Một cô thanh niên xung phong bị phát hiện đang lén lút làm cái việc “tự
sướng” bên con suối nhỏ sâu trong rừng.
Suốt ba đêm liền, từ sau bữa ăn tối cho đến gần sáng, cô bị đồng chí của mình,
toàn nữ, kiểm điểm gay gắt và không ngớt lời sỉ vả. “Ghê tởm, thật ghê tởm!” “Một
biểu hiện suy đồi đạo đức!” "Một hành động bêu xấu hình ảnh người chiến sĩ
cách mạng, đi ngược với lý tưởng và lối sống cách mạng tốt đẹp!” “Xử bắn con đĩ
tư sản thối nát ấy đi!”. Vân vân... Sang ngày thứ tư, không chờ đồng đội xử bắn,
“con đĩ tư sản thối nát” ấy đã treo cổ tự tử trên cành cây bị bom chặt đứt một
nửa.
Chủ trì và cũng lớn tiếng sỉ vả nhất trong ba đêm đấu tố ấy, là cô Duyên. Đơn
giản vì cô là đội trưởng đội thanh niên xung phong ấy. Duyên là người làng tôi,
thậm chí suýt thành chị dâu, nếu anh trai con ông bác tôi không hy sinh ở Quảng
Trị năm 68. Tự cô kể tôi nghe chuyện này khi hết chiến tranh trở về nhà.
“Tội nghiệp nó! Người ta bảo thì bọn chị phải làm thế chứ thương lắm!” cô nói,
rơm rớm nước mắt. “Khối đứa như nó. Chị biết”.
“Cả chị?” tôi hỏi.
Ngập ngừng một lúc, chị nói, giọng thách thức: “Thì sao? Chị không là người chắc?
Cả bầy con gái thui thủi một mình trong rừng không một mống đàn ông suốt mấy
năm trời! Đơn vị chị thì không, nhưng nghe nói ở Đrao, Tây Nguyên, có mấy chục
đứa phát cuồng, lúc ôm nhau cười mãi không thôi, lúc xé hết quần áo kéo chạy tồng
ngồng gữa rừng như những con điên. Mắt chị lại rưng rưng.
Về làng được bốn năm, do lỡ thì, và cũng do chẳng còn đàn ông nào nữa mà lấy,
chị Duyên xuống tóc đi tu, ở ngay Chùa Mít bên sông Bùng. Vợ chồng bác tôi
thương lắm, nhưng chẳng can ngăn. Trong thâm tâm hai cụ vẫn coi chị là con dâu.
Có người nói chị bị ai đó trên tỉnh lừa tình. Chuyện này thì tôi không rõ, mà
cũng chẳng quan trọng. Tôi chỉ thấy ngỡ ngàng, thậm chí đau nhói trong ngực khi
hình dung chị dâu hụt của tôi, - một người xinh đẹp, yêu đời, từng nhiều năm
làm đội trưởng đội văn nghệ xã, - lại tự nguyện giam mình trong ngôi chùa hiu
quạnh, đổ nát, với bộ quần áo màu nâu nhà Phật. Mấy ngày sau, tôi đến tìm chị,
định hỏi cho ra chuyện, nhưng tôi đã không vào chùa khi đứng từ xa nhìn thấy chị
đang thẫn thờ đưa chổi quét đi quét lại cái sân vốn đã sạch.
Lặng lẽ ra về, tôi cố lý giải mà không lý giải nỗi cái gì đã biến một cô gái
tươi vui, hồn nhiên, tràn trề hạnh phúc và xứng đáng được hưởng hạnh phúc thành
một người yếm thế, bất hạnh như vậy.
Chiến tranh? Phải chăng đây là cái giá của chiến tranh?
Bẵng đi nhiều năm, tôi lại vào chùa Mít. Nó vẫn thế. Hai cây nhãn trước chùa vẫn
thế, và vẫn thế, chúng không chịu cho quả.
Đang vắng người, tôi vào thẳng phòng riêng sư trụ trì, sư thầy Đàm Duyên. Sư thầy
chứ không phải sư cô như ngày nào.
“Chào chị Duyên,” tôi lên tiếng, không hiểu sao còn cố tình nói to.
“Mô phật. Xin xưng hô với kẻ tu hành này theo đúng cách của nhà phật. Chào
chú.”
Đứng chắp tay trước mặt tôi, đầu hơi cúi, là một bà già nhỏ bé, khô đét và
không còn tí dấu vết nào của chị Duyên ngày xưa cũng như sư cô Đàm Duyên sau đó
tôi gặp. Nét mặt bà không chỉ vô cảm mà bất động như được nặn bằng sáp. Cái đầu
trọc bóng loáng cũng có lớp sáp nhờn nhợt ấy. Bất giác, tôi chợt nghĩ: “Nếu
không trọc, không biết tóc chị sẽ bạc đến đâu?”
“Chị khỏe chứ?”
“Mô phật.”
“Người ta nói nay mai chùa Mít bị đập bỏ để xây đường lớn lên Đô Lương và sang
Lào?”
“Mô phật,” và chị khẽ cúi đầu.
“Thế chị và mọi người đi đâu?”
Sư thầy Đàm Duyên không đáp. Chất sáp trên mặt và cái đầu trọc của bà càng trở
nên rõ nét hơn. Hình như bà đang khóc, dù đôi mắt sâu vô hồn vẫn ráo hoảnh.
Lát sau tôi bỏ về, vô cớ hậm hực với ngôi chùa tội nghiệp sắp bị phá bỏ, với
hai cây nhãn xum xuê mà không chịu cho quả. Với cả chính tôi vì mãi vẫn lấn cấn
tìm lời giải thích cho số phận chị dâu mình và những người như chị.
Chiến tranh! Ừ, chiến tranh! Tiên sư thằng chiến tranh!
Tôi thấy có cái gì nghèn nghẹn trong cuống họng, muốn văng tục chửi ai đó, đập
phá cái gì đó mà không được. Chửi cái thằng gây ra chiến tranh chẳng hạn. Tiên
sư thằng gây ra chiến tranh!
Đừng nói với tôi về chiến tranh bảo vệ tổ quốc và chính nghĩa. Tôi đã đủ khôn lớn
để hiểu rằng cái cuộc chiến tranh ấy, nếu quả là bảo vệ tổ quốc và chính nghĩa
như người ta nói, cũng chẳng là gì nếu nó là thủ phạm của hàng triệu cái chết
dân Việt, hàng chục triệu cuộc chia ly đau đớn, thủ phạm của một sự đảo lộn triệt
để các giá trị truyền thống dân tộc. Nó trở thành nhảm nhí khi vì nó các cô gái
của chúng ta phải “tự sướng” và tự treo cổ, khi một người trẻ trung, tươi vui
và tràn trề nhựa sống như chị Duyên của tôi phải biến thành một hình sáp vô hồn.
“Ừ, mà nếu không cạo đầu, tóc của chị sẽ bạc đến đâu nhỉ?”
Thái Bá Tân