Một người bạn tôi ở Châu Âu mới viết thư, bàn chuyện ông Tổng Thống Rodrigo
Duterte qua Tàu. Ông báo tin: “Một tờ báo Pháp viết: Trung Hoa vừa mua Phi Luật
Tân. Như đã mua hải cảng Hy Lạp, phi trường Pháp và các đại công ty Âu Châu.”
Tôi đã góp ý ngay với ông bạn: “Mua một nước khó lắm, khi dân chúng nước đó
có quyền bỏ phiếu thay đổi người cầm quyền!”
Ông bạn tôi giải thích thêm, rằng “Mua” chỉ là một cách nói bóng gió, “Cố
nhiên không phải như ta mua đôi giầy.”
Ðồng ý, ai cũng hiểu rằng mua giầy, mua bánh tét, cho tới mua hải cảng, phi
trường hoặc mua các đại công ty, trong bản chất, khác hiện tượng mua một nước.
Hồi xưa, có công ty Nhật Bản mua khu Rockefeller Center và hãng Universal
Studios ở Mỹ, nhiều dân bản xứ cũng hoảng hốt. Tại sao lại để cho người ngoại
quốc mua những “di sản quý giá” của thành phố New York và của nước Mỹ như vậy?
Mươi năm sau, các ông chủ Nhật lại rao bán, vì làm ăn không có lời; lúc đó đa
số đã quên. Gần đây, khi một công ty rượu bia ở nước Bỉ mua hãng bia lớn nhất ở
Mỹ, chẳng ai kêu rên gì cả, kể cả dân nhậu. Hãng xe Volvo của Thụy Ðiển đã được
bán cho chủ nhân mới người Trung Quốc. Nếu không vì lý do an ninh, quốc phòng,
các công ty thương mại được mua đi bán lại từ tay người nước này sang người nước
khác rất tự nhiên trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa. Nếu Baidu (Tàu) đòi mua
Yahoo hay Google (Mỹ) chắc vấn đề an ninh sẽ được đặt ra. Nhưng nếu họ mua hãng
Coca Cola hay các tiệm ăn McDonald thì có thể được thông qua lắm!
Nhưng mua một nước là thế nào? Mình có thể đồng ý với nhau rằng chuyện này
lớn, lớn hơn việc mua tài sản hoặc doanh nghiệp rất nhiều! Nó không nằm trong
phạm vi thương mại nữa, mà thành chính trị. Chắc nó bao hàm ý tưởng về chủ
quyền. Một nước bị bán nghĩa là quyền quyết định của quốc gia bị mất vào tay
người mua, ít nhất trong một số vấn đề trọng yếu.
Nếu ông Duterte công nhận Trung Quốc làm chủ vùng Scarborough Shoal cho thì
chắc người Phi sẽ nói rằng ông “bán nước.” Giống như khi các ông Hồ Chí Minh và
Phạm Văn Ðồng đồng ý với bản tuyên bố về hải phận của Chu Ân Lai, trong đó ông
ta xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc nước Tàu.
Nhưng một nước có thể bị đem bán mà không cần nói đến chủ quyền. Thí dụ, nếu
chính phủ Philippines để cho Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn trên nền kinh tế, trong
việc quốc phòng, chính sách ngoại giao, vân vân, thì cũng có thể nói nước này
đã bị bán rồi. Tờ báo Pháp chắc có ý dùng “nghĩa bóng” như vậy, khi thấy ông
Duterte lớn tiếng “bye bye” nước Mỹ và công nhận chỉ có Trung Quốc là bạn tốt;
sau khi ông Obama chỉ trích việc ông Duterte cho giết hàng ngàn người tình nghi
ma túy không cần đưa ra tòa, mà ông Tập Cận Bình không nói câu nào cả.
Nhưng liệu một ông tổng thống Philippines có thể “bán” nước ông hay không? –
chữ “bán” hiểu theo nghĩa bóng.
Tôi đã góp ý kiến với bạn tôi, rằng việc mua nước Philippines rất khó. Vì
dân nước này có quyền bỏ phiếu, họ có thể thay đổi chính phủ. Một ông tổng
thống có thể “bán nước Phi” nhưng nếu đa số dân Phi không chịu thì Quốc Hội Phi
sẽ ngăn cản. Nếu cần, sẽ kiện ra tòa, mà tòa án độc lập với ông tổng thống. Mai
mốt họ sẽ bầu cho một vị tổng thống khác, thay đổi đường lối để có lợi cho quốc
gia.
Ông bạn tôi đồng ý như vậy, nhưng vẫn dè dặt viết: “Hy vọng cử tri Phi thông
minh. Nhưng điều đó không có gì bảo đảm. Cử tri thường thường ngu dốt, kể cả ở
những nước gọi là tiến bộ…”
Tới đây thì chúng ta đụng tới một đề tài quan trọng: chế độ dân chủ. Có thể
tin rằng đa số người dân một nước sẽ chọn đúng những người lãnh đạo để mang lại
lợi ích và hạnh phúc cho dân hay không?
Nói giản dị, “Chúng ta có tin tưởng vào thể chế dân chủ hay không?”
Ông bạn tôi tin tưởng, ông nhắc lại lời của Thủ Tướng Anh Winston Churchill.
Churchill không nhận ông là người đầu tiên phát biểu ý kiến đó, thuật nhi bất
tác. Ông nói tại Viện Dân Biểu (Hạ Viện) Anh Quốc ngày 11 tháng 11 năm 1947:
“Không ai nghĩ rằng chế độ dân chủ là hoàn hảo và lúc nào cũng đúng. Thực ra,
có người đã nói dân chủ là hình thức chính quyền tồi tệ nhất, nếu không kể
những chế độ khác đã lâu lâu đem thử…” (No one pretends that democracy is
perfect or all-wise. Indeed it has been said that democracy is the worst form
of Government except for all those other forms that have been tried from time
to time…” (Theo ông ghi lại trong cuốn Churchill by Himself).
Có thể tin vào Churchill hay không? Dân Chủ bao hàm một niềm tin: “Hy vọng
cử tri Philippines thông minh.” Nền tảng của thể chế dân chủ là mối hy vọng đó.
Thể chế này trao quyền lựa chọn vào tay dân chúng. Nhưng ai cũng biết loài
người không phải ai cũng thông minh như nhau. Ngay cả khi ai cũng thông minh cả
thì vẫn không chắc họ sẽ đồng ý với nhau về các quyết định ảnh hưởng tới cuộc
sống chung, để cùng lựa chọn cho đúng. Ðó là số phận chung của nhân loại. Lời
thật mất lòng, người ta có thể nói nặng hơn, “Cử tri thường thường ngu dốt, kể
cả ở những nước gọi là tiến bộ…”
Nhưng tại sao nhiều người, như Churchill, vẫn thấy rằng chế độ dân chủ “đỡ
tệ hại” hơn cả? Vì họ tin rằng dù có nhiều người kém thông minh, nhưng đa số cử
tri trong một nước biết họ muốn cái gì, biết ai có khả năng đáp trúng điều họ
muốn. Nhờ thế, họ sẽ lựa chọn đúng.
Nếu đa số cử tri nhìn sai và chọn sai thì sao? Như Churchill nói trong câu
trên, “Không ai nghĩ rằng chế độ dân chủ lúc nào cũng (chọn lựa) đúng.” Phải
ghi thêm vào lời mở đầu Hiến Pháp các nước câu này: Ða số người dân có quyền
chọn lựa sai! Viết rõ một quyền hiến định như vậy, để khỏi phải nghe lời lèm
bèm trách móc! Nhưng nếu đa số dân lại là những người “kém thông minh” và họ
chọn sai, thì những người thuộc phía thiểu số phải gánh các tai họa một cách
oan uổng! Trong cuộc bầu cử ở Philippines, Tháng Năm 2014, ông Duterte được
14.8 triệu phiếu, của 54 triệu người đi bầu. Ông ta chỉ chiếm một đa số 39%.
Ứng cử viên đứng hạng nhì là ông Mar Roxas, cháu nội một vị tổng thống
Philippines và từng làm bộ trưởng nội vụ, được 8.6 triệu phiếu. Khi nghe tin
thất cử, ông Roxas nói với ban vận động và các cử tri ủng hộ mình: “Trong phòng
nhiều người khóc quá! Tôi xin thưa với các bạn, đây không phải là lúc khóc.
Ðiều đáng vui là đất nước chúng ta mới trải qua một cuộc chuyển giao quyền hành
thành công trong hòa bình!” Còn ông Duterte khi nghe tin đắc cử cũng nói: “Tôi
xin chấp nhận sứ mạng mà nhân dân trao cho, với lòng khiêm tốn, cực kỳ khiêm
tốn.”
Chỉ được 39% số phiếu ủng hộ, nhưng ông Duterte vẫn nhân danh tất cả “nhân
dân.” Vì đó là “luật chơi dân chủ.” Những cử tri ủng hộ ông Roxas và bốn ứng cử
viên khác phải chấp nhận vị tổng thống sắp lên cầm quyền chỉ có thể là ông
Duterte. Vì họ chấp nhận “luật chơi dân chủ.” Dân Chủ chỉ bao gồm những luật
giao đấu để quyết định xem ai sẽ nắm quyền cai trị. Nếu ông Duterte được đa số
cử tri, thí dụ 39%, chọn mà không ứng cử viên nào được nhiều hơn, thì 100 triệu
dân Phi phải chấp nhận ông là vị tổng thống mới.
Nay ví thử 39% đó chọn sai, gần 15 triệu người “kém thông minh” quyết định sai
làm hại cả nước, thì tính sao? Ðúng “luật chơi dân chủ” thì chỉ có cách chờ kỳ
bầu cử sắp tới! Nhưng chế độ dân chủ thiết lập những định chế để, trong khi chờ
đợi, người nắm quyền không thể làm hại đất nước… quá đáng! Nguyên tắc tam quyền
phân lập, cân bằng và kiểm soát, là những thứ bảo đảm đó.
Churchill cũng nói đến chuyện này ở Quốc Hội Anh, ngày 23 Tháng Năm, năm
1909: “Nếu cần tóm tắt tương lai chính trị của chế độ dân chủ trong một chữ
thôi, thì tôi sẽ dùng chữ ‘bảo hiểm’!”
Bảo hiểm nghĩa là, thí dụ, nếu cửa hàng bị cháy thì sẽ có công ty bảo hiểm
đền bù lại số tổn thất của mình; hoặc nếu bị bệnh thì sẽ có trả tiền thuốc
thang chữa trị cho mình. Chỉ phải chờ đợi để “làm thủ tục.” Nếu 39% cử tri làm
cả nước bị bệnh thì đã có Quốc Hội, có ngành tư pháp độc lập bảo đảm bệnh không
đến nỗi chết; quyền tự do bỏ phiếu bảo đảm sẽ có thuốc chữa!
Cuối cùng, chúng ta có thể tin ở chế độ dân chủ dù đó là một chế độ rất táo
bạo, có thể nói “liều mạng,” khi trao quyền quyết định chung cả nước vào trong
tay những người dân vô danh, lúc nhúc, láo nháo ngoài kia, không biết họ có “đủ
thông minh” để tự quyết định hay không!
Xin trở lại với ông Churchill lần nữa. Ngày 8 Tháng Mười Hai năm 1944, ông
nói ở Hạ Viện Anh khi giải thích thế nào là dân chủ: “Ý nghĩ của tôi là một
người bình thường, nuôi vợ, nuôi con, khi đất nước cần thì đi lính bảo vệ tổ
quốc, và đến kỳ bầu cử thì tới thùng phiếu, đánh dấu gạch chéo bên cạnh tên ứng
cử viên mình muốn bầu vào Quốc Hội. Con người đó là nền tảng của Dân Chủ. Và
điều thiết yếu cho nền tảng đó là người đàn ông hay người đàn bà này đi bỏ
phiếu mà không sợ hãi, không bị ai dọa nạt hay ép buộc… họ đánh dấu trên lá
phiếu ở nơi hoàn toàn bí mật.”
Những con người bình thường đó ở nước Philippines, khi sử dụng quyền bỏ
phiếu tự do, sẽ bảo đảm không để một chính quyền nào “bán” nước họ cho bất cứ
ngoại bang nào! Người Việt Nam hiện nay chưa được hưởng cái quyền đơn giản đó!
Ngô Nhân
Dụng