Nhạc sĩ Bob Dylan
À la surprise générale, le prix est allé au chanteur et parolier
Américain… (Sara Danius)
Ngày 13 tháng 10 vừa qua, thư ký viện Hàn lâm Thuỵ Điển, bà Sara Danius đã
xướng tên người đoạt giải Nobel văn học 2016: Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Mỹ, Bob Dylan.
Sự lựa chọn ấy, trước tiên mang đến niềm kinh ngạc lớn, bởi người ta vẫn ngỡ
những tên tuổi văn nhân thi sĩ sẽ tiếp tục, theo truyền thống, bước lên đỉnh
cao danh vọng. Trong phần phát biểu của bà Sara Danius: Chúng tôi vẫn nhìn Bob
Dylan qua hình ảnh một nhà thơ lớn.
Bob Dylan, sinh năm 1941, 75 tuổi, đã làm lu mờ những ứng cử viên nặng ký
khác: Nhà văn người Kenyan Ngugi wa Thiong’o (78 tuổi). Nhà văn Mỹ Don Delillo
(79 tuổi). Nhà văn Nhật Haruki Murakami (67 tuổi).
Có người thắc mắc: Điều gì đã xẩy tới ở năm 2016? Chúng ta làm sao dịch được
các tác phẩm Nobel văn học? Thắc mắc chẳng có ai hưởng ứng mặc dù sự tranh cãi
vẫn âm ỉ dấy lên đâu đó. Kẻ tán đồng người bất ưng. Đại diện cho phía luôn vỗ
tay có nhà văn sừng sỏ Salman Rushdie, ông nói đó là sự chọn lựa đúng đắn, nên
tán dương quyết định trao giải kia. Ở phe thất vọng xì xầm ra tiếng đùa: Mọi
thứ có vẻ như “Blowin’ in the wind” (tên một bài ca lẫy lừng của Bob Dylan).
Như vậy, ở bộ môn thi ca và tiểu thuyết lần này phải chịu lép vế bởi lời ca
tiếng hát có chất giọng khàn đục của chàng nghệ sĩ Bob Dylan. Người mà dân
chúng ở Việt Nam có thời ngưỡng mộ và họ đánh đồng Trịnh Công Sơn là một Bob
Dylan thứ hai.
Gia tài của Bob Dylan rất đồ sộ, hình thành sau mỗi thời lang bạt sang tận
London (cái nôi của mỗi loại thể nhạc mà điển hình là Rock bất tử) qua Paris
rồi đặt dấu chân xuyên suốt bề rộng lãnh thổ Hoa Kỳ. Tên Bob Dylan gắn liền với
“Blowin’ in the wind” (viết năm 1963) “Like a Rolling Stone” (1965) và
“Knockin’ on Heaven’s Door” (1973). Đã thống lĩnh thị trường âm nhạc cả thời
gian dài. Và như thế, chúng ta dễ thông cảm với thứ ý kiến nông nổi khi cho
rằng đọc một cuốn sách có giá trị bạn không tài nào đón nhận được thứ cảm giác
xiêu đổ do âm nhạc mang lại. Truyện của Haruki Murakami chỉ thu phục cảm tình
của thiểu số trong khi ca từ và nhạc của Bob Dylan đã khiến cả thế giới phải
chao lòng, nức nở khi lắng nghe.
Mỗi người một ý, bao tử người này không hợp bụng người kia. Và suy cho cùng,
kết quả cuối sau khi thẩm định vẫn luôn để lại một thứ gần như chẳng toàn bích.
Thi hoa hậu lắm cô đẹp người đẹp nết vẫn bị đánh hỏng trong đêm chung kết luôn
là chuyện thường hằng. Đã trao vương miện rồi, đã xướng tên rồi mà bắt gặp
người đẹp đứng hút thuốc, quy kết nhân thân xấu thì… xôi hỏng bỏng không, có
muốn làm á hậu cũng bù trất. Ở Việt Nam, có “người xấu” nói rằng: Thế giới có
giải Nobel thì nước ta cũng nên lập thành giải Nô Bút, văn đàn sẽ có biết cơ
man nào là tác phẩm gửi dự thi.
Chuyện mới và chuyện không đùa, là cả thế giới đang lên án hành động lạc hậu
của nhà cầm quyền ma-dzê in Việt Nam khi bắt đi bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Loài
người tiến bộ lớn tiếng yêu cầu bọn chuyên chế kia hãy thả bà mẹ có hai con thơ
tay yếu chân mềm ấy ra khỏi ngục tù tăm tối. Một thể chế như vậy, một xã hội
như thế làm sao đẻ ra được một nhà văn mơ mòng có ngày lãnh giải Nobel văn học.
Nô Bút thì ô kê.
Một loại quần thần lơ láo, một đàn cừu quẩn quanh sau hàng rào. Một điều nhỏ
bé thôi, như cách nhà văn F. Scott Fitzgerald nhắn nhủ, suốt đời họ chẳng thực
hiện được: “You don’t write because you want to say something… you write
because you have something to say”. Nói lên sự thật, không dám. Viết ra cảnh
địa ngục, ngòi viết uốn cong. Xin trích lại ở đây đôi lời trong bài ca Blowin’
in the wind nổi tiếng của người vừa đoạt giải Nobel:
how many times must a man look up
before he can see the sky?
…
how many ears must one man have
before he can hear people cry?
…
how many deaths will it take till he knows
that too many people have died?
the answer, my friend, is blowin’ in the wind.
Tôi biết, những lời tôi viết, rồi cũng sẽ để gió cuốn bay.
Hồ Đình Nghiêm