóm bạn bước vào sân nhà là hai con chó dữ nhảy xổ
ra sủa inh ỏi. Lam vốn là người sợ chó nhất trong nhóm vì hồi nhỏ Lam đã bị chó
cắn một lần, Thấy mặt Lam tái xanh như tàu lá một cô bé vội vàng vung gậy đuổi
chó ra nhà sau. Sau nầy Lam mới biết đó là con gái Thuần, cô bé tên Ly, mới mười
bảy tuổi, đang học lớp mười một. Ly nói sở dĩ nuôi chó dữ là vì mẹ thường xuyên
nằm nhà một mình những khi Ly đi học và ba đi làm. Chồng Thuần đang đi làm bảo
vệ cho một công ty sản xuất, gọi điện bảo sẽ về sau ít phút. Cả bọn bước vào
phòng khách đã thấy một bà già ngồi trên xe lăn, mặt gục xuống tận ngực. Thật
lòng Lam vẫn không biết người ngồi trước mặt mình là Thuần, Lam cứ tưởng một bà
già nào đó trong nhà. Lam hỏi một câu ngớ ngẩn:
-Thuần đâu?
Kim bấm tay Lam nói nhỏ:
-Thuần đó!
Lam bàng hoàng sửng sốt. Thuần đó ư? Người bạn gái ngày xưa
có mái tóc thề óng ả, làn da hồng hào khỏe mạnh, bây giờ già như một bà lão
trên bảy mươi, khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ, đầu luôn cúi xuống gục
trên ngực. Quần áo vì thiếu người chăm sóc nên bốc ra một mùi hôi của người bệnh
lâu ngày nằm một chỗ. Cả bọn phải ngồi xuống nền nhàThuần mới nhìn thấy mặt được.
Thuần chỉ nhận ra mỗi mình Kim, vì Kim là bạn thân nhất, vả lại Kim cũng có một
lần tới thăm sau khi Thuần bị bệnh. Kim hỏi:
-Thuần có nhận ra những ai đây không?
Thuần khó nhọc lắc đầu:
-Không, không biết.
Vừa nói Thuần vừa hổn hển thở, đôi mắt ngơ ngác vô hồn. Kim
lấy khăn lau mặt cho Thuần:
-Cố nhớ lại đi Thuần. Đây là Vy- vừa ở Mỹ về, đây là Lam- ở
Sài gòn ra. Còn đây là Thư ở Đà nẵng. Tất cả đều học cùng lớp với Thuần hồi phổ
thông đó.
Im lặng một hồi, rồi như có
bàn tay vô hình vén bức màn ký ức trong cái đầu hỗn mang mờ mịt của Thuần, Thuần
cười, miệng méo xệch trông thật thảm hại:
-Mình nhớ rồi! các bạn cùng lớp đây mà.
Nói xong, những dòng nước mắt cũng lăn dài trên đôi má nhăn
nheo. Cả bốn người bạn không ai cầm được nước mắt. Vừa lúc đó Hòa – chồng Thuần
cũng vừa về. Anh kể chuyện Thuần bệnh cũng đã được năm năm. Hồi đầu gia đình
cũng chạy chữa nhiều nơi, nhưng rồi bệnh càng ngày càng nặng, đành đem về nhà cầm
cự qua ngày. Anh phải làm đến hai ca bảo vệ để có đồng lương khả dĩ lo thuốc
men cho vợ và nuôi con. Hai ca mỗi ngày, có nghĩa là mất mười tám tiếng ở công
ty. Anh thường về nhà vào lúc bốn giờ sáng. Anh kể - giọng buồn buồn:
-Mười tám tiếng làm việc ở cơ
quan mệt phờ người nhưng khi về thấy cô ấy đi vệ sinh bê bêt trên giường, con
gái thì đang tuổi ăn tuổi ngủ, tôi đành phải xắn tay áo lo dọn dẹp. Mất cả giờ
đâu vào đấy xong mới ngả lưng được vài tiếng, rồi lại lao vào bếp nấu nướng trước
khi đến công ty để thay ca.
Lam thấy vừa xót xa, vừa khâm
phục Hòa. Nếu như Thuần không có người chồng như Hòa, không biết thân phận Thuần
sẽ như thế nào. Nghe Kim nói khi Thuần mới bị bệnh, Hòa đã đẩy xe lăn cho Thuần
đến giáo đường, đứng trước tượng Chúa mà thề sẽ suốt đời lo cho Thuần. Câu chuyện
đẹp như chuyện cổ tích thời hiện đại. Tôn giáo, nếu đúng nghĩa, cũng có ích cho
cuộc đời biết bao! Nghe Lam thắc mắc hỏi vì sao đầu Thuần lại cúi gục trên ngực
như vậy. Hòa nói:
- Cô ấy có vấn
đề về cột sống. Như bây giờ là khá rồi đấy. Có nhiều hôm đầu Thuần gục xuống tận
bụng, tội lắm.
Bốn người bạn lại ra đi sau
khi quyên góp cho Thuần một số tiền. Hòa thay mặt vợ cảm ơn và đưa bạn ra cổng.
Nhìn cái cảnh Thuần ngồi trên xe lăn, đầu gục xuống vẫy bàn tay khều khào chào
mọi người, Lam quay đi chùi nước mắt.
Đêm hôm ấy cả bọn kéo nhau ra
biển. Không ai còn vui đùa ồn ào như hôm mới gặp nhau nữa. Ai cũng trầm tư theo
đuổi những ý nghĩ riêng tư. Lam thở dài trong tiếng sóng vỗ miên man vào bờ cát
trắng, chợt nghĩ thân phận con người thật mong manh như hạt bụi và không khỏi
xót xa trước số phận của Thuần, của Mai – những con người đang kéo dài cuộc sống
trong cõi chết!
VƯƠNG HOÀI UYÊN
*Tên một bài hát thịnh hành trước 1975